Giống như thầy Dung, ông Trịnh Thọt là nhân vật quan trọng giúp tôi hoàn thành câu chuyện này. Trước khi hỏi chuyện thầy Dung, tôi đã hỏi chuyện ông, đồng thời tạo được quan hệ bạn bè thân thiết với ông. Lúc bấy giờ ông đã sáu mươi tuổi, da thịt nhăn nheo, giơ cả xương, cho nên thọt càng rõ thọt hơn, không thể giải quyết vấn đề bằng cái đế giày, đành chống gậy. Có người nói, ông chống gậy trông có vẻ oai hơn, nhưng tôi nghĩ, cái vẻ oai không ở cái gậy, mà ở chức vụ của ông. Hồi mới quen nhau, ông là nhân vật hàng đầu của cơ quan 701, là Cục trưởng. Một người làm đến chức vụ ấy không ai dám gọi là Thọt, cho dù có ai gọi ông cũng không chấp, với lại làm đến chức vụ ấy, đã có chức danh, lại lớn tuổi, cũng sẽ có nhiều cách xưng hô.
Cục trưởng.
Thủ trưởng.
Sếp.
Ông Trịnh.
Bây giờ mọi người đều xưng hô với ông như thế, tuỳ cách, tuỳ người. Có điều bản thân ông vẫn tự trào mình là Cục trưởng chống gậy. Nói thật, cho đến nay tôi cũng không biết ông tên gì, bởi ông có nhiều cách gọi, thông thường, tôn trọng, biệt danh, rất nhiều, tên trở nên thừa, lâu không dùng, tự động biến mất. Tất nhiên, với thân phận của tôi, tôi chỉ dám gọi một cách tôn trọng, đó là Cục trưởng Trịnh.
Cục trưởng Trịnh.
Cục trưởng Trịnh.
Bây giờ tôi nói về những bí mật của Cục trưởng Trịnh. Ông có bảy số điện thoại, nhiều như tên gọi của ông. Ông cho tôi hai số, như vậy cũng đủ dùng, một số gọi cho thư kí của ông, gọi lúc nào cũng có người nghe. Ấy là, có thể khẳng định Cục trưởng nghe thấy tiếng tôi, còn tôi có thể nghe thấy tiếng ông hay không, còn phải trông chờ may rủi.
Sau khi nói chuyện với thầy Dung, tôi gọi vào hai số máy của Cục trưởng Trịnh, một máy không người nghe, một máy bảo tôi chờ giây lát, tức là còn xem may rủi của tôi. Rất may, tôi nghe được tiếng Cục trưởng Trịnh, ông hỏi tôi có chuyện gì, tôi bảo, hiện tại trong trường đại học N đang có dư luận Dung Kim Trân là người có công trong việc làm ra hai trái bom nguyên tử. Ông hỏi tôi, nói như vậy có ý gì. Tôi nói, Kim Trân công trạng hiển hách, nhưng bởi làm một việc bí mật, nên công trạng của Kim Trân bị mọi người đồn thổi, trở thành có công làm ra bom nguyên tử. Bất ngờ, đầu kia đường dây là một giọng nói bực tức, nói với tôi một thôi dài:
“Tôi không thấy như thế. Chả nhẽ chỉ dựa vào một trái bom nguyên tử để có thể thắng được một cuộc chiến tranh hay sao? Bom nguyên tử tượng trưng cho sức mạnh quốc gia, là bình hoa cho mọi người thấy, còn việc Kim Trân làm là xem người khác, từ trong gió nghe nhịp tim người khác, tìm kiếm bí mật người khác giấu kín. Chỉ có biết người biết ta mới bách chiến bất bại, cho nên, theo tôi, từ góc độ quân sự, việc Kim Trân làm có ý nghĩa hơn cả việc làm ra bom nguyên tử.”
Việc Kim Trân làm là hoá giải mật mã.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Sự nghiệp giải mã là sự nghiệp của một thiên tài nỗ lực nghiền ngẫm nghiên cứu, là một thiên tài trái tim, là cuộc chém giết, đấu đá cao cấp nhất của người đàn ông. Sự câu kết bí ẩn và âm thầm ấy đã tập hợp được mọi tinh hoa của loài người, không phải vì điều gì khác mà là phỏng đoán bí mật, diễn dịch mấy con số Ả rập đơn giản. Nghe ra có vẻ rất vui, giống một trò chơi, nhưng anh minh của loài người bị cái trò chơi này giày vò cho chết đi sống lại.
Cái ghê gớm của mật mã là ở chỗ này.
Cái bi ai của những người giải mã cũng ở chỗ này. Trong lịch sử nhân loại, không nghi ngờ gì nữa, chôn vùi nhiều thiên tài nhất chính là giới giải mã. Nói một cách khác, có thể chôn vùi từng người, thậm chí từng thế hệ thiên tài, trên đời này chỉ có cái mật mã đáng chết, nó giam giữ hàng loạt người tài giỏi của nhân loại không phải để sử dụng tài năng của họ, mà để giết chết họ, chôn vùi họ. Cho nên, người ta bảo giải mã là sự nghiệp tàn khốc nhất loài người.
Buổi sáng mùa hè năm 1956, Kim Trân ngồi xe rời trường đại học N vào lúc mờ sáng, cậu không biết con người có cử chỉ ngạo mạn ngồi bên cạnh là ai, đã gắn kết cuộc đời của cậu vào sự nghiệp mật mã tàn khốc và bí mật mà không thể nào đảo ngược nổi. Cậu cũng không biết, con người bị sinh viên đại học N chế nhạo là anh thọt nhảy múa dưới mưa lại là người đứng đầu một cơ quan tuyệt mật, là trưởng phòng giải mã của đơn vị 701 hết sức đặc biệt. Nói một cách khác, từ đấy về sau anh ta là người lãnh đạo trực tiếp Kim Trân. Xe chạy, lãnh đạo muốn nói chuyện với thuộc cấp, nhưng có thể vì nỗi buồn chia li, thuộc cấp không nói năng gì. Xe chạy trong ánh đèn sáng trắng, có cảm giác bí ẩn, chẳng lành.
Xe chạy ra khỏi thành phố trong ánh bình minh, chạy nhanh trên quốc lộ, Kim Trân cảnh giác nhìn chung quanh, cậu nghĩ không phải thành phố này, thành phố này hòm thư số 36, tại sao phải chạy lên quốc lộ? Tuy tối hôm qua, Trịnh Thọt đưa Kim Trân đi làm thủ tục điều động, xe cứ chạy vòng vo, phải đến hơn chục phút thậm chí có lúc cậu buộc phải đeo kính chắn sáng, coi như bị bịt mắt, nhưng dựa vào cảm giác, Kim Trân tin rằng xe chưa ra khỏi thành phố. Lúc này xe phóng vù vù trên quốc lộ, cảm giác phải đi một nơi thật xa, cậu nóng lòng hỏi thăm.
“Chúng ta đi đâu?”
“Về đơn vị.”
“Ở đâu?”
“Không biết.”
“Không phải đến cái nơi hôm qua à?”
“Cậu biết nơi hôm qua là đâu?”
“Chắc chắn là trong thành phố.”
“Nhưng…”
“Không nhưng gì hết. Hãy nhắc lại lời thề.”
“Nơi ở, những điều nghe thấy, đều thuộc bí mật, không được nói với bất cứ ai.”
“Nghe đây, phải nhớ lấy nó, từ nay về sau những gì cậu nghe thấy đều tuyệt mật.”
Trời tối, xe vẫn tiếp tục chạy. Phía trước đã thoáng thấy ánh đèn, chừng như một thành phố không lớn không bé, Kim Trân quan sát, muốn biết đây là đâu. Trịnh Thọt lại bắt cậu phải đeo kính chắn sáng, cho đến khi được phép bỏ kính xuống, xe đã đi vào con đường quanh co, hai bên đường toàn là cây và vách núi, không có biển chỉ đường và những vật ghi dấu. Đường núi quanh co, chật hẹp, tối đen, đèn xe bật sáng, ánh đèn thỉnh thoảng bị dồn tụ, ép thành con đường, giống như đèn pha, vừa sáng vừa chụm, cảm giác như không phải xe chạy mà được ánh sáng đèn kéo đi. Đi chừng hơn một tiếng đồng hồ, Kim Trân từ trên vách núi trông thấy ánh đèn, đấy cũng là nơi cậu xuống xe.
Ở đây cửa nhà không có biển, gác cửa là một ông già cụt tay, nét mặt còn in dấu oán hận, suốt từ dưới tai bên trái, qua sống mũi, chạy sang má bên phải. Không hiểu tại sao, Kim Trân trông thấy ông ta, chợt nghĩ đến cướp biển trong tiểu thuyết phương Tây, trong tĩnh lặng, cảm giác như ngôi nhà chết, lại khiến cậu có cảm giác như trong lâu đài thời trung cổ xuất hiện trong tiểu thuyết tôn giáo cũng của phương Tây. Từ trong bóng tối bỗng xuất hiện hai bóng người, giống như hồn ma, đến gần mới phát hiện một người là nữ, cô ta đi tới bắt tay Trịnh Thọt, một anh chui vào xe, lấy hành lí của Kim Trân ra.
Ông Thọt giới thiệu Kim Trân với người phụ nữ, Kim Trân chưa nghe rõ chị ta tên gì, chỉ nghe là chủ nhiệm gì đó, là lãnh đạo nơi này. Trịnh Thọt nói với Kim Trân, đây là cơ sở tập huấn của đơn vị 701, tất cả những ai mới đến đơn vị 701 đều phải học chính trị và huấn luyện nghiệp vụ tại đây.
Trịnh Thọt nói: “Bao giờ cậu hoàn thành khoá huấn luyện tôi sẽ cho người đến đón, mong cậu nhanh chóng hoàn thành đợt tập huấn, trở thành người đủ tư cách của đơn vị 701.” Nói xong anh lên xe đi ngay, cảm giác như một tay lái buôn, vừa trút được món hàng, xong là đi ngay, không còn do dự vấn vương gì.
Một buổi sáng ba tháng sau, Kim Trân đang tập nằm thẳng và ngồi dậy trên giường, bỗng nghe bên ngoài có tiếng mô-tô dừng ở cửa, có người gõ cửa. Mở cửa thì thấy một thanh niên, vừa thấy mặt đã nói ngay:
“Tôi từ chỗ thủ trưởng Trịnh đến đây đón anh, chuẩn bị đi nhé.”
Mô-tô đưa anh đi, nhưng không phải đi ra cổng, mà đi sâu vào trong, đi vào một hang động, trong hang lại có một hang thông với chung quanh, sâu thẳm và phức tạp, giống như một mê cung. Mô-tô đi thẳng, đi chừng mười phút, dừng lại ở một cánh cửa vòm bằng sắt, người lái xe xuống xe, vào cổng một lúc rồi ra, tiếp tục cho xe đi. Lại đi một lúc, xe ra khỏi hang, trước mắt Kim Trân là một khu lớn hơn nhiều lần cơ sở tập huấn – đây là căn cứ của đơn vị 701 tuyệt mật và được giấu kín, cũng là nơi sống của Kim Trân từ nay về sau, nơi làm việc ở trong cánh cửa sắt mô-tô vừa dừng. Người ờ đây gọi nơi này là khu Bắc, cơ sở tập huấn là khu Nam. Khu Nam là cửa ngõ của khu Bắc, cũng là trạm kiểm soát, giống như sông hộ thành và cầu treo. Một người bị khoá ở khu Nam sẽ vĩnh viễn không có cơ may được thấy khu Bắc, tức là cầu treo không hạ xuống.
Mô-tô lại đi thêm một chặng nữa, cuối cùng dừng lại trước một toà nhà xây gạch đỏ, tường có dây leo, mùi cơm từ trong nhà bay ra như nói với Kim Trân, đầy là nhà ăn. Trịnh Thọt đang ăn, nhìn qua cửa sổ thấy Kim Trân, vội đứng dậy ra đón, trên tay còn cầm miếng bánh bao, mời Kim Trân vào nhà.
Kim Trân chưa ăn sáng.
Trong nhà ăn đủ loại người, có nam có nữ, có già có trẻ, có người mặc quân phục có người mặc thường phục, thậm chí có người mặc cảnh phục. Ở cơ sở tập huấn Kim Trân vẫn phỏng đoán nơi này thuộc đơn vị nào, hệ thống nào? Quân đội hay địa phương? Trông cảnh tượng trước mắt, Kim Trân càng không hiểu thế nào, cậu chỉ lặng lẽ suy nghĩ, có thể đây là một nơi đặc biệt của một đơn vị đặc biệt. Sự thật thì, đây là một đơn vị đặc biệt, một cơ quan đặc biệt, nhất là bề ngoài của nó, bí mật là trái tim, giống như một âm thanh bên ngoài vùng trời xa xôi.
Trịnh Thọt đưa Kim Trân đi qua sảnh lớn, sang phòng bên cạnh, trên bàn đã bày sẵn thức ăn, có sữa, có trứng, bánh bao nhân thịt, bánh bao chay, có cả thức ăn.
Trịnh Thọt nói: “Ngồi xuống đây.”
Kim Trân ngồi xuống.
Trịnh Thọt nói: “Cậu nhìn ngoài kia, họ ăn không nhiều món như cậu, họ ăn cháo đấy.”
Kim Trân nhìn, người ngoài kia đều bưng bát, nhưng mình được dùng đũa, trong cốc có sữa.
Trịnh Thọt nói: “Có biết tại sao không?”
Kim Trân nói: “Đón tôi phải không?”
Trịnh Thọt nói: “Không, vì cậu làm công việc quan trọng hơn.”
Ăn xong bữa sáng, Kim Trân bắt đầu công việc giải mã suốt đời. Nhưng cho đến lúc này, cậu vẫn chưa biết mình phải làm một công việc tàn khốc bí mật. Tuy lúc ở cơ sở tập huấn, cậu được huấn luyện làm một công việc đặc biệt, ví dụ giáo viên bắt cậu phải nhớ lịch sử, địa lí, quan hệ ngoại giao, các nhân vật trong chính giới, thực lực quân sự, bố trí chiến lược, quan hệ tấn công – bố phòng, thậm chí cả tư liệu cá nhân các nhân vật chính trị, quân sự quan trọng của nước X. Những điều ấy khiến Kim Trân rất hiếu kì tưởng tượng đến công việc mình phải làm. Suy nghĩ đầu tiên của cậu là nghiên cứu một loại vũ khí bí mật đặc biệt nhằm vào nước X; sau đấy lại nghĩ gia nhập vào túi mưu trí của một vị thủ trưởng nào đấy, làm tham mưu cho thủ trưởng; sau nữa lại nghĩ làm quan sát viên quân sự… Có những thứ không thuộc sở trường nên cậu không nghĩ, ví dụ làm giáo viên quân sự, hoạt động ngoại giao, thậm chí làm tùy viên quân sự, điệp báo, vân vân. Tóm lại cậu nghĩ đến nhiều công việc khác nhau, nhưng không nghĩ mình sẽ làm người giải mã.
Chừng như đấy không phải là một nghề, mà là một âm mưu, âm mưu trong âm mưu.