Giải Mật

Chương 3-6



Bảy năm trước, ông Hinsh vội vã đem gia đình, thân thuộc sang định cư ở nước X, không ngờ có ngày ông đưa hài cốt và linh hồn người thân trở về quê cũ, sự thật đó là việc cần thiết, không được phép mặc cả. Nhạc mẫu vốn khoẻ mạnh, nhưng bất phục thuỷ thổ và nhớ quê hương, làm tăng nhanh sự thay đổi kết cấu cơ thể và cơ chế sức khoẻ, cảm nhận sẽ chết ở nơi đất khách quê người, hơn bất cứ bà già Trung Quốc nào, bà đòi về quê để chết.

Quê ở đâu?

Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, nửa số nòng súng của nước X đang chĩa về hướng này.

Khỏi phải nói, để thoả mãn yêu cầu của bà nhạc là không dễ, không dễ là lí do để Hinsh từ chối. Nhưng cái lão già thổ hào tôn nghiêm thay đổi như đồ vô lại kề con dao sáng loáng vào cổ dọa chết. Lão ta biết mình rơi vào vòng quái dị ác nghiệt, chỉ còn con đường thuận theo vòng quái dị ấy. Không được phép nghi ngờ, cái lão thổ hào có thể quyết liệt thà chết không chịu khuất phục, là bởi yêu cầu hôm nay của bà vợ cũng là yêu cầu mai sau của lão ta. Tức là, lão dùng con dao sáng loáng kề cổ để nói với chàng rể, nếu cuộc sống của ngày hôm nay là cái giá phải trả cho cái chết mai sau nơi quê người, vậy lão thà chết bây giờ để cùng về quê với vợ.

Nói thật, Hinsh không thể hiểu nổi nội tâm bí hiểm và ý niệm kì quái của người địa chủ Trung Quốc, nhưng không hiểu liệu có tác dụng gì? Trước sự sợ hãi lưỡi dao sáng loáng trong chớp mắt có thể đẫm máu, hiểu hay không hiểu có gì khác nhau? Chỉ có làm, không hiểu cũng phải làm, làm rất khắc nghiệt, phải tự làm. Vì ảnh hưởng của sự tuyên truyền của phía X, những người khác kể cả vợ ông cũng sợ có đi không có về. Vậy là, mùa xuân năm ấy, ông Hinsh đưa nhạc mẫu thoi thóp chút hơi tàn ngồi máy bay, tàu hoả, ô tô trở về quê cũ.

Nghe nói, bà nhạc phải khiêng lên cái ô tô thuê để đưa về quê, vì được nghe giọng nói quen thuôc của quê hương, bỗng bà phấn khởi tròn xoe cặp mắt, sau đấy vĩnh viễn yên tĩnh nhắm mắt. Thế nào gọi là ngàn cân treo sợi tóc? Như thế là ngàn cân treo sợi tóc, mà giọng nói quen thuộc của người lái xe là lưỡi dao cắt đứt sợi tóc, dao vừa buông xuống, cuộc đời treo trên sợi tóc cũng theo gió bay đi.

Thành phố C là nơi ông Hinsh phải qua, nhưng điều ấy không có nghĩa ông có cơ hội thăm lại Đại học N. Chuyến đi của ông đã được quy định nghiêm ngặt, không biết phía Trung Quốc hay phía X quy định, ông đi đến đâu cũng có hai người bám theo như hình với bóng, một người của phía Trung Quốc, một người của phía nước X, hai phía như sợi dây thừng, một trước một sau dắt ông đi, khống chế đường đi và tốc độ như khống chế một cỗ máy, hoặc giống như vật báu mật mã – thật ra chỉ có những nhà toán học tài giỏi, hoặc trên hộ chiếu ghi như vậy. Thầy Dung cho rằng, thời thế đã tạo nên như thế.

(Ghi theo lời kể của thầy Dung)

Năm ấy, quan hệ giữa nước ta và nước X là như vậy, không tin nhau, chỉ có đối địch, cả hai bên cảnh giác đề phòng đến từng gốc cây ngọn cỏ. Thoạt đầu tôi không nghĩ ông Hinsh trở lại, thứ nữa càng không nghĩ ông không thể đến thăm Đại học N của thành phố C, tôi chỉ có thể đến khách sạn thăm ông ta, vẫn là cách thăm ấy, hoàn toàn như thăm phạm nhân trong tù. Chúng tôi ngồi nói chuyện, kè kè hai người hai bên, họ nghe, họ ghi chép, một câu nói phải bốn người cùng nghe rõ, nghe hiểu. Cũng may, cả bốn người đều nghe hiểu cả tiếng Trung Quốc và tiếng X, nếu không chúng tôi không dám nói gì, vì chúng tôi có thể là gián điệp, là đặc vụ, những điều nói với nhau có thể là tin tức tình báo. Đó là những năm tháng đặc biệt, chỉ cần người Trung Quốc và người nước X đi với nhau, người có thể không còn là người, mà là ma quỷ, là kẻ thù, dù đó là cỏ cây, trong bụng chứa đầy mưu ma chước quỷ, phun nọc độc, làm cho đối phương chết ngay tại chỗ.

Thật ra, ông Hinsh muốn gặp không phải là tôi, mà là Trân. Anh biết đây, lúc ấy Trân đã rời đại học N, không ai biết Trân ở đâu, huống chi ông Hinsh, ngay cả tôi cũng không được gặp. Vậy là Hinsh quyết định gặp tôi. Mục đích gặp tôi cũng là để hỏi thăm Trân. Được sự đồng ý của những người giám sát, tôi thông báo tình hình Trân cho ông ta. Thật ra cũng rất đơn giản, chỉ là những gì đã rõ ràng: Trân không còn nghiên cứu bộ não con người, đi làm việc khác. Điều khiến tôi bất ngờ là, nghe tôi nói, ông ta như bị giáng một đòn, ngơ ngác lặng im nhìn tôi, rất lâu sau đấy mới nói được một từ: vớ vẩn! Bực tức làm ông ta đỏ mặt tía tai, không thể ngồi yên, ông ta đứng dậy đi đi lại lại trong căn phòng, thuật lại những thành quả mà Trân đã nghiên cứu về bộ não người và những đột phá to lớn có thể đạt được trong tương lai.

Ông ta nói: Tôi đã đọc mấy bài viết chung của cậu ấy, tôi dám nói, trong lĩnh vực này, nhóm của cậu ấy đã đạt được trình độ quốc tế, vậy mà bỏ dở, quả là đáng tiếc.

Tôi nói: Có những việc không tùy thuộc ý chí con người.

Ông ta nói: Hay là Kim Trân bị một bộ phận có quyền lực của Nhà nước trưng tập?

Tồi nói: Cũng gần như thế.

Ông ta hỏi: Làm việc gì?

Tôi nói: Không biết.

Ông ta hỏi đi hỏi lại, tôi vẫn trả lời không biết. Sau đấy ông ta nói: nếu tôi không nhầm, Kim Trân làm một công việc bí mật? Tôi vẫn trả lời không biết.

Đúng như vậy, tôi không biết.

Thật ra, cho đến nay tôi cũng không biết Trân làm việc ở cơ quan nào, đơn vị nào, ở đâu, làm việc gì, có thể anh biết, nhưng tôi không hi vọng anh nói với tôi. Tôi tin rằng, đấy là bí mật của Trân, nhưng trước tiên đấy là bí mật quốc gia. Bất cứ nhà nước nào, quân đội nào cũng có bí mật, cơ quan bí mật, vũ khí bí mật, nhân vật bí mật… Ấy là tôi nói, không thể kể hết những bí mật, khó mà tưởng tượng một quốc gia không có bí mật, quốc gia ấy sẽ tồn tại như thế nào. Có thể không tồn tại, giống như núi băng, nếu không có phần chìm dưới nước, liệu nó có thể đứng nổi không?

Có lúc tôi nghĩ, có những bí mật đối với mình trong nhiều năm, thậm chí cả đời, điều ấy quả là không công bằng. Nếu không phải như thế, nhà nước của anh có thể không tồn tại, ít ra là không tồn tại nguy hiểm không công bằng chừng như cũng chỉ để không công bằng. Mấy năm nay tôi vẫn nghĩ như thế, hoặc chỉ có thể nghĩ như thế tôi mới hiểu được Trân, nếu không, Trân sẽ là một giấc mơ, giấc mơ giữa ban ngày, giấc mơ mở mắt, giấc mơ trong giấc mơ, sợ rằng ngay cả Trân nhiều năm giải mộng cũng khó hiểu nổi giấc mơ kì lạ và dài lâu. 

Cho dù ông Hinsh dặn đi dặn lại thầy Dung, muốn bà chuyển lời đến Kim Trân, nếu có thể Kim Trân từ chối mọi sự mê hoặc, trở về tiếp tục nghiên cứu bộ não con người. Nhưng khi chia tay, ông Hinsh nhìn theo bóng thầy Dung, bỗng quyết định viết cho Kim Trân một bức thư. Lúc này ông mới nhớ ra mình vẫn chưa có được cách liên lạc với Kim Trân, vậy là ông gọi thầy Dung lại, hỏi địa chỉ gửi thư cho Kim Trân. Thầy Dung đã cho ông địa chỉ. Ngay tối hôm ấy, ông Hinsh viết cho Kim Trân một lá thư, được cả hai phía giám sát kiểm duyệt, lá thư được gửi đi.

Thư đến đơn vị 701, nhưng Kim Trân được nhận hay không lại quyết định bởi trong thư viết những gì. Là một đơn vị đặc biệt, cấp trên kiểm tra thư, chẳng qua là thể hiện một chứng cứ cụ thể. Khi những người kiểm duyệt mở phong thư của ông Hinsh, họ nhìn trân trân, vì thư viết bằng tiếng Anh. Điều ấy khiến họ cảnh giác hơn, ngay lập tức họ báo cáo với lãnh đạo, lãnh đạo cho người dịch sang tiếng Trung Quốc.

Thư viết kín một trang giấy, nhưng sau khi dịch sang tiếng Trung Quốc chỉ có vài câu. Thư viết thế này.

Em Kim Trân thân mến,

Chào em.

Tôi về vì có chuyện của nhạc mẫu, nhân tiện ghé qua thành phố C, biết em không còn ở Đại học N nữa, mà chuyển đi làm một việc khác. Tôi không biết em làm việc gì, nhưng những bí mật em để lại (gồm cả địa chỉ gửi thư), tôi có thể nghĩ em đang làm một công việc bí mật quan trọng của một cơ quan cơ yếu, giống như tôi hai mươi năm trước. Hai mươi năm trước, xuất phát từ sự đồng cảm và tình yêu dân tộc, đã sai lầm nhận một công việc hệ trọng của một quốc gia (người Do Thái – có thể là Israel), kết quả nửa cuộc đời sau của tôi trở nên đáng tiếc và đáng sợ. Theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của tôi về em, tôi rất lo cho hoàn cảnh hiện tại của em, nội tâm của em hết sức nhạy cảm và yếu đuối, rất không thích hợp với áp lực và trói buộc. Sự thật thì, em đã có những thành công trong việc nghiên cứu bộ não người, nếu tiếp tục, có thể có được vinh dự và lợi ích, không cần phải đi theo một con đường khác. Cho nên, nếu có thể, em hãy nghe theo lời khuyên của tôi, trở về với công việc cũ.

Hinsh

Khách sạn Hữu Nghị, thành phố C, ngày 13/3/1957

Rõ ràng, bức thư lộ rõ ý đồ, rất phù hợp với những gì đã thể hiện với thầy Dung. Lúc này, mọi người (ít nhất là những vị lãnh đạo có liên quan) chừng như không lấy gì làm khó hiểu về những biểu hiện kém nhiệt tình của Kim Trân, vì bên cạnh cậu còn con người như vậy – một giáo sư nước ngoài – ông L. Hinsh – khổ tâm khuyên cậu trở về với công việc cũ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.