Giải Mật

Chương 4-3



Khác với lúc đi, về mất hai ngày ba đêm, không phải là ba ngày hai đêm. Vào lúc này, đã qua một ngày và hai đêm, ngày thứ hai cũng đang dần qua đi. Dọc đường, trừ những lúc ngủ, hầu hết thời gian còn lại Kim Trân đọc cuốn sách anh mua được. Rõ ràng, cảm giác của anh không còn nhút nhát sợ hãi như lúc đi, anh ngủ được và đọc được là minh chứng. Trên đường về có cái tốt, họ mua được vé tàu giường mềm, có một không gian an toàn, vuông vức như hộp diêm, hoàn toàn độc lập, cách biệt với bên ngoài. Kim Trân đặt mình nằm, lòng những thoả mãn và vui mừng.

Không thể phủ nhận, một con người nhát gan, một con người nhạy cảm, một con người lạnh lùng, riêng biệt là nguyện vọng bức thiết nhất, quan trọng nhất. Ở đơn vị 701, Kim Trân sống lặng lẽ và cô đơn khó ai chịu đựng nổi, tước bỏ những sinh hoạt thế tục, cách li với chung quanh, riêng biệt giữa đám đông. Với một ý nghĩa nào đấy, anh rất khảng khái tiếp nhận anh chàng điên cờ, không loại trừ động cơ cách xa đám đông. Nói một cách khác, cùng với người điên cờ là biện pháp tốt nhất để từ chối đến với người khác. Kim Trân không có bạn, mà cũng không ai làm bạn với anh, mọi người tôn trọng anh, ngưỡng mộ anh, nhưng không thân thiết nhiệt tình với anh. Anh sống cô đơn, (Về sau, mật độ đến với người điên cờ cũng giảm theo thời gian, vậy là anh ta rời khỏi đơn vị 701), mọi người bảo anh vẫn y nguyên, không gần ai, cô đơn, trầm buồn, nhưng cô đơn và trầm buồn không làm anh phiền não, vì nếu phải chịu đựng những thói quen đủ kiểu của mọi người sẽ làm anh thêm đau khổ. Với ý nghĩa đó, anh không thích thú gì với chức vụ đứng đầu phòng giải mã, mà anh cũng không thích thú gì với danh hiệu đứng đầu gia đình.

(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)

Kim Trân làm đám cưới ngày mồng một tháng tám năm 1966, vợ tên là Cù Lợi, một con người cô đơn, làm công tác cơ mật từ rất lâu, hồi đầu làm ở tổng đài điện thoại trên Tổng cục, năm 1964 chuyển về làm nhân viên bảo mật ở chỗ chúng tôi. Cô là người miền Bắc, rất cao, cao hơn Kim Trân nửa cái đầu, mắt to, nói tiếng phổ thông, nhưng ít nói, nói rất nhỏ, có thể vì làm công tác cơ mật lâu nên quen nói nhỏ.

Nói đến hôn nhân của Kim Trân tôi thấy rất lạ, có gì đó do số phận thúc đẩy. Tại sao tôi nói thế? Tôi biết, trước đấy có rất nhiều người quan tâm đến hôn nhân của cậu ta, cũng có nhiều cô gái muốn lấy Trân là để hưởng cái vinh quang của cậu ta. Có thể cậu ta không nghĩ đến, có thể vì do dự không quyết hoặc nguyên nhân khác, cảm giác cậu ta không thích thú gì chuyện hôn nhân và phụ nữ. Về sau không hiểu tại sao, bỗng cậu ta lấy cô Lợi. Lúc bấy giờ cậu ta đã ba mươi tư. Tất nhiên đấy không phải là vấn đề, ba mươi tư cũng hơi lớn nhưng chỉ cần có người bằng lòng lấy thì có vấn đề gì đâu. Vấn đề ở chỗ cưới nhau được ít lâu, hắc mật bỗng lén lút xuất hiện. Khỏi phải nói, nếu cậu ta chưa lấy vợ thì có lẽ cả đời cậu ta sẽ không lấy vợ, bởi hắc mật trở thành vật cản đối với hôn nhân của cậu ta. Cuộc hôn nhân khiến mọi người cảm thấy giống như một con chim bỗng bay vào cửa sổ để ngỏ, có chút lạ lẫm, có chút liều lĩnh, không biết nên thế nào, là tốt hay không tốt? Là đúng hay sai?

Nói thật, Kim Trân không giống với người chồng, mươi ngày nửa tháng cậu ta không về nhà, nhưng về cũng không nói với vợ lấy nửa câu, cơm nấu xong thì ăn, ăn xong lại đi, nếu không thì ngủ, ngủ dậy lại đi. Cứ như vậy cô Lợi sống với cậu ta, cũng khó có cơ hội bắt gặp ánh mắt chồng, càng không nói đến chuyện khác. Làm một trưởng phòng, một lãnh đạo hành chính, cậu ta cũng không xứng với chức vụ, hàng ngày, chừng một tiếng đồng hồ trước khi kết thúc ngày làm việc, cậu ta mới xuất hiện ở văn phòng của trưởng phòng, còn toàn bộ thời gian chui vào phòng giải mã, rút đầu dây điện thoại ra, như vậy cậu ta trốn khỏi mọi phiền toái và đau khổ của một vị trưởng phòng và một người làm chồng, giữ cuộc sống như xưa, tức một mình một nơi, đơn độc làm việc, không muốn ai quấy rầy hoặc giúp đỡ. Từ ngày hắc mật xuất hiện, cảm giác ấy mỗi ngày một rõ, tưởng như cậu ta phải trốn tránh mới có thể tìm ra bí mật sâu xa của hắc mật.

Lúc này Kim Trân đang nằm thoải mái trên cái giường mềm tưởng như có cùng một cảm giác tìm được chỗ ẩn náu khá tốt. Đúng vậy, Vasili rất dễ dàng lấy được hai cái giường nằm trên tàu thật lí tưởng, bạn đồng hành của họ là một vị giáo sư đã nghỉ hưu và cô cháu gái chín tuổi. Vị giáo sư có thể đã sáu mươi tuổi, từng là Hiệu trưởng Đại học G, vì mắt kém nên phải rời chức vụ cách đây không lâu. Trên người ông có chút hơi hướng quyền uy, thích uống rượu, hút thuốc lá Phi mã, dọc đường, rượu và thuốc làm ông tiêu khiển thời gian. Cô cháu gái của vị giáo sư muốn sau này lập chí trở thành một ca sĩ, suốt dọc đường không lúc nào ngơi tiếng hát, trong toa tàu tràn ngập tiếng hát như trên sân khấu. Hai người một già một trẻ khiến trái tim Kim Trân lúc nào cũng xao động bỗng lắng xuống như được uống thuốc an thần. Nói một cách khác, trong không gian nhỏ bé không có lòng thù địch hoặc lòng thù địch trong tưởng tượng, Kim Trân mới không cảm thấy mình nhát gan, anh dùng thời gian vào hai việc hiện thực nhất và có ý nghĩa nhất vào lúc này, tức là ngủ và đọc sách. Giấc ngủ đã dồn ép cho đêm dài trên chặng đường xa ngắn lại như một giấc mơ, đọc sách có thể xua đi khoảng thời gian vô vị ban ngày. Có lúc anh nằm trong bóng tối, không ngủ được mà cũng không đọc nổi, anh lại tiêu hóa thời gian trong suy tư vẩn vơ. Cứ như vậy, ngủ, đọc sách, suy tư, anh đã tiêu hết thời gian trên đường về, một giờ lại một giờ, từng bước từng bước một đưa anh đến gần ước mong bức thiết nhất: kết thúc chặng đường về lại đơn vị 701. Lúc này, ngày thứ hai sắp qua đi, tàu đang chạy nhanh qua cánh đồng mênh mông tít tắp, vầng mặt trời chiều tà bắt đầu đỏ rực toả ánh dịu dàng, rất đẹp, rất hiền từ. Cánh đồng dưới ánh chiều rơi rớt trông thật ấm áp, yên bình, tưởng như trong mơ, lại như bức tranh phong cảnh có sắc màu nồng ấm. Lúc ăn cơm tối, vị giáo sư và Vasili nói chuyện với nhau, Kim Trân ngồi bên chỉ nghe không nói gì, bỗng nghe thấy vị giáo sư nói với giọng hâm mộ:

“Tàu đã vào địa phận tỉnh G rồi, sáng sớm hôm sau hai người đã về đến nhà.”

Câu nói khiến Kim Trân cảm thấy thân thiết vô cùng, vậy là anh vui vẻ nói hỏi:

“Lúc nào thì bác về đến nơi?”

“Hai giờ chiều mai.”

Đấy cũng là điểm chót của chuyến tàu, vậy là Kim Trân nói vui:

“Bác với cháu bé đây là những hành khách trung thành nhất, đi với đoàn tàu từ đầu đến cuối.

“Vậy ra anh là lính đào ngũ rồi.” Vị giáo sư cười to.

Có thể nhận ra, vị giáo sư phấn khởi hơn vì trong toa tàu bỗng có thêm người nói chuyện. Nhưng ông cũng chỉ phấn khởi hụt, vì Kim Trân cười khan vài tiếng rồi không để ý gì đến ông, anh lại cầm cuốn “Thiên thư” lên mải miết đọc, không chú ý gì đến chung quanh. Vị giáo sư nhìn anh cảm thấy kì lạ, nghĩ hay là anh ốm?

Kim Trân không ốm đau gì, anh là con người như thế, nói chuyện xong là xong, không dài dòng, không dạo đầu, không khách khí, không rào trước đón sau, nói là nói, không nói là không nói, giống như nói mê, khiến người nghe cũng cảm thấy mình như đang trong mơ.

Nói đến sách “Thiên thư” của Englert, Trung Hoa thư cục xuất bản trước ngày giải phóng, do bà Hàn Tố Âm, một người Anh gốc Hoa dịch, cuốn sách rất mỏng, mỏng không giống một cuốn sách, giống như cuốn sổ tay, trên trang bìa có ghi:

Thiên tài, vẫn là linh hồn của nhân gian, ít và tinh, tinh nhưng quý, quý như báu vật, giống như tất cả những báu vật trên đời, phàm là thiên tài đều yếu ớt, mỏng manh như mầm cây, đụng vào là gãy, hễ gãy là bỏ đi.

Câu nói như viên đạn bắn trúng anh.

(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)

Thiên tài rất dễ gãy, đối với thiên tài Kim Trân không phải là xa lạ, khó tiếp cận, nhiều lần cậu ta nói với tôi về chuyện này, cậu ta nói: thiên tài sở dĩ trở thành thiên tài là bởi một mặt họ kéo dài mình thành vô hạn, kéo thật nhỏ thật dài, nhỏ như sợi tơ, trông như trong suốt, không thể chịu đựng nổi va chạm. Ở một ý nghĩa nhất định, phạm vi trí lực của con người càng có hạn, vậy trí lực một mặt nào đấy càng dễ tiếp cận đến vô hạn, hoặc, độ sâu của nó đạt được là do hi sinh độ rộng. Cho nên, phàm là thiên tài, một mặt họ có tài năng nhạy bén kì lạ, tài trí hơn người, mặt khác lại tỏ ra ngu đần kì lạ, không bằng người bình thường, điển hình nhất là tiến sĩ Englert, ông là nhân vật thần kì trong lĩnh vực phá khoá mật mã, cũng là vị anh hùng trong lòng Kim Trân, “Thiên thư” là sách của ông viết.

Trong giới mật mã không ai không thừa nhận, Englert là vị thánh không thể với tới, ông ta giống như thần linh, không có mật mã nào ở đời làm ông không yên. Ông là vị thánh hiểu sâu bí mật của mật mã. Nhưng trong cuộc sống, Englert là con người ngu đần hạng nhất, ngu đến độ không biết đường về nhà. Ông như người được cưng chiều, ra đường phải có người đưa đi, nếu không, ông không biết đường về. Nghe nói, cả đời ông không lấy vợ, mẹ ông không muốn đánh mất ông, suốt đời bám theo con từng bước, đưa ông ra đường, đưa ông về nhà.

Khỏi phải nói, đối với một người mẹ, đấy là một đứa trẻ tồi tệ.

Suốt nửa thế kỉ trước, nước Đức dưới chế độ phát xít, chính con người này, đứa trẻ này làm phiền lòng người mẹ, một thời trở thành tử thần của chế độ phát xít, khiến Hitler sợ đái cả ra quần. Thật ra, Englert còn là người đồng hương với Hitler, ông sinh ra trên hòn đảo Tars (Đảo giấu vàng), nếu cần nói đến tổ quốc của con người này, thì nước Đức chính là tổ quốc của ông, Hitler là thống soái của tổ quốc ông thời bấy giờ, theo đó, tất nhiên nước Đức là tổ quốc của ông, ông phải phục vụ cho Hitler. Nhưng ông không, hoặc nói không phục vụ từ đầu đến cuối (đã từng phục vụ). Vì ông không phải là kẻ thù của quốc gia nào hoặc người nào, chỉ là kẻ thù của mật mã. Có thể trong một thời gian ông ta là kẻ thù của một quốc gia hoặc một người nào đó, nhưng đến một lúc nào đó ông lại là kẻ thù của một quốc gia khác, một con người khác, điều ấy quyết định bởi nước nào, người nào làm ra và sử dụng mật mã cao cấp nhất thế giới, người có bộ mật mã ấy chính là kẻ thù của ông ta.

Đầu những năm bốn mươi của thế kỉ hai mươi, khi trên bàn làm việc của Hitler xuất hiện những văn thư được mã hoá bằng mật mã chim ưng, Englert liền phản bội tổ quốc, ra khỏi trận tuyến của quân Đức, đến với quân Đồng minh, trở thành bạn của quân Đồng minh. Ông phản bội không phải vì tín ngưỡng, không phải vì tiền, mà chỉ là bởi mật mã chim ưng làm cho những người chuyên phá khoá mật mã thời bấy giờ cảm thấy tuyệt vọng.

Có người nói, mật mã chim ưng là do một thiên tài toán học của Ireland lập ra trong một nhà thờ của người Do Thái ở Berlin, được thần linh phù trợ, hệ số an toàn có thể lên đến ba mươi năm, cao gấp nhiều lần hệ số an toàn của những mật mã cao cấp thời bấy giờ cả chục lần! Ấy là nói, trong ba mươi năm loài người không thể phá được khoá của mật mã này. Phá khoá mật mã không phải là chuyện bình thường, mà là chuyện phi thường.

Đấy cũng là số phận của các nhà phá khoá mật mã phải đối mặt. Đấy là việc họ phải làm. Nói một cách khác, họ phải tìm ra cái không bình thường, giống như hạt cát dưới đáy biển đụng độ với hạt cát trên đất liền, khả năng đụng độ chỉ một phần của mấy chục triệu, không đụng độ mới là chuyện bình thường. Nhưng họ muốn tìm kiếm cái một phần của mấy chục triệu kia, đấy là điều không bình thường lớn như vũ trụ. Người lập mật mã hoặc trong quá trình sử dụng mật mã không tránh khỏi tổn thất ngoài ý muốn – giống như con người hắt hơi một cách ngẫu nhiên, có thể đấy là sự bắt đầu của cái một phần mấy chục triệu, vấn đề là, hi vọng được gửi gắm ở sự tổn thất và sai lầm bất ngờ của người khác, anh không thể không cảm thấy đấy là chuyện hoang đường, là chuyện buồn, hoang đường và buồn chồng lên nhau tạo thành số phận của những người chuyên phá khoá mật mã. Rất nhiều người – đều là tinh anh của loài người – đã phải lặng lẽ sống cuộc đời buồn thảm như vậy.

Nhưng có thể là thiên tài, có thể là may mắn tiến sĩ Englert chỉ cần bảy tháng trời đã mở toang cánh cửa mật mã chim ưng. Có thể đấy là thành công vô tiền khoáng hậu của giới phá khoá mật mã, mức độ hoang đường của nó tương đương với chuyện mặt trời mọc đằng tây, giống như hạt mưa từ trời rơi xuống bỗng có một hạt mưa rơi ngược lên trời.

Mỗi lần nghĩ lại, Kim Trân cảm thấy xấu hổ, một cảm giác không thật. Anh thường khẽ nói với tấm ảnh và tác phẩm của Englert:

“Mọi người đều có anh hùng của mình, ông là anh hùng của tôi, mọi trí tuệ và sức mạnh của tôi đều đến từ sự chỉ đạo và cổ vũ của ông, ông là mặt trời của tôi, nguồn sáng của tôi không tách rời ánh sáng của ông chiếu rọi…”

Anh tự hạ thấp bản thân không phải vì bất mãn với bản thân mà là biểu hiện vô cùng sùng kính Englert. Sự thật thì, ngoài Englert ra, trong lòng Kim Trân chỉ còn lại chính anh, anh không tin ở đơn vị 701 còn ai có thể phá được mã khoá hắc mật ngoài anh. Anh không tin đồng liêu, hoặc lí do chỉ tin mình thật đơn giản, chỉ một, đó là, họ thiếu hẳn lòng thành kính và tình cảm thiêng liêng, sự tôn sùng đầy cảm kích đối với Englert. Trong tiếng xình xịch của đoàn tàu, Kim Trân nghe rõ tiếng mình nói với vị anh hùng của lòng mình:

“Họ không thấy ánh sáng nơi ông, mà có trông thấy cũng sợ hãi, không lấy đấy làm vinh dự, ngược lại cho rằng đấy là sự nhục nhã, đấy là lí do tôi không tin ở họ. Tận hưởng cái đẹp cũng cần có tài năng và lòng dũng cảm, không có tài năng và lòng dũng cảm, cái đẹp sẽ khiến con người phải sợ hãi.”

Cho nên, Kim Trân tin tưởng thiên tài chỉ hiện rõ giá trị cao quý trong con mắt thiên tài, thiên tài trong con mắt số đông hoặc người bình thường rất có thể trở thành quái vật, một kẻ ngu đần. Vì họ đi quá xa đám đông, đám đông nhìn xa không thấy rõ, cho rằng họ đã bị rơi lại phía sau. Đấy là tư duy thường thấy ở số đông, chỉ cần anh im lặng, họ cho rằng anh hỏng rồi, sợ rồi, im lặng là vì sợ hãi mà không phải xem khinh.

Kim Trân nghĩ, mình và đồng nghiệp khác nhau cũng ở chỗ này, tức là, anh khâm phục tiến sĩ Englert, tôn trọng ông ta. Cho nên, anh có thể toả ánh long lanh như khối pha lê trong con mắt sáng ngời của vĩ nhân. Còn bọn họ không thể, bọn họ giống như hòn đá cuội, ánh sáng không thể xuyên qua nổi.

Anh lại nghĩ, không nghi ngờ gì nữa, so sánh thiên tài với người thường như pha lê so với đá cuội là đúng, thiên tài có những phẩm chất: trong suốt, yếu ớt mỏng manh, dễ vỡ, không thể va chạm, hễ va chạm là vỡ, không như đá. Đá có thể vỡ nhưng không vụn như pha lê, có thể vỡ một góc hoặc một mặt, nhưng đá vẫn là đá, vẫn có thể sử dụng. Nhưng pha lê lại không thế, bản tính pha lê không những dễ vỡ, hơn nữa rất bạo liệt, đụng vào là vỡ, hễ vỡ là không còn giá trị. Thiên tài là như vậy, chỉ cần cắt đứt cái ngọn mới nhú chẳng khác nào chặt đứt cả cành, chỉ còn lại một mẩu liệu có ích lợi gì? Chẳng khác nào tiến sĩ Englert, anh lại nghĩ đến anh hùng của lòng mình, nếu thế giới không có mật mã, liệu người anh hùng này còn công dụng gì? Sẽ là vật phế thải.

Bên ngoài, đêm càng khuya hơn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.