Giếng Thở Than

Chương 19: Một giai đoạn của lịch sử nhà thờ lớn



Có một lần một nhà học giả quý tộc được ủy nhiệm nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của nhà thờ lớn Southminster. Xem xét các văn thư này đòi hỏi khá nhiều thời gian. Tìm chỗ ở trong thành phố là tiện nhất. Hội đồng nhà thờ tuy sẵn sàng mời ông đến ở nhưng ông Lake thích làm chủ ngày tháng của mình hơn. Mọi người thấy thế cho là đúng. Giáo sĩ Trưởng của nhà thờ viết cho ông Lake, khuyên ông nếu chưa tìm được chỗ ở vừa ý, thì nên liên hệ với ông Worby, người trông coi giáo đường chính, hiện đang ở trong một căn nhà gần nhà thờ và hiện đang tìm một người thuê nhà yên tĩnh trong ba bốn tuần. Sự sắp xếp như vậy thật hợp ý với ông Lake. Thể thức và điều kiện thuê nhà được thoả thuận. Đầu tháng mười hai, nhà nghiên cứu chiếm lĩnh một căn phòng ấm cúng trong ngôi nhà cổ, cũng coi như nhà “thuộc nhà thờ.”

Mọi người đã quen với các phong tục của nhà thờ, lại được giáo sĩ Trưởng và nhất là Tăng hội của nhà thờ kính nể, hẳn phải tôn trọng người trông coi giáo đường. Ông Worby thì thậm chí đã đi đến chỗ thay đổi một số nhận định tồn tại từ nhiều năm nay về các hội, đoàn đến thăm nhà thờ. Về phần mình ông Lake nhận thấy ông cai quản giáo đường là một người vui tính, do đó luôn tranh thủ mọi cơ hội để chuyện trò với ông ta sau một ngày làm việc.

Một buổi tối vào khoảng chín giờ, ông Worby gõ cửa phòng khách trọ và nói:

“Tối nay tôi có dịp sang nhà thờ. Trước đây tôi có hứa với ông khi có dịp tôi sẽ đưa ông đi thăm nhà thờ vào ban đêm. Trời hôm nay khô ráo và rất đẹp. Ông có muốn đi không ạ?”

“Nhất định là có rồi, ông Worby. Cám ơn ông đã nghĩ tới điều này. Để tôi lấy áo khoác.”

“Đây, áo ông đây. Tôi xách theo cả cái đèn để dễ lên xuống các bậc tam cấp, đêm nay không trăng mà.”

“Mọi người dễ tưởng chúng ta là Jasper và Durdles phải không ông?” Lake nói khi họ băng qua sân trong của nhà thờ. Ông biết chắc ông Worby đã đọc truyện Edwin Drood.

“Hẳn vậy” ông Worby cười ” tuy nhiên tôi chẳng hiểu có phải đó có phải là một lời khen không. Cách thức ở cái nhà thờ này thật kỳ quái, ông có nghĩ vậy không? Ai đời hát lễ từ bảy giờ sáng, quanh năm suốt tháng, chẳng phù hợp với giọng ban trẻ đồng ca hiện nay. Đã có một hai người lớn đòi tăng lương nếu Tăng hội đưa vấn đề này ra, đặc biệt mấy người giọng nam cao.”

Lúc này họ đã ở bên cánh ở phía Tây Nam. Trong khi ông Worby mở khóa, ông Lake hỏi:

“Ông đã thấy có ai vô tình bị khóa trong này chưa?”

“Hai lần. Lần thứ nhất là một anh lính thủy say rượu. Tôi nghĩ anh ta vào đây để ngủ trong khi chúng tôi hành lễ. Tôi đến chỗ anh ta thì anh ta đã đang cầu kinh ầm cả lên, tưởng sụt mái nhà thờ. Lạy Chúa! Anh ta gây tiếng động mới khiếp chứ. Đã mười năm nay chưa vào Nhà thờ nào! Lần thứ hai là các con chiên quen biết: bọn trẻ, chơi nghịch. Tuy nhiên, chúng không bao giờ làm như vậy nữa. Đó, thưa ông, ông đã được thấy nhà thờ vào ban đêm trông như thế nào, Giáo sĩ trưởng nhà thờ đã quá cố của chúng tôi cũng đôi khi dẫn người nọ người kia vào thăm nhà thờ như thế này, nhưng ông ấy thường đợi trăng sáng, ông hay đọc cho họ nghe một đoạn thơ nói về nhà thờ lớn ở Scotland, tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng tôi nghĩ vào ban đêm tối tăm, đi thăm nó có tác dụng hơn. Hầu như ta sẽ thấy nhà thờ cao thêm, to hơn. Giờ thì ông cảm phiền, đứng chờ tôi trong gian lớn của nhà thờ, tôi phải vào chỗ hát thánh kinh có chút việc, ông sẽ thấy được cảm giác như tôi nói.”

Lake đứng chờ, dựa vào một cây cột và ngắm nghía ánh sáng lung linh chiếu dọc theo chiều dài nhà thờ, theo từng bậc cấp chiếu lên khu hát thánh ca, cho đến khi bị chắn lại bởi vách ngăn giữa gian lớn với khu ngồi hát thánh ca hoặc các đồ đạc khác, chỉ còn thấy phản chiếu trên các cột hoặc mái nhà. Nhiều phút trôi qua, Worby xuất hiện ở cánh cửa khu đồng ca, vẫy đèn ra hiệu cho Lake lên chỗ ông ta.

“Cứ cho là chính ông ta, không phải ai khác” Lake nghĩ khi đi lên. Nhưng thực ra không có gì đáng lo ngại cả. Worby cho Lake xem các giấy tờ của giáo sĩ trưởng mà ông ta vừa lấy ra ở ghế ngồi hát thánh ca của ông này, hỏi Lake cảm tưởng ra sao. Lake phát biểu rất đáng đi xem. Họ cùng đi về phía bàn thờ, ông bảo:

“Ông Worby chắc thường vào đây có việc vào ban đêm thành ra chẳng cảm thấy bôn chồn nhỉ? Nhưng thỉnh thoảng ông có giật mình khi quyển sách rơi hay cánh cửa đung đưa chẳng hạn?”

“Không, ông Lake ạ, giờ thì tôi chẳng nghĩ đến tiếng động mấy, chỉ sợ có chỗ thoát gaz hoặc có cái ống nào từ lò sưởi vỡ ra thôi. Nhiều năm trước vẫn có chuyện đó đấy. Này ông có nhìn thấy cái nấm mộ đơn giản ở chỗ bàn thờ kia không nhỉ? Thế kỷ mười lăm đấy, ông có nhất trí không? Vừa rồi nếu chưa để ý nhìn thì ông có thể quay lại nhìn qua.”

Ngôi mộ nằm về phía Bắc khu đồng ca, đặt hơi chướng. Các vách ngăn bằng đá có một mét. Hoàn toàn đơn giản, như lời Worby, nhưng cũng có ván ô bằng đá kiểu thông thường. Một cây thập tự bằng kim loại khá to ở hướng Bắc (ngay sát vách ngăn) – chỉ riêng cây thập tự là đáng chú ý phần nào.

Lake nhất trí nó ở vào thời kỳ kiến trúc thẳng đứng.

“Nhưng” ông nói “trừ phi của người nào quan trọng lắm, chứ xin lỗi ông tôi thấy chẳng có gì đáng nói.”

“Vâng, tôi không thể bảo là của ai đó ghi trong lịch sử” Worby nói, mỉm cười khô khan “ta cũng chẳng còn ghi chép nào cho biết mộ xây cho ai. Nhưng nếu ông có thời gian độ nửa giờ nữa thì ta sẽ về nhà, ông Lake ạ tôi kể ông nghe một câu chuyện về cái mộ đó. Bây giờ thì không được, ở đây lạnh lắm, ta cũng không thể la cà suốt đêm.”

“”Dĩ nhiên là tôi rất muốn nghe.”

“Được, tôi sẽ kể ông nghe. Nhưng xin hỏi ông một câu này.” Ông ta nói tiếp khi hai người đi bên cạnh nhà thờ, “Trong sách hướng dẫn du lịch của địa phương cũng như sách về nhà thờ chúng tôi, trong cả loạt sách ấy, ông sẽ thấy phần này của nhà thờ được xây vào thế kỷ mười hai. Tôi rất vui lòng đồng tình với quan điểm này, nhưng – ấy, ông lưu ý bước chân, có bậc cấp đấy! – Nhưng, để tôi nói ông nghe nhé, Liệu theo cách đặt các viên đá như thế này (ông lấy chiếc chìa khoá gõ vào tường) chẳng lẽ ông cho đó là công trình xây từ thời Saxon? Không, tôi không nghĩ vậy. Tôi vẫn nói với mấy người ấy – một người ở thư viện đây và một người từ thư viện London tới – hàng năm chục lần về việc xây cất bằng đá này. Dĩ nhiên ai có quan điểm của người ấy”.

Cuộc thảo luận về nét đặc biệt của bản chất con người còn làm bận tâm trí ông Worby cho đến khi hai người về tới nhà ông Worby. Phòng khách đốt sưởi ấm đặc biệt. Worby đề nghị hai người trôi qua nốt buổi tối ở đây. Họ yên vị không bao lâu sau đó.

Ông Worby kể câu chuyện này dài lắm, nhưng tôi không kể lại bằng chính lời ông ta hoặc theo đúng thứ tự lời ông ta. Vì Lake sau đó có ghi chép lại trên giấy, cùng với vài đoạn kể đúng từng từ như ông còn nhớ trong óc (mà trong chừng mực nào đó tôi thấy cũng nên cô đọng tư liệu của Lake)

Ông Worby sinh năm 1828. Cha ông gắn bó với nhà thờ lớn này cũng như ông nội ông. Cả hai đều đã ở trong ban đồng ca, về sau cả hai từng làm thợ nề (người ông) và thợ mộc (người cha). Riêng Worby, ông thành thực thừa nhận giọng ông xoàng thôi, nhưng cũng được tuyển vào ban đồng ca lúc mười tuổi.

Năm 1840 dấy lên làn sóng mạnh mẽ trùng tu Nhà thờ lớn Southmisnter theo kiểu gô tích. Worby thở dài, bao nhiêu là vật liệu được chở đến. Cha tôi không thể ngờ một hôm mình được lệnh dọn sạch khu đồng ca. Vừa có một giáo sĩ trưởng đến nhậm chức – giáo sĩ Burscough – Cha tôi thì đang tập sự tại một hãng đồ gỗ trong thành phố. Trông thấy khu đồng ca đẹp như vậy mà xót. Thật là phá hoại, cha tôi bảo. Ván ốp chân tường bằng gỗ sồi, đẹp như mới, các chùm lá, chùm quả hình vòng hoa, các trang trí lát vàng trên huy hiệu nhà thờ và các ống đàn organ. Tất cả ra sân hết – tất thảy mọi đầu mẩu, trừ vài tượng gỗ nho nhỏ được làm ở Nhà thờ Đức Bà và mấy đồ trang trí đặt trên bệ lò sưởi. Phải, có thể tôi nhầm, nhưng khu hát đồng ca từ đó trông không còn đẹp nữa. Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về lịch sử nhà thờ, vẫn còn nhiều chỗ cần sửa chữa. Vài mùa đông đã trôi qua, chúng tôi vẫn còn thiếu mất một cái chóp ở trên nóc nhà thờ”. Ông Lake bày tỏ những tán đồng của mình về quan điểm trùng tu nhà thờ của ông Worby, tuy nhiên sợ rằng nếu cứ như thế sẽ đâm ra dài dòng không đi vào chuyện chính được. Cung cách kể chuyện của ông ta thì ai cũng thấy rõ.

Worby vội trấn an Lake “Không phải vì thế mà tôi kéo dài đề tài này hàng giờ đâu, có nói được mới nói. Nhưng giáo sĩ Burscough, giáo sĩ trưởng của nhà thờ, rất ưa chuộng giai đoạn gô tích, mọi thứ phải làm sao phù hợp phong cách xây dựng ấy. Một sớm kia sau lễ sáng, ông bảo cha tôi chờ gặp ông nơi chỗ ngồi của ban đồng ca. Cất áo dài đi rồi ông tới, tay cầm một cuộn giấy, người coi kho nhà thờ đem đến một cái bàn, họ trải cuộn giấy ra, lấy mấy quyển kinh chặn lên, cha tôi giúp họ một tay và nhìn thấy hình vẽ quang cảnh một nơi cho dàn đồng ca ngồi trong một nhà thờ lớn. Tu sĩ trưởng nói – ông ta nói rất nhanh – “Đây, Worby, ông xem, cái gì đây này?”

“Dạ tôi quả chưa biết đây là đâu, có phải ở nhà thờ lớn Hereford không ạ?”

“Không, Worby, đó là nhà thờ Southminster tương lai.”

“Thế ạ?” cha tôi chỉ nói có thế, còn dành lại cho tu sĩ trưởng nói nữa chứ. Tuy nhiên, cha tôi kể lại mình chỉ muốn xỉu đi khi nhìn xung quanh khu vực ghế ngồi của dàn đồng ca đang tồi tại – ấm cúng và thuận tiện biết bao – đối chiếu với các bức vẽ khô khan kinh tởm kia, mà theo lời ông là do một kiến trúc sư ở London vẽ. Đây, ông nhìn vào quang cảnh xưa cũ này xem lời tôi nói có đúng không.”

Worby nhấc từ trên tường xuống một bản in có đóng khung. “Còn đây là cái thứ mà giáo sĩ trưởng nhà thờ đưa cho cha tôi. Bản sao lệnh dọn sạch khu chỗ ngồi hát của ban đồng ca đi –dọn sạch sẽ – để lấy chỗ xây dựng mới theo thiết kế ở trên tỉnh, tập hợp được bọn đến đập phá một cái là tiến hành ngay. Đây nhé, nhìn vào cảnh xưa cũ này ông thấy cái bục giảng kinh xưa đứng ở đâu, tôi muốn ông lưu ý cho.”

Quả cũng dễ thấy, một cái bục bằng gỗ to bất thường , trên có vòm hướng âm, đứng ở cuối mạn Đông cái ghế ngồi và ở phía Bắc toàn khu đồng ca, ngay trước mặt cái ngai của giáo chủ. Worby giải thích rằng trong quá trình cải cách thì các cuộc hành lễ được tiến hành ngay ở gian lớn của nhà thờ, thành viên ban đồng ca bất mãn nên nghỉ hè, riêng người chơi đàn organ bị nghi cố tình làm hỏng cây đàn thuê tạm từ London với giá khá cao.

Việc phá hủy bắt đầu với vách ngăn khu đồng ca và nơi để chiếc đàn organ, tiến dần sang phía đông, làm lộ ra, theo Worby, nhiều nét đặc trưng rất hay ho của xây dựng cổ đại. Trong quá trình tiến hành, các thành viên của Tăng hội dĩ nhiên là ra vào khu vực này rất nhiều, thành thử ông Worby nghe được khối chuyện họ kháo nhau – đặc biệt giữa các giáo sĩ cấp cao, đa số rất không tán thành chính sách xây dựng lại như thể này. Một số cho rằng sẽ chết rét trong chỗ ngồi mới, bị gió từ gian lớn của nhà thờ lùa vào do không còn tấm chắn nữa, những người khác thì nói ngồi trong chỗ hát thánh ca mới chẳng khác gì phơi mặt cho mọi người từ hai cánh bên cửa nhà thờ nhìn vào, đặc biệt là khi giảng bài thuyết pháp, người nghe khó lòng tập trung vì ngồi trong tư thế không thoải mái. Tuy nhiên, phản đối mạnh nhất là từ vị giáo sĩ cao tuổi nhất, đến phút cuối cùng vẫn không đồng ý việc rời vị trí bục giảng đạo. ” Ông không được động vào nó, thưa giáo sĩ trưởng “, một buổi sáng, ông nói rất mạnh mẽ như vậy khi hai người đứng trước cái bục “ông không biết sẽ đưa đến tác hại như thế nào đâu.” “Tác hại? Nó đâu phải là một công trình có giá trị đặc biệt gì, thưa giáo sĩ?” “Đừng gọi tôi là giáo sĩ,” ông già cộc cằn đáp “từ ba mươi năm nay người ta biết đến tôi với tư cách là tiến sĩ Ayloff, nếu ông gọi tôi như vậy, tôi rất cám ơn. Còn về vấn đề cái bục giảng đạo này (chính tôi đã giảng đạo tại đây ba mươi năm, mặc dù tôi không muốn nhấn mạnh đến điều ấy), tất cả những gì tôi muốn nói chỉ là, tôi biết các anh đã sai khi đụng vào cái bục ấy!” “Nhưng thưa ngài tiến sĩ thân mến, cứ để nó đấy thì còn ra làm sao khi mà chúng ta thay đổi toàn bộ thiết kế khu vực này theo một phong cách khác hẳn? Còn vì lý do nào được nữa chứ – không lẽ nó ở đây trông hay hơn?” “Lý do! Lý do!” Ông già Aylogg nói “Nếu bọn trẻ tuổi các anh – tôi nói vậy không phải không thiếu kính trọng các anh, giáo sĩ trưởng ạ – chỉ cần giữ theo lẽ phải một chút thôi và đừng hỏi lý do tại sao thì sẽ thông cảm với nhau hơn. Đó, tôi chỉ nói có thế thôi.” rồi ông già quý tộc bỏ đi thẳng, và từ đó không bao giờ bước chân vào nhà thờ nữa. Lúc đó là mùa hè, trở mùa rất đột ngột, tiến sĩ Ayloff là người đầu tiên ra đi, các cơ ở họng ông có vấn đề làm ông không thở được vào ban đêm. Các thành viên tham gia ban đồng ca càng ngày càng ít dần qua từng buổi lễ.

Trong khi đó bục giảng đạo vẫn được dỡ đi. Thực tế cái màn hướng âm bằng gỗ (mà một phần của nó hiện nay được làm mặt bàn trong nhà nghỉ mùa hè ở ngoài vườn) được phá bỏ chỉ sau lúc tiến sĩ Ayloff phản đối độ một giờ. Phần chân của nó – gỡ bỏ khá khó khăn – bộc lộ ra trước mắt mọi người một ngôi mộ ngay cạnh bàn thờ, làm cho cả toán cải tạo hớn hở rối rít. Dĩ nhiên đây là ngôi mộ ông Worby đã lưu ý Lake hồi chiều tối. Tìm thế nào cũng không biết được người nằm dưới mộ là ai, suốt từ ngày đó đến nay. Công trình kiến trúc ngăn ô rất cẩn thận ngôi mộ đó ở bên dưới cái bục giảng đạo, vật trang trí sơ sài trên ngôi mộ vẫn được giữ nguyên, chỉ có mặt Bắc bị hư hại một ít, khiến cho có kẽ hở giữa hai phiến đá tạo thành mặt bên của ngôi mộ. Kẽ nứt đó rộng độ bảy, tám centimet. Ông thợ nề Palmer được chỉ định bịt nó lại trong thời gian một tuần, nhân thể ông này có vài việc vặt phải làm ở gần khu đồng ca.

Trời đất trong năm ấy hết sức khắc nghiệt. không biết có phải do nhà thờ xây trên một nơi nguyên thủy là bãi lầy hay không, hay tại sao không biết, dân sống quanh đó rất ít được hưởng nắng ấm mặt trời và những đêm êm ả của tháng tám và tháng chín. Đối với người già – ta đã biết như trường hợp của tiến sĩ Ayloff – mùa hè tự nhiên trở gió độc hại chết người. Ngay cả người trẻ cũng ốm liệt giường, nhiều tuần lễ hoặc it nhất có cảm giác khó thở và gặp nhiều cơn ác mộng. Dần dần ai nấy bán tín bán nghi, rằng chính sự thay đổi trong kiến trúc của nhà thờ gây ra tình trạng ấy. Vợ góa người trông coi giáo đường, là người được hưởng tiền trợ cấp của Tăng hội Southminster đêm đêm nằm mơ thấy – bà kể cho bạn nghe – một bóng người đi ra qua cửa ngách ở cánh ngang nhà thờ mỗi khi trời tối và sau đó di chuyển ra sân sau. Mỗi đêm lại theo một hướng mới, lúc gần sáng thì thoắt ẩn thoắt hiện từ nhà này sang nhà khác. Bà ta nói không nhìn rõ gì cả chỉ thấy hình bóng di động và bà có cảm giác khi trở lại nhà thờ mỗi đêm, tức là vào cuối giấc mơ – cái bóng đó quay đầu lại và có hai con mắt đỏ rực. Worby nhớ là nghe bà ta kể về giấc mơ của mình tại một bữa trà ở nhà ông tu sĩ của Tăng hội. Giấc mơ tái diễn theo ông báo hiệu một trận ốm sắp bắt đầu. Quả nhiên cuối tháng Chín bà ta qua đời.

Mối quan ngại gây ra bởi việc trùng tu ngôi nhà thờ lớn không chỉ hạn chế trong phạm vi vùng này. Một ngày hè năm ấy, một nhân vật tiếng tăm vốn là hội viên hội sưu tầm đồ cổ đến thăm nhà thờ, mục đích để viết một bài tường thuật về những khám phá ở nơi này cho hội của ông, có bà vợ đi cùng, vẽ cho ông các bản minh hoạ hay viết báo cáo. Buổi sáng bà ngồi vẽ sơ đồ chung của khu đồng ca, đến chiều thì đi vào chi tiết. Bà vẽ trước tiên ngôi mộ ngay dưới bàn thờ mới được bộc lộ ra, khi vẽ xong thì bà gọi ông chồng lại để xem một mảng trang trí hình thoi rất đẹp ở trên tấm chắn đàng sau ngôi mộ, mà cũng giống như bản thân ngôi mộ, nó hoàn toàn bị bục giảng đạo che khuất. Ông chồng nói dĩ nhiên phải vẽ nó. Bà vợ bèn ngồi trên nấm mộ và chăm chú vẽ cho đến khi tối mịt mới thôi.

Chồng bà lúc này đã mô tả và đo đạc xong, họ về khách sạn. Bà bảo chồng “Anh chải hộ em chiếc váy, Frank, hẳn nó đầy bụi”. Ông vâng lời nhưng bảo “Sao em đánh giá cao chiếc váy này thế chứ, nay cũ quá rồi, mất hẳn một mảnh ở đàng sau.” “Mất một mảng? Ở đâu vậy?” “Ngay bên cạnh, dưới gấu ấy, chẳng hiểu nó đi đâu?” Bà vợ liền giơ cái váy lên xem, quả nhiên có vết xé rách vải hình răng cưa giống như bị chó cắn. Bộ váy áo thế là hỏng hẳn, bà lấy làm lạ vô cùng, họ tìm khắp nơi không thấy miếng rách nằm ở chỗ nào cả. Họ kết luận có lẽ chỗ ngồi hát đồng ca đó toàn mảnh gỗ vụn có đinh, đã gây nên vết rách, rồi một người thợ mộc dọn gỗ vụn đi, gỗ có đính miếng vải rách vào đó.

Cũng khoảng thời gian này, Worby nghĩ, con chó của ông bắt đầu lộ vẻ lo âu khác thường mỗi khi đến giờ đưa nó ra căn lều phía sau, (vì là mẹ ông không cho nó ngủ trong nhà). Ông ta kể “Một buổi tối, tôi vừa định đưa nó đi thì nó nhìn tôi với cái nhìn “của một người Cơ đốc giáo và vẫy vẫy hai chân trước” – ông cũng biết đôi khi chúng biết vậy có ý nghĩa gì – thế là tôi giấu nó dưới áo khóac rồi lên gác, đánh lừa mẹ tôi. Con chó ẩn mình rất nghệ thuật trên giường ngủ của tôi độ nửa giờ trước giờ đi ngủ. Mẹ tôi không biết gì hết.” Dĩ nhiên Worby rất mừng vì có người bạn đồng hành này, đặc biệt từ khi nhớ lại xảy ra chuyện phiền toái ở Southminster mà người ta vẫn gọi là “tiếng kêu”.

“Đêm này qua đêm khác” Worby kể “con chó hình như cảm thấy chuyện sắp xảy ra. Nó bò ra khỏi gậm giường rúc vào giường tôi, cuộn tròn lại trong lòng tôi và run rẩy. Khi tiếng kêu phát ra nó như hóa điên, cứ rúc đầu vào cánh tay tôi hoài, làm tôi cũng gần hóa điên theo. Chúng tôi nghe thấy như vậy độ sáu bảy lần. Khi đầu nó không còn cọ vào tay tôi nữa, tôi biết đêm đó tiếng kêu sẽ chấm dứt. Tiếng kêu như thế nào nhỉ? Có một lần tôi nghe thấy có người nói về đúng tiếng kêu ấy. Lúc ấy tôi đang chơi ở sân trong của nhà thờ, có hai vị giáo sĩ chào nhau buổi sáng. “Đêm qua anh ngủ ngon không?” một người, ông Henslow hỏi thế. Ông kia, Lyall trả lời “Không thể bảo là ngủ ngon được. Chẳng khác gì Isatah XXXIV 14 vậy !” Ông Henslow hỏi “XXXIV 14 là cái gì vậy?” “Thế mà anh tự coi mình là người đã đọc Kinh thánh!” Ông Lyall trả lời. (Ông Henslow là người thuộc nhóm Simeon – chúng ta gọi là trường phái Phúc âm), anh đi mà xem” Tôi muốn biết bèn chạy về nhà mở quyển Kinh Thánh của mình và tìm đoạn đó là “Tên cuồng dâm gọi đồng bọn.” Thế là tôi nghĩ, phải chăng họ nói đến cái tiếng kêu mình nghe thấy những đêm vừa qua? Phải nói với ông, nhiều lần tôi giật mình nhìn qua vai ra đằng sau. Tôi có hỏi cha mẹ tôi về cái tiếng kêu ấy, họ bảo có vẻ như tiếng mèo kêu. Họ trả lời gọn một tiếng và rõ ràng lúng túng. Lạy Trời! Cái tiếng kêu như của người đói, tiếng kêu gọi ai đó không bao giờ đến cả. Nếu có lúc nào ta muốn có người ở cùng thì chính là lúc ta chờ đợi cái tiếng kêu đó bắt đầu cất lên. Hai, ba đêm liền có nhiều người đàn ông được cử lùng sục khắp sân trong của nhà thờ, thực tế họ túm tụm lại một góc gần High Street, và không thấy gì cả.”

“Tiếp theo đó là chuyện sau đây. Tôi cùng một thằng bạn – bây giờ nó bán tạp hóa trên thị trấn giống bố nó ngày xưa – đi lên khu đồng ca sau lễ táng. Nghe thấy ông Palmer đang rống lên với thợ, chúng tôi vội tới gần. Ông này là người thô thiển, chúng tôi nghĩ thế nào cũng được nghe chuyện gì vui vui đây. Hóa ra ông ta đang bảo một người thôi đi và đừng có vá cái kẽ hở ở ngôi mộ nữa.”

Người này luôn miệng nói là đã cố gắng làm hết sức mình trong khi ông Palmer vẫn cứ sôi nổi kêu la “Thế mà gọi là làm hả? Anh đáng bị đuổi về việc này! Tôi trả tiền cho anh để anh làm thế hả? Tôi sẽ nói với tu viện trưởng và Tăng hội như thế nào khi họ đến đây, họ vẫn thường hay đến đây lắm, thấy anh làm ăn vụng về cẩu thả, bít cái lỗ ấy cũng không xong, lem nhem cả vữa ra thế kia, và có Chúa biết, trông chẳng ra làm sao thế kia?” “Thưa ông chủ, tôi đã cố gắng nhất có thể, nhưng nhét vữa vào cái lỗ đến đâu thì nó lại rơi ra đến đấy, đây, nó lại rơi ra rồi đây này, tôi chưa thấy như thế này bao giờ” người thợ nói.

“Rơi ra?” ông già Palmer nói “Đâu nào, ngay tại chỗ có thấy đâu? Bị gió thổi đi mất à? Anh định nói thế chứ gì?” vừa nói ông ta vừa cầm một mảng vữa lên, tôi cũng cầm một mảng ở ngay chân vách ngăn cách đó độ một mét. Vữa vẫn còn chưa khô. Ông già cứ nhìn đăm đăm vào đó với vẻ tò mò, rồi ông ta quay về phía tôi bảo “Này bọn trẻ con, chúng mày chơi cái gì ở đây thế hả? Vẫn chơi ở đây từ nãy hả?” Tôi đáp “Dạ không ạ. Từ nãy đến giờ không có đứa nào, bây giờ mới có hai đứa cháu thôi ạ.” Trong khi tôi nói thế thì thằng Evans nhìn vào trong khe nứt. Tôi thấy nó nín thở quay lên nhìn chúng tôi nói “Cháu thấy có cái gì ở trong đó ấy, nó sáng lóng lánh” Ông già Palmer bèn bảo “Làm gì có! Tao dám chắc thế” rồi sau đó kêu lên “William, tôi không thể đứng lâu ở đây được, anh đi lấy thêm vữa trát vào đây đi, lần này mà không được thì không xong với tôi đâu.”

“Thế là người thợ đi, cả Palmer nữa. Hai đứa tôi đứng lui ra sau. Tôi hỏi Evans “Mày nhìn thấy cái gì trong đấy thật à?” “Thật, tao nhìn thấy thật” nó bảo. Tôi bèn nói “Mình lấy cái gì ngoáy vào đó xem sao.” Chúng tôi thử tìm mấy mảnh gỗ quanh đó, nhưng chúng đều quá to không thọc vào được. Thằng Evans có một trang nhạc đem theo, một bài Thánh ca hay hát lễ gì đó, nó bèn cuộn lại, cho vào trong khe, ngoáy mấy lần chẳng ăn thua gì. “Mày đưa tao thử nào” tôi bảo nó. Quả không thấy gì hết. Rồi không hiểu vì sao, tôi cúi xuống phía đối diện cái khe, cho hai ngón tay vào miệng huýt sáo lên – ông hiểu cách huýt sáo ấy chứ – thế là lập tức nghe có tiếng động đậy trong đó. Tôi bảo Evans “Tao với mày ra chỗ khác đi, tao không thích tí nào.” “Ồ, không được, đưa cuộn giấy đây.” nó lại ngoáy vào trong. Tôi chưa thấy mặt ai xanh lướt như nó lúc ấy. “Này Worby ạ, có ai nắm lấy đầu kia cuộn giấy”. “Kéo ra, nếu không thì mày bỏ tay ra, bỏ cuộn giấy lại, ta đi thôi.” Nó cố kéo mạnh một phát, gần đứt cuộn giấy, tuy lôi ra được phần lớn, nhưng phần đuôi rách vẫn còn dính lại ở trong. Nó kêu lên một tiếng, nhìn vào chỗ cuộn giấy bị rách, sau đó buông tay ra cho rơi cả vào trong. Chúng tôi chuồn cho nhanh. Ra ngoài, thằng Evans bảo “Mày có nhìn đuôi cuộn giấy không?” “Có, rách chứ gì?” “Đúng, nhưng rách, lại ướt và lại đen nữa.” Một phần vì quá sợ, một phần vì trang nhạc đó cần cho hai ba ngày sau, lại phải trình bày với người chơi đàn organ nữa, chúng tôi im thin thít chẳng nói với ai, nghĩ rằng rồi người ta sẽ dọn dẹp mảnh giấy cùng các rác rưởi vặt vãnh. Riêng Evans, giá như ông hỏi nó ngày hôm ấy về cuộn giấy, thì nó cứ khăng khăng “Chỗ đuôi rách bị đen và ướt.”

Từ hôm đó, cả hai đứa trẻ tránh xa khu ngồi của dàn đồng ca. Worby không hiểu sự thể việc hàn cái khe hở của nấm mộ tiến triển đến đâu, chỉ nghe lõm bõm thợ nề nói rằng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc này, sau đó phải đến chính tay ông Palmer nhúng tay vào. Worby nhìn thấy ông Palmer gõ cửa nhà ông giáo sĩ trưởng nhà thờ và được ông quản gia cho vào. Khoảng một ngày sau đó, cha của Worby trong bữa điểm tâm để lộ ra là sau lễ sáng ngày mai sẽ có một việc không mấy bình thường trong nhà thờ. Ông còn nói thêm “Tôi cho là chẳng nên mạo hiểm làm gì.” “Cha ơi, ngày mai cha làm gì ở nhà thờ ạ?” Cha tôi quay lại tôi, vẻ hung dữ mà tôi chưa thấy bao giờ – Vì xưa nay người cha tội nghiệp của tôi tính tình rất hiền hoà – “Con, cha không đồng ý con cứ nghe lỏm chuyện người lớn, như vậy không được. Cha làm gì ở nhà thờ ngày mai không phải việc của con, cha mà trông thấy con láng cháng ở đó ngày mai sau khi hát xong, thì cha sẽ tạt tai con mà tống con về nhà đấy!” Dĩ nhiên tôi xin lỗi ông, nhưng lại đi tìm Evans bàn định kế hoạch. Tôi biết trong ngách ngang của nhà thờ có một cái cầu thang đi lên hành lang gác có chấn song ở phía trong. Ban ngày, cánh cửa đi vào đó lúc nào cũng để ngỏ, giả sử cửa đóng chúng tôi cũng biết chìa khoá cửa thường để dưới cái thảm chùi chân. chúng tôi quyết định ngày mai sau phần nhạc hát, bọn trẻ hát thánh ca về hết, chúng tôi sẽ lẻn theo cầu thang lên chỗ hàng lang phía trong đó mà nhìn xuống xem họ tiến hành công việc gì.

“Đêm đó tôi ngủ rất say, giấc ngủ của con trẻ ấy mà. Bỗng nhiên đang ngủ thì con chó mò vào giường tôi đánh thức tôi dậy, tôi nghĩ lại có vấn đề gì đây vì trông nó hoảng sợ hơn tất cả mọi lần khác. Năm phút sau thì tiếng kêu xuất hiện. Tôi không thể diễn tả cho ông là nó như thế nào. Nó ở rất gần – gần hơn mọi khi – và ông Lake ạ, có điều lạ là cái sân trong nhà thờ ấy, nếu ta đứng ở phía trên bao giờ tiếng dội lại cũng rằng rõ. Ấy thế mà cái tiếng kêu ấy không có tiếng vang mới quái chứ. Nhưng, như tôi đã nói, tiếng kêu đêm nay ở gần và đáng sợ vô cùng, tôi nghe thấy mà giật mình hoảng hốt, bởi vì còn có tiếng sột soạt ở ngoài hành lang nữa. Tôi rã rời tưởng mình nguy tới nơi, nhưng lại thấy con chó có vẻ tươi tỉnh lên một chút, sau đó có tiếng thì thào ngay ngoài cửa, suýt nữa tôi phì cười, bởi vì chính là cha mẹ tôi chạy ra vì tiếng động lạ. Tiếng gì thế nhỉ? Mẹ tôi hỏi “Suỵt! Tôi cũng không biết” giọng cha tôi kích động, “nhưng đừng làm thằng bé thức dậy. Hy vọng nó không nghe thấy gì”

“Thấy hai ông bà ở ngoài, tôi mạnh dạn lên, chui ra khỏi giường tới bên cửa sổ nhỏ – trông ra sân trong của nhà thờ – con chó đã chui xuống cuối giường- và nhìn ra. Lúc đầu tôi không thấy gì hết. Rồi, ngay dưới bóng một cái bức tường, tôi trông thấy hai chấm đỏ – cái màu đỏ mới thê thảm làm sao – không giống ngọn đèn hay ngọn lửa, mà chỉ vì nó ở trong màn đen mà ta mới phân biết được. Vừa nhìn thấy thế thì tôi nhận ra không chỉ có gia đình tôi bị khuấy đảo, cửa sổ nhà bên trái tôi cũng bật sáng lên và ánh đèn bên ấy di động. Tôi quay nhìn cửa sổ nhà bên cạnh xong thì nhìn lại không thấy hai chấm đỏ đâu nữa. Nhìn đi nhìn lại cũng đã mất hút. Lại thêm nỗi sợ cuối cùng: hai chân trần của tôi bị cái gì cọ vào không biết. Hoá ra con chó đã chui ra, nhảy nhót lung tung, may nó biết giữ miệng, nhìn thấy nó tinh thần của tôi vững lên đôi chút, tôi mang nó vào giường và cả hai ngủ thiếp đi.”

“Sáng hôm sau tôi thú thật với mẹ là đã để con chó ngủ trong phòng, và ngạc nhiên thấy bà bình thản “Vậy ư?” Bà nói “vậy con không được ăn sáng vì đã làm một việc giấu giếm mẹ, tuy nhiên cũng không gây nguy hiểm lớn lao gì, có điều lần sau con phải xin phép mẹ, nghe chưa?” Một lát sau tôi bảo cha tôi là tôi lại nghe tiếng mèo kêu. “Mèo?” ông nói và nhìn bà mẹ tội nghiệp của tôi, mẹ tôi ho lên bảo “Ồ!À ! Ừ mèo! Phải rồi, tôi cũng nghe thấy.’

“Sáng hôm đó thật khôi hài, mọi sự chẳng đâu vào với đâu. Người chơi đàn organ ốm nằm nhà, vị tu sĩ cấp thấp quên mất đó là ngày thứ mười chín và cứ chờ bài Venite, ông tu sĩ phó đành chơi bài lễ chiều quãng thứ. Anh em nhà Decani cười đến nỗi không hát được, nhất là khi trong đoạn thánh ca solo thì thằng bé lĩnh xướng cứ khúc khích hoài đổ cả máu cam, nó chỉ vào sách nhạc cho tôi thấy đã được tập lời đâu, mà tôi có phải là ca sĩ gì cho cam mà biết! Đấy ông xem, sự việc càng bão tố, năm mươi năm rồi mà tôi còn nhớ lại đã bị cái tay hát giọng nam cao đẳng ấy nó véo cho một cái.”

“Tuy nhiên chúng tôi cũng xong bài thánh ca ấy. Cả người lớn lẫn trẻ con không ai chờ xem vị giáo sĩ thường trực – tức ông Henslow – có đến phòng họp để phạt họ không, tôi không tin ông đến, bởi tôi nghĩ nếu như vậy ông sẽ làm một chuyện sai trái đầu tiên trong đời, và ông cũng biết thế. Dù thế nào thì thế, tôi và Evans chui lên hành lang gác phía trong, qua cầu thang không khó khăn gì mấy, chúng tôi nằm ép bụng xuống sàn, thò đầu nhìn xuống đúng chỗ ngôi mộ cổ. Vừa yên vị xong thì nghe tiếng ông coi giáo đường thời ấy đóng cổng sắt, khoá cánh cửa phía Tây Nam, cả cửa cánh ngang nhà thờ nữa, thế là chúng tôi biết họ sắp làm một việc gì đây cho nên mới tạm thời không cho ai vào trong nhà thờ.”

“Sau đó, giáo sĩ trưởng cùng giáo sĩ nhà thờ từ cửa phía Bắc đi vào, tôi trông thấy cha tôi và ông già Palmer, cùng một vài người thợ khá nhất của ông. Ông Palmer đứng nói chuyện với giáo sĩ trưởng ở giữa khu đồng ca. Ông ta cầm một đoạn dây thừng, mấy người thợ kia mang theo xà beng. Trông ai nấy đều có vẻ bồn chồn. Đứng nói chuyện với ông, Giáo sĩ trưởng bảo “Được rồi, ông Palmer ạ, ta đừng mất thời gian làm gì, tôi nghĩ việc này thuận lòng với Southminster thôi, tôi cho phép, tuy nhiên, phải nói thật điều này, suốt đời tôi, tôi không muốn nghe bất cứ lời bàn ra tán vào ngở ngẩn nào từ một con người thực bụng như ông. Ông có đồng ý như vậy không, ông Henslow?” Tôi nhớ mang máng ông Henslow nói điều gì đó như là “Ồ, thưa giáo sĩ trưởng, chúng ta chẳng được dạy không phán xét người khác là gì?” Giáo sĩ trưởng khụt khịt, đi thẳng đến phía sau ngôi mộ, đứng quay lưng về phía tấm chắn, những người khác như được tiếp thêm dũng khí đứng dịch gần vào. Henslow đứng ở phía Nam, gãi cằm. Rồi giáo sĩ trưởng nhà thờ lên tiếng “Palmer, theo ông làm thế nào dễ nhất? Nhấc phiến đá thẳng từ dưới lên hay nhắc một phiến đá bên cạnh ra trước đã?”

Ông già Palmer và thợ của ông nhìn kỹ phiến đá cuối cùng, sau đó thăm dò phiến đá từ phía Nam, Đông Tây, trừ phía Bắc. Henslow nói đại ý nên thử từ phía Nam có ánh sáng lại rộng chỗ hơn. Rồi cha tôi, vẫn đứng nghe họ nãy giờ, vòng ra phía Bắc, quỳ xuống sờ vào phiến đá qua kẽ hở, ông đứng dậy phủi bụi đầu gối rồi nói với giáo sĩ trưởng “Xin lỗi giáo sĩ trưởng, tôi nghĩ nếu ông Palmer lật phiến đá từ phía này lên sẽ dễ hơn. Tôi cho là người nào đó nên lấy xà beng luồn vào cái khe này rồi bẩy lên là xong.” “A, cám ơn ông, Worby.” Giáo sĩ trưởng nói “Đề nghị hay đấy! Palmer, cho một người thực hiện đi!”

“Thế là một người thợ đi tới, luồn thanh sắt vào cái khe, lúc này tất cả mọi cái đầu đều cúi nhìn kể cả lũ chúng tôi (thò qua chấn song của hành lang phía trong). Tự nhiên, một tiếng ầm khủng khiếp ở cuối khu đồng ca về mạn Tây, cứ như thể đổ sập cả một nhịp cầu thang gỗ vậy. Trời ơi, không tả nổi tình trạng như thế nào vào giây phút ấy. Náo loạn cả lên. Tôi nghe tiếng phiến đá rơi ùm xuống còn thanh xà beng lăn ra sàn và tiếng ông giáo sĩ trưởng “Trời ơi!”

“Nhìn lại lần nữa tôi thấy giáo sĩ trưởng ngã nhào xuống đất, thợ chạy khỏi khu đồng ca, Henslow thì đang đỡ giáo sĩ trưởng lên, Palmer chặn thợ lại (sau này theo lời ông ta kể), cha tôi ngồi trên bậc tam cấp ở chỗ bàn thờ hai tay ôm mặt. Giáo sĩ trưởng giận dữ nói “Henslow, ông phải biết ông chạy đi đâu chứ? Tại sao mọi người chạy hết cả khi một cây gỗ đổ ụp xuống thế này, tôi không tưởng tượng nổi.” Henslow giải thích ông ta đang đi sang phía kia của ngôi mộ chứ có đi đâu đâu, giải thích ấy không làm giáo sĩ trưởng hài lòng.

“Rồi ông Palmer trở lại báo cáo là không có cái gì rơi xuống cả, không hiểu vì sao lại có tiếng động ấy. Giáo sĩ trưởng hoàn hồn, mọi người tập trung cả lại trừ cha tôi, ông ngồi đâu vẫn ngồi đấy, có ai đó thắp một cây nến lên, họ nhìn cả vào trong ngôi mộ. “Chẳng có gì cả” giáo sĩ trưởng nói. “Cái gì thế này? Một mẩu trang nhạc, một mảnh vải bị xé rách từ một cái váy dài thì phải. Mà cả hai đều còn mới – ngoài ra chẳng có gì đáng chú ý. Có lẽ để lúc khác các ông sẽ xin ý kiến của một người có học xem sao…”Ông ta nói đại quá như vậy rồi bỏ đi, chân hơi khập khiễng, đi ra cửa phía Bắc, tuy nhiên quay lại quát Palmer vì sao để ngỏ cửa. Palmer nói vọng ra “Xin lỗi, thưa ông” nhưng ông ta nhún vai, còn Henslow thì nói “Tôi nghĩ giáo sĩ trưởng nhầm. Chính tay tôi đóng cửa lại sau lưng mình mà. Ông ta quá hoang mang đấy thôi.” Rồi Palmer hỏi “Worby đâu?” Họ thấy ông ngồi trên bậc tam cấp của bàn thờ và tới gần ông. Xem ra hình như ông đã hồi phục tinh thần, ông lau trán, Palmer đỡ ông đứng dậy, tôi cũng mừng.

“Họ ở cách xa tôi quá nên tôi nghe không rõ lắm nhưng cha tôi chỉ vào cánh cửa phía Bắc của cánh bên nhà thờ, cả Palmer lẫn Henslow đều nhìn theo lộ vẻ ngạc nhiên và sợ hãi. Sau đó một chút xíu thì cha tôi và ông Henslow đi ra khỏi nhà thờ, những người kia vội vội vàng vàng đặt phiến đá vào chỗ cũ và lấy vữa bít lại. Chuông đồng hồ điểm mười hai giờ trưa thì cửa nhà thờ lớn lại được mở ra, bọn hai đứa chúng tôi thênh thang về nhà.

“Tôi rất băn khoăn đến những cái gì đã chơi người cha tội nghiệp của tôi cái vố ấy. Tôi vào nhà thì ông đang ngồi trong ghế bành, tay cầm ly rượu, mẹ tôi đứng nhìn ông lo lắng, tôi không đừng được bèn ra thú nhận mình đã ở đâu sáng nay. Nhưng cha tôi không hề có vẻ bực mình chút nào. “Con ở đó hả con? Vậy con nhìn thấy cả chứ?” “Vâng, con nhìn thấy hết cha ạ. Chỉ riêng lúc phát ra tiếng nổ làm con không trông thấy gì thôi.” “Thế con có trông thấy giáo sĩ trưởng nhà thờ bị cái cú đo ván ấy không?” ông hỏi “Và trông thấy cái gì từ ngôi mộ đi ra không? Không ư? Thật là nhờ Trời!” “Tại sao lại vậy hả cha?” Tôi hỏi và ông nói “Này nhé, lẽ ra con phải trông thấy chứ? Thế nhưng con lại không trông thấy à? Một vật. Cứ như là một người ấy. Lông tóc khắp người, Hai mắt đỏ lòm.”

“Đó, lần đó tôi chỉ moi được từ cha tôi có thế thôi. Về sau ông có vẻ ngượng vì đã sợ hãi như vậy, thành ra tôi có hỏi gì thêm ông đều gạt đi. Nhưng mãi nhiều năm về sau khi tôi đã trưởng thành, chúng tôi nói với nhau nhiều hơn về chuyện này, và ông vẫn cứ luôn luôn nhắc lại như thế. “Đen kịt” ông nói “toàn lông với tóc, với hai cẳng chân, ánh sáng rọi vào mắt nó.”

Đó là câu chuyện về nấm mộ ấy, thưa ông Lake, nhưng tôi chẳng bao giờ kể cho khách tới thăm và tôi cũng đề nghị ông đừng có tận dụng nó mà đưa ra, tôi qua đời rồi hẵng hay, cảm ơn ông, Evans cũng vậy, ông có hỏi hắn thì hắn cũng bảo thế.”

Sự tình như vậy. Đã hai mươi năm trôi qua, cỏ đã mọc dầy trên mộ ông Worby cũng như mộ ông Evans, ông Lake mới thông báo câu chuyện mà ông ghi chép – vào năm 1890 – cho tôi. Kèm theo còn có cả sơ đồ ngôi mộ và dòng chữ ngắn sao lại từ cây thập tự bằng kim loại mà tiến sĩ Lyalll đã mất tiền cho gắn vào giữa ngôi mộ ở phía Bắc, câu này trích từ Vulgate of Isaiah XXXIV chỉ vẻn vẹn gồm ba chữ:

IBI CUBAVIT LAMIA – QUỶ ĐÃ NĂM Ở NƠI ĐÓ


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.