Hàm Cá Mập

Chương 12



Ngày hôm sau họ lại ra khơi tìm cá mập, mặt trời vẫn chiếu sáng rực như hôm trước. Họ rời cảng vào lúc sáu giờ sáng. Gió tây nam thổi nhè nhẹ, hứa hẹn mang cái mát tới. Mũi Montauk không bình lặng. Nhưng đến mười giờ thì đến làn gió hây hẩy cũng tắt, và chiếc canô đứng đờ trên mặt gương của đại dương như chiếc cốc bằng bìa cứng trong khi mặt trời bị chìm trong một màn sương khói đặc. Khi đi ra cảng, Brody đã nghe đài nói dường như sự ô nhiễm không khí ở New York đã đạt đến mức tới hạn – đã có gì đó thay đổi trong thành phần hóa học của khí quyển. Có đến hàng trăm người ốm, các cụ già và những người bị bệnh kinh niên chết hàng loạt.

Hôm nay Brody mặc quần áo lao động. Trên người anh là chiếc sơmi trắng ngắn tay và cổ cao, quần vải sợi nhẹ, tất trắng và đôi giày bata. Để giết thời gian anh vớ quyển sách mượn được theo người của Hendricks.

Brody không muốn tiêu phí thời gian vào những lời nói phù phiếm, anh sợ lại cãi nhau với Hooper. Chắc là nhà ngư học phải hổ thẹn về chuyện ngày hôm qua, Brody nghĩ. Hôm nay họ hầu như không nói chuyện với nhau, mà hay quay sang với Quint. Brody không thể làm ra bộ như không có chuyện gì xảy ra, nên không thể có thái độ bạn bè với Hooper được.

Người cảnh sát này nhận thấy rằng sáng sáng Quint tỏ ra ít nói, kiềm chế và không xởi lởi. Mỗi lời nói của ông ta hệt như thể phải lôi bằng kìm mới ra. Tuy nhiên, đến cuối ngày thì chủ tàu mềm tính lại. Buổi sáng, khi họ tiến ra đại dương, Brody đã hỏi Quint là canô chạy về hướng nào.

– Không biết, – chủ tàu đáp.

– Ông không biết?

Quint lắc đầu vài lần.

– Vậy thì ta sẽ đi tìm cá mập ở đâu?

– Ta sẽ chọn chỗ.

– Thế ông xác định chỗ như thế nào?

– Chẳng như thế nào cả.

– Ông đi theo dòng chảy?

– Có lẽ như thế.

– Ông có tính đến độ sâu không?

– Một phần.

– Ông muốn nói còn cái gì nữa?

Quint im lặng và chăm chú nhìn thẳng trước mặt, về phía chân trời. Brody đã tưởng là chủ tàu sẽ không đáp lại câu hỏi của anh.

– Một con cá mập to như thế chắc gì sẽ bơi ở chỗ nông, – cuối cùng Quint mới rặn ra. – Nhưng khó đoán thật.

Brody hiểu rằng phải chấm dứt câu chuyện và để Quint yên, nhưng anh thấy tò mò nên lại hỏi:

– Nếu ta tìm thấy cá mập hoặc nó tìm thấy ta thì là gặp may, có phải không nào?

– Có lẽ.

– Tìm con cá này cũng khó như thể mò kim đáy biển ấy.

– Ông nói quá.

– Tại sao?

– Nếu dòng chảy nhanh, thì lớp váng mỡ mồi nhử đến cuối ngày sẽ lan được chục dặm hoặc hơn.

– Thế thì ta ở lại đây cả đêm có hơn không?

– Để làm gì? – Quint hỏi.

– Thì lớp váng sẽ còn lan xa nữa. Nếu một ngày nó bao phủ được mười dặm, thì thêm một đêm nữa nó sẽ phủ được cả hai chục dặm.

– Nếu lớp váng lan ra một diện tích quá rộng thì không tốt lắm.

– Tại sao?

– Nó sẽ làm lạc hướng cá mập. Nếu ta cứ dềnh dàng ở đây cả tháng, thì sẽ rải lớp váng đến kín cả cái đại dương chết tiệt này. Tôi không thấy ý nghĩa. – Quint cười hềnh hệch, hẳn là đang hình dung ra cảnh đại dương bị lớp váng phủ. Brody thôi nói và quay ra đọc sách.

Gần đến trưa thì Quint mới khơi chuyện. Những sợi dây cước đã bơi trong lớp váng hơn bốn giờ rồi. Hễ họ cho tàu đứng im một chỗ là Hooper lại cầm lấy gáo, tuy không ai giao việc đó cho anh ta cả. Lúc này anh ta ngồi ở đằng đuôi, đều đặn múc và đổ mồi nhử xuống biển. Lúc khoảng mười giờ có một con cá nào đó đớp mồi câu ở phía thành tàu bên phải, gây ra sự sôi nổi trong chốc lát. Đó là con rắn đến năm pao, phải vất vả nó mới tóm được lưỡi câu như thế. Lúc mười rưỡi một con cá mập xanh nhỏ đớp mồi phía thành bên trái. Brody kéo con cá lại, Quint cắm câu liêm vào con cá, mổ bụng nó ra rồi lại vứt xuống biển. Con cá mập lờ đờ ngoạm mấy miếng thịt của chính nó, rồi lại chuồi xuống dưới sâu. Không một con mãnh ngư nào bơi đến đánh chén cả.

Khi đã hơn mười một giờ Quint nhận thấy cái vây lưng hình lưỡi liềm của con cá kiếm. Họ im lặng chờ đợi, hy vọng con cá sẽ cắn mồi, nhưng nó không chú ý đến mồi nhử mà cứ lượn lờ vô mục đích cách đuôi tàu sáu mươi yát. Quint giật dây cốt cho mồi bật lên bật xuống, làm ra vẻ một con cá sống, nhưng vô hiệu. Lúc đó Quint mới quyết định phóng lao vào con cá kiếm. Ông ta bật động cơ bảo Brody và Hooper cuốn dây lại còn mình thì lái canô theo những vòng tròn rộng. Một mũi lao đã cắm sẵn vào cái thùng gỗ quấn dây thừng đang đứng ở đằng mũi, đợi hiệu lệnh sử dụng. Quint giải thích quá trình săn bắt; Hooper sẽ lái canô, còn ông ta, Quint sẽ chễm chệ ngồi đằng mũi, tay cầm lao sẵn sàng. Khi nào họ tiến tới gần con cá, Quint sẽ lấy lao chỉ hướng đi cho canô. Hooper phải quay tàu cho tới khi nào mũi lao chỉ thẳng trước mặt. Nó cũng hệt như cách lấy hướng đi theo kim địa bàn. Nếu họ gặp may mắn thì sẽ tiến lại được mà không đánh động con cá và Quint sẽ phóng lao – đường ném mười hai bộ gần như thẳng đứng. Brody phải đứng cạnh cái thùng và theo dõi cho dây thừng khỏi rối khi con cá bắt đầu chúi xuống sâu.

Mọi sự đã diễn ra đúng dự tính, nhưng cuộc săn bị gián đoạn vào đúng giây phút cuối cùng. Khi từ từ chuyển động với động cơ giảm thanh mà tiếng ì ì khe khẽ của nó khó nhận thấy, chiếc canô tiến lại gần con cá – nó đang nằm nghỉ trên mặt nước. Con tàu tuân theo tay lái một cách tuyệt vời và Hooper lái tuyệt đối chính xác theo hướng Quint chỉ. Bỗng chẳng hiểu vì đâu con cá cảm thấy nguy hiểm. Khi Quint vung tay để ném lao thì nó vọt về phía trước, quẫy đuôi rồi lặn nhanh xuống sâu. Quint phóng lao, nhưng trượt xa tới sáu bộ. Lúc này chiếc canô lại đang đỗ ở rìa lớp váng.

– Hôm qua ông có hỏi là có hay không có những ngày trống không không? – Chủ tàu nói với Brody. – Hiếm khi chúng tôi lại có hai ngày liền như vậy. Đã đến lúc cá mập xanh phải xuất hiện.

– Vậy là sao, tại thời tiết ư?

– Có thể. Mọi người cảm thấy khá mệt mỏi. Chắc là cá cũng thế.

Họ ăn trưa – bánh mì kẹp nhân với bia và khi ăn xong, Quint kiểm tra lại xem khẩu súng đã lên đạn chưa. Sau đó ông ta lẩn vào mui rồi quay ra với một đồ dùng mà trước kia, Brody chưa thấy bao giờ.

– Ông chưa ném lon bia đi đấy chứ? – Quint hỏi.

– Chưa, – Brody nói. – ông cần làm gì?

– Bây giờ ông sẽ được thấy.

Dụng cụ nom giống một quả lựu đạn với chuôi dài hình trụ bằng kim loại. Quint nhét lon bia vào hình trụ, quay nó cho đến khi vang lên tiếng tạch, rồi lấy trong túi ra viên đạn rỗng cỡ hăm hai. Ấn viên đạn vào lỗ nhỏ ở đáy hình trụ và quay tay cầm – lại nghe thấy một tiếng tạch nữa. Ông ta chìa cái dụng cụ này cho Brody.

– Ông nhìn thấy lẫy cò chưa, – Quint vừa nói vừa chỉ phía cuối tay cầm. – Hãy chĩa vật này lên trời, khi nào tôi ra lệnh thì ấn lẫy cò.

Quint lấy ra khẩu “M-l”, tháo chốt an toàn, giương súng lên rồi hô Brody:

– Phóng.

Brody ấn lẫy cò. Một tiếng nổ đanh vang lên, khẽ truyền xuống cả tay, rồi lon sắt tây đựng bia bay thẳng lên trời. Nó quay quay trên không, lấp lánh trong ánh mặt trời rực rỡ giống như kim cương, lên đến độ cao tận cùng nó chững lại một phần tích tắc nào đó, đúng lúc ấy Quint nổ súng.

Ông ta nhằm vào phía dưới lon, để viên đạn trúng vào lon khi nó bắt đầu rơi, và xuyên thủng đáy. Vang lên một tiếng – binh! ngân to, thế là lon sắt tây quay lộn nhào xuống nước. Nó không chìm mà lềnh bềnh chao đảo, nghiêng ngửa trên mặt biển.

– Ông muốn thử không? – Quint hỏi.

– Tất nhiên, – Brody trả lời.

– Phải nhớ nhắm khi cái lon lơ lửng trên tận đỉnh và lấy đường bắn hơi thấp xuống một chút. Nếu muốn trúng cái lon khi đang bay lên, thì phải đón tầm, còn khó hơn nhiều. Nếu ông bắn trượt thì hãy đợi một chút, sau đó lại ngắm đầu ruồi, chỉ có điều tôi nhắc lại, là phải đón tầm.

Brody đưa cho chủ tàu cái dụng cụ phóng, cầm lấy khẩu súng và chuẩn bị tư thế bên tay vịn thành tàu. Khi Quint đã lên lẫy cò hình trụ, Brody hô: “Phóng!” – thế là lon sắt tây bay lên. Brody nổ súng. Trượt. Lần thứ ba Brody lấy tầm đón quá lớn, còn lon bia rơi xuống nước.

– Bố tiên sư, thế mà không dễ đâu, – Brody lên tiếng.

– Phải có luyện tập ít nhiều – Quint nhận xét. – Ta xem xem lần này ông có trúng không nhé.

Lon sắt đứng thẳng trong làn nước bất động cách canô khoảng mười lăm – hai mươi yát. Một nửa thân lon nổi rõ trên mặt nước. Brody ngắm, lấy hơi dưới đường ngấn nước một chút và ấn cò súng. Tiếng kim loại vang lên: cốc! và viên đạn đập vào thành lon ở ngay mép nước. Cái lon biến mất.

– Còn ông, Hooper, – Quint hỏi. – Còn một lon nữa. Hoặc ta có thể uống hết bia, giải phóng thêm vài lon nữa.

– Không, cám ơn, – Hooper trả lời.

– Sao vậy?

– Chẳng sao cả. Chẳng qua tôi không muốn bắn, có thế thôi.

Quint cười khẩy.

– Ông lo lắng đến những lon sắt tây trôi trong nước chứ gì? Chúng ta vẫn quẳng xuống biển hàng núi lon. Chúng bị gỉ và gây rác đáy biển chứ gì?

– Không phải vấn đề ở chỗ ấy, – Hooper nói, cố không đối lại sự trêu chọc của Quint. – Vấn đề là tôi không thích.

– Ông sợ vũ khí à?

– Không.

– Thế đã lần nào trong đời ông bắn chưa?

Brody ngạc nhiên với sự dai dẳng của Quint. Sự lúng túng của Hooper làm anh thích thú, nhưng anh không hiểu tại sao chủ tàu lại ra sức chọc tức nhà ngư học. Hay là Quint thấy bứt rứt khi đã chán cảnh ngồi không, cá thì không bắt được. Hooper cũng không biết Quint muốn gì, nhưng anh không thích sự soi mói của chủ tàu. Anh cảm thấy Quint đang nhử anh vào cái bẫy nào đó.

– Hỏi gì lạ, – anh nói. – Trước kia tôi có bắn.

– Ở đâu? Trong quân đội à?

– Không. Tôi…

– Ông đã phục vụ trong quân đội?

– Không.

– Tôi lại cứ nghĩ thế.

– Ý ông muốn nói gì?

– Thề có Chúa, tôi dám đánh cuộc ông vẫn là trai tân.

Brody chăm chăm quan sát Hooper, và trong một phần tích tắc nào đó anh đã bắt gặp cái nhìn đối lại. Hooper đưa mắt đi chỗ khác, mặt đỏ lên.

Anh ta hỏi:

– Ông nghĩ ra cái gì thế, ông Quint? Ông cần gì?

Quint ngả người ra lưng ghế và toe toét cười. Ông ta nói:

– Tuyệt nhiên chẳng có gì. Chẳng qua tôi nói chuyện phiếm một chút để giết thời gian thôi. Ông không phản đối nếu tôi lấy lon khi nào ông uống hết bia chứ? Biết đâu Brody lại muốn bắn nữa.

– Không, tôi không phản đối, – Hooper trả lời – Chỉ có điều đừng có động đến tôi được chưa?

Một tiếng đồng hồ mọi người ngồi im lặng. Brody thiu thiu ngủ, mũ kéo sụp xuống mắt để che ánh mặt trời. Hooper thì ở phía đuôi, hết múc lại đổ mồi, thỉnh thoảng lại lắc lắc đầu để xua cơn buồn ngủ. Còn Quint thì ngồi trên chiếc đài dẫn, mắt nhìn lớp váng, chiếc mũ cứng của lính thủy đánh bộ hất ra phía gáy.

Bỗng Quint bình tĩnh lên tiếng:

– Có khách đến thăm chúng ta.

Brody tỉnh dậy ngay. Hooper chồm người lên. Sợi dây cước bên thành phải căng ra đều đều và rất nhanh.

– Cầm lấy cần câu, – Quint nói. Ông ta giật mũ cứng quẳng xuống ghế.

Brody lôi cần câu từ côngxon ra, đặt nó giữa hai chân và ép chặt tay lại.

– Khi nào tôi ra hiệu, – Quint nói, – thì hãy hãm lõi dây và giật cần. – Dây cước đã ngừng toãi ra. – Đợi một chút. Con cá đang quay người. Nó còn kéo nữa. Đừng giật bây giờ, nó nhả lưỡi câu ra đấy – Nhưng sợi dây nằm chùng trên nước, không có động tĩnh gì. Mấy phút sau Quint chửi đổng. – Mả cha nhà mày. Ông kéo đi.

Brody bắt đầu lựa dây. Sợi dây lướt đi nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng. Như thể trên đó không có mồi.

– Giữ dây bằng hai ngón tay nhé, không nó rối đấy, – Quint nhắc. – Dù có là cái gì, thì “cái của này” đã cắn mồi êm thật. Chắc là nó mới chỉ liếm mồi thôi.

Sợi dây bật lên khỏi nước và treo lơ lửng phía đầu cần. Không có lưỡi câu, không có mồi, không có cả dây đai. Sợi dây cước kim loại đã bị cắn đứt gọn. Quint từ trên đài chạy xuống xem xét sợi dây. Ông ta sờ đầu dây, đưa ngón tay theo mép đứt và chăm chú nhìn lớp váng phía ngoài thành tàu.

Ông ta lên tiếng:

– Tôi nghĩ là ta vừa mới hội ngộ với cô bạn của ông.

– Cái gì? – Brody hỏi.

Hooper từ chỗ lan can con tàu chồm dậy.

– Chắc là ông nói đùa, – anh phấn khích nói. – Chứ không thì tuyệt.

– Tôi chỉ đoán thôi, – Quint đáp. – Tuy nhiên, tôi xin cuộc là đúng vậy đấy. Sợi dây bị cắn ngọt lắm. Xoẹt đúng một lần thôi. Có lẽ con cá mập cũng không cảm thấy. Nó chỉ biết đớp mồi rồi ngậm hàm lại. Thế là xong.

– Vậy thì bây giờ chúng ta sẽ làm gì? – Brody hỏi.

– Chúng ta sẽ đợi xem con cá có làm tiếp mồi khác và có nổi lên mặt nước không.

– Hay là dùng đến con cá heo con?

– Chỉ khi nào tôi chắc chắn là cô nàng của ông đang quấy rầy chúng ta, – Quint nói. – Nếu như tôi trông thấy nó, biết rằng nó đã lớn thì mới đáng đem con cá heo ra làm mồi. Lũ cá thì cái gì chúng cũng đớp liền, tôi không muốn phí một thứ mồi quý cho một con cá vớ vẩn nào đấy.

Họ chờ đợi. Mặt nước vẫn yên lặng. m thanh duy nhất là tiếng đổ mồi của Hooper. Bên thành trái con tàu sợi cước lại động đậy.

– Đừng có lôi cần câu ra khỏi côngxon, – Quint nói. – Mất công vô ích, nhỡ nó lại cắn đứt cái dây này.

Máu trong người Brody sôi lên. Anh vừa bị kích động thần kinh, vừa cảm thấy một nỗi sợ khi nghĩ đến chuyện ở đâu đó quanh đây có một sinh vật có sức mạnh khó lường. Hooper đứng ở lan can thành bên trái, không rời mắt khỏi sợi dây đang chạy. Sợi dây lặng đi và chùng lại.

– Tiên sư nó, – Quint chửi. – Lại đứt rồi.

Ông ta cầm lấy cần câu và cuốn dây vào lõi. Sợi dây bị cắn đứt lơ lửng trên thành tàu, lại mất lưỡi câu như lần trước.

– Ta thử một lần nữa xem, – Quint lại nói. – nhưng tôi sẽ gắn dây dày hơn. Dĩ nhiên cái ấy không dọa được nó, nếu như ta đang chạm trán với con giặc của ông. – Ông ta thò tay vào buồng làm đá lấy mồi ra, rồi tháo dây đai bằng kim loại mảnh ra. Rồi ông ta lôi từ cái hòm trong buồng thủy thủ ra một dây xích dài bốn bộ và dây ba phần tám insơ.

– Giống như dây xích chó ấy, – Brody nhận xét.

– Thì vốn là dây xích chó mà lại, – Quint đồng tình. Ông ta lấy dây thép nối một đầu xích vào cái tai lưỡi câu có gắn mồi, còn đầu kia nối vào dây cước kim loại.

– Có khi nó cắn đứt cả dây xích này?

– Tôi nghĩ là đứt. Chắc là chỉ mất thêm ít thời gian nữa, nhưng thế nào nó cũng cắn đứt, nếu nó muốn. Tôi chỉ muốn chọc tức nó một chút và nhử nó nổi lên trên mặt nước.

– Nếu không được thì làm gì?

– Hiện giờ tôi cũng chưa biết. Tất nhiên, tôi có thể lấy cái lưỡi câu bốn insơ và một sợi dây xích chắc chắn, gài lên dây mấy miếng mồi nhử và thả mồi câu xuống. Tuy nhiên nếu con cá mập mà xơi được cả lưỡi câu này, thì tôi đành bó tay với nó. Nó sẽ giật đứt bất kỳ cột cáp nào, vì thế chừng nào tôi chưa thấy nó, thì không nên liều. – Quint ném lưỡi câu có mồi ra ngoài thành tàu và thả lỏng vài yát dây cước. – Mày lại đây, đồ con đĩ! Cho tao trông thấy mặt mày một cái.

Ba người đàn ông theo dõi sợi dây cước ở thành bên trái. Hooper cúi người, múc một gáo đầy mồi nhử và hất nó xuống lớp váng. Có cái gì đó đánh động sự chú ý của anh, buộc anh quay về bên trái. Hooper trông thấy một vật khiến anh phải bật ra tiếng kêu khàn khàn – không rành mạch, nhưng khá biểu cảm. Hai người đàn ông còn lại quay nhìn về phía anh.

– Trời ơi! – Brody thốt lên.

Cách đuôi tàu mười bộ, gần phía thành bên phải hơn, lộ ra cái đầu con cá mập phẳng hình chóp nón. Con quái vật trồi lên khỏi nước có lẽ đến hai bộ. Phần đầu trên cùng màu xám thẫm, trên đó nổi lên hai con mắt đen. Gần phía hàm, nơi màu xám chuyển dần sang màu trắng nhởn, là hai lỗ mũi – những khe sâu trên lớp da bì bì như vỏ thiết giáp. Hàm hơi hé mở, trong cái vòm tối tăm mờ mịt ấy lộ ra những chiếc răng to hình tam giác. Cá mập và người nhìn nhau có lẽ đến mười giây. Sau đó Quint gào lên:

– Đưa lao đây!

Tuân theo tiếng kêu của chính mình, ông ta lao bổ về phía trước và bắt đầu loay hoay với chiếc lao. Brody vớ lấy khẩu súng. Trong khoảnh khắc ấy con cá chìm vào nước một cách êm nhẹ. Cái đuôi dài hình lưỡi liềm lấp loáng. Brody nhả đạn nhưng anh bắn trượt – và con cá biến mất.

– Nó đi mất rồi, – Brody nói.

– Không tưởng tượng nổi! – Hooper thốt lên – Thế mới là cá mập! Đến tôi cũng không dám mơ đến một con như thế. Một con cá lạ thường! Chỉ riêng cái đầu bề ngang cũng đến bốn bộ ấy chứ.

– Chắc thế. – Quint vừa lên tiếng tán thưởng vừa đi về phía đuôi tàu. Ông ta mang lại đấy hai ngọn lao, hai cái thùng và hai sợi dây chão. – Đề phòng trường hợp cá mập quay lại, – ông ta giải thích.

– Đã bao giờ ông trông thấy một con cá như vậy chưa, ông Quint? – Hooper hỏi. Mắt anh ta rực sáng vì hân hoan và kích động.

– Có lẽ là chưa, – Quint trả lời.

– Ông nghĩ xem chiều dài từ đầu đến đuôi của con cá là bao nhiêu?

– Cũng khó nói, phải khoảng hai chục bộ. Có thể hơn. Tôi không rõ. Nói chung lũ cá này nếu trên sáu bộ là đã không khác biệt gì nhau cả. Chỉ cần đạt đến chiều dài ấy là chúng đã trở nên nguy hiểm. Con giặc cái này cũng nguy hiểm.

– Lạy trời cho nó quay trở lại, – Hooper nói. Brody cảm thấy ớn lạnh và rùng mình.

– Lạ thật, – anh vừa lên tiếng vừa lắc đầu, – Có cảm tưởng như thể nó cười khẩy ấy.

– Bao giờ hàm mở nom chúng cũng như vậy, – Quint nói. – Đừng cho rằng nó thông minh hơn bản thân nó trong thực tế. Chỉ là cái thùng nước rác không có lấy một tí trí khôn nào.

– Sao ông lại có thể nói như thế được? – Hooper phật ý – Thật là một mỹ nhân chính cống. Những sinh vật tương tự như thế bắt ta phải tin vào Thượng đế. Chúng chứng tỏ tự nhiên tài tình đến mức nào khi nghĩ ra cách sáng tạo các loài.

– Chuyện nhảm, – Quint cắt lời và leo thang lên đài dẫn.

– Ông muốn thả con cá heo xuống đấy à? – Brody hỏi.

– Không cần. Chúng ta đã bắt được nó nổi lên trên mặt nước rồi. Nó còn xuất hiện nữa.

Quint chưa kịp dứt lời thì một tiếng động không rõ ràng đã làm Hooper quay người lại. Một âm thanh rít réo vang đến tai anh, dường như nước biết réo.

– Nhìn kìa! – Quint kêu lên.

Con cá mập tiến thẳng lại chiếc canô. Cách tàu ba chục bộ nổi rõ cái vây lưng hình tam giác cao hơn một bộ, nó cắt sóng, bỏ lại vệt gợn nước phía sau. Sau nó là cái đuôi to nhô cao, đang đập mạnh vào nước.

– Nó tấn công tàu! – Brody kêu lên. Vô tình anh ngồi xuống chiếc ghế, như toan tránh nguy hiểm. Quint chạy từ trên đài xuống, miệng chửi đổng.

– Lần này không một dấu hiệu báo trước nào cả, – ông ta nói. – Đưa cho tôi cái lao.

Con cá mập đã ở bên cạnh chiếc canô. Nó nhô cái đầu phẳng lên, ngô nghê nhìn Hooper bằng con mắt đen và chui phía dưới con tàu. Quint nhấc lao lên quay sang thành bên trái. Cán lao đập vào ghế, mũi lao bật ra rơi xuống boong.

– Quân đểu! – Quint quát lên. – Nó còn ở đấy không? – Ông ta cúi xuống vớ lấy mũi lao và tra lại vào cán.

– Ở phía ông đấy, phía bên ông! – Hooper réo. – Nó đã đi ngang qua đây.

Quint quay đầu lại và nhìn thấy thân nghiêng màu xám nâu của con cá mập – nó đã ra xa chiếc canô và mỗi lúc một chúi xuống sâu hơn. Quint ném chiếc lao xuống, giận dữ vớ lấy khẩu súng và xả cả băng đạn xuống nước vuốt đuôi con cá mập.

– Đồ súc sinh! – ông ta chửi. – Lần sau phải báo trước cho tao chứ. – Sau đó ông ta đặt súng xuống và cười ha hả. – Có lẽ phải cám ơn nó mới đúng. Ít ra nó đã không tấn công canô. – Ông ta quay sang Brody. – Nó có làm ông hoảng sợ ít nhiều không?

– Nhiều hơn mức cần thiết, – Brody nói. Anh rũ đầu dường như để suy nghĩ bình tĩnh lại. – Tôi vẫn còn chưa thể tin được vào mắt mình.

Anh đang hình dung ra cảnh cái tấm thân hình thủy lôi ấy lao về phía trước trong đêm tối và xé xác Christine Watkins thành nhiều mảnh; cảnh cậu bé hồn nhiên bơi trên nệm hơi và bất thình lình bị một con quái vật vồ lấy. Brody biết rằng những cảnh rùng rợn tương tự sẽ còn dằn vặt anh mãi – anh sẽ còn mơ thấy những cơn mơ đầy bạo lực và máu me, thấy người đàn bà bất hạnh đang lên án anh về tội đã giết chết con trai chị ta.

– Đừng có nói với tôi rằng đây là con cá. – Brody lên tiếng. – Nó giống như những con quái vật trong các phim viễn tưởng nhiều hơn.

– Ấy thế nhưng vẫn là một con cá, – Hooper nói. Anh ta chưa thể bình tâm lại. – Con cá mới ghê chứ! Mẹ kiếp, gần như Megalodon[37] ấy.

– Cái gì? – Brody không hiểu.

– Tất nhiên, tôi có hơi cường điệu, – Hooper đáp – nhưng một con cá có kích thước như thế có thể gọi là Megalodon được chứ, phải không? Còn ý kiến ông thế nào, ông Quint?

– Ý kiến của tôi là ông đã tắm nắng quá mức rồi, – chủ tàu đáp ngay.

– Chưa đâu. Thế theo ông thì loài cá này có thể đạt đến kích thước bao nhiêu nào?

– Tôi không phải là người biết mọi thứ. Tôi đồ chừng nó dài hai chục bộ, vì thế có thể nói loài vật này đạt đến hai mươi bộ. Nếu ngày mai tôi trông thấy một con cá mập dài hai mươi lăm bộ thì tôi sẽ bảo rằng loại cá ấy lớn được đến hai mươi lăm bộ.

– Những giả định vớ vẩn chẳng có giá trị gì.

– Dù sao thì cá mập đạt đến kích thước nào? – Brody hỏi rồi lại thấy hối ngay. Anh cảm thấy hình như khi đưa ra câu hỏi này với nhà ngư học, vô hình trung anh đã thừa nhận uy tín của anh ta. Tuy nhiên Hooper quá say sưa, bồn chồn và khoan khoái, nên không để ý lợi dụng ưu thế của mình. Nhà ngư học nói:

– Chính là ở cái chỗ chẳng ai biết cả. Ở Australia có một con cá mập bị mắc vào xích và chết đuối. Nó dài đến ba mươi sáu bộ, ít ra thì báo chí đăng tin như thế.

– Gần bằng hai lần con cá của ta, – Brody nhận định. Anh khó tin ngay cả vào sự tồn tại của con cá mập vừa trông thấy, chứ đừng nói gì đến kích thước to quá mức của con cá mà nhà ngư học đã nhắc đến.

Hooper gật đầu đồng ý.

– Thông thường người ta cho rằng độ dài ba mươi bộ là giới hạn đối với cá mập, nhưng con số này chưa chắc đã đúng. Như ông Quint đã nói: nếu ngày mai người ta gặp một con quái dài sáu mươi bộ thì người ta sẽ nghĩ rằng đấy là con cá lớn nhất. Nhưng hãy tưởng tượng ra một điều dị thường này – nhỡ ở đâu đó trong sâu thẳm của đại đương có những con cá khổng lồ dài tới trăm bộ, mà điều ấy cũng có thể có.

– Chuyện vớ vẩn, – Quint nói.

– Tôi không nói rằng đúng là như thế, – Hooper tiếp tục nói. – Tôi nói rằng có thể như thế.

– Thế nào thì cũng vẫn là chuyện vớ vẩn.

– Có thể như thế. Mà cũng có thể không. Hãy chú ý đến tên gọi La-tinh của loài cá mập này – Carcharodon carcharias, tổ tiên gần nhất của chúng được gọi là Carcharodon megalodon và sống khoảng ba mươi, bốn mươi nghìn năm về trước. Có tìm thấy răng cá megalodon. Dài đến sáu insơ. Từ đó suy ra con cá mập khai quật được phải từ tám mươi đến một trăm bộ. Răng chúng cũng giống hệt những cái răng ta thấy ở những con cá mập trắng khổng lồ ngày nay. Giả sử rằng cả hai con cá mập thuộc về cùng một loài. Đâu là chứng minh rằng megalodon quả thực đã tuyệt diệt? Và tại sao lại tuyệt diệt? Loài mãnh ngư này có đủ thức ăn. Đến cá voi cũng không đói, thì các con cá mập khổng lồ cũng có thức ăn như thường. Chúng ta chưa bao giờ có dịp trông thấy cá mập trắng dài một trăm bộ, nhưng điều đó tuyệt nhiên không có nghĩa rằng chúng không tồn tại trong tự nhiên. Những con cá mập khổng lồ không phải nổi lên trên mặt nước. Chúng có thể tìm thấy thức ăn ở dưới đáy sâu. Những con cá mập chết không trôi dạt vào bờ, vì chúng không có bong bóng hơi. Cứ thử tưởng tượng xem cá mập trắng một trăm bộ nom như thế nào nào? Anh có biết nó có khả năng và sức mạnh như thế nào không?

– Chỉ nghĩ đến đã thấy khiếp! – Brody lên tiếng.

– Kích thước nó phải cỡ bằng cái đầu tàu hỏa, hàm thì đầy những răng giống như dao của ông hàng thịt ấy.

– Anh muốn nói rằng con cá mập của ta chỉ là con cá non? – Brody cảm thấy yếu đuối và bất lực. – Một con cá như vậy có thể nuốt gọn được một chiếc canô.

– Không, đây là con cá mập dài lớn, – Hooper nói. – Tôi tin như vậy. Chẳng qua cá mập cũng như người. Người này lớn đến năm bộ, người kia đến bảy bộ. Trời ơi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả chỉ cần được nhìn thấy một con cá megalodon lớn nào đó.

– Anh điên rồi, – Brody nhận định.

– Không, anh chỉ tưởng tượng thế thôi. Cũng giống như chuyện tìm thấy người tuyết.

– Này, Hooper, – Quint nói, – cổ tích thế đủ rồi, xem đã đến lúc đổ mồi xuống biển chưa nào? Tôi cũng muốn đánh bắt được cái gì đó chứ.

– Tất nhiên, – Hooper đồng ý. Anh ta quay về chỗ của mình ở đằng đuôi và ra tay múc mồi đổ xuống nước.

– Ông nghĩ là nó sẽ quay lại? – Brody hỏi.

– Tôi không biết. – Quint đáp. – Có trời mà đoán được đồ quỷ sứ ấy sẽ giở những trò gì. – Ông ta lôi sổ tay và bút chì từ trong túi ra. Tay trái vươn về hướng bờ. Mắt phải nheo lại nhìn theo vạch tưởng tượng dọc ngón tay trỏ. Sau đó lại hí hoáy ghi gì đó vào sổ. Rồi Quint dịch tay sang trái lại ngắm và lại ghi ghi chép chép.

– Tôi đang xác định vị trí của chúng ta. – Quint nói, khi Brody chưa kịp hỏi. – Tôi muốn đánh dấu chiếc canô ở đâu để ngày mai lại đến đúng chỗ này, nếu lát nữa cá mập không xuất hiện trở lại.

Brody ném cái nhìn về phía bờ. Thậm chí phải che tay nhìn chăm chú, anh mới hơi phân biệt được dải đất lờ mờ.

– Ông định hướng như thế nào?

– Theo ngọn hải đăng trên doi cát và tháp nước của thị trấn. Chúng ở dưới những góc độ khác nhau tùy theo vị trí của anh.

– Chả lẽ trông rõ chúng cơ à? – Brody căng mắt ra nhưng không thể nhận ra được cái gì ngoài cái gò trên dải đất.

– Tất nhiên là trông rõ, giá ông đi biển ba chục năm thì ông đã nhìn thấy rồi.

– Quả thực ông nghĩ rằng cá mập sẽ ở lại đây? – Hooper vừa cười khúc khích vừa hỏi.

– Tôi không rõ, – Quint đáp. – Nhưng chúng ta đã phát hiện ra nó chính ở chỗ này.

– Rõ ràng là nó chẳng bỏ Amity đi đâu cả, – Brody chêm vào.

– Tất nhiên, bởi vì nó đã khôn khéo kiếm được mồi cho bản thân. – Hooper nói. Giọng nói của anh không có vẻ gì là mỉa mai hay nhạo báng cả.

Tuy nhiên nhận xét ấy đã cứa vào tim Brody đau nhói.

Họ còn chờ ba giờ nữa nhưng cá mập không quay trở lại. Dòng chảy đã yếu đi, lớp váng hầu như không lan rộng.

– Có lẽ ta về thôi, – Quint đề nghị lúc quá năm giờ. – Hôm nay thế là đủ, không thì sự kiên nhẫn cũng có thể vỡ bung mất.

– Theo ý ông thì cá mập đi đâu? – Brody hỏi. Câu hỏi nhằm vào chỗ thinh không: anh biết rằng không thể có câu trả lời chính xác.

– Đi đâu tùy ý, – Quint nói. – Khi anh lùng kiếm nó thì nó không ở gần bên cạnh, còn khi không cần đến nó, thì loài nặc nô lại vác mặt đến. Đố anh đoán được đấy.

– Thế ông cho rằng ta không cần ở lại qua đêm và đổ mồi nhử xuống à?

– Không. Tôi đã nói rồi: nếu lớp váng lan ra một khoảng quá rộng cũng không tốt. Chúng ta lại không mang theo đồ ăn. Và điều cuối cùng không kém phần quan trọng là ông chưa trả công suốt ngày đêm cho tôi.

– Nếu tôi trả tiền cho ông?

Quint nghĩ ngợi.

– Không có ý nghĩa. Cũng quyến rũ đấy, nhưng ta sẽ trực cả đêm suông thôi. Lớp váng đi quá xa chỉ tổ làm lẫn lộn, ngay cả nếu con cá có ở ngay bên cạnh thì ta cũng chẳng biết đâu, trừ phi nó tấn công canô. Thành thử tôi chỉ lấy tiền của ông về việc ngủ đêm trên tàu. Mà tôi lại không muốn như vậy vì hai lẽ. Trước hết là nếu lớp váng lan quá mạnh thì nó sẽ làm hỏng việc ngày mai. Thứ hai là tôi thích đêm đến con tàu đậu ở cảng cơ.

– Hiểu rồi, – Brody nói. – Bà vợ ông chắc cũng yên dạ hơn nếu ông ngủ ở nhà.

– Tôi không có vợ, – Quint thờ ơ nói.

– Ô thế thì xin lỗi.

– Chẳng việc gì phải xin lỗi. Chẳng qua tôi không cần vợ, – Quint quay người và leo lên thang.

*

Ellen đang nấu bữa tối cho lũ trẻ thì có tiếng gõ cửa. Các cậu con trai đang xem vô tuyến ở phòng khách.

– Mở cửa ra nào! – chị kêu các con.

Ellen nghe thấy tiếng kéo khóa, những giọng nói của ai đó và một phút sau chị đã trông thấy Larry Vaughan, ông ta dừng lại ở cửa bếp. Chưa đến hai tuần kể từ khi họ gặp nhau lần cuối, thế mà vẻ ngoài ông thị trưởng đã thay đổi lạ lùng đến mức Ellen phải ngạc nhiên đưa mắt nhìn ông ta. Như mọi khi, ông ta vẫn ăn mặc diện bảnh: bộ comlê thể thao xanh lơ có hai khuy và chiếc áo sơmi cài đến tận trên cùng, quần xám và đôi giày môcaxin rất mốt. Chỉ có khuôn mặt là thay đổi. Ông ta gầy tóp đi, đã xuất hiện các nếp nhăn như đa số mọi người chưa thuộc loại phát phì. Mắt Vaughan trũng sâu xuống và Ellen có cảm tưởng như nhạt màu hơn mọi khi – màu nâu nhạt. Da cũng xám lại và sệ rõ trên má. Ông ta liên tục liếm cặp môi vốn đã ướt.

Ellen lúng túng khi nhận thấy mình nhìn ông ta lâu đến mức bất lịch sự.

– Chào anh Larry, – chị nói và cụp mắt xuống.

– Chào chị Ellen. Tôi ghé vào đây để…

Vaughan lùi lại vài bước và nhòm vào phòng khách. – Tôi uống một chút rượu gì đó có được không?

– Tất nhiên. Anh biết chỗ để rượu ở đâu rồi. Anh cứ việc tự rót lấy. Đáng lẽ em rót cho anh mới phải nhưng tay bẩn quá.

– Ấy đừng lo. Tôi làm được mà. – Vaughan mở tủ để lấy rượu, lấy ra một chai và rót đầy một cốc rượu gin, – đã nói với chị rồi, tôi đến để từ biệt chị đây.

Ellen quay người khỏi bếp hơi. Chị hỏi:

– Anh đi khỏi đây à? Có lâu không?

– Không rõ. Có lẽ mãi mãi. Ở đây chẳng có gì để làm nữa cả.

– Thế còn công chuyện kinh doanh của anh?

– Đi tong rồi. Hoặc là sắp sửa đi tong.

– Đi tong là thế nào? Làm kinh doanh không thể cháy túi đơn giản thế được.

– Có thể, nhưng tôi đã mất hết rồi. Phần ít ỏi còn lại sẽ chuyển sang tay… các bạn cùng công ty. – Dường như ông ta vừa nhổ được lời nói ấy ra và sau đó, hệt như muốn thoát hẳn vị ghê tởm trong mồm, Vaughan làm một ngụm rượu gin lớn. – Martin đã nói với chị về câu chuyện giữa chúng tôi chưa?

– Rồi ạ. – Ellen nhìn cái chảo và lật con gà.

– Tôi nghĩ rằng bây giờ chị sẽ nghĩ không hay về tôi.

– Em đâu có làm quan tòa cho anh được, anh Larry.

– Tôi không bao giờ muốn làm phật ý ai. Tôi nghĩ chị tin điều tôi nói chứ?

– Em tin. Eleanor có biết gì không?

– Tội nghiệp, chẳng biết gì cả. Tôi không muốn để cô ấy vướng vào mọi chuyện nếu như có thể được. Đấy là một trong những nguyên nhân khiến tôi đi khỏi đây. Eleanor yêu tôi, cô biết đấy, thành thử tôi càng không muốn cả hai chúng tôi bị mất… tình yêu này. – Vaughan tì tay lên bể rửa. – Thổ lộ với cô đôi điều. Đôi khi tôi nghĩ – suốt bấy nhiêu năm thỉnh thoảng tôi lại nghĩ – rằng chúng mình có thể trở thành một cặp xứng hợp tuyệt vời.

Ellen đỏ mặt.

– Anh nói cái gì thế?

– Cô xuất thân từ một gia đình cừ. Cô có những mối quan hệ rộng rãi mà tôi phải bỏ bao nhiêu sức lực mới có được. Chúng mình lẽ ra hợp đôi vừa lứa lắm và có thể giữ một địa vị xứng đáng ở Amity này. Cô đẹp, cô tốt, cô khỏe mạnh. Cô đối với tôi là một phát hiện thực sự. Tôi cứ nghĩ lẽ ra mình đã có thể tạo dựng được cho cô một cuộc sống phù hợp với tâm tính cô.

Elen mỉm cười.

– Em không khỏe đến mức như anh nghĩ đâu, anh Larry ạ. Em chả hiểu, em mà lại là… một phát hiện ư?

– Thôi đừng giả vờ nữa… Tôi mong Martin hiểu được rằng anh ta có một kho báu như thế nào. – Vaughan uống nốt rượu gin rồi đặt cốc vào bồn rửa. – Mà bây giờ có mơ tưởng cũng muộn rồi. – Ông ta tiến lại Ellen, quàng lấy vai chị và hôn vào đầu. – Tạm biệt cô em mến yêu, – ông ta nói. – Thỉnh thoảng hãy nhớ đến tôi nhé.

Ellen nhìn ông ta.

– Được rồi. – Chị hôn vào má ông. – Anh chuyển đi đâu?

– Không rõ nữa. Hoặc là Vermont hoặc là New Hampshire. Có thể tôi sẽ chuyển sang bán các khoảnh đất cho những người yêu thích môn thể thao trượt tuyết. Ai mà biết được. Mà cũng có thể chính tôi sẽ trượt tuyết.

– Anh đã nói với Eleanor chưa?

– Tôi đã bảo cô ấy rằng có lẽ chúng tôi sẽ đi khỏi Amity. Cô ấy chỉ mỉm cười trả lời: “Tùy anh”.

– Khi nào anh lên đường?

– Hễ khi nào tôi thương lượng xong với các trạng sư về các khoản nợ của tôi.

– Anh hãy gửi bưu thiếp báo địa chỉ cho chúng em biết nhé.

– Được. Tạm biệt. – Vaughan ra khỏi bếp. Và Ellen nghe thấy tiếng cửa lối vào đóng sập lại. Cho lũ trẻ ăn bữa tối xong, chị lên phòng ngủ và ngồi xuống giường. “Một cuộc sống hợp với tâm tính cô”, – Vaughan đã nói như vậy. Nó ra sao nhỉ, cái cuộc sống ấy? Sự sung túc? Sự thừa nhận của xã hội? Lẽ ra đừng bao giờ chị nhớ tới tuổi niên thiếu với niềm nuối tiếc, bởi vì đối với chị chẳng hề thay đổi được gì. Lẽ ra chị đừng nên ham muốn quay về với quá khứ, tự khẳng định, tự chứng minh rằng chị còn có sức thu hút, lẽ ra đừng nên đánh đổi Martin lấy Hooper.

Thế nhưng chưa hẳn. Chắc chị có dối lừa Brody chẳng qua cũng vì buồn chán, giống như nhiều phụ nữ đã đến ở tại Amity hàng nhiều tuần vắng chồng, vì những ông chồng còn đang làm việc ở New York. Với Larry Vaughan thì hẳn chị sẽ sống không có bất cứ một lo âu nào, được bảo đảm, nhưng trống rỗng.

Ngẫm nghĩ đến những lời lẽ của ông thị trưởng, Ellen dần nghiệm ra rằng sống với Brody chị cũng không bất hạnh đến nỗi nào, như Larry Vaughan đã hình dung, mà những vui buồn và gian truân chia sẻ cùng nhau lại càng gắn bó họ hơn.

Càng thấy rõ điều đó bao nhiêu, chị lại càng ân hận bấy nhiêu về việc biết bao năm tháng đã trôi đi để mới hiểu được thì giờ và đầu óc bị phung phí như thế nào trong những mưu toan vô ích muốn níu kéo quá khứ trở lại. Sự sợ hãi bỗng xâm chiếm lấy chị – sự sợ hãi rằng chị đã chín chắn quá muộn, nhỡ đâu có chuyện gì xảy ra với Brody trước khi chị kịp sử dụng thành quả của sự chín chắn của mình. Chị liếc nhìn đồng hồ: sáu giờ hai mươi phút. Đáng lẽ giờ này anh ấy phải về nhà rồi. Có chuyện gì đó đã xảy ra với anh ấy, chị nghĩ. Ôi, lạy trời đừng có bất trắc gì xảy ra với anh ấy.

Ellen nghe thấy tiếng cửa mở ở dưới nhà. Chị bật dậy khỏi giường, nhảy bổ ra hành lang và chạy xuống cầu thang. Chị ôm vòng quanh cổ Brody và hôn chặt vào môi anh.

– Trời đất ơi, – anh nói khi chị đã thả anh ra. – Gặp gỡ nồng nhiệt đến thế kia đấy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.