Hỏa Thần

Chương 8



VEN AIX-EN PROVENCE, PHÁP

Thưa Giáo sư, em nghĩ có lẽ chúng ta đã tìm thêm được một cái nữa rồi”.

Paul Martineau đang bò lồm cồm trong cái hầm sâu hun hút, chợt quay đầu lại và tìm nơi phát ra giọng nói làm đứt quãng công việc của mình. Đập vào mắt anh ta là dáng vẻ quen thuộc của Yvette Debré – cô sinh viên cao học trẻ trung tự nguyện tham gia cuộc đào xới này. Dưới ánh nắng vàng rực rỡ của vùng Provence hắt từ phía sau, cô chỉ là một chiếc bóng bé nhỏ. Đối với Martineau, cô như một tác phẩm được che đậy một cách vô cùng khéo léo. Mái tóc ngắn đen tuyền, khuôn mặt hơi góc cạnh hao hao đường nét của một chàng thanh niên. Chỉ khi ngắm nhìn thân hình cô – một bầu ngực đầy đặn, vòng eo thon thả, và một cái hông nở nang thì anh ta mới thực sự bị hấp dẫn. Anh ta đã thám hiểm cơ thể cô bằng đôi tay điêu luyện của mình, tìm đến cả những nơi sâu kín nhất, những chỗ làm cô vui thích và chạm cả vào nỗi đau của những vết thương cũ. Không một ai trong cuộc khai quật này nghi ngờ mối quan hệ thầy trò của họ. Paul Martineau rất giỏi trong việc giữ bí mật.

“Ở đâu?”

“Phía sau nhà thờ”.

“Thật hay bằng đá?”

“Bằng đá”.

“Nó như thế nào?”

“Giáo sư ra xem đi”.

Martineau đứng dậy. Anh ta chống hai tay lên miệng hầm chật chội, đẩy mạnh vai và trồi lên mặt đất. Anh ta phủi nhẹ lòng bàn tay dính đầy đất đỏ vùng Provence và mỉm cười với Yvette. Trông anh ta vẫn như mọi ngày với chiếc quần jeans dày cộm đã bạc màu và đôi ủng da lộn khá hợp mốt so với một số nhà khảo cổ khác. Anh ta mặc chiếc áo thun màu xám tro với chiếc khăn màu đỏ thẫm được thắt thành nơ. Tóc đen nhánh, xoăn tít, mắt to nâu thẳm. Có đồng nghiệp nói với Martineau rằng khuôn mặt anh ta phảng phất đường nét của tất cả các dân tộc đã từng đến cai trị vùng Provence này, người Celto và người Pháp cổ, người Hy Lạp, người La Mã, người Gô-tích, người Giéc-manh, và người Arập. Không thể chối cãi là anh ta khá điển trai. Yvette Debré không phải là cô học viên cao học đầu tiên ngưỡng mộ và gục ngã trước ngài Giáo sư này.

Thực tế, Martineau là Giáo sư thỉnh giảng môn khảo cổ học tại trường đại học danh tiếng Aix Marseille III, vì anh ta dành hầu hết thời gian ở khu khai quật. Đồng thời anh ta còn là chuyên gia tư vấn cho hơn hàng chục bảo tàng khảo cổ nằm rải rác khắp miền Nam nước Pháp.cay. Am hiểu chuyên môn một cách sâu sắc trong lĩnh vực lịch sử tiền La Mã ở Provence, anh ta được đánh giá là một trong những nhà khảo cổ ưu tú nhất ở Pháp thời ấy, dù anh ta chỉ mới ở tuổi 35. Luận án gần đây nhất của anh ta về sự sụp đổ của đế chế Liguria ở Provence được xem là chuẩn mực. Hiện tại, anh ta đang thương thuyết với một nhà xuất bản Pháp để phát hành tác phẩm về lịch sử cổ đại của vùng trên một quy mô lớn.

Sự thành đạt, đàn bà và những tin đồn về của cải khiến anh ta bị ganh ghét và trở thành đề tài đàm tiếu trong giới khảo cổ. Tuy hiếm khi nói về đời tư của mình, nhưng Martineau lại không hề che giấu nguồn gốc lai lịch. Người cha quá cố của anh ta, Henri Martineau, vừa là nhà kinh doanh vừa là nhà ngoại giao, nhưng ở cả hai lĩnh vực trên ông đều thất bại thảm hại. Sau cái chết của mẹ mình, Martineau đã bán ngôi nhà rộng lớn của gia đình ở Avignon cùng cơ ngơi thứ hai ở vùng ngoại ô Vaucluse. Anh ta sống thoải mái từ dạo đó. Anh ta tậu một căn hộ rộng rãi gần Đại học Aix, một căn biệt thự ở làng Lubéron của Lacoste và một chỗ trú chân nhỏ tại Montmartre ở Paris. Khi được hỏi tại sao lại chọn ngành khảo cổ học, anh ta trả lời rằng mình bị mê hoặc bởi sự ra đời, xuất hiện của các nền văn minh cổ đại và nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chúng. Người mới tiếp xúc cảm nhận trong con người anh ta bản tính cố chấp và một sức mạnh đang bị dồn nén. Ít nhất, nó cũng đã thể hiện qua công việc đào bới quá khứ của anh ta.

Martineau theo Yvette xuyên qua mê lộ của các đường hào khai quật. Nằm trên đỉnh một ngọn núi nhìn xuống khu vực đồng bằng rộng lớn của dãy Chaine de l’Étoile, công trình này là một pháo đài trên đồi, hay còn gọi là oppidum, được xây dựng bởi liên minh bộ tộc Celto-Liguria hùng mạnh, gọi chung là Salyes. Những phát hiện khai quật ban đầu cho thấy pháo đài này gồm hai khu vực riêng biệt nhau, người ta cho rằng một khu vực dành cho giới quý tộc Celto và khu vực còn lại là của tầng lớp thứ dân Ligurian. Nhưng Martineau lại đưa ra một giả thuyết mới. Một khu vực tồi tàn hơn vừa được phát hiện hoàn toàn trùng khớp với nơi diễn ra cuộc chiến giữa người Liguria và người Hy Lạp gần Mác-xây. Nhờ cuộc khai quật này mà Martineau đã chứng minh được rằng khu vực đó trước đây chính là một trại tỵ nạn của thời kỳ đồ sắt.

Rồi anh ta bắt đầu tìm kiếm câu trả lời cho ba câu hỏi: Tại sao pháo đài trên đồi này bị bỏ hoang chỉ mới sau một trăm năm? Anh ta tìm thấy khá nhiều đầu lâu gần nhà thờ, gồm cả đầu lâu thật và đầu lâu được trát vào đá. Chúng có ý nghĩa gì? Đó đơn thuần chỉ là chiến tích của người man rợ thời kỳ đồ sắt hay là một phong tục thờ cúng truyền thống nào đó của người Celto? Martineau cho rằng chính việc trát đầu lâu vào vách đá đã khiến pháo đài nhanh chóng bị sụp đổ. Bởi đầu lâu không phải là một vật liệu tốt cho ngành xây dựng. Vì vậy anh ta yêu cầu mọi thành viên trong đội phải thông báo khi phát hiện thêm bất kỳ một cái đầu lâu nào nữa – và đó cũng là lý do vì sao anh ta đích thân quản lý khu vực đào xới này. Kinh nghiệm xương máu đã dạy anh ta rằng không được bỏ sót bất kỳ một manh mối nào dù lớn hay nhỏ. Ý nghĩa của đầu lâu đó là gì? Những đồ tạo tác hoặc những mảnh vụn được tìm thấy xung quanh là gì? Có dấu vết nào gần đó không? Các học viên cao học – thậm chí thông minh như Yvette Debré – cũng khó phát hiện ra những manh mối đó.

Hầm khai quật chỉ dài khoảng 1 mét rưỡi, rộng một sải vai. Martineau hạ thấp người xuống, cẩn trọng để không làm xáo trộn vùng đất xung quanh. Chiếc mũ của anh ta nhô lên khỏi nền đất thô cứng. Martineau lấy từ trong túi sau ra một chiếc cuốc chim, một cái bàn chải và bắt tay vào việc.

Anh ta không hề rời khỏi hầm trong sáu giờ liên tục. Yvette ngồi vắt chân ngay cạnh hầm. Thỉnh thoảng cô đưa cho Martineau nước khoáng hoặc cà phê, những thứ mà thường ngày chẳng bao giờ anh ta nhấp môi. Cứ vài phút, một trong những người trong đội lại đi ngang qua và thắc mắc về những gì anh ta mới phát hiện. Nhưng anh ta chỉ im lặng. Chỉ có tiếng cuốc chim của Martineau phát ra từ trong hố. Cùng với đó là các động tác cuốc, cuốc, quét quét. Rồi lại cuốc cuốc, quét quét và thổi…

Dần dần, khuôn mặt bị sỏi đá che phủ qua thời gian lộ ra trước mắt anh ta, cái miệng thể hiện sự đau đớn tột cùng, mắt nhắm chặt lúc chết. Ánh nắng đã chuyển hướng, anh ta dò sâu hơn theo lớp đất đá và phát hiện ra rằng cái đầu bị giữ chặt bởi một bàn tay đúng như anh ta mong đợi. Những người tập trung cạnh hầm khu khai quật không nhận ra rằng, đối với Paul Martineau, khuôn mặt đó còn hơn cả một món quà quý giá được khai quật từ quá khứ. Trong lớp đất đá tối om, Martineau đã nhìn thấy khuôn mặt kẻ thù của mình, và anh ta nghĩ một ngày không xa mình cũng sẽ được giữ một cái đầu lâu trong lòng bàn tay.

Cơn giông bất ngờ đổ xuống thung lũng Rhône vào giữa trưa. Mưa xối xả, từng cơn gió lạnh căm ào ạt quét qua hiện trường đào xới giống như cuộc bố ráp của đội quân Vandal. Martineau trèo ra khỏi hầm và tiến nhanh lên đồi, nơi những người còn lại trong đội đang trú mình sau bức tường khuất gió của thành lũy cổ.

“Dọn dẹp thôi nào”, anh ta nói. “Sáng mai chúng ta sẽ tiếp tục”.

Martineau chúc họ một ngày tốt lành và hướng về phía bãi đỗ xe. Yvette tách ra khỏi nhóm và đi theo sau anh ta.

“Anh thấy sao nếu mình đi ăn tối nay?”

“Anh cũng muốn vậy lắm nhưng anh e rằng không thể”.

“Sao vậy anh?”

“Tối nay anh phải tham dự một bữa tiệc chiêu đãi chán ngắt của khoa ”, Martineau nói. “Chủ nhiệm khoa yêu cầu anh phải có mặt”.

“Còn tối mai thì sao?”

“Ừ, có thể được đấy”, Martineau nắm tay cô học viên cao học. “Gặp lại em ngày mai nhé”.

Bên kia bức tường là một bãi đậu xe cỏ mọc um tùm. Chiếc xe Mercedes mới tinh của Martineau đậu tách biệt hẳn so với những chiếc xe hơi và mô tô cũ kỹ của những tình nguyện viên và những nhà khảo cổ không mấy tên tuổi ở khu khai quật. Anh ta leo lên xe và lái dọc đường D14 hướng về Aix. Mười lăm phút sau, anh ta đã có mặt tại bãi đỗ xe bên ngoài căn hộ của mình, nằm ngoài đại lộ Mirabeau, ngay trung tâm thành phố.

Đó là một căn nhà sang trọng được xây từ thế kỷ mười tám, mỗi cửa sổ đều mở ra một ban công sắt và một cửa ra vào ở phía tay trái mặt tiền. Martineau lấy thư và bước vào thang máy lên tầng bốn. Thang máy đưa đến một hành lang nhỏ với sàn bằng cẩm thạch. Một cặp water vessel thời La Mã đặt phía ngoài cửa nhà. Khi có người hỏi liệu đó là đồ thật hay đồ giả thì anh ta đều trả lời chúng chỉ là đồ giả nhưng được tái chế khá tinh xảo mà thôi. Trong khi thực chất chúng là một món đồ cổ vô giá.

Căn hộ này có vẻ phù hợp với một thành viên của giới quý tộc vùng Aix hơn là với một nhà khảo cổ học hay một vị Giáo sư thỉnh giảng. Trước đây nó là hai ngôi nhà tách biệt. Sau cái chết bất ngờ của người hàng xóm góa vợ, anh ta mua lại và gộp chung thành một. Phòng khách khá rộng rãi và ấn tượng với trần cao, cửa sổ rộng nhìn thẳng ra đường. Đồ gỗ ở đây được trang trí theo phong cách đặc trưng của vùng Provence, trông đỡ đơn điệu ở căn biệt thự của anh ta tại Lacoste. Căn phòng được tô điểm thêm bởi một bức tranh phong cảnh của Cézanne và một cặp tranh phác họa của Degas. Hai cây trụ thời La Mã khá ấn tượng nằm ngay lối vào phòng làm việc. Nơi đây chứa hàng trăm công trình nghiên cứu khảo cổ, một bộ sưu tập đồ sộ những ghi chép tại hiện trường và bút tích của một số bộ óc tuyệt vời nhất trong lịch sử ngành khảo cổ. Ngôi nhà của Martineau cứ như một thánh đường. Anh ta chẳng bao giờ mời đồng nghiệp về đây trừ những người phụ nữ, và người được mời về gần đây nhất là Yvette.

Martineau tắm qua thay quần áo sạch sẽ. Hai phút sau anh ta lại ngồi sau tay lái xe Mercedes, tăng tốc về phía đại lộ Mirabeau. Anh ta không lái thẳng đến trường đại học, mà lại hướng về thành phố, rẽ sang đường cao tốc A51 về phía Mác-xây. Anh ta đã nói dối Yvette. Đây không phải là lần đầu tiên anh ta nói dối cô.

Phần lớn cư dân vùng Aix không mặn mà gì với thành phố Mác-xây. Nhưng Paul Martineau lại luôn bị nó cám dỗ. Thành phố cảng mà người Hy Lạp từng gọi là Massalia giờ đây là thành phố lớn thứ hai của Pháp. Đây là cửa ngõ dẫn vào thành phố của làn sóng nhập cư, hầu hết đến từ Algeria, Morocco và Tunisia. Đại lộ Canebière rộng lớn cắt ngang thành phố làm nó có hai khuôn mặt khác biệt rõ rệt. Phía nam đại lộ, ở phía bờ cảng cũ, là một thành phố kiểu Pháp sang trọng với những vỉa hè rộng dành cho khách bộ hành, những cửa hiệu mua sắm cao cấp, và khu dạo mát với những quán cà phê ngoài trời. Nhưng phía bắc là khu vực gồm hai thị trấn Le Panier và Quartier Belsunce. Ở đây người ta phải đi bộ men theo hai bên đường hẹp và chỉ toàn nghe tiếng Arập. Khi trời sẩm tối, khách nước ngoài và người Pháp bản địa rất ít khi đi vào khu Arập này, vì họ dễ dàng trở thành nạn nhân của những tên tội phạm đường phố.

Paul Martineau chẳng bao giờ phải bận tâm về sự an toàn của mình. Anh ta bước ra khỏi chiếc Mercedes trên đại lộ Anthène, gần chỗ hầm cầu thang dẫn đến ga Charles và bắt đầu xuống đồi hướng về đường Canebière. Trước khi tới đường lớn, anh ta rẽ phải, đi vào con đường Convalescents hẹp. Con đường chỉ vừa đủ rộng cho một chiếc xe hơi, nó dẫn ra cảng vào trung tâm Quartier Belsune.

Trời đã về khuya, một làn gió lành lạnh ập đến khiến Martineau rùng mình. Không khí ban đêm thoang thoảng mùi khói than, nghệ và mật ong. Hai người đàn ông già nua ngồi trên chiếc ghế ọp ẹp ngay lối đi của khu chung cư đang chia nhau ống điếu hút và hờ hững quan sát Martineau khi anh ta đi ngang qua. Một lát sau một trái bóng non hơi, tiệp với màu vỉa hè, từ bóng tối bay thẳng về phía anh ta. Martineau chặn một chân lên trái bóng và đá trả về hướng mà nó đã bay tới. Trái bóng được hất ngược lên bởi một đứa bé trai mang dép xăng-đan, nhưng ngay khi thấy một người đàn ông cao to trong bộ Âu phục, nó quay đi và biến mất vào trong hẻm. Martineau nhớ lại hình ảnh của mình ba mươi năm về trước. Mùi than, nghệ, mật ong… Trong một thoáng, anh ta ngỡ mình đang đi trên những con đường ở Beirut.

Anh ta bước đến ngã tư. Ngay góc đường là quầy Shoarma1, bên kia đường là một quán cà phê nhỏ hứa hẹn những món ăn khoái khẩu của người Tunisia. Ngay lối vào quán, một bộ ba thanh niên hướng mắt về phía Martineau đầy khiêu khích. Anh ta chúc họ một buổi tối tốt lành bằng tiếng Pháp sau đó chuyển ánh nhìn và sang phải.

Con đường hẹp dần, vỉa hè hầu như bị chiếm dụng bởi các sạp hàng đầy những tấm thảm rẻ tiền và ấm nhôm. Ở cuối đường là một quán cà phê Arập. Martineau bước vào trong. Đằng sau quán cà phê, ngay cạnh nhà vệ sinh là một lối lên cầu thang tối om. Martineau từ từ bước lên từ trong bóng tối. Trên đỉnh cầu thang là một cánh cửa. Khi Martineau tiến tới, cánh cửa đó đột nhiên mở toang. Một người đàn ông, râu ria nhẵn nhụi, mặc áo choàng galabia, bước ra đầu cầu thang.

Ông ta nói. “Maa-salaamah”, và tiếp luôn. “An lành cho anh”.

Martineau cũng nói lại. “As-salaam alaykum”, anh ta lướt qua người đàn ông và bước vào bên trong căn hộ.

Chú thích

________________________________________

1 . Shoama: Món thịt cừu xé mỏng cay.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.