– Khi yêu, người ta thường hay nghi ngờ. Nhưng nghĩ như em thì quá sức. Mợ Thanh rất muốn biết người anh yêu ra sao. Mợ muốn gặp người đã loại Tố Nga ra khỏi vòng chiến. Chiều hôm ấy anh vì sĩ diện và tự ái đã phớt lờ như không quen, không biết đến em. Có điều lạ là em gây ợ Thanh ấn tượng sâu sắc. Bà cứ hỏi em mãi. Mợ Thanh khen em đẹp tự nhiên và rất xứng với Quang mới khổ anh chứ.
Giọng Lam Uyên rụt rè lẫn ấm ức:
– Mợ ấy không biết em là gì của anh thật sao?
Duy phì cười:
– Làm sao mà biết được. Mợ Thanh chỉ biết anh đang yêu một con bé tên Lam Uyên. Cái tên gợi ợ ấy nhiều xúc cảm.
– Vì vậy nên mợ đồng ý cho em làm thư ký riêng của anh.
– Chậc! Lại lạc đề nữa rồi.
Lam Uyên phụng phịu:
– Em hỏi thật chớ bộ! Mợ ấy giúp anh mọi thứ kia mà….
Duy nheo mắt:
– Chính vì nghĩ mợ Thanh giúp anh mọi thứ nên mới nổi máu Hoạn Thư lên phải không? Thật ra mợ ấy chỉ làm “thuyết khách” hộ anh thôi. Mợ Thanh về Canada thuyết phục ông ngoại và dì thứ Hai của anh xuất vốn cho anh thành lập cơ sở vi tính ở đây. Bà không can dự gì vào chuyện… công danh sự nghiệp của anh hết.
Lòng Lam Uyên bỗng dưng nhẹ nhõm. Cô nép sát vào người Duy bồi hồi.
Cô đúng là một con bé ích kỷ, cô không muốn ai chia sớt tình yêu của mình, dù đó là người đàn bà có tuổi như bà Thanh. Bây giờ bà ta ở bên kia bầu trời, cô không gì phải lo nữa.
Giọng Duy trầm trầm vang lên:
– Khoảng tháng sau mợ Thanh lại sang đây. Nhất định anh sẽ đưa em tới thăm… Rồi em sẽ thấy, mợ ấy rất dễ mến.
Lam Uyên ngạc nhiên đến mức ấp úng:
– Mợ… ấy sang đây chi nữa vậy anh?
– Để tìm người thân, lần về ngoài Trung vừa rồi, hình như mợ Thanh nghe được tin tức bà con, mợ ấy định về Việt Nam ở luôn nếu tìm ra họ.
Tự dưng Lam Uyên buột miệng:
– Quê mợ Thanh ở đâu?
– Nha Trang hay Đà Nẵng gì đó, anh không biết nữa. Lần rồi anh theo mợ ấy đi du lịch, mợ không muốn nói chuyện riêng của mình, nên anh cũng không hỏi khi thấy tới đâu mợ cũng đi suốt thành phố mà không cần anh theo.
– Vì vậy bà ấy tìm ai, tìm cái gì anh cũng chả biết?
Nhéo mũi Uyên, Duy nói:
– Anh không tò mò như đàn bà, biết chuyện người khác có ích gì cơ chứ?
Mặt Uyên xụ xuống trông thật dễ ghét. Duy xúc động khi nghĩ ra cô bé anh trót yêu còn quá trẻ con. Nét trẻ con ấy làm lòng anh say đắm, nhưng cũng làm anh khổ sở. Tình yêu của Duy là như thế đó, và anh không sao thôi đừng yêu.
Lam Uyên đi tới đi lui ngoài hành lang với vẻ nôn nóng, sốt ruột khác thường. Cuối cùng cô bước tới ngồi xuống kế bên Duy trên bậc thềm.
Anh kéo cô vào lòng :
– Mỏi chân rồi phải không ? Anh đã bảo đừng đi lòng vòng mà cứ cãi …
– Nhưng em muốn nghe để biết dì Mai nói gì với ba, khi chuyện đổ bể ra rồi. Sao anh cản trở không cho em vào phòng ba ?
– Có em mọi việc sẽ rối tung lên. Cứ để hai người lớn giải quyết với nhau. Nhưng em vẫn chưa nói rõ cho anh biết chuyện gì đã xảy ra.
Lam Uyên thở mạnh :
– Sáng hôm kia chị Phương lại đến văn phòng trung tâm để đòi tiền hoa hồng. Chỉ và Cẩm Lìn, kế toán trưởng của trung tâm đã cãi lộn rồi dẫn đến đánh nhau. Công an phường kịp có mặt để can thiệp. Chị Phương bị lỗ đầu nên không chịu nhịn, chị đã khai mọi việc với công an. Thế là cơ quan điều tra đã phanh phui ra mọi chuyện. Hiện thời họ đang điều tra, xác minh để lập hồ sơ khởi tố hoạt động bất hợp pháp của trung tâm.
– Vì lý do đó mà bác Trí và dì Mai gây nhau ?
Uyên ngập ngừng :
– Dì Mai đối với ba em rất tệ. Khi sự việc vỡ ra, dì ấy đổ hết trách nhiệm cho ba.
– Sao lại đổ trách nhiệm khi bác nằm bệnh ở nhà, còn công việc thì một tay dì Mai điều hành ?
– Theo như giấy tờ đứng ra thành lập trung tâm thì ba em là giám đốc chịu trách nhiệm về các hoạt động của trung tâm nầy. Nhưng thật ra ông chỉ có chức danh thôi. Thực chất Ngô Vĩnh Kỳ mới là ông chủ thật sự. Lão ta núp dưới danh nghĩa công ty Hoa Lan để trốn thuế nhà nước, và giật dây dì Mai thực hiện những hoạt động phi pháp.
Lam Uyên rầu rĩ :
– Ba em vì tin tưởng dì Mai nên bị Vĩnh Kỳ lợi dụng, bây giờ lão bỏ mặc cho hai người nhận lãnh hậu quả. Lão ung dung với danh nghĩa du khách, khi vui thì đậu, lúc buồn thì bay. Em nghe dì Kim Anh nói Vĩnh Kỳ nhờ Cẩm Lìn mua vé máy bay, vài ba hôm nữa là lão về Đài Loan rồi.
Duy chậc lưỡi khi nghe Lam Uyên kể lể. Anh không ngờ sự việc lại như vậy. Ông Trí xem nặng tình cảm riêng tư, thảo nào Hưng mới bỏ nhà ra đi. Hưng không chỉ buồn vì ba mình không tin vào khả năng con trai mà hắn còn buồn vì mặc cảm bị cha không quan tâm thương yêu như trước khi có vợ kế.
Tội nghiệp Lam Uyên của anh ! Cô bé hẳn từng bơ vơ đơn độc trong nhà mình. Duy xót xa nhìn vẻ buồn rầu cam chịu của Uyên.
Anh thăm dò :
– Hưng có nói gì không ?
– Trước đây ảnh đã tuyên bố: “Có dì Mai trong nhà là không có anh” Hồi nãy em nghe dì Mười nói lần nầy anh Hưng sẽ về nhà, và dứt khoát không cho dì Mai vào.
Duy cau mầy :
– Nó dựa trên cơ sở nào mà dám làm như thế ? Anh nghĩ con cái không nên chen vô chuyện của cha mẹ.
Giọng Lam Uyên đanh lại:
– Tại chưa hiểu con người dì Mai nên anh nói vậy, chớ nếu anh Hưng không đuổi dì ấy em cũng ngồi chờ ở cửa để cấm dì ấy vào nhà.
Chẳng cần để ý vẻ khó chịu của Duy, cô nói tiếp :
– Anh tin không ? Qua điều tra của công an, em mới biết dì Mai là vợ có đăng ký kết hôn đàng hoàng của Ngô Vĩnh Kỳ. Bà ta qua mặt cha con em như thế, thì còn tư cách nào để về nhà em nữa.
Mắt Duy mở to kinh ngạc :
– Tại sao kỳ vậy ?
Lam Uyên so vai :
– Vì tiền. Đó là cách lý giải đơn giản nhất mà em tin đúng với bản chất của bà Mai. Là vợ không hôn thú với ba, bả ôm tham vọng đi nước ngoài nên đã là vợ luôn của Vĩnh Kỳ. Điều nầy suy ra lão có thiệt thòi gì đâu. Qua Việt Nam ở khách sạn không tốn tiền, lại có vợ hầu hạ, giúp việc làm ăn ngày càng phát triển, lão ta chỉ thu lợi thôi.
Ngừng lại để thở, Uyên lại nói :
– Trước đây Mai Phương đã nói bà Mai tự xưng là vợ của Ngô Vĩnh Kỳ, em không tin. Nào ngờ sự thật cho thấy bả đáng sợ hơn cả lời của Mai Phương. Vĩnh Kỳ cưới bà Mai để …. mượn vợ đứng ra thành lập công ty nhằm trốn thuế và phủi tay lỡ khi chuyện làm ăn phi pháp bị đổ bể. Nào ngờ bà Mai cao tay ấn không kém đã …. mượn tư cách pháp nhân của ba em để cho ra đời trung tâm Hoa Lan. Ông là giám đốc hữu danh vô thực, nhưng dù thế nào ba cũng không thể trốn tránh trách nhiệm của mình. Rõ ràng đây là bài học đầy đau xót, em chẳng hiểu ba có chịu đựng nổi không ?
Duy ngập ngừng :
– Em tự suy đoán những điều kinh khủng nầy hả Lam Uyên ?
Cô chán nản lắc đầu :
– Anh Hưng và Vi Lan đi thu thập tin tức về. Tụi em ngồi bàn bạc và suy ra. Những điều nầy là đúng. Anh thấy gia đình em tệ lắm phải không Duy ? Biết đâu chừng em phải ra hầu tòa đó
Chưa kịp nói lời an ủi nào, Duy đã nghe tiếng ông Trí hét lẫn với tiếng đồ vật bị xô ngã :
– Tao giết mầy chết ! Đồ khốn nạn !
Lam Uyên hốt hoảng ngồi bật dậy chạy vội vào nhà. Duy cũng hấp tấp theo cô.
Phòng ông Trí cửa vẫn đóng, Uyên gào lên :
– Ba mở cửa ! Dì Mai mở cửa !
Vừa lúc đó Hưng cũng về tới, anh lấy chân đạp mạnh vào cửa hai ba lần mới phá được chốt trong.
Trên sàn gạch Uyên thấy ba mình đang đè dì Mai xuống bóp cổ. Mặt ông tái xanh tái mét mặc cho bà Mai cào cấu bằng mười ngón tay nhọn hoắt và chòi đạp lung tung. Ông cố hết sức mình bóp cổ bà ta.
Lam Uyên đứng chết trân nhìn. Hai chân cô khuỵu xuống vì sợ. Hưng và Duy lao tới kéo ông Trí ra. Bà Kiều Mai vừa bò, vừa lết ra sát vách tường với bộ mặt không còn chút máu. Trong khi ông Trí vẫn gào lên.
– Để tao giết nó ! Buông tao ra !
Khó khăn lắm Hưng và Duy mới khiêng ông lên giường. Uyên không ngờ với sức tàn của một người từng bị liệt nửa người, mới phục hồi ở mức muốn đi loanh quanh phòng phải chống gậy, mà ba cô có thể quật ngã và bóp cổ một người khỏe mạnh và dữ như bà Mai.
Càng thương ba, cô càng ghét mụ đàn bà đang hổn hển thở dưới góc nhà. Cô sấn tới đuổi :
– Dì đi khỏi đây đi !
Bà Kiều Mai nhìn trả lại cô bằng đôi mắt hận thù :
– Cha con tụi bây là đồ khốn !
Hưng nghiến răng nhào tới xốc bà ta lên :
– Đi ra khỏi nhà nầy và không được trở lại. Nghe kỹ lời tôi nói đấy ! Nếu còn gặp bà trong nhà, tôi sẽ giết bà ngay !
Lam Uyên rùng mình vì lời hăm dọa của Hưng. Anh cô hiền lành nhưng cộc tính. Giận dữ lắm Hưng mới dọa như vậy.
Bà Kiều Mai chùi chút máu rỉ ra bên mép, rồi lên giọng đanh đá :
– Tao sẽ thưa thằng già kia tội hành hung tao. Hừ ! Thử coi tao với lão ai chết trước.
Uyên thấy Hưng cung tay lại, rồi không hiểu sao anh hét :
– Cút ngay đi !
Đợi bà Mai dằn gót giầy ra khỏi phòng, Hung gay gắt :
– Tội vạ gì ba phải làm vậy ệt xác. Đó là đồ bỏ đi !
Ông Trí rên rỉ :
– Ba muốn giết nó thật. Trời ơi ! Ba muốn giết nó.
Rồi ông ngước lên nhìn anh :
– Nó đã lấy chủ quyền nhà và chủ quyền khách sạn thế chấp để vay ngân hàng năm trăm triệu. Cha con mình không còn chỗ để ở nữa rồi.
Hưng hấp tấp hỏi một hơi :
– Bả lấy lúc nào ? Tại sao bả lấy được ? Rồi tiền ấy bây giờ ở đâu ?
Ông Trí thẩn thờ :
– Trước đây Kiều Mai nói cần có khoảng năm trăm triệu để làm vốn hùn hạp với Vĩnh Kỳ. Ba tin nên giao chủ quyền cho nó. Bây giờ thì nó nói vốn chỉ còn non trăm triệu nằm trong két và đã bị niêm phong chờ xử lý. Phần kia đưa cho khách hàng cứ mỗi người ba ngàn đô, nhưng chưa ai xuất cảnh được nên chưa thu hồi lại vốn.
Lam Uyên buột miệng :
– Bà ấy nói láo !
Hưng chán nản :
– Ai không biết là láo. Nhưng bây giờ làm sao lấy lại tiền khi dì Mai đã cố đấm ăn xôi ?
Ông Trí chua xót thở dài :
– Tất cả do ba quá tin người.
Rồi ông bỗng lồng lên như con thú bị thương :
– Phải nói đúng hơn là những con đàn bà đến với ba toàn thứ yêu quỷ. Ngày xưa mẹ chúng bây cũng thế, cô ta quen sung sướng nên dầu đã có hai mặt con, vẫn đành đoạn nghe lời cha mẹ gạt chồng con vượt biên với người tình cũ. Có thể giờ nầy mẹ vẫn còn sống, không chết như ba vẫn nói đâu.
Lam Uyên sửng sốt :
– Ba nói vậy nghĩa là sao ? Thật sự mẹ còn sống hay không ?
Ông Trí ôm đầu hét lên :
– Còn sống hay đã chết cũng không can dự đến cuộc sống hiện nay của mầy. Từ nhỏ đến giờ, chỉ có tao nuôi chúng bây. Tại sao vừa nghe đã hỏi tới như thế ? Mầy cũng y như mẹ mầy. Cút, cút khỏi đây ngay
Lam Uyên ngỡ ngàng nhìn mọi người. Căn phòng im lặng đến nặng nề sau lời la hét của ông Trí. Uyên bỗng nấc lên một tiếng rồi chạy bổ ra ngoài. Duy lật đật chạy theo cô.
Uyên dựa vào cột, ngồi bệt dưới đất khóc tức tưởi, Duy ôm cô vỗ về :
– Ba đang bị sốc. Em không nên giận ông.
Cô ngang ngược, cố chấp :
– Nhưng ai làm nên chuyện cho ba sốc ? Tất cả là do ba. Tại sao ba lại nói động đến mẹ rồi mắng luôn em ? Em và mẹ có tội gì cơ chứ ? Ba thật vô lý khi … khi …
Giọng Lam Uyên nghẹn lại. Cô khổ sở :
– Mẹ chết rồi, sao ba lại nói mẹ còn sống ? Mẹ rất yêu thương ba, sao ba lại nói mẹ gạt chồng ? Em không muốn ai nói động tới mẹ em hết. Ít ra ba cũng nên để em nghĩ về mẹ như về một điều thiêng liêng chớ. Đằng nầy ba lại cố tình nói mẹ xấu, ba vơ đũa mẹ với bà Mai. Mẹ làm sao như bà ấy được. Tại sao ba không thấy khuyết điểm của mình mà lại đổ cho người khác ? Em …. giận ba dữ lắm !
Duy kiên nhẫn xoa dịu Uyên :
– Ba em đang khổ tâm đến mức đâm ra quẫn trí. Với người đàn ông, không gì nhục nhã hơn bị vợ lường gạt. Bác trai giận bà Mai quá nên khi nói, vơ cả người quá cố cho vơi tức. Em phải thông cảm, phải thương ba chứ.
Nước mắt cứ thi nhau tuôn rơi. Lam Uyên nghĩ tới tương lai mà lo lắng. Không tiền trả nợ, nhà hàng khách sạn là nguồn lợi duy nhất của gia đình sẽ chẳng còn. Rồi cha con cô sẽ trôi dạt về đâu ? Công việc làm cô chưa có, một mình anh Hưng làm sao gánh nổi gánh nặng nầy ? Gia đình Uyên rơi vào chỗ bế tắc hoàn toàn vì một người đàn bà gian trá mà ba cô từng bất chấp anh em cô để say mê như điếu đổ.
Bây giờ có trách móc chi, sự cũng đã rồi. Người ta được mấy người sáng suốt khi đã bước vào vòng lẩn quẩn Uyên mê của trái tim ? Chỉ sợ rằng sau cú sốc đau đớn nầy, ba cô sẽ không gượng dậy nổi.
Lam Uyên hít hít mũi :
– Em lo cho sức khỏe của ba.
Duy trầm ngâm :
– Anh hiểu. Nhưng anh tin ba chịu đựng nổi, vì ông có nghị lực.
Lam Uyên chua chát :
– Nghị lực của ba đã bị dì Mai đốn ngã rồi.
– Em nghĩ vậy chớ không phải vậy đâu. Bác từng trải qua bao nhiêu là phong ba sóng gió, với hai bàn tay trắng bác đã dựng nên sự nghiệp. Con hùm có bị thương vẫn là con hùm kia mà. Rồi em xem bác trai sẽ bắt đầu trỗi lại.
Khẽ lắc lắc đầu, Uyên chán nản :
– Bắt đầu từ đâu cơ chớ ? Anh đừng an ủi khi trước mắt em không có gì sáng sủa cả. Tất cả không còn gì nữa. Ngày mai ba phải lên phòng công an điều tra để trả lời một số vấn đề. Sau đó sẽ ra sao ? Em chẳng biết sẽ phải làm gì cho ba hết. Có lo, có thương cũng để trong lòng, vì lo và thương không giúp ba vượt qua trách nhiệm ba phải lãnh.
Hai người rơi vào yên lặng. Duy không biết phải nói sao với Lam Uyên bây giờ. Cô đâu phải đứa bé, để anh có thể dỗ dành bằng chuyện cổ tích với các bà tiên có chiếc đũa thần. Ai cần điều gì, chỉ cần quơ đũa là có ngay. Với chuyện xảy ra cho gia đình Uyên hiện nay, chắc không bà tiên nào đủ phép thuật để vung đũa thần lên cứu nguy ….
Đó là chuyện thần tiên chỉ có trong tưởng tượng. Còn với hiện thực đời thường, Duy tự trách bản thân quá dở. Anh không đủ sức lực, tài lực để làm Mạnh Thường Quân giúp đỡ gia đình cô. Ngay cả việc nhỏ nhất là tìm việc cho Uyên, Duy vẫn chưa tìm được kia mà ! Thì nói chi tới chuyện lớn lao hơn, như lo đỡ phần nào vật chất cho gia đình trong lúc khó khăn nầy.
Tiếng Lam Uyên rành rọt vang lên :
– Em phải có việc làm. Việc nặng nhọc cũng được.
Duy chợt nhớ tới số nhân viên đang thiếu ở phân xưởng của Quang.
Lẽ nào lại đưa Uyên trở lại đó ? Nói một tiếng chắc Quang đồng ý thôi. Nhưng có nên không ? Với Duy, Lam Uyên là bảo vật vô giá, anh đâu dám đưa vật quý vào tay kẻ tham lam như Quang.
Duy lại hứa :
– Anh sẽ tìm việc cho em. Chắc sẽ có …
Lam Uyên thở dài. Cô không hỏi việc gì, ở đâu, bao giờ đi làm như cô vẫn hay hỏi mỗi khi thắc mắc. Điều nầy làm Duy chạnh lòng. Anh có cảm giác Uyên đang bất mãn mọi thứ và không tin vào bất cứ người nào kể cả anh, người cô yêu.
Vừa bước lên thềm, Duy đã bị Hồng Linh kéo lại :
– Anh hai, nói nầy nghe.
– Chuyện gì nữa đây con nhóc ?
Hồng Linh ra vẻ bí mật :
– Lúc nãy nhà có khách quý ….
Giọng Duy hờ hững :
– Chắc chắn không phải khách của anh. Vì anh đâu còn được ba xem là con nữa. Anh dại lắm mới tới đây tìm.
Nheo nheo mắt, Linh lơ lửng :
– Nhưng nếu là khách của anh thì sao ?
– Thì họ xui chớ sao.
– Không biết ai xui à nghen ! Em kêu anh lại để … nhắc anh chuẩn bị tinh thần nghe rủa. Lần nầy mẹ rủa chớ không phải ba. Mẹ mà lên tiếng thì đời anh …. tàn rồi.
Duy bực mình trước cách nói vòng vo của Hồng Linh :
– Rủa anh về chuyện gì chớ ?
Hạ giọng xuống thấp gần như thì thầm, Hồng Linh nói :
– Chuyện Lam Uyên và gia đình của nó.
Thấy Duy làm thinh, Linh nói thêm :
– Em cũng bị …. văng miểng. Mẹ hỏi em về Lam Uyên đó.
– Rồi em nói sao ?
Tủm tỉm cười, Linh đáp :
– Em toàn nói tốt không hà ! Nhưng coi bộ không ép phê gì hết so với những điều mẹ nghe bà Nga … thóc mách.
Duy thở hắt một hơi :
– Thì ra Tố Nga đến đây. Chán thật !
Hồng Linh tò mò :
– Nhưng có phải ba Lam Uyên đã vô tù và bản thân nó cũng bị công an mời lên mời xuống vì vụ môi giới mua bán phụ nữ không ?
Duy gắt :
– Làm gì có chuyện bậy bạ đó.
– Vậy mà chị Nga nói với mẹ như vậy. Anh liệu đối phó đi. Mẹ đang sùng khi nghe đồn anh đem Lam Uyên về sống chung trong ngôi nhà ông ngoại để lại, vì nhà nó đã bị … bị …
Không giữ được bình tĩnh, Duy ngắt lời Hồng Linh :
– Ai đồn vậy ?
Nhún vai một cái, Linh đáp :
– Còn ai bây giờ ? Muốn biết thêm … chi tiết anh cứ gặp mẹ. Bà đang nóng ruột chờ anh đó.
Nói dứt lời, Hồng Linh bước ra sân. Duy ngần ngừ đi vào. Anh lên lầu tới phòng của mẹ mình.
Đang ngồi coi phim, bà Trầm chỉ ngước lên khi Duy bước vô, rồi lại chăm chú nhìn vào màn ảnh nhỏ.
Duy sốt ruột chờ mẹ mở lời vô cùng, Duy cũng không hỏi trước. Anh muốn có thời gian suy nghĩ để đối phó, vì mẹ anh không đơn giản, ý của bà là ý trời, mà ba anh lúc nào cũng chiều ý trời.
Duy chịu khó chờ, mãi khi thấy anh châm thuốc bà Trầm mới càu nhàu :
– Lại thuốc lá, hết cha rồi tới con, tao sắp chết ngạt trong nhà nầy vì khói.
Không dám làm phật lòng mẹ, Duy vội dụi thuốc. Lời mở đầu của bà coi bộ …. lành ít dữ nhiều. Anh đứng dậy mở rộng cửa sổ rồi quay vào ngồi im re.
Bà Trầm dịu giọng :
– Con ăn cơm chưa ?
– Dạ rồi !
– Cơm tiệm à ?
– Dạ không. Tụi con tự nấu.
Mặt bà Trầm xụ xuống. Giọng bà khó chịu :
– Tụi con là những ai ?
Duy thản nhiên :
– Con và thằng Hưng như hồi nào tới giờ. Mẹ nghe ai nói gì mà hỏi kỹ thế ?
Bà Trầm chuyển sang chuyện khác
– Ba hỏi việc mở trung tâm vi tính của con tới đâu. Mẹ nói mọi thủ tục giấy tờ, kể cả mướn mặt bằng cũng đã xong. Chỉ còn chờ đợt tiền thứ hai ông ngoại gởi thêm để mua bổ sung máy móc là có thể khai trương. Đúng không ?
Duy nhè nhẹ gật đầu. Anh nói :
– Mợ Thanh điện thoại cho biết đã gởi tiền về bằng Fax. Sao tới hôm nay vẫn chưa thấy ?
Bà Trầm nhìn Duy :
– Có rồi đó chứ ! Nhưng mẹ chưa muốn đưa cho con.
Không đợi Duy hỏi nguyên do, bà chép miệng :
– Chuyện gia đình Lam Uyên làm mẹ lo ngại.
Duy vội vã lên tiếng :
– Gia đình Lam Uyên thì có liên quan gì tới việc của con. Mẹ buồn cười thật.
– Con yêu và nhất định cưới nó phải không ?
Duy gãi đầu. Trước đây ba mẹ đã nhiều lần bàn chuyện yêu, chuyện cưới của anh với Tố Nga, anh đều thản nhiên. Anh xem đó là việc bình thường phải tới. Sao hôm nay mẹ vừa hỏi lại một trong những câu bình thường ấy, Duy lại ngần ngại khi trả lời nhỉ ? Có lẽ tại anh chưa đoán được ý bà muốn gì.
Ngập ngừng một chút, Duy đáp lấp lửng :
– Dạ … nhưng chuyện đó là chuyện sau nầy. Bây giờ con chưa muốn có vợ.
– Mẹ cũng đâu muốn nói chuyện sau nầy. Hiện tại ba nó ở tù, bản thân con Uyên cũng dính líu, nhà cửa bị tịch biên. Con sẽ mang tiếng khi giới làm ăn họ đồn rùm beng lên rằng … giám đốc Duy mê con nhỏ chả ra gì. Nếu không ai tin tưởng, khó ngóc đầu lên nổi lắm con à.
Duy phản ứng ngay :
– Người ta nói bậy mà mẹ cũng tin. Ba Lam Uyên vẫn ở nhà, chớ làm gì có chuyện tù tội.
– Tại ông ta bệnh nên mới được tại ngoại. Mẹ không ngờ gia đình con Uyên tệ như thế mà con còn bênh. Nói thật, ba nó ở tù vì trộm cắp mẹ còn … thông cảm, chớ làm ba cái vụ mua bán gái thất đức như vầy không được đâu Duy. Tội đến đời cháu, đời chắt vẫn chưa hết.
Duy ôn tồn :
– Con đã nói bác Trí và Lam Uyên không dính líu gì chuyện nầy mà. Tất cả do bà Kiều Mai, vợ sau của ba Uyên làm …
Bà Trầm khoát tay :
– Đừng hòng qua mặt mẹ. Ba con Uyên là giám đốc, dì ghẻ nó là phó giám đốc, bản thân nó là nhân viên trong công ty ấy. Họ không dính líu thì ai ? Chính Lam Uyên rủ rê con Mai Phương với đám công nhân may ở cơ sở của thằng Quang đi lấy chồng Đài Loan chớ ai. Kết quả ra sao con biết chưa ? Hừ ! Con Tú Anh, Tú Em gì đó uống thuốc tự tử vì không chịu đựng nổi thói ghen tuông cay nghiệt của ông chồng già, chỉ xem người vợ được ông ta bỏ tiền ra mua như một món hàng, muốn sử dụng sao tùy thích. Đó là chưa kể những trường hợp vì đồng tiền, mà mẹ không muốn nói ra đây. Làm giàu trên sự đau khổ của người khác là vô lương tâm, vô đạo đức. Mẹ không đồng ý con giao thiệp với hạng người ham tiền đó, chớ đừng nói chi tới chuyện yêu thương rồi tiến tới cưới hỏi.
Duy nhăn nhó :
– Khổ quá ! Con đã nói bác Trí và Lam Uyên không biết gì cả. Họ bị bà Kiều Mai lừa, gia đình Lam Uyên cũng là nạn nhân của trung tâm dịch vụ du lịch đó mà. Bà Mai lợi dụng chồng bệnh nằm một chỗ để thao túng mọi mặt. Lam Uyên vào làm trong đó nhưng không biết rõ chuyện làm ăn của bà ta.
Bà Trầm bĩu môi :
– Vô lý đến thế sao con tin được mới lạ.
– Tại mẹ chưa hiểu hết hoàn cảnh gia đình của Lam Uyên, nên mới cho là vô lý.
– Khỏi phải nói nhiều. Mầy ăn phải bùa mê thuốc lú của con bé đó rồi nên mới cả gan buộc thằng Quang nhận nó vào làm lại trong xí nghiệp. Đã vậy còn sống chung với nó như vợ chồng. Bắt đầu ngày mai mẹ sẽ lấy lại căn nhà của ông ngoại, mầy về nhà ở chứ không ở chung với thằng Hưng nữa.
– Lam Uyên không tệ như lời Tố Nga nói với mẹ đâu. Cô bé tuy mồ côi mẹ nhưng không phải thế mà sống buông thả, vô giáo dục. Lam Uyên rất tự trọng và trong sáng trong tình yêu. Tụi con có sống chung hồi nào đâu.
Bà Trầm khoanh tay trước ngực, giọng sắc như dao :
– Tự trọng thì không bao giờ nó đeo theo khi biết con với Tố Nga sắp đám cưới. Và nếu Lam Uyên là đứa có giáo dục, nó đã không xấc xược khi nói chuyện với ba con, cũng như không lang thang một mình trong các quán café với điếu thuốc trên tay. Tóm lại, trước đây mẹ không có ý kiến chuyện con từ hôn với Tố Nga để tiến tới Lam Uyên, dù mẹ chưa biết nó tóc dài, da trắng ra sao. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, mẹ …. tuyên bố là không muốn con tiếp tục quan hệ yêu đương với nó. Lý do rất đơn giản: Nó là đứa vô đạo đức.
Duy kêu lên :
– Trời đất ! Mẹ … kết án thật khủng khiếp. Lam Uyên không phải như mẹ nghĩ. Tố Nga vì ghen nên cố tình nói xấu Uyên. Chẳng lẽ mẹ tin Tố Nga hơn tin con ?
Lừ mắt nhìn Duy, bà Trầm cứng rắn :
– Chuyện nầy mẹ phải tin Tố Nga hơn tin con. Mẹ nghĩ, con nên về nhà ở và dứt bỏ con bé ấy đi. Nếu không, mẹ sẽ trả tấm Fax chuyển tiền trả lại ngoại. Mẹ nói được là sẽ làm được chớ không chỉ giỏi la hét khi nóng giận rồi sau đó đâu cứ ỳ ra đấy như ba con.
Duy mất bình tĩnh trước đòn bất ngờ của mẹ. Anh ấp úng :
– Mẹ làm áp lực với con à ?
– Con muốn nghĩ sao cũng được. Cứ suy nghĩ cho kỹ đi rồi lựa chọn. À ! Sẵn đây mẹ nói luôn, mẹ đã điện thoại bảo thằng Quang không được nhận Lam Uyên, vì xí nghiệp của mẹ không phải là cái chợ để ai muốn vào thì vào, ra thì ra.
Dù đã được Hồng Linh báo động trước, Duy cũng không ngờ tình hình …. xấu đến mức nầy. Anh đã chủ quan khi tin tưởng rằng mẹ ủng hộ chuyện anh và Lam Uyên tuyệt đối. Bây giờ gay go rồi đây !
Anh cương quyết :
– Được. Mẹ muốn gởi trả tấm Fax chuyển tiền thì gởi. Tiền bạc đã đầu tư vào trung tâm vi tính nầy không phải nhỏ. Mẹ muốn làm khó con vì chuyện đâu đâu, càng kéo dài thời gian càng bất lợi về mặt tài chánh …
Bà Trầm cười nhạt :
– Thà mẹ chịu thiệt phần đã đầu tư, còn hơn giao cả phần còn lại cho con, một đứa coi trọng chuyện mèo mã gà đồng hơn công danh sự nghiệp.
Duy đứng dậy, giọng anh trầm hẳn xuống :
– Mẹ coi thường con quá khi bắt con phải chọn Lam Uyên và sự nghiệp. Con yêu cô ấy trước khi mẹ đồng ý để ông ngoại hỗ trợ vốn thành lập trung tâm. Uyên không có lỗi gì cả, làm sao dứt bỏ như lời ép buộc của mẹ được ?
– Nó không có lỗi với con, nhưng với những việc đã làm, nó có lỗi và mẹ không thể nào chấp nhận lỗi đó. Mẹ gọi con về để nói bao nhiêu đây thôi. Tự con liệu lấy.
Dứt lời bà bấm rơ… mos trả lại đoạn phim bà bận nói chuyện với Duy nên không coi được. Duy biết mẹ mình đuổi khéo nên anh ngao ngán bỏ ra ngoài. Mẹ anh là người cố chấp và cực đoan. Bà đã có ấn tượng với ai rồi thì người ấy khó lấy được tình cảm của bà. Trước đây bà cũng không ưa Tố Nga vì tính đỏng đảnh kênh kiệu, bây giờ tới Lam Uyên. Dầu sao mẹ cũng chưa tiếp xúc với Uyên, anh hy vọng bà sẽ hiểu cô …. vô tội và thương yêu cô vì Lam Uyên của anh vốn dễ thương.
Nhưng bây giờ thì thật là bực ! Anh phải nói sao để bà đưa tấm Fax ra đây ? Chuyện làm ăn cả trăm triệu mà mẹ anh xem như chơi không bằng. Bà đã quen được chiều chuộng bởi chồng và con nên lắm lúc làm khổ người khác mà bà vẫn dửng dưng vô tình.
Càng nghĩ Duy càng lo cho Lam Uyên. Nhà cửa bị tịch biên, việc làm lại chưa tìm được, anh mới đề nghị Quang bố trí cho cô một chỗ làm. Uyên chưa chắc đồng ý trở lại nơi cũ thì mẹ anh đã ra lệnh … cấm.
Mọi việc xem như ngẫu nhiên ấy, không đem lại cho anh chút thuận lợi nào hết.
Buồn bã Duy co chân đá hòn sỏi nhỏ. Anh thấy mình trách mẹ cũng không đúng … Vì ba mẹ nào cũng sẽ hành động như mẹ anh thôi. Khổ là cha con Lam Uyên bị Oan mà kêu không được.
Nếu không phải là người yêu của Uyên, không hiểu thấu đáo hoàn cảnh gia đình của anh em cô, thì Duy có tin cô bị nghi ngờ oan không ?
Tội nghiệp ! Dạo nầy Uyên của anh chững chạc hẳn ra, người lớn hẳn ra với những biến cố của gia đình. Lam Uyên đã vừa khóc vừa cho anh biết, số tiền bà Kiều Mai vay ngân hàng qua tên ông Trí lên đến sáu trăm triệu chớ không phải là năm trăm triệu như bà có nói.
Trước đây bà Kiều Mai có làm chủ hụi, đến khi bể hụi bà phải vay ngân hàng mấy chục triệu để trả.
Lần đó ông Trí đã buồn bực đến mức bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. Dì Mười với Hưng biết chuyện nhưng giấu vì sợ Lam Uyên làm rùm lên ảnh hưởng sức khỏe ông Trí.
Lẽ ra ông phải dè dặt với bà vợ quỷ quyệt nầy, thì ngược lại ba Uyên càng tin vào lời đường mật của bà ta hơn. Ông tin đến mức đồng ý thế chấp cả chủ quyền khách sạn để vay thêm tiền làm vốn. Sau đó ông lại … bán tư cách pháp nhân của mình cho Ngô Vĩnh Kỳ để thành lập trung tâm dịch vụ du lịch Hoa Lan.
Bây giờ mọi việc không còn là bí mật đối với Lam Uyên nữa. Anh bùi ngùi nghĩ tới cô và thấy mình thật vô tích sự khi chả giúp được điều gì cho Uyên hết. Đã vậy còn bị gia đình bắt buộc phải xa lìa cô. Với Duy, tình yêu và sự nghiệp đều quan trọng như nhau. Anh đã yêu thật rồi, làm sao có thể thiếu Lam Uyên được