Hoa Ven Đường Chưa Nở

Chương 40



Gần 10 giờ tối, Ngân tìm chìa khóa để khóa cổng nhà trọ nhưng không tìm thấy, cô mới quay sang hỏi My:

– Bà thấy chìa khóa cổng đâu không?

– Tôi nhớ Mộc Miên treo nó trong cái mũ kia kìa, bà mở ra xem có không.

Ngân cầm chìa khóa cổng đi ra sân, Tiểu Màn Thầu thấy tiếng bước chân quen thuộc của cô thì tung tăng chạy theo đằng sau. Vừa tới gần cổng thì thấy bóng một người đàn ông ở đấy, anh đang thay bóng đèn hỏng ở đường.

Vừa nhìn cô liền nhận ngay ra người đó là anh, cô không đánh tiếng mà cứ đứng nguyên một chỗ nhìn. Văn đang đứng trên hai hòn gạch ba banh xếp chồng lên nhau, thay lần lượt từng bóng đèn hỏng trong con ngõ nhỏ của cô. Thỉnh thoảng, đám bụi bặm bám trên bóng đèn cũ rơi xuống trúng vào mắt anh làm anh phải dừng lại đưa tay dụi mắt, cô tủm tỉm cười.

Tự nhiên cô lại nghĩ, không biết kiếp trước cô làm bao nhiêu việc tốt mà kiếp này cô lại gặp được người đàn ông dịu dàng đến thế. Ngày hôm ấy cô chỉ buột miệng vu vơ phàn nàn với anh về dãy đèn đường bị hỏng trong xóm, cô giải thích vì cả xóm không có đàn ông nên cũng chẳng ai rảnh rỗi mà bắc ghế lên thay bóng đèn hỏng cả. Cô nhớ khi mình càu nhàu với anh về chuyện này, anh đang bận bàn giao công việc cho các thành viên trong đội qua điện thoại, cô không nghĩ anh lại để ý đến cả mấy lời nói bên ngoài này của cô.

Anh phủi tay, cười nhẹ một cái, con ngõ vừa rồi còn đen thui thì bây giờ đã sáng trưng cả lên, ánh đèn len lỏi tới từng ngóc ngách. Ngân thấy điện thoại trong túi quần rung, là anh gọi, cô nhẹ nhàng đưa tay vuốt màn hình điện thoại.

– Em có thể ra ngoài chút không?

– Có chuyện gì ạ?

Văn gãi đầu, giọng anh đều đều vang lên.

– Thực ra cũng không có gì, anh chỉ muốn gặp em một lúc thôi.

Ngân cười tủm tỉm tắt máy, mở cổng đi ra, Văn khá ngạc nhiên về tốc độ của cô.

Anh hơi bối rối, tiếng côn trùng kêu không ngừng nghỉ trong mọi ngóc ngách của những ngôi nhà xung quanh.

– Đi theo anh.

Văn cầm tay Ngân đưa cô tới một nơi, dặn cô ngồi ở đây đợi mình một chút, chẳng bao lâu sau, một đám người mặc quần áo cứu hỏa chạy lại chỗ cô, trên tay còn cầm bao nhiêu là pháo bông. Văn đứng ở giữa, trên tay anh là một cái bánh sinh nhật, mấy cậu thanh niên kia cậu nào miệng cũng toét ra đến tận mang tai rồi.

– Chị dâu, chúc mừng sinh nhật !

Tiếng hét của mấy cậu thanh niên kia to quá, làm sự chú ý của những người xung quanh dồn hết lại phía cô. Ngân ngạc nhiên đến độ hai mắt cô mở to, đưa hai tay lên che miệng, Văn vẫn đứng cách cô một đoạn, anh hơi ngượng ngùng không biết phải chúc sinh nhật cô thế nào mới ý nghĩa. Mấy người trong đội thấy anh cứ đứng im không động tĩnh gì liền huých nhẹ vai anh một cái.

– Ơ kìa, đội trưởng, anh còn đứng đực mặt ra đấy à?

– Chán anh, lúc huấn luyện thì quát bọn em to thế, bây giờ lại im re.

– Nói linh tinh, cậu muốn ngày mai chạy 50 vòng à?

Ngân tủm tỉm cười chờ đợi anh, Văn bối rối nhăn nhăn mũi, cuối cùng cũng nói được một câu :

– Chúc mừng sinh nhật em.

Anh châm nến cho cô thổi, Ngân chắp tay ước một điều ước, mấy cậu thanh niên thi nhau vỗ tay, còn xung phong hát tặng cô nữa. Mọi người vui vẻ ngồi bên nhau hát hò, để giúp đội trưởng của mình và chị dâu có không gian riêng, người nào người nấy đều tìm lý do xin về trước.

– Sao anh biết hôm nay là sinh nhật em?

Ngân đốt cây pháo bông cuối cùng còn sót lại trong túi, quay sang nhìn người đàn ông đang ngồi bên cạnh mình, anh là người đàn ông tốt, nghiêm khắc trong công việc, nhưng bên ngoài thì đối xử với mọi người không có gì phải chê trách.

– Thực ra nếu như anh muốn biết thì cũng không khó mà.  

Sáng hôm sau, Ngân dậy sớm bắt xe về quê, hơn 6 giờ đã về đến nơi. Ông Hưng và anh Việt đang ngồi mổ gà ở sân, Linh thì loanh quanh làm mấy việc lặt vặt.

Ngân vừa bước vào nhà vệ sinh thì đập vào mắt cô là một đống giấy nhớ dán khắp phòng, tờ giấy nào cũng chi chít từ vựng tiếng anh, Ngân hoảng sợ chạy ra sân.

– Linh, Linh.

– Hửm.

Ngân cười cười nhìn cô em gái đang ngồi nhặt rau thơm dưới sân.

– Mày dán cái gì trên tường đấy?

– Tường nào?

– Tường nhà vệ sinh chứ còn tường nào.

– Thì từ vựng tiếng anh chứ có cái gì.

Linh tặc lưỡi một cái, Ngân nghi ngờ nhìn cô em gái:

– Đừng nói với tao là mày dán lên đấy để học nhé.

– Ô hay, điều đương nhiên, chẳng lẽ em dán lên đấy để trang trí à?

Ngân há hốc miệng, Việt vừa vặt lông gà vừa cười.

– Ôi bố ơi, bố ra đây mà xem con gái út của bố đi ị cũng học tiếng anh này.

– Be bé cái mồm thôi, chị muốn thằng Vũ nghe thấy để nó cười chết em à?

– Haha, kệ tao, tao chỉ nói đúng sự thật thôi.

Ngân cười toáng lên, ông Hưng cầm theo cái bát con từ trong nhà đi ra.

– Kệ chị Ngân, còn bố đánh giá cao sự chăm chỉ này của con gái, nếu thích con có thể dán thêm trong nhà tắm cũng được, bố ủng hộ.

– Ôi trời, bố!

Cơm đã nấu xong, Ngân chạy sang nhà bác Cường gõ cửa, dì Lan từ trong nhà đi ra mở cửa thấy cô thì cười tươi.

– Ngân mới về à?

– Vâng, cháu vừa về sáng sớm nay, Vũ với Yến có nhà không cô?

– Có, vào đây, chúng nó đang trên phòng.

Ngân vào nhà, bấy giờ mới thấy Luân ngủ dậy, dạo này nhìn anh gầy còm không khác gì thằng nghiện.

– Mới về à?

– Vâng, dạo này đói ăn hay sao nhìn anh trông như thằng ất ơ ngoài chợ thế?

– Nợ nần chồng chất rồi cô ạ, không biết khi nào chúng nó tới khuân nhà đi.

Câu nói nửa đùa nửa thật của Luân khiến dì Lan đứng đấy mặt không khỏi biến sắc.

– Anh cũng tu chí làm ăn đi là vừa đấy, sắp 30 tuổi đến nơi rồi.

– Anh định trả xong cái đống nợ này rồi học kinh doanh hoặc làm game online gì đấy.

Đứng nói chuyện với ông anh cạnh nhà một lúc lâu, nhớ ngày xưa trong xóm chẳng có mấy ai trạc tuổi cô, cả tuổi thơ của cô chỉ gắn liền với ông anh trai và ông anh này. Trong kí ức của cô, Luân là cậu bé thông minh lanh lợi nhất xóm, cả 3 năm cấp 3 anh đều nhận được giấy khen học sinh giỏi, thi đỗ Đại học trường điểm. Cô lại không phải là đứa trẻ sinh ra đã thông minh như anh, học lực từ lớp 1 đến lớp 12 của cô luôn là học sinh khá, thi trường Đại học mơ ước cũng trượt. Năm Luân học đại học năm 3 thì mẹ mất, từ đó anh bỏ học và bắt đầu lêu lổng khắp nơi, cho đến tận bây giờ.

Việt lôi bia trong tủ lạnh ra, anh cẩn thận hỏi Yến có uống được bia không, cô bé lắc đầu, anh lập tức phóng xe đi mua nước ngọt về cho cô. Ông Hưng bỏ lon bia xuống mâm, nhìn hai người con lớn nhất nhà của mình.

– Bố cũng già rồi, năm tháng sau này sẽ thành gánh nặng của các con. Vài năm nữa, nếu có thể thì cứ đưa bố vào viện dưỡng lão, bố không oán trách gì đâu. 

Thấy bố nói thế, hai cô con gái lập tức rưng rưng nước mắt, Việt cau mày:

– Kìa bố, sao bố lại nói thế, bố đã vất vả nuôi chúng con lớn bằng tần này, đến tuổi bố cần nghỉ ngơi sao chúng con đành lòng để bố cô đơn trong viện được.

– Phải đấy, sau này bố đừng nói mấy câu này nữa, không là chúng con giận đấy.  

Hai cô con gái mau nước mắt lập tức ôm chầm lấy bố khóc òa lên, Yến và Vũ cũng không kìm được nước mắt.

Cuối tháng đó, Việt xin nghỉ làm một hôm để đưa Mộc Miên về quê thăm mẹ. Quê cô không đông đúc cho lắm, anh nhìn bao quát những ngôi nhà ngói cũ kĩ xung quanh, hóa ra quê hương của cô còn khó khăn hơn nơi anh rất nhiều.

Việt đưa Mộc Miên vào bệnh viện, cái bệnh viện của cả một huyện lại bé tẹo, trang thiết bị thô sơ, ngày nào bệnh nhân ra vào cũng đông nghìn nghịt.

– Mẹ.

Mộc Miên tìm vào một phòng bệnh ở tầng 3, người phụ nữ tiều tụy ngồi ở một góc đang nhìn ra ngoài cửa sổ.

– Về rồi đấy à?

Cô lập tức nhào về phía mẹ ôm chầm lấy, không ngăn nổi dòng nước mắt nóng hổi lăn dài trên má. Việt đặt túi hoa quả và thùng sữa xuống bàn, nhìn khuôn mặt nhợt nhạt của mẹ cô, anh lễ phép :

– Cháu chào cô.

– Cháu là…

– Cháu là Việt, bạn của cô ấy ạ.

Người phụ nữ nhìn anh dò xét, Mộc Miên vội vàng giải thích :

– Anh ấy là đầu bếp, không phải những loại đàn ông kia.

Nghe câu giải thích của con gái, thái độ của người mẹ đã hài hòa hơn rất nhiều. Hai mẹ con họ ngồi nói chuyện với nhau, đến gần trưa thì một cậu bé gầy gò đen nhẻm đi vào, qua giới thiệu của Mộc Miên thì đây là em trai cô.

– Em chắc vẫn đi học nhỉ?

– Vâng ạ, em đang học lớp 12.

– Ồ, thế bằng tuổi cô em út nhà anh rồi, nhưng con bé học kém mà nghịch ngợm lắm.

Việt ngồi nói chuyện với Quảng, nhìn đồng hồ trên tay đã là gần 11 giờ trưa, anh đứng dậy định ra ngoài mua cơm.

– Anh mới tới không quen đường, thôi để em đi mua cho.

Việt gật đầu, đưa tiền cho cô, chị gái lâu ngày mới về nên Quảng bám đuôi theo chị ra ngoài.

– Cháu là đầu bếp à?

– Vâng, cháu làm trong khách sạn.

– Nhà cháu có anh chị em không?

– Cháu có hai cô em gái, một người đang làm giáo viên, còn một người vẫn đang đi học cô ạ.

Mẹ Mộc Miên gật gật đầu, tấm tắc khen.

– Bố mẹ cháu có phúc thật đấy, con cái ai cũng thành đạt thế này.

Bà lại hỏi thêm:

– Hai đứa quen nhau lâu chưa?

– Cũng được vài tháng rồi cô ạ.

Người phụ nữ ngập ngừng, vừa nói vừa dò xét thái độ của anh.

– Cháu có biết con bé làm nghề gì không? Nếu cháu biết nó làm nghề này có lẽ cháu…

Không để người mẹ nói hết câu, anh lập tức khẳng định chắc như đinh đóng cột.

– Cháu xin lỗi vì ngắt lời cô, cháu biết cô ấy làm nghề gì và cháu không hề có bất kì một thành kiến nào khi biết cô ấy làm nghề này cả.

– Cháu nói thật sao?

– Cháu không hề nói dối nửa lời.

Người mẹ không nén được tiếng thở dài, nhìn cái túi xách của cô con gái đang để trên ghế nhựa.

– Số nó vất vả cháu ạ, đáng lẽ ra giờ này nó đang học đại học đấy, nhưng chỉ vì cô dập tắt ước mơ của nó, nó phải đi kiếm tiền từ sớm để chữa bệnh cho cô.

Trên đường lên Hà Nội, Mộc Miên vòng tay ra ôm anh, cô thì thầm :

– Em không có bố, em là con hoang, mẹ em cũng không biết em rốt cuộc là con của người nào, thằng Quảng cũng thế.

Mộc Miên nhẹ nhàng nói, cô không hề tỏ ra bất kì một thái độ nào, giống như những chuyện mà cô vừa nói chỉ là những mẩu chuyện lặt vặt mà cô kể mỗi tối cho anh nghe.

– Mẹ biết em làm nghề này bà không phản đối sao?

– Có! Lúc biết em làm nghề này lấy tiền chữa bệnh bà ấy khóc nhiều lắm, bà ấy không hề muốn em làm nghề này đâu.

– Anh cũng không muốn.

Cô áp mặt vào lưng anh, một dòng nước nóng hổi chảy xuống hai gò má, thấm ướt cả áo khoác của anh.

Nằm dài trên giường nghịch điện thoại, vô tình thấy một video dậy làm kim chi trên mạng, Mộc Miên huých vai Ngân đang nằm bên cạnh:

– Chị biết làm kim chi không?

– Sao? Muốn ăn à?

– Vâng, tự nhiên thèm ơi là thèm.

– Chiều chị đi chợ về làm cho mà ăn, đảm bảo mất xác.

Ngân đắc ý, trước bên Nhật cô cũng hay làm món này, mấy người cùng đơn hàng ăn xong khen tới tấp, lần này về Việt Nam lại được mát mặt với cô em cùng phòng vì món tủ này rồi. Ngân ném điện thoại sang một bên rồi lăn ra ngủ đến tận chiều.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.