Nhà Tứ Bình ở vùng
ven sông mang dáng dấp nửa thành thị, nửa nông thôn, lẫn trong vô số nhà dân ngói xanh đen tường vôi trắng. Các ngôi nhà ở đây đều đã xưa cũ.
Tường vôi không còn trắng. Mái ngói cũng xộc xệch. Chỉ có ánh nắng lung
linh rắc trên mái nhà là vẫn lay động lòng người. Phần sau ngôi nhà in
bóng dưới nước. Mang theo chất cổ xưa của mái vách, hàng hiên hòa vào
dòng sông. Hàn Đinh và La Tinh Tinh mỗi người mang một tâm trạng khác
nhau. Sau một hồi đi thuyền, hai người lên bờ ở một bến có nhiều người
đang giặt giũ, rửa rau, rồi cuốc bộ. Họ xuyên qua hết ngõ này đến ngõ
khác, đi rất lâu trên con đường lát đá xanh chật hẹp ven bờ sông. Dọc
đường đi, nhà nào nhà nấy đều lững lờ khói bếp, rôm rả tiếng chuyện trò. Hàn Đinh và La Tinh Tinh rảo bước thật nhanh. Lúc gần tới nhà Tứ Bình,
hai người bắt đầu hỏi thăm. Người dân ở đây tỏ ra thân thiện, vồn vã,
chỉ dẫn tỉ mỉ đường đi. Lúc tới một chợ cóc ngay kề sông, một ông lão
nhàn tản nghe nói Hàn Đinh và La Tinh Tinh tìm nhà họ Chúc, bèn chủ động dẫn đường, đưa hai người đi qua cây cầu vòm cổ xưa bắc qua sông, đến
một hiệu cắt tóc, thì rẽ vào một con hẻm chật chội, rồi lại xuyên qua
một chiếc ngõ hun hút, cuối cùng đến một chiếc sân nhìn thông lên bầu
trời. Trong sân kê hai chiếc bàn con. Người hai gia đình đang quây quần
bên chiếc bàn nhà mình ăn trưa. Một bà lão đang ngồi ở góc tường, bón
cho đứa cháu. Thằng bé được đặt trong một chiếc thùng gỗ thủng đáy xếp
ngược, miệng ngậm đầy cơm o oe khóc. Thấy người lạ, thằng bé chợt im
bặt, đôi mắt ngấn nước nhìn Hàn Đinh và La Tinh Tinh ngạc nhiên. Hai đứa bé lớn tuổi hơn không chịu ăn đang cầm chiếc kẹo bông tơi xốp chạy lăng xăng trong sân cũng dừng lại, giương mắt nhìn người lạ. Ông già dẫn
đường đứng ngoài cửa sân, lấy tay chỉ vào bên trong, rồi quay người đi
ra. Hàn Đinh mỉm cười lịch sự thay cho lời chào gửi đến những ánh mắt
ngạc nhiên trong sân. Anh biết, người già trẻ con ở cả hai bàn ăn đều
đang nhìn La Tinh Tinh chằm chặp. Nàng là người mẫu. Có thể, khoảnh sân
nghèo khó này chưa bao giờ xuất hiện một cô gái nào cao ráo xinh đẹp
nhường ấy.
Hàn Đinh hỏi thăm người ngồi ở bàn ăn gần nhất:
– Các bác làm ơn cho cháu hỏi nhà Chúc Tứ Bình có phải ở đây không ạ?
Một ông già trả lời:
– Chúc Tứ Bình à? Cô ấy mất rồi. Nhưng nhà cô ấy ở đây. Anh chị có việc gì đấy?
Hàn Đinh:
– Chúng cháu là luật sư, muốn gặp bố mẹ Tứ Bình tìm hiểu một số vấn đề ạ.
Ông già lúc này mới buông bát, đứng dậy:
– À, thì ra anh chị là luật sư do bố mẹ Tứ Bình mời phải không ạ? Anh chị đợi chút, đợi chút. Mẹ cô ấy ở trên gác.
Ông già cầm chiếc đũa chỉ lên trên. Một căn gác xép làm bằng gỗ hiện ra,
xiêu vẹo trên mái ngói đen đúa chất không ít thứ lỉnh kỉnh. Chỗ khung
cửa mở ra của gác xép đang phơi rất nhiều tấm vải cũ kỹ và quần áo màu
mè.
Hàn Đinh thật thà cải chính:
– Bọn cháu không phải là
luật sư do bố mẹ Tứ Bình mời, mà là luật sư của Long Tiểu Vũ. Trước đây, Long Tiểu Vũ từng sống ở đây, phải không ạ?
Mọi người trong sân
như khựng lại. Sự im lặng trong khoảnh khắc ấy khiến người ta nổi da gà. Đến ngay cả đứa trẻ ngây thơ dường như cũng cảm nhận được một chút gì
đấy bất an. Tiếng khóc oe oe lại cất lên. Vẫn ông già bắt chuyện khi nãy có phản ứng trước tiên. Ông cố làm ra vẻ trấn tĩnh để che giấu sự sửng
sốt trong giọng nói:
– À, thì ra anh chị là luật sư của Long Tiểu Vũ… Long Tiểu Vũ bị công an bắt rồi.
Hàn Đinh nhận ra, những ánh mắt xung quanh không hề có ý thù địch, mà dường như là một nỗi sợ hãi. Có thể, trong khoảnh sân khép kín này, chuyện
Long Tiểu Vũ giết người đã được thêm mắm thêm muối, thêu dệt thành một
câu chuyện rùng rợn, khiếp đảm. Có thể, từ lâu, Long Tiểu Vũ đã bị người ta ma quỷ hóa trong những lời đồn đại, để đến nỗi, khi nghe đến tên anh ta, mọi người vẫn cảm thấy dựng tóc gáy. Vì vậy, Hàn Đinh không thể
không dùng một ngữ điệu cố làm ra vẻ thoải mái, giải thích với vẻ khách
sáo hơn, thậm chí là nhỏ nhẹ:
– Dạ vâng. Anh ấy đã bị bắt. Chúng
cháu đến đây là để tìm hiểu một số chuyện. Bố mẹ Tứ Bình có ở nhà không
ạ? Cháu đã từng gặp hai bác ấy.
Ông già trông có vẻ là một công
nhân về hưu. Ông ta tỏ ra từng trải, mặt không hề biến sắc, dặn dò đứa
cháu trai dáng chừng đang là học sinh tiểu học:
– Cháu ra hiệu tóc gọi bác Chúc một tiếng, bảo là có luật sư của Long Tiểu Vũ đến tìm.
Thằng bé buông bát, chạy như bay ra ngoài. Mọi người trong sân cúi đầu, tiếp
tục ăn cơm, chẳng ai ngó ngàng đến Hàn Đinh và La Tinh Tinh, ngoại trừ
thi thoảng lại ghé tai thầm thì, nhìn trộm một hai cái. Hàn Đinh và La
Tinh Tinh bối rối đứng ngây ra trên khoảng trống chật hẹp giữa hai chiếc bàn, cảm giác chân tay thừa thãi.
May mà bố Tứ Bình nhanh chóng
xuất hiện cùng với đứa bé đưa tin khi nãy. Hình như ông ta vẫn chưa cắt
tóc xong. Chỗ tóc sau gáy lởm chởm, vụn tóc vẫn còn bám trên mặt. Ông ta vào trong sân, ngó nghiêng Hàn Đinh từ đầu đến chân. Không biết ông ta
liệu đã nhớ ra hồi đầu năm ngoái đã gặp Hàn Đinh trong phòng hòa giải
tuềnh toàng ở tòa án thành phố Bình Lĩnh hay chưa. Mặt ông ta sa sầm,
hỏi bằng giọng cục cằn:
– Sao, các người có việc gì?
Hàn
Đinh ngoài mặt tỏ ra bình thường, nhưng trống ngực đập thình thịch, lo
lắng không biết nên tiếp cận bộ mặt rất không khách khí này như thế nào. Giọng nói của anh toát ra một chút sợ sệt, một chút không tự tin, thậm
chí là một chút gì đấy như có lỗi:
– Dạ… Cháu… cháu chào bác
ạ. Cháu xin lỗi đã làm phiền bác. Chúng cháu là luật sư Văn phòng luật
sư Trung Á Bắc Kinh. Cháu tên là Hàn Đinh…
Vừa nói đến đấy, Hàn Đinh đã bị ông bố Tứ Bình lạnh lùng ngắt lời:
– Tôi biết anh. Nào nói đi, có việc gì?
Thái độ gay gắt của ông ta làm Hàn Đinh luống cuống:
– Dạ, là chuyện liên quan đến Chúc Tứ Bình, con gái bác ạ… Chúng cháu
muốn trao đổi với bác một chút về chuyện giữa Chúc Tứ Bình và Long Tiểu
Vũ. Bác cháu mình có thể tìm một chỗ nào đó để nói chuyện, được không ạ? Gần đây, có chỗ nào tiện để nói chuyện riêng không ạ?
Mọi người
trong sân đều ngừng tiếng nhai, chăm chú lắng nghe câu chuyện. Không khí ấy càng kích thích sự thù địch và giận dữ của ông bố Tứ Bình. Ông ta
trợn mắt nói với Hàn Đinh:
– Anh muốn nói chuyện với tôi là có
mưu mô gì? Có phải anh muốn moi móc thông tin từ tôi để nói thay cho
thằng giết người ấy, phỏng? Anh nên nhớ, đây là nhà tôi. Đừng có bắt nạt nhau quá đáng!
Hàn Đinh vẫn muốn làm công tác tư tưởng với ông ta, lựa lời giải thích:
– Thưa bác, làm rõ một vài vấn đề cũng có lợi cho các bác chứ ạ. Bản thân các bác cũng mong sự việc được làm sáng tỏ, phải không ạ. Chúng cháu
chỉ muốn…
Hàn Đinh còn chưa nói hết, ông bố Tứ Bình đã dữ dằn xua tay, đuổi anh và La Tinh Tinh ra ngoài:
– Đi khỏi đây! Chúng tôi không có chuyện gì nói với các người sất. Đừng có ở đây lôi thôi. Nếu không, đừng trách!
Những người xung quanh cũng xúm lại, khuyên hai người ra về. Ông già khi nãy
nói: “Anh chị mau đi đi. Con gái người ta mất rồi, anh chị còn đến đây
làm gì. Mau đi đi, đi đi…” Những người khác cũng mồm năm miệng mười
bằng tiếng thổ ngữ Thiệu Hưng. Đa số họ là phụ nữ tuổi trung, cao niên.
Hàn Đinh không hiểu họ đang nói gì. Không biết họ đang khuyên anh bỏ đi, hay đang ủng hộ ông bố Tứ Bình, hay đang bình phẩm nọ kia. Nhưng, những thanh âm này rõ ràng đã đổ dầu vào lửa. Bố Tứ Bình mắt long sòng sọc,
lao đến túm cổ áo Hàn Đinh, đẩy anh ra bên ngoài: “Mày có đi không thì
bảo? Không đi, đừng trách tao ác!” La Tinh Tinh tiến tới, hỗ trợ Hàn
Đinh. Nàng muốn gỡ Hàn Đinh ra khỏi cánh tay hộ pháp của ông bố Tứ Bình. Nhưng khi hai người đàn ông đang giằng co nhau quyết liệt, thì sức lực
và giọng nói của nàng trở nên vô ích: “Bác và anh đừng làm thế. Anh ấy
là luật sư, chứ có phải kẻ giết người đâu!” Hàn Đinh vùng vẫy muốn thoát khỏi bàn tay thô bạo của ông bố Tứ Bình: “Ông làm trò gì đấy! Ông bỏ
tay ra, bỏ tay ra!” Nhưng ông bố Tứ Bình không chịu buông tay. Hai người tiếp tục giằng co, xô đẩy. Những người khác xông vào can ngăn. La Tinh
Tinh bị kẹt ở giữa. Đám đông cứ thế loạng choạng, xiêu vẹo đi ra ngõ.
Trong lúc hỗn loạn, không biết do vấp phải vật gì hay bị bố Tứ Bình gạt
mạnh, La Tinh Tinh lảo đảo rồi ngã khuỵu xuống đất. Hàn Đinh hoảng quá,
ra sức đấm đá để thoát khỏi sự kìm kẹp của ông bố Tứ Bình. Bố Tứ Bình dù to khỏe, vạm vỡ, nhưng cũng đã ngoài bốn mươi. Hàn Đinh dù thư sinh,
nhưng sức trẻ đang hăng. Bị Hàn Đinh đấm đá túi bụi, ông ta loạng choạng lùi về phía sau, bỗng vấp phải chiếc bàn thấp chân. Bao nhiêu thức ăn,
nước canh trên bàn vãi đổ lênh láng. Khoảnh sân bé nhỏ chợt ré lên tiếng kêu thét hãi hùng của đàn bà, trẻ con. Bố Tứ Bình không ngờ Hàn Đinh
dám ra đòn ngay trước cửa nhà mình, bèn nổi khùng, chồm đến. Hai người
đàn ông đánh đấm túi bụi trong khoảng không gian chật hẹp…
Người xung quanh và những người ngoài ngõ nghe tiếng chạy vào, xúm đến lôi
Hàn Đinh và ông bố Tứ Bình ra khỏi cuộc ẩu đả. Trên mặt hai kẻ tham
chiến đều có thương tích nhỏ. Căn cứ vào vết thương, không biết ai
thắng, ai thua. Ông bố Tứ Bình lúc đầu còn nói tiếng phổ thông. Nhưng
đánh nhau xong, ông ta phun ra một tràng thổ ngữ Thiệu Hưng, không hiểu
đang chửi gì. Hàn Đinh không nói một tiếng, cúi đầu đi ra ngoài. La Tinh Tinh nối gót đằng sau. Vừa ra khỏi ngõ, Hàn Đinh bỗng quay đầu, đi
ngược trở lại. La Tinh Tinh muốn giữ lại, nhưng không được. Nàng gọi,
nhưng anh không nghe. Người trong sân thấy Hàn Đinh hằm hằm quay lại,
đều giật thót mình, tưởng anh muốn liều mạng. Đến ngay cả bố Tứ Bình
cũng lùi lại mấy bước thủ thế theo phản xạ. Hàn Đinh không ngó ngàng đến đám người trong sân. Anh cúi xuống nhặt chiếc balô khi nãy rơi xuống
đất trong lúc ẩu đả, rồi ngược trở ra. Khoảnh sân sau lưng anh im phăng
phắc…
Hàn Đinh mặt đỏ phừng phừng, rảo bước thật nhanh ra khỏi
con ngõ chật hẹp. Ra ngoài ngõ, anh mới ngoái đầu lại nhìn, thấy La Tinh Tinh đang líu ríu chạy đằng sau. Mặt nàng trắng bệch, hệt như khi Đại
Hùng dẫn đám nông dân làm công kéo đến bao vây nhà nàng hai năm về
trước. Có lẽ bởi không thể ngờ, một thanh niên cổ cồn lịch lãm sống ở
thành phố lớn như anh lại cũng có thể hung hãn đấm đá như ai, nên nhất
thời nàng sợ đến mức nói không ra lời. Ánh nắng ấm áp của mùa đông rải
ngập con đường đá dọc bờ sông, nhưng không thể làm ánh lên một chút sắc
máu trên khuôn mặt nàng. Trông thấy sự sợ hãi của một đứa trẻ rớt lại
trong mắt nàng, Hàn Đinh cuống quýt quay lại, giang rộng cánh tay, xót
xa ôm nàng vào lòng. Anh bảo:
– Em đừng sợ.
La Tinh Tinh nhìn vào mặt anh, hỏi:
– Anh đau không?
Lúc này, Hàn Đinh mới ý thức được rằng, một bên mặt anh đang rần rật vì
đau. Cơ thể nhớp nháp mồ hôi cũng dội đến từng cơn đau nhức, không rõ từ đâu.
Nhưng anh vẫn lắc đầu, bảo: “Không sao”, rồi kéo tay La
Tinh Tinh, đi qua cây cầu vòm bắc qua nhánh sông, sang bên bờ đối diện.
Hai người tìm được một nhà nghỉ kiểu cũ cách cầu không xa. Thuê một
phòng trông ra mặt phố trên tầng hai được ghép bằng gỗ. Giá phòng rất
rẻ. Một buổi tối mất có bốn mươi tệ. Hàn Đinh vốn định tìm một khách sạn chính quy. Ít nhất, phòng của khách sạn còn có buồng tắm, nhưng La Tinh Tinh cứ nằng nặc đòi ở đây. Lúc lên tầng, mở cửa sổ ra, mới biết, té
ra, ở đây không những có thể nhìn thấy bến nước náo nhiệt phía dưới, mà
còn có thể nhìn thấy khói bếp bay lên từ hướng nhà Chúc Tứ Bình ở bờ nam cây cầu, thấy cả mái nhà xộc xệch ngói đen nơi Long Tiểu Vũ từng ở khi
xưa.
Vừa vào phòng, Hàn Đinh cầm chiếc chậu rửa mặt đi xuống
phòng tắm ở tầng dưới rửa ráy mặt mũi. Xong, anh bưng một chậu nước sạch lên phòng cho La Tinh Tinh. Đẩy cửa ra, thấy La Tinh Tinh vẫn đứng bên
cửa sổ, đau đáu nhìn về bờ nam, Hàn Đinh bất giác bực dọc. Anh dằn mạnh
chậu nước xuống sàn, giọng cáu bẳn:
– Này, em đừng nhìn nữa có được không. Rửa mặt mũi mau lên, rồi ta ra ngoài!
La Tinh Tinh không ngoái đầu lại. Nàng giơ tay chỉ về hướng nam, bảo:
– Em đang tìm nhà Tứ Bình. Ở đằng kia, nhưng em không chắc là cái nào.
Hàn Đinh hỏi lạnh lùng:
– Em bắt đầu thích thú với cô Chúc Tứ Bình ấy từ khi nào thế?
La Tinh Tinh quay đầu lại:
– Trước đây, Tiểu Vũ từng sống ở đó.
Câu nói của nàng có vẻ rất bình thường, nhưng không hiểu vì sao, Hàn Đinh
lại thấy nó cực kỳ chối tai. Bao nhiêu khó chịu chất chứa trong lòng kể
từ khi tới Bình Lĩnh, cả trận ẩu đả khi nãy với ông bố cục cằn của Tứ
Bình, rồi cả vết đau đang rần rật ở một bên mặt, tất cả chợt dồn ứ nơi
cổ họng. Hàn Đinh buột miệng nói sỗ:
– Anh thật không hiểu. Em đã ăn phải bùa mê thuốc lú gì của tên giết người đó mà lại hết thuốc chữa như thế?
La Tinh Tinh khựng lại bên cửa sổ. Vì ngược sáng, Hàn Đinh nhìn không rõ
nét mặt nàng. Anh cũng chẳng muốn nhìn mặt nàng nữa làm gì. Có thể, vẻ
mặt nàng đang đờ đẫn. Hay ít ra, giọng nói của nàng là như thế:
– Anh là luật sư của anh ấy, nên anh đừng có suốt ngày nói anh ấy là kẻ
giết người, có được không? Đến như anh còn nói anh ấy là kẻ giết người,
thì anh làm sao bào chữa cho anh ấy được?
– Chính em bắt anh bào chữa cho anh ta, chứ không phải anh tự nguyện!
– Chẳng phải anh đã bảo là có một số chuyện có thể bên công an họ làm
chưa rõ và nhầm lẫn đấy thôi? Thế nên lần này anh mới đến Thiệu Hưng.
Với lại, anh cũng đã tìm thấy một vài manh mối cho thấy có thể anh ấy bị oan đấy thôi?
Hàn Đinh cứng họng.
Giọng nói của La Tinh
Tinh dịu dàng, yếu ớt, thậm chí là van lơn. Điều này làm Hàn Đinh không
chịu nổi. Anh không hiểu vì sao lần này La Tinh Tinh không to tiếng với
anh. Lần này là do anh khiêu chiến, nhưng nàng không cãi vã. Có thể,
nàng đã nghe thấy sự xúc động kìm nén trong giọng nói khi nãy của anh.
Cũng có thể, nàng đã nhìn thấy vết sưng tím trên mặt anh.
Hàn
Đinh không nói gì. Anh ngồi xuống giường, lặng lẽ mở balô thay quần áo.
La Tinh Tinh lại gần. Rồi như một đứa trẻ biết lỗi, nàng ân cần giúp anh gấp ngay ngắn bộ quần áo bẩn vừa thay ra. Xong, nàng nhỏ nhẹ:
– Đã gần hai giờ rồi. Mình ăn gì, hả anh?
Hàn Đinh trong lòng đã hết giận, nhưng ngoài mặt vẫn làm ra vẻ. Anh lặng thinh một lúc, rồi hục hoặc:
– Anh muốn ăn mỳ em nấu.
La Tinh Tinh dỗ dành:
– Thế thì để đợi khi về, em sẽ nấu đền anh nhé. Còn bây giờ, mình ăn gì hả anh? Anh đã đói chưa?
Hàn Đinh lúc này mới mỉm cười, hỏi lại:
– Em đói chưa? Em muốn ăn gì?
– Cái gì cũng được. Em nghe lời anh.
Hai người xuống tầng dưới, rồi ra phố tìm quán ăn.
Trước khi xuống, Hàn Đinh bảo La Tinh Tinh rửa mặt, trang điểm nhẹ. Trang
điểm xong, nàng lại xinh đẹp nõn nà. Hàn Đinh kéo tay nàng ra khỏi nhà
nghỉ. Hai người đi trên con đường đá tràn nắng, men theo bờ sông về phía tây. Đi độ một trăm mét đến dãy phố toàn quán ăn. Quy mô quán ăn đại
thể giống nhau, khác chăng chỉ là bố trí mặt tiền. Hai người chọn một
quán trông sạch sẽ hơn cả, rồi gọi mấy món dân dã địa phương mà ở Bắc
Kinh không thể có, đại loại như vịt kho tương, cá muối…, rồi gọi hai
bát cơm to bự. Hai người vừa ăn ngấu ăn nghiến, vừa nhìn những con
thuyền nhỏ ngược xuôi trên sông. Hàn Đinh trả tiền xong, chưa kịp đứng
lên, thì La Tinh Tinh đề nghị:
– Chiều nay, hai đứa mình tới đoàn kịch Bách Hoa Thiệu, tìm người đóng kép đã giới thiệu Long Tiểu Vũ vào
đoàn kịch đi. Người ấy quen thân với cả hai bố con anh ấy. Chúng ta có
thể sẽ biết thêm điều gì đó.
Hàn Đinh vừa xỉa răng, vừa hỏi:
– Em định tìm hiểu điều gì?
La Tinh Tinh ngắc ngứ hồi lâu, mới nói:
– Thì anh đã chẳng bảo muốn tìm hiểu về biểu hiện của Long Tiểu Vũ ở quê
còn gì? Anh ấy từng làm việc ở đoàn kịch Bách Hoa Thiệu. Anh có thể tới
đó tìm hiểu xem thế nào.
– Anh đã hiểu vì sao em cứ một mực đòi
đi cùng anh tới Thiệu Hưng. Anh đến đây là để tìm chứng cứ. Còn em thì
đến để tìm sự gửi gắm, đúng không? Không được gặp Long Tiểu Vũ, em nhớ
anh ta, nên muốn tới Thiệu Hưng, thăm một lượt nơi anh ta đã sống và làm việc. Như thế, em mới thấy vui vẻ trong lòng, cũng giống như đã gặp anh ta vậy, đúng không?
Hàn Đinh biết, anh đã nói trúng tim đen La Tinh Tinh, nhưng nàng sẽ không thừa nhận. Nàng lúng búng giải thích:
– Không phải thế. Chỉ vì em muốn giúp anh tìm thêm chứng cứ thôi. Em đều nghĩ cho anh mà…
Hàn Đinh sầm mặt, ngắt lời nàng:
– Em nghĩ cho anh? Em bảo em nghĩ cho anh, sao em không hỏi xem anh bị
thương ở đâu, có cần phải đi bệnh viện khám không. Trong đầu em phải
chăng chỉ còn mỗi mình Long Tiểu Vũ? Em đừng quên rằng, Long Tiểu Vũ chỉ là bạn trai cũ của em. Hai người chia tay nhau từ lâu rồi. Bạn trai của em bây giờ là anh. Hai chúng ta đã đính hôn rồi! Chẳng lẽ em không sợ,
rằng anh bị nội thương, rồi tàn tật, trở thành gánh nặng cho em cả đời
sao?
La Tinh Tinh cũng biết mình có lỗi, sốt sắng nhìn ngắm khuôn mặt Hàn Đinh, rồi lấy bàn tay thon nhỏ, mềm mại xoa lên chỗ tím trên
mặt anh:
– Ôi khổ thân, anh còn đau không?
Hàn Đinh chau mày:
– Em xoa lên chỗ đó làm gì. Anh đau trên người cơ mà!
La Tinh Tinh vén áo anh lên:
– Anh bị thương ở đâu, để em xem nào. Có cần phải đi bệnh viện không anh?
Hàn Đinh biết, sự quan tâm, sốt sắng trên mặt La Tinh Tinh là thật. Mỗi lần như thế, Hàn Đinh lại nhớ đến những ngày hạnh phúc của hai người trước
đây. Anh nghĩ thầm, trước đây, La Tinh Tinh quả thật rất tốt với anh.
Con gái bây giờ, nhất là những cô xinh đẹp, có được mấy người biết quan
tâm, chăm sóc người khác như thế? Con gái bây giờ ích kỷ lắm. Cái đáng
quý của La Tinh Tinh là ở chỗ đó. Đã yêu ai, là toàn tâm toàn ý chăm sóc người ấy, coi người ấy như một phần quan trọng trong cuộc sống của
mình. Có thể, trước đây, nàng với Long Tiểu Vũ cũng vậy.
Hàn Đinh đứng lên, nói: “Thôi khỏi.” Rồi bước nhanh ra khỏi quán. La Tinh Tinh
vội bám theo sau, bảo anh: “Mình cứ tới bệnh viện trước xem thế nào, anh ạ. Ít ra, bệnh viện còn cho thuốc. Chứ không, để đến ngày mai, sợ anh
đau hơn!” Nghe nàng nói thế, Hàn Đinh mỉm cười mãn nguyện. Anh đứng lại, hỏi:
– Nếu anh tàn phế thật, em có nuôi anh không?
La Tinh Tinh nói như thề thốt:
– Đương nhiên rồi. Không tin, anh thử tàn phế một lần, xem em đối xử với anh như thế nào.
Hàn Đinh:
– Em nuôi anh kiểu gì? Suốt ngày, em chỉ ngủ lu bù. Ngủ dậy thì dạo phố. Em không biết kiếm tiền. Lấy gì để nuôi anh?
– Đến lúc ấy, em sẽ đi làm thuê. Kiếm thật nhiều tiền để nuôi anh.
– Làm thuê? Em thì làm được việc gì? Bảo làm văn thư cho công ty thì em
không có bằng cấp chuyên môn gì. Bảo làm người mẫu thì em có chịu ra
ngoài tìm việc bao giờ đâu. Toàn tinh tướng, ngồi nhà đợi việc đến tìm
mình. Lúc trẻ, em còn ỷ được vào bộ mặt trời cho. Chứ còn đợi khi em
cứng tuổi rồi, thì làm thế nào?
La Tinh Tinh tắc tị, đành ngoan ngoãn nói:
– Thế nên chúng mình phải tới bệnh viện ngay. Anh không được tàn phế đâu
đấy. Em không nuôi nổi anh đâu. Em còn phải nương cậy vào anh nữa chứ.
Không biết gần đây có bệnh viện nào không nhỉ? Chúng mình cùng đi tìm,
anh nhé.
Hàn Đinh vui vẻ thấu tim gan. Trong cả một đoạn hội
thoại dài như thế, La Tinh Tinh không hề một lần nhắc đến Long Tiểu Vũ.
Không những không nhắc tới, mà khi nói về chuyện tương lai, nàng đã coi
Hàn Đinh như là người bạn và chỗ dựa duy nhất của mình. Điều này ít
nhiều giúp Hàn Đinh lấy lại được sự tự tin. Khuôn mặt anh ngập tràn ánh
nắng.
Anh xua tay, nói:
– Bệnh viện bệnh viếc gì. Thời gian không còn nhiều nữa. Mình tranh thủ đi thôi.
La Tinh Tinh đứng yên một chỗ:
– Mình đi đâu ạ?
Hàn Đinh bước hai bước về phía trước, rồi ngoái đầu lại, gọi nàng:
– Đoàn kịch Bách Hoa Thiệu!