Huyết Y Kỳ Thư

Chương 56: Cuộc nói chuyện giữa Ngô Cương và Đại Bi



Nhà sư ra chiều kinh hãi ngơ ngác cho là ban ngày có quỷ xuất hiện.

– Lạ thiệt! Thằng nhỏ này có vẻ tà khí.

Lão quay đầu lại đã thấy Ngô Cương đi tới cửa chùa liền lớn tiếng la:

– Chặn y lại!

Bốn nhà sư vào hạng tráng niên nghe tiếng vội chạy ra. Một nhà sư lớn tiếng quát:

– Thí chủ định sấn vào chùa chăng?

Ngô Cương tiến lại đến gần trước mặt bốn nhà sư lạnh lùng đáp:

– Vị hòa thượng giữ sơn môn không chịu thông báo nên tại hạ phải tìm vào.

Nhà sư mập đã đuổi tới nơi, lớn tiếng:

– A Di Đà Phật!

Tiếng niệm Phật hiệu oang oang vọng ra.

Bốn nhà sư liền rẽ sang hai bên chắp tay hành lễ.

Một vị lão tăng mặt mũi trầm tĩnh từ từ đi ra đến cửa giữa thì dừng bước. Mục quang lấp loáng ngó Ngô Cương chắp tay hỏi:

– Bần tăng là tri khách Tu Duyên. Thí chủ quang lâm có điều chi dạy bảo.

Ngô Cương đáp:

– Tại hạ xin ra mắt Đại Bi Hoạt Phật.

Tri khách tăng đáp:

– Hoạt Phật không tiếp những bạn ở phương xa đến.

Ngô Cương nói:

– Tại hạ đi suốt ngày đêm tới đây thế nào cũng phải ra mắt cho bằng được.

Tri khách tăng là Tu Duyên đã dày công phu hàm dưỡng. Nhà sư không thay đổi sắc mặt đáp:

– Bần tăng e rằng khó mà tuân lệnh được?

Ngô Cương hỏi:

– Đại sư ngại khó chăng?

Tri khách tăng hỏi lại:

– Thí chủ cầu kiến Hoạt Phật có việc gì?

Ngô Cương đáp:

– Cứ được gặp ngài sẽ rõ.

Tri khách tăng hỏi:

– Cách xưng hô thí chủ thế nào?

Ngô Cương dằn từng tiếng đáp:

– Tại hạ là Sách Huyết Nhất Kiếm.

Tri khách Tu Duyên đột nhiên biến sắc lùi lại ba bước. Còn năm nhà sư bật tiếng la hoảng:

– Thí chủ là… Sách Huyết Nhất Kiếm ư?

Ngô Cương lạnh lùng đáp:

– Chính thị tại hạ.

Tri khách tăng hỏi:

– Chẳng lẽ bản tự cũng thiếu nợ máu của thí chủ hay sao?

Câu nói này khiến Ngô Cương nổi lòng cừu hận. Thật ra ngày trước chùa Thiếu Lâm cũng dính vào vụ án Võ lâm đệ nhất bảo. Chàng định gặp Đại Bi rồi
mới đòi nợ. Bây giờ đối phương nhắc tới, chàng liền thay đổi tâm ý. Mắt
lộ sát khí, chàng cất giọng the thé đáp:

– Phải rồi! Tại hạ vì đòi nợ mà đến đây.

Tri khách tăng hỏi:

– Thí chủ đòi nợ gì?

Ngô Cương lạnh lùng đáp:

– Dĩ nhiên là nợ máu.

Tu Duyên lại lùi bước nữa run lên hỏi:

– Nợ máu thế nào?

Ngô Cương đáp:

– Đại sư nên đến hỏi phương trượng câu này mới phải.

Tri khách tăng Tu Duyên ngần ngừ một lúc rồi cương quyết né mình đáp:

– Xin mời thí chủ hãy vào phòng khách dùng trà, để tiểu tăng vào bẩm phương trượng.

Ngô Cương không khiêm tốn gì nữa hiên ngang đi vào.

Chàng vừa chuyền qua viện Vi Đà thì tri khách tăng vội vượt lên trước nói:

– Mời thí chủ quanh sang mé hữu.

Ngô Cương lạnh lùng nói:

– Tại hạ không khát nước bất tất phải vào phòng khách. Để tại hạ vào trong viện chờ đợi chưởng môn.

Tri khách tăng không sao được, đành trở gót lật đật đi ngay.

Giới luật chùa Thiếu Lâm rất nghiêm ngặt. Tuy có nhiều đệ tử lướt qua bên
mình chàng nhưng đều cúi đầu xuống tựa hồ không phát giác ra có người lạ đến.

Ngô Cương đứng ngây người như tượng đá ở trong viện quay mặt vào Đại Hùng bảo điện. Lòng chàng âm ỉ ngọn lửa cừu hận.

Ba tiếng chuông vang lên! Một đoàn người từ viện bên thong thả đi ra. Vị
nào cũng lộ vẻ trang nghiêm. Tất cả mười tám vị đến dưới thềm rồi chia
ra đứng hai bên. Những vị này không ai ngó Ngô Cương một cái nào.

Xem chừng những nhà sư này đều là hộ pháp chấp sự ở các viện.

Lại một hồi chuông nữa. Một vị lão tăng mặc áo cà sa bằng gấm từ chính viện xuất hiện. Vị lão tăng này bảo tướng rất trang nghiêm, không giận mà có oai.

Mười tám nhà sư bày hàng đều chắp tay để trước ngực cúi đầu tuyên Phật hiệu.

Vị lão tăng ung dung cất bước vượt qua mười tám nhà sư đi tới trước mặt Ngô Cương còn cách chừng ba trượng thì dừng bước.

Cặp mắt rất oai nghiêm nhìn Ngô Cương, lão tăng chắp tay hỏi:

– Thí chủ quang lâm có điều chi dạy bảo?

Ngô Cương chắp tay đáp:

– Phải chăng tôn giá là Phật Ấn thiền sư?

Lão tăng đáp:

– Chính là bản tòa.

Ngô Cương nói:

– Tại hạ đến đây có hai việc…

Phật Ấn thiền sư hỏi:

– Xin thí chủ cho bản tòa nghe đó là những việc gì?

Ngô Cương đáp:

– Việc thứ nhất là yết kiến Đại Bi Hoạt Phật của quý tự.

Phật Ấn thiền sư hỏi:

– Còn việc thứ hai?

Ngô Cương đáp:

– Xin chưởng môn nhân thanh toán một món nợ.

Phật Ấn thiền sư hỏi:

– A Di Đà Phật! Thí chủ đòi nợ gì?

Ngô Cương đáp:

– Món nợ máu mười năm trước đây.

Phật Ấn thiền sư biến sắc trầm giọng hỏi:

– Lai lịch của tiểu thí chủ thế nào?

Ngô Cương dùng phép truyền âm nhập mật nhìn Thiếu Lâm phương trượng đáp:

– Tại hạ là Ngô Cương, đứa con mồ côi của Võ Thánh, đến đây đòi món nợ máu ngày trước.

Phật Ấn thiền sư loạng choạng lùi lại mấy bước. Mắt chiếu ra những tia hàn quang nhìn Ngô Cương không chớp.

Đột nhiên Phật Ấn thiền sư giơ tay lên nói:

– Các ngươi hãy lui ra và truyền pháp dụ của bản tòa: bốn mặt đại điện không để cho tên đệ tử nào qua lại.

Mười tám nhà sư chấp sự đều lộ vẻ kinh nghi, nhưng phải tuân theo pháp dụ của chưởng môn, liền chắp tay chuyển mình rút lui.

Ngô Cương nghĩ thầm trong bụng:

– Lão trọc này tinh minh lắm. Lão cho bọn môn hạ lui ra để tự mình gánh lấy trách nhiệm cho khỏi đổ máu nhiều.

Chàng còn đang ngẫm nghĩ thì Phật Ấn thiền sư đã xoay mình tiến thêm mấy bước. Lão nhìn Ngô Cương lần nữa rồi khẽ hỏi:

– Phải chăng thí chủ quả là dòng dõi của Võ Thánh Ngô Vĩnh Thái?

Ngô Cương lạnh lùng đáp:

– Cái đó không còn giả được nữa.

Phật Ấn thiền sư nói:

– Lão tăng không ngờ Võ Thánh còn người nối dõi…

Ngô Cương ngắt lời:

– Nếu không thì món nợ máu năm trăm người chẳng còn ai đòi nữa. Chưởng môn nhân! Tại hạ dùng kiếm. Vậy chưởng môn…

Phật Ấn thiền sư ngắt lời:

– Hãy khoan!

Ngô Cương hỏi:

– Chưởng môn có điều chi trối lại chăng?

Phật Ấn thiền sư hỏi lại:

– A Di Đà Phật! Bản tòa không có điều trối trăng chi hết. Phải chăng thí chủ còn muốn gặp Đại Bi Hoạt Phật?

Ngô Cương đáp:

– Đúng thế!

Phật Ấn thiền sư hỏi:

– Thí chủ muốn gặp Hoạt Phật để làm gì?

Ngô Cương đáp:

– Để điều tra bàn chứng một việc.

Phật Ấn thiền sư hỏi:

– Việc gì?

Ngô Cương đáp:

– Tại hạ phải gặp đích thân Đại Bi mới có thể trình bày được.

Phật Ấn thiền sư nói:

– Vậy thí chủ hãy đi theo bản tòa.

Ngô Cương liền theo Phật Ấn thiền sư xuyên qua mấy tòa điện đường vào một
khu rừng tùng bách âm u ở phía sau chùa. Trong khu rừng này hiện ra một
bức tường vây bằng đá xếp lên. Trên tường rêu xanh phủ kín. Hai cánh cửa gỗ lọt vào trong tường. Ngoài cửa cách chừng một trượng cắm một tấm
biển gỗ trên đề hai chữ “Cấm địa”.

Ngô Cương nghĩ thầm trong bụng:

– Phải chăng đối phương có ngụy kế gì để đối phó với mình?

Bất giác chàng sờ vào đốc kiếm. Chàng định bụng hễ xảy ra điều gì khác lạ là hạ sát chưởng môn phương trượng.

Phật Ấn thiền sư đi thẳng tới trước cửa gỗ hai tay chắp để trước ngực lên tiếng:

– Phật Ấn xin bái yết sư thúc.

Ngô Cương lẩm bẩm:

– Té ra Đại Bi ở trong khu cấm địa.

Hồi lâu phía trong cửa có thanh âm khàn khàn của một lão già đáp vọng ra:

– Ta đã bảo không được quấy nhiễu ta kia mà?

Phật Ấn thiền sư nói:

– Sư thúc! Có giòng dõi Võ Thánh lên chùa…

Người bên trong hỏi ngay:

– Sao?

Phật Ấn thiền sư nhắc lại:

– Người thừa kế Võ Thánh xin yết kiến sư thúc.

Người bên trong hỏi:

– Người đó đâu?

Phật Ấn thiền sư đáp:

– Hiện ở ngoài cửa.

Tiếng người bên trong nói:

– Bảo y vượt tường mà vào.

Phật Ấn thiền sư hỏi :

– Sư thúc không mở cửa cấm ư?

Hồi lâu không có tiếng đáp lại, Phật Ấn thiền sư quay lại hỏi Ngô Cương:

– Thí chủ đã nghe thấy chưa?

Ngô Cương trầm tư một lúc rồi xẵng giọng:

– Chưởng môn nhân! Nếu trong này có chuyện man trá thì nơi cấm địa cửa Phật sẽ biến thành một trường đồ sát.

Phật Ấn thiền sư cặp lông mày nhủ thấp tuyên Phật hiệu rồi nói:

– Thí chủ thật quá lo xa.

Ngô Cương nói:

– Tại hạ cũng mong không đến nỗi như vậy.

Phật Ấn thiền sư nói:

– Mời thí chủ vào đi!

Ngô Cương nhìn địa thế bức tường rồi nhẹ nhàng nhẩy vọt lên mặt tường.
Chàng ngó vào phía trong thấy có một căn nhà tranh ẩn hiện trong bụi
trúc. Phong cảnh nơi đây u nhã thoát tục, tựa hồ một thế giới riêng
biệt.

Chàng liền nhẩy xuống, vừa đi được ba bước bỗng thấy trong cửa có tiếng nói vọng ra:

– Đứng lại!

Ngô Cương bất giác dừng bước. Chàng định thần nhìn lại không khỏi cả kinh
thất sắc. Căn nhà tranh không hiểu biến đâu mất. Trước mắt là một vùng
cây cỏ mênh mông bát ngát. Những lối đi rải đá trứng ngỗng ngang dọc
khắp nơi. Chàng ngẩng đầu nhìn lên thì ánh sáng mặt trời cũng bị che
lấp.

Ngô Cương ngơ ngác lẩm bẩm:

– Lạ thật! Vừa rồi mình
thấy khu vực trong bức tường vây nhiều lắm là không đầy mười trượng mà
sao bây giờ nơi đây lại hoang vu bát ngát.

Nhưng rồi chàng tỉnh
ngộ cho là những cây hoa đó đã chiếu theo lẽ sinh khắc trong kỳ môn mà
trồng. Về môn này chàng lại chẳng hiểu chút gì. Chàng tưởng mình đã lạc
vào cạm bẫy của đối phương.

Bụng nghĩ như vậy, chàng không khỏi nghiến răng căm hận.

Ngô Cương rút thanh Phụng kiếm ra đánh soạt một cái.

Bỗng có tiếng người hỏi:

– Thí chủ định làm gì?

Thanh âm nghe tựa hồ trong gang tấc mà chẳng thấy người đâu.

Ngô Cương định thần, chống kiếm trầm giọng hỏi lại:

– Phải chăng thiền sư là Đại Bi Hoạt Phật?

Thanh âm kia đáp lại:

– Chính là lão tăng.

Ngô Cương hỏi:

– Vãn bối có việc xin vào ra mắt được chăng?

Thanh âm kia đáp:

– Thí chủ hãy chứng minh lai lịch trước đã.

Ngô Cương đáp:

– Vãn bối là con nhỏ của Võ Thánh tên gọi Ngô Cương.

Thanh âm kia hỏi:

– Thí chủ muốn gặp lão tăng có việc gì?

Ngô Cương hỏi lại:

– Lão tiền bối có nhận biết Thiết Tý Viên Tôn Cảnh không?

Thanh âm kia nói:

– Tôn Cảnh ư? Y làm sao?

Ngô Cương đáp:

– Tôn Cảnh bị những tay cao thủ Võ Minh truy sát. Lão bị trọng thương và đã chết rồi…

Thanh âm kia niệm Phật hiệu rồi đáp:

– Y có di ngôn gì không?

Ngô Cương đáp:

– Lúc vãn bối nhận ra thì y chỉ nói được bốn chữ “Thiếu Lâm Đại Bi…” Rồi y chết ngay.

Thanh âm kia hỏi:

– Y có nhận được thí chủ không?

Ngô Cương đáp:

– Y chỉ biết vãn bối là… Sách Huyết Nhất Kiếm.

Thanh âm kia hỏi:

– Y đã không biết lai lịch của thí chủ sao lại nói đến pháp hiệu của lão tăng?

Ngô Cương đáp:

– Vì vãn bối đeo thanh Phụng kiếm bên mình.

Thanh âm kia la lên:

– Ủa! Phụng kiếm! Phụng kiếm!

Ngô Cương đầy lòng ngờ vực tự hỏi:

“Không hiểu đối phương là thù hay là bạn? Tôn Cảnh chỉ nói có bốn chữ “Thiếu
Lâm… Đại Bi” rồi tắt hơi, mình chẳng hiểu ý tứ ra sao?”

Đại Bi lên tiếng:

– Thí chủ xoay về mé tả ba bước rồi lại xoay sang mé hữu đi ba bước.
Tiếp tục tiến về phía trước năm bước rồi chuyển sang mé hữu hai bước.

Ngô Cương không biết làm thế nào đành theo lời chỉ thị rồi cất bước.

Khi chàng chuyển hai bước tối hậu về mé hữu thì bao nhiêu ảo ảnh đều mất hết. Hiện chàng đứng trước cửa căn nhà tranh.

Một vị lão tăng mày trắng ngồi xếp bằng ngay giữa cửa. Cặp mắt lão loang loáng đang chú ý nhìn chàng.

Ngô Cương chấn động tâm thần. Chàng tự n hủ:

– Bất luận gặp tình trạng nào ta cũng phải giữ lễ trước đã.

Nghĩ vậy chàng liền thu kiếm về, chắp tay xá dài nói:

– Vãn bối xin tham kiếm lão tiền bối.

Đại Bi hỏi:

– Ngươi là con của Ngô Vĩnh Thái ư?

Ngô Cương đáp:

– Đúng thế!

Đại Bi nói:

– Thí chủ hãy bỏ mặt nạ ra!

Ngô Cương kinh hãi vô cùng vì chàng đeo tấm mặt nạ mỏng dính đến Yêu Vương
còn không khám phá ra được mà nhà sư già này vừa ngó tới đã biết ngay
thì nhãn lực lão quả đến trình độ ghê người.

Chàng thấy thân thế mình đã bị bộc lộ nên chẳng giấu diếm làm chi nữa, liền đưa tay lên lột tấm mặt nạ ra.

Đại Bi gật đầu nói:

– Đúng là tư cách long phụng. Hài tử! Không ngờ ngươi lại thoát nạn…

Ngô Cương lộ vẻ bi phẫn đáp:

– Cũng là nhờ hoàng thiên có mắt.

Đại Bi hỏi:

– Tôn Cảnh bảo thí chủ làm sao?

Ngô Cương đáp:

– Y không dặn bảo chi hết, chỉ nói được bốn tiếng rồi tắt hơi.

Đại Bi hỏi:

– Vì nghe bốn tiếng đó mà ngươi đến Thiếu Lâm ư?

Ngô Cương đáp:

– Phải rồi!

Đại Bi hỏi:

– Ngươi muốn biết điều chi?

Ngô Cương đáp:

– Vãn bối muốn biết vì sao mà Tôn Cảnh tìm Phụng kiếm chủ nhân?

Đại Bi đáp:

– Cái đó dễ hiểu lắm. Y muốn bắt liền lạc với Phụng kiếm chủ nhân để cùng mưu việc báo thù.

Ngô Cương chấn động tâm thần, chàng nói:

– Vãn bối nghĩ rằng nguyên nhân không phải chỉ có vậy mà thôi.

Đại Bi nhắm mắt lại dường như để suy nghĩ điều gì. Lát sau lão hỏi lại:

– Tại sao thanh Phụng kiếm lại ở trong tay thí chủ?

Ngô Cương đáp:

– Vãn bối vì sự ngẫu nhiên trú ngụ ở gần Hồ Ma để luyện võ kỹ, khi xong
việc bỗng gặp Phụng kiếm chủ nhân. Y tự nguyện cho vãn bối mượn thanh
kiếm này để sử dụng.

Đại Bi hỏi:

– Ồ! Ngươi có biết Phụng kiếm chủ nhân là ai không?

Ngô Cương đáp:

– Y là tẩu tẩu của vãn bối. Nhưng…

Đại Bi hỏi:

– Nhưng làm sao?

Ngô Cương đáp:

– Nhưng y lại không hiểu lai lịch vãn bối.

Đại Bi hỏi:

– Thế thì sao y lại đem thanh kiếm báu quý hơn tính mạng cho thí chủ mượn?

Ngô Cương đáp:

– Vì y hi vọng nhờ thanh Phụng kiếm này để tìm ra Long kiếm.

Đại Bi hỏi:

– Ngươi có biết Long kiếm chủ nhân là ai không?

Ngô Cương đáp:

– Y là gia huynh tên gọi Ngô Hùng.

Đại Bi hỏi:

– Ngô Hùng hiện lạc lõng nơi đâu?

Ngô Cương đáp:

– Không hiểu y còn sống hay chết mà thanh Long kiếm đã thấy xuất hiện.

Đại Bi long lanh cặp mắt như điện chớp, run lên hỏi:

– Long kiếm đã xuất hiện trên chốn giang hồ rồi ư?

Ngô Cương đáp:

– Đúng thế!

Đại Bi hỏi:

– Thanh Long kiếm đã lọt vào tay ai?

Ngô Cương đáp:

– Một quái khách che mặt mình mặc áo xám mà vãn bối không hiểu lai lịch. Chỉ biết hắn là một phần tử trong Võ Minh.

Đại Bi hỏi:

– Quái khách che mặt ư? Võ Minh là gì?

Ngô Cương xem chừng Đại Bi hòa thượng không có ác ý gì với chàng. Trái lại
dường như lão còn có mối liên quan bí mật với nhà chàng. Chàng không ngờ bữa nay lại thu lượm được kết quả ra ngoài sự tưởng tượng. Có điều phái Thiếu Lâm ngày trước cũng là một phần tử tham dự cuộc huyết án tại Võ
lâm đệ nhất bảo thì trong vụ này tất còn có điều chi ngoắt ngoéo.

Bỗng Đại Bi lớn tiếng:

– Những điều tiên liệu của lão tăng quả không lầm.

Ngô Cương chấn động tâm thần hỏi:

– Lão tiền bối tiên liệu thế nào?

Đại Bi đáp:

– Người chủ hung trong vụ huyết án Võ lâm đệ nhất bảo…

Ngô Cương hỏi ngay:

– Là ai?

Đại Bi đáp:

– Võ Lâm Minh Chủ.

Ngô Cương hỏi:

– Đó là một điểm mà mọi người đều biết vì ngày ấy phải chăng là Võ Minh cầm đầu vụ này?

Đại Bi nói:

– Còn có nguyên nhân trọng yếu khác nữa.

Ngô Cương hỏi:

– Nguyên nhân gì?

Đại Bi hỏi lại:

– Có phải thí chủ vừa nói Tôn Cảnh bị người Võ Minh truy sát mà chết không?

Ngô Cương đáp:

– Đúng thế!

Đại Bi ngập ngừng:

– Cái đó là…

Ngô Cương ngắt lời:

– Vãn bối không hiểu.

Đại Bi nói:

– Tôn Cảnh quy đầu Võ Minh là theo ý kiến của lão tăng với mục đích điều tra lai lịch Võ Lâm Minh Chủ. Đồng thời dò la bào huynh của thí chủ là
Ngô Hùng. Y đã gây nên nhiều chuyện tàn sát để rước lấy cái họa diệt
môn. Vụ mất tích cũng ở trong vào bí mật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.