Cuốn sách này kể lại chuyện đơn vị đặc biệt mang bí số 701.
“7” là con số kì quái, ứng với nó là màu đen. Màu đen là màu đẹp, nhưng nó không phải là màu bình thường. Nó nặng nề, mang trên mình một thứ bực tức, căm giận, một thứ thần bí, huyễn tưởng. Theo tôi được biết, các tổ chức có sứ mệnh đặc biệt của các nước trên thế giới hầu như đều liên quan đến con số 7, ví dụ Cục 7 của Đông Đức trước đây, Cố vấn thứ Bảy của Tổng thống Pháp, Cục 7 của KGB Liên Xô, đơn vị 731 của Nhật Bản, Hạm đội 7 của Mĩ. Nói đến Trung Quốc, đấy là đơn vị đặc biệt 701, đơn vị tình báo xây dựng theo hình mẫu Cục 7 của KGB Liên Xô trước đây, tính chất và nhiệm vụ của nó gồm: Cục Thám thính, Cục Giải mã, Cục Hành động.
Cục Thám thính chủ yếu phụ trách kĩ thuật dò sóng đài đối phương, Cục Giải mã làm nhiệm vụ phá khóa và dịch mật mã, Cục Hành động tất nhiên là hành động, tức là đi làm trinh sát. Thám thính chuyên nghe những âm thanh trên trời, những âm không có thanh, những âm bí mật; giải mã tức là giải mật, tức là đọc sách trời, đọc sách không có chữ; thám báo tức là cải trang, thâm nhập hang cọp, đón đầu chiến đấu. Trong nội bộ, những người làm công tác thám thính đều được gọi là là “người nghe gió”; những người giải mã gọi là “người xem gió”; người làm công tác trinh sát gọi là “người bắt gió”. Nói cho cùng, những người làm tình báo đều là những người làm bạn với gió, chỉ khác nhau về bộ phận và cách thức làm việc.
Hai người đồng hương bí mật của tôi, trong đó có một vị là thủ trưởng số một của đơn vị 701, ông ta họ Tiền, mọi người vẫn quen gọi Thủ trưởng Tiền, nhưng sau lưng họ gọi ông ta là sếp; một vị khác là nhân viên trinh sát kì cựu, ông ta họ Lữ, làm công tác tuyên huấn bí mật ở Nam Kinh, mọi người gọi ông là “Khoai Lang”, bởi hồi xưa ông hoạt động ngầm. Hai vị đều là nhân vật cách mạng gạo cội gắn mác “Giải phóng”, khoảng trên dưới 60 tuổi, ở đơn vị 701 họ được coi là những hạt giống còn sót lại. Thời gian sau đó, quan hệ giữa tôi và hai người đồng hương ngày thêm sâu sắc, khiến tôi dần dần trở thành khách đặc biệt của đơn vị 701, có thể tự do lên núi dạo chơi.
Núi ấy tên là núi Ngũ Chỉ, chỉ cần nghe tên là đã có thể hình dung ra cấu tạo của nó, giống như năm ngón tay của một bàn tay xoè trên mặt đất. Tất nhiên nó có bốn thung lũng. Thung lũng thứ nhất gần phố huyện, cách chừng hai, ba cây số, ra khỏi thung lũng là có thể đến cửa ngõ phố huyện, một phố núi dựa vào lưng núi. Thung lũng này cũng rộng nhất, khu gia đình cán bộ nhân viên đơn vị 701 đều sống ở thung lũng này, ở đấy có bệnh viện, trường học, cửa hàng, quán ăn, nhà khách, sân vận động, đầy đủ giống như một xã hội thu nhỏ, người trong đó cũng tương đối phức tạp, ra vào không có gì khó khăn. Vì để viết cuốn sách này nên tôi thường xuyên đến đây, mỗi lần đến đều ở nhà khách mấy hôm, chỉ sau vài lần người ở đây đã quen mặt, vì tôi đeo kính đen (từ năm 23 tuổi mắt bên phải của tôi bị chứng nhạy cảm với ánh sáng mạnh, dưới ánh sáng ban ngày vẫn phải đeo kính đen để bảo vệ mắt), mọi người gọi tôi là phóng viên kính đen.
Những thung lũng tiếp theo càng thu hẹp dần, ra vào những nơi ấy cũng khó hơn. Tôi có may mắn ba lần vào thung lũng thứ hai, hai lần vào thung lũng thứ ba, thung lũng thứ tư trong cùng thì chưa được vào lần nào. Nghe nói, đấy là địa bàn của Cục Giải mã, cũng là nơi tuyệt mật trong toàn bộ dãy núi này. Cục Hành động nằm bên phải thung lũng thứ hai, bên trái là Trung tâm huấn luyện, là đơn vị cấp phó, hai đơn vị ấy giống như đôi cánh dang rộng từ núi, nhưng cánh bên trái lớn hơn cánh bên phải. Nghe nói, Cục Hành động không nhiều người, họ phần lớn đều đi công tác bên ngoài.
Trong thung lũng thứ ba cũng có hai đơn vị, thứ nhất là Cục Thám thính, thứ hai là cơ quan đầu não của 701. Hai đơn vị này không bố trí đối diện như Cục Hành động và Trung tâm huấn luyện, mà một trước một sau, phía trước là cơ quan đầu não của 701, phía sau là Cục Thám thính, giữa là khoảng trống, có những công trình công cộng như sân bóng, nhà ăn, nhà vệ sinh…
Vì dân địa phương không được vào vùng núi này nên cây cối không bị ai giẫm đạp, phá hủy, cứ năm này qua năm khác cây cối um tùm, chim thú thành đàn, ngồi trên xe vẫn thấy chim bay thú chạy. Đường toàn là đường núi, mặt đường nhựa đen bóng, rất đẹp, có điều rất hẹp, nhiều khúc quanh gấp như để thử thách tài nghệ lái xe. Nghe nói, trong núi còn có đường hầm để các đơn vị có thể qua lại nhanh chóng. Lần thứ hai vào Cục Thám thính, tôi thử đề nghị với ông Thủ trưởng cho tôi đi xuyên hầm một chuyến, ông ta nhìn tôi tỏ ra hờ hững, hình như yêu cầu ấy của tôi có phần quá đáng.
Có thể là như thế chăng.
Nhưng nói thật, trong quá trình tiếp xúc với người của 701, kể cả Thủ trưởng của họ, tôi cảm thấy rất rõ tâm trạng phức tạp của họ đối với tôi, bề ngoài sợ tôi gần họ, nhưng trong cốt tủy lại mong tôi tới gần. Thật khó tưởng tượng, nếu chỉ sợ thì cuốn sách này của tôi làm thế nào để hoàn thành? Chắc chắn không thể.
Nhưng vẫn còn hi vọng.
Tất nhiên, may mắn là hàng năm còn có Ngày Giải mật, đó là một ngày đặc biệt.