Lắng Nghe Trong Gió

Quyển 4 - Chương 9



Tôi cảm thấy nếu kể một câu chuyện, thì bây giờ nó đang phát triển theo hướng thê thảm dần, càng ngày càng giống một bi kịch. Tôi biết, trong một thời gian vô hạn, mọi thứ đều có thể xảy ra, nhưng chỉ trong thời gian hai tháng đã xảy ra bao nhiêu chuyện mà tôi không biết.

Buổi chiều hôm ấy, hết giờ làm việc tôi về nhà, vợ nói với tôi, ông già thường cắt tóc cho tôi đến tìm, bảo đến trả lại tiền. Vợ tôi không biết, trả lại tiền chỉ là cái cớ, đưa tin tình báo đến cho tôi mới là chính. Ông già này giống như ngọn đuốc trong đêm tối, chiếu sáng tôi, sưởi ấm tôi, khiến tôi những lúc cô đơn nhất vẫn cảm thấy có tổ chức bên mình. Nhưng từ ngày mẹ cô đến, tôi rất lâu không liên hệ với ông. Ông ấy đột ngột xuất hiện khiến tôi giật mình. Tôi ngồi trên sofa lòng dạ như lửa đốt, có thể tưởng tượng tôi sờ thấy mảnh giấy ông già để dưới đệm như thế nào. Tâm lí sợ hãi vô thức khiến tôi lập tức mở tờ giấy ra xem, trên đó chỉ có hơn chục chữ, thông báo cho tôi tối nay dự buổi họp Hồng lâu. Vậy là tôi cảm thấy nhẹ nhàng, giống như đã tránh khỏi nguy hiểm, nghĩ bụng, mình đang mong có cuộc họp, nhân đấy có thể đề nghị tổ chức xét lại quyết định đối với mẹ cô. Hồi ấy, tôi mong mẹ cô sinh con, thứ nhất vì biết mẹ cô có nguyện vọng ấy, chúng tôi phải tôn trọng; ngoài ra, như tôi vừa mới nói, cách mạng có thể sắp thắng lợi, không cần phải hi sinh như thế.

Nhưng khi nhìn kĩ mảnh giấy trong tay, tôi lại cảm thấy có gì đó không hợp lý. Bởi, bình thường cuộc họp do mẹ cô thông báo, có lúc không báo cho tôi, mẹ cô đi họp về, sẽ truyền đạt những ý kiến có liên quan đến tôi. Nhớ lại chỉ một lần, mẹ cô có việc không thể đi dự, tôi đi thay, đấy là chuyện nửa năm trước. Tôi còn nhớ, trong cuộc họp ấy, cuộc họp lần thứ ba tôi tham dự, tôi phát hiện thiếu một đồng chí, thiếu đồng chí sinh viên trẻ, cô vẫn nhớ chứ?

Đúng, chính là cậu ta, cậu ta có cái bớt đỏ trên trán. Tôi nhớ ra rồi, biệt danh của cậu ta là Bán Nguyệt. Có thể trên đây tôi đã nói, cậu ta trẻ nhất trong số chúng tôi nhưng là người gặp nạn đầu tiên, hi sinh năm hai mươi tuổi, sự hi sinh của cậu ta khiến tôi hiểu rằng, những người công tác bí mật chúng tôi không sợ chết, vì cái chết không thật, rất mờ nhạt. Có một câu nói thế này: Luồn sâu vào lòng địch, buổi sáng dậy thấy mình còn sống, đấy là điều vô cùng hạnh phúc.

Đúng vậy, sinh mệnh đối với chúng tôi giống như cầu vồng trên trời dễ tan biến. Ánh nắng, hơi nước, thậm chí vị trí đứng, góc nhìn, tất cả những thứ đó chỉ cần lệch đi một chút đều có thể làm cho cầu vồng biến mất. Sinh mệnh của chúng tôi quý báu và buồn như vậy là bởi mỗi hành động của chúng tôi đều có thể là mối nguy hiểm không thể vãn hồi. Có lúc, chúng tôi phải tự cắt động mạch, cổ họng, cắn lưỡi hoặc uống một viên thuốc cực độc để kết liễu đời mình. Cho nên, mọi người nói, làm một tình báo chẳng khác nào cho một chân vào cửa địa ngục, chân kia rất có thể một buổi sáng hay buổi tối nào đó cho vào nốt. Đấy là hiện thực không có gì phải bàn cãi. Còn như việc tôi rút được chân ở cửa địa ngục ra, trở thành một ông già 80 tuổi, có thể nói là trường hợp hiếm có, rất thấy.

Mảnh giấy trên tay tôi trở nên nặng trịch, cứng lại, như một mảnh sắt, tay tôi run run. Tôi nghĩ, lẽ nào đây là tín hiệu mẹ cô xảy ra chuyện gì rồi chăng? Nếu mẹ cô không có vấn đề gì thì tại sao ông già xuất hiện? Mẹ cô có chuyện gì? Xảy ra chuyện gì trong khi xử lí cái thai, hay là bị lộ rồi? Cảm giác tai họa rơi xuống cứ bám chặt lấy tôi, giày vò tôi, tôi thấy ớn lạnh và sợ hãi. Bên ngoài, trời đang dần tối, tôi không đủ dũng khí để đi, nhưng cũng không dám dùng điện thoại ở nhà. Rốt cuộc tôi vẫn phải đến một khách sạn gần đấy gọi điện thoại cho biệt thự Thủy Tây Môn.

Điện thoại kêu u u như một chiến hạm đang chìm dần. Vào lúc tôi định cúp máy, đầu dây đằng kia mới có người nghe máy: “Đây là nhà riêng của ông Dương Phong Mậu, xin hỏi ông tìm ai ạ?”

Tôi nhận ra giọng người giúp việc, liền hỏi: “Xin hỏi, bà Mậu có nhà không?”

Chị ta trả lời: “Bà Mậu mệt, đang nghỉ, ông có việc gì không ạ?”

Tôi bảo không có việc gì, chỉ hỏi thăm vài câu rồi cúp máy, cảm thấy như trút được gánh nặng. Tôi nghĩ, có việc gì chứ? Không có việc gì cả mẹ cô chỉ mệt, cho nên bảo tôi đi họp. Thậm chí tôi nghĩ, mẹ cô mệt có phải vì mới nạo thai chăng? Ý nghĩ ấy làm tôi đau lòng, tưởng như chính tôi là bác sĩ xử lý cái thai. Tôi cảm thấy đáng tiếc, bởi tôi định tối nay sẽ nói giúp mẹ cô. Nói thật, tôi đã làm cha rất hiểu đứa con quan trọng biết chừng nào đối với người làm cha mẹ.

Tối hôm ấy, trời trong, vầng trăng bàng bạc đã hiện lên nơi chân trời, dọc đường phố là bóng nhà lô xô và bóng cây lay động như nước. Ánh trăng vằng vặc, chiếc xe cứu thương màu trắng ẩn mình trong ánh trăng làm giảm đi sự chú ý của mọi người, cho nên tôi không trông thấy nó chạy tới, khi nó đến gần và dừng lại, tôi mới bỗng nhận ra, vội vã bước lên xe. Xe rú còi lao vào bóng tối đường phố, nhưng không chạy ra ngoại thành mà loanh quanh trong các phố. Lúc đầu tôi nghĩ có thể là đón ai đó, nhưng xe lại đến khu vực Thủy Tả Cương, người thay mặt đồng chí A giơ tay chỉ vào một con ngõ hẹp, nói:

“Số hai mươi tám, ngõ Song Tỉnh đã bị theo dõi, từ nay về sau không được đến đấy”.

“Số mười bảy, phố Quế Hoa đã phản bội, không được liên hệ với hắn”. Xe đến Minh Cố Cung, người đại diện A lại nói.

Đến cổng Quan Hoa, người đại diện A nói đồng chí nào đó đã bị bắt, sau này không được liên lạc nữa. Anh còn chỉ mấy địa điểm, rồi xe ra khỏi thành phố, lên núi Tử Kim. Xe vòng vèo theo con đường núi chừng nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng đến trước cổng một tòa biệt thự. Một ông già râu bạc phơ mở cổng, rồi loanh quanh đưa chúng tôi vào một cái nhà tắm mái bằng. Trong nhà đã có ba người chờ sẵn, trong đó có ông già cắt tóc, ông tỏ ra không biết tôi, tôi cũng không để lộ mình biết ông. Ngoài ra còn có hai người nữa, một người là nữ, chừng 30 tuổi, khuôn mặt rất to, tóc cắt ngắn làm khuôn mặt như càng to hơn, chị mặc bộ đồ dân tộc thiểu số. Kể cả ông già chân thọt cắt tóc và hai người vừa rồi lên xe tôi đã gặp, buổi họp hôm nay phần lớn tôi không quen, một lúc gặp nhiều người không quen, tôi có phần chột dạ, nhưng rất phấn khởi, vì đồng chí của tôi rất đông. Chúng tôi vừa ngồi xuống thì ông già râu bạc ra ngoài, có thể là ra cảnh giới. Không biết do xúc động hay căng thẳng, tôi thấy ánh mắt ông già lộ vẻ run rẩy.

Cuộc họp vừa bắt đầu, người thay mặt đồng chí A vẻ mặt nghiêm trọng, nói với chúng tôi, vừa rồi có hai người phản bội (trong đó có số mười bảy phố Quế Hoa), tổ chức bị tổn thất nặng nề, có bảy đồng chí bị bắt, tổ chức yêu cầu mọi người không được mạo hiểm, không có lệnh của tổ chức không được tự tiện hành động.

“Nhưng,” người đại diện đồng chí A trở nên sắc sảo: “Hai kẻ phản bội phải bị trừ khử, phải vượt qua nguy hiểm để trừ khử chúng! Phải giết người diệt khẩu!”. Anh nhìn mọi người, nói tiếp: “Tổ chức quyết định giao việc này cho “Kính Viễn Vọng” phải hoàn thành trong thời gian nhanh nhất”.

“Hiện tại chúng ở đâu?”. Một người tuổi trung niên ngồi trước mặt tôi hỏi. Tôi nghĩ, có thể anh này là Kính Viễn Vọng.

“Ở trong tay Mao Nhân Phượng”. Người thay mặt đồng chí A nói: “Nhưng nghe nói chúng sắp đi khỏi Nam Kinh, không biết đi đâu, có thể là Trùng Khánh”.

“Ở chỗ Mao Nhân Phượng có người của chúng ta đấy thôi?”. Người trung niên nghi ngờ hỏi lại: “Để họ làm có tiện hơn không?”.

Người đại diện A nhìn anh ta, hỏi: “Nghe anh hay nghe tổ chức đây?”.

Người đứng tuổi cúi đầu, không nói gì.

Lúc ấy, người đeo kính ngồi giữa nữ đồng chí và ông già cắt tóc, tức là một trong ba người chờ sẵn chúng tôi trong nhà, nói chen vào: “Họ bị bắt rồi, vừa bị bắt xong”.

Người này là ai? Tại sao anh ta nói chúng tôi bị bắt? Tôi cảm thấy kì lạ. Tôi nghĩ, lẽ nào mẹ cô bị bắt? Điều này chứng tỏ chiều nay tôi gọi điện đến nhà đã bị vào bẫy? Đồng thời, giọng nói của tôi cũng đã được ghi âm. Bỗng tôi sốt ruột không yên, tay chân bối rối không sao kìm lại được. Để ổn định tinh thần, tôi lấy thuốc ra hút. Tôi vừa châm thuốc thì bên ngoài có tiếng kêu to, chúng tôi chưa kịp nghe rõ,thì tiếng kêu im bặt. Điều ấy khiến chúng tôi cảnh giác, tiếp theo là những âm thanh bị nén lại, giống tiếng chim vỗ cánh càng làm chúng tôi cảnh giác: Có chuyện rồi! Lúc ấy, đồng chí đeo kính vừa nói “họ bị bắt” dẫn đầu chạy như bay ra cửa, tắt đèn, đồng thời hét to:

“Chạy mau!”.

Có tiếng động trên mái nhà, muốn chạy cũng đã muộn. Khi chúng tôi tắt đèn ngoài kia đã có tiếng bước chân. Không thể bỏ chạy, chúng tôi đành tản mác ngay trong nhà, đứng sát bờ tường, ánh mắt tập trung cả vào người đại diện A. Tối hôm ấy sáng trăng, tôi trông thấy người đại diện A rút súng lục, chĩa ra ngoài cửa nơi có tiếng hô và nổ súng, tiếp theo tiếng súng trong nhà ngoài sân thi nhau nổ. Đến lúc này tôi không còn sợ, rất trấn tĩnh, tay phải tìm khẩu súng giắt thắt lưng, mở chốt an toàn, chĩa ra ngoài cửa sổ. Một tấm kính bị tôi bắn vỡ. Trong lúc tôi đang nhắm bắn, đồng chí nữ đứng bên cạnh bỗng đá tôi một cái, nói:

“Nhanh, trốn nhanh!”.

Tôi chạy theo hướng chị chỉ tay. Người đeo kính vừa chạy đang vẫy chúng tôi. Tôi vấp ngã, chồm vào chân anh, trông thấy sau quần anh có một đôi chân co lại như làm xiếc, giống như bị bức tường nuốt chửng. Một lúc sau, không thấy đôi chân kia nữa, chỉ để lộ một lỗ thủng đen ngòm, người đeo kính đá vào cái lỗ đen, nói với tôi:

“Nhanh, nhanh lên!”.

Tôi chui ngay vào cái lỗ đen xuống lòng đất, không còn nghe thấy tiếng súng.

Lối ra của đường hầm ở giữa hai vách đá, rất kín đáo. Tôi không biết mình chạy trong đường hầm bao lâu, dù sao thì lúc chui ra không còn nghe tiếng súng, không biết có phải vì xa hay cuộc chiến đã kết thúc. Tôi từ trong đường hầm chui ra, trông thấy ông già cắt tóc đứng bên ngoài, bên cạnh ông không có ai. Điều này chứng tỏ không có ai đi trước ông, đôi chân như làm xiếc mà tôi trông thấy là của ông. Ông đi tới ôm tôi, rồi thò đầu vào cửa đường hầm lắng nghe, quay lại hỏi tôi đi sau là ai, tôi nói không biết.

Một lúc sau, mọi người lần lượt chui ra, đấy là Lưỡi dao, cậu thanh niên có mái tóc nhuộm đỏ lần đầu tiên tôi gặp trên xe cấp cứu. Cậu ta thoát nạn lần này, nhưng như tôi nói, rất không may, chỉ trước ngày Nam Kinh được giải phóng ít hôm, cậu ta hi sinh. Nhiệm vụ trừ khử hai tên phản bội được giao cho cậu ta, vì Kính Viễn Vọng đã hi sinh trong trận chiến đấu này.

Cậu ta chui ra hồi lâu mà không còn ai ra tiếp, chúng tôi không biết có còn ai nữa không, mặt khác sợ chờ ở đây quá lâu sẽ gặp rắc rối, cho nên tôi quyết định để ông già cắt tóc và Lưỡi dao đi trước, tôi chờ. Điều làm tôi ngạc nhiên là lúc họ đi, tôi nghe thấy bước chân chắc nịch của ông già cắt tóc, không phải chân thọt… Bỗng tôi cảm thấy vô cùng kính trọng ông già khiêm tốn này.

Họ vừa đi một lúc lại có người chui ra, đó là chị phụ nữ. Chị vừa chui ra liền ôm lấy vai tôi mà khóc. Trước đấy tôi chưa hề gặp chị, tôi nghĩ chị cũng không biết tôi, chị làm như vậy khiến tôi bối rối. Tôi khuyên chị, dìu chị đến ngồi trên một mỏm đá, sau đấy tôi thò đầu vào hang như ông già cắt tóc vừa rồi.

Chị hỏi tôi: “Anh làm gì thế?”.

Tôi nói: “Xem có còn ai nữa không”.

Chị lại bật khóc, nói: “Hết rồi… không còn ai đâu. Tôi vừa vào đường hầm thì họ bịt ngay cửa, ngồi ở cửa hầm tôi nghe họ chiến đấu, cho đến khi dứt tiếng súng tôi mới đi”.

Tôi hỏi: “Có ai bị bắt không?”.

Chị nói: “Không rõ, chắc là hi sinh cả rồi”.

Cái buổi tối ma quỷ và thiên sứ bắt tay nhau cùng xuống trần, chỉ một cuộc đọ súng ngắn ngủi, tôi đã biết chết là gì, sống là gì, sống và chết cận kề bên nhau, bí ẩn không sao hiểu nổi. Tôi cảm ơn Thượng đế đã cho tôi con đường sống vào lúc nguy nan, nhưng tôi vẫn chửi rủa Thượng đế đã cướp đi sinh mạng của các đồng chí. Tôi còn nhớ cuộc họp hôm ấy có mười một người, tức là tối hôm ấy chúng tôi hi sinh bảy đồng chí. Nếu tính cả người canh gác ngoài sân thì số người hi sinh lên đến tám. Nhưng tôi không biết người ấy có hi sinh hay không. Tôi cũng không biết đấy có phải là ông già râu bạc hay không, có thể là ông. Thật tình, cho dù chỉ mới gặp lần đầu, tôi đã băn khoăn và nghi ngờ ông già này rồi. Tôi không thể quên lúc ông đi ra, ông ta đã để lộ ánh mắt run rẩy. Nếu nói có người bán rẻ chúng tôi là người trong nội bộ thì chính là ông ta, đồ hèn hạ! Nhưng không ai biết kẻ đê hèn ấy lại ở ngay trong chúng tôi, lúc này tôi cũng không biết, cho nên tôi nghi ngờ cũng là việc không công bằng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.