Lục Tiểu Phụng là một người, con người tuyệt đối không ai quên được, không bao giờ quên được.
Trong đời y đầy tính nết truyền kỳ và đã gặp không biết bao nhiêu quái nhân quái sự. Bất cứ lúc nào và ở nơi đâu cũng được nghe y kể toàn chuyện kỳ quái.
Bây giờ hãy xin giơi thiệu cùng quý vị độc giả mấy nhân vật trước rồi sẽ bắt đầu nói đến những thiên cố sự của họ.
* * * * *
Trăng tròn vành vạnh, sương mù dày đặc.
Trăng tròn giữa đám sương mù khiến nguyệt sắc thê lương mờ ảo, xui lòng người tan nát gan vàng.
Trương Phóng cùng đồng bạn chẳng có ý gì ngoạn thưởng phong cảnh thiên nhiên của tạo hóa, họ chỉ mong cuộc đời phóng khoáng chẳng bị thứ gì ràng buộc, tùy tiện muốn đi đâu thì đi.
Bọn họ mới làm một chuyến bảo tiêu và đã giao hàng yên ổn rồi. Họ vừa uống rượu xong.
Họ đã chịu đựng nhiều ngày cực nhọc, khẩn trương, nay được kết thúc họ cảm thấy trong lòng thư thái cởi mở.
Giữa lúc đó bọn họ gặp Hùng Mỗ Mỗ.
Hùng Mỗ Mỗ xuất hiện giữa đám sương mù dầy đặc chẳng khác gì u linh quỷ mỵ.
Lưng mụ còng lại tưởng chừng cõng một tảng đá lớn vô hình đè nặng làm cho mụ cơ hồ bị gãy xương sống.
Hùng Mỗ Mỗ tay xách một cái giỏ khá lớn trên đậy bằng tấm vải bông dày.
Một người cất tiếng hỏi :
– Trong giỏ của mụ đựng gì vậy?
Hiện giờ mọi người đang hứng chí nên bất luận sự vật gì cũng làm cho họ khoan khoái.
Trên mặt đầy vết nhăn nheo, Hùng Mỗ Mỗ lộ nụ cười đáp :
– Đây là mứt hạt dẻ vừa thơm vừa dòn, bán mỗi cân mười đồng.
Người kia nói :
– Cho bọn tại hạ mua mỗi người một cân, cộng là năm cân.
Quả nhiên mứt mới chiên hãy còn nóng hổi, lại vừa ngọt vừa thơm.
Trương Phóng chỉ ăn một tấm. Hắn không thích hạt dẻ mà lại vừa uống rượu nhiều quá, mới ăn một tấm đã cảm thấy trong ruột cồn cào như muốn nôn oẹ.
Trương Phóng chưa nôn ra nhưng đồng bạn đột nhiên đều té nhào.
Người té xuống rồi, lập tức co quắp, miệng sùi bọt trắng.
Bọt trắng đột nhiên đổi ra màu hồng, biến thành máu.
Mụ già còn đứng đó thấy tình trạng này, nét mặt mụ đang cười bỗng biến thành kỳ bí đáng sợ.
Trương Phóng nghiến răng lẩm bẩm :
– Mứt hạt dẻ có chất độc!
Hắn toan chụp lấy mụ thì giữa lúc ấy toàn thân hắn biến đổi đột ngột, trong mình không còn chút khí lực nào nữa.
Hắn muốn nhảy xổ tới bóp cổ Hùng Mỗ Mỗ nhưng lại té nhào xuống bên chân mụ.
Trương Phóng đột nhiên phát giác dưới ống quần dài bằng vải xám của mụ để lộ đôi bàn chân.
Mu đi đôi giầy mới tinh, mũi giày thêu khá đẹp, tựa hồ một vị tân nương tử. Có điều mũi giầy của mụ không thêu chim uyên ương mà lại thêu một con cú mèo.
Con cú mèo với cặp mắt xanh lè tựa hồ đang giương lên nhìn Trương Phóng để chế diễu hắn là người ngu dốt chẳng biết gì.
Trương Phóng thộn mặt ra.
Hùng Mỗ Mỗ cười khành khạch nói :
– Té ra chú nhỏ này không thành thực. Coi gì chẳng coi, lại chỉ thích coi chân đàn bà.
Trương Phóng miễn cưỡng ngửng đầu lên cất giọng tức bực hỏi :
– Mụ có thù hằn gì với bọn ta?
Hùng Mỗ Mỗ cười đáp :
– Ngốc tiểu tử! Ta chưa nhìn thấy các ngươi lần nào, làm gì có chuyện thù với oán?
Trường Phóng nghiến răng hỏi :
– Vậy thì sao mụ lại gia hại bọn ta?
Hùng Mỗ Mỗ hững hờ đáp :
– Chẳng tại sao cả. Ta muốn giết người mà thôi.
Mụ ngửng đầu nhìn ánh trăng mờ ảo giữa cõi sương mù, thủng thẳng nói tiếp :
– Mỗi độ trăng tròn ta lại muốn giết người.
Trương Phóng trố mắt ra nhìn mụ. Nhãn quang của hắn vừa đầy vẻ phẫn nộ lại vừa khủng khiếp. Hắn hận mình chẳng thể cắn cổ họng mụ một miếng để trả thù.
Hùng Mỗ Mỗ đột nhiên biến mất, biến vào đám sương mù dầy đặc tựa hồ u linh quỷ mỵ.
* * * * *
Sương mù ảm đạm, nguyệt sắc lu mờ.
Bóng tịch dương đã ngậm non đoài, ngọn gió thu thổi lướt đám cỏ xanh như làn sóng gợn.
Trên bờ sông quạnh quẽ không một bóng người.
Một con quạ từ đàng xa bay tới hạ mình đậu xuống đầu cây cọc gỗ buộc thuyền.
Đây là bến đò hoang lương vắng vẻ. Hiện giờ chuyến đò cuối cùng sang ngang đã ra xa.
Người lái thuyền là một lão già râu đã bạc phơ.
Hai chục năm trời lão chở con đò rách nát bên này qua bên kia rồi lại trở về.
Những chuyện hoan lạc trong đời của lão chẳng có mấy, bây giờ chỉ còn lại cái thú là uống rượu và đánh bạc.
Nhưng bữa nay, lão đã phát thệ nhất quyết không đánh bạc, vì trên thuyền của lão chở một nhà sư.
Nhà sư này rất mực thước, rất thành thực, nhưng dù sao thì hòa thượng vẫn là hòa thượng.
Lão lái đò đã rút nhiều kinh nghiệm, cứ mỗi lần chạm trán nhà sư là nhất định đánh bạc phải thua liểng xiểng, thua cháy túi, thua không còn một đồng một chữ.
Nhà sư chất phác vẫn giữ quy củ ngồi vào tận góc thuyền, ngó lại cái chân mình.
Chân nhà sư dơ quá!
Chân dơ lại đi đôi giày cỏ rách nát.
Những người khác đều ngồi xa nhà sư, tựa hồ sợ những con rận trong người lão bò sang mình.
Nhà sư chất phác cũng chẳng dám dòm ngó ai. Chẳng những lão thành thực mà còn cả thẹn nữa.
Cả lúc cường đạo nhảy xuống thuyền nhà sư cũng không ngửng đầu lên ngó lần nào.
Nhà sư chỉ nghe tiếng những người ngồi thuyền la hoảng, rồi nghe âm thanh bốn người nhảy xuống thuyền. Sau nữa là tiếng quát tháo của bọn cường đạo :
– Chúng ta đều là hảo hán ở Thủy Xà bang. Trước nay chỉ lấy tiền chứ không giết người. Các ngươi bất tất phải sợ hãi, nhưng trong mình mang theo vàng bạc bỏ ra hết đi là không sao cả.
Bóng tịch dương chiếu vào những thanh đao trong tay bọn cường đạo làm cho đao quang lấp loáng ở trong khoang thuyền.
Những người ngồi trong khoang thuyền, đàn ông run bần bật, đàn bà nước mắt đầm đìa.
Những ai càng mang nhiều tiền bạc càng run rẩy dữ hay nước mắt chảy càng nhiều.
Nhà sư chất phác vẫn cúi đầu nhìn xuống chân mình.
Đột nhiên nhà sư ngó thấy đôi chân khác. Đôi chân này rất lớn đi đôi giầy mũi nhọn đang đứng ngay trước mặt lão.
Bỗng nghe thanh âm cất lên :
– Bây giờ đến lượt ngươi, lấy ra mau đi!
Nhà sư chất phác tựa hồ không hiểu rõ, ấp úng hỏi lại :
– Thí chủ bảo bần tăng đưa gì ra?
Người kia đáp :
– Hễ cái gì đáng tiền thì bỏ ra hết.
Nhà sư nói :
– Nhưng trong mình bần tăng chẳng có một thứ gì.
Nhà sư nói rồi cúi đầu xuống thấp hơn nữa.
Lão phát giác dường như người này muốn vung chân đá lão một cước nhưng bị người khác cản lại nói :
– Thôi quách! Nhà sư dơ dáy này xem chừng chẳng phải hạng người có “dầu mỡ”, chúng ta dông quách.
Chữ dông có nghĩa là bỏ đi.
Bọn họ đã đến mau lẹ, bỏ đi càng mau lẹ hơn. Những hạng người trộm cướp chẳng ít thì nhiều cũng mang bệnh có tật giật mình.
Trong thuyền lập tức nhốn nháo cả lên. Có người động thủ đông cước. Có người lớn tiếng thóa mạ nhà sư. Ai cũng cho là gặo hòa thượng quả nhiên xúi quẩy.
Lúc họ thóa mạ, họ chẳng úy kỵ gì nhà sư nghe tiếng. Thực ra nhà sư vẫn lờ đi như chẳng nghe thấy gì cả.
Nhà sư cúi đầu xuống ngồi nguyên chỗ, thái độ tỏ ra hồi hộp không yên.
Đột nhiên nhà sư nhảy lên đầu thuyền.
Ở đầu thuyền để một tấm ván, tấm ván này dùng làm cầu để lên bờ lúc thuyền áp mạn.
Nhà sư chụp tấm ván giơ lên khẽ đập một cái, tấm ván dầy ba tấc vỡ làm năm sáu mảnh.
Mọi người trong thuyền đều sửng sốt.
Nhà sư chất phác liệng một mảnh ván ra. Mảnh ván đầu tiên vừa rớt xuống mặt nước thì mảnh thứ hai lại liệng ra.
Nhà sư tựa hồ biến thành con chuồn chuồn điểm nước. Lão nhô lên hụp xuống bốn năm cái trên mặt sông đã đuổi kịp con thuyền của bọn Thủy Xà bang.
Bọn cường đạo Thủy Xà bang đang kiểm điểm những thứ thu hoạch được bữa nay, đột nhiên chúng phát giác một người lướt sóng đi tới như một mũi phi tiêu, nhẹ nhàng hạ xuống đầu thuyền của họ. Bây giờ họ mới nhận ra nhà sư dơ dáy.
Khinh công của nhà sư như vậy chẳng những họ chưa được mắt thấy mà còn chưa được nghe qua nữa.
Bọn cường đạo Thủy Xà bang đều nghĩ bụng :
– Nhà sư này quả là chân nhân không lộ tướng, còn những kẻ lộ tướng thì chẳng phải chân nhân. Hắn chờ bọn mình lấy được tiền bạc vào tay rồi mới mò đến để đòi chia phần.
Tên nào tên nấy lòng bàn tay toát mồ hôi lạnh ngắt, chỉ còn hy vọng nhà sư này chỉ đòi tiền bạc của chúng chứ đừng đòi tánh mạng.
Dè đâu nhà sư đột nhiên quì mọp xuống trước mặt bọn cường đạo ra chiều kính cẩn nói :
– Trong mình bần tăng còn bốn lạng bạc, bần tăng định để mua một tấm áo mới và một đôi giày cỏ mới, nhưng như vậy là phạm vào tham niệm.
Nhà sư nói rồi móc trong mình ra một đĩnh bạc đặt xuống bên chân bọn cường đạo,
lão nói tiếp :
– Huống chi là kẻ xuất gia không được nói dối. Vậy mà vừa rồi bần tăng đã bạch các vị đại gia trong mình chẳng có gì. Bây giờ bần tăng xin các vị đại gia lượng thứ cho. Chuyến này bần tăng trở về chùa nhất định quay mặt vào tường để xám hối cùng Đức Phật trong ba tháng.
Quần đạo nghe lão nói đều sửng sốt đứng thộn mặt ra. Không một ai dám lên tiếng.
Nhà sư chất phác cúi đầu nói tiếp :
– Nếu các vị đại gia mà không chịu lượng thứ thì bần tăng đành quì ở đây không đi đâu nữa.
Quần đạo chỉ mong nhà sư này đi cho sớm, còn ai muốn giữ lão trên thuyền làm chi?
Sau, một tên đánh bạo đáp :
– Hay lắm! Bọn… bọn tại hạ… lượng thứ cho nhà sư rồi.
Đáng lý câu này phải nói lên một cách dõng dạc. Nhưng người tuyên bố câu đó vừa nói vừa run, cả âm thanh nghe cũng lạc giọng. Nhà sư chất phác liền lộ vẻ hoan hỉ, dập đầu “binh binh binh” ba cái xuống sàn thuyền rồi mới từ từ đứng dậy.
Nhà sư chất phác tung mình lên không một cái ra xa bốn trượng đã vào đến bờ. Chỉ trong nháy mắt bóng người cũng mất hút
Quần đạo ở dưới thuyền ngơ ngác nhìn nhau rồi ngó tới đĩnh bạc còn bỏ đó đến ngẩn người ra.
Không hiểu thời gian trôi qua đã bao lâu mới có một tên thở phào một cái rồi phát biểu ý kiến :
– Các vị huynh đệ! Chẳng lẽ y là một nhà sư thật ư?
Chẳng là nhà sư thì còn là cái gì?
Người thứ ba nói :
– Tiểu đệ cho y không phải là nhà sư mà là Phật sống. Đúng là Đức Phật sống không hơn không kém.
Sáng sớm hôm sau, có người phác giác bọn Thủy Xà bang từ trên xuống dưới có mười tám tên hảo hán đều chết sạch ở trong sào huyệt. Tất cả mười tám tên đều chết một cách lặng lẽ.
Bọn người này đều tỏ ra chết một cách rất bình tĩnh, đã chẳng bị thương cũng không trúng độc. Không một ai khám phá ra bọn họ chết trong trường hợp nào.
* * * * *
Tây Môn Xuy Tuyết thổi máu chứ không phải thổi tuyết.
Kiếm của y đã dính máu.
Nước trên khay còn nóng và còn phảng phất mùi thơm của hoa chi tử.
Tây Môn Xuy Tuyết tắm rửa xong. Từ trên đầu cho đến chí các bộ phận trong toàn thân y đều hết sức sạch sẽ.
Hiện giờ Tiểu Hồng đang chải đầu cho y. Tiểu Thúy và Tiểu Ngọc đang cắt móng chân móng tay cho y.
Tiểu Tuyết đã chuẩn bị cho Tây Môn Xuy Tuyết một bộ xiêm áo mới tinh. Cả từ tấm áo lót đến đôi vớ cũng mới nguyên sạch như tuyết.
Mấy ả này đều là những danh kỹ trong thành, đều trẻ măng vừa xinh đẹp lại vừa hiểu cách phục thị nam nhân, chúng dùng mọi phương pháp khiến cho nam nhân được vừa lòng.
Nhưng Tây Môn Xuy Tuyết chỉ chọn mỗi cô một việc chứ không đụng chạm đến cô nào.
Tây Môn Xuy Tuyết đã trai giới ba ngày rồi, và chuẩn bị cho một việc mà y cho là việc thiêng liêng nhất đời. Y sắp đi giết một người tên gọi là Hồng Đào.
Tây Môn Xuy Tuyết chưa từng quen biết Hồng Đào cũng chưa gặp y lần nào. Y muốn giết Hồng Đào chỉ vì hắn đã giết Triệu Cương.
Bất luận ai cũng hiểu Triệu Cương tính tình ngay thẳng, có lòng nghĩa khí, Triệu Cương còn là một hảo hán chân chính.
Tây Môn Xuy Tuyết cũng biết thế, nhưng y không quen thân mà cũng chưa gặp Triệu Cương lần nào.
Tây Môn Xuy Tuyết chẳng ngại đường xa ngàn dặm cưỡi ngựa dưới ánh nắng như thiêu đốt ba ngày ròng để tới tòa thị thành xa lạ này. Y phải sức dầu tắm gội trai giới ba ngày liền chỉ vì muốn giết một người chưa từng quen biết để trả thù cho một người chưa từng gặp mặt.
Hồng Đào gặp Tây Môn Xuy Tuyết, hắn vẫn không tin trên đời lại có người như vậy và hành động kỳ cục như thế.
Tây Môn Xuy Tuyết mặc áo trắng như tuyết, lặng lẽ đứng chờ trong cửa Tây… Y chờ Hồng Đào rút đao ra.
Phần lớn người giang hồ biết Hồng Đào thường kêu bằng “Thiên Diện Đao”.
Đao pháp của Thiên Diện Đao mà không thực sự nhanh như chớp thì Nhất Đao Chấn Cửu Châu Triệu Cương đã không chết dưới lưỡi đao của hắn.
Hồng Đào giết Triệu Cương chỉ vì năm chữ ngoại hiệu “Nhất Đao Chấn Cửu Châu”. Năm chữ hiệu, một mạng người.
Tây Môn Xuy Tuyết chỉ nói có bốn tiếng.
Hồng Đào hỏi y đến với mục đích gì, y chỉ đáp bằng hai chữ :
– Giết ngươi!
Hồng Đào hỏi lại :
– Tại sao các hạ đòi giết ta?
Tây Môn Xuy Tuyết đáp lại bằng hai tiếng :
– Triệu Cương!
Hồng Đào hỏi :
– Các hạ là bạn hữu với Triệu Cương ư?
Tây Môn Xuy Tuyết đáp lại bằng một cái lắc đầu.
Hồng Đào lại hỏi :
– Các hạ vì một người không quen biết mà lặn lội đường xa ngàn dặm đến đây để giết tại hạ ư?
Tây Môn Xuy Tuyết gật đầu.
Y đến để giết người chứ không phải đến để nói chuyện.
Hồng Đào biến sắc. Hắn đã nhận ra nhân vật này và đã nghe nói kiếm pháp cùng tính nết kỳ khôi của y.
Tây Môn Xuy Tuyết tính tình quaí đản, kiếm pháp cũng ly kỳ.
Khi y đã quyết tâm giết ai thì chính y cũng chuẩn bị cho mình hai nẻo đường. Đó là :
– Ngươi không chết thì ta hết sống.
Hiện giờ Hồng Đào đã xuất hiện. Tây Môn Xuy Tuyết chỉ còn hai con đường để đi, không thể lựa chọn đường nào khác được nữa.
Ngọn gió Tây thổi dài trên đường phố. Lá cây rụng tới tấp.
Trên đình viên ở trong bức tường cao, đột nhiên một bầy quạ kinh hãi vụt bay vào cõi mây mù phía trời tây.
Hồng Đào đột nhiên rút đao ra, đánh liền tám đao nhanh như điện chớp.
Triệu Cương đã chết dưới chiêu “Ngọc Liên Hoàn” của Thiên Diện Bát Đao Pháp Hồng Đào.
Đáng tiếc “Ngọc Liên Hoàn” của Hồng Đào cũng như các đao pháp khác trên thế gian vẫn còn chỗ sơ hở.
Chỉ một chút sơ hở là đủ chết rồi.
Tây Môn Xuy Tuyết phóng ra một kiếm. Chỉ một kiếm không hơn không kém, đã xuyên thủng cổ họng Hồng Đào.
Lúc Tây Môn Xuy Tuyết rút kiếm ra, trên kiếm còn dính máu.
Tây Môn Xuy Tuyết thổi một cái, máu tươi liền thành một xâu nhỏ xuống trúng vào một tấm lá vàng.
Tấm lá vàng bị ngọn gió Tây thổi bay phất phới chưa rớt xuống, người Tây Môn Xuy Tuyết đã mất hút ngoài ánh chiều tàn trong ngọn gió Tây…
* * * * *
Hoa nở đầy lầu.
Hoa nở đầy lầu đối với Hoa Mãn Lâu là một tình yêu nhiệt liệt. Hoa Mãn Lâu yêu hoa nở đầy lầu như sinh mạng của mình vậy.
Vào lúc huỳnh hôn Hoa Mãn Lâu thích ngồi dưới bóng tịch dương trước cửa sổ để nhẹ nhàng vuốt ve hôn hít những cánh hoa như vuốt ve hôn hít một cô tình nhân.
Đồng thời y ngửi mùi hương của hoa, cũng như hơi thở thơm tho của tình nhân.
Hiện giờ đang lúc huỳnh hôn. Bóng tịch dương ôn nhu đầm ấm. Ngọn gió chiều tà hiu hiu thổi.
Trên tòa tiểu lầu hòa bình và yên tĩnh, Hoa Mãn Lâu ngồi một mình trước cửa sổ.
Lòng y đầy mối cảm kích Hoàng Thiên đã ban cho y cuộc đời đầy tươi đẹp, cho y hưởng thụ những cái tuyệt mỹ về nhân sinh quan.
Giữa lúc ấy Hoa Mãn Lâu nghe thấy tiếng bước chân vang lên và cấp bách ở trên lầu.
Một vị tiểu cô nương lối mười bảy, mười tám tuổi, lật đật chạy lên lầu, vẻ mặt hốt hoảng, hơi thở hồng hộc.
Tuy cô không đẹp lắm, nhưng cặp mắt sáng ngời lại linh mẫn phi thường. Đáng tiếc
lúc này khóe mắt cô lộ ra mối hoang mang khủng khiếp không biết đến thế nào mà kể.
Hoa Mãn Lâu xoay mình lại ngồi đối diện với thiếu nữ.
Y không biết cô gái này nhưng tỏ thái độ rất ôn hòa và quan thiết. Y hỏi :
– Chuyện gì đã xảy đến cho cô nương?
Tiểu cô nương thở hổn hển hỏi lại :
– Có người rượt theo tiện thiếp, tiện thiếp có thể ở ẩn trong này được chăng?
Hoa Mãn Lâu chẳng cần suy nghĩ gì đáp liền :
– Được.
Dưới lầu không có ai, cửa vẫn mở rộng. Vị tiểu cô nương này hiển nhiên gặp lúc hoang mang chạy bừa vào nhà.
Dù là con chó sói bị thương trốn tránh con chó săn đang rượt theo mà chạy vào trong nhà, Hoa Mãn Lâu cũng dung nạp. Cửa nhà y bao giờ cũng mở rộng, và bất luận hạng người nào đến nhà y cũng được hoan nghêng như thế cả.
Tiểu cô nương chuyển động mục quang đảo nhìn bốn phía dường như muốn kiếm một nơi an toàn để ẩn nấp.
Hoa Mãn Lâu cất tiếng ôn nhu bảo cô :
– Cô nương bất tất phải ẩn lánh, hễ đã vào đây là an toàn rồi.
Tiểu cô nương giương cặp mắt to lớn lên hỏi :
– Thật thế ư?
Dường như cô vẫn chưa tin, liền nói tiếp :
– Người rượt theo tiện thiếp chẳng những hung dữ mà còn cầm đao bén, bất cứ lúc nào hắn cũng có thể giết người.
Hoa Mãn Lâu cười đáp :
– Tại hạ bảo đảm cho dù y có hung dữ cũng không thể giết người ở đây được.
Tiểu cô nương vẫn chưa hết hoang mang toan hỏi y :
– Tại sao vậy?
Nhưng cô không thể hỏi được nữa vì kẻ rượt theo cô đã tới nơi. Hắn chạy thẳng lên lầu. Người hắn rất cao lớn mà lúc lên lầu động tác càng mau lẹ.
Người đó quả nhiên tay cầm đao. Cặp mắt chiếu ra những tia sáng hung dữ còn đáng sợ hơn thanh đao sắc nén.
Hắn vừa ngó thấy tiểu cô nương đã trợn mắt lớn tiếng quát :
– Bây giờ ta muốn coi xem ngươi còn chạy đi đâu được nữ không?
Tiểu cô nương đang ở ẩn sau lưng Hoa Mãn Lâu.
Hoa Mãn Lâu mỉm cười đáp :
– Cô ta đã vào đây thì không phải chạy đi đâu nữa.
Đại hán cầm đao trừng mắt nhìn Hoa Mãn Lâu, phát giác ra y bất quá là một thanh niên nho nhã tướng mạo anh tuấn, liền bật tiếng cười hung dữ hỏi :
– Ngươi có biết lão gia là ai không mà dám can thiệp vào công việc của lão gia?
Hoa Mãn Lâu vẫn giữ thái độ ôn tồn hỏi :
– Tôn giá là ai?
Đại hán phưỡn ngực đáp :
– Lão gia là Hoa Đao Thái Tuế Thôi Nhất Động. Lão gia đâm ngươi một đao thì trong mình ngươi có thêm một lỗ hổng.
Hoa Mãn Lâu nói :
– Xin lỗi tôn giá. Danh tự của tôn giá tại hạ chưa từng được nghe qua. Tôn giá bất tất khoét thêm lỗ hổng vào người tại hạ. Bất luận lỗ hổng lớn hay lỗ hổng nhỏ tại hạ đều không muốn.
Tiểu cô nương không nhịn được bật lên tiếng cười khúc khích.
Thôi Nhất Động đã biến sắc, đột nhiên hắn gầm lên :
– Ngươi không muốn thì cũng phải muốn.
Hắn rung tay một cái bỗng loé ra một bông hoa đao. Đao quang lấp loáng nhằm đâm vào ngực Hoa Mãn Lâu.
Người Hoa Mãn Lâu không chuyển động nhưng y đã giơ hai ngón tay lên.
Y ra tay đột ngột, dùng hai tay kẹp lấy sống đao.
Thanh đao liền lập tức lọt vào tay y, và tựa hồ mọc rễ ở đó.
Thôi Nhất Động tựa hồ đã vận nội lực toàn thân đến độ chót mà không sao giựt được thanh đao về.
Người hắn toát mồ hôi lạnh đầm đìa.
Hoa Mãn Lâu vẫn tủm tỉm cười, cất giọng ôn nhu nói :
– Nếu tôn giá chịu lưu thanh đao lại đây thì tại hạ nhất định bảo đảm cho tôn giá.
Cửa nhà tại hạ quanh năm mở rộng. Tôn giá muốn ra vào lúc nào cũng được.
Thôi Nhất Động trán toát mồ hôi, đột nhiên hắn dậm chân rồi buông thanh đao ra.
Hắn xuống lầu chạy đi ngay không ngoảnh cổ lại. Lúc hắn xuống lầu càng đi nhanh hơn lúc lên lầu nhiều.
Tiểu cô nương nhe hàm răng trắng nổi lên tràng cười khoan khoái. Cô ngó Hoa Mãn Lâu bằng cặp mắt vừa kinh dị vừa khâm phục nói :
– Tiện thiếp không ngờ bản lãnh tướng công lại lợi hại đến thế?
Hoa Mãn Lâu ngập ngừng đáp :
– Chẳng phải tại hạ bản lãnh lợi hại mà là do y không có bản lãnh gì.
Tiểu cô nương nói :
– Ai bảo hắn không có bản lãnh? Trên chốn giang hồ rất nhiều người không địch nổi hắn. Cả tiện thiếp cũng không đánh lại.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
– Cô nương làm sao?
Tiểu cô nương đáp :
– Tuy tiện thiếp không đánh lại hắn, nhưng cũng có khá nhiều nam nhân không địch nổi tiện thiếp. Tiện thiếp là Thượng Quan Phi Yến ở Giang Nam.
Cô lắc đầu thở dài nói tiếp :
– Danh tự này dĩ nhiên tướng công chưa từng nghe ai nói đến.
Hoa Mãn Lâu cầm thanh đao trong tay lại đặt xuống bàn kê ở chân tường. Bỗng y quay đầu lại hỏi :
– Tại sao hắn rượt theo cô nương?
Thượng Quan Phi Yến đưa tay cắn môi, ra vẻ ngần ngừ nhưng rồi nàng cũng mỉm cười đáp :
– Vì tiện thiếp lấy cắp đồ của hắn.
Hoa Mãn Lâu không lộ vẻ kinh dị mà lại bật cười.
Thượng Quan Phi Yến nói tiếp :
– Tuy nhiên tiện thiếp chỉ là tên ăn cắp vặt, hắn mới là quân cường đạo. Trước nay tiện thiếp chẳng bao giờ lấy cắp của người tử tế mà chuyên trộm đồ của bọn cường đạo.
Cô cúi đầu xuống nghếch mắt nhìn trộm Hoa Mãn Lâu nói :
– Tiện thiếp hy vọng tướng công đừng khinh khi mà cũng đừng chán ghét tiện thiếp.
Hoa Mãn Lâu mỉm cười đáp :
– Tại hạ ưa thích cô lắm vì cô là người nói thật.
Thượng Quan Phi Yến giương mắt lên hỏi
– Người nói thật có thể ngồi lại đây một lúc nữa chăng?
Hoa Mãn Lâu đáp :
– Dĩ nhiên là được.
Thượng Quan Phi Yến thở phào một cái mỉm cười nói :
– Có thế tiện thiếp mới yên lòng. Vừa rồi tiện thiếp chỉ sợ tướng công đuổi ra khỏi cửa.
Cô đến bên cửa sổ hít liền mấy hơi. Trong làn gió thoáng đầy mùi hoa thơm.
Sương chiều bên ngoài cửa sổ mỗi lúc một dầy đặc. Trong nhà tối dần lại.
Thượng Quan Phi Yến nhẹ buông một tiếng thở dài nói :
– Mỗi ngày trôi qua rất mau chóng. Ngày nay trời lại tối rồi.
Hoa Mãn Lâu chỉ ồ lên một tiếng chứ không nói gì.
Thượng Quan Phi Yến hỏi :
– Tại sao tướng công còn chưa thắp đèn?
Hoa Mãn Lâu cười đáp :
– Xin lỗi cô nương, tại hạ quên mất trong nhà có khách.
Thượng Quan Phi Yến hỏi :
– Khi có khách tướng công mới thắp đèn ư?
Hoa Mãn Lâu lại ồ lên một tiếng.
Thượng Quan Phi Yến hỏi :
– Chẳng lẽ khi tướng công chỉ có một mình ban đêm cũng không thắp đèn?
Hoa Mãn Lâu mỉm cười đáp :
– Tại hạ không cần thắp đèn.
Thượng Quan Phi Yến hỏi :
– Tại sao vậy?
Nàng xoay mình nhìn Hoa Mãn Lâu, trong khóe mắt đầy vẻ kinh dị.
Hoa Mãn Lâu lại tỏ ra vui sướng, rất bình tĩnh, y thủng thẳng đáp :
– Vì tại hạ đui mắt.
Sắc đêm càng dày đặc, trong làn gió thoảng càng đầy mùi hoa thơm.
Nhưng Thượng Quan Phi Yến hoàn toàn không cảm giác gì, vì nàng đang sửng sốt.
Câu nói “vì tại hạ đui mắt” tuy vẻn vẹn chỉ có năm chữ rất bình thường, nhưng đối với Thượng Quan Phi Yến thì trong đời nàng chưa bao giờ nghe thấy năm chữ kinh dị như lần này.
Nàng kinh hãi nhìn Hoa Mãn Lâu. Vì con người này đối với nhân loại cũng như đối với sinh mạng bất luận của ai cũng đều có một lòng yêu nhiệt liệt, đối với tương lai cũng chứa chan hy vọng. Y hời hợt đưa hai ngón tay mà kẹp được sống đao của kẻ khác vận toàn lực chém tới.
Một mình y sống cô độc trên tòa tiểu lầu này, chẳng những không cần kẻ khác giúp đỡ mà lại tùy thời có thể giúp người ta.
Thượng Quan Phi Yến thật không thể tin được con người đó lại đui mắt.
Nàng không nhịn được hỏi lại :
– Tướng công đui mắt thật ư?
Hoa Mãn Lâu gật đầu đáp :
– Tại hạ bị đui mắt từ hồi bảy tuổi.
Thượng Quan Phi Yến nói :
– Nhưng coi tướng công chẳng giống người đui mắt chút nào.
Hoa Mãn Lâu cười nhạt :
– Phải thế nào mới giống kẻ đui mù?
Thượng Quan Phi Yến không biết nói sao.
Nàng đã biết nhiều người đui mắt và cho là kẻ đui mù nhất định buồn bã chán nản vì cuộc đời đối với họ chỉ còn là đêm tối vô cùng tận.
Tuy nàng không nói ra nhưng Hoa Mãn Lâu hiển nhiên đã hiểu ý tứ nàng. Y mỉm cười nói :
– Tại hạ biết cô nương nhận định kẻ đui mù tuyệt không ai lại vui vẻ như tại hạ.
Thượng Quan Phi Yến phải thừa nhận thuyết này.
Hoa Mãn Lâu nói :
– Sự thực kẻ đui mù cũng chẳng có gì khó chịu cho lắm. Tại hạ không nhìn thấy, nhưng tai vẫn nghe rõ, cảm giác được mọi sự, có khi còn nhiều lạc thú hơn người sáng mắt.
Y lộ vẻ thỏa mãn và hạnh phúc, thủng thẳng nói :
– Cô nương có nghe thấy thanh âm tuyết hoa rụng xuống nóc nhà không? Cô nương có cảm thấy lúc sớm dậy mùa xuân là thời kỳ nảy nở sức lực kỳ diệu về sinh mệnh không? Cô nương có biết ngọn gió thu thường đem theo hương của cây cỏ từ chỗ xa xôi đưa lại không?
Thượng Quan Phi Yến vẫn lẳng lặng ngồi nghe Hoa Mãn Lâu nói tưởng chừng như đang được nghe một khúc ca êm dịu.
Hoa Mãn Lâu nói tiếp :
– Nếu cô nương chịu lĩnh hội sẽ phát giác ra người đời được hưởng thụ nhiều chỗ khả ái. Mỗi mùa thu đều rất nhiều khoái lạc khiến cho cô quên hết mọi phiền não.
Thượng Quan Phi Yến nhắm mắt lại, bỗng cảm thấy gió nhẹ, mùi hoa thơm càng nồng nàn.
Hoa Mãn Lâu lại nói :
– Cuộc sống của cô nương khoan khoái hay không chẳng phải ở chỗ cô nương là người sáng mắt hay đui mù mà là tại cô yêu đời hay không? Cô có sống để hưởng những ngày khoái lạc nữa hay thôi?
Thượng Quan Phi Yến ngửng đầu nhìn sắc chiều mờ ảo, lại chú ý ngó khuôn mặt bình thản mà khoan khoái của Hoa Mãn Lâu.
Bây giờ cặp mắt nàng không lộ vẻ kinh dị và thương xót y, mà lại ra chiều tôn kính và cảm kích.
Thượng Quan Phi Yến cảm kích Hoa Mãn Lâu chẳng phải vì y đã cứu nàng, mà làm cho nàng hiểu ý nghĩa chân chính về cuộc sống của con người.
Nàng tôn kính y chẳng phải vì võ công y đã đến trình độ xuất thần nhập hóa mà vì tấm lòng quảng đại về nhân sinh quan.
Nhưng nàng không nhịn được lại hỏi :
– Trong nhà tướng công còn ai nữa không?
Hoa Mãn Lâu mỉm cười đáp :
– Tại hạ ở trong một gia tộc lớn, nhà tại hạ cũng đông người, mọi người đều khỏe mạnh và đều khoái lạc.
Thượng Quan Phi Yến hỏi :
– Vậy sao tướng công không bảo một vị người nhà đến đây cho có bạn?
Hoa Mãn Lâu đáp :
– Vì tại hạ muốn thử một mình có thể độc lập được chăng? Tại hạ không muốn chỗ nào cũng được người chiếu cố, giúp đỡ. Nói một cách khác thì tại hạ không muốn ai coi mình kẻ đui mù.
Thượng Quan Phi Yến hỏi :
– Tướng công… ở đây một mình có cảm thấy thiếu thốn gì không?
Hoa Mãn Lâu đáp :
– Tại hạ ở đây đã tám tháng, và chưa từng nảy ra cảm giác gì khó chịu hết.
Thượng Quan Phi Yến nhẹ buông một tiếng thở dài nói :
– Nhưng trừ mùa đông có tuyết, mùa xuân có hoa, ngoài ra còn có gì nữa đâu?
Hoa Mãn Lâu đáp :
– Tại hạ được hưởng những giấc ngủ say sưa, những thức ăn rất ngon miệng, tại hạ được ở tòa nhà rộng rãi này, có một cây cổ cầm thanh âm réo rắt. Bấy nhiêu là đủ rồi. Huống chi tại hạ còn có một vị hảo bằng hữu.
Thượng Quan Phi Yến hỏi :
– Bạn của tướng công là ai?
Gương mặt Hoa Mãn Lâu lại sáng lên đáp :
– Y họ Lục, tên gọi Tiểu Phụng.
Hoa Mãn Lâu mỉm cười nói tiếp :
– Cô nương chớ tưởng y là nữ nhân. Mặc dầu tên gọi Tiểu Phụng, y là trang nam hán tử không hơn không kém.
Thượng Quan Phi Yến ngập ngừng hỏi :
– Lục Tiểu Phụng ư?… Cái tên nghe quen quá nhưng không hiểu y là nhân vật như thế nào?
Hoa Mãn Lâu bật tiếng cười khoan khoái đáp :
– Y cũng là con người kỳ quái. Cô nương mà gặp y một lần rồi vĩnh viễn không quên được nữa. Chẳng những y có hai cặp tròng mắt, hai cặp lỗ tai, ba cánh tay, mà còn có bốn hàng lông mày.
Thượng Quan Phi Yến bụng bảo dạ :
– Hai cặp tròng mắt, hai đôi lỗ tai dĩ nhiên là để nói về con người trông nhiều nghe rộng gấp hai kẻ khác. Còn ba cánh tay có lẽ là nói y làm gì cũng mau lẹ hơn người.
Rồi nàng tự hỏi :
– Nhưng còn bốn hàng lông mày là ý nghĩa làm sao? Câu này thực khó hiểu.
Nàng quyết tâm rồi đây sẽ nghĩ cách gặp cho bằng được Lục Tiểu Phụng để coi bốn hàng lông mày của y thế nào?
* * * * *
Trời đã huỳnh hôn rồi nhá nhem tối.
Đây là lúc Long Tường khách sạn náo nhiệt nhất trong một ngày. Các bàn ghế trong phạn sảnh ở dưới lầu đều đầy khách. Gã tiểu nhị tên gọi Tiểu Bắc Kinh hầu khách vất vả đến lụt mồ hôi, và cổ họng cũng khan tiếng.
Trên lầu có hai mươi bốn phòng mà phòng nào cũng có khách.
Những tân khách phần đông là hảo hán giang hồ dắt đao đeo kiếm. Chẳng ai hiểu tại sao nơi đây thường nhật rất hoang lương quạnh quẽ mà bữa nay đột nhiên náo nhiệt.
Bất thình lình tiếng vó ngựa lộp cộp vang lên. Hai con khoái mã từ ngoài cửa lớn đi thẳng vào.
Tiếng ngựa hí khiến tòa nhà nhốn nháo cả lên. Hai đại hán áo xanh vẫn ngồi trên lưng ngựa điềm tĩnh không lộ vẻ gì.
Bên yên ngựa một con ngựa treo lủng lẳng đôi móc câu ánh ngân quang lấp loáng.
Người kỵ mã mặt đỏ tía râu xồm xoàm. Cặp mắt cũng lấp loáng có ánh sáng như đôi ngân câu, sắc bén dị thường.
Hắn đảo mắt nhìn bốn phía rồi ngó chằm chặp vào mặt Tiểu Bắc Kinh, trầm giọng hỏi :
– Người đó đâu rồi?
Tiểu Bắc Kinh đáp :
– Y còn ở trên lầu trong phòng có đề hiệu chữ “Thiên”.
Đại hán mặt đỏ tía lại hỏi :
– Cửu cô nương ở đâu?
Tiểu Bắc Kinh đáp :
– Cũng ở trên lầu quấn quít với y.
Hán tử mặt đỏ thúc vế một cái, rít chặt dây cương. Con ngựa vọt lên lầu như tên bắn.
Còn người kỵ mã kia hành động cũng mau lẹ.
Người này khuyết nữa vành tai bên trái, mặt có vết sẹo chạy từ tai bên trái sang tới khóe môi bên phải, khiến cho bộ mặt xám xanh càng thêm hung dữ, trông mà phát khiếp.
Con ngựa xông lên lầu, người kỵ mã nhảy vọt lên không lộn đi hai vòng rồi đột nhiên vung chân đá đánh “bình” một cái vào cái thang lầu ở bên cửa phòng có chữ “Thiên”.
Khi người này nhảy tới, trong tay đã cầm một cây phán quan bút đúc bằng thép nguyên chất.
Đột nhiên hắn đứng thộn mặt ra.
Trong phòng có một người mà là một nữ nhân.
Nữ nhân mình trần như nhộng, da trắng như tuyết, ngực như trái banh, cặp giò cũng rắn chắc.
Bất cứ nam nhân ngó thấy người đàn bà nầy cũng liên tưởng đến một người đàn bà nằm trên giường, nhưng hiện giờ thì lại ở trên nóc nhà.
Cái rường nhà rất cao. Thị nằm trên rường một cách bình yên coi chẳng khác một con mèo.
Thị không kêu la vì miệng bị nhét giẻ.
Hán tử mặt đỏ vung cây roi trong tay. Đầu roi khác nào con linh xà quấn lất túm giẻ trong miệng người đàn bà kéo ra ngoài. Thị bị nhét tấm khăn đỏ.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
– Người kia đâu rồi?
Người đàn bà trên rường nhà thở mấy hơi rồi mới đáp :
– Hắn đi rồi. Dường như hắn nhận ra tiện thiếp là hạng người nào.
Đại hán mặt sẹo lại hỏi :
– Hắn đi về phía nào?
Người đàn bà trên rường nhà đáp :
– Nghe tiếng vó ngựa thì hắn chạy đến Hoàng Thạch trấn ở mặt Bắc.
Thị vừa cười vừa nói tiếp :
– Các hạ hãy cho tiện thiếp xuống để cùng rượt theo hắn.
Đại hán mặt sẹo lạnh lùng hỏi :
– Có ai giữ cô đâu, chẳng lẽ tự mình cô không xuống được ư?
Hắn chưa dứt lời đã vọt đi.
Người đàn bà trên rường vội la :
– Tiện thiếp không xuống được. Quân chó đẻ đó đã điểm vào huyệt Hoàn Khiếu trên chân tiện thiếp.
Nhưng lúc này hai đại hán kia đã vọt qua cửa sổ ra ngoài. Ở dưới có người chuẩn bị hai con kiện mã khác đầy đủ yên cương chờ sẵn.
Hai đại hán vừa nhảy vọt lên lưng ngựa, hai con vật lập tức lao về phía trước nhanh như tên bắn.
Người đàn bà nằm trên rường nghe tiếng vó ngựa chạy đi, tức giận sắc mặt lợt lạt, đấm mạnh vào rường nhà, hằn học nói :
– Quân chó đẻ! Con mẹ nó! Cả mấy tên đều là quân chó đẻ.
Cửa nhà mở rồi, thị trông cặp chân trần của mình nghiến răng nói :
– Lần này không biết tên chó đẻ nào sẽ chiếm phần tiện nghi?
– Quân chó đẻ đó là ta.
Tiểu Bắc Kinh cười hì hì nheo hai mắt nhìn thị một cách mê ly, lại nhìn đến cặp đùi vừa trắng vừa dài. Cửa phòng đóng lại.
* * * * *
Hoàng Thạch trấn là một thị trấn lớn. Đây là một nơi kẻ chợ phồn thịnh và náo nhiệt.
Nhưng hiện giờ đêm đã khuya, mảnh trăng lưỡi liềm lạnh lùng soi xuống những phiến đá xanh lát đường.
Hai người kỵ mã chạy tới nơi, trên đường phố không ngó thấy người nào.
Đại hán mặt sẹo nhìn quanh trầm giọng nói :
– Ông bạn liệu hắn có dừng lại thị trấn này ngủ một đêm chăng?
Đại hán mặt đỏ tía đáp :
– Chắc có. Hắn cũng là người, đêm cần phải ngủ. Ai nấy đều biết hắn có tật trong lúc nằm ngủ…
Đại hán mặt sẹo hỏi :
– Nếu hắn ở lại thì ngủ ở đâu?
Đại hán mặt đỏ tía không ngẫm nghĩ gì cả đáp ngay :
– Minh Xuân các.
Hắn nói tiếp :
– Minh Xuân các là nơi có nhiều gái đẹp. Bao giờ hắn cũng phải ngủ với đàn bà. Đó là cái tật của hắn.
Đại hán mặt sẹo nói :
– Mỗi cá nhân đều có tật chẳng nhiều thì ít.
Những ngọn đèn lồng ngoài cửa lớn Minh Xuân các hãy còn sáng tỏ. Ánh đèn dẫn dụ những người muốn đến hưởng thụ một đêm thật mê ly.
Cánh cửa nửa khép nửa mở.
Đại hán mặt đỏ giật cương một cái, con kiện mã tiến thẳng vào.
Một người đàn ông ốm nhắt, nước da vàng bủng đang ngồi trên chiếc ghế mây ở trong viện ngủ gà ngủ gật.
Đại hán mặt đỏ tía tay cầm roi ngựa đột nhiên quàng vào cổ y lớn tiếng hỏi :
– Đêm nay có chàng thanh niên khoác áo đại hồng nào đến đây không?
Người này bị đầu roi ngựa chịt cổ thở không thông, nói không ra lời, không ngớt gật đầu để đáp lại.
Đại hán mặt đỏ buông tha y rồi nói :
– Chàng ta còn ở đây không?
Người kia thở hồng hộc gật đầu mấy cái.
Đại hán mặt đỏ hỏi :
– Y ở phòng nào?
Người kia đáp :
– Y vừa cùng bốn người uống rượu ở Đào Hoa sảnh. Bốn người luân lưu đổ rượu cho y say khướt.
Đại hán mặt sẹo động dung hỏi :
– Bốn người đó là nhân vật thế nào?
Người kia đáp :
– Bốn người đó tướng mạo rất dữ, nhưng đối với y lại tỏ ra rất lịch sự.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
– Bọn chúng đâu rồi?
Người kia đáp :
Bọn họ đưa y vào phòng, đến bây giờ còn ở lại đó.
Đại hán mặt đỏ xoay đầu ngựa xông vào khu rừng đào. Ở mé tả trong Đào Hoa lâm có Đào Hoa sảnh đèn còn sáng trưng.
Đại hán mặt sẹo vọt người lên không xoay người đi chuồn vào. Hắn vung cước đá cửa hậu sảnh đường để mở ra.
Bỗng hắn đứng ngẩn người.
Trong phòng chỉ có bốn người.
Bốn người đang quì mọp ở trước cửa bỗng giật mình. Sắc mặt lợt lạt không còn chút huyết sắc, chúng vừa ngó thấy đại hán mặt sẹo, bất giác mặt đỏ bừng.
Bốn người này mặc xiêm áo rất hoa lệ, chắc ngày thường đều là những nhân vật quí phái, hiện bây giờ mặt bốn người đều bị vẽ hình rất thảm hại.
Người thứ nhất trên trán vẽ một con rùa, lại còn ghi bốn chữ “Ta là con rùa”.
Người thứ hai vẽ một con khỉ, cũng ghi bốn chữ “Ta là con khỉ”.
Người thứ ba vẽ con heo ghi bốn chữ “Ta là con heo”.
Người thứ tư vẽ con chó, ghi bốn chữ “Ta là con chó”.
Đại hán mặt sẹo đứng ở cửa phòng coi hình vẽ và chữ viết ở mặt bốn người không nhịn được đột nhiên nổi lên tràng cười rộ. Hắn cười đến nỗi vẹo cả xương sống, trẹo cả quai hàm, tưởng chừng trên đời không có cái gì đáng tức cười hơn bốn người này.
Bốn người kia nghiến răng ken két trợn mắt lên nhìn đại hán mặt sẹo ra chiều phẫn nộ đến cực điểm, lại dường như hận mình chẳng thể nhảy lên cắn chết hắn cho hả nổi căm tức.
Bốn người vẫn quì mọp dưới đất, chẳng những chúng không nhảy vọt dậy được mà còn không thể nhúc nhích.
Đại hán mặt sẹo cười hỏi :
– Giang Đông tứ kiệt oai phong lẫm liệt bấy nay biến thành con khỉ, con rùa, con chó, con heo từ hồi nào vậy? Đây quả là một chuyện quái đản.
Đại hán mặt đỏ tía cũng cười hô hố, xông ra ngoài vỗ tay hô lớn :
– Hoan nghêng các vị đại gia vào đây coi bốn vị Giang Đông tứ kiệt lừng danh thiên hạ! Bất luận là ai vào đây ngó một cái, tại hạ cũng thưởng mười lạng bạc.
Bốn hán tử quì dưới đất, sắc mặt lúc lợt lạt, lúc xám xanh, mồ hôi lạnh toát ra nhỏ giọt.
Đại hán mặt sẹo nói :
– Gã tiểu tử đó tuy là quân chó đẻ, nhưng là hạng chó đẻ siêu quần.
Đại hán mặt đỏ cười theo :
– Chúng ta đi chuyến này thật không uổng.
Hai người đang cười nói đột nhiên dừng lại, vì chúng ngó thấy bên ngoài có người đang cúi đầu đi vào.
Một vị tiểu cô nương nhiều lắm mới đến mười bốn, mười lăm tuổi, tuy cô khắp người vàng đeo bạc quấn, đầy mặt phấn son, mà cũng không giấu được phong độ khả lân lại khả ái của đứa nhỏ.
Cô cúi đầu khẽ nói :
– Phải chăng hai vị muốn kiếm Lục đại thiếu gia?
Đại hán mặt sẹo trầm giọng hỏi :
– Sao ngươi lại biết?
Cô bé ấp úng đáp :
– Vừa rồi Lục đại thiếu gia tựa hồ say bí tỉ không biết gì nữa. Tiểu nữ ngồi bên lén uống thay đại thiếu gia hai chung rượu.
Đại hán mặt sẹo cười lạt nói :
– Xem chừng y có nhân duyên với nữ nhân không phải ít.
Cô bé đỏ mặt lên nói :
– Ai ngờ sau đó đại thiếu gia đột nhiên tỉnh táo lại. Y bảo tiểu nữ lòng dạ tử tế, nên cho tiểu nữ cái này bảo đem đến đưa cho các vị.
Đại hán mặt đỏ tía hỏi ngay :
– Y giao cho cô vật gì?
Tiểu cô nương đáp :
– Cái đó là một câu nói.
Đại hán mặt đỏ chau mày hỏi :
– Câu nói ư? Câu nói thế nào?
Cô bé đáp :
– Câu chuyện này trị giá ít nhất ba trăm lạng bạc, dù thiếu một đồng cũng không được. Y bảo nhất định đòi hai vị giao bạc trước rồi hãy chuyển câu đó cho nhị vị.
Chính cô bé dường như cũng biết là chuyện hoang đường. Cô chưa dứt lời mặt đã đỏ bừng lên.
Ai ngờ đại hán mặt đỏ tía chẳng thèm nghĩ ngợi, suy tính gì hết, lấy ra ngay ba tấm ngân phiếu, mỗi tấm một trăm lạng liệng trên bàn trước mặt cô bé rồi bảo :
– Hay lắm! Ta mua câu nói của cô!
Cô bé giương cặp mắt thao láo nhìn ba tấm ngân phiếu, tựa hồ không tin trong thiên hạ lại có chuyện hoang đường đến thế, bỏ ba trăm lạng bạc ra mua một câu nói.
Đại hán mặt đỏ tía nói tiếp :
– Cô lại đây! Nói nhỏ vào tai ta, chớ để bọn súc sinh trong nhà kia nghe rõ.
Cô bé ngần ngừ một chút, rồi tiến lại bên đại hán mặt đỏ ghé vào tai hắn nói :
– Đại thiếu gia bảo câu đó chỉ có chín chữ là “Muốn kiếm ta hãy tìm lão bản nương trước”.
Đại hán mặt đỏ cau mày, hắn chẳng hiểu ý tứ câu chuyện ra sao.
Trên đời lão bản nương thì biết bao nhiêu mà kể! Mỗi nhà quán, nhà hàng đều có lão bản nương, vậy biết kiếm ai bây giờ?
Cô bé bỗng lên tiếng :
– Đại thiếu gia còn dặn: Nếu hai vị không hiểu thì đưa thêm một câu nữa “Lão bản nương là người diêm dúa nhất thiên hạ”.
Đại hán mặt đỏ sửng sốt, không hỏi gì nữa, vẫy đồng bạn một cái rồi rảo bước đi ra ngoài.
Đại hán mặt sẹo cũng ra theo. Đột nhiên hắn xoay mình chụp một cái hũ không tiện tay liệng vào nhà.
Cái hũ không rơi trúng chụp vào đầu người thứ hai quì ở cửa phòng.
Đại hán mặt sẹo cả cười nói :
– Thế này mới đúng là con tườu không hơn không kém.
Đại hán mặt đỏ hỏi :
– Trên đời những lão bản nương diêm dúa không phải là ít, nhưng người diêm dúa nhất là ai?
Đại hán mặt sẹo cau mày nói :
– Chẳng lẽ thằng lõi này muốn bắt bọn ta đến từng nhà quán, từng tiệm hàng tìm kiếm, lôi hết những mụ lão bản nương ra ngắm nghía từng mụ một?
Đại hán mặt đỏ trầm ngâm đáp :
– Bất tất phải làm thế.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
– Chẳng lẽ huynh đài còn biện pháp nào khác?
Đại hán mặt đỏ ngẫm nghĩ một chút rồi đáp :
– Hoặc giả ta đã đoán được ý tứ câu nói đó.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
– Ý tứ của lão thế nào?
Đại hán mặt đỏ tía cười hề hề hỏi :
– Chẳng lẽ huynh đài quên một nhân vật mang ngoại hiệu là Chu Đình?
Đại hán mặt sẹo cười rộ nói :
– Xem chừng mình cũng nên cho hắn đội một hũ rượu.
* * * * *
Chu Đình trước nay chưa từng làm một nghề gì mà cũng không mở điếm.
Hắn nhận thấy bất luận làm nghề gì hay mở quán mở tiệm cũng khó tránh khỏi có ngày thua lỗ nên không bao giờ hắn mạo hiểm.
Thực ra Chu Đình không buôn bán gì cũng còn có lý do là chẳng bao giờ hắn có đủ tiền để hành nghề.
Thế mà ngoại hiệu hắn kêu bằng lão bản.
Chu Đình là người rất hiểu hưởng thụ và đối với bất cứ ai cũng tỏ ra sáng suốt.
Hai nguyên nhân này khiến cho thịt trong người hắn mỗi ngày một tăng.
Con người béo mập bao giờ cũng lộ vẻ có nhiều phước khí. Người phước khí thì thành lão bản.
Vì thế nhiều người kêu hắn là lão bản.
Sự thực Chu Đình là người có nhiều phước khí.
Hình dáng Chu Đình tuy chẳng có gì khác biệt, nhưng được mụ vợ rất khôn ngoan và sắc sảo.
Suốt đời hắn chưa làm được việc gì ra trò mà được ở phòng ốc rất khoan khoái, mặc toàn quần áo được nghiên cứu kỹ lưỡng, uống những thứ rượu ngon nhất.
Hắn còn có điều cao ngạo hơn nữa là lười lĩnh hơn cả Lục Tiểu Phụng.
Cứ coi cái ghế thái sư của hắn vừa rộng vừa lớn, vừa êm ái cũng đủ biết một khi hắn ngồi vào ghế rồi thì trên đời ít có việc gì khiến hắn phải đứng lên.
Hắn cho là bất luận việc gì ở đời lúc sắp làm cũng nên dừng lại để suy nghĩ.
Suy nghĩ thông tỏ thì rồi thì bất cứ việc gì trên đời cũng làm được.
Cho đến ngày hôm nay hắn vẫn hưởng thụ sung sướng, vì hai bàn tay hắn tinh xảo phi thường, có thể làm nên nhiều chuyện kỳ quái.
Ai đã nghĩ ra sự vật gì là hắn có thể làm đúng như ý nghĩ.
Một hôm Chu Đình đánh cuộc với người khác là có thể làm một cây gỗ biết đi.
Kết quả đưa đến hắn được năm mươi bàn vây cá thượng hảo hạng, mười hũ rượu ngon lâu năm. Vụ này đã khiến thịt trong người hắn nặng thêm năm cân.
Hiện giờ hắn đang nghiên cứu cách chế tạo một cái diều giấy có thể đưa người lên trời.
Trước kia hắn đã nghĩ đến coi sự vật dưới đất, ngày nay hắn lại muốn đưa người lên trời.
Giữa lúc ấy hắn nghe bên ngoài có tiếng ngựa hí, rồi thấy hai đại hán áo xanh đi tới.
Lúc này đại hán mặt sẹo không đá cửa, vì cánh cửa đã mở sẵn.
Hắn xông vào, trợn mắt lớn tiếng hỏi :
– Lão bản nương ở đâu?
Chu Đình lạnh lùng đáp :
– Ông bạn muốn kiếm lão bản nương thì qua tiệm tạp hóa ở phía đối diện. Bên đó có lão bản nương.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
– Ở đây cũng có. Các hạ là lão bản thì lão bà của các hạ là lão bản nương.
Chu Đình cười đáp :
– Lão bản nương nếu biết có người ở Thanh Y lâu đếm kiếm mụ thì nhất định mụ rất lấy làm vinh hạnh.
Hắn nói vậy vì hắn đã nhận ra hai người này.
Thanh Y lâu không phải là một tòa lầu. Thanh Y lâu gồm một trăm lẻ tám tòa, mỗi tòa đều có một trăm lẻ tám người. Như vậy Thanh Y lâu là một tổ chức thế lực cực kỳ trọng đại.
Thanh Y lâu chẳng những người nhiều thế lớn mà cách tổ chức cực kỳ nghiêm mật. Vì thế bọn họ muốn làm việc gì chẳng mấy khi là làm không thành.
Hai người này đều là nhân vật ở Thanh Y lâu và ở tòa lầu thứ nhất có họa hình.
Chẳng ai biết đệ nhất lâu ở Thanh Y lâu là chỗ nào. Cũng chẳng ai nhìn thấy họa tượng một trăm lẻ tám bức vẽ.
Nhưng có điều bất luận là ai nhân vật được họa hình đều là người bôn tẩu giang hồ đã nhiều.
Đại hán mặt sẹo kêu bằng Thiết Diện Phán Quan…
Theo lời đồn thì người ngoài chém vào mặt Thiết Diện Phán Quan là lưỡi đao bị mẻ một miếng. Vì thế mới dùng hai chữ Thiết Diện để xưng hô nhân vật đó.
Ngoài ra còn có một người kêu bằng Câu Hồn Thủ. Cặp ngân câu của hắn quả đã bắt hồn nhiều người.
Chu Đình thủng thẳng nói tiếp :
– Đáng tiếc là hiện giờ mụ đang có việc khẩn cấp, e rằng không rảnh để tiếp các vị.
Thiết Diện Phán Quan hỏi :
– Việc chi khẩn yếu?
Chu Đình đáp :
– Mụ đang uống rượu với bạn hữu. Bồi tiếp bạn hữu uống rượu há chẳng phải là việc quan trọng nhất trong thiên hạ?
Thiết Diện Phán Quan hỏi :
– Người bạn của các hạ phải chăng họ Lục?
Chu Đình sa sầm nét mặt nói :
– Tôn giá nên nghe cho rõ. Họ Lục là bạn hữu của mụ chứ không phải của tại hạ.
Thiết Diện Phán Quan hỏi :
– Bọn họ uống rượu ở đâu?
Chu Đình đáp :
– Dường như ở nơi trú ngụ của gã tiểu tử kia tại Thanh Vân khách sạn.
Thiết Diện Phán Quan ngắm nghía Chu Đình từ trên xuống dưới rồi lại từ dưới lên trên mấy lần. Khóe miệng hắn bỗng lộ một nụ cười ác độc hỏi :
– Bà vợ của các hạ bồi tiếp một gã nổi danh là quỷ háo sắc, uống rượu ở khách sạn mà các hạ còn ngồi yên ở đây được ư?
Chu Đình hững hờ đáp :
– Muốn giữ con nít đi đái đi tiêu hay mụ vợ cố ý thầm vụng là không được đâu. Tại hạ không ngồi yên thì làm gì được? Chẳng lẽ nằm lăn ra mà kêu trời?
Thiết Diện Phán Quan cười hô hố nói :
– Các hạ quả là người hiểu đời! Ta khâm phục lắm.
Hắn thường hay cười lớn, có điều hắn tự biết mình cười càng đáng sợ hơn là không cười. Lúc hắn cười, cái mặt đầy sứt sẹo co rúm lại so với ác quỷ tại tòa miếu còn hung dữ hơn, kỳ bí hơn.
Chu Đình nhìn thẳng vào Thiết Diện Phán Quan hỏi :
– Tôn giá có vợ không?
Thiết Diện Phán Quan đáp :
– Không có.
Chu Đình cười hề hề nói :
– Tôn giá mà cũng có bà vợ diêm dúa xinh đẹp như mụ vợ của tại hạ thì tôn giá biết đời ngay.