Mộ vân tán tận dạ thanh hàn,
Ngân hán vô thanh chuyển ngọc hoàn.
Thư sinh thử dạ bất trường hảo,
Minh nguyệt minh niên hà xứ khan.
Dịch thơ:
Đêm lạnh mây chiều lãng đãng tan
Mờ mờ mâm ngọc chuyển sông Ngân
Đêm nay kiếp gặp không may lắm
Trăng sáng năm sau đâu chốn nhìn.
Lại nói chuyện Lưu công thấy tên ngang ngạnh này xách bầu đi vào thành mua rượu. Ông ngồi trên lầu Bắc đưa mắt nhìn tứ phía, thấy trước chiếc bàn làm bằng gỗ hồng vân vàng đối diện cửa có một chiếc bàn bát tiên bằng gỗ dẻ, có ba, bốn chiếc ghế gãy chân vứt lăn lóc. Bàn ghế bám bụi đầy, cũng chẳng có gì trang trí, trong lòng nghĩ thầm:
– Trước đây hắn là nhà khá giả, sau này mới suy vi.
Đang trầm ngâm quan sát, chợt thấy tiếng cầu thang kẽo kẹt. Lại thấy Bưu Tử lên lầu, tay phải xách xâu thịt, tay trái cầm bầu rượu, miệng kêu:
– Mẹ ơi, mau hâm nóng rượu giúp con. Rồi rút dao ra thái thịt thành từng miếng nhỏ, xếp lên đĩa, đặt lên chiếc bàn bát tiên. Lại có hai miếng đậu phụ đã được thái sẵn, xếp cùng một đĩa với mấy củ hành. Bà mẹ già hâm rượu xong, Bưu Tử mời Lưu công ngồi. Hai người cùng uống rượu. Bưu Tử Lưu Thanh nói:
– Đạo gia, tính tôi hâm hấp, nhất thời lỗ mãng, xin đạo gia chớ trách tôi. Nay xin dùng ly rượu này bồi đáp. Xin hỏi tôn danh, quý tính của đạo gia? Xin hỏi ngài ở đâu? Vì cớ gì phải xuất gia đi làm đạo sĩ?
Lưu công nghe hỏi, thuận miệng trả lời, nói:
– Ta họ Mão, tên gọi Kim Đao, cha ông sống tại phủ Thanh Châu – Sơn Đông, Bàng Gia Trang cách cổng Bắc thành huyện Chư Thành hai mươi lăm dặm. Từ nhỏ cha mẹ đã mất, không để lại gì thiếu ăn thiếu mặc, đành phải tới Bắc Kinh, cũng không sống nổi. Chẳng còn cách nào khác, đành phải vào Bạch Vân Am trong ngõ chợ Gạo xuống tóc đi tu. Nay phụng mạng thầy rời kinh thành hóa duyên, vô tình đi tới Cảnh Châu này. Nghe người ta nói, Lại bộ đại nhân phụng mệnh thiên tử xuống Sơn Đông thị sát. Hai người bọn tôi vừa là đồng hương, lại là anh em từ nhỏ đã kết nghĩa với nhau, muốn tới công quán xin ông ta chút của bố thí. Nghe nói ông ta qua đất Cảnh Châu chợt có gió xoáy chặn kiệu kêu oan, lại nhìn thấy một thiếu phụ mặc đồ trắng đi viếng mộ, trong lại mặc áo đỏ. Đại nhân hạ lệnh quật mộ khai quan khám nghiệm tử thi nhưng không tìm ra thương tích gì, trong lòng không vui. Tôi ngại không dám tới chỗ ông ta hóa duyên. âu cũng là vận tôi xấu, đành phải vào các làng quanh đây hóa duyên. Tới quý thôn đây thì gặp mưa, toàn thân ướt đẫm. May nhờ thí chủ mở lòng từ bi, cho tôi vào sấy đạo bào. Thí chủ trở về kể với mẹ chuyện Hoàng Ái Ngọc, trong lòng như có vẻ bất bình. Bần đạo cũng đang buồn, mong thí chủ tỉ mỉ kể lại đầu đuôi câu chuyện cho nghe cùng. Coi như ta cùng giải sầu mà thôi.
Bưu Tử Lưu Thanh nghe vậy, mặt lộ vẻ dương dương tự đắc, uống liền mấy ly rượu, nói:
– Đã hỏi tới chuyện này, tôi cũng không cần giấu đạo gia. Khi Hoàng Đại Thư còn sống bên nhà đối diện tôi đây, ả thường đứng ngoài cửa lả lơi tôi. Tôi vì ả mà tiêu hết không biết bao nhiêu tiền bạc, cộng thêm máu mê cờ bạc nên đã tiêu phá cả gia sản. Rồi Hoàng Đại Thư bị Bồ Hiền ở Bồ gia trang cưới đi. Từ đó trở đi, hai đứa bọn tôi không còn qua lại. Sau có lần tôi đi ngang qua Bồ Gia Loan, gặp Hoàng Đại Thư đứng ngoài cửa. Tôi tới gần, hỏi: “Nàng thấy ta chẳng chào, chẳng hỏi, sao lại làm bộ không quen biết ta như vậy?”. Chẳng ngờ ả trở mặt, chửi cho tôi một trận. Tôi nóng tiết, định đánh cho ả một trận nhưng lại sợ người chung quanh chê cười, đành phải im hơi, nén giận, quay về đợi khi nào ả về nhà mẹ đẻ sẽ trút mối hận này. Tôi đi một mạch tới châu thành, gặp người anh kết nghĩa của tôi ở cổng Tây. Anh ta lôi tôi vào uống rượu, hỏi tôi: “Tại sao sắc thẹn hầm hầm? Phải chăng đang tức ai đó?”. Tôi kể cho anh ta nghe câu chuyện của tôi với Hoàng Đại Thư khi nãy. Người anh kết nghĩa ấy nói: “Đệ không biết Hoàng Đại Thư ấy tằng tịu với võ cử Trương Bồi Nguyên ở bên cổng Tây hay sao? Trương võ cử là người nhiều tiền, thế lực lớn, bảo sao ả không trở mặt với đệ?” Tôi nghĩ thầm trong lòng: “Chẳng trách gì Hoàng Đại Thư chửi ta. Thì ra ả là loại có mới nới cũ”. Hai đứa bọn tôi uống rượu xong, cáo từ, bỏ đi. Tôi tới thẳng Bồ Gia Loan. Lúc này trời cũng đã khuya, bốn bề im ắng vô cùng. Tôi tới nhà ả, đẩy cổng ngõ, cổng ngõ đã bị đóng kín. Tôi trèo tường vào, đứng trong sân, thấy trong phòng còn sáng đèn, lại có tiếng người nói chuyện vọng ra. Tôi liếm thủng giấy dán cửa, nhìn vào. Thì ra Hoàng Đại Thư đang cùng Trương võ cử uống rượu trong đó. Tôi vừa định xông vào trong, chợt thấy Hoàng Đại Thư đưa mắt nhìn Trương võ cử, nói thì thầm gì đó. Tôi vội dừng lại, lắng tai nghe. Hoàng Đại Thư nói: “Hai ta dùng cách ấy hại chết Xú quỷ Bồ Hiền, một là trừ được cái gai trong mắt thiếp, hai là chúng ta có thể làm vợ chồng mãi mãi! Thứ đó của chàng linh nghiệm không?”. Võ cử nói: “Đã tìm được rồi, hiện đang trong ống trúc này”. Tôi đứng ngoài cửa sổ nghe lén, không biết trong ống trúc ấy đang vật gì?. Chợt nghe thấy bên ngoài có người gõ cửa, hẳn là Bồ Hiền trở về. Trương võ cử vội chui xuống gầm bàn trốn, còn tôi trốn trong gian chứa củi. Hoàng Đại Thư ra mở cổng. Lúc ấy, Bồ Hiền đã uống rượu say như nhừ, từ bên ngoài lảo đảo vào phòng. Thấy trên bàn còn rượu, còn thức ăn, cũng chẳng hỏi những thứ ấy từ đâu mà có, nâng bầu rượu lên uống, uống một hơi cạn sạch, rồi nằm lên giường ngáy như kéo bể. Hoàng Đại Thư thấp giọng gọi Trương võ cử, tôi cũng lẻn ra ngoài xem trộm. Thấy Trương võ cử, Hoàng Đại Thư hai đứa dùng thừng trói Bồ Hiền thật chặt, nhét chăn bông vào miệng Bồ Hiền, lột quần của hắn xuống, lấy ra một chiếc ống trúc dài độ nửa thước, mở nắp ra. Thì trong đó có một con rắn dài. Chúng úp miệng ống trúc vào chương môn của Bồ Hiền, mở nốt đầu ống ở bên kia ra, dùng thanh que nóng chọc vào. con rắn. Con rắn bị nóng, vội chui vào lỗ đít của Bồ Hiền.
Mới nói tới đây, bà lão đã bước tới, ngăn lại, nói:
– Tiểu súc sinh, việc này chỉ một mình ngươi biết mà thôi. Người ta thường nói: “Thân ai nấy lo, việc ai nấy làm”. Ngươi hãy cùng đạo gia uống rượu đi, nói năng lôi thôi chi vậy?
Bưu Tử Lưu Thanh nói:
– Chớ cản con. Buồn thật. Con quyết phải kêu oan thay Bồ Hiền.
Lưu công nói:
– Thí chủ. Nếu ngài muốn kêu oan thay Bồ Hiền, thế mới là bậc hảo hán. Lưu lại bộ tất sẽ không để ngài phải chịu cảnh đói nghèo. Nếu ngài chịu đi kiện, bần đạo sẽ đi cùng ngài.
Bưu Tử Lưu Thanh nói:
– Tôi sẽ đi kiện.
Lưu công nói:
– Vậy nhân lúc còn sớm, hai ta hãy đi ngay.
Lưu Thanh nói:
– Được lắm.
Hai người ra khỏi cổng, rời khỏi Tam Lý Bảo. Không lâu sau đã tiến vào cổng phía nam thành Cảnh Châu. Qua mấy khúc sẽ tới trước cửa công quán. Lưu Thanh ngẩng đầu nhìn lên, thấy trước cửa treo bốn chiếc đèn lồng bằng lụa ngũ sắc, trên tường vẽ cảnh “chỉ nhật cao thăng”, dưới bức tranh đặt chín khẩu pháo. Bên trong có rất nhiều sai nha đầu đội mũ nhà quan đang đi lại. Bưu Tử Lưu Thanh đứng lại. Lưu công đi thẳng vào trong. Lưu Thanh gọi lớn:
– Đạo gia, ngài đi đâu vậy. Muốn kiện thì phải đứng bên ngoài mà kêu. Xông bừa vào trong sẽ rước lấy họa đó.
Luu công nói:
– Không ngại. Lưu Dung với ta là chỗ đồng hương, cứ việc vào thẳng bên trong kêu kiện. Không có tai họa gì đâu.
Bưu Tử Lưu Thanh nghe vậy, đành phải theo vào trong.
Đám công sai thấy vậy vội tiến lên, vây lấy họ. Lưu lại bộ xua tay, đám công sai lui lại cả ra sau, thủ tay đợi lệnh. Lưu công lên phòng trên. Lưu Thanh lên theo, thấy không có ai. Chỉ thấy hai người ăn mặc theo lối nhà quan tiến tới giúp đạo gia thay mũ, áo. Lưu Thanh sững người, trong lòng thầm kinh sợ, nghĩ: “Không ổn! Thì ra là đại nhân cải trang đi thăm dò tin tức. Khi nãy ở trong nhà, ta từng đắc tội với ông ấy. Nay quả ta đã gặp họa lớn rồi?”. Nghĩ xong, vội vàng quỳ sụp xuống.
Lưu công mỉm cười, nói:
– Lưu Thanh, không cần phải quỳ. Ngươi hãy tạm đứng dậy đã.
Rồi sai ngươi hầu bày rượu lên. Trương Thành, Lưu An không dám chậm trễ. Chỉ trong chớp mắt đã bày xong một bàn rượu thịt.
Lưu công nói:
– Lưu Thanh ngươi hãy tạm ngồi xuống. Bản bộ đường sẽ cùng người uống vài chén. Tính khí của người thế nào, ta đây đã rõ cả. Ngươi phải uống liền ba chén mới được. Chớ nên câu thúc, cứ mạnh dạn mà uống. Ngày mai sẽ ra hiện trường khám nghiệm tử thi. Từ nay trở đi, mẹ con ngươi sẽ không phải chịu cảnh đói khổ nữa.
Lưu Thanh nói:
– Đại nhân xin hãy yên tâm. Nếu ngày mai đi khám nghiệm tử thi mà không tìm ra thương tích, tiểu nhân nguyện xin nhận tội
Đại nhân nghe vậy khẽ gật đầu.
Lại nói chuyện võ cử Trương Bồi Nguyên rời khỏi nơi khám nghiệm tử thi, trở về nhà, đứng ngồi không yên, nghĩ lại chuyện xảy ra khi nãy. Nếu không bỏ ra trăm lạng bạc ấy, để tìm ra thương tích, hậu quả thế nào, thực không thể tưởng tượng nổi.
Gia nhân đưa đèn tới. Trương võ cử dùng cơm xong, một lòng chỉ nghĩ tới chuyện đi thăm Hoàng Ái Ngọc, bèn rời khỏi nhà. Không lâu sau đi ngang qua cửa công quán, nhìn vào trong, nở nụ cười, nói:
– Vị nào trong đó vậy?
Trương Thành nói:
– Có chuyện gì vậy?
Trương võ cử nói:
– Ta tới thăm em họ là Hoàng Ái Ngọc, xin các vị lão giai tạo điều kiện cho.
Trương Thành hỏi:
– Anh tên họ là gì?
Trương võ cử nói:
– Tôi họ Trương, tên Bồi Nguyên.
Trương Thành nói:
– Tôi không dám tự quyết, phải bẩm với đại nhân đã. Ngày hãy đợi một lúc.
Rồi xoay mình đi lên nhà trên, bẩm rõ với đại nhân chuyện Trương võ cử muốn vào thăm Hoàng Ái Ngọc.
Lưu công nói:
– Nếu võ cử muốn vào thăm Hoàng thị, hãy cho hắn vào.
Các ngươi lui ra cửa sổ lén nghe xem hai người bọn họ nói chuyện gì với nhau. Nếu để lộ chuyện gì, hãy giữ Trương võ cửa lại không được thả đi.
Trương Thành ứng tiếng:
– Theo ta vào gặp em họ của ngài!
Trương võ cử nghe vậy, vội theo Trương Thành vào trong.
Qua mấy khúc rẽ, tới bên ngoài một gian phòng. Trương Thành nói:
– Vợ của họ Bồ là Hoàng thị ở trong căn phòng này. Ngài vào đi ta không thể đi theo. Ta còn phải xem đại nhân có sai bảo gì không.
Nói xong nghênh ngang bước trở ra.
Trương võ cử đẩy cửa, bước vào. Thấy Hoàng ái Ngọc đang ngồi buồn bên trong. Thấy võ cử, ả tức giận chửi mắng, nói:
– Giỏi cho tên vô lương tâm Trương Bồi Nguyên ngươi. Ngươi thấy chết mà không cứu. Ngày thường ngươi hay khoe có khả năng vượt tường, leo mái nhà. Nô gia gặp phải chuyện này, ngươi cũng chẳng thèm thò mặt vào trong hỏi thăm lấy một câu lại làm bộ giả câm, giả điếc, co đầu rụt cổ như con rùa đen, co đầu lại mặc kệ mọi chuyện muốn ra sao thì sao. Sau cơn mưa ngươi nói đem ô cho người ta, làm bộ làm tịch. Nghĩ cho cùng, gian phu không thể yêu ta bằng chồng của ta. Việc đã tới nước này, ta thực lấy làm hối hận!
Bất giác, hai hàng lệ nóng trào ra. Trương Bồi Nguyên nghe vậy tỏ vẻ không vui nói:
– Nàng không biết đấy thôi. Vừa gặp ta nàng đã lớn tiếng mắng chửi rồi. Ta vừa hay tin đã vội tìm viên khám nghiệm tử thi, dúi vào tay hắn một đỉnh bạc lớn, do đó, hắn mới không tìm ra thương tích. Ta tới đây thăm nàng, lại bị nàng chửi là kẻ vô tình, vô nghĩa. Con đàn bà này. Nghĩ lại khi xưa ngươi quan hệ với bảo chính Hạt Phiên Tam, sau do hắn nghèo, ngươi lại theo Bưu Tử Lưu Thanh. Lưu Thanh trắng tay, dăm bữa nửa tháng không gặp mặt nhau lấy một lần, ngươi ăn không được ngon, mặc không được đẹp, lại nhờ bảo chính Phiên Tam tới chỗ ta vay tám chục xâu tiền, sau này cả gốc lẫn lãi đều không trả. Ta tìm tới nhà ngươi đòi tiền, ngươi lôi ta vào phòng của ngươi. Từ đó, hai ta mới quan hệ với nhau. Tám chục xâu tiền cả gốc lẫn lãi từ đó ta không đòi nữa! Ta liên tục cung cấp củi, gạo, lại may cho ngươi bao nhiêu quần áo bằng lĩnh, bằng sa, lại mua cả đồ trang sức cho ngươi. Ngươi có biết ta đã phải tốn bao nhiêu tiền không? Suốt ngày từ sáng đến tối ngươi than vãn thằng chồng xấu xí, như gai trong mắt, ngươi một lòng muốn hại chết chồng mình. Giờ lại oán trách ta là sao?
Hắn nói một thôi, một hồi, khiến Ái Ngọc không thể mở miệng nổi.
Lưu lại bộ ở bên ngoài cửa sổ nghe thấy hết, dặn dò:
– Nha dịch, công sai mau vào bắt lấy Trương võ cử, chớ để hắn chạy thoát.
Nói xong, trở về phòng trên.
Đám nha dịch xông vào phòng, gông võ cử lại.
Trương Bồi Nguyên nói:
– Tại sao lại gông tôi?
Đám nha dịch nói:
– Đại nhân dặn vậy, bọn ta không biết? Sáng mai gặp đại nhân sẽ rõ cả thôi.
Sáng hôm sau, châu quan tới công quán đợi lệnh. Lưu lại bộ rửa mặt, dùng bữa sáng xong xuôi, dặn dò chuẩn bị kiệu ra hiện trường khám nghiệm tử thi. Chấp sự, nha dịch, người khám nghiệm tử thi đều đã đợi sẵn ở ngoài cổng công quán, hầu đại nhân lên kiệu, sau đó kéo nhau rời khỏi thành Cảnh Châu theo lối cửa Bắc. Không lâu sau đã tới hiện trường. Đại nhân xuống kiệu, ngồi lên ghế tựa, dặn dò, nói:
– Giải Hoàng thị, Trương Bồi Nguyên ra đây, bản đường có chuyện muốn hỏi họ.
Cặp cẩu nam nữ nghe vậy, vội tiến ra, quỳ xuống. Lưu công hỏi:
– Các ngươi mau mau khai rõ vụ mưu hại Bồ Hiền ra sao. Chớ để bản bộ phải phí công khai quan khám nghiệm lại tử thi. Mau khai ra, hai người sẽ tránh được đau khổ thể xác.
Hoàng Ái Ngọc nghe hỏi, mày liễu dựng lên, mắt phượng trợn tròn, đưa tay chỉ Lưu lại bộ, hả họng chửi bới:
– Lưu gù, ngươi thực hồ đồ. Thực đáng tiếc cho chức Lại bộ thượng thư lại giao cho ngươi làm. Chồng ta rõ ràng bị bệnh mà chết, ngươi nhất quyết cho là chết không minh bạch. Kiểm nghiệm hai lần rồi, vẫn không tìm ra thương tích. Nay ta thề quyết không đội trời chung với ngươi.
Trương Bồi Nguyên nói:
– Ta tới công quán thăm em họ ta, ngươi lại dám đóng gông lên mình cử nhân của nhà nước. Ta vô cớ bị ngươi làm nhục. Hai ta phải lên kinh diện kiến thánh thượng một chuyến mới được. Để rồi xem ai phải, ai quấy.
Lưu công mỉm cười, nói:
– Giỏi cho đôi lẻo mép, gian trá các ngươi. Ta phải đưa ra bằng chứng cụ thể mới khiến hai ngươi tâm phục, khẩu phục.
Rồi quay sang gọi:
– Lưu Thanh!
Chợt thấy Bưu Tử Lưu Thanh tiến ra, quỳ xuống, nói:
– Bẩm đại nhân! Có tiểu nhân Lưu Thanh xin hầu.
Lưu công hỏi:
– Hai đứa chúng mưu hại Bồ Hiền, ngươi có biết không?
Ngươi có thể đối chứng với hai đứa chúng không?
Lưu Thanh nghe hỏi, quay lại, kêu lớn:
– Hoàng Đại Thư, Trương Bồi Nguyên. Việc hai ngươi làm, chớ nên già mồm cãi quan nữa. Đại nhân đã biết cả rồi. Nếu các ngươi không chịu khai nhận, chỉ e tự chuốc khổ vào thân.
Hoàng ái Ngọc, Trương Bồi Nguyên nhìn thấy Bưu Tử Lưu Thanh, trong lòng chợt nảy cơn giận dữ.
Không biết hai đứa chúng ăn nói ra sao. Mời quý vị xem tiếp hồi sau.