Tên giặc Lý Tứ thấy công sai bày hình cụ trên công đường, vứt ra loảng xoảng, vang lên những thứ âm thanh rợn người. Hơn nữa, hắn đã nhận ra Lưu đại nhân chính là người bán thuốc hôm qua tới nhà mình, biết mình đã lộ, không dám cãi bừa, trong lòng thầm nghĩ: Hôm nay coi như ta trở thành vật tế thần rồi! Sớm muộn gì rồi cũng chỉ một chết là xong, chết sớm cho khỏe, tội gì phải gánh thêm một trận đòn roi để rồi chết thành con quỷ mang đầy thương tích trên mình?
Xem ra, quả nhiên ông ta có đôi mắt tinh như thần, sáng như điện. Cũng là do ta làm chuyện bại hoại, tổn thương âm đức nên ông trời không giúp. Lý Tứ nghĩ xong, vội dập đầu, nói:
– Xin đại nhân hãy khoan, tiểu nhân xin khai.
Lý Tứ dập đầu lạy, nói:
– Tiểu nhân họ Lý, tên Tứ, nhà ở ngay trong phủ Giang Ninh này. Tiểu nhân có một người em kết nghĩa tên gọi Trương Bảo, hắn vốn đi làm ăn buôn bán ở xa. Hôm trước buôn bán vào cầu, tìm về quê, vô tình, chúng tôi gặp nhau ở trên đường. Tôi mời hắn về nhà nói chuyện phiếm một hồi rồi cùng nhau uống rượu. Chợt trời đổ mưa như trút, trời tối, lại mưa, đường khó đi nên hắn đã ở lại trong nhà tôi. Đêm ấy, chúng tôi lại uống rượu với nhau. Trương Bảo uống say túy lúy, nằm gục trên bàn ngủ như chết. Tiểu nhân thấy vậy, len lén mở hành lý của hắn ra, thấy trong ấy có bốn phong bạc, còn có mấy bộ quần áo tốt cùng hai xâu bảy trăm quan tiền. Tiểu nhân thấy tiền bạc bèn nổi lòng tham, hại mạng Trương Bảo, chiếm lấy số tiền ấy. Chợt nhìn thấy cái chày gác dưới gậm bàn, tôi vội cầm lên, len lén đi tới bên Trương Bảo. Tiểu nhân đã quyết ý phải ra tay thật độc nên nhắm đầu hắn đập xuống, một chày đập nát đầu hắn tới tận mang tai.
Lý Tứ khai tới đây, Lưu đại nhân đã tức đến nổ ruột.
Lưu đại nhân ngồi trên công đường, nghiến răng ken két, nói:
– Ta thấy ngươi đúng là hạng mặt người dạ thú, kể chuyện hại mạng người như là xem kịch vậy! Sau đó thế nào?
Lý Tứ thấy hỏi, nói:
– Bẩm đại nhân. Tiểu nhân không dám nói sai lấy một lời. Một chày đó đã đánh chết Trương Bảo, tiểu nhân lại lột hết toàn bộ quần áo trên mình hắn ra, sau đó, nhân lúc đêm khuya thanh vắng, tiểu nhân vác xác của hắn đi, ném xuống giếng nước bên cạnh miếu thành hoàng trong thành Giang Ninh. Bẩm đại nhân, tất cả những lời tiểu nhân vừa kể đều là thật, tiểu nhân nghĩ việc mình làm quỷ không biết, thần không hay, ngờ đâu lại bị đại nhân soi ra. Tiểu nhân có tội, xin được chịu tội chết.
Đại nhân nghe Lý Tứ nói vậy, bèn nói:
– Tên tội đồ không từ một tội ác nào kia, ngươi còn sợ không được chết hay sao?
Lưu đại nhân ngồi trên công đường, hướng xuống dưới, bảo với viên thư lại:
– Mau mang tờ khai ra cho hắn ký vào đó, đợi ta luận tội. Viên thư lại không dám chậm trễ, ứng tiếng, mang tờ khai ra đặt xuống trước mặt Lý Tứ cho hắn ký tên vào. Lý Tứ ký tên, bỏ bút xuống. Đại nhân phán:
– Mau thương hình, tống hắn vào ngục, đợi ta phán xét.
Lính cai ngục dạ rân, không dám trễ nải, vội đeo gông lên cổ hắn. Ngục tốt dẫn Lý Tứ đi, giam vào nhà lao đợi xử trảm.
Chuyện không cần nhắc tới nữa. Lại nói chuyện Lưu Đại nhân dặn dò thuộc hạ gióng trống bãi đường. Đại nhân dặn xong, vội đứng lên, xoay mình, rời khỏi công án. Lưu Đại nhân rời đi, trên công đường, mọi người cũng lục tục giải tán. Tạm thời không nhắc tới chuyện trong và ngoài nha môn nữa, ta quay trở lại với viên thừa sai Vương Minh. Vương Minh mang theo thi hài đứa trẻ rời khỏi nha môn, vừa đi vừa thầm oán trách Lưu đại nhân, miệng lẩm bẩm chửi ông ta là đồ “gù”. “Ngươi cố tình làm khó cho ta, tại sao lại bắt Vương Minh ta thi hành chuyến công vụ tốt đẹp” này? Chẳng đầu, chẳng đuôi, biết phải làm sao đây? Ta đâu biết được nhà nào đem vứt con đi? Vụ này không tên tuổi, cũng chẳng địa chỉ, đúng là một vụ bù đầu. Ngươi bỏ bê việc công không chịu lo, chỉ giỏi đi lân la các chốn? Ta xem ngươi, trong vòng năm ngày không phá được vụ án kia, tổng đốc đời nào chịu bỏ qua cho ngươi! Nhất định ông ta sẽ cho ngươi một bản tấu lên thánh thượng, sớm muộn gì rồi ngươi cũng sẽ phải trở về Sơn Đông”. Vương Minh vừa đi vừa lẩm bẩm oán trách, chẳng mấy chốc về tới nhà mình.
Thừa sai Vương Minh vừa đi vừa oán trách Lưu đại nhân ngẩng đầu lên đã thấy cổng nhà mình. ông ta sải bước tiến vào, đi thẳng vào trong phòng. Còn chưa kịp ngồi xuống, vợ ông là Trương thị đang ngồi khâu vá trong phòng đã ngẩng đầu lên.
Thấy chồng từ bên ngoài về, trong tay còn cầm thêm một bọc màu lam, không biết trong bọc có thứ gì. Trương thị lại nghĩ chồng mua đồ ăn về, đưa mắt lên nhìn chồng, mỉm cười, nói:
– Chàng mua gì về vậy?
Vương Minh thấy vợ hỏi, ông ta có vẻ hơi bực, nói:
– Nàng hỏi tới thứ trong bọc này ư? Món này không ăn được mồm chúng ta không thể nuốt nổi. Nói cho nàng biết: Đây là Lưu gù lão gia ban ân cho ta đó. Ông ta thấy tôi nghèo khố, cô đơn nên đã tặng cho ta vật này để mang về thờ làm cha – Đây là vị tiểu tổ tông đời trước, kiếp trước của ta đó! Hãy mau để nó lên bàn thờ tổ tiên nhà ta mà thờ.
Trương thị nghe chồng nói vậy, phụ nữ vốn chỉ quen với việc nhà lòng dạ thực thà, vội vàng đón lấy bọc trên tay chồng.
Quả nhiên đặt ngay lên khám thờ thần tài là nơi cao nhất, trang nghiêm nhất. Tiếp theo đó còn thắp hương lên lễ. Trong lòng Vương Minh cảm thấy buồn bực, chẳng buồn ăn cơm, xoay mình, đi thẳng ra ngoài, lên đường lớn, tìm tới một quán rượu nhỏ, chọn một bàn, ngồi xuống, gọi một bình rượu, rót ra độc ẩm, trong lòng vẫn cảm thấy rầu rầu, thầm oán trách Lưu đại nhân là kẻ hồ đồ. Chợt nghe thấy bên chiếc bàn đối diện có hai người nói chuyện với nhau. Vương Minh dõi mắt nhìn sang, thì ra họ cũng đang uống rượu. Một người tuổi độ ngoài bốn mươi, người kia chỉ độ hai bảy, hai tám tuổi đầu. Hai người ấy ngồi đối diện với nhau. Người lớn tuổi ngồi phía đông, người nhỏ tuổi ngồi phía tây. Người lớn tuổi ngồi phía đông nói với người nhỏ tuổi ngồi phía tây. Hai người bọn họ vừa uống rượu, vừa nói chuyện. Người lớn tuổi đưa mặt sang phía người nhỏ tuổi, nói:
– Ông em, nghe ta nói này: Sáng sớm hôm qua xảy ra một chuyện, quả khiến cho người ta không tài nào hiểu nổi. Hôm qua, ta chợt nổi cơn đau bụng, mới sáng sớm đã phải dậy đi ngoài.
Người lớn tuổi vừa nói tới đây, người ngồi bên tây đã nói chen ngang:
– Đi ngoài có gì đáng kể mà coi là chuyện lạ? Tại sao lại nói chuyện đi ngoài ra ở đây làm gì?
Người lớn tuổi nghe hỏi vậy, vuốt cầm, mỉm cười, nói:
– Lão Tam chớ sốt ruột, nghe ta kể đây này: Mới sớm tinh mơ ta đã phải chạy ra ngoài, tới phía sau am Liên Hoa đi đại tiện. Ta vừa ngồi xuống, mới chỉ kịp tiểu một bãi, chợt nhìn thấy gã đóng giày gánh một gánh đi về phía Đông. Trong gánh có một gói vải màu lam, đang gánh đi, gói vải chợt rơi tọt xuống đất. Gã thợ giày vẫn không hề hay biết, cứ vác đòn gánh cắm đầu đi thẳng. Anh đây thấy vậy, không dám chậm trễ, chưa kịp đi xong đã vội đứng dậy. Lão Tam, nghe cho rõ đây: Ta thấy gã thợ giày gánh một gánh trên vai, trong đó có một bọc vải màu lam, đang đi, gói vải chợt rơi ra! Gã thợ giày không hề hay biết, cứ cắm đầu đi thẳng. Ta thấy vậy, không kịp đợi đi ngoài xong. Ngươi thử nghĩ xem, sự việc thực trùng hợp, hả? Đúng lúc ấy, ta đi ngoài mà lại quên mang theo giấy! Hai mắt ta chỉ còn nhìn chăm chăm vào bọc vải màu lam kia, tay lần xuống đất, vớ được một mảnh gạch, vội cầm lên, đưa vào đít chùi thay giấy khiến đít ta bị xước một đường! Nhưng lúc ấy ta cũng chẳng còn biết đau là gì, vội vàng đứng dậy, kéo quần lên, chạy tới chỗ cái bọc ấy, trong lòng mừng vui khôn xiết? Mở bọc ra xem, ngươi thử đoán xem trong cái bọc ấy có gì?
Người nhỏ tuổi ngồi bên tây nghe hỏi, vội nói:
– Trong bọc ấy có gì vậy?
Người lớn tuổi trả lời, nói:
– Lão Tam, nghe cho rõ đây. Con mẹ nó, thực là quái lạ.
Bên trong cái bọc ấy là một đứa trẻ! Ta nhìn kỹ lại: Đúng là một đứa trẻ sơ sinh! Nhưng như thế vẫn chưa phải là lạ. Điều lạ là toàn thân đứa bé này, từ trên xuống dưới bị ướp trong muối như người ta ướp thịt vậy. Người nói xem, có lạ hay không?
Người ngồi phía tây lại hỏi:
– Gã thợ giày không biết từ đâu tới? Anh có nhận ra hắn là ai không?
Người lớn tuổi nói:
– Sao lại không nhận ra hắn là ai? Đôi giày dưới chân ta đang đi chẳng phải do chính hắn đóng sao? Nói cho ngươi biết: Nhắc tới người này, tới tám chín phần mười là ngươi cũng biết hắn. Hắn chính là thằng nhãi Vương Nhị Lâu, có gánh đồ nghề luôn gánh tới ngồi khâu giày dưới lầu trống ấy.
Người ngồi bên tây nghe vậy, nói:
– A, thì ra là hắn! Đệ cũng biết hắn. Vợ hắn chẳng phải đã bỏ đi theo tên bán bánh cắt hay sao?
Ngươi lớn tuổi nghe vậy, nói:
– Đúng. Chính hắn đó!
Hai người nói xong, bật cười ha hả một hồi, trả tiền rượu, đứng dậy, rời khỏi quán, dẫn nhau bỏ đi.
Thừa sai của Lưu đại nhân là Vương Minh ngồi một bên nghe hai người bọn họ nói chuyện. Ông ta vô tình có được tin tức, bất giác trong lòng vô cùng phấn khởi. Vụ này muốn tra xét ngọn ngành, giờ không còn khó nữa. Sao ta không tới dưới lầu trống, dò la căn nguyên thực kỹ một lượt. Gã thợ da Vương Nhị ta từng gặp rồi, ta và hắn cũng có chào hỏi nhau. Nhà ngươi mang con đi ném, kể cũng lạ. Không biết ai nhặt được mang tới công đường, để Lưu gù vớ lấy ta, bắt ta phụ trách chuyện “công vụ tốt đẹp này”. Chi bằng, nay đã có đầu mối, ta hãy đi một chuyến, tìm hiểu cho rõ đầu đuôi câu chuyện.
Vương Minh nghĩ xong, không chút chậm trễ, vội đứng dậy trả tiền, xoay mình, sải bước rời khỏi tửu quán, đi thẳng một mạch tới trước lầu trống. Vương Minh vừa đi vừa nghĩ, bất giác chợt cảm thấy có điểm khó xử. Ngộ nhỡ Vương Nhị không nhận, ta biết lấy gì ra làm bằng chứng đây? Vương Minh suy nghĩ, chợt nảy ra một kế, tự nói với mình:
– Cần phải làm như vậy mới khiến Vương Nhị tự chui đầu vào tròng được.
Vương Minh bước đi, ngẩng đầu nhìn lên, thấy tòa lầu trống đã hiện ra trước mắt. Quan thừa sai yên tâm điều tra gã thợ da, trong lòng nghĩ thầm.
Vương Minh vừa đi vừa nghĩ, lầu trống đã hiện ra trước mắt. Ông ta vội tìm một mảnh sành, cố ý cứa rách mấy vệt trên chiếc giày của mình rồi mới sải bước tiến lên, vượt qua một con ngỏ, tới bên lầu trống. Thừa sai Vương Minh nhìn vào, giả lả bước tới, mỉm cười, nói:
– Vương Nhị à, lâu lắm không gặp, độ này phát tài chứ?
Gã thợ da nghe có người hỏi mình, ngẩng lên nhìn, nhận ra là thừa sai Vương Minh trong phủ Giang Ninh, vội vàng đứng dậy, nói:
– Là Vương đại gia đó ư? Lâu lắm rồi mới gặp!
Vương Minh nói:
– Ta có chút việc, tới đây nhờ anh làm giúp.
Nói xong cúi xuống, tháo chiếc giày vừa bị cứa rách bằng mảnh sành ra, nói:
– Nó bị rách mấy đường, hãy khâu vào giúp tôi. Phải khâu cho tốt đó.
Gã thợ da Vương Tam nghe vậy, nói:
– Yên tâm mà.
Nói xong, đón lấy chiếc giày để khâu. Vương Minh đi tạm bằng một chiếc giày da của Vương Nhị, ngồi xổm xuống, gợi chuyện:
Vương Minh ngồi bên, nhìn gã thợ da, gọi hắn là “ông anh”, nói:
– Đúng là số tôi đen đủi, một lời khó mà kể hết ra được. Sáng sớm nay, đúng ra tôi phải đi thăm người thân thì lại phải theo hầu sau kiệu của Lưu đại nhân. Vừa tới phía đông bắc am Liên Hoa, chợt thấy bên con đường nhỏ có một cái bọc bằng vải màu lam rơi ở đó. Đại nhân nhìn thấy, quát đám thuộc hạ tùy tùng, nói: “Hãy mau mở bọc kia ra, xem bên trong là thứ gì vậy?”
Đám thủ hạ nghe đại nhân nói vậy, không dám chậm trễ, vội chạy lên, giở cái bọc ấy ra xem. Trong bọc đúng là rất lạ. Thì ra là xác một đứa trẻ chưa đầy tháng. Đại nhân thấy vậy, nói là xúi quẩy làm ầm ĩ cả lên, dặn Vương Minh tôi: “Hãy đem chôn!” Anh nói xem, tôi đâu dám trái lệnh, vội chạy đi mượn cuốc, mượn mai, đào một cái hố ngay chỗ ấy, chôn cất cho đứa trẻ. Vì không cẩn thận, làm rách cả giày. Anh thấy có đen đủi hay không? Chẳng biết nhà nào đem vứt đứa trẻ đi, khiến cho tôi phải tốn sức chôn cất không công. Tôi chỉ muốn bới cả tổ tông nhà nó lên mà chửi cho hả giận!
Gã thợ da nghe Vương Minh nói vậy, lập tức dừng tay kim, nói:
– Nói cho Vương lão gia biết, ông đừng có chửi người. Đứa bé ấy do tôi ném đi đấy.
Vương Minh nghe vậy, trong lòng hoan hỷ vô cùng, miệng lẩm bẩm thầm chửi mấy câu. Đúng là ta đang muốn ngươi nói ra câu này để lôi ngươi về cho Lưu đại nhân đây. Thừa sai Vương Minh nghĩ xong, vờ giả lả, nói:
– Ngu hạ lỡ lời, đắc tội với huynh đài rồi.