Lưu đại nhân xem xong, đưa mắt nhìn đám quan viên, nói:
– Đã vậy hãy mau bắt ác nhân lại!
Nói xong, cùng rời khỏi căn phòng trống, dẫn theo binh lính lục soát khắp nơi. Tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng tìm được một cái hốc, hai con chó Triệu Thông và Trần Tam Hoảng đang trốn trong đó! Đám binh lính thấy vậy, nói:
– Tìm thấy ác nhân rồi. Hắn đang trốn ở đây!
Nói xong nhất tề ra tay, móc Triệu Thông và Trần Tam Hoảng ra khỏi hốc. Lưu đại nhân vừa thấy Triệu Thông và tên quản gia của hắn là Trần Tam Hoảng chui ra khỏi hốc, bất giác nổi giận đùng đùng, dặn dò:
– Mau, trói lũ tội đồ này lại!
– Dạ!
Binh sĩ ứng tiếng hô vang, lập tức trói gô chủ tớ hắn lại.
Lưu đại nhân lại dặn dò, bảo binh sĩ tống Triệu Thông lên một chiếc xe. Những đứa đã chết thì thôi. Bọn còn sống, bị bắt ở bên ngoài như Vương Hổ, Ngô Bát, Trần Tam Hoảng cũng bị tống cả lên cỗ xe đó.
Lúc này, Lưu đại nhân mới cùng mọi người ra khỏi phủ đệ nhà họ Triệu, tới trước cổng lớn, đứng lại. Thừa sai Trần Đại Dũng thấy vậy, vội vã chạy lại, đỡ đại nhân lên lưng một con ngựa tốt. Quan binh cũng nhất tề lên ngựa. Binh sĩ vây kín cỗ xe rời khỏi thôn Sa Hà Trạch rồi mới lên đường cái nhằm hướng phủ Giang Ninh thẳng tiến.
Lưu đại nhân ngồi trên lưng ngựa, nói:
– Lý lão gia xin hãy nghe tôi nói: Tuy ta nay đã bắt được ác đồ nhưng thế lực bọn Triệu Thông còn rất lớn, lại quen biết nhiều. Anh hắn hiện đang làm bố chính. ở Sơn Đông, bản thân hắn đang đợi nhậm chức châu đồng, ỷ tiền cậy thế ức hiếp lương dân. Hôm qua có bảy người lên nha môn kiện hắn. Bản phủ chẳng biết làm sao, đành phải đi thăm dò, dẫn theo thừa sai đây. Không ngờ vừa tới Sa Hà Trạch gặp ngay ác tặc ở đầu thôn. Hắn cùng với bảy, tám tên thuộc hạ, gia nô, trong số ấy có một tên trọc đầu. Cả đám nói nói cười cười cưỡi trên lưng ngựa, chúng đang phóng vào trong thôn Sa Hà Trạch. Không ngờ tên đầu trọc nhận ra tôi, cũng bởi hắn thường xuyên vào phủ Giang Ninh đòi nợ nên đã nửa mời nửa ép bản phủ tới nhà hắn, chẳng nói chẳng rằng, bắt luôn ta lại, tống vào trong phòng trống. May sao binh mã của các vị tới kịp, lại bắt luôn được Triệu châu đồng. Tôi phải giết tên ác tặc này trừ hậu họa, dân chúng ở đây mới được sống yên lành.
Lý Long ứng tiếng, nói:
– Dạ! Lời của đại nhân nói phải lắm.
Họ vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc, tòa thành phủ Giang Ninh đã hiện ra trước mắt. Lưu đại nhân quất ngựa tiến vào theo lối cửa Bắc, du kích, thiên bả theo sau. Đoàn người ngựa vượt đường lớn ngõ nhỏ nhanh như tên bắn. Chẳng bao lâu, cánh cổng nha môn của Lưu đại nhân đã sờ sờ trước mặt.
Lưu đại nhân cùng du kích Lý Long xuống ngựa, những người khác cũng làm theo. Lưu đại nhân hạ lệnh lập tức thăng đường hỏi tội Triệu Thông. Cũng chẳng cần đánh đập khảo tra, Triệu Thông đã khai nhận tất cả. Tại sao ác nhân Triệu Thông lại dễ dàng nhận tội như vậy! Bởi trong lòng hắn nghĩ: Chẳng qua ta chịu nhục nhã nhất thời, chẳng bao lâu nữa sẽ có thế lực lớn mạnh hơn cứu ta ra, lo gì Lưu gù không nghe theo. Do đó, Triệu Thông cũng không hề tỏ vẻ sợ hãi.
Lại nói chuyện du kích Lý Long cáo từ đại nhân trở về nha môn của Chu tổng binh báo cáo hoàn thành nhiệm vụ. Chuyện của họ ta không cần kể ra đây. Còn Lưu đại nhân, tới lúc này mới dặn dò thuộc hạ giam Triệu Thông vào ngục, một mặt viết công văn trình lên dinh Tuần phủ, một mặt viết tấu chương trình lên Thái thượng hoàng. Hoàng thượng hạ lệnh cách chức, miễn truy cứu tội của Sơn Tây bố chính ty Triệu Thuận, bảo ông ta trị nhà không nổi sao trị nổi quốc gia? Phạt cắt ba năm bổng lộc của tuần phủ Cao Tân vì tội lơ là, mất cảnh giác. Sau đó lại phê vào bản tấu chương của Lưu đại nhân mấy chữ “Chém đầu bọn Triệu Thông thị chúng. ” Chuyện tới đây không còn gì đáng nói nữa.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân nhận được thánh chỉ do Hoàng thượng ngự bút phê chuẩn đã lôi bọn Triệu Thông ra chém đầu. Sau đó cho gọi bảy người dâng cáo trạng kiện Triệu Thông cùng tú tài Trương Tân lên công đường, dặn dò họ trở về làm ăn như cũ. Chợt thấy có người ngồi kiệu từ cổng nha môn tiến thẳng vào. Thì ra đó là vợ của Triệu Thông tên gọi Vương thị trả lại cả kiệu lẫn Mị Nương lên công đường, chờ nghe Lưu đại nhân phát lạc.
Lại nói chuyện Đỗ thị vừa xuống kiệu, gặp chồng là Trương Tân cũng có mặt ở đó. Hai vợ chồng họ ôm nhau, khóc nấc lên. Lưu đại nhân thấy vậy, ngồi trên công đường, nói:
– Trương Tân, đấy có phải là vợ của ngươi không?
Trương Tân nghe hỏi, vội dập đầu lạy, nói:
– Bẩm đại nhân. Đây chính là vợ của học sinh.
Lưu đại nhân nói:
– Nếu vậy, mối oán thù của ngươi coi như đã báo được rồi. Hãy mau cùng vợ ngươi về nhà, cố gắng an phận thủ thường mà sống.
Hai vợ chồng Trương Tân hết lời cảm tạ, rời khỏi nha môn trở về nhà. Những người khác cũng lục đục ra về, tới nhà Triệu Thông nhận lại tài sản của mình đã bị hắn chiếm đoạt. Chuyện tới đây chẳng còn gì đáng nói nữa. Lưu dại nhân cũng hạ lệnh bãi đường.
° ° °
Lại nói chuyện huyện Tuyên Thành phủ Giang Ninh có một thị trấn tên gọi trấn Hoàng Trì. Trong thôn này có một vị văn sinh tú tài họ Lỗ, tên gọi Kiến Minh, năm ấy mới tròn hai mươi sáu tuổi, vốn tính ham cờ bạc. Gia sản tổ tiên để lại đều bị hắn nướng sạch. Vợ là Tiêu thị, tuổi mới hai mươi nhăm, có nhan sắc trầm ngư lạc nhạn, diện mạo hoa nhường nguyệt thẹn. Nàng ta không chỉ có nhan sắc mặn mà mà còn biết giữ trọn đạo tam tòng tứ đức, lại giỏi thi từ ca phú, cầm kỳ thi họa món nào cũng tinh thông. Nàng vốn tên gọi Tiêu Huệ Lan. Họ chỉ có với nhau một đứa con trai năm tuổi tên gọi Lỗ Diên Nghĩa. ông nội mất đã lâu, chỉ còn bà nội là Trần thị còn tại thế. Nhà họ có bốn người cùng nhau sinh sống, chuyện không cần phải kể ra đây.
Cũng trong trấn Hoàng Trì có một gã thổ hào họ Hoàng tên Tín Hắc, xứng gọi là phú gia địch quốc. Nói về thế lực của hắn thực không tầm thường chút nào. Hắn hoành hành bá đạo, không kiên gì ai, không việc gì hắn không dám làm.
Tên ác bá này vốn có tính độc ác, hoành hành bá đạo không biết sợ ai. Hắn ỷ mình thế lớn, giàu sang nên luôn hãm hại dân lành. Ấy là vào độ tháng năm, đúng vào ngày lễ Đoan Dương. Trước đây, Kim Lăng vốn là vùng đầm hồ, có tục đua thuyền rồng rất nổi tiếng. Hoàng Tín Hắc liền dẫn gia nhân đi xem hội. Phủ Giang Ninh quả là vùng non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình. Trên đường về đi qua cảng Song Mĩ, chợt ngẩng đầu lên, nhìn thấy một phụ nữ đang đứng ở phía đông con đường. Thì ra, cô ta chính là Tiêu thị, vợ của Kiến Minh. Bởi nàng đang đi tìm con nhỏ nên mới đứng ở đó đợi. Không ngờ gặp đúng lúc tên thổ hào đi ngang qua. Hoàng Tín Hắc dõi mắt trông theo, đánh giá dung nhan của Tiêu thị. Chỉ thấy nàng: Tóc mây óng ả xõa dài chẳng khác thiên tiên, làn tóc mây đen như nhuộm mực tàu. Mắt hạnh sáng long lanh như sóng nước hồ thu, mũi dọc dừa thẳng tắp. Hai hàng mày ngài cong như trăng non đầu tháng, sắc mặt hồng nhuận, đôi tai nhỏ nhắn, xinh xinh, bờ eo mềm mại như cành liễu trước gió xuân. Cái miệng anh đào của nàng khép kín. Chắc hẳn trong đó phải là hai hàm răng trắng như ngọc, như ngà. Trên cổ tay nàng có đôi vòng ngọc Đằng Thục sáng long lanh, mười ngón tay thon nhọn như mười cọng hành. Nhìn xuống dưới, đôi chân sen rộng chưa quá ba thốn, nhìn kỹ lại, thấy nàng đi đôi hài thêu. Nhìn khắp từ đầu đến chân không có điểm nào đáng chê. Mái tóc nhung huyền của nàng dài cả trượng. Trên mình nàng mặc một tấm áo màu lam, mặc váy. Tuy nàng không ăn mặc theo lối quý phái nhưng nhờ trời, nàng có nhan sắc diễm lệ vô song. Hoàng Tín Hắc đang mải mê ngắm nhìn, giai nhân chợt xoay mình bước vào trong nhà. Gã thổ hào đang sững sờ, hồn phách phiêu diêu tận chín tầng mây, bên mép, dãi chảy lòng thòng, mắt ngây dại, có mồm như câm, có tai như điếc. Một lúc lâu hắn mới thở hắt ra, nhìn vào căn nhà ấy, nói:
– Không biết cô gái ấy là vợ của ai? Các người hãy chịu khó đi dò hỏi. Nếu ta được ngủ cùng nàng một đêm, dù phải chết ngay cũng không có gì hối tiếc.
Hoàng Tín Hắc chưa nói dứt lời, một tên gia nhân đã vọt miệng nói ngay. Nguyên Hoàng Tín Hắc có một tên gia nô tên gọi Vĩnh Hưng. Thằng ranh này nghe chủ nói vậy, mỉm cười, nói:
– Ngay cả người phụ nữ ấy lão gia cũng không biết sao? Cô ta chính là vợ của gã tú tài mê cờ bạc Lỗ Kiến Minh.
Hoàng Tín Hắc nghe xong, nói:
– Ồ, thì ra cô ta là vợ của hắn sao? Chẳng ngờ thằng ranh họ Lỗ ấy lại có cô vợ xinh như vậy.
Lại nói:
– Vĩnh Hưng, con có kế gì để người con gái ấy rơi vào tay ta không? Ta sẽ cho cô ta làm thiếp. Nếu được vậy, ta sẽ thưởng cho con năm mươi lạng bạc, ngoài ra còn gả con a đầu Ngọc Liên cho con nữa.
Vĩnh Hưng nghe Hoàng Tín Hắc nói vậy, liền nói:
– Đại gia, việc này không khó. Lỗ tú tài là kẻ ham mê cờ bạc, chỉ cần lão gia về nhà, bày ra một canh, cho mời Lỗ Kiến Minh tới, đánh thắng hắn hai, ba trăm lạng rồi đòi tiền thật rát. Hắn không có tiền trả cho đại gia, lo gì vợ hắn không thuộc về người?
Hoàng Tín Hắc nghe Vĩnh Hưng nói vậy trong lòng vô cùng hoan hỷ, mặt mày rạng rỡ, nói:
– Kế này tuyệt lắm. Ta không nên nấn ná ở đây nữa.
Hai đứa bọn chúng nói xong, vội vã cắm đầu đi thẳng một mạch về nhà. Chúng vượt đường ngang, ngõ tắt nhanh như tên bắn, chỉ một lúc sau đã về tới trước cổng. Hai chủ tớ vội sải bước đi về thư phòng, ngồi xuống. Tên gia nô vội dâng trà nước lên. Hoàng Tín Hắc dùng xong, nói:
– Vĩnh Hưng hãy nghe ta nói đây: Hãy mau đi chuẩn bị làm theo sự bàn bạc khi nãy. Đầu tiên con hãy lên đường nam mời Đường Ngũ, sau đó tới đầu bắc gọi Triệu Hồng rồi thuận đường mời luôn tú tài Lỗ Kiến Minh. Nếu thực sự Tiêu thị rơi vào tay ta, ngay tối nay, con có thể kết hôn với Ngọc Liên rồi. Vĩnh Hưng nghe xong, trong lòng vô cùng hoan hỷ, lập tức sải bước, xoay mình đi ra ngoài. Ra khỏi cửa, hắn lên đường nam, đi nhanh như tên bắn. Đầu tiên hắn tìm nhà Đường Ngũ rồi lại lên đường bắc đi gọi Triệu Hồng. Sau đó mới tới ngõ Song Hiền mời tú tài Lỗ Kiến Minh. Chẳng bao lâu, Vĩnh Hưng đã mời đủ ba người tới.
Thổ hào Hoàng Tín Hắc thấy ba người đã tới đủ, vội vàng đứng dậy, nở nụ cười, nói:
– Mời ba vị ngồi. Hôm nay chúng ta sẽ chơi một hột xúc xắc. Tôi sẽ bỏ tiền ra. Cuộc chơi hôm nay cả thảy là năm trăm lượng. Nếu thắng, các vị cứ việc cầm tiền đi. Nếu thua, trong vòng ba hôm nữa các vị sẽ trả lại cho tôi.
Ba người kia nghe Hoàng Tín Hắc nói vậy, Đường Ngũ và Triệu Hồng mở lời trước – Bọn chúng vốn là cùng một giuộc. Khoái Gia Tử Đường Ngữ nói:
– Hoàng đại gia, chẳng giấu gì ngài, tôi xin mang mảnh vườn ra thế chấp, với số tiền là bốn trăm ba mươi xâu tiền, ngày mai xin viết văn tự.
Triệu Hồng nói:
– Tôi đây còn gần chục căn phòng. Nếu thắng, tôi xin được lấy bạc đi. Còn như thua, tôi xin viết một tờ văn tự nợ tiền ông rồi sẽ đem nhà ra thế chấp!
Kính thưa quý vị độc giả. Hai tên ấy nói vậy nhằm ý khích Lỗ tú tài. Tục ngữ nói đúng lắm: “Trong hội bạc, ai bỏ ra nhiều tiền người ấy mới đáng mặt hảo hán”. Câu nói này không sai chút nào. Trong nhà Lỗ Kiến Minh vốn hết tiền, hắn lại nói là còn. Hoàng Tín Hắc và Lỗ Kiến Minh vốn sống trong cùng một thôn, lẽ nào hắn không hiểu gia cảnh nhà Kiến Minh ra sao? Hắn vốn chẳng cần gì tiền của Kiến Minh, chỉ cần thắng được vợ của Kiến Minh mà thôi. Kính thưa quý vị độc giả: Xem ra, hội cờ bạc này không xong rồi! Một kẻ thì hám sắc, một kẻ lại hám bạc, liệu đây có phải là hội cờ bạc bình thường không?
Lại nói chuyện Hoàng Tín Hắc nghe ba người nói xong, cũng nói:
– Nếu đã vậy, chúng ta hãy chơi ngay đi!
Thằng nhãi Vĩnh Hưng ứng tiếng. Hoàng Tín Hắc nói:
– Hãy đem xúc xắc, hộp và thẻ ra đây!
– Dạ!
Thằng nhãi ở Vĩnh Hưng đi ra ngoài, một lúc sau đã quay trở lại mang theo đủ thứ vào, đặt cả lên giường. Hoàng Tín Hắc thấy vậy, nói:
– Ba vị hãy nghe tôi nói đây: Một miếng thẻ trị giá mười lạng bạc. Khi chơi xong, hãy dựa trên số thẻ mình có để tính tiền.
Cả ba liền nói:
– Có lý Hoàng lão gia nói hợp lý lắm.
Nói xong, cả bọn lập tức vào cuộc chơi. Ba người kia chơi ăn gian, chỉ toàn ăn tiền của tú tài họ Lỗ. Khoái Gia Tử Đường Ngũ quả không hổ danh là cao thủ xóc cái. Lỗ tú tài vốn là người mắt kém, ngay cả chấm trên quân xúc xắc cũng nhìn không rõ. Bốn người này chơi từ tối cho tới lúc canh ba, tính lại tiền, chỉ có tú tài Lỗ Kiến Minh là thua tới ba trăm lạng bạc. Hoàng Tín Hắc đưa mắt nhìn Đường Ngũ, lại quay sang nói với Triệu Hồng:
– Theo ý ta, chúng ta hãy nghỉ đi thôi. Xem ra trời cũng sắp sáng rồi.
Hai tên chó săn này vội nói ngay:
– Có lý Đại gia nói phải lắm. Thắng hay thua chỉ là chuyện thường. Sáng mai hai đứa bọn tôi còn có chuyện phải làm.
Lỗ Kiến Minh nghe chúng nói vậy, sững cả người, trong bụng nghĩ thầm: “Vụ này ta đã thua sạch cả ba trăm lạng, trong nhà đào đâu ra nhiều bạc như vậy? Nếu trong vòng ba ngày không trả hết, Hoàng Tín Hắc đâu phải kẻ dễ tiêu. Thực lòng ta chỉ mong thắng được của hắn vài trăm lạng, không ngờ lại ra nông nỗi này! Lỗ tú tài trầm ngâm không nói năng gì, ngồi ngây như phỗng. Hoàng Tín Hắc nói:
– Lỗ tiên sinh nghe ta nói đây: Ngài thua tôi ba trăm lạng, mai hãy mang bạc tới nhà tôi, tuyệt đối không được thiếu dù chỉ là một ly, một lai, nếu có sai sót gì, chớ trách tôi không nói trước.
Lỗ Kiến Minh nghe tên thổ hào nói vậy, bất giác giật mình kinh hãi, nghĩ thầm: “Ngày thường Hoàng Tín Hắc hoành hành bá đạo, chẳng khác gì hổ dữ. Trong nhà ta lấy đâu ra ngân lượng? Nếu để tên ác đồ này nổi giận, hậu quả thực khó lường.
Lỗ tú tài còn đang suy tính, Triệu Hồng đã vọt lên nói:
– Đại gia xin chớ nóng lòng, chuyện nợ nần hãy để từ từ rồi tính. Nay tôi có ngu kiến này, không biết các vị có chịu nghe hay không? Theo tôi thấy, trong nhà Lỗ tú tài vị tất đã có tiền mặt. Tôi nói câu này xin anh chớ phiền lòng, cũng không biết có hợp ý đại gia không?
Tú tài nghe vậy, vội nói:
– Triệu đại ca, không biết anh có chủ ý gì, xin hãy mau mau nói rõ ra cho.
Triệu Hồng nghe hỏi, vuốt râu, cười, nói:
– Tiên sinh xin hãy nghe tôi nói: Tiên sinh đã hỏi, tôi cũng chẳng ngại gì mà không nói ra. Theo tôi thấy, chị nhà tuổi tác vẫn còn trẻ, chi bằng hãy gán lại cho Hoàng tài chủ đây với giá ba trăm lạng cho hết nợ. Như vậy, trong nhà tiên sinh vừa đỡ được một phần chi phí, thêm người chẳng bằng giảm miệng ăn. Đây là tấm lòng thành của tôi thực lòng khuyên anh. Không biết anh thấy lời tôi nói đúng hay sai? Lỗ tiên sinh, anh hãy mau mau cân nhắc.
Lỗ Kiến Minh nghe xong thở ngắn thở dài, nói:
– Đại ca, anh hãy nghe tôi nói.
Tú tài Lỗ Kiến Minh nghe tên chó săn Triệu Hồng nói vậy, thở dài, nói:
– Thôi thôi, việc đã đến nước này, chẳng biết Hoàng đại gia có ưng theo cách ấy không?
Hoàng Tín Hắc nghe Lỗ Kiến Minh ngỏ lời ưng thuận, trong lòng vui như mở cờ, vội mở lời, nói:
– Lỗ tiên sinh, nay ông đã không còn tiền bạc, gán phu nhân cho tôi tôi cũng chẳng còn cách nào khác. Theo lý mà nói, phu nhân của ông không đáng giá ấy. Thôi thôi, cũng chẳng còn cách nào khác. Vĩnh Hưng đâu!
Thằng hầu ứng tiếng chạy lại. Hoàng Tín Hắc nói:
– Mau mang giấy, bút, nghiêng, mực ra đây.
– Dạ!
Không lâu sau, mọi thứ đã được mang ra, bày cả trên bàn, trước mặt Lỗ tú tài. Triệu Hồng thấy vậy, nói:
– Lỗ tiên sinh, hãy mau viết đi cho sớm, muộn lắm rồi.
Lỗ tú tài nghe tên chó săn Triệu Hồng nói vậy, chẳng còn cách nào khác, đành phải cầm bút lên, viết văn tự bán vợ. Viết xong trao cho Hoàng Tín Hắc. Hoàng Tín Hắc nhận lấy, vội vàng cất đi, nói:
– Lỗ tiên sinh, hôm nay chẳng phải là ngày mùng tám tháng năm sao? Lại là ngày tốt. Ngày mai tôi sẽ qua đón vợ ngươi về.
Lỗ Kiến Minh nghe Hoàng Tín Hắc nói xong, liền nói:
– Tùy ý đại gia!
Rồi cáo từ ra về. Hoàng Tín Hắc đưa cho Đường Ngữ, Triệu Hồng mỗi đứa mười lạng bạc. Hai đứa bọn chúng nhận tiền, ra về.
Lại nói chuyện tú tài Lỗ Kiến Minh rời khỏi nhà Hoàng Tín Hắc đi về nhà. Suốt dọc đường hắn thắc tha thắc thỏm, bước theo lối cũ về phía Song Hiền.
Chỉ thấy Lỗ tú tài sải bước đi về phía ngõ Song Hiền, vượt đường ngang, ngõ tắt như tên bắn, chỉ trong chớp mắt, cửa nhà mình đã hiện ra ngay trước mặt. Tú tài xoay mình lách vào, đến thẳng vào phòng trong, tới phòng mẹ là Trần Thị trước, sau đó mới vào gặp gái tuấn kiệt họ Tiêu. Vào cửa, ngồi trên chiếc giường tre, Lỗ Kiến Minh vẫn ngây ngây dại dại như kẻ vừa câm, vừa điếc. Tiêu thị thấy vậy vội đứng dậy, mỉm cười gọi:
– Phu quân, hẳn tối hôm qua lại đi chơi rồi.
Nói xong, dâng trà tới trước mặt hắn. Tú tài thấy vậy, trong lòng chợt trào dâng hối hận, xấu hổ, chưa nói được câu nào, mặt mũi đã đỏ bừng, nói:
– Nương tử, nàng hãy ngồi xuống, ta có điều này muốn nói: Cũng bởi chẳng còn cách nào khác. Tối qua ta đi đánh bạc, chỉ vì vận đen, đánh cả đêm chẳng thắng được xu nào, ngược lại còn thua mất ba trăm lạng, hẹn trong ba ngày phải trả hết. Tôi chẳng còn cách nào khác, đành phải bán hiền thê cho người ta làm nô bộc. Người mua nàng chính là tay đại tài chủ trong phủ, họ Hoàng, tên Tín Hắc vốn nổi tiếng giàu sang. Tới nhà người ta, nàng sẽ được mặc nhung lụa, ăn toàn sơn hào hải vị, hô một tiếng sẽ có cả trăm người hầu hạ, hơn sống với ta gấp trăm ngàn lần.
Tú tài còn chưa dứt lời, Tiêu thị đã rụng rời kinh hãi, chẳng khác nào bị nước Tam Giang tạt vào mặt, bị nước Ngữ Hồ dìm dưới chân, sắc mặt trở nên rất khó coi, trắng như tờ giấy. Một hồi lâu sau nàng mới hơi định thần lại, luôn miệng gọi “lang quân”, nói:
– Thiếp với chàng tình nghĩa vợ chồng mấy năm nay nặng như non Thái, sao chàng nỡ lòng nào vứt bỏ thiếp đi?
Tú tài nói:
– Trăm cái sai, ngàn cái sai đều là ở ta cả. Tới bây giờ, có hối cũng đã muộn mất rồi! Ngày mùng chín tháng năm, Hoàng Tín Hắc sẽ tới đón nàng. Hiền thê không đi không được. Tên thổ hào ấy lẽ nào chịu bỏ qua cho ta? Xin nương tử hãy vì ta mà cam lòng chịu khổ.
Nói xong vội vàng quỳ xuống. Tiêu thị trong lòng như có vạc dầu sôi, vội đưa tay ra đỡ chồng đúng dậy, nói:
– Xin chàng hãy nghe thiếp nói: Không nên sốt ruột như vậy nợ người phải trả, đó là lẽ thường tình.
Tú tài nghe xong vội đứng dậy, trong lòng vô cùng hối hận, hổ thẹn, giả lả ra ngoài. Lỗ Kiến Minh lại lần bước tới sòng bạc, nhưng trong túi không tiền, đành đúng sau lưng kẻ khác nghển cổ hóng vào. Tạm gác chuyện của Lỗ tú tài lại, giờ ta lại nói tới chuyện giai nhân hiền hậu Tiêu thị.