Ngồi ở ghế của mình, vừa húp xì xụp bát mì vừa đọc báo mạng, Nakaoka Yuji suýt thì mắc nghẹn khi nhìn thấy bài viết với tựa đề “Nhà sản xuất phim Mizuki Yoshiro qua đời tại suối nước nóng”. Với tâm trạng hoảng hốt, anh vội mở nội dung chi tiết bài viết.
Theo bài báo, Mizuki Yoshiro cùng vợ tới thăm suối nước nóng Akakuma, nhưng khi họ thám hiểm ngọn núi gần đó, ông đã ngã quỵ và tử vong. Chuyện xảy ra trong lúc vợ ông quay lại nhà nghỉ lấy đồ để quên, khi phát hiện ra, quanh đó phảng phất mùi đặc trưng của sulfur hydro. Bài báo kết lại rằng vùng lân cận có vài nơi khí sulfur hydro phát sinh tự nhiên từ lòng đất, và nạn nhân có thể đã vô tình giẫm phải nơi có nồng độ khí độc cao.
Sulfur hydro, công thức hóa học: H2S, là hợp chất khí ở điều kiện nhiệt độ thường, có mùi trứng thối, rất độc.
Nakaoka để lại bát mì đang ăn dở trên bàn, mở ngăn kéo. Trong đó có hầm bà lằng đủ thứ, nên mất một lúc anh vẫn chưa tìm được món đồ cần thiết. Cuối cùng, anh rút ra một chiếc phong bì từ xấp tài liệu. Tên người nhận là “Đồn cảnh sát Azabu Kita, tổ án mạng”. Phong bì được chuyển tới sở cảnh sát khoảng ba tháng trước và được giao cho Nakaoka vì tình cờ khi đó anh rảnh việc. Chủ nhiệm ban Narita vừa đưa phong bì ra vừa nói với vẻ mặt không chút quan tâm: “Chắc lại là trò đùa của mấy ông già rỗi việc thôi, nhưng anh cứ xem qua cho chắc.”
Người gửi đề tên là Mizuki Miyoshi. Cho tới khi đọc nội dung thư, anh vẫn không biết đó là đàn ông hay phụ nữ.
Nakaoka mở bức thư ra. Những con chữ mềm mại bằng mực xanh nằm ngay ngắn.
Sau câu chào hỏi, bức thư viết: “Xin thứ lỗi cho nội dung thô lậu, nhưng có một chuyện bằng giá nào tôi cũng muốn được hỏi ý kiến các anh, nên đã mạn phép viết thư này.” Và bức thư được viết tiếp như sau:
Năm nay tôi tám mươi tám tuổi. Cuộc đời tôi nhiều thăng trầm, nhưng tôi đã sống được tới nay mà chưa phải trải qua khổ cực đáng kể nào. Hiện tại tôi vừa mơ hồ nghĩ sẽ thật may mắn nếu Chúa trời đón tôi đi thật nhẹ nhàng, vừa sống từng ngày sao cho không có gì phải hối tiếc.
Tôi không còn lưu luyến điều gì, nhưng gần đây có một việc khiến tôi không thể yên lòng. Không gì khác, đó là chuyện về con trai tôi. Gọi là con trai, nhưng nó đã bước qua nửa sau tuổi lục tuần, sắp đến tuổi già rồi, có lẽ tôi cứ để mặc nó cũng không sao. Nhưng ở cạnh nhìn nó, tôi không sao yên tâm được.
Con trai tôi đã làm công việc liên quan tới phim ảnh nhiều năm. Tên nó là Mizuki Yoshiro. Có thể các anh cảnh sát không biết nó, nhưng không ít phim do nó sản xuất được coi là tác phẩm tiêu biểu của Nhật Bản. Có thể mắt nhìn của một người mẹ không đủ khách quan khi cho rằng nó đã gây dựng được một địa vị tương xứng như thế, nhưng thực lòng tôi thấy rất vui sướng.
Mặt khác Yoshiro từng là một người hoàn toàn không quan tâm tới chuyện xây dựng một gia đình hạnh phúc. Những câu chuyện nó kể tôi nghe khi thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau cũng đều là những chuyện chán ngắt. Chuyện đi nước nào đó và thua bạc mấy triệu yên, chuyện mời nhiều nghệ sĩ tới nhà ca múa tưng bừng ba ngày ba đêm, toàn những chuyện chẳng nghiêm túc tử tế gì cả. Vì thế nên dù có kết hôn cũng không được lâu bền, nó đã ly hôn tới hai lần. Khi nó hơn sáu mươi tuổi, tôi nghĩ có vẻ nó đã chuẩn bị tinh thần sống độc thân tới cuối đời nên đành bỏ cuộc, vì nếu bản thân nó thấy ổn với điều đó thì tôi chẳng còn cách nào khác.
Thế nhưng khoảng hai năm trước, đột nhiên nó nói với tôi rằng nó đã kết hôn. Khi nghe tuổi của con dâu, tôi sửng sốt. Cô ta mới có hai mươi sáu. Cách Yoshiro gần bốn mươi tuổi. Tôi phản đối. Vì tôi không thể tin một cô gái trẻ đến thế lại có thể kết hôn với Yoshiro chỉ vì bị thu hút bởi nhân cách của nó. Chắc chắn cô ta nhắm vào tài sản thôi, tôi cũng nói với Yoshiro như vậy.
Yoshiro bảo nó hiểu điều ấy. “Con biết, nhưng như thế cũng được. Con thích cô ấy. Nếu có thể giữ cô ấy với tư cách một người vợ ở bên mình, thì dù mục đích của cô ấy là tiền hay gì cũng không sao. Thiên hạ hẳn sẽ nói vào nói ra, nhưng ai thích nói gì thì cho họ nói. Mẹ cũng đừng để ý.” Con trai tôi nói như vậy.
Nếu nó đã nói đến thế thì tôi chẳng còn cách nào để phản đối được. Nhưng ngày hôm sau, khi nhìn thấy cô gái đó, trống ngực tôi đánh dồn dập. Đó là vì, không những đẹp tới mức khiến tôi lập tức hiểu tại sao Yoshiro lại say mê cô ta đến thế, mà từ cô ta còn vương vất một thứ như yêu khí dụ hoặc trái tim đàn ông. Tôi có dự cảm rằng cuộc đời con trai mình sẽ bị hủy hoại bởi cô ta mất.
Hiện tôi đang sống một mình tại căn hộ chung cư dành cho người cao tuổi có kèm dịch vụ hộ lý. Cách vài tháng con trai tôi dẫn cô ta tới thăm một lần, nhưng mỗi lần nhìn cô ta tôi lại càng thấy bất an hơn. Ngoài mặt cô ta tỏ ra quý phái tao nhã, nhưng trong mắt tôi cô ta chỉ là một con yêu nữ đang diễn kịch tài tình mà thôi. Chỉ là, có vẻ như mỗi mình tôi là mẹ Yoshiro nên mới nhận ra điều này, còn mọi người ở ban quản lý chung cư và người quen của tôi đều nói cô ta còn trẻ mà hiểu biết, thật tận tụy với chồng, rằng con trai tôi may mắn, về già lại lấy được cô vợ trẻ đẹp người đẹp nết như vậy. Với tôi, họ thật không có mắt nhìn người.
Con trai tôi đã nói cô ta nhắm vào tài sản cũng được. Tôi cũng định chấp nhận rằng chuyện cô ta ít nhiều có tư tưởng đó là việc không thể tránh khỏi. Nhưng giờ đây tôi đang dự cảm thấy một chuyện đáng sợ hơn thế nhiều.
Nếu nhắm vào tài sản, thì thường sẽ muốn có được nó nhanh nhất có thể, lòng người xưa nay vẫn vậy. Con dâu tôi chắc chắn mong đợi chồng nó chết sớm. Nhưng Yoshiro từ xưa luôn mạnh khỏe, chưa từng ốm nặng bao giờ. Nếu mong đợi một người như thế chết sớm, chẳng phải chỉ có một cách thôi sao.
Tôi bắt đầu nghĩ như vậy sau khi nghe con trai tôi kể nó đã tham gia bảo hiểm nhân thọ hôm trước. Yoshiro trước giờ chưa từng quan tâm đến chuyện đó. Bởi nó cho rằng chẳng có lý do gì mà phải quan tâm đến những chuyện sau khi mình chết cả. Khi tôi hỏi kỹ hơn, hóa ra chuyện đó là do vợ nó khuyến khích. Không phải cô ta đang âm mưu một chuyện gì đó rất đáng sợ ư?
Càng nghĩ tôi càng thấy lo. Nhưng tôi chẳng có ai để bàn bạc. Sau khi cân nhắc ngược xuôi, tôi nghĩ quả nhiên chuyện này phải nhờ cậy tới các chuyên gia nên mới viết bức thư này. Tôi chọn đồn cảnh sát của các anh là vì tôi nghĩ đây là cơ quan đảm trách khu vực con trai tôi sinh sống, nếu không phải, rất mong các anh chuyển tới cơ quan thích hợp giúp tôi. Tôi cũng rất muốn được nghe ý kiến quý báu của các anh.
Lần đầu đọc thư, anh đã hiểu tại sao Narita lại có vẻ hờ hững như vậy.
Một chuyện thường thấy. Nếu anh con trai đã có chút tài sản kết hôn với một cô gái kém tới bốn mươi tuổi thì người mẹ lo lắng thế này là tất nhiên. Nhưng thực tế chưa có chuyện gì xảy ra cả. Cảnh sát không rảnh tới mức có thể chăm lo cho lo lắng vẩn vơ của từng người từng người được.
Thế nhưng nếu không có hành động gì đáp lại bức thư dài tâm huyết thế này, về sau ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra, chắc chắn anh sẽ bị dư luận vùi dập tơi tả. Mặc dù không thoải mái gì, nhưng Nakaoka vẫn quyết định đi gặp người viết bức thư. Cuối thư có ghi địa chỉ và số điện thoại.
Nhà dưỡng lão mà Mizuki Miyoshi đang sống nằm ở Chofu. Trong tòa nhà có các cơ sở như nhà ăn, nhà tắm lớn và trưng tâm chăm sóc, nhưng nếu gạt những cái đó ra thì tòa nhà này chẳng khác gì một chung cư bình thường. Thậm chí còn thuộc hàng chung cư cao cấp nữa. Nakaoka gặp Mizuki Miyoshi tại phòng họp nhỏ, nhưng bà kể phòng bà là một phòng khép kín cỡ rộng; giường, bàn và ghế xô-pha được bày rộng rãi thoải mái. Không chỉ nhà tắm và toa lét, trong phòng còn được lắp đặt kệ bếp nữa.
“Tôi vào đây bảy năm trước. Yoshiro trả tiền cho tôi đấy.” Bà Mizuki Miyoshi có vóc người và khuôn mặt nhỏ nhắn nói, không giấu sự vui sướng.
Hỏi ra mới biết, tiền nhà không được trả hằng năm mà trả liền một cục mười sáu năm ngay từ đầu. Nakaoka nhanh chóng tính nhẩm trong đầu, cuối cùng kết luận rằng số tiền đó không thể dưới 40 triệu yên được. Chẳng trách bà Mizuki Miyoshi có vẻ tự hào đến thế.
Tuy Mizuki Miyoshi đang vui vẻ tươi cười, nhưng khi Nakaoka nhắc tới chuyện bức thư, miệng bà méo xệch đi tới nỗi những nếp nhăn trên mặt trũng sâu xuống. “Tôi lo quá anh ạ. Tôi cứ nghĩ lỡ lúc nào đó nó bị hạ độc thì biết phải làm sao.”
“Trên thực tế có chuyện gì khiến bà cảm thấy dấu hiệu của việc đó rồi ạ?”
“Chuyện đó thì cứ nhìn cô ta là tôi lại thấy thế. Mặt cô ta rõ là đang ủ mưu gì mà.”
“Không phải chuyện cảm giác, có việc gì cụ thể hơn thế không ạ? Ví dụ như con trai bà sau khi ăn đồ ăn vợ nấu thì kêu có vị lạ chẳng hạn.”
“Cô ta có mấy khi nấu ăn đâu. Toàn ăn ngoài thôi. Thực sự là chẳng thấy cô ta có ý thức cố gắng chăm lo cho chồng gì cả.”
Mizuki Miyoshi than phiền một tràng dài về cô gái trẻ tên Chisato đó.
“Bà có nghe chuyện con trai bà bị tai nạn hoặc gặp nguy hiểm bao giờ chưa?”
Bà lão nhỏ nhắn nghiêng đầu, khẽ rên:
“Tôi có cảm giác đã từng nghe chuyện như thế rồi. Nhưng mà dù có những chuyện như thế thật, Yoshiro cũng sẽ không kể cho tôi đâu.”
Tóm lại, quả nhiên mọi điều đều chỉ là bà Mizuki Miyoshi tưởng tượng ra thôi. Chưa tới mức hoang tưởng, nhưng nghe chỉ thấy đó là những lo lắng thái quá, không hơn.
Như thể nhìn thấu nội tâm Nakaoka, Mizuki Miyoshi chắp hai tay lại.
“Anh làm ơn giúp cho, anh cảnh sát ơi. Hãy điều tra cô ta đi. Tự nhiên cô ta bắt con trai tôi mua bảo hiểm nhân thọ, không phải quá đáng nghi hay sao? Chắc chắn cô ta đang tính nước gϊếŧ hại con trai tôi đó. Xin các anh hãy theo dõi, đừng để cô ta tung hoành như thế.”
“Dù vậy, thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì xảy ra, chúng cháu cũng không thể làm gì được.”
Nakaoka vừa dứt lời, ánh mắt Mizuki Miyoshi đột nhiên trở nên dữ dội. Miệng bà méo xệch đi, ngay sau đó bà rủa anh là đồ ăn cắp thuế.
“Đợi có chuyện gì thì quá muộn rồi. Cảnh sát là để làm gì hả? Tôi đóng thuế bao nhiêu năm trời nay. Công việc của các anh không phải là ra tay can thiệp những lúc như thế này hay sao? Đồ vô dụng!”
Trước sự thay đổi thái độ chóng mặt của bà lão, Nakaoka tròn xoe mắt. Bà lão hừ mũi, ngoảnh phắt sang một bên.
Nakaoka gãi gãi đầu. Anh không thể nhận lời bừa, nhưng xem chừng bà lão sẽ không để anh ra về thế này.
“Cháu hiểu rồi. Cháu sẽ báo với bên cảnh sát khu vực, nói họ khi nào đi tuần thì đặc biệt chú ý tới nhà của con trai bà ạ.”
Đúng là kiểu trả lời qua loa của giới công chức, nhưng với đôi tai của một bà lão không hiểu gì mấy về cảnh sát, thì câu đó lại nghe như anh cảnh sát vừa hứa sẽ đảm bảo an toàn cho con trai bà vậy. Bà quay qua anh, nét mặt lập tức dãn ra.
“Thế ư, cảm ơn anh. Xin được trông cậy cả vào anh!” Bà cúi đầu lia lịa. Khi Nakaoka về, bà nói: “Cảm ơn anh lặn lội từ xa tới đây. Món này là món khoái khẩu của ông nhà tôi ngày xưa đấy. Khi nào lên xe điện về anh bỏ ra ăn thử nhé.” Đoạn bà đưa cho anh một thứ được gói trong giấy mỏng. Khi anh hỏi thì được biết bên trong có hai chiếc bánh bao hạt dẻ. Anh không thích đồ ngọt, nhưng từ chối thì thất lễ nên đành nhận, và anh thực sự đã ăn hai chiếc bánh bao trên xe điện lúc về.
Anh lập tức báo cáo tới Narita nội dung cuộc nói chuyện với Mizuki Miyoshi. Đương nhiên, ngay cả lúc ấy cấp trên của anh vẫn không tỏ ra mảy may quan tâm. Cả khi Nakaoka đề xuất “Hay là em nói với bên cảnh sát khu vực và ban an toàn cộng đồng nhé?”, anh cũng chỉ nhận được câu trả lời “Việc đó không cần thiết.”
Kể từ đó ba tháng trôi qua, đúng như Mizuki Miyoshi lo sợ, con trai của bà đã vong mạng.
Nakaoka đút bức thư vừa đọc lại sau một thời gian dài bị bỏ bẵng vào phong bì. Anh chăm chú nhìn màn hình máy tính lần nữa, khẽ lắc đầu. Thật ngớ ngẩn. Dù nghĩ thế nào thì đây cũng chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn thôi. Anh không cần để ý tới.
Anh với lấy bát đựng mì, bắt đầu ăn nốt chỗ mì còn lại, nhưng nó đã nguội ngắt. Rốt cuộc, anh bỏ nó lại.
Đột nhiên anh nhớ tới hai chiếc bánh bao mình ăn trong xe điện trên đường từ Chofu trở về. Chắc hẳn hai chiếc bánh mang vị ngọt dịu, nhưng sao giờ đây trong hồi tưởng của anh, chúng lại ngai ngái đắng.