Ma Thổi Đèn

Quyển 8 - Chương 5: Cái hộp đen



Ánh mắt tôi dừng lại trên cái hộp đen treo trước cửa tiệm một lúc lâu, nhìn kỹ rồi, trong lòng thầm tính toán, thiết tưởng không nhầm được, bèn quay sang hỏi tay chủ quán trọc đầu: “Hỏi ông chủ thêm một chuyện nữa nhé, tiệm tạp hóa trên phố kia là cửa hàng quốc doanh hay hộ cá thể vậy?”

Tay chủ quán đầu trọc vừa luôn tay xào nấu vừa ngẩng lên liếc nhìn cửa tiệm tôi nói, đáp: “Đấy là hộ cá thể, chủ tiệm tên là Lý Thụ Quốc, người ở Bảo Định đến, chỉ giỏi bốc phét, không biết làm ăn buôn bán gì cả, cửa tiệm chẳng có thứ lào ra hồn đâu. Chú em muốn mua gì, chi bằng đi dọc phố xuống chút nữa, có cửa hàng quốc doanh đấy.”

Vừa nghe nói chủ tiệm tạp hóa là người phủ Bảo Định, tôi biết ngay không thể sai được, liền cán ơn tay đầu trọc rồi trở lại ngồi xuống bên cạnh bọn Shirley Dương, Shirley Dương hỏi: “Sao rồi? Có nghe ngóng được tin tức gì không?”

Tôi đáp: “Người ở đây đều không biết đại vương cụt đầu gì cả, nhưng lại có phát hiện bất ngờ…” Nói đoạn, tôi đưa tay chỉ tiệm tạp hóa ở góc phố, để mọi người nhìn thấy cái hộp đen treo ngay trước cửa.

Tuyền béo ngạc nhiên hỏi: “Cửa tiệm quan tài thôi mà, cậu định mua quan tài cho ai hả?”

Tôn Cửu gia nói đó chắc chắn không phải mô hình quan tài, ông ta thường xuyên qua lại các vùng nông thôn, chưa từng thấy trong dân gian có cửa tiệm quan tài nào như vậy, hơn nữa làm gì có tiệm tạp hóa nào bán quan tài chứ? Không rõ treo hộp đen ngoài cửa tiệm như thế có ý gì, chẳng lẽ là ăn no rửng mỡ?

Ông ngoại của Shirley Dương là Ban Sơn đạo nhân nổi danh thời Dân Quốc, nắm được hết những lề thói chốn gian hồ lục lâm, vì vậy dù sinh trưởng ở nước ngoài, song Shirley Dương cũng thông hiểu rất nhiều tiếng lóng của giới giang hồ. Tồn Cửu gia tiếng là giáo sư và Tuyền béo còn đang nghĩ ngợi, thì cô đã nhìn ra chút manh mối, bèn bảo tôi: “Cái hộp gỗ này thủng lỗ chỗ, giống như thùng ong của người nuôi ong vậy, có lẽ chủ tiệm xuất thân từ Phong Oa Sơn cũng nên.”

Tôn Cửu gia nghe xong lầm bầm thắc mắc: “Phong Oa sơn? Nuôi ong mật à? Không thể nào, các cô cậu nhìn những lỗ ấy mà xem, lớn nhỏ không đều, nông sâu cũng khác, chẳng có quy tắc gì hết, có lẽ đều là dùng dao khoét ra. Phỏng chừng đây là tập tục gì đó của dân bản địa, các cô cậu đừng có nôn nóng võ đoán, chúng ta cần phải tôn trọng phong tục dân gian của quần chúng địa phương mới được.”

Tôi nói: “Về mặt này thì giáo sư Tôn nhà ông đúng là ngoại đạo rồi, tôi chẳng buồn cãi nhau với ông làm gì. Chúng ta cũng đừng chỉ nói mồm nữa, cứ vào đấy hỏi mua đồ, xem xem bên trong có vị nguyên lão nào của Phong Oa sơn ẩn cư hay không là được chứ gì.”

Tuyền béo thực ra cũng chẳng hiểu quái gì, nhưng vẫn ra vẻ ta đây hiểu biết, huênh hoang bảo Tôn Cửu gia: “Lòi dốt ra rồi hả? Không biết gì thì đừng có nói nhăng, chớ tưởng ông là chuyên gia nọ kia gì đấy thì lĩnh vực nào cũng chõ miệng vào được. Giáo sư chuyên gia không phải Biết Tuốt, sau này đi theo đại gia Tuyền béo đây mà học hỏi thêm đi, để tôi mở mắt cho.” Nói xong, cu cậu liền và vội hai miếng cơm, xách ba lô lên, cùng chúng tôi đi tới trước cửa tiệm cũ kỹ kia.

Trong tiệm có một già một trẻ, người già tầm bảy tám chục tuổi, râu tóc đã bạc trắng, tay nắm hai viên bi sắt, nằm trên ghế bập bênh gật gù nửa tỉnh nửa mơ, chắc hẳn đây chính là ông chủ tiệm họ Lý; ngoài ra, còn một cô gái trẻ tầm hơn hai mươi, mi thanh mục tú, bộ dạng xem chừng rất lanh lợi, tóc thắt hai bím buông xuống trước ngực, từ đầu đến chân đều toát lên vẻ sạch sẽ gọn gàng, thoạt nhìn đã biết là con gái Tứ Xuyên, trông không giống như có quan hệ máu mủ ruột rà gì với ông chủ, có thể là người làm công trong tiệm. Cô thấy chúng tôi bước vào, lập tức rối rít tiếp đón, hỏi tôi muốn mua thứ gì.

Tôi đưa mắt nhìn quanh, thấy đồ đạc trong tiệm tuy cũ kỹ, nhưng mọi ngóc ngách đều được quét dọn sạch bong, có một tủ quầy hàng bằng gỗ, nước gỗ bóng như quết dầu, không biết đã dung bao nhiêu năm. Trên mặt tủ nổi bật nhất là dãy những hũ thủy tinh, bên trong chứa đầy các loại kẹo màu sắc sặc sỡ, ngoài ra còn một số thổ sản địa phương. Các loại hàng hóa trên giá bày hàng, nhất loạt đều được sắp xếp rất gọn gàng ngăn nắp.

Tôi biết, đám người Phong Oa sơn cũng là nghệ nhân thuộc bảy mươi hai nghề truyền thống, loại cửa tiệm này vừa buôn bán công khai vừa giao dịch ngầm, kinh doanh hai loại mặt hàng hoàn toàn khác nhau, có điều, nếu người lạ xồng xộc đi thẳng vào, chủ tiệm tuyệt đối không bao giờ làm ăn thực sự với y. Tôi nghĩ phải kiếm cớ trước đã, vừa khéo vào núi trộm mộ cần dùng một ít đồ lặt vặt, lúc đi vội quá vẫn chưa chuẩn bị hết, bèn nói với cô gái: “Em gái, bọn anh muốn mua nến, và giấy trắng, dây thừng, diêm loại thượng hảo hạn, thêm hai cân đường viên nữa.”

Cô gái nghe xong, liền theo đúng số lượng lấy ra những thứ tôi yêu cầu, Tuyền béo đứng bên cạnh bổ sung: “Anh bảo cô em này, nến cũng phải chọn loại hảo hạng đấy nhé, không phải hàng hiệu bọn anh không mua đâu.”

Cô gái nghĩ Tuyền béo định trêu mình, hơi giận dỗi nói: “Cái anh này định giở trò đấy hả? Có ai đi mua nến cũng đòi xem nhãn hiệu bao giờ?”

Bấy giờ, ông chủ tiệm mới he hé mắt, xoay xoay hai viên bi sắt bảo cô gái: “Út à, những vị này đều là quý khách từ xa đến, không được vô lễ.”

Tôi thấy ông chủ đã tỉnh giấc, thầm nhủ, cô Út này còn trẻ măng, không giống như người Phong Oa sơn, còn ông già chủ tiệm tuy tuổi tác đã cao song già mà không lú, nói năng không tầm thường, chưa biết chừng chính là đại hành gia ở Phong Oa sơn cũng nên, nghĩ đoạn bèn lên tiếng chào hỏi: “Ông chủ, chúng tôi định mua của ông mấy món hàng, không biết ở đây có sẵn không?”

Ông chủ không tỏ thái độ gì, nói: “Hàng hóa đều bày cả trên quầy đấy rồi, quý khách muốn thứ gì cứ hỏi con bé Út ấy.”

Tôi nghĩ ông chủ này cố tình giả ngốc với chúng tôi, định dùng tiếng lóng nói rõ ý đồ của mình với ông ta, nhưng tôi cũng chỉ được nghe ông nội Hồ Quốc Hoa nói qua một ít tiếng lóng, đa phần đều là từ ngữ trong nghề đổ đấu, còn loại tiếng lóng thông dụng được gọi là Sơn Kinh thì chỉ biết lõm bõm mấy câu, mà toàn thứ chắp vá không trọn vẹn, nhất thời không tìm được câu từ nào thích hợp, lại không thể phạm vào cấm kỵ mà hỏi trực tiếp, tránh để đối phương cho rằng mình là kẻ ngoại đạo. Tôi vội đưa mắt ra hiệu cho Shirley Dương, bảo cô ra mặt nói chuyện.

Shirley Dương hiểu ý gật đầu, bước lên nửa vô tình nửa hữu ý nói với ông chủ tiệm: “Đường qua non cao ngẩng đầu ngắm, thấy trên non có bảng chữ vàng; bảng chữ bạc sau bảng chữ vàng, dãy dãy đều là chữ phong.”

Ông chủ nghe tiếng bừng mắt, quan sát từ đầu xuống chân Shirley Dương, cơ hồ không tin nổi những lời này có thể thốt ra từ miệng cô, còn tưởng mình nghe lầm, lại lập tức dùng Sơn Kinh hỏi rằng: “Một tấm gương rọi chiếu hai núi, chiếu ra gió vàng thổi đầy mặt; không biết lộ nào qua Phong Sơn, mà lại biết bảng vàng bảng bạc?”

Shirley Dương không cần nghĩ ngợi, thuận miệng trả lời ngay: “Con diều trong gió bay men núi, quất ngựa vung cương vội lên đường; đội ngũ chưa tề xin đừng trách, lễ mạo sơ xài chớ để tâm.”

Ông chủ tiệm càng lộ vẻ kinh ngạc, hỏi tiếp: “Lên núi xuống núi? Đến vì cớ chi?”

Shirley Dương đáp: “Không lên không xuống, muốn thỉnh phong hạp.”

Ông chủ tiệm vuốt râu khe khẽ gật đầu, nhưng xem chừng vẫn chưa yên tâm lắm, tiếp tục truy vấn: “Phong gia dễ gặp, phong hạp khó mời, không biết mời đi đâu làm gì?”

Shirley Dương không muốn tùy tiện tiết lộ hành tung, chỉ thoái thác rằng: “Trà lưu khách danh sơn, cửa đón bạn ngũ hổ. Đều là người trong núi, hà tất hỏi ngọn ngành.”

Chỉ thấy ông chủ tiệm vỗ đùi đánh đét, đứng dậy khỏi ghế, khen rằng: “Nói có lý lắm, mấy chục năm nay chưa từng gặp ai nói năng rành rọt thế này. Út à, mau mời quý khách vào nhà trong.”

Đoạn đối thoại giữa Shirley Dương và ông chủ tiệm, tôi còn nghe hiểu được đại khái, chứ Tuyền béo và Tôn Cửu gia thì đúng là như rơi vào sương mù dày đặc, không hiểu mô tê gì cả. Tuyền béo nghe tai trái lọt tai phải, đối với chuyện này cũng chẳng buồn động não làm gì, chỉ có giáo sư Tôn nghe xong cứ ngây ra tại chỗ. Khi cả bọn vào nhà trong rồi, mới nghe ông ta ở phía sau lẩm bẩm một mình: “Toàn tiếng lóng của bọn thổ phỉ à!”

Chúng tôi theo ông chủ và cô Út vào nhà trong, phía sau cửa tiệm là một căn nhà gỗ hai tầng, dùng làm nơi sinh hoạt thường ngày. Nhưng ông ta không dẫn bọn tôi vào phòng khách, mà đưa thẳng xuống hầm ngầm dưới đất.

Hầm ngầm này giống như một xưởng thủ công, bên trong chỉ riêng máy mài cắt đã có bốn năm cái, sát tường bày đầy các thứ ám khí như ống phóng tên, phi tiêu, phi hổ trảo và đủ loại vũ khí khác nhau, có thứ từng gặp, có thứ chưa, thậm chí có cả những thứ chúng tôi còn không biết tên, càng không biết dùng để làm gì.

Giáo sư Tôn ở phía sau kéo tôi lại, hỏi chuyện này rốt cuộc là thế nào? Cái hộp gỗ treo trước cửa tiệm là gì? Phong Oa sơn là gì? Sao mới nói mấy câu tiếng lóng, đã dẫn chúng ta vào trong này như thế?

Tôi cười bảo, Cửu gia à, đúng là ông phải học hành cho tử tế rồi, tôi đoán từ lúc kiếm được cái danh hão giáo sư ấy, ông không biết trời cao đất dày là gì nữa phải không? Người không học hành thì phải xét lại, vì vậy mới cần học, học nữa, học mãi. Một ngày không học thêm vấn đề, hai ngày không học liền trượt dốc, ba ngày không học tiêu đời luôn, cứ vậy mãi thì làm sao được chứ?

Giáo sư Tôn nói: “Thôi đừng đùa tôi nữa, tôi cũng chẳng muốn thế, nhưng mấy món này biết học ở đâu đây? Rốt cuộc bọn họ có ý gì vậy?”

Tôi đành giải thích sơ qua với lão ta, từ thời xa xưa đã có một số ngón nghề bị cấm, vì vậy các ngành các nghề đều có ám ngữ riêng, cũng chính là thứ ngày nay người ta vẫn gọi bằng “thuật ngữ chuyên ngành”. Nhưng mỗi nghề mỗi khác, để có thể truyền đạt thông tin rộng rãi, trong bảy mươi hai nghề truyền thống sản sinh ra một loại tiếng lóng thông dụng, gọi là Sơn Kinh.

Phong Oa sơn là tập hợp những người thợ chuyên chế tác các loại ám khí. Có điều, cái thứ ám khí này từ thời cổ đại đã bị nghiêm cấm, còn chặt chẽ hơn cả việc quản chế đao kiếm, xưa nay chưa ai dám trắng trợn mở tiệm buôn bán cả, mà đều chỉ ngấm ngầm dao dịch. Trước cửa tiệm treo một cái hộp gỗ đen, bên trên toàn lỗ nhỏ, đó đều là dấu vết lúc thử ám khí cả đấy. Treo cái hộp đen ấy lên trước cửa, người biết nghề vừa nhìn liền biết ngay trong tiệm này có bán ám khí, đi vào dùng tiếng lóng nói chuyện là có thể giao dịch mua bán. Nếu không biết mặt hàng, một là không thể nhìn ra được, hai là dù có trả bao nhiêu tiền, cũng chẳng mua nổi đồ thật.

Tôi giải thích cho giáo sư Tôn xong, lại bước đến bắt chuyện với ông chủ tiệm. Thì ra ông chủ họ Lý này quê quán ở phủ Bảo Định, Hà Bắc. Phủ Bảo Định nổi tiếng là quê hương võ thuật, bao đời nhà ông chủ Lý đều là nghệ nhân của Phong Oa sơn, chuyên chế tạo các loại ám khí tinh xảo. Sau sự kiện ngày bảy tháng Bảy , chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, ông chủ Lý chạy nạn vào Xuyên, mai danh ẩn tích, dùng tên giả mở tiệm bán đồ tạp hóa, trên thực tế vẫn muốn làm nghề cũ.

Nhưng sau Giải phóng, những ngón nghề truyền thống và cả hệ thống tiếng lóng Sơn Kinh dần thất truyền, đã mấy chục năm nay ông ta chưa bán được món ám khí nào, đến giờ vẫn treo cái hộp gỗ đen trước cửa nhà hoàn toàn chỉ là hành vi “thấy yên nhớ ngựa, nhìn vật nhớ người” mà thôi. Không ngờ hôm nay lại gặp được khách biết bảng hiệu chữ “Phong”, cũng may các đồ nghề năm xưa ông ta vẫn còn giữ đầy đủ.

Đám mấy người chúng tôi chuyến này vào Xuyên, ngoài xẻng công binh không mang vũ khí gì khác, cả con dao lính dù cũng không dám giắt theo, hai bàn tay không đi sâu vào Vu Sơn tìm mộ cổ, không khỏi có chút thiếu thốn. May gặp được bảng hiệu chữ “Phong” ở thị trấn nhỏ này, hiển nhiên cũng muốn mua một ít khí giới thuận tay. Thời buổi ngày nay mấy thứ tụ tiễn với phi tiêu đã chẳng còn ai biết dùng nữa, bọn tôi chỉ tìm vài thứ lợi khí có lưỡi sắc phòng thân mà thôi.

Ở đây có Nga Mi thích, nhỏ gọn sắc bén, được rèn từ thép tinh luyện lại tiện mang theo, nên mỗi người đều lấy một thanh giấu trong mình. Tuyền béo lại nhìn trúng cái nỏ liên châu duy nhất, thứ này xạ trình không bằng súng trường, nhưng một hộp bốn mươi hai mũi Táng Môn tiễn có thể phát ra liên tục, mũi tên có khả năng xuyên thủng áo giáp trong khoảng cách mấy chục bước, cũng chỉ có bàn tay khéo léo của người thợ Phong Oa sơn mới chế tạo ra được thứ vũ khí lợi hại nhường này mà thôi.

Tuyền béo lại gặng hỏi: “Ông chủ à, hàng họ của ông ở đây đúng là thứ gì cũng có, tôi hoa hết cả mắt lên rồi, không biết món nào mới là bảo bối trấn sơn đây? Mang ra cho chúng tôi mở rộng tầm mắt cũng được.”

Ông chủ cười ha hả, nói: “Bảo là bảo bối trấn sơn thì thực không dám nhận, có điều, ở đây tôi có một món vũ khí rất tinh xảo, cũng là tác phẩm đắc ý trong đời lão già này. Để nó quanh năm ngày tháng ở chốn này cho gỉ sét ra thì uổng quá, chỉ là không biết các cô cậu đây có hứng thú không? Được rồi, cứ xem qua rồi tính tiếp, các vị anh hùng, mời thưởng thức…” Nói đoạn, ông ta mở một cái hộp dài, bên trong có món đồ bọc kín bằng mấy lớp vải gấm. Đến khi ông chủ Lý mở lớp vải gấm ra, tôi và Tuyền béo, Shirley Dương đều đồng thanh thốt lên kinh ngạc: “Ô Kim Cang!”

Ô Kim Cang là vũ khí hộ thân của Mô Kim hiệu úy, năm xưa Liễu Trần trưởng lão ở Vô Khổ tự từng để lại một chiếc, Shirley Dương mang từ Mỹ về, có điều khi chúng tôi đi đào mộ Hiến vương ở Vân Nam đã làm thất lạc. Công nghệ chế tạo cũng như chất liệu của cái ô này đều là bí mật, thất truyền đã lâu, muốn tìm người làm lại là bất khả, thật chẳng ngờ ông chủ Lý lại từng chế tạo ra một chiếc thế này. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: “Chẳng lẽ ông chủ này cũng từng làm Mô Kim hiệu úy?”

Tôi vội hỏi rõ nguyên do, thì ra thời Dân Quốc ông chủ Lý đã nổi tiếng như cồn, trong hai đạo hắc bạch không ai không biết “Ám khí Lý” ở phủ Bảo Định, thường hay có nhiều vị khách từ khắp ngũ hồ tứ hải tìm đến đặt ông ta làm những món đồ ly kỳ cổ quái. Nhiều năm trước, từng có một vị thương nhân cầm bàn tính, đặc biệt đến đặt làm chiếc ô Kim Cang này, đồng thời còn để lại bản vẽ và bí phương về tỷ lệ hợp kim. Có điều, khi ông chủ Lý làm xong chiếc ô Kim Cang thì người khách kia lại “hạc vàng đi mất không còn bóng “, chẳng thấy quay lại lấy hàng, đến giờ qua bao nhiêu năm, thiết tưởng người kia cũng chẳng còn trên đời này nữa.

Tôi cầm ô Kim Cang trên tay, lật đi lật lại xem xét, cảm giác rất thật, chẳng khác gì chiếc ô hồi trước. có thứ này trong tay, dù lên núi đao hay xuống biển lửa tôi cũng chẳng chau mày, trong lòng không khỏi mừng rỡ như điên, lập tức y theo giá ông chủ đưa ra mà đếm tiền trả ngay, không mặc cả mặc nhẽ gì hết.

Tôi thấy ông chủ Lý này cũng là hạng lão làng giang hồ, nói không chừng có thể thăm dò chút tin tức cũng nên, bèn hỏi ông ta xem trấn Thanh Khê ở đâu? Thời xưa ở vùng này có vị đại vương nào bị chặt đầu không?

Ông chủ tiệm nói: “Thấy các vị không tiếc tiền bạc mua những thứ vũ khí sắc bén, lại đều là bậc hành gia biết người biết của, chuyến này đến Vu Sơn chắc chắn không phải để làm chuyện vặt vãnh. Vả lại, giữa hai hàng lông mày có nét âu lo, thiết tưởng cũng không phải vì tiền tài mà đến, nếu lão già này không nhìn nhầm, qua nửa là việc cứu người chi đây. Cùng là người trong giang hồ với nhau, theo lý tự nhiên lão phải ra sức tương trợ, nhưng lão cũng chỉ là người sống nơi đất khách, mấy chục năm nay bệnh tật đầy người, thường ngày rất ít ra khỏi cửa, đối với phong vật địa phương không hiểu biết lắm, sợ rằng không giúp được các vị rồi.”

Tôi khách khí nói: “Tấm lòng của ông chủ chúng tôi xin nhận, để chúng tôi đi tìm người khác hỏi thăm vậy.” Nói xong, tôi định dẫn cả bọn cáo từ.

Chợt ông chủ Lý lên tiếng: “Gượm đã nào, tôi còn chưa nói hết. Bên cạnh lão già này chỉ có đứa cháu gái nuôi là con bé Út đây, quê nó vốn ở Thanh Khê, sao không để nó nói cho các vị biết.” Dứt lời, ông ta gọi Út đến, bảo cô kể chuyện về trấn Thanh Khê cho chúng tôi.

Út không biết chúng tôi định làm gì, ngạc nhiên hỏi: “Trấn Thanh Khê? Đã chẳng còn từ mười mấy năm trước rồi mà, đường dốc ngược lên, chẳng đi được đâu, các anh tìm chỗ ấy làm gì kia?”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.