Mê Tông Chi Quốc

Chương 151: Hồi 3: nguyên lý bất định của wemer



Nhị Học Sinh lạnh tanh vọt ra một câu khiến hội Tư Mã Khôi lập tức cảnh giác, bởi đáp án của ẩn số chính là bí mật vùi dưới vực sâu, còn kết quả đáp án là sự việc phát sinh sau khi tìm thấy bí mật; và nếu phân tích theo lôgíc này, thì thủ lĩnh Nấm mồ xanh muốn tìm thấy con đường dẫn xuống vực sâu, nhất định phải có ý đồ bí mật không thể tiết lộ, bởi vậy Nấm mồ xanh chắc chắn phải nắm rõ được chân tướng của đáp án, nếu không tất cả những việc này sẽ không thể xảy ra.

Nhị Học Sinh chỉ là một thanh niên trí thức bị đẩy vào lâm trường cải tạo tư tưởng, dựa vào đâu mà anh ta dám khẳng định thủ lĩnh Nấm mồ xanh không biết đáp án? Nhị Học Sinh thấy nét mặt Tư Mã Khôi lộ rõ vẻ nghi ngờ, lại càng thể hiện thái độ khẳng định: “Theo góc độ lý luận thì Nấm mồ xanh chắc chắn không thể biết đáp án được”.

Tư Mã Khôi đặt cỗ di hài xuống đất, bảo Nhị Học Sinh: “Bọn anh ít học, không mài đít quần trên ghế đọc sách giống phần tử trí thức các chú, tốt nhất chú mày nói dễ hiểu một chút cho anh nhờ. Chú mày căn cứ vào đâu mà nói vậy?” Nhị Học Sinh nói: “Trước đây có một nhà vật lý học người Đức tên là Wemer Heisenberg, ông ấy đã nêu ra một nguyên lý về tính bất định của các đại lượng đồng nhất, tên là ‘Nguyên lý bất định Heisenberg’.

Nguyên lý phát biểu rằng: ta không bao giờ có thể xác định chính xác động lượng và xung lượng của một hạt vào cùng một lúc, nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác; nói một cách nôm na, khi anh quan sát suy đoán một vật thể, các số liệu anh nhận được vĩnh viễn không thể cùng đúng tuyệt đối, giống như ta quan sát vật thể qua tia sáng, ánh sáng sẽ khiến vật thể biến đổi, tuy đó chỉ là sự biến đổi cực kì nhỏ bé, mà mắt thường không nhận biết được, nên chúng ta vẫn không thể phát hiện được bản chất thực sự, bởi vì tất cả cơ sở động lượng đều bắt nguồn từ những biến hóa nhỏ bé, tinh tế đó.

Nguyên lý này chỉ ra sự vô tri của nhân loại, sự vô tri này tồn tại khách quan, đồng thời rất khó vượt qua. Ngay cả sự thay đổi nhỏ bé ở bề mặt vật lý mà cũng không thể xác định thì sự phát triển của số mệnh và sự kiện càng khó tiên liệu hơn. Bởi vậy, trừ khi Nấm mồ xanh là thần thánh, nếu không; bí mật mà hắn ta nắm được chỉ là phiến diện chủ quan và không xác định.” Hải ngọng gật gù tán thưởng: “Đúng là chú làm anh sáng mắt sáng lòng ra bao nhiêu đấy! Nói duy tâm theo các cụ thì cuối cùng sẽ xảy ra chuyện gì, chú không biết, anh không biết, thằng Nấm mồ xanh cũng không biết, chắc chỉ mỗi ông giời mới biết mà thôi”.

Tuy Tư Mã Khôi không hiểu về nguyên lý bất định của Heisenberg lắm, nhưng nghe Nhị Học Sinh nói thì cũng có lý, cũng giống như người xưa vẫn nói “thế sự khó lường”, vì những chuyện này ông cha ta đã phải dùi mài nghiên cứu kỹ từ mấy ngàn năm trước thì mới đúc kết được.

Tóm lại, giờ chúng ta không nên nghĩ nhiều làm gì, cứ nhắm mắt mà liều húc đến cùng, cũng không được mất niềm tin khi phải đối đầu với khó khăn, mà phải nhớ rằng: “vấp ngã là huân chương của người thành công, gió to cỏ rậm thể hiện bản sắc anh hùng, phong ba bão táp mới thấy sinh mệnh là bất diệt”.

Thắng Hương Lân cũng gật đầu tỏ ý tán thành, nhưng Cao Tư Dương lại cho rằng: “Mớ lý luận của Nhị Học Sinh lúc thì duy tâm, lúc thì duy vật, thực ra chẳng qua là muốn giải vây cho anh Khôi mà thôi; có điều có một điểm cậu ta nói không sai: không ai biết sau này sẽ xảy ra điều gì, các anh đã đặt cỗ di hài xuống đất lâu thế sao vẫn không thấy xảy ra động tĩnh gì nhỉ?” Căn cứ theo cảnh tượng mô tả trên bích họa, thì chỉ cần đặt cỗ di hài dưới chân hai pho tượng thú bằng đồng lập tức “tải” sẽ biến thành con đường thông xuống mạch đất núi Âm Sơn.

Tư Mã Khôi đưa tay ra sờ bề mặt điêu khắc lồi lõm trên mặt đất, nhưng không phát hiện thấy đường nứt hay kẽ hở nào. Chẳng lẽ “tải” lại là tảng đá khổng lồ nặng trình trịch? Nên cũng không biết nội dung kì quái và thần bí khắc trên bích họa là thật hay giả! Mọi người cảm thấy rất đỗi hoang mang, vì không có chút manh mối nào cả.

Tư Mã Khôi đành đối chiếu bích họa vu Sở lại lần nữa, thấy ánh mắt hung ác của hai pho tượng thú bằng đồng mô tả trong bích họa, khác hẳn với vẻ u uất, ảm đạm của chúng ngoài đời thật. Anh liền lại sát gần xem, chợt thấy trong hai con ngươi của pho tượng thú có máng xoay, bên trong rỗng ruột, cất giấu chiếc đèn hình nửa viên ngói, đường nét tinh xảo, do bị bụi bám dày nên không lại gần thì khó có thể phát hiện ra được.

Tư Mã Khôi mở nắp, thấy thân đèn còn một vật gì đó sót lại, hao hao giống hình cây nến, và nửa phần bấc đèn; anh đoán chất liệu dẫn cháy là mỡ động vật hoặc sáp nến, chứ không phải “long tủy”; có lẽ người ta dùng nó để thắp sáng ngọn đền đã bị tắt từ hơn hai ngàn năm trước, nhưng không ngờ giữa chừng lại xảy ra sự cố bất ngờ.

Tư Mã Khôi nghĩ đến đây, liền bảo Nhị Học Sinh cầm đuốc châm lửa vào ngọn đèn đồng bên trong. Hải ngọng đoán già đoán non: “Cái hộp đá này chẳng lẽ lại là thang máy hình hộp phi thẳng xuống mỏ quặng bên dưới à? Thắp sáng đèn đồng tương đương mở máy phát điện, khởi động cho hệ thống của nó thâm nhập lòng đất hả Khôi?” Tư Mã Khôi mầy mò mãi mà không tìm ra bên trong có gì, nên đành phải làm theo chỉ dẫn trên bích họa.

Tuy nói thời xưa không có thang máy, nhưng tương truyền hơn năm ngàn năm trước, khi Hoàng Đế đại phá Xi Vưu ở Bắc Hải, ngài từng chế tạo cỗ xe chỉ nam trong sương mù. Nghe nói chỉ cần ngồi lên xe, không cần định vị phương hướng, bánh xe sẽ tự động lăn tròn, muốn sang đông là được đông, muốn sang tây là được tây, bên trên lắp người gỗ để phân biệt bốn hướng, đó là nguyên lý máy móc cổ xưa nhất, bởi vậy, Hoàng Đế còn có biệt hiệu là Hiên Viên.

Hai chữ Hiên Viên không phải để chỉ tên địa danh, mà có lẽ liên quan đến việc chế tạo cỗ xe này. Con quái vật “tải” có lẽ được vùi dưới lòng đất từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, xuất hiện muộn hơn thời điểm Hoàng Đế chế tạo xe chỉ nam hàng mấy ngàn năm, nếu trong hang núi có lắp đặt hệ thống gì đó giúp nó di chuyển về hướng mạch núi Âm Sơn, thì cũng không phải là điều gì kì lạ.

Lúc này, Nhị Học Sinh đã giơ cao cây đuốc, lần lượt thắp sáng các bàn đèn bên trong tượng thú bằng đồng nhưng do nến bị bám bụi lâu ngày, nên đèn không cháy rõ lắm, chập chờn lúc sáng lúc tối tựa ánh lửa ma trơi. Hai pho tượng thú bằng đồng có nét mặt hung hãn kì dị, đúng lúc này lại chầm chậm mở to hai mắt trong bóng tối.

Tư Mã Khôi nín thở một hồi, vẫn không thấy động tĩnh gì, thầm nghĩ: “Vu thuật của Sở quốc rất nặng nề, chuyên dùng những sự vật thần bí, lẽ nào phải có vu sư đến niệm thần chú mới được? Đáng tiếc là mấy lão vu sư đeo mặt nạ đồng, cho đến lúc chết vẫn chưa mang được di hài xuống lòng đất, bây giờ xương cốt họ lại đã hóa thành tro bụi thì làm sao mà hiệu triệu âm hồn lên trần thế mà căn vặn được?” Đang suy nghĩ miên man, anh bỗng thấy ánh nên trong mắt tượng thú dần dần sáng lên, cỗ di hài đặt trên mặt đất khi nãy nằm ở nơi hội tụ ánh sáng đèn, giờ dưới sự phản chiếu của ánh nến, bỗng phát ra luồng ánh sáng âm u, quái dị, chiếu sáng trong phạm vi hơn mười bươc chân.

Dường như cũng chính lúc ấy, mọi người phát hiện bốn bức tường rung chuyển, ai nấy đều khiếp sợ, cảm thấy nguy hiểm đang rình rập đâu đó. Tuy biết rõ pho tượng thần thú “tải” bịt kín lối vào huyệt động thông xuống lòng đất, nhưng không ngờ nó lại đột ngột di chuyển thụt xuống, may mà tốc độ sụt lún không nhanh, nên mọi người vẫn tạm thời tìm được chỗ đứng tương đối vững chắc.

Tư Mã Khôi vịn vào một pho tượng thú nói: “Không ngờ Hải ngọng lại đoán trúng phóc, chẳng lẽ nó là thang máy xuống mỏ quặng thật sao?” Nét mặt Thắng Hương Lân hơi thay đổi: “Hình như, có thứ gì đó ở nơi sâu dưới huyệt động bị cỗ di hài thu hút, nó đang kéo chúng ta xuống lòng đất”.

Nhị Học Sinh nhớ đến mấy ả ma nữ ký sinh trong chiếc hòm vẽ trên bích họa, lòng bất giác phát hoảng: “Sao bọn chúng lại có sức mạnh ghê gớm thế được nhỉ? Chúng là ….loại gì không biết?” Thắng Hương Lân lắc đầu: “Không biết, nhưng rất có khả năng chúng bị cỗ di hài thu hút, nên mới xuất hiện ở đây”.

Tư Mã Khôi hồi tưởng lại những trải nghiệm trước đây, anh cho rằng Hương Lân đoán không sai, có thứ gì đó ở bên ngoài đang lao tới với tốc độ ánh sáng, nhưng không rõ chúng bị cái gì đó cản trở, nên nhất thời không dám chui vào bên trong tượng thần thú “tải”, nên xem ra chỗ này tạm thời vẫn khá an toàn.

Không chỉ vậy, tình hình bây giờ hoàn toàn trùng khớp với nội dung thần bí được mô tả trong bích họa vu Sở. Tư Mã Khôi vừa định dựa lưng vào tường, cong người tay ôm đầu gối để giảm bớt xung lực tác dụng vào cơ thể khi chạm đất, thì lúc này đột nhiên có người luồn từ ngoài động vào, hóa ra, đó chính là gã tiêu lộc Lão Xà mà cho dù xương cốt có hóa thành tro anh cũng vẫn nhận ra.

Tư Mã Khôi thầm nghĩ: “Thì ra tên thổ tặc này chưa ngỏm mà cũng chưa chạy thoát, hắn vẫn đang trốn trong huyệt đạo giữa các vách đá. Mày bò vào đây phen này coi như đúng tầm ngắm họng súng nhà ông”. Khẩu súng M-1887 trong tay được lên nòng, nhân lúc đối phương chưa kịp đứng vững, anh đã ngắm thẳng vào đầu Lão Xà và chuẩn bị bóp cò, nào ngờ tên thổ tặc không hề né tránh đường đạn, mà bỗng nhiên há ngoác miệng, rồi từ trong đó thò ra một cánh tay người đen sì sì.

Tư Mã Khôi thấy Thắng Hương Lân từng nói: trong mây từ hình thành ở mạch quặng dưới lòng đất, rất có khả năng tồn tại “hiện tượng xuất vía”, nghĩa là, nguồn năng lượng sinh mệnh của con người bị mây hút ra, và để lại di ảnh trong sương mù trước khi nó tan biến trong phút chốc ngay sau đó, còn Lão Xà thì vừa mới từ ngoài động bò vào, nên rõ ràng không phải linh thể xuất hiện trong sương mù.

Lúc này, anh thấy từ miệng gã thổ tặc thò ra một cánh tay, dường như âm hồn trong cơ thể đang giãy giụa đòi ra, còn cả người gã thì cứng đơ, trên mặt chỉ có hai con ngươi vẫn gian manh đảo liên hồi. Cảnh tượng lúc này kinh dị như thể kim thiền thoát xác. Tư Mã Khôi bất giác nhớ đến truyền kì “họa bì” của Bồ Tùng Linh.

Anh thầm nghĩ: “Chẳng lẽ âm hồn trong sương mù chui vào trong cơ thể tên thổ tặc ư?”. Anh định quan sát kỹ hơn, nên quay đèn quặng chiếu vào khuôn mặt gã, nhưng phía đó chỉ có bóng tối đen ngòm, dường như vật thò ra từ trong miệng gã đã hút hết ánh sáng. Lúc này, đột nhiên anh nghe thấy một tiếng thét thất thanh, sau đó màn khí đen tỏa ra mù mịt.

Tư Mã Khôi thoắt cảm thấy khí lạnh thổi thốc vào người, toàn thân nổi dựng da gà. Anh từng thân chinh bách chiến ở Miến Điện, tuy biết rõ tình hình trước mắt rất nguy hiểm, nhưng vẫn muốn chộp cơ hội này giải quyết tên giặc đất. Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu, Tư Mã Khôi máy móc dừng ngón tay đang chuẩn bị bóp cò, quay ngược cán súng, dùng hết sức thọc mạnh đẩy Lão Xà trở lại động, sau đó tung người tránh đám sương đen, rồi khi nhìn lại anh thấy trong động đạo đen ngòm ngòm, không một bóng người.

Cao Tư Dương chạy lại đỡ Tư Mã Khôi dậy rồi hỏi: “Cơ hội khi nãy tốt thế, sao anh không nổ súng?” Thắng Hương Lân chạy lại, trả lời thay: “May mà Tư Mã Khôi không nổ súng, nếu không bây giờ không phải chỉ một mình Lão Xà mất mạng”. Tư Mã Khôi nói: “Tôi nghĩ bí mật trong sương mù chính là ánh sáng, may mà ông Khôi này tỉnh ngộ nhanh nếu không đã làm đá lót đường cho tên giặc thối kia rồi”.

Hải ngọng nói: “Hay cậu đã bị nó dọa cho mất vía nên mới không dám bắn? Trách gì người xưa nói không sai chút nào: ‘Ngựa chạy bằng chân, hảo hán chạy bằng miệng’, làm tốt không bằng nói hay. Câu này áp dụng cho cậu không lệch vào đâu được”. Tư Mã Khôi nói: “Cậu mà chịu động não nghĩ kỹ thì cũng sẽ không khó để nhận ra một cách đại khái mô hình của mê cung mà Sở U Vương dày công bố trí.

Huyệt động phía dưới tượng thần thú ‘tải’ ăn thông với mạch đất vừa sâu lại vừa rộng, không những vậy còn tập trung lượng mây từ dày đặc, trong đó ẩn náu những sinh vật đáng sợ. Ngoại trừ xác chết ra, người sống vào đó chăc chắn mất mạng, đó cũng là vạch ranh giới không thể vượt qua.

Ngoài ra, cỗ di hài lại có lai lịch lấy từ vực sâu, trông có vẻ chỉ hơi phát sáng yếu ớt, nhưng ánh sáng đó trải qua hàng ngàn năm vẫn không hề suy giảm, mà còn dẫn dụ được thứ gì đó nằm ẩn mình trong mây từ dưới lòng đất bò lên trên. Vật thần bí này được mô tả trong bích họa với thần thái giống như cô gái quái dị, nhưng không rõ nó thực ra là ma hay yêu quái.

Song, có một điều không cần nghi ngờ, bệ đèn đặt trong tượng thú bằng đồng chiếu vào di hài sẽ khiến ánh sáng của nó tăng lên gấp bội, từ đó lại dẫn dụ càng nhiều bọn quái vật dưới lòng đất bò lên. Chúng tụ tập ở bốn phía xung quanh, phá vỡ kết cấu địa tầng vốn mềm xốp ở đây, khiến “tải” bắt đầu bị chìm lún xuống lòng đất; nhưng thứ xuất hiện trong huyệt động dường như lại có thể nuốt chửng ánh sáng, bởi vậy những chỗ chúng lướt qua, đèn nến đều tắt lịm.

Căn cứ vào kinh nghiệm lúc trải qua trên cầu đá lúc trước, Tư Mã Khôi phỏng đoán, ánh sáng phát ra từ họng súng sẽ thu hút chúng ùa vào tấn công, vì dường như mục tiêu tiếp cận của chúng là những nơi có ánh sáng và nhiệt độ tương đối cao. Tên giặc đất trốn trong huyệt đạo chạy trốn không kịp, kết quả đã bị thứ đó chui vào trong cơ thể, gã không cam lòng chịu chết, liền bò vào trong khám động tìm đường sống, vô tình mang cả thứ trong sương mù vào đây, bận này gã chết chắc rồi.

Nhưng Tư Mã Khôi vẫn không hiểu vì sao anh lại nhìn thấy chiếc bóng của mình trong động đạo, và chuyện gì đã xảy ra với Hải ngọng và Lão Xà khi họ bị rơi vào trong sương mù? Ngoài ra, vòng tròn quái dị tượng trưng cho sự luân hồi sinh tử, thực ra muốn ám chỉ điều gì? Trước khi nhận diện rõ chân tướng của “tiên nữ trong chiếc hòm”, anh không thể suy đoán được gì.

Lúc này, thần thú “tải” vẫn không ngừng chìm xuống, mặt đất bắt đầu dốc nghiêng, mọi người đứng tựa vào tường, hai tai họ bắt đầu ngâm ngẩm đau, có lẽ do càng xuống sâu, địa áp càng không ngừng gia tăng, mọi người mặc kệ tất cả những ẩn số trong bích họa vu Sở, người nào cũng nơm nớp lo sợ, không hẹn mà đều có chung ý nghĩ: “Rốt cuộc huyệt động dưới Biển Âm Dụ sâu bao nhiêu? Sao mãi vẫn chưa rơi tới đáy?”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.