PHẦN 1: CÁNH CỬA TỬ THẦN
Người Arập Xêút hoạt động rất tích cực trong mọi cấp độ của dây xích khủng bố, từ lập kế hoạch cho đến tài trợ tài chính, từ lính mới cho đến bộ binh, từ nhà lý luận cho đến người cổ vũ.
Laurent Murawiec, Tập đoàn RAND
Tư tưởng thù hằn đã dẫn đến sự kiện 11-9. Một khi chưa hoá giải triệt để tư tưởng ấy thì cuộc chiến chống khủng bố sẽ không bao giờ giành được thắng lợi, và sự tái xuất hiện của Osama Bin Laden chỉ còn là vấn đề thời gian.
Dore Gold, Vương quốc hận thù
Chúng ta sẽ kiểm soát đất đai Vatican. Chúng ta sẽ kiểm soát Rome và đưa Hồi giáo vào nơi này.
Sheikh Muhammad Bin Abdal-Rahman Al-Arifi
Ali Massoudi thật không khôn ngoan khi lôi Gabriel Allon ra khỏi kỳ nghỉ ngắn ngủi nhưng lại đầy rắc rối của anh. Massoudi là một nhà trí thức lớn người Anh ủng hộ liên kết với EU và là người có thói quen suy nghĩ độc lập. Trong giờ phút sợ hãi điên cuồng, ông đã quên bẵng rằng người Anh luôn lái xe bên tay trái.
Bối cảnh cho cái chết của ông là một buổi tối tháng 10 mưa ròng rã ở Bloomsbury. Đây cũng chính là thời điểm diễn ra phiên họp cuối cùng của Diễn đàn chính sách cho hòa bình và an ninh ở Palestine, Irắc và các nước khác được tổ chức hàng năm lần đầu tiên. Cuộc hội thảo diễn ra sáng sớm hôm đó được kỳ vọng rất nhiều và được tổ chức một cách phô trương để tạo tiếng vang, nhưng đến cuối ngày nó lại mang phẩm chất của một vở kịch xoàng được đưa đi lưu diễn. Thậm chí những người thuyết trình đến với hi vọng sẽ trở nên nổi bật trong đám đông dường như cũng nhận ra họ đang mệt mỏi đọc cùng một kịch bản của lần trước. Vào lúc 10 giờ hình nộm Tổng thống Mỹ bị đốt. Lúc 11 giờ Thủ tướng Israel bị đưa ra ngọn lửa để tẩy uế. Vào giờ ăn trưa, cơn mưa lớn trong chốc lát đã biến quảng trường Russell thành vũng nước, có kẻ ngu ngốc nào đó đang diễn giải về quyền phụ nữ ở Arập Xêút. Vào 8 giờ 30, khi chiếc búa gõ trên tấm bảng cuối cùng, hai tá người khắc kỷ đã ở lại đến cuối xếp hàng một cách vô cảm đi về phía cửa ra vào. Ban tổ chức hội thảo nhận thấy trước rằng sẽ có rất nhiều người không hứng thú quay lại để tham dự vào mùa thu tới.
Người trang trí sân khấu vươn người về phía trước dỡ tấm áp phích khỏi cái móc. Trên đó có ghi dòng chữ: GAZA ĐƯỢC GIẢI PHÓNG – THẾ THÌ SAO? Chuyên gia đầu tiên đứng dậy là Sayyid thuộc trường Kinh tế Luân Đôn, người bảo vệ những kẻ đánh bom cảm tử, biện hộ cho al-Qaeda. Tiếp sau ông là Thị trưởng Cambridge, người nói về Palestine và người Do Thái tựa như họ vẫn còn là nhóm người mặc áo xám từ phòng Ngoại vụ. Trong suốt buổi thảo luận, viên Thị trưởng lớn tuổi đóng vai trò trung gian giữa Sayyid chuyên gây bất hòa và một linh hồn tội nghiệp đến từ Đại sứ quán Israel tên Rachel. Cô ta bị la ó huýt sáo phản đối mỗi khi mở miệng nói. Viên Thị trưởng đang cố gắng đóng vai trò hoà giải khi Sayyid theo Rachel đến tận cửa để châm chọc rằng những ngày làm thực dân của cô ta đang đến lúc chấm dứt.
Ali Massoudi, Giáo sư giảng dạy sau đại học chuyên về môn điều hành toàn cầu và lý thuyết xã hội tại trường Đại học Bremen là người cuối cùng đứng dậy. Điều này không đáng ngạc nhiên, đồng nghiệp hay ghen tị của ông sẽ nói thế, vì giữa thế giới tạp nham các ngành học Trung Đông, Massoudi có tiếng là người không bao giờ tự nguyện rời bỏ sân khấu. Sinh ra ở Palestine, có hộ chiếu của Gioócđan, và được giáo dục ở châu Âu, Giáo sư Massoudi thường xuất hiện trước công chúng với vẻ ôn hòa. Mọi người gọi ông là tương lai xán lạn của thế giới Arập, là đại diện của sự tiến bộ. Ông không tin tôn giáo nói chung, đặc biệt là Hồi giáo cực đoan. Trên các bài xã luận, trong các giảng đường và trên truyền hình, ông luôn lên án sự bất bình thường của thế giới Arập. Ông lên án chính sự thất bại của thế giới này đã khiến họ không giáo dục được con người tử tế. Ông lên án khuynh hướng đổ lỗi cho người Mỹ và những người Do Thái theo chủ nghĩa phục quốc. Quyển sách cuối cùng của ông đã trở thành lời kêu gọi tha thiết phải cải tổ Hồi giáo. Do vậy những kẻ cuồng tín Hồi giáo tuyên bố ông là kẻ dị giáo. Còn những người ôn hoà nói rằng ông có lòng dũng cảm của Martin Luther King. Buổi trưa hôm đó, ông đã tranh cãi trước sự thất vọng của Sayyid, rằng thời cơ đang nằm trong tay Palestine. Nếu người Palestine không từ bỏ văn hóa khủng bố, người Israel sẽ không bao giờ nhường dù chỉ một phần của Bờ Tây. Mà thật ra thì họ cũng không nên nhường. Đồ báng bổ tôn giáo, Sayyid hét lên. Đồ bội giáo.
Giáo sư Massoudi cao khoảng 1,8m và rất điển trai. Điều này có vẻ nguy hiểm đối với những phụ nữ trẻ dễ xúc động phải làm việc cùng ông. Tóc ông xoăn đen, xương gò má rộng và khỏe mạnh, và cằm vuông chẻ sâu ở ngay chính giữa. Mắt ông màu nâu và sâu làm nổi bật lên khuôn mặt thông minh đáng tin cậy. Chiếc áo khoác thể thao bằng len casơmia khoác ngoài áo len cổ tròn màu kem khiến ông giống như một hình mẫu trí thức châu Âu vậy. Đây chính là hình ảnh mà ông đã dày công tạo dựng. Ông thong thả thu dọn giấy bút một cách gọn gàng và bỏ vào chiếc cặp táp thường mang theo. Rồi ông bước xuống các bậc sân khấu và đi ra ngoài.
Vài khán giả đang nán lại trong sảnh. Đứng bên góc phòng, như một hòn đảo bão tố trên mặt biển tĩnh lặng là một cô gái. Cô ta mặc quần jeans bạc màu và áo khoác da, cổ choàng khăn sọc vuông. Mái tóc cô ta đen nhánh, sáng bóng đầy huyền bí. Mắt cô ta cũng đen sẫm. Tên cô ta là Hamida al-Tatari. Dân tị nạn, cô ta tự nhận như vậy. Sinh ra ở Amman, lớn lên ở Hamburg, bây giờ là công dân Canada sống ở Bắc Luân Đôn. Massoudi đã gặp cô ta buổi trưa hôm đó tại tiệc chiêu đãi của hội sinh viên. Khi uống cà phê, cô ta buộc tội ông đã không công kích hết những tội ác của người Mỹ và người Do Thái. Massoudi lập tức thích cô gái này. Họ dự định tối đó sẽ gặp nhau tại quầy rượu kế bên rạp hát ở quảng trường Sloane. Tuy nhiên, những dự định của ông không xuất phát từ sự lãng mạn. Ông không ham muốn thân xác Hamida. Cái hấp dẫn ông chính là nhiệt huyết và khuôn mặt sạch sẽ của Hamida. Cộng với đó là vốn tiếng Anh hoàn hảo và hộ chiếu Canada của cô gái này.
Cô ta lén nhìn theo Massoudi khi ông đi ngang qua sảnh, nhưng cô ta không tỏ vẻ muốn đến gần nói chuyện. Phải giữ khoảng cách sau khi kết thúc hội thảo, ông đã dặn cô trước đó. Một ở người địa vị của tôi phải lưu ý đến việc mình bị thấy đi với ai. Khi ra đến ngoài, ông đứng một lúc dưới cổng ngắm xe cộ chậm chạp di chuyển trên đường phố ẩm ướt. Ông cảm thấy ai đó cọ nhẹ vào khuỷu tay. Đó là Hamida. Cô ta không nói một lời nào mà chỉ lẳng lặng băng vào màn mưa. Ông chờ đến khi cô đi khuất mới quàng cặp táp lên vai và đi theo hướng ngược lại về khách sạn ở quảng trường Russell.
Bỗng nhiên Massoudi cảm nhận thấy một điều gì đó. Nó giống như sự thay đổi luôn xuất hiện mỗi khi ông chuyển từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Mạch đập nhanh, các giác quan trở nên nhạy bén, Massoudi lén dõi mắt quan sát những chi tiết nhỏ nhất xung quanh mình. Một cậu thanh niên đầu sắp hói đang bước về phía ông. Tay anh ta cầm ô và cái nhìn dừng lại hơi lâu trên khuôn mặt của Massoudi. Một người bán báo nhìn trơ tráo vào mắt Massoudi khi ông mua tờ Evening Standard. Hay người tài xế tắc xi dõi theo ông khi ông quăng tờ báo vừa mua vào sọt rác ở khu Thượng Woburn. Một chiếc xe buýt vượt qua ông. Khi nó chầm chậm đi qua, Massoudi liếc nhìn những cửa sổ xe đọng đầy sương. Ông thấy một tá khuôn mặt mệt mỏi, phần lớn là da đen hay da nâu. Những người Luân Đôn mới, ông thầm nghĩ, và trong chốc lát vị Giáo sư về điều hành toàn cầu và lý thuyết xã hội đánh vật với những suy nghĩ này. Bao nhiêu người âm thầm đồng cảm với sự nghiệp của ông? Bao nhiêu người sẽ kí ủng hộ nếu ông đặt trước mặt họ bản hợp đồng chết chóc.
Theo đuôi chiếc xe buýt, ở vệ đường bên kia là một khách bộ hành đơn độc: áo mưa, tóc đuôi ngựa dày, lông mày là hai đường thẳng. Massoudi nhận ra anh ta ngay lập tức. Gã thanh niên này đã tham dự hội thảo, anh ta ngồi cùng hàng với Hamida nhưng ở phía đối diện của phòng. Sáng hôm đo,á hắn ta cũng ngồi tại chỗ ấy lắng nghe Massoudi lên giọng phản đối khi thảo luận trước Hội đồng về việc cấm các học giả người Israel ra khỏi lãnh thổ châu Âu.
Massoudi hạ mắt xuống tiếp tục bước đi, tay trái ông sờ vào miếng độn vai trên dây đeo cặp táp. Ông đang bị theo dõi chăng? Nếu đúng thì do ai? MI5 có lẽ là lời giải thích hợp lí nhất. Hợp lí nhất, ông tự nhắc nhở, chứ không phải là duy nhất. Có lẽ cơ quan Tình báo Đức đã theo ông từ Bremen đến Luân Đôn. Hay có lẽ ông đang bị CIA theo dõi.
Nhưng khả năng thứ tư làm tim Massoudi bỗng nhiên đập nhói vào thành ngực. Giả sử gã thanh niên đang theo dõi ông không phải người Anh, Đức, hay Mỹ thì sao? Giả sử hắn ta làm việc cho cơ quan tình báo nào đó không e ngại việc thanh toán kẻ thù, thậm chí ngay trên đường phố nước khác. Một tổ chức tình báo có lịch sử sử dụng phụ nữ làm mồi nhử. Ông nhớ lại những lời Hamida nói trưa hôm đó.
“Em hầu như lớn lên ở Toronto”.
“Thế còn trước đó?”
“Ở Amman khi em còn rất nhỏ. Sau đó sống một năm ở Hamburg. Em là người Palestine, thưa Giáo sư. Tổ ấm của em là chiếc vali”.
Massoudi bất ngờ quẹo ra khỏi khu Woburn vào khu đường phụ Pancras. Sau vài bước, ông đi chậm lại nhìn liếc qua vai. Gã thanh niên mặc áo mưa đã băng qua đường đi theo ông.
Ông rảo bước nhanh hơn, quẹo trái quẹo phải nhiều lần. Băng qua những dãy nhà thấp, qua các khu chung cư, qua những quảng trường vắng người rải rác lá khô. Massoudi hầu như bị lạc đường. Ông đang cố định hướng, ông biết những đường chính ở Luân Đôn khá rõ, nhưng các con phố hẹp là điều bí ẩn đối với ông. Ông bỏ mặc những thủ thuật quan sát kín đáo của nghề tình báo và liên tục quay lại nhìn. Mỗi lần như vậy, ông dường như thấy khoảng cách với gã đó bị thu hẹp thêm một hai bước.
Ông đến ngã tư, bên trái là đường Euston với dòng xe cộ đang nhộn nhịp chuyển động, phía đối diện chính là nhà ga King’s Cross và đường Pancras. Ông quẹo sang hướng Euston, một vài giây sau ông lại nhìn nghiêng qua vai. Gã thanh niên đã bước qua khúc quanh và đang tiến gần đến ông.
Ông bắt đầu chạy. Ông chưa bao giờ là một vận động viên thể thao, thêm nữa những năm theo đuổi học thuật đã cướp đi chút sức lực còn lại khỏi cơ thể ông. Sức nặng của chiếc máy tính trì lại như mỏ neo. Chiếc cặp thúc mạnh vào hông của ông theo mỗi bước chạy. Ông dùng một cùi chỏ giữ cho chắc, tay kia cầm dây đeo, nhưng tư thế này khiến các sải bước không đều và làm tốc độ của ông bị chậm hơn. Massoudi thoáng nghĩ đến việc quăng chiếc máy cho nhẹ, nhưng thay vì thế ông lại giữ chặt nó hơn. Lọt vào tay kẻ xấu, chiếc máy tính xách tay này có thể là kho báu thông tin. Ảnh cá nhân, ảnh theo dõi, đường liên kết liên lạc, tài khoản ngân hàng…
Ông bị vấp chân và dừng lại tại đường Euston. Nhìn qua vai, ông thấy kẻ theo mình vẫn ở ngay đằng sau, tay để trong túi, mắt nhìn xuống. Ông nhìn sang bên trái, ông bước đến khúc cua.
Tiếng còi xe tải là âm thanh cuối cùng Ali Massoudi nghe được. Do va chạm, chiếc cặp táp văng ra khỏi ông. Nó bay trên không trung, đập xuống đất lộn vài vòng rồi rơi thịch xuống. Gã thanh niên mặc áo mưa hầu như không chậm bước khi hắn cúi xuống nhặt lấy chiếc cặp. Hắn đeo gọn gàng lên vai, băng qua đường Euston, rồi hoà vào dòng người tan tầm và mất hút trong nhà ga King’s Cross.