Nhặt Ánh Bình Minh

Chương 3: 3: Góp Nhặt Lần Thứ Hai Sách Cũ



Cửa sổ bằng gỗ bị đóng mạnh kêu “kẹt” một cái, sau đó là tiếng chốt khóa dứt khoát.

Trong không khí dường như còn văng vẳng tiếng nói lãnh đạm của Lý Kinh Trọc: “Trò này đùa không vui”.
Nếu giấy mực phất một cái có thể biến thành người, vậy học y còn ý nghĩa gì nữa?
Lý Kinh Trọc luôn không thích những chuyện tà ma quỷ quái, chút ấn tượng tốt đối với người thanh niên vừa rồi hoàn toàn bị một câu đùa hủy hoại hết.

Anh nhìn chăm chú lên mặt tường vốn treo bức tranh cũ, phát hiện trên đó còn một ít dấu vết mờ mờ, chỗ treo tranh có màu sắc hơi nhạt hơn phần tường còn lại, nước sơn trông cũng mới hơn.

Đây là dấu vết hùng hồn nhất chứng minh bức tranh đã từng có mặt tại đó.
Không đúng.
Đột nhiên Lý Kinh Trọc thấy có chỗ nào sai sai: Vừa rồi anh chỉ nói mình làm mất tranh, căn bản không đề cập đến bức tranh vẽ người hay vật, càng đừng nói đến nhân vật công tử trong tranh tròn méo ra sao.

Anh chàng kia cho dù có thông minh đến đâu, cũng sẽ không bởi vì bị nhìn nhiều thêm mấy cái đã lập tức đoán ra bức tranh vẽ cái gì.
Trừ phi chính hắn đã thật sự nhìn thấy tranh rồi.
Thủ phạm trộm tranh? Không giống lắm.
Lý Kinh Trọc đẩy cửa sổ, bên ngoài đã không còn ai.

Anh suy nghĩ một trận vẫn nghĩ không ra, thế là dứt khoát không nghĩ nữa, chờ đến sáng mai gọi điện thoại cho ông bà nội hỏi rõ thực hư.
Anh ngồi dưới ánh nến đọc cho xong đoạn cuối sách rồi mới đi lục lọi ngăn tủ tìm một tấm khăn trải giường tùy tiện trải ra, chăn cũng không có, đành thổi tắt nến giữ nguyên quần áo nằm xuống ngủ.
Giường làm bằng gỗ theo kiểu cũ có bốn cái cọc màn, ngày xưa người ở nhà này sẽ phủ màn vải từ trên xuống, bây giờ nóc giường không phủ cái gì cả, mùa hè nhiều muỗi, cứ vo ve quấy phá mãi làm Lý Kinh Trọc không ngủ được.
Lăn qua lộn lại đến quá nửa đêm, đầu óc lúc mê lúc tỉnh, suy nghĩ bay xa, hình ảnh trong đầu bay tán loạn, lúc thì là tình tiết trong truyện vừa xem ban nãy, khi thì là cảnh ngày nhỏ đi học vẽ tranh, lát sau lại là thanh niên đứng bên cửa sổ tự xưng là người trong tranh, rồi cuối cùng là cảnh tượng vị công tử trong bức tranh thật sự đạp lên nền tuyết rải đầy hoa mai bước ra…
Trời dần dần sáng rõ, ánh nắng chiếu nghiêng sát gối đầu.

Không khí nóng dần, khăn trải giường dính đầy mồ hôi ẩm ướt càng khiến người ta ngủ không nổi.
Lý Kinh Trọc rời giường chạy đi tắm nước lạnh mới hơi giải tỏa bớt chút khô nóng, sau đó đi gọi điện thoại.
“A lô ——” Giọng bà nội kéo cực kỳ dài, nghe thấy là anh liền hô lên vài tiếng “Cháu trai” rồi mới, “Xin hỏi tìm ai đấy?” Bà đang nói chuyện điện thoại với cháu đích tôn, mà người cháu này lại là sinh viên cao học! Không thể đối đãi xuề xòa như với người thường, cho nên bà muốn bắt chước ăn nói theo thứ tiếng phổ thông hay được nghe trong TV, nhưng nói ra miệng vẫn dính chất giọng địa phương, chỉ là cách dùng từ lịch sự hơn các bà già dưới quê nhiều chút, vừa buồn cười vừa đáng yêu.
Lý Kinh Trọc lén cười một cái, hỏi trước: “Khỏe cả chứ ạ?”
“Khỏe tất, khỏe tất.” Bà nội nói, “Bà vừa đi mua đồ ăn về, ông mày lại không chịu làm việc, sáng bảnh mắt ra đã xem TV…” Lải nhải một hồi lâu, lại hỏi, “Cháu trai, cũng khỏe chứ?”

Lý Kinh Trọc đáp: “Cháu khỏe.”
Bà nội vẫn chưa biết chuyện anh bảo lưu nghỉ học, cho nên mới hỏi tiếp: “Mọi việc ở trường tốt cả không?”
“Tốt cả ạ.” Lý Kinh Trọc không quá muốn nhắc đến chuyện ở trường và bệnh viện, “Cháu gọi về có chuyện này muốn hỏi một chút, bức tranh cũ cháu treo ở quê có còn không? Cái bức cháu tự vẽ vẫn treo trong phòng học ấy.”
“Tranh á?” Bà nội trả lời rất nhanh, “Chả biết đâu, bà không lấy.

Để bà hỏi ông mày xem.”
Ông nội Lý nhận điện thoại lớn tiếng hỏi: “Vẫn khỏe đúng không?”
Bà nội Lý đẩy một cái: “Cháu nó hỏi ông chuyện cái tranh kìa!”
Lúc này ông lão mới ấp úng: “À! Tranh, tranh ấy à…”
Bào lão thúc giục: “Nói thì nói đi xem nào!”
“Kinh Trọc à.” Ông nội thân thiết gọi một tiếng, “Sao đột nhiên lại nhớ đến cái tranh kia? Treo ở nhà nhiều năm như thế mày có sờ vào lần nào đâu, ông tưởng mày muốn bỏ nó đi rồi.” Ông lão mãi vẫn không đề cập đến tình hình hiện tại của bức tranh, trước hết phải dẫn thế thượng phong, giải thích rõ là một bức tranh không ai cần thì bản thân mình hoàn toàn có quyền xử lý.
Lý Kinh Trọc không thể trách cứ ông nội, chỉ đành nói: “Chuyện đó không quan trọng, cháu chỉ muốn hỏi bây giờ nó ở chỗ nào?”
“À!” Ông nội yên tâm, “Hồi trước khi ông với bà mày đi, khụ ——” Ông lão rất kiêng kỵ mấy từ như “đi”, cảm thấy không được may mắn, “Trước khi hai ông bà lên chỗ ba mẹ mày ở, mùa xuân năm nay có một vị khách tới làng mình, họ Liễu.” Ông lão không nhớ nổi tên người khách là cái gì “Liễu”, “Nhà văn.

Viết sách.

Nhà văn Liễu thuê trọ ngay sau nhà chúng ta không xa, chắc mày biết, nhà bác Trần ý, nhà văn Liễu nói muốn thuê nhà ở lâu dài để viết sách, thuê một lần cả năm.”
Bà nội Lý lại đẩy ông bạn già: “Cháu trai nó đang hỏi chuyện bức tranh, kể nhà văn Liễu làm gì!”
Ông nội Lý cãi lại: “Thì tôi đang nói chuyện tranh đây thây! Một ngày nọ nhà văn Liễu đi ngang qua, ông kêu cậu ta vào uống chén trà.

Cậu này đúng là tác phong người làm công tác văn hóa, cái gì cũng biết.

Cậu ta còn cực kỳ thích nghe ông kể chuyện ngày xưa, thế là ông kể chuyện nhà mình từ năm ông hai mươi tuổi luôn, hồi ấy khổ muốn chết…!Hai bên nói chuyện hăng say, rồi ông càng nhìn càng cảm thấy cậu ta trông quen lắm, tuyệt đối đã từng gặp rồi!”
Ông lão càng nói càng đắc ý: “Ông liền nhìn kỹ hơn, rồi lại nghĩ mãi nghĩ mãi, cuối cùng nhớ ra —— Cái cậu kia không phải là người Kinh Trọc vẽ trên tranh sao? Đây đúng là duyên phận, duyên phận đấy.

Kinh Trọc, bức tranh của mày treo ở đó dù sao cũng không ai xem, tặng cho người có duyên không phải càng tốt hơn à?”
Lý Kinh Trọc nghe được một nửa đã đoán ra câu chuyện diễn biến thế nào, nhưng vẫn kiên nhẫn nghe ông nội nói cho hết.
Ông lão vẫn nói cứ như quả quyết rằng mình đã làm một việc rất đúng đắn: “Nhà văn Liễu thích bức tranh kia lắm, còn hỏi ông ba chữ Lý Kinh Trọc trên ấn son là ai! Ông nói cho nó biết, là cháu trai ông đấy! Kinh Trọc à, căn nhà của chúng ta dưới quê đúng là đất lành, toàn đẻ ra người giỏi!”

Người già đang có hứng nói thì không ai ngăn được, từ quê quán đất lành chim đậu phong thủy tốt đến thăng trầm của bao nhiêu thế hệ, nói đến chỗ vui nhất mới nhớ ra tên nhà văn Liễu, vỗ đùi một cái: “A! Liễu Tức Phong! Tên thằng nhóc kia là Liễu Tức Phong! Lúc đó ông đã cảm thấy quái rồi, mày nói xem, cây liễu trước cửa đâu phải ông chưa thấy bao giờ, chỉ có gió thổi qua liễu, ở đâu ra Liễu Tức Phong?”
Hay lắm, Liễu Tức Phong.
Lý Kinh Trọc cúp điện thoại, nghĩ thầm: Lần sau gặp lại nhất định phải vạch trần cái vị nhà văn Liễu này mới được.
Nhà văn…
Liễu Tức Phong, Liễu Tức Phong…
Lý Kinh Trọc nhẩm trong đầu mấy lần, bỗng nhiên cảm thấy cái tên này hơi quen tai.

Anh bước nhanh đến bên kệ sách mà ngày hôm qua mình vừa xếp sách lên.

Ngón tay lướt qua hàng gáy sách: “Liễu Tức Phong, Liễu Tức Phong…”
Sau khi tra xét hết tên tác giả trên toàn bộ gáy sách trong phòng, lại không có cái tên muốn tìm.

Nhưng anh nhớ rất rõ mình từng mua được một quyển sách không còn xuất bản nữa từ tiệm sách cũ, tác giả cuốn sách đó là Liễu Tức Phong.
Trí nhớ của Lý Kinh Trọc luôn đáng tin cậy, tài liệu học tập của sinh viên y khoa vừa nhiều vừa dày cộm, còn yêu cầu phải nhớ kỹ toàn bộ nên anh rất nhạy cảm với những nội dung được in trên sách vở, gần như đã đọc qua là không thể quên được.

Trước khi bảo lưu anh cực kỳ bận rộn, làm thực nghiệm, viết luận văn, khám bệnh cùng giáo viên hướng dẫn, trực ban ở bệnh viện, ứng phó với vô số bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…!Công việc chồng chất làm anh chưa kịp mở quyển sách kia ra, nhưng tuyệt đối sẽ không nhớ lầm.
Ánh mắt anh bỗng nhiên rút ra khỏi kệ sách, dừng trên mặt bàn gỗ.
Trên đó đặt quyển sách hôm qua vừa đọc xong.
Bìa sách được tranh minh họa và màu sắc chia làm hai phần, phần trên là nửa khuôn mặt của một cô gái có đôi mắt mang theo ánh nước phức tạp, sống mũi cao thẳng, đến đây bị cắt mất không có miệng và cằm; phần dưới chỉ có một khối màu: là màu xanh lam độ bão hòa thấp dính thêm một chút vết bẩn.

Bởi vì là sách cũ cho nên không thể nhìn ra thiết kế trên bìa sách cố tình làm bẩn hay là sau đó bị người khác làm dơ.
Phần bìa màu lam viết tiêu đề màu đỏ như máu rất bắt mắt: 《 Cấm nói ra 》.
Dưới tiêu đề là ba chữ to ngang ngửa ghi: Liễu Tức Phong.
Trước nay Lý Kinh Trọc mua sách theo thói quen chỉ mở ra nhìn lướt nội dung rồi quyết định mua ngay, không mấy để ý đến những dòng đề cử hay thiết kế bìa ngoài xấu đẹp thế nào, khó trách đến tận bây giờ mới có dịp quan sát cẩn thận bìa sách.
Anh nhớ lại thời điểm hôm qua xem quyển sách này, trừ sự cố cúp điện nên phải tạm dừng, còn lại hầu như là xem một mạch từ đầu đến cuối không muốn dừng lại.

Lúc này lại nhìn chằm chằm lên ba chữ “Liễu Tức Phong” trên bìa, liên hệ đến anh chàng hôm qua sang nhà mình mượn nến, nhất thời khó mà thấy liên quan đến nhau.

Anh mở trang lót, phần tóm tắt tác giả rất ngắn, chỉ nói sinh năm 1989, quê quán Nhạc Dương.

Tác phẩm tiêu biểu khác để giới thiệu cũng không có, bởi vì đó là cuốn sách đầu tay của Liễu Tức Phong.
Lý Kinh Trọc bỗng nhiên nhớ ra trong điện thoại ông nội từng nói Liễu Tức Phong trò chuyện với ông rất vui vẻ.

Cũng đúng, Nhạc Dương cách nơi này không xa, nếu không hắn đã không thể nghe hiểu được phương ngữ vùng này.
Lý Kinh Trọc lại dò đến năm xuất bản cuốn sách: Năm 2008.
Mười năm trước.

Quyển sách này Liễu Tức Phong viết năm mười chín tuổi.
Lý Kinh Trọc vừa lật lại những đoạn xuất sắc nhất trong truyện vừa nghĩ, người này đúng là thiên tài.

Nhưng tại sao quyển sách này không được tái bản? Vì sao anh chưa từng nghe đến cái tên tác giả Liễu Tức Phong?
Lý Kinh Trọc sinh ra một chút hứng thú cực kỳ hiếm thấy.

Anh nhớ đến khuôn mặt Liễu Tức Phong dưới ánh nến và mái tóc dài, vì thế đẩy cửa sổ ra, dường như còn văng vẳng bên tai mấy câu cuối hắn nói: “Tôi là người từ trong bức tranh bước ra, nhưng không thể quay về tranh được nữa.

Cho nên, chắc là không thể trả tranh lại cho cậu được rồi.”
Lý Kinh Trọc ngẫm nghĩ, khóe miệng không khỏi cong lên, vì sao lúc đó anh không hỏi Liễu Tức Phong thêm một câu, Cảm giác từ trong tranh bước ra như thế nào? Hồi còn trong tranh đã sống ra sao?
Thử xem vị tác giả này có thể văn vở ra được mấy câu nữa.
Đến bản thân Lý Kinh Trọc cũng không để ý nụ cười trên mặt mình vẫn chưa tắt hẳn, hoàn toàn không giống dáng vẻ trầm lắng thường ngày.

Anh giấu sách của Liễu Tức Phong xuống dưới ngăn kéo bàn, sau đó ra ngoài đi về hướng nhà thuê của bác Trần trong lời kể của ông nội.
Trong trí nhớ của Lý Kinh Trọc, trước đây căn nhà kia giống hệt những nhà khác trong thôn, nếu trong sân không dựng sào trúc phơi quần áo thì là trải phên tre phơi đậu que ớt cay gì đó, thi thoảng còn có gà vịt đi tới đi lui đào tìm thức ăn.
Nhưng bây giờ trong sân vườn nhà rất sạch sẽ chỉ đặt một cái ghế trúc dài, một người nằm bên trên, mặt đắp một tờ báo cũ.
Tờ báo chỉ che khuất mặt và cổ, lại không che hết mớ tóc dài cuộn trên ghế, một ít tóc lòa xòa rũ xuống, ngọn tóc phe phẩy đánh vòng dưới mặt đất thoạt nhìn rất mềm mại, khiến người ta có ham muốn được sờ vào.
Vừa nhìn đã biết là Liễu Tức Phong.
Liễu Tức Phong nghe thấy tiếng bước chân, lật tờ báo ra, thấy Lý Kinh Trọc mới hơi kinh ngạc ngồi dậy, hỏi: “Làm sao cậu biết tôi ở chỗ này?”
Trên đường đi Lý Kinh Trọc đã nghĩ xong kịch bản: “Tôi muốn gặp anh nên phải đi khắp nơi tìm kiếm.

Không ngờ mới đi chưa bao lâu đã tìm thấy rồi.”
Liễu Tức Phong lặp lại: “Tìm tôi?”

Lý Kinh Trọc đáp: “Đúng vậy, tôi nên nói xin lỗi anh.”
Liễu Tức Phong khó hiểu: “Vì sao phải xin lỗi? Tôi nên là người xin lỗi chứ, hôm qua đã chọc cho cậu không vui.

Tôi còn lo cậu vẫn giận nên mới không dám đi mời.”
“Không có.” Lý Kinh Trọc nhìn Liễu Tức Phong, ánh mắt vừa thành khẩn lại chờ mong, “Tối hôm qua tôi không nên không tin anh.

Kỳ tích trên thế gian nhiều như vậy, tôi không thể võ đoán chủ quan.

Suy nghĩ hết một đêm, anh giống người trong bức tranh tôi vẽ như đúc, tranh của tôi lại biến mất không thấy, ở đâu ra chuyện trùng hợp như vậy? Nếu không phải anh từ trong tranh bước ra, làm sao biết rõ tôi vẽ cái gì? Xem ra lời anh nói là thật, tôi nên tin.

Huống hồ làm người có ai lại làm chuyện nhảm nhí như vậy, khi không đi lừa gạt một người có lòng tốt cho mình mượn nến chứ nhỉ?”.

Truyện Hài Hước
Ngữ khí Lý Kinh Trọc mang theo tín nhiệm toàn tâm toàn ý, ai dám lừa gạt anh đúng là đồ con rùa khốn nạn.
Sắc mặt Liễu Tức Phong hơi hơi cứng lại, hắn làm bộ vuốt vuốt tóc: “Cậu tin thật à?”
Lý Kinh Trọc gật đầu, không nói “Tin thật”, mà càng quả quyết: “Tôi thật sự tin anh.”
Chữ “anh” nhấn rất mạnh cứ như toàn bộ lòng tin đều đặt hết vào người trước mắt, còn bổ sung thêm: “Hôm qua là tôi bất lịch sự, hôm nay để tôi mời anh dùng trà tạ lỗi.”
Liễu Tức Phong nhìn Lý Kinh Trọc nửa ngày, ánh mắt thay đổi mấy lần như đang do dự.

Bỗng nhiên hắn nhoẻn miệng cười: “Được, chúng ta uống trà đi.”
Trên đường trở về nhà họ Lý, Lý Kinh Trọc lơ đãng hỏi: “Anh có tên không? Tôi không nhớ mình có đặt tên cho nhân vật mình vẽ.”
Xem anh bịa ra được cái tên gì.
Liễu Tức Phong gật đầu, không hề do dự đáp: “Có chứ.

Bước ra ngoài kiểu gì cũng cần một cái tên, một thân phận.

Tôi tên Liễu Tức Phong, nói với mọi người rằng mình là nhà văn.”
Hai người sóng vai cùng đi, Lý Kinh Trọc nghe xong, nghiêng đầu nhìn Liễu Tức Phong không tin nổi: Da mặt người này có thể dày đến mức đó luôn.
Liễu Tức Phong tiếp tục nhìn phía trước, hàm dưới hơi đưa lên, mái tóc dài nhẹ nhàng lay động giữa một mảng đồng cỏ xanh ngát.
——————————
Cách xưng hô và nói chuyện của ông bà nội Lý là mình học theo kiểu nói chuyện của ông bà mình hồi dưới quê (tại thấy xưng kiểu sách giáo khoa đọc lên nó cứ mất tự nhiên sao đó huhu), sửa tới sửa lui mãi không vừa ý nên mình cứ để đại vậy XD.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.