Nữ Thám Tử Nancy Drew - Chạy Đua Với Thời Gian

Chương 9: Đèn đỏ, đèn xanh



“NANCY! Đừng có nói với ta là cháu định cướp ngân hàng đấy nhé!”

Tôi nhận ra giọng nói đó.

“Cảnh sát trưởng McGinnis.” Tôi quay lại và khoe ra nụ cười đáng yêu nhất của mình. Đụng độ với ông theo kiểu này làm cho cảm giác của tôi thật lẫn lộn. Mừng là vì tôi thường tìm được thông tin nơi ông, nhưng cũng chẳng vui vẻ lắm khi bị bắt gặp đang lén lút ở cửa sau ngân hàng thế này. Cảnh sát trưởng lại bực mình vì nghĩ là tôi đang xâm phạm vào lãnh địa của ông cho mà xem.

Bây giờ tấn công chính là cách phòng thủ tốt nhất.

“Tìm được chú mừng quá đi mất thôi, từ nãy đến giờ cháu cứ đi tìm khắp nơi. Cuối cùng cháu mới nghĩ ra biết đâu chú ở đằng sau này này.”

À… đấy cũng không hoàn toàn là một câu nói dối, đúng không?

“V-ậy-sao,” cảnh sát trưởng nói, chẻ câu nói ra làm ba. Tôi đã khoe ra nụ cười đẹp nhất của mình, thế mà cảnh sát trưởng lại đáp trả bằng cái cau mày xấu nhất của ông – và ông lại có cặp mày đen rậm ơi là rậm để nhấn mạnh điều đó nữa chứ. “Trông như cháu đang đột nhập và xui xẻo đụng phải ta thì đúng hơn.”

“Ôi chà,” tôi nói. “Chú đang phải giải quyết vụ án rắc rối điên cả đầu, bao nhiêu thứ phải lo nghĩ, thế mà vẫn có thể hài hước như vậy! Thật khó tin.” Tôi lại mỉm cười.

Cảnh sát trưởng McGinnis không nói gì, nhưng cứ theo biểu hiện trên khuôn mặt thì có thể nói là ông hài lòng với nhận xét của tôi. Ông có vẻ đã bớt căng hơn một chút. Dù vậy, chỉ sau vài giây, ông đã lại cau có. “Cháu đang nói vụ án nào hả? Làm sao cháu lại biết?”

“Làm sao cháu lại biết chuyện số tiền quyên góp bị mất ấy hả chú? Thì cháu cũng chỉ nghe ngóng quanh thị trấn thôi – có nhiều hơn một người đã nói về nó. Cháu đang mong được nghe chú kể câu chuyện thật sự đấy ạ.”

“Không, ta không thể,” ông nói chắc nịch, rồi bước tới giữa tôi và cánh cửa sau ngân hàng. Cảnh sát trưởng cao hơn tôi khoảng một tấc rưỡi, và phần thân giữa của ông to hơn nhiều so với phần ngực. Ông tạo nên một rào cản tuyệt vời – một rào cản rất lợi hại – ngăn cách tôi và cánh cửa.

“Vì chú sẽ không nói, hay vì chú không thể nói?” tôi hỏi. “Chú chưa tìm được gì về vụ án ạ? Không kẻ tình nghi, không manh mối nào sao?”

“Không có thông tin nào cho cháu đâu – đó là những gì ta chắc chắn có!” ông nói chắc nịch.

“Còn sĩ quan Rainey thì sao ạ?” tôi đề nghị. “Anh ta có thể là một nguồn thông tin tốt. Lúc chú thẩm vấn, anh ta có nói gì không ạ?”

“Thật không thể tin được cháu,” cảnh sát trưởng McGinnis lắc đầu. “Sau tất cả những năm vừa qua, lẽ ra ta không nên ngạc nhiên khi thấy cháu biết quá nhiều về những chuyện đang xảy ra mới phải. Sao cháu lại đến đây? Nói thật đi xem nào.”

“Cháu đến để nói chuyện với chú, với sĩ quan Rainey và cả ông Ralph Holman nữa – cháu nói thật đấy,” tôi trả lời.

“Vậy thì, cháu đã nói chuyện với ta, và chúng ta đã nói xong rồi. Được một trên ba cũng không phải là tệ đâu. Ta rất tiếc, nhưng cháu không thể nói chuyện với sĩ quan Rainey, và đặc biệt là không thể nói chuyện với ông Ralph Holman được.”

“Tại sao lại đặc biệt là không thể nói chuyện với ông Holman được ạ?”

“Nancy, cuộc phỏng vấn xong rồi. Thôi nào, ta sẽ đưa cháu rời khỏi đây.”

Cảnh sát trưởng đặt nhẹ tay lên lưng tôi và lịch sự đẩy tôi ra xa ngân hàng. Dù thế tôi vẫn nhất định phải cố moi thêm một chút xíu thông tin từ ông.

“Cho cháu biết một chuyện này thôi,” tôi nói. “Có phải chú đã thuê sĩ quan Rainey không? Ý cháu là, có phải Sở Cảnh sát River Heights đã cử anh ta đến không? Hay là do ngân hàng thuê? Hay ban tổ chức cuộc đua?”

“Cậu ta đến từ một công ty tư nhân,” cảnh sát trưởng McGinnis trả lời, “ban giám đốc giải thuê.”

“Ban giám đốc ạ? Bà Mahoney là chủ tịch, ba cháu cũng là một thành viên trong ấy.”

“Đúng vậy,” cảnh sát trưởng McGinnis đáp.

Trong khi đang nói chuyện, tôi bị đẩy vội ra khỏi con hẻm. Không hẳn là cảnh sát trưởng thúc tôi, nhưng cái cách bước đi của ông khiến tôi tự khắc phải theo đúng hướng đó. Không đi như thế thì chỉ có nước đâm đầu vào tường gạch thôi. Tôi có cảm giác mình chẳng khác gì một con cừu đang được chăn dắt bởi một trong những con chó được nuôi để giữ cho đám gia súc không bị lạc khỏi bầy.

“Và nếu cháu không lầm, ông Ralph Holman là thủ quỹ của giải này mà, phải không ạ,” tôi nói. “Cũng dễ hiểu thôi, vì ông ấy là giám đốc ngân hàng mà. Dĩ nhiên ông ấy là người chịu trách nhiệm về số tiền đó trong suốt thời gian diễn ra cuộc đua, và suốt thời gian xảy ra vụ trộm nữa. Ông ấy nói sao về vụ này hả chú?”

“Chưa có gì nhiều,” cảnh sát trưởng McGinnis trả lời. “Nhưng bọn ta hy vọng sẽ sớm thay đổi được điều đó.”

“Chú đang nói ông ấy là kẻ tình nghi sao?”

“Ta chỉ đang nói những gì ta đang nói thôi,” đôi khi cảnh sát trưởng McGinnis khoái nói chuyện kiểu đó lắm. Nhiều lúc tôi nghĩ ông ấy đã xem quá nhiều phim hình sự cớm-và-cướp cũ rích rồi nên mới thành ra thế.

“Và chú cũng đã nói chuyện với sĩ quan Rainey, cháu nghĩ vậy đúng không ạ, vì anh ta được thuê là để ngăn không cho một thảm họa như thế xảy ra mà,” tôi đoán.

“Tất nhiên,” ông đáp.

“Anh ta có nhắc đến tên mặc quần soóc đỏ nào không chú? Anh ta đã bắt tên đó tránh xa khỏi cái két sắt khi nó đang được trưng ngay tại chỗ vạch xuất phát. Một tên đi xe đạp leo núi ấy ạ.”

“Ta không nhớ.”

Đây là một trong những điều bực bội nhất khi làm việc với cảnh sát trưởng McGinnis. Ông ấy và tôi thường xuyên có ý kiến khác nhau về cách giải quyết một vụ án. Chẳng hạn như, nếu tôi đã thẩm vấn người bảo vệ số tiền trước khi nó bị mất cắp thì tôi sẽ nhớ tất tật những gì anh ta nói, từng chữ một.

“Tên đó mặc quần đua, nên cháu nghĩ hắn thuộc một trong những đội tham gia hôm nay.”

“Này cháu, vui lòng chỉnh hộ nếu ta nói sai nhé – và ta biết chắc là cháu sẽ làm như vậy,” cảnh sát trưởng McGinnis tiếp tục. “Có rất nhiều người chạy loanh quanh đây sáng nay. Mặc quần soóc. Và đi xe đạp.”

“Nhưng tên này khác. Vì có đặc điểm là hắn đi xe đạp leo núi. Và cháu chưa từng thấy hắn trong thị trấn bao giờ.”

“Trong số những người tham gia cuộc đua có không ít đến từ những nơi ngoài thị trấn này. Và ngược lại với ý kiến của công luận, thật ra cháu không biết hết tất cả mọi người đâu, cháu gái ạ.” Lần đầu tiên trong cuộc đối thoại của chúng tôi, cảnh sát trưởng McGinnis thật sự mỉm cười.

Đi được nửa đường đến cuối con hẻm thì tôi nghe có tiếng người nói sau lưng. Tôi quay lại vừa lúc thấy hai cảnh sát mặc thường phục đang hộ tống ông Ralph Holman ra khỏi ngân hàng, chui vào chiếc xe hơi màu đen không rõ lai lịch.

“Ông ấy bị còng tay!” tôi thì thầm với cảnh sát trưởng McGinnis. “Ông Holman bị còng tay!”

“Đúng,” cảnh sát trưởng nói. “Còn cháu ra khỏi đây ngay – và giữ mồm giữ miệng cho kín vào. Nếu chuyện này lộ ra ngoài trước khi bọn ta công bố, ta sẽ biết ngay ai là kẻ tung tin, và đó sẽ là chút thông tin cuối cùng mà cháu thu thập được từ ta, cho bất kỳ vụ án nào có ta tham gia. Cuối cùng! Hiểu không? Đừng nghĩ là đùa. Ta nói thật đó.”

“Ông Holman bị bắt vì vụ trộm hả chú?” tôi hỏi. “Chỉ cho cháu biết bấy nhiêu nữa thôi.”

“Nancy, cháu đã biết nhiều hơn những gì cần biết rồi. Làm ơn cho cả hai chúng ta một ân huệ đi! Hãy chấm dứt cuộc đối thoại này trong khi ta và cháu vẫn còn là bạn.”

Khi cảnh sát trưởng McGinnis để tôi lại ở lối dẫn ra phố, tôi không thể cưỡng được việc đặt thêm một câu hỏi nữa.

“Cháu nghĩ là chú đã cho phong tỏa tất cả các ngả đường và canh chừng tất cả các bến neo tàu rồi, đúng không ạ?” tôi hét to vào lưng ông.

Ông không trả lời hay quay lại, nhưng gật đầu và giơ ngón cái lên với tôi. Rồi ông vội vã đến chỗ chiếc xe màu đen kia.

Tôi nhìn họ lái xe đi – hai người mặc thường phục, cảnh sát trưởng McGinnis, và tù nhân của họ, ông Ralph Holman.

Tôi bước vòng lại phía trước ngân hàng, xem xét mặt đất gần vạch xuất phát/ đích đến của cuộc đua. Không có gì gọi là manh mối về những chuyện đã xảy ra hồi sáng nay hết. Nếu còn bất kỳ chứng cứ nào ở đây, thì những điều tra viên tôi đã thấy tụ họp vòng quanh trước đó cũng đã lượm đi hết rồi.

Tôi hình dung mối tương quan giữa ông Holman, sĩ quan Rainey, và tên mặc quần soóc đỏ. Rồi tôi bước tới cái cây mà Quần Đỏ đã đứng dựa vào khi tôi thấy hắn lần đầu tiên. Tôi cúi xuống gốc cây, lướt qua đám cỏ dại dày kín. Ở đó, lẫn trong đất là một dấu vết hoàn hảo của một bánh xe đua – một bánh xe leo núi dày. Dấu xe dài khoảng mười lăm xen-ti-mét. Và rõ ràng đó là nơi Quần Đỏ đã tì xe vào thân cây.

Tôi lần tay trong ba lô lấy ra con dao nhíp và cắt một vòng quanh vết bánh xe. Có một tấm áp phích rơi trên đường đua xuất phát. Tôi vớ ngay tấm áp phích đó, chèn mép nó vào vết cắt trong đất, rồi, rất cẩn thận, xúc hết cả chiều dài dấu xe lên. Dùng tấm áp phích như một cái khay, tôi nâng cả khối đất chứa dấu xe và vội vã quay lại văn phòng của bố trên đại lộ Highland. Tôi để dấu bánh xe trên bàn làm việc của bố và chụp nhoay nhoáy bằng cái máy chụp hình cấp tốc mà bố cất sau bàn.

Có được tấm hình cho thấy rõ mẫu bánh xe rồi, tôi nhét cái máy ảnh vào ba lô. Rồi tôi thận trọng đút cả khối đất vào một túi nhựa, đặt lên một cái ngăn trong tủ lạnh của văn phòng. Tôi dán một cái nhãn lên túi, ghi rõ XIN ĐỪNG PHÁ và ký tên.

Rồi tôi vạch kế hoạch cho bước tiếp theo.

Tôi rất muốn biết sĩ quan Rainey đang ở đâu. Gặp được anh ta thì tôi có thể hỏi thăm về Quần Đỏ thôi, và giờ đây tôi thậm chí còn có nhiều điều để hỏi hơn – về ông Ralph Holman. Bây giờ là sáu giờ hai mươi, và tôi đã thấy thấm mệt. Tôi cũng cần gọi điện cho đội của mình như đã hứa. Có thể tôi sẽ làm được nhiều thứ hơn sau khi được uống một ly latte.

Tôi chộp lấy xe đạp, khóa cửa văn phòng, và nhắm đến tiệm Đọc và Ăn của Susie, một tiệm cà phê sách trên đường River. Đó là một trong những nơi tôi thích lui tới: một hiệu sách tuyệt vời, cả sách mới lẫn sách cũ; và cũng là một tiệm cà phê hấp dẫn. Tôi khóa xe vào rãnh dựng xe đạp trước tiệm của Susie, bước vào.

“Ê, Nancy, chào em,” chị Susie Lin, chủ tiệm, gọi tôi từ phía sau quầy.

“Đợi một lát nhé,” chị Susie nói. Tôi đang xem bảng tin trong tiệm, gồm các mục giới thiệu việc làm và các mẩu quảng cáo khác. “Giờ này chẳng phải em đang chạy lòng vòng ở khu ngoại ô hay sao? Chị cứ tưởng đâu bữa nay em cũng đua xe chứ.”

“Em nghỉ giải lao chút xíu ấy mà,” tôi nói. “Bess đang chạy vòng này.” Tôi thật sự không muốn ai biết tôi đang làm gì – kể cả chị Susie.

“Bess hả? Ờ! Nhưng em… em đang nghỉ giải lao hả? Có chuyện gì không?”

“Không có gì đâu mà, thật đấy. Chỉ là em không thể đua mà không được ăn một cái bánh xốp nướng của chị trước đã.”

“Hôm nay là bánh nhân táo đó,” chị Susie nói, chỉ vào tấm bảng được dựng phía trước máy đếm tiền. Chị Susie luôn viết lên đó các món đặc biệt trong ngày bằng nét chữ dứt khoát không lẫn vào đâu được. Chị làm bánh xốp nướng ngon tuyệt cú mèo.

“Vậy chị lấy gì cho em đây?”

“Ừm, ít nhất là một cái bánh xốp nướng,” tôi trả lời. “Và một ly cà phê latte.”

“Chị hâm nóng lại bánh cho em nhé?” Susie hỏi.

“Tất nhiên ạ.”

“Vậy ngồi đi, chị quay lại ngay.”

Tôi nhìn quanh. Thường thì có nhiều người mua sách nghiêm túc đến lục lọi trên các kệ sách, nhưng những vị khách quen vào tối thứ bảy vẫn chưa tới, cho nên tôi tha hồ mà chọn bàn.

Tôi ngồi xuống một cái bàn tròn với những mảng sơn xanh sứt mẻ. Tôi ném ba lô sang cái ghế bên cạnh và thò tay vào lục tìm điện thoại. Đúng lúc đó, có hai cẳng chân đầy lông bước qua bàn tôi, rồi dừng lại trước bảng tin, hai bắp chân quay về phía tôi.

Tôi không thể kềm nổi một cơn rùng mình chạy dọc suốt cơ thể khi nhận ra ai vừa bước vào quán. Dù không thấy mặt, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra cái quần soóc đỏ đó ở bất kỳ đâu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.