Về nhà mà lòng tôi nặng trĩu, con An vì cớ gì mà lại khóc thầm như thế. Phải chăng tôi đã làm gì sai, hay lúc say đã lỡ miệng nói năng câu gì khiến nó buồn? Lý do nó khóc ngày hôm đó, mãi tới năm cuối cấp tôi mới biết. Chẳng hiểu tôi có gì đặc biệt mà lại khiến lắm người phải bận lòng đến vậy?
Nằm ngủ li bì ở nhà, người hâm hấp sốt, tôi cố gượng dậy để đi ra ngoài hít thở không khí mà không tài nào rời khỏi giường được, miệng đắng ngoét, mắt có cảm tưởng như bị ong chích sưng vù, khắp người ê ẩm. Đã lâu lắm rồi tôi mới dính phải trận ốm đến thế này, từ hồi học võ, toàn chỉ sổ mũi là cùng, chưa bao giờ đến mức độ kiệt quệ. Hôm qua mình uống có hơi nhiều nhưng đâu có đến mức làm lụng gì vắt sạch sức lực, giờ cầm cái cốc uống nước cũng thấy run run chực rơi. Buổi tối mẹ tôi phải nấu miến đem lên tận giường, bắt tôi uống cả vốc thuốc cho khỏi bệnh. Tôi ăn xong, chỉ uống có 2 viên panadol với một viên sủi, còn lại tôi lén hắt ra ngoài cửa sổ hết. Uống lắm thuốc nó sinh nhờn, lại càng đề kháng kém. Đang nằm ngủ thì tự nhiên chuông điện thoại réo, tôi cáu kỉnh nhấc máy nghe, đầu dây bên kia là thằng Việt, nó bắn một tràng liên thanh:
– Ê thằng bất tài! Tết này mày có về không, ở đây có mỗi tao với thằng biến dị kia, đi chơi chán quá!
– Tao còn đang ốm đây này, về gì nữa!
– Ốm hả? Làm sao mà ốm?
– Thì….
Nó chợt ngắt lời tôi:
– Khoan khoan! Chú để anh đoán xem lý do là gì nào!
– Ờ ừm! Ờ ừm! Do gái gú hả? Anh biết mày phong lưu mà!
– Gái cái mặt mày. Trẫm uống say nên long thể bất an!
– Thế thôi. Hoàng thượng lên ngai vàng nổi mà nghỉ nhé, thần đi Dday với thằng Dũng đây! À mà quên, uống vừa thuốc thôi, tẩm bổ nhiều cho nó lại, báu bở gì mấy thứ hại thân.
– Ờ ờ rồi. Khổ lắm nói mãi!
Tết này không về quê chơi kể cũng tiếc, nhưng mọi năm tôi cũng ít về Tết, toàn về hè chơi cho đã. Căn bản là vì nhà tôi ngoài này bên ngoại là chi thứ nhưng lại gánh việc hương khói, họ hàng đến nên không đóng cửa về quê được. Hà Nội mỗi dịp Tết đến là trầm hẳn đi, trở về với Hà Nội ngủ yên sau những hàng xà cừ cổ thụ, trở về những con đường vắng tanh không có người qua lại, tôi thong dong đạp xe đi chơi mà không lo bị người đi sau kêu nhường đường, không lo va quệt.
Nằm nhà đến tận chiều 28 tôi mới hơi khỏe lên, bước ra trần sau, đi lại bài Bát quái côn mà không nổi. Trận ốm này đến và đi như cơn bão, khỏi nhanh nhưng khiến sức tôi suy giảm nhiều, cố sức mãi mới đi xong cả bài, còn sai lệch nhiều chỗ, cây côn cũng cầm không vững, thế tấn thì nghiêng ngả. Lau mồ hôi, tôi tu nước ừng ực, đang nóng lắm mà không dám uống Pepsi lạnh, phải uống Orezon pha nước ấm. Nghỉ ngơi, ngồi ngắm nghía mấy chậu hoa của bố, đụng đụng thế nào tý thì gãy mất một nhành, vội vàng thôi, chạy lên phòng nằm cho an toàn, tránh ngồi đó ngứa tay táy máy hỏng cái gì nữa thì quắn đít. Chiều, tôi đi bộ lang thang ra xem chợ Tết gần nhà. Đúng là Tết nhất có khác, đông vui náo nhiệt hẳn, người mặc cả, người ra giá, tranh nhau đến cả bó lá dong. Xồ bồ quá tôi không thích, lang thang đi xa hơn, ra chợ hoa chơi. Sự lựa chọn đúng đắn của tôi là đây, nam thanh nữ tú đi mua hoa, cây cảnh về chơi Tết đều tới, nhưng cái tôi quan tâm là nữ tú. Biết bao em xinh xinh, mặc áo rét, đội mũ len, tay đeo găng, má đỏ ửng vì lạnh đang chỉ trỏ, níu tay bạn bè, người yêu, cái này đẹp cái kia hay. Nhìn ai cũng xinh tươi như những đóa hoa kia vậy, cơ mà tôi chẳng có cảm xúc gì hết, thấy nó cứ bình thường làm sao, không liên quan tới mình.
Đưa mắt rá quét khắp đám đông, tôi hi vọng tìm được ai đó, nhưng rốt cục thì cũng chỉ là đám đông xa lạ. Thở dài ngao ngán, dạo thêm chút nữa định đi về. Bỗng có ai vòng tay ôm tôi từ đằng sau, tiếp theo là cái giọng quen thuộc:
– Á à! Bị truy lùng thế mà dám một mình ra đây. Giơ tay lên không đánh chết, giấu xác làm phân bón hoa.
Tôi mỉm cười hạnh phúc, nói:
– An! Mày có bỏ ra không! Tao hét lên là bị xâm hại giờ!
Nó vẫn ôm khư khư người tôi, hai bàn tay trắng nõn đan vào nhau cố ôm vòng hết người, nó lắc lư người, cười hì hì:
– Không bỏ! Mày hét thử tao xem nào. Tao thách!
Đột nhiên sau lưng hai đứa có giọng éo éo thái giám vang lên:
– Ối làng nước ơi! Tôi bị xâm hại, sướng quá cơ! Hớ hớ hớ!
Tôi quay vội ra sau, con An cứ ôm cứng lấy, đứng vòng ra sau lừng tôi, úp sát mặt vào lưng, cười khúc khích. Tôi thì nhìn bọn đứng sau là lũ nhí nhố lớp tôi đang kéo nhau đi chơi chợ hoa, chúng nó con trai ôm con trai, con gái ôm con gái, nhại lại y nguyên mấy câu hai đứa vừa nói với nhau. Nghe tiếng cười, con An mới hỏi, mặt vẫn úp vào lưng:
– Hưng biến thái! Có cái gì vui mà người ta cười ghê thế?
Tôi dở khóc dở cười, đáp:
– Mày thò cái đầu đần độn của mày ra mà xem!
Con An ló đầu từ sau ra nhìn, bắt gặp ngay ánh mắt chớp chớp mở to b3nh hoạn của lũ nhất quỷ nhì ma kia, mặt nó đỏ như gấc, buông vội tôi ra, chạy tót ra phía đám con gái đừng. Bọn con gái xúm xít vào trêu, vỗ mông, nhéo má, nó sợ quá chạy sang bên phía mấy thằng con trai, mấy thằng làm mặt gian xảo, cười hè hè nhìn nó. Không biết chạy đâu, nó bị xoay vòng vòng như chong chóng, cái dáng mũm mĩm chạy qua chạy lại, ngơ ngác không biết trốn vào đâu. Cuối cùng, nó tự nhiên chui tuột ra núp sau lưng tôi. Bọn bạn trông thấy thì ồ lên rõ to, có đứa còn đọc gào lên:
– Trinh sát báo cáo. Bắt được tổ chuồn chuồn trước cổng chợ hoa, yêu cầu cấp trên cho chỉ thị xử lý.
Xong chúng nó cười ầm ì hường ứng, làm bao người ngoái lại nhìn hai đứa bọn tôi. Chúng nó rủ tôi vào chơi chợ hoa, tôi đành phải đi theo cho êm chuyện, không cái mồm lại ngoạc ra hát hò, đặt vè, sáng mùng 1 chúng nó kéo đến đọc trước cổng thì dông cả năm mất. Con An vẫn lẵng nhẵng bám theo tôi như cái đuôi, mặt đỏ bừng, im thin thít không dám nói gì. Mấy lần nó nó lắt nhắt chạy sang theo đám con gái, chúng nó cười ré lên trêu, con An lại chạy tọt về níu áo tôi. Ôi sao hàng ngày nó mồm mép tép nhảy thế mà giờ câm như hến thế này, đang yên đang lành thì chẳng sao, tự dưng gặp đúng bọn giặc giời nó kéo tới. Đúng là không có cái rủi nào giống cái rủi nào.
Rời chợ hoa, con An bưng về một chậu hoa dành dành cỡ nhỡ, cao chưa đến 1m. Hoa này thơm thật, nhưng nhìn chẳng thấy màu sắc gì, thế mà con An lại thích. Suốt dọc đường đi, nó mệt nhọc bê chậu hoa, nâng niu như báu vật, tôi bảo để tôi cầm cho thì nó không chịu, khăng khăng đòi tự bê, còn lấy lý do rằng tôi mới ốm dậy không được làm việc nặng. Con ngốc này đúng là coi thường mình mà. Cái chậu hoa bé tí, thế mà kêu việc nặng! Chẳng biết con ham ăn đãng trí này nó có nhớ chăm cây không, chứ cái cây còn bé, lại bị thúc cho nở hoa trái mùa sớm thế này, không chăm cẩn thận thì vài tuần là tèo, thành củi cũng chẳng đáng. Phải ghi nhớ, mỗi ngày nhắc nó tưới cây, tuần bón phân mới được, không cây chết, nó chán nản, lại có cớ trêu mình.
***
Ngày 29 Tết, tôi dắt xe ra dạo, buổi trưa sau khi ăn Tất niên ở nhà xong là ra phố, tận hưởng cái thú xem nhà khác tất bất chuẩn bị cho đêm giao thừa. Đi qua khu phố, len lõi vào các ngõ, ngửi mùi hương trầm thoang thoảng, nhìn trẻ con xúm xít chạy chơi trên vỉa hè. Đi qua nhiều nhà, cảnh hay gặp nhất là một ông bố đang gò lưng, đốt gốc đào Tết, đứa con chạy lăng xăng bên cạnh, nghiền nhỏ B1, pha thuốc màu thả vào bình cắm, có nhà thì tỉ mẩn cắt hoa cắm hoa ngoài sân, í ới gọi nhau đem cái này, lấy cái kia, treo bóng đèn, chăng đèn nháy ngoài cây, lắm nhà còn lúi híu dựng cây nêu trên nền xi măng, dựng tí đã đổ, cả nhà lại chạy ra dựng lại. Khung cảnh sao mà đầm ấm, yên vui đến thế. Chân tôi cứ bước đi thoải mái, chẳng biết làm sao lại đưa lối tôi đến trước cổng nhà con An. Thôi, đã đến rồi thì vào chơi vậy. Vào nhà thấy hoa cắm Tết bày la liệt, kéo cắt vứt lung tung, rồi góc này là cuộn dây đèn nhấp nháy, góc kia đang nghiêng ngả cành đào còn nụ vì để lạnh, chắc anh em nhà con này bị ông bán đào nào xỏ rồi. Tôi đứng ngoài đánh tiếng, con An mặc bộ quần áo nỉ, lon ton chạy ra. Tôi hỏi về cái mớ bừa bộn kia, nó gãi đầu gãi tai kêu bố mẹ đi về quê cả, còn mỗi hai anh em chẳng biết chuẩn bị Tết ra làm sao, anh nó vừa bị dằm đâm vào tay, nó vừa nhổ ra được thì tôi gọi. Ôi hai bác đi đâu mà để anh em con An nó làm tan hoang nhà cửa thế này chứ! Tôi đành xắn tay áo vào, chỉ đạo luộc gà, đồ xôi, may mà gạo nếp, măng với nấm hương nó ngâm từ trước rồi, không hôm nay mới ngâm thì ngu mặt. Trong lúc chờ nồi gà, tôi chạy ào ra chợ với anh nó, mua về mấy bông hoa Tết cắm tạm, xong lại è cổ ra đốt gốc đào, ngâm B1, pha nước ấm thúc cho hoa mau nở. Nhìn bố tôi làm thế nào, tôi chuẩn bị y chang thế đó, không dám sai một ly, giờ mới thấy công việc của đàn ông trong gia đình nó vất vả làm sao. Chuẩn bị hòm hòm, tôi chạy vào bếp làm nem, luộc thịt bò, bóc bánh chưng, đơm xôi ra đĩa, rồi quên mất mua cả xôi gấc, hoa hồng về cúng giao thừa, lại hộc tốc chạy ra mua, may mà người ta còn bán. Đến gần 7h tối, tôi sắp sẵn mâm cúng Tất niên lên bàn thờ, định thắp hương thì sực nhớ ra mình không biết khấn. Đành phải gọi điện về cho thằng Việt, nghe tôi trình bày xong, nó còn đùa được:
– Thế ông đảm đang muốn bài khấn kiều gì? Phong cách nào tao cũng có, tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Mã Lai, cái gì anh cũng biết.
– Thôi bố đọc bài khấn Nôm cho con nhờ!
– Ờ! Lấy giấy bút ra chuẩn bị chép lời vàng ý ngọc nhé!
– Mẹ cha mày, đọc nhanh lên!
Rồi nó đọc cho tôi một trành dài dằng dặc, xong lại thêm một bài khấn kiểu Hán Việt nữa. Tôi bảo con An nhìn tờ giấy của tôi rồi chép lại cẩn thận, xong anh nó nhìn vào học thuộc mấy câu chính, cứ thế mà khấn. Lại biên ra thêm một bản riêng để khấn giao thừa nữa. Tối hôm đó, tôi xin phép bố mẹ ở lại ăn Tất niên nhà con An, cùng anh nó chuẩn bị nốt mấy phần cho đêm giao thừa. Lần đầu tiên trong đời, tôi chuẩn bị một bữa cúng Tất niên, Trừ Tịch, nhưng lại không phải cho nhà mình. Thạo quá cũng khổ, không biết gì cũng khổ!
Ngồi xem Táo quân với anh em chúng nó, cười đau cả ruột, đến chừng 10h, hết Táo quân, tôi vội xin phép đi về, không về muộn đường tắc, quá 12h bước chân vào nhà xông đất, mẹ tôi vác chổi ra đập mất.