Người dịch: Văn Hòa – Kim Thùy
Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
Shared by: CCG –
Đài kiểm soát không lưu Đức dành cho chiếc Concorde quyền ưu tiên đáp xuống phi trường quốc tế Frankfurt. Vừa khi chiếc máy bay bắt đầu xuống thấp, cái mũi hình nón chúc xuống, ánh nắng mặt trời ban mai phản chiếu một hình khổng lồ lên mặt đất.
Ngồi tại trung tâm truyền thông, Morton nhìn màn hình hiện ra khuôn mặt của Lacouste ở Paris qua vệ tinh đang bay ở trên bầu trời Negev. Nhìn lên màn hình, ông thấy thiếu sự đồng bộ giữa đôi môi nhấp nháy được phát đi từ ngoài không gian xa xôi với giọng nói truyền đến qua luồng sóng điện của ông giám đốc sở Mật vụ Pháp.
Lacouste nói :
— Sau khi nội các nghỉ họp thì Appleton gọi đến tôi liền. Ông ta muốn biết chúng tôi có bảo đảm về phía Israel không, nếu chúng tôi thả bọn “Cảm tử quân” ra. Ông ta sợ Israel sẽ không để cho bọn chúng yên. Ông ta cứ nhắc nhở chúng tôi chuyện xảy ra sau Thế Vận hội Munich mãi.
Năm 1972, mười một lực sĩ Israel đã bị bọn khủng bố Ả Rập giết chết tại Thế Vận hội Munich. Morton đã lãnh đạo một tổ đi tìm giết chết chúng. Phải mất một năm trời và tốn hết hai triệu đô la Mỹ để làm được công việc này.
— Appleton biết về chuyện Munich vì Bitburg đã nói cho người Mỹ biết đấy, Pierre à.
Lacouste thở dài chán nản.
— Tôi biết rồi, nhưng đấy chính là điểm mà Appleton bám vào. Ông ta cứ nói không có cách nào để giấu kín tin các cảm tử quân chết hết vì người Israel muốn dằn mặt kẻ thù của họ. Appleton ba hoa quá, ông ta cứ luôn mồm nói rằng Israel đã dồn tình thế đến chỗ quá căng thẳng.
Phòng lái thông báo qua máy nội đàm cho biết máy bay sẽ hạ cánh trong vòng mười phút nữa. Morton và những kỹ thuật viên đều gài dây an toàn lại.
— Dân chúng của ông nói về Appleton ra sao ? – Morton hỏi.
Lacouste nhún vai.
— Chắc ông cũng đoán được rồi. Ai cũng biết mục đích của Appleton hết. Nếu chúng tôi thả chúng ra, và có chuyện gì xảy đến cho ”Cảm tử quân”, thì chắc số người Ả Rập cực đoan và ôn hòa sẽ đoàn kết lại với nhau hơn trước. Appleton sẽ tuyên bố rằng không có sự khác biệt giữa chống khủng bố và khủng bố. Người Pháp sẽ được xem như có âm mưu trong việc giết chết những người được tha bổng này. Do đó, vấn đề sẽ xấu ra. Hàng tỷ quan Pháp sẽ đổ ra. Những cuộc tấn công trả đũa sẽ xảy ra trên đất Pháp. Cảnh chiến tranh Vùng vịnh lại tái diễn. Chỉ khác là lần này sẽ xảy ra trên đường phố Paris…
— Vậy thì dân nước ông sẽ làm gì ? – Morton hỏi.
— Tổng thống đã điện thoại đến cho Thủ tướng của ông. Theo tin nhận được thì Thủ tướng Karshov không đồng ý. Ông ấy cho biết chỉ có nước Pháp quyết định mà thôi, chứ không có gì để bàn thảo.
Morton đáp cụt lủn, rõ ràng : — Ông ta nói đúng đấy. Điều hay nhất là Tổng thống của ông nên giữ bọn Cảm tử quân ấy lại, cứ nhốt chúng lại, lên án chúng cho chính xác đúng mức. Nếu nước Pháp thả chúng ra sẽ rất khó khăn cho mọi người đấy.
Một đám nhiễu điện chạm vào máy bay. Morton vịn chặt tay dựa ghế ngồi.
Ở Paris, Lacouste có vẻ trầm tư. Ông nói :
— Có nhiều áp lực lắm, David à. Nội các sẽ họp sau vài giờ ngủ nghê đã.
Vị sĩ quan Trung tâm Truyền thông cho biết Danny đang gọi đến từ Tel Aviv, tin rất khẩn cấp.
— Tôi có việc gấp, Pierre. Ông hãy thúc đẩy Tổng thống cứ nhốt bọn cảm tử quân ấy lại.
Hình của Lacouste biến mất. Nếu nước Pháp cương quyết nhốt bọn cảm tử quân lại thì thế nào Raza cũng phạm phải sai lầm. Thế là đủ rồi. Danny hiện ra trên màn hình.
— Fuller vừa mới báo tin – Danny nói – cho biết Tổng hành dinh Trung tâm Tình báo mới chặn được một tin quan trọng ở khu vực Luân Đôn.
Danny nhìn xuống một tờ giấy. Bộ phận thuộc cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ hợp tác với nước Anh đóng tại Cheltenham. Những chuyên viên kỹ thuật ở đây đã bủa một mạng lưới điện tử khắp Luân Đôn kể từ ngày xảy ra vụ đánh bom khách sạn. Danny bèn đọc :
— Đây là một bức fax có nội dung như sau : “Người giao hàng đã giao và đã được giao. Việc giao hàng có thể bắt đầu tối nay vào giờ đã ấn định”.
Morton ghi hết vào giấy.
— Fuller nghĩ sao ?
Danny có vẻ bối rối.
— Bản tin này ông ấy nhận ở M15. Cho nên Percy West báo cho các cơ quan chức năng biết là chắc Luân Đôn không phải là mục tiêu. West lập luận rằng nước Anh đã được đề phòng rất cẩn thận, Raza chắc sẽ hành động ở đâu đó bên châu Âu. Ông ta lại còn nói với Thủ tướng rằng Raza chỉ dùng Luân Đôn làm nơi phát tin để đánh lạc hướng thế giới mà thôi.
— Còn anh thì nghĩ sao, Danny ?
— Tôi cũng không biết nữa, David. Chắc chắn Raza có đặt máy phát tin ở Luân Đôn. Hay là có gài mật vụ ở đây. Tôi đã khuyến cáo Fuller chú ý mấy điểm này. Ông ấy có nhiều kinh nghiệm về vụ gài người xâm nhập vào dân Ả Rập ở đây.
— Tổng hành dinh Trung tâm Tình báo đã có ý dứt khoát chưa ?
Danny nhìn lên :
— Họ cho là tin đó phát ra đâu đó ở vùng ngoài Tây Luân Đôn, nhưng cũng khó mà phanh phui ra lắm. Cả ba triệu dân sống khắp nơi đây. Họ lại còn cho là có thể tin xuất phát từ môt máy fax xách tay. Năm ngoái chỉ ngay ở Luân Đôn đã bán được nửa triệu máy này. Cơ quan Viễn thông Anh Quốc cho biết đã có bốn triệu máy đăng ký hoạt động. Phải mất một tuần để kiểm tra trên máy tính…
— Thôi, mặc xác họ. Tôi muốn mọi người phải sẵn sàng hai mươi bốn giờ mỗi ngày ngay đi – Morton cương quyết nói.
— Xin tuân lệnh – Danny đáp – Thêm một tin nữa vừa nhận được sau mấy phút khi nhận tin của Fuller và Lou Panchez. Một vệ tinh của Mỹ bay trên vùng Azores để bắt những tin vào, ra ở miền Đông Hoa Kỳ cũng đã bắt được một bức fax hoàn toàn tương tự như bức ở Luân Đôn.
— Họ có biết hướng đi của bức fax không ?
— Đi ra. Từ đâu đó giữa Boston và Washington.
— Cho Ban Cải Tổ Nhanh hoạt động đi. Có lẽ xuất phát từ một tòa Đại sứ nào đó. Khi nào thì tổ của anh hoạt động ở New York ?
— Tối nay. Anh có muốn tôi điều động một ít đi không ?
Morton ngẫm nghĩ. Những kỹ thuật viên của Danny có thể hữu dụng ở Washington và New York, để dò tìm các tòa Đại sứ Ả Rập ở thủ đô và hoạt động ở Liên Hiệp Quốc.
— Không cần, nhưng tôi yêu cầu Matti và Lou chú tâm theo dõi dấu vết của Harmoos. Nhờ Gates rút nhân viên ở Columbia để làm công việc ấy giúp.
Vị sĩ quan Trung Tâm Truyền tin gọi Morton :
— Tướng Yertzin đang nói trên máy bí mật.
— Đợi chút, Danny.
Morton nhấc một điện thoại trên bàn phím ở bên cạnh ông rồi ấn xuống những nút trên đó. Máy điện thoại bí mật này bảo đảm việc đàm thoại không ai tài nào nghe lén được.
— Thưa Thiếu tướng, tôi rất hân hạnh được nghe ông nói đây.
Yên lặng một lúc, chiếc máy bí mật sột soạt một hồi, rồi bỗng giọng nói cùa Yertzin vang lên trong tai Morton.
— Chào đồng chí. Đồng chí nói hai ngày. Toán biệt kích của tôi làm chưa đến hai ngày. Họ tìm thấy một máy phát tin chuyển tiếp ở môt làng nằm phía bắc Kabul. Họ cho biết Raza đã đặt ở đây mấy tuần rồi.
Morton hình dung ra cảnh họ tìm ra máy này ra sao rồi. Ông đã thấy họ làm việc ở Afghanistan. Họ làm việc rất khẩn trương.
— Tôi muốn ngài lấy cái máy ấy đem đến Tel Aviv nhanh chừng nào hay chừng ấy.
— Bộ ông muốn dùng để theo dõi Đài phát thanh ra sao ?
— Đúng thế.
— Chúng tôi có thể làm thế cho ông ở M… – Yertzin nói.
— Tôi biết chắc như thế rồi. Nhưng tôi muốn theo dõi tại Tel Aviv, thưa Thiếu tướng.
Yertzin im lặng một hồi lâu rồi đáp.
— Thôi được, tôi sẽ thu xếp một chuyến bay thẳng từ Kabul đến Tel Aviv.
— Xin cám ơn Thiếu tướng. Xin gởi lời chào mừng các chiến sĩ biệt kích của ngài.
Ông gác điện thoại, quay qua Danny và nói cho ông ta biết câu chuyện vừa rồi, xong ông hỏi Danny :
— Nhân viên của anh sẽ tìm ra Đài phát thanh của Raza đặt ở đâu trong bao lâu ?
Danny nhíu mày.
— Theo tôi thì dù Raza đặt ở đâu, tôi cũng xin hứa là trong vòng hai ngày.
— Thế là vừa đúng hạn hắn đưa ra rồi, Danny.
Danny gật đầu. Rồi nét mặt ông tươi lên, ông nói : — Theo tôi thì hắn đã lấy cái máy MRT của Costas, thế nào tôi cũng nhắn nhe hắn ít điều để làm cho hắn cuống cuồng lên mới được. – Ông ta giải thích, rồi mặt ông biến mất khỏi màn hình.
Một lát sau, Morton cảm thấy chiếc Concorde chạm đất, đài kiểm soát mặt đất hướng dẫn chiếc máy bay đậu cách xa trạm khách đến, trong khu vực bảo đảm an ninh dành cho các chuyến bay chở các nhân vật quan trọng vào ra phi trường. Khi Morton bước xuống máy bay, Hans Dieter Muller đứng đợi dưới cầu thang. Bên cạnh đó, có sẵn hai chiếc xe của nhà nước. Mỗi xe đều có một tài xế mặc quân phục ngồi ở tay lái.
— Xin chào mừng ông Morton – Muller chào, thái độ không mấy vui.
— Rất sung sướng được gặp ông, Hans Dieter.
Muller vẫn có vẻ buồn bã khi đáp lại : — Tôi hy vọng ông vẫn nói như thế khi ông nghe được chuyên gì đã xảy ra.
Morton nhìn ông ta một lát.
— Chắc là Appleton gây chuyện phải không ?
Vị sĩ quan Mật vụ Đức tỏ ra ngạc nhiên, ông ta hỏi :
— Tại sao ông biết ?
Morton kể cho ông ta nghe chuyện Lacouste đã nói.
— Đi thôi, ta sẽ nói chuyện ở trong xe.
Khi họ đi đến mấy chiếc Mercedes, người tài xế nữ bước ra khỏi xe, mở rộng cửa sau. Sau khi Morton và Muller đã ngồi vào xe xong, cô ta lên đứng đợi ở phía trước, quay lưng trước nắp đậy xe.
Muller gật đầu hướng về phía cô ta.
— Họ đã dạy cô ta như thế ở trường huấn luyện. Cô ta lái xe cho tôi đã một năm nay mà tôi vẫn không làm cho cô có thể bỏ thói quen đó đi được.
Morton cười.
— Tại sao ông không dọa sẽ cho cô ta về lại đấy ?
Muller thở dài. — Người đến thay lại còn cứng nhắc hơn thế nữa.
Ông Trưởng ban hành quân lấy hộp thuốc lá bằng bạc ra, ông vẫn hút thuốc.
— Hộp thuốc của bố tôi. Ông cụ vấn thuốc hút khi ở Stalingrad năm 1941 và trở về sau đó hai năm. Ông cụ nói nhờ thế mà ông được bình an vô sự.
— Appleton đang làm gì thế, Hans Dieter ? – Morton nhẹ nhàng hỏi.
Muller châm lửa hút thuốc. Ông đáp :
— Ông ta gọi Kunzler và đã nói chuyện với ông ấy suốt một giờ về tầm quan trọng của cái mà ông ta gọi là “Nước Đức mới” phải tìm chỗ đứng trong thế giới Ả Rập.
Muller hít một hơi thuốc thật dài, rồi nói tiếp, — Appleton nhắc nhở ngài Thủ tướng nhớ là chỉ Tây Đức thôi cũng đã mua hàng của các nước Ả Rập đến hàng chục tỷ mác, và Đông Đức cũ cũng nhiều như thế. Nước Đức thống nhất không thể nào tránh khỏi gặp phải những vấn đề khó khăn trong việc giao lưu. Appleton rất quan tâm đến việc chúng tôi đừng để mất những hợp đồng ấy đi bằng cách thúc đẩy việc hợp tác nhanh lên. Ông ta đề nghị sử dụng những văn phòng hữu nghị của ông ta ở tại Riyadh, Cairo và kể cả ở Damascus.
— Ngài Thủ tướng đã nói gì ?
— Kunzler là người rất kiên nhẫn lắng nghe, nhất là khi nghe Washington nói. Ông ta không giống Thủ tướng Kohl đâu. Thực tế thì Kunzler nói tiếng Anh như là ông ta học được trên đài phát thanh quân lực Mỹ vậy – Muller nhúc nhích trong chỗ ngồi – Tất nhiên là Kunzler không đả động gì đến chuyện thu xếp của chúng ta cả.
— Ông ta không làm thế là phải.
Muller phà một hơi khói theo hình xoắn ốc bay trên trần xe, rồi ông nhìn làn khói biến mất vào những chỗ thông hơi nằm thật kín trong xe.
— Hình như thế. Sau khi Appleton điện thoại đến, Kunzler ra lệnh cho người thư ký trưởng gọi tôi để nói phải hủy bỏ chuyến thăm viếng của ông đi.
Morton nhìn Muller chằm chằm. Muller bình tĩnh nói :
— Yên rồi, ông Morton. Tôi đã nói với người thư ký trưởng rằng tôi phải nói chuyện trực tiếp với ngài Thủ tướng. Cũng mất đến hai giờ mới thu xếp được. Cuối cùng tôi lại còn mất mười phút vì có một vị Đại sứ đến trình ủy nhiệm thư và một phái bộ thương mại Nhật Bản phản đối về mức quota nhập khẩu xe hơi…
— Yên rồi sao ?
Muller hít một hơi thuốc thật dài.
— Tôi đã nói với ông ta nếu ông ấy ngăn chặn ông thì tôi sẽ xin từ chức. Ông ta có vẻ dao động một chút. Cuối cùng thì ông ta bằng lòng. Ông có một buổi sáng để gặp cô ấy, chứ không được trọn cả ngày. Nếu cô ta bằng lòng, cô sẽ có cuộc sống mới, có tự do, có cơ hội đế cống hiến. Bằng không, cô ta lại tiếp tục ở tù cho đến mãn đời. Tất nhiên là cô ta chắc sẽ không muốn thế.
Morton cố giữ giọng bình tĩnh, ông hói : — Ai quyết định ? Có phải Kunzler không ?
Muller mỉm cười :
— Ông ta hành động theo lời yêu cầu của tôi. Tôi hành động theo lời yêu cầu của ông. Thế thôi, không có vấn đề gì khó khăn hết.
Morton lắc đầu :
— Bậy rồi, Hans Dieter à, vẫn còn một vấn đề khó khăn đấy.
Ông bèn mở cửa xe rồi nhảy lên các bậc cấp lên máy bay lại. Trong phòng Trung Tâm truyền tin, nhiều kỹ thuật viên đang ngồi ngủ gà ngủ gật tại chỗ. Những người khác đang uống cà phê. Ông sĩ quan Trung tâm truyền tin đang ngồi nơi bàn xếp, chỗ ông thường ngồi viết lịch không hành cho mỗi chuyến bay, ông ngước mắt nhìn lên, đầy kinh ngạc.
— Gọi cho tôi Tòa Nhà Trắng – Morton ra lệnh.
— Ngài muốn gọi cho ai, thưa đại tá ?
— Gọi Tổng thống Hoa Kỳ.
Người sĩ quan ngần ngừ. — Bây giờ là hai giờ sáng ở Washington, thưa đại tá.
— Mặc kệ ! Đừng cãi. Cứ gọi ông ta đi ! – Morton rít lên, ông bước vào chỗ ngồi.
— Dạ vâng, thưa ngài.
Người sĩ quan Trung tâm truyền tin bắt đầu ra lệnh. Những kỹ thuật viên hoạt động. Đường dây nhanh chóng được nối với Washington. Ở trong phòng truyền tin dưới hầm nhà Tòa Nhà Trắng, viên sĩ quan trực hiện ra trên màn hình.
— Xin ngài cho biết tại sao ngài lại muốn đánh thức Tổng thống dậy, thưa ngài ? – Viên đại úy Thủy quân lục chiến hỏi.
— Không. Anh cứ việc nối đường dây với ông ta đi.
— Tôi không thể làm được, thưa ngài…
— Nghe tôi nói đây. Tôi ra lệnh đấy. Đánh thức ông ta dậy. Cứ nói có đại tá Morton muốn nói chuyện với ông ta.
— Thưa ngài, tôi không…
— Hãy gọi đi – Morton ra lệnh – bằng không, anh sẽ đi nối dây điện thoại ở Alaska đấy.
— Xin ngài vui lòng đợi cho môt chút.
Màn hình ở Washington trống đi. Morton cảm thấy không khí quanh ông đều căng thẳng. Nhiều người có thể bị sa thải vì gặp phải chuyện như thế này lắm. Bỗng một nút trên tủ máy của viên sĩ quan Trung tâm truyền tin bật sáng lên. Viên sĩ quan nhấc lên, lắng nghe rồi quay qua Morton :
— Trưởng Tham mưu Tòa Nhà Trắng đấy. Họ đang nối đường dây đến phòng ngủ của Tổng thống.
Morton càu nhàu. Một lát sau, mặt của Tổng thống Mỹ xuất hiện trên màn hình. Mặc dù mái tóc bị bờm xờm, nhưng ông ta vẫn nhắc Morton nhớ đến Jack Kennedy. Tổng thống đang mặc áo ngủ. Ông ta nhìn ra ngoài màn hình.
— Ông Morton, tôi đoán chắc có chuyện tối quan trọng, ông mới đánh thức tôi dậy khuya khắt như thế này.
— Tôi xin lỗi đã thức ngài dậy, thưa Tổng thống. Tôi gặp phải một vấn đề khó khăn mà chỉ có ngài mới giải quyết được. Và tôi cần ngài giải quyết ngay bây giờ.
Tổng thống mím môi. — Chuyện gì thế ?
— Chuyện về Appleton. Ông ta đã chen vào công việc của tôi. Tôi đã gọi điện thoại gặp ông ấy, xin ông ta dừng lại rồi. Nay tôi xin ngài chặn ông ta lại giúp tôi.
Morton nhìn khuôn mặt trên màn hình. Nét mặt giận dữ vì Tổng thống không hay biết gì hết.
— Ông cho tôi biết chuyện gì xảy ra thế, ông Morton. Kể hết đi.
Morton kể cho ông ta nghe. Im lặng một hồi rồi Tổng thống lên tiếng. Giọng ông nghe lạnh lùng :
— Được rồi, ông Morton. Tôi tin chắc ông Appleton đã có ý đồ đen tối rồi đấy. Tôi xin cam đoan với ông là ông ta sẽ không làm cho ông bị phiền lòng nữa đâu.
— Xin cám ơn Tổng thống.
Morton nhìn Tổng thống đưa tay vuốt tóc.
— Tôi chắc ông chưa có tin gì để tái triệu tập một cuộc điện đàm thượng đỉnh nữa chứ ?
— Dạ chưa, thưa Tổng thống.
— Xin chúc ông ngủ ngon, ông Morton – Màn hình trống trơn.
Morton đứng dậy. Ông nhìn quanh. Vị Sĩ quan Trung tâm truyền tin và các kỹ thuật viên nhìn ông kinh ngạc.
Morton im lặng bước ra khỏi ca bin rồi bước xuống thang máy bay. Muller vẫn đợi ông bên xe hơi. Ông ta cầm một tập hồ sơ trong tay. Ông ngạc nhiên nhìn Morton, rồi hỏi ông vừa làm gì. Morton nói cho ông ta hay.
— Trời ơi ! – Ông ta thốt lên – Ông gọi Tổng thống Hoa Kỳ à ? Ông đã làm thế à ? – Trời ơi!
Morton cười. — Thì có khó khăn gì đâu. Kẹt lắm thì ông cũng phải gọi cho Thủ tướng của ông chứ.
— Nhưng Tổng thống Hoa Kỳ… – Muller lắc đầu, rồi mở hồ sơ ra, ông nói : – Đây, giấy phép của ông đây. Chiếc xe kia sẽ chở ông đến đấy.
Ông ta cúi đầu chào gượng gạo rồi bước lại vào chiếc Mercedes. Người tài xế chiếc xe kia đang mở rộng cửa. Cô ta nghiêm trang chào khi Morton bước vào xe.
*
**
Khi Bill Hardman mở cửa ngôi nhà có hàng hiên bao quanh nhìn xuống con sông Thames ở Putney, anh liền nghe bước chân trẻ con chạy trên thảm ở phòng khách. Bước chân chạy vội vàng. Cách đây một thế kỷ, vùng này toàn bộ là nhà lá của dân lao động. Bây giờ thì hầu hết là nhà cửa của những nhân viên điều hành ngành truyền hình và các chủ tư bản đang phất lên, hàng ngày đi vào thành phố làm việc bằng đường sông. Ngôi nhà của Bill tọa lạc ở một ngã tư, cho nên anh có thể xem rất rõ ràng cảnh đua thuyền của trường Oxford và trường Cambridge khi họ chèo qua dưới cầu Putney.
Mở cửa ra là anh gặp ngay Amy, cô bé lên bảy rất dễ thương, rồi đến Debra hiện ra, cô bé đã lên mười một, cho nên trông nghiêm trang chững chạc hơn. Thả hành lý xuống, anh ôm hai con vào lòng, anh cảm thấy nhịp tim của hai con mình đập mạnh dưới lớp áo học trò. Anh ôm chặt hai con vào lòng rồi bước vào nhà, vừa khi Fiona từ trong bếp bước ra. Chị không đẹp bằng Amy, mà trông giống Debra hơn.
— Bill ! Em lo quá, cứ sợ xảy ra việc gì.
Anh hôn chị rồi vội kể cho chị nghe chuyện chậm trễ ở Frankfurt và Luton. Rồi anh lại hôn chị.
— Bố! – Amy nhỏ nhẻ nói, thái độ hân hoan sung sướng – Mẹ muốn được hôn nữa đấy !
— Xì ! – Debra nói – Cô Fortescue đã dặn đừng quấy rầy người lớn.
Cô Fortescue là hiệu trưởng trường tư thục hai cô bé đang theo học.
Ông bố nhìn hai con rồi cười, vẻ ân hận. — Họ tịch thu hết quà của hai con rồi.
— Ôi, bố, không ! – hai đứa cùng la lên, vẻ vô cùng thất vọng. – Họ tại sao lại tịch thu được ?
Anh kể cho cả nhà nghe về chuyện anh đã đoạt được giải quảng cáo nước hoa, và có hy vọng là cả nhà được mời đến Athens để tham dự lễ phát mãi. Amy tỏ ra thích thú, còn Debra cũng bớt vẻ nghiêm nghị , cô bé có vẻ phấn khởi lên. Fiona thì lắc đầu, chị có vẻ phân vân.
Bill quay lại, mở vali, lấy ra chai Đêm Hy Lạp.
— Ôi, bố ! – Amy la lên – Chai đẹp quá !
— Của mẹ, Amy à – Bill nói, vừa đưa cái chai cho Fiona.
— Cho cả nhà dùng thử đi – Amy đề nghị.
Debra lắc đầu bảo em — Cô Fortescue đã dặn chúng ta không được xức nước hoa khi đi học.
Cô em có vẻ tiu nghỉu. Fiona nhìn cả hai con. — Này, nếu mẹ không đưa hai con đi học, cô Fortescue sẽ la rầy đấy. – Rồi Fiona quay qua Bill :
— Bây giờ anh đi tắm rửa đi, em sẽ mang thức ăn điểm tâm vào giường cho anh khi em về. Để va li đây, em sẽ soạn ra cho anh.
Anh hôn cả nhà thêm lần nữa, rồi bước lên lầu. Amy nhìn vào cái chai.
— Mẹ à, cho con một giọt đi, được không ? Cô Fortescue không ngửi thấy được đâu.
Fiona cười với Debra. — Mẹ thấy cũng đúng đấy.
Cô chị gật đầu. Fiona mở nút chai ra. Rồi chị chấm một tí nước hoa lên má các con gái và sau hai tai của chị. Mùi thơm thật dễ chịu. Chị vặn nút lại.
— Rồi, các con đi học đi.
Hai cô bé lấy cặp đi học. Từ trên lầu, vọng xuống tiếng nước chảy.
Fiona định để cái chai lên kệ trên máy sưởi phòng khách, thì Debra chặn chị lại.
— Em này, nhà mình đang mua bán cái gì ?
— Đang hợp tác mua nước cho Sudan – Amy nhắc nhở mẹ.
— Không phải nước. Mà máy để lọc nước – Debra chỉnh lại.
— Chúng ta phải mang biếu gì chứ – Amy nói – Cô Fortescue đã nói rồi mà.
— Ô, lạy Chúa, mẹ quên phắt mất ! – Fiona nói – Mẹ cứ ngỡ là tuần sau cơ. Ta sẽ mua cái gì trên đường đi cũng được.
Dervla lắc đầu.
— Không có thì giờ đâu, mà cửa hàng cũng chưa mở cửa mà.
— Cô Fortescue chắc sẽ giận lắm đấy, mẹ à – Amy nói nho nhỏ, mặt bé gần muốn khóc.
Fiona nhìn cái chai. Thực tế là chị không muốn biếu đi quá sớm như thế, nhưng hai cô gái có vẻ thất vọng quá.
— Biếu cái này được không ?
— Quà của bố biếu mẹ mà – Amy phản đối.
— Mà chai lại mở ra rồi ! – Debra nói thêm.
— Mẹ chắc là bố không để ý đâu, Amy à – Fiona vừa nói vừa cẩn thận vuốt cái dấu khằn lại cho ngay ngắn. Dùng vào việc cho các con, chắc Bill cũng thông cảm thôi. Chị đưa cái chai lên xem lại – nào, trông có suy suyển gì đâu ? – Rồi chị đưa chai nước hoa cho Debra.
*
**
Cách đấy ba dặm, trong nhà bếp của ngôi nhà chung cư, Faruk Kadumi đang chuẩn bị để hoàn tất công việc. Hắn ta loay hoay trong bộ áo quần bảo hộ, soi người trong tấm cửa kính ở lò bếp để xem cái mũ trùm đầu có phủ kín hai vai không. Hắn từ từ thở qua chiếc mặt nạ, vừa lê bước đến cái tủ lạnh, hắn mở ra.
Những ống nghiệm đậy nắp kín đáo xếp từng dãy trên nhiều kệ, ở dưới đáy tủ lạnh là cái chai còn đầy, và cái chai đã trống trơn. Hắn khó khăn cúi xuống tủ, lấy cái chai còn đầy ra. Hắn để trên quầy bếp, rồi đóng tủ lạnh lại.
Hắn đưa cái chai vào trong một vòi nước nóng cho đến khi chất đựng trong chai lỏng ra. Hắn lấy một cái ống tiêm, hút ra một lượng nhỏ vi rút bệnh than B.C sền sệt, bơm vào trong một ống nghiệm. Rồi hắn cẩn thận cho nước muối vào trong ống, đậy nút lại, lấy sáp trong gắn chặt lại.
Trong một giờ đồng hồ, hắn đổ đầy tất cả những ống nghiệm còn lại cho vào tủ lạnh. Hắn để cái chai trống trơn thứ hai bên cạnh cái chai kia. Hắn cởi áo chưa xong thì chuông cửa reo vang. Faruk Kadumi sợ điếng cả người.
Nhân viên của Effendi đến tối mới đến lấy những ống nghiệm cơ mà, sau khi hắn đã gọi Effendi để xác định số lượng bao nhiêu ống. Rồi hắn sẽ bay đi Paris, và qua Algiers. Hắn sẽ ra khỏi đây trước khi những người lấy ống nghiệm đến. Hắn chỉ biết là mỗi người đều có rèn một chìa khóa căn phòng giống nhau.
Chuông cửa reo liên hồi.
Khi Faruk Kadumi lặng lẽ bước ra phía hành lang, thì tấm bảng trên hộp thư mở ra và có một giọng nói gọi vào.
— Cảnh sát đây. Có ai trong nhà không ?
Faruk Kadumi nghiến răng, nín thở. Hắn cảm thấy đầu óc quay cuồng, hai thái dương giật giật. Tại sao chúng lại đến ? Chúng muốn gì đây ? Sau một hồi, tấm bảng trên hộp thư khép lại. Faruk Kadumi thở dài nhẹ nhõm, đầu bớt choáng váng nhưng hắn không tài nào giữ cho khỏi run.
Bên ngoài cửa có tiếng than phiền với nhau : — Giờ này mà không có ai ở nhà hết ! Vô lý quá nhỉ ? Đây là khu lao động mà.
— Nếu anh hỏi tôi thì cũng bằng thừa. Tôi chỉ muốn biết họ hỏi làm quái gì những cái số năm ra đời của mấy cái máy này mà thôi ?
Faruk Kadumi nghe tiếng càu nhàu đồng ý. Rồi cái bửng mở ra lại. Một tờ giấy rơi xuống nền nhà. Hộp thư đóng sầm lại. Một lúc sau, có tiếng gõ cửa ở phòng bên kia hành lang.
Đợi cho đến khi nghe tiếng một phụ nữ mời cảnh sát vào phòng, Faruk Kadumi mới ra phòng khách, lượm tờ giấy lên xem. Tờ giấy có hàng chữ đầu : “Thông báo của cảnh sát”. Bên dưới là lời tuyên cáo của Sở cảnh sát Scotland Yard truyền lục soát từng nhà để tìm số ra đời của tất cả máy fax, nhân viên đi lục soát được quyền tịch thu bất cứ máy nào. Trong trường hợp tịch thu, sẽ có biên nhận giao cho gia chủ. Không giải thích khi đi lục soát, ở cuối tờ giấy thông báo ghi rõ là cánh sát vì không gặp được chủ nhà, cho nên sẽ trở lại sau. Không thấy ghi ngày giờ trở lại.
Faruk Kadumi lại càng run cầm cập. Thế là chúng đã biết về tin hắn gởi đi. Bây giờ chúng đang tìm hắn. Chắc là hắn không nên dùng điện thoại hay máy fax nữa rồi. Hắn phải gọi cho Effendi ở máy điện thoại công cộng tại phi trường.
Hắn nghe tiếng gõ cửa của cảnh sát đi dần về cuối hành lang. Hắn không dám rời nhà cho đến khi cảnh sát đã đi khỏi khu phố. Nhưng như thế thì lâu lắm. Hắn lại càng run rẩy thêm nữa.
*
**
Người Trưởng đội Cải Tổ Nhanh đưa mắt nhìn chằm chằm vào Matti khi anh bước qua căn nhà, ông ta cầm một tấm bảng kẹp giấy tờ trên tay. Trong vòng mấy giờ, ông và nhân viên của ông đã thiết lập một tổng đài nho nhỏ và nhiều máy móc cũng như thêm vào một máy vi tính và ba máy fax nữa, một máy có đường dây nối thẳng đến Langley.
Đồ đạc trong phòng khách được thay thế bằng một dãy bàn ghế làm việc kê áp sát vào tường. Những buồng dã chiến được trang bị máy nghe băng kê sát theo nhau. Những chiếc giường xếp kê trên nền nhà.
— Tôi không tin họ có thì giờ để dùng những thứ này, – Ông trưởng nhóm có mái tóc hoa râm cười nói – Nhưng cũng đã tạo ra được một phòng chiến đấu di dộng rồi đấy.
— Các anh đã làm việc số dách rồi – Matti nói – Một cái nhà ly hương cho những chuyên viên của thiếu tá Nagier.
Ông Trưởng ban cười xòa, đưa cái tập kẹp giấy ra : — Xin anh ký cho, tôi còn ra ngoài xem một vị trí quanh Sweetmont cho lính của Danny nữa. Những chỗ ấy còn chua cay hơn cả những nơi như đây nữa. Ở đây không ai chú ý khi đi khi về. Còn địa điểm như Sweetmont thì ai cũng thấy ớn hết.
Khi Matti đưa ông Trưởng ban ra cửa, anh vừa mới đóng cửa lại thì chuông điện thoại reo. Mirian gọi từ Trung tâm thành phố.
— Matti, lại chuyện về Nancy Carson đây.
— Cô ta ra sao ?
— Tệ lắm. Nặng thêm lên. Bệnh viện chăm sóc cô ta rất ráo riết. Cô ta có nói với ông y tá chuyện lạ lắm. Cô y tá nói cho em nghe và em chắc anh rất muốn biết chuyện này. Mà xem ra thì chẳng có gì…
— Nói cho anh nghe đi, Mirian – Matti nhẹ nhàng ngắt lời cô. Anh rất ngạc nhiên, vì khi nào cô ta cũng không tin tưởng những chuyện xảy ra ngoài lãnh vực nghề nghiệp của mình hết.
— Nancy đã bị cướp giật ở phi trường Kennedy. Một tên đã cướp quà tặng của cô ta.
Matti dịu dàng nói :
— Việc ấy thường xảy ra luôn mà. Rất thường. Đáng buồn đấy. Quà gì thế không biết ?
— Bởi thế mà em gọi đến cho anh hay. Có hai chai mà nghe ra là loại nước hoa rất đắt tiền. Cô ta nói cô ta đã mở ra một chai và xức lên mặt. Loại mới ra, em chưa hề nghe tên, loại gì có tên Hy Lạp đấy. Vả lại, vì tình trạng cô ta quá nặng, cho nên em phải cho thử huyết thanh. Cô ta ngứa ngáy khắp mình mẩy, lại thêm những triệu chứng về phổi…
— Em đợi anh một lát nhé, được không ?
Matti chạy vào phòng mật, lấy lên một bức fax. Đấy là tờ lệnh khẩn của Danny đã gởi đến kèm theo tờ phô tô cái nhãn chai nước hoa và bức hình. Tờ nhãn còn đọc được, nhưng bức hình thì bị mờ hơn khi phát đi. Anh chạy lại phòng ngủ, nhấc điện thoại lên.
— Tên loại nước hoa ấy là Đêm Hy Lạp, phải không Mirian ?
— Đúng rồi. Tại sao anh biết được ?
— Mirian, anh phải nói chuyện với Nancy. Chuyện rất quan trọng – Matti vội vã nói. – Em thu xếp cho anh đi.
— Nếu cô ta nói được thì em sẽ thu xếp cho anh ngay. Cô ta hiện trong tình trạng bán hôn mê mà – Marian đáp – Anh có thể xem đây như là loại sưng phổi vậy thôi.
— Mirian, nghe anh nói đây, cô ta không phải sưng phổi đâu…
Mirian nói gay gắt : — Anh đang nói cái gì thế, Matti ?
— Anh không phải bác sĩ, Mirian à. Nhưng cái chai ấy chắc là chứa vi rút bệnh than B.C đấy. Phải tìm cách để anh hỏi xem cô ta làm sao mà cô ta có hai chai ấy được ?
— Matti, nghe em nói đây – Mirian gắt gỏng nói – Bây giờ không có cách nào mà anh hay bất kỳ ai hỏi han gì Nancy được đâu. Cô ta rất nguy kịch và chắc là cô đã bị sưng phổi trầm trọng. Trong các lần thử nghiệm thì không có gì cho thấy như thế. Nếu phân tích huyết thanh có gì lạ, em sẽ cho anh biết liền.
Cô ta cúp máy không một lời tạm biệt. Matti biết lần này không phải vì thói quen, mà là vì giận dữ.
Khi anh trở lại phòng khách, máy truyền hình anh mở đang chiếu những tin tức thời sự địa phương. Tin hàng đầu vẫn là tin cách đây gần một tuần, tin những thi hài mới tìm thấy nữa trong những vụ đánh bom khách sạn. Tin cập nhật nhất là tin săn lùng bọn đánh bom. Giới tài phiệt Wall Street đã thưởng một triệu đô la cho ai bắt được chúng. Như vậy là con số tiền thưởng sẽ lên đến bảy triệu đô la.
Tin thứ ba là tin tai nạn đặc biệt xảy ra ở khu xa lộ Connecticut Expressway vào xế chiều hôm trước. Theo phim chiếu cảnh xảy ra tai nạn, phóng viên thời sự cho biết một chiếc taxi đã mất tay lái đâm vào môt chiếc xe chở dầu. Lửa đã giết chết cả hai tài xế. Nhân viên cấp cứu xuất hiện trên màn hình trả lời phỏng vấn cho rằng tai nạn kéo dài quá lâu. Đoạn đường này nổi tiếng là rất nguy hiểm khi phóng nhanh. Một sĩ quan cảnh sát nói rằng tai nạn xảy ra là do xe taxi đã nổ cả hai lốp.
Người phóng viên đã nhận diện được người tài xế xe tải chở dầu ở ngoài tiểu bang. Còn anh tài xế taxi tên là Muktar Sayeed, một người còn độc thân sống ở Queens. Anh ta lái xe cho Công ty xe taxi Day Nite đã một năm nay. Theo người phóng viên cho biết thì công ty xe taxi này là của người Ả Rập giàu có đầy lòng nhân ái tên là Rachid Harmoos. Người phóng viên không bình luận, chỉ cho biết nạn nhân rời nhà ở Sweetmont một lát sau là xảy ra tai nạn.
Matti viết vội tên Muktar Sayeed lên giấy rồi vào phòng mật.