Nửa giờ sau, tại phi trường Nice, chiếc Boeing 727 chậm rãi lăn bánh trên đường băng tới điểm xuất phát. Trên đài chỉ huy, nhân viên kiểm soát bay nói:
– Rõ là họ đang vội lên đường. Viên phi công đã yêu cầu được cất cánh ba lần rồi.
– Chiếc máy bay đó của ai?
– Harry Stanford.
– Chắc hắn đang đi kiếm thêm vài ba tỉ gì đó. – Viên kiểm soát bay quay nhìn chiếc Learjet cất cánh rồi nhấc microphone và nói:
– Boeing tám chín năm Cha, phòng kiểm soát cất cánh sân bay Nice đây. Các anh được phép cất cánh. Còn năm phút nữa. Sau khi cất cánh, lượn phải về hướng một bốn không.
Viên lái chính và lái phụ của Stanford nhìn nhau nhẹ nhõm. Lái chính ấn nút microphone:
– Roger đây. Boeing tám chín năm Cha sẵn sàng cất cánh. Sẽ lượn ngay sang hướng một bốn không.
Tích tắc sau, chiếc phi cơ khổng lồ gầm máy trên đường băng và lao vút vào trời đêm.
Viên lái phụ lại nói vào microphone:
– Cất cánh, Boeing tám chín năm Cha đang ra khỏi ba ngàn để lên mức bay bảy không. – Anh ta quay sang lái chính. – Hô, ông già Stanford chắc lo chúng ta không cất cánh nổi lắm, đúng không?
Lái chính nhún vai:
– Việc của chúng ta không phải là luận xem tại sao. Việc của chúng ta là hoặc làm hoặc chết. Nó ra sao ở phía sau?
Viên phụ lái đứng lên bước tới ngưỡng cửa nhìn sang khoang hành khách rồi ngoảnh lại nói vào khoang lái:
– Nó đang nghỉ.
Từ trong xe họ gọi đài chỉ huy sân bay:
– Máy bay của ông Stanford còn dưới mặt đất không?
– Không, thưa ông. Nó đã cất cánh rồi.
– Phi công có lưu lại kế hoạch bay không?
– Dĩ nhiên là có, thưa ông.
– Tới đâu?
– Máy bay nhằm hướng JKF.
– Cám ơn. – Gã quay sang đồng sự. – Phi trường Kennedy. Chúng ta sẽ cho người đón hắn ở đó.
Lúc chiếc Renault đã vượt qua ngoại ô Monte Carlo, nhằm hướng biên giới Ý, Stanford nói:
– Còn khả năng chúng vẫn bám đuôi không, Dmitri?
– Không đâu, thưa ông. Chúng đã mất vết chúng ta rồi.
– Tốt. – Stanford ngả người ra ghế, thư giãn. Chả còn phải lo nghĩ gì nữa. Họ sẽ bám theo chiếc máy bay.
Ông điểm lại tình huống trong đầu. Vấn đề là họ đã biết gì và biết từ khi nào. Họ chỉ là những con chó rừng lẩn theo vết sư tử mà thôi, hy vọng sẽ hạ gục được ông. Stanford cười thầm. Họ đánh giá quá thấp cái người đang khiến họ bận tâm. Những kẻ từng phạm những sai lầm loại nầy đều đã phải trả giá đắt. Lần nầy rồi cũng vậy thôi. Ông là Harry Stanford, bạn bè của các vị tổng thống và các vị vua chúa, có đủ quyền lực và sức mạnh tài chính để vực dậy hay làm lụn bại nền kinh tế của cả chục quốc gia chứ đâu phâi chuyện đùa.
Chiếc Boeing 727 đang bay trên bầu trời Marseilles. Lái chính nói vào microphone:
– Marseilles nghe đây, Boeing tám chín năm Cha đang ở trong tầm kiểm soát của các vị. Chúng tôi đang ra khỏi tầng bay một chín không để vào tầng hai ba không. Roger.
***
Chiếc Renault tới San Remo ngay khi trời vừa sáng. Stanford còn nhớ rõ thành phố nầy lắm, song nó cũng thay đổi rất nhanh. Ông nhớ ngảy nó còn là một mảnh đất tao nhã với những khách sạn và nhà hàng hạng nhất, với một sòng bạc mà các con bạc khi bước vào đều phải đeo cà vạt đen và người ta có thể thắng hoặc thua cả một gia tài trong một buổi tối. Nay nó đã không chống đỡ nổi với tệ nạn du lịch, với những ông bầu lớn miệng đánh bạc trong ống tay áo.
Xe của Stanford tiến dần tới vịnh, cách biên giới Pháp-Ý mười hai dặm đường. Vịnh có hai hải cảng, Marina Porto Sole ở phía đông và Porto Communale ở phía tây.
– Chúng ta tới cảng nào đây? – Dmitri hỏi – Porto Communale, – Stanford đáp. Càng vắng người càng hay.
Chỉ vài phút chiếc Renault đã đỗ sát bên mạn du thuyền Blue Skies, một chiếc tàu bóng mượt dài một trăm tám mươi bộ. Thuyền trưởng Vacarro và mười hai thành viên thuỷ thủ đoàn đã xếp hàng chờ sẵn trên boong. Thuyền trưởng xăng xái đi xuống đón đoàn.
– Chào ngài Stanford. Để chúng tôi xách hành lí cho, và…
– Không có hành lí. Nhổ neo thôi.
– Rõ, thưa ngài.
– Chờ một phút. – Stanford nhìn đám thuỷ thủ và cau mặt. – Người đứng cuối hàng ấy. Anh ta mới vào đúng không?
– Vâng, thưa ngài. Buồng lái của chúng tôi thiếu mất một thuỷ thủ do ngã bệnh ở Capri, chúng tôi bèn tuyển anh ta vào thay chân. Anh ta…
– Tống cổ nó đi, – Stanford ra lệnh.
Viên thuyền trưởng bốì rối nhìn ông.
– Trả tiền và hãy để nó đi khỏi con tàu nầy.
Thuyền trưởng gật đầu: “Rõ, thưa ngài”.
Nhìn quanh, linh tính cho Stanford thấy có chuyện chẳng lành. Cảm giác đó mỗi lúc một trỗi lên, rõ ràng tới độ ông gần như có thể đưa tay ra là sờ được nó. Ông không muốn có một người lạ mặt nào ở gần mình. Thuyền trưởng Vacarro cùng thuỷ thủ đoàn đã đi với ông nhiều nằm nay. Ông có thể tin cậy ở họ. Ông quay nhìn cô gái. Dmitri đã nhặt cô ta một cách ngẫu nhiên nên có thể coi nguy hiểm sẽ không đến từ phía đó. Còn với Dmitri, gã vệ sĩ nầy đã cứu mạng ông không chỉ một lần trong đời. Stanford quay sang bảo gã:
– Hãy luôn ở bên tôi.
– Vâng, thưa ông.
Stanford nắm tay Sophia:
– Lên tầu đi, em yêu.
Dmitri đứng trên boong quan sát đám thuỷ thủ chuẩn bị khởi hành. Gã nhìn bao quát hải cảng một lượt song không thấy gì khả nghi. Vào lúc sáng sớm thế nầy chưa có một hoạt động nào diễn ra cả. Động cơ kỳ vĩ của chiếc du thuyền khởi động và con tàu lừng lững lướt đi.
Viên thuyền trưởng đến gần Stanford:
– Ngài chưa nói chúng ta sẽ đi đâu, thưa ngài Stanford.
– Chưa, tôi chưa nói, hẳn thế? – Ông suy nghĩ một giây – Đi Portofino.
– Rõ, thưa ngài.
– Mà nầy, tôi cấm ông không được sử dụng liên lạc bằng sóng vô tuyến.
Thuyền trưởng Vacarro cau mày:
– Không được sử dụng liên lạc vô tuyến ư? Rõ, thưa ngài, nhưng ngộ nhỡ…
– Khỏi lo chuyện đó. Cứ làm như tôi nói đi. Và tôi không muốn một ai sử dụng điện thoại vệ tinh.
– Rõ, thưa ngài. Chúng ta có nán lại Portofino không ạ?
– Tôi sẽ cho ông biết có nán lại đó hay không.
Stanford dẫn Sophia đi một vòng quanh tầu. Con tầu là một trong những tài sản đoạt giải của ông nên ông thích phô trương nó. Ai nhìn cũng phải choáng ngợp trước sự xa xỉ nầy. Nó có một lô phòng ở cao cấp, kèm phòng chờ và một phòng làm việc.
Phòng làm việc, rộng thênh thang và tiện lợi với một chiếc đi văng, vài ghế mềm và một cái bàn giấy mà trên đó, có đủ mọi phương tiện để điều hành cả một thành phố nhỏ. Trên tường treo một tấm bản đồ điện tử lớn với một chiếc thuyền nhỏ chuyển động cho thấy vị trí thực của con tàu. Hai cửa kính trượt mở ra một hàng hiên có đặt một xích đu, một bàn với bốn chiếc ghế. Vào những ngày thanh bình Stanford thích dùng bữa sáng ngoài hàng hiên nầy.
Có sáu phòng ngủ dành cho khách. Phòng nào cũng được trang trí bằng lụa có hoạ tiết thủ công, có cửa sổ và bồn tắm. Còn thư viện lớn thì được ốp gỗ kola.
Phòng ăn đủ chỗ cho mười sáu thực khách. Du thuyền có một hầm rượu và một phòng chiếu phim lí tưởng.
Harry Stanford là một trong những nhà sưu tầm phim khiêu dâm lớn nhất thế giới. Tất thẩy đồ đạc trang trí trong du thuyền đều là nhữag thử quí hiếm độc nhất vô nhị, còn các bức hoạ thì có thể khiến bất cứ viện bảo tàng nào cũng phải thèm thuồng.
– Vậy là em đã xem gần hết du thuyền rồi đấy, – Stanford nói với Sophia. – Anh sẽ cho em xem nốt những gì còn lại vào ngày mai.
Nàng cảm thấy ngượng ngùng:
– Chưa bao giờ em được thấy một cái gì như thế nầy! Nó giống… nó giống như một thành phố vậy.
Stanford nhoẻn cười trước sự ngưỡng mộ của nàng.
– Em sẽ được chỉ cho phòng riêng và hãy nghỉ ngơi cho thoải mái nhé. Anh có ít việc phải làm cho xong đã Stanford trở lại phòng làm việc và kiểm tra vị trí của con tàu.
Chiếc Blue Skies đã đến Biển Ligurian và đang đi về hướng đông bắc. Chúng sẽ không đoán nổi ta đi đâu, Stanford nghĩ bụng. Chúng sẽ chờ ta ở JKF. Khi tới Portofino ta sẽ làm rõ mọi chuyện với chúng.
Ở độ cao ba mươi lăm dặm trong không trung, lái chính của chiếc Boeing 727 đang nhận chỉ thị mới.
“Boeing tám chín năm Cha, anh được phép bay thẳng đến Delta India November đúng như trong hồ sơ đường bay.”
Anh ta nói với lái phụ, đoạn đi ra cửa vào khoang hành khách.
– Vị hành khách của chúng ta ra sao rồi? – Anh lái phụ hỏi.
– Nó có vẻ đói.