Sicily Miền Đất Dữ

Chương 27



Michael, Peter Clemenza và Domenic dùng cơm tối sớm hơn thường lệ. Nếu cuộc gặp mặt Guiliano diễn ra vào lúc sáng tinh mơ thì mọi sự phải được sắp đặt ngay từ lúc chập tối. Kế hoạch được họ xem đi xét lại rất tỉ mỉ. Và được Domenic đồng ý sau khi bổ sung một chi tiết: Michael không được mang vũ khí. Sự trở về Mỹ một cách an toàn của Michael quan trọng đến nỗi họ phải nghĩ tôi ngay cả trường hợp tệ nhất, Michael vẫn về được Bởi vậy, Michael không được mang vũ khí, để, trong trường hợp có trục trặc bất ngờ, bị cớm vồ, cớm cũng không thể vin vào chỗ Michael có vũ khí để bắt giữ hắn. Do đó, cớm phải thả hắn ra. Nhờ đó hắn vẫn có thể rời khỏi Sicily như không có gì xảy ra.

Họ ngồi bên một gốc chanh trong vườn của toà biệt thự, quây quần bên vò rượu cho tới lúc đến giờ khởi hành. Sếp Domenic hôn giã từ ông em và quay qua ôm hôn phớt nhẹ Michael.

– Cho qua gửi tới ông bà già em những lời chúc tốt đẹp nhất, – lão nói nhỏ với Michael. – Và cầu nguyện cho tương lai của em. Chúc em may mắn. Những năm sắp tới nếu em cần qua giúp đỡ gì thì cứ nói, qua sẽ hết lòng.

Ba người đi xuống cầu tàu, Peter Clemenza và Michael bước lên chiếc khinh tốc đỉnh đã nổ máy chờ. Trên tàu đã có sẵn một số người, vũ khí đàng hoàng. Chiếc tàu lướt đi. Domenic đưa tay vẫy chào giã từ. Michael và Peter Clemenza đi vào ca-bin. Clemenza cần phải ngủ. Suốt ngày hôm đó, lão bận bù đầu. Chiếc khinh tốc đỉnh sẽ chạy lòng vòng trong vùng biển cho đến lúc mờ sáng.

Họ đã thay đổi kế hoạch. Chiếc máy bay hạng nhẹ sẽ bí mật hạ cánh ở Mazara dệt Vallo. Trước đó, theo dự kiến, máy bay này sẽ được dùng để đưa Michael và Guiliano ra khỏi Sicily. Nay, máy bay này chỉ được dùng để nghi trang đặng đánh lạc hướng theo dõi. Thay vì đáp máy bay, họ sẽ đáp chiếc khinh tốc đỉnh đi Châu Phi. Chính Clemenza đã phải tốn nhiều công lắm mới thuyết phục được họ theo giải pháp này. Theo lão, kiểm soát và bảo vệ được con đường từ chỗ Guiliano đến chỗ con tàu và bảo vệ được con tàu thì dễ hơn là kiểm soát “phi trường” – thực chất chỉ là bãi đất trống – dù chỉ là “phi trường” nhỏ. Vả lại, quanh vùng gần đó có nhiều đồi, máy bay hạng nhẹ lại mong manh. Hơn nữa, nó có thể là cái bẫy chết người lúc đậu ở phi trường. Tốc độ trong trường hợp này không quan trọng bằng mưu mẹo.

Ngoài ra, trên biển thì dù sao cũng dễ lẩn tránh hơn là trên trời. Giả sử như nếu cần thời gian dài, người ta có thể chuyển thực phẩm từ tàu khác qua. Chớ máy bay thì… thua!

Suốt ngày hôm đó, lão Clemmenza đã bận phái người và xe đến các điểm chót trên đường đi Castelvetrano. Đồng thời, phái người đi bảo vệ và tiếp cứu – nếu cần – thị trấn Mazara dệt Vallo, nơi có “phi trường”. Lão đã cho mỗi toán đi cách nhau một giờ chứ không xuất phát cùng một lúc. Một đoàn xe rần rần chạy qua cổng biệt thự thì dù có đui đi nữa, gián điệp nó cũng biết. Và các xe tuy cùng đến địa điểm đã định nhưng theo những hướng khác nhau, cốt đánh lạc hướng sự chú ý và theo dõi của bọn chỉ điểm. Trong khi đó, xuồng máy đánh một vòng xuống phía nam Sicily, thả neo đâu đó cho đến giờ hẹn thì chạy một mạch vào cảng Mazara del Vallo. Từ đó Michael sẽ lên xe. Chỉ cần nửa giờ xe là hắn có thể tới Castelvetrano mặc dù phải vòng lên phía bắc để rẽ vào con đường đi từ Trapani đến Castelvetrano. Pisciotta có thể chặn đón ở chỗ nào đó trên khoảng đường này.

Michael nằm trên chiếc giương hẹp dưới tàu. Nghe thấy lão Clemenza đã ngủ, ngáy khò khò, Michael rất phục vì trong tình thế như thế này mà lão vẫn có thể ngủ dễ dàng. Hắn nghĩ vẩn vơ, miên man. Chỉ vài tiếng đồng hồ nhà hắn sẽ có mặt ở Tunis. Và mười hai tiếng đồng hồ sau đó là có mặt tại nhà hắn ở bên Mỹ. Sau hai năm sống lưu vong, cho đến lúc đó hắn mới được sống thong dong. Không còn phải hễ thấy bóng mấy anh cớm là né. Không còn phải tuỳ thuộc vào người bảo trợ. Lúc đó mới được quyền muốn gì thì làm. Nhưng, tất cả những cái đó chỉ thực hiện được với điều kiện hắn còn sống sót sau mấy chục tiếng đồng hồ này. Trong khi mơ màng tưởng tượng đến những ngày sắp tới được vung vít ở đất Mỹ, tiếng máy tàu nổ đều đều, trầm trầm đã ru hắn vào giấc ngủ không mộng mị.

Thầy dòng quỉ sứ ngủ một đêm thật ngon lành!

Buổi sáng hôm đó, trước khi đến đón giáo sư Hector Adonis, Stefan Andolini đã ghé Palermo. Gã có hẹn với cớm chúa của đảo Sicily, tức là thanh tra Velardi. Buổi gặp gỡ thường lệ thôi. Qua các buổi gặp này, ngài thanh tra sẽ cung cấp cho gã những tin tức về hoạt động trong ngày hoặc sắp tới của đại tá Luca. Andolini sẽ chuyển lại tin đó cho Pisciotta và sau đó đến Guiliano.

Sáng hôm sau, trời đẹp. Cánh đồng dọc theo con lộ hoa đại nở rực rỡ. Gã khởi hành sớm trước giờ hẹn, nên dọc đường ghé lại một miếu thờ, kẻo vài hơi khói, rồi đến quì trước tượng thánh Rosalie. Lời cầu nguyện của gã đơn giản và thực tế: gã cầu xin đáng thánh che chở gã khỏi tay kẻ thù. Gã dự tính, chủ nhật kế đó, gã sẽ đến gặp cha Benjamino đặng xin xưng tội và rước Thánh Thể. Mặt trời chói lọi làm cho cái đầu trần của gã cảm thấy nóng. Mùi hương ngào ngạt của hoa đồng nội đã làm át cả mùi khói thuốc. Gã cảm thấy bụng đói như cào. Gã tự hứa sau khi gặp ngài thanh tra xong, sẽ đến nhà hàng thật sang ở Palermo làm một bữa đích đáng.

Ngài thanh tra Frederico Velardi, cớm chúa ngành “lính kín” Ở Sicily, cảm thấy khấp khởi mừng vì một chiến thắng “lương thiện”. Niềm vui của một người kiên nhẫn chờ đợi và hằng tin rằng, sau cùng. Chúa sẽ lập lại trật tự trên thế gian này, rằng Chúa sẽ ban phần thưởng cho. Từ gần một năm nay theo lệnh trực tiếp và bí mật của ngài bộ trưởng Trezza, ngài thanh tra đã giúp Guiliano tránh được các cuộc hành quân tiễu phạt của ngài đại tá và các cuộc săn lùng của ngay đám cớm đàn em của ngài. Trên thực tế, từ gần một năm nay, ngài thanh tra “bị đặt dưới quyền sử dụng” của ông Trùm. Thế mới đau cho ngài.

Velardi sinh quán ở miền Bắc nước ý, nơi mà nhờ học thức người ta có thể làm được một cái gì đó, kiếm được một địa vị nào đó trong xã hội chẳng hạn. Và, ở đó, người ta còn tin vào luật pháp và chính quyền. Trong những năm phục vụ tại Sicily, ngài thanh tra nhiễm nặng cái thói khinh bỉ và ghê tởm bọn Sicilian, bất cứ thằng Sicilian nào, dù là thượng lưu hay hạ tiện. Thằng có của thì không hề có lấy một ly ý thức xã hội. Chúng thông đồng, âm mưu với bọn Mafia để kìm giữ dân lành trong vòng đói khổ. Bọn Mafia, miệng cứ huênh hoang là bảo vệ dân nghèo, thực ra chỉ là tôi tớ bọn có của. Còn bọn khố rách thì cũng chẳng đáng thương. Đã nghèo kiết xác ra mà vẫn cứ kiêu hãnh, coi cái thói giết người, hung bạo, như một thứ hào quang, mặc dù có phải tù chung thân cũng cứ “ôkê”.

Nhưng, bây giờ mọi sự thay đổi. Ngài thanh tra đã được cởi trói và các toán cớm tay em của ngài đã được rảnh tay hành động. Để rồi coi xem đám cớm chìm của ngài làm ăn có khác với lũ hề cảnh vệ không thì biết.

Ngài thanh tra ngạc nhiên khi thấy đích thân bộ trưởng ra lệnh bắt giữ và biệt giam tất cả những người đã được chính ông ta phát cho tấm thông hành đặc biệt có sọc đỏ. Với tấm thông hành quyền uy đó, kẻ mang nó được quyền có võ khí, đi qua bất cứ nơi nào, giờ nào. Đặc biệt phải thu hồi cho được cái thông hành đã cấp cho Stefan Andolini và Aspanu Pisciotta.

Ngài thanh tra sửa soạn và bắt tay vào việc. Andolini đang ở phòng chờ để được ngài chuyển thư như thường lệ. Hôm nay thì thằng chó đẻ này biết tay. Ngài thanh tra nhấc ống điện thoại lên gọi một đại uý và bốn thầy đội cớm – thứ “gồ ghề” nhất của ngài – và nói họ chuẩn bị có thể có những bất trắc sắp xảy ra. Bản thân ngài cũng lận một khẩu súng lục vào thắt lưng, một điều rất ít khi ngài làm, khi ngồi ở văn phòng. Rồi, Andolini được mời vào.

Mái tóc màu râu bắp của Andolini được chải chuốt cẩn thận. Gã bận quần sọc đậm, áo sơ-mi trắng và cà vạt màu đậm. Dù chỉ là cuộc gặp gỡ “thường lệ”, nhưng là gặp một vị thanh tra, nên ăn vận cũng cần đàng hoàng, chứ đâu có thể xập xệ như đi gặp đồng đảng được. Gã không mang vũ khí. Theo kinh nghiệm, gã biết bất cứ ai trước khi vào Bộ tư lệnh cũng đều bị kiểm soát vũ khí. Gã đứng ở trước bàn giấy của Velardi để đợi được mời ngồi xuống như thường lệ. Nhưng, lần này ngài thanh tra đã không mời gã ngồi. Do đó, gã vẫn cứ đứng, gã bỗng cảm tưởng phải cảnh giác.

– Đưa tôi coi giấy thông hành đặc biệt của anh.

Andolini không nhúc nhích. Gã cố đoán xem sao lại có cái sự đòi hỏi bất thường này. Trên nguyên tắc, gã chối.- Tôi không mang theo, – gã nói, – vả lại, tôi đến gặp một người bạn, chớ có phải là… – Gã nhấn mạnh vào chữ “bạn”.

Chính cái chữ “bạn” đó đã làm cho Velardi điên tiết. Ngài thanh tra bèn đứng lên đi vòng ra khỏi bàn giấy, đứng trước mặt Andolini, nhìn trừng trừng vào gã.

– Ai là bạn với thứ hạng mày. Nếu đã có lần tao ngồi ăn nhậu với mày thì chẳng qua đó là làm theo lệnh. Chớ cái đồ chó đẻ như mày mà đòi. Bây giờ thì nghe đây: mày bị bắt. Mày bị tống vào xà lim cho đến khi có lệnh mới. Và cho mày hay tao đã sắm sẵn cho mày cái “thùng tắm nắng” rồi. Nhưng thôi, ngày mai, nếu mày tỏ ra biết điều, tao sẽ nói chuyện đàng hoàng tử tế với mày. Bây giờ hãy chịu khó nằm xà lim đã.

Sáng hôm sau, ngài thanh tra nhận được điện thoại của ngài bộ trưởng và những “chỉ thị” rõ ràng hơn của ông Trùm. Một lát sau, Andolini được đưa từ xà lim đến bàn giấy ngài thanh tra.

Đã sửa bởi Nminhngoc1012 lúc 24.06.2015, 10:11.

Một đêm nằm trong xà lim suy nghĩ về sự bắt giữ khác thường này, Andolini hiểu rằng gã đang gặp nguy hiểm chết người. Velardi sải bước, đi đi, lại lại trong phòng, mắt long lên sòng sọc, có vẻ tức giận. Stefan Andolini mặt lạnh như tiền. Gã đã cẩn thận quan sát: ông quan ba và bốn anh đội cớm đã sẵn sàng. Khẩu súng lục lận ở thắt lưng ngài thanh tra. Gã biết là gã bị ngài thanh tra ghét cay ghét đắng và thù đến tận xương. Và gã cũng ghét ngài thanh tra không kém. Nếu đừng có mấy con khỉ đột kia gã sẽ thịt được thằng cớm chúa dễ như trở bàn tay. “Đằng nào cũng chết, nhưng phải cho thằng cớm chúa này chết theo, nếu không chẳng hoá ra mạng mình rẻ lắm sao”. Bởi vậy, gã nói:

– Bảo mấy thằng cớm chìm khỉ đột kia ra đi, rồi mày muốn biết gì, tao sẽ nói cho nghe, nếu tao biết.

Velardi ra lệnh cho bơn đội cớm ra ngoài, nhưng nháy anh quan ba cớm ở lại. Ngài cũng làm bộ lấy súng ra khỏi người và đặt lên bàn. Rồi ngài nhìn trừng trừng vào Andolini:

– Tao muốn biết tất cả những tin tức giúp bắt được thằng Guiliano. Lần chót mày gặp nó và thằng Pisciotta ở đâu?

Stefan Andolini cười thành tiếng. Khuôn mặt cô hồn hắc ám của gã nhăn lại coi hiểm ác lạ thường. Làn da nổi hột với bộ rau màu râu bắp đỏ rực như đám lửa. Thảo nào, người ta gọi gã là thầy dòng quỉ sứ là phải. Velardi ngẫm nghĩ: “Gã đúng là một tay nguy hiểm. Phải làm thế nào để gã không ngờ được những gì sắp xảy ra”.

Velardi điềm tĩnh nói với gã:

– Trả lời đi, hay là để đợi tao phải cho đi tắm nắng?

– Mày chỉ là cái đồ chó đẻ phản bội mạt hạng. Tao được ngài bộ trưởng Trezza và ông Trùm Croce che chở. Khi họ thả tao ra, tao sẽ cho mày thấy con đĩ mẹ mày.

Velardi bước tới, giáng cho Andolini hai cái tát nảy lửa Andolini hộc máu mồm ra. Đôi mắt gã toé lửa tức giận. Ngài thanh tra bình thản quay vào ghế bàn giấy.

Trong lúc đó, cơn giận làm cho Andolini hết còn nghĩ đến chuyện sống chết. Gã chộp ngay lấy khẩu súng trong bao trên thắt lưng ngài thanh tra lấy cò. Và cũng ngay lúc đó, anh đại úy cớm hờn sẵn đã nổ liền bốn phát vào Andolini. Thân thể gã bị hất mạnh vào tường ở cách đó khá xa, rồi nằm vật xuống sàn. Cái áo sơ-mi trắng của gã bây giờ máu nhuộm đỏ lòm. Velardi nhìn vào cái áo đẫm máu ấy và nghĩ thật nó chẳng khác gì mái tóc của gã. Ngài thanh tra bước tới và nhặt khẩu súng lục trong tay Andolini, khi mấy anh cớm khỉ đột kia nghe tiếng nổ, chạy ùa vào phòng. Ngài thanh tra khen ngợi anh đại uý cớm kia về sự nhanh nhẹn đúng lúc và chính xác. Và, trước sự ngạc nhiên của anh đại uý, ngài đã nạp đạn vào khẩu súng lục mà trước khi gặp Andolini ngài đã tháo đạn ra. Ngài cớm chúa này không chịu để cho anh đại uý có ảo tưởng về cái công ơn vĩ đại đã cứu cớm chúa thoát chết.

Ngài ra lệnh cho mấy anh cớm lục soát xác Andolini. Vì ngài nghĩ rằng tấm thông hành đầy quyền uy kia chắc chắn nằm chung trong ví của Andolini với tấm thẻ căn cướp mà người Sicilian lúc nào cũng bắt buộc phải mang theo trong người. Ngài thanh tra chớp lấy tấm thông hành ấy và cất kỹ. Đích thân ngài sẽ giao nó tận tay ngài bộ trưởng. Và biết đâu ngài lại chẳng gặp may để vớ nốt tấm thông hành đã cấp cho Pisciotta.

Michael và Clemeza ngồi tựa lưng trên thành song chắn trên boong tàu, nhâm nhi ly cà-phê. Mũi tàu chĩa thẳng vào đất liền, con tàu từ từ tiến. Tiếng máy khua nhẹ. Họ đã nhìn thấy ánh đèn trên cầu tàu. Đèn hiệu nhấp nháy.

Clemeza đi lòng vòng trên boong ra lệnh cho các tay súng và hoa tiêu. Michael chăm chú nhìn đèn hiệu nhấp nháy dường như đang tiến về phía hắn. Con tàu tăng tốc độ. Mặt biển bị rẽ ra, tuy bọt trắng xoá như muốn xua đuổi bóng đêm. Chân trời phía đông hé rạng. Michael nhìn thấy cầu tàu Mazara del Valllo, những cây dù màu sắc sặc sỡ lốm đốn nổi bật trên nền bãi biển.

Khi tàu cập bến thì đã có ba chiếc xe và sáu người chờ sẵn. Già Clemeza đưa Michael lên một chiếc xe mui trần dẫn đầu. Trên xe đã có sẵn tài xế. Clemeza ngồi băng trước với tài xế, Michael ngồi băng sau. Lão nói với Michael:

– Nếu xe mình bị toán tuần tiễu ách lại thì em cứ núp sát xuống sàn xe. Ai ngu mà lại đi lằng nhằng mất thì giờ. Cứ phơ tới đi, rồi dông cho lẹ.

Ba chiếc xe kiểu du lịch, nhưng cũng dềnh dàng, chạy lao vút đi trong ánh sáng ban mai còn mờ nhạt. Vẫn là buổi rạng đông như ngàn vạn buổi rạng đông khác trên đất Sicily từ trước đến nay, hầu như chẳng thay đổi gì mấy kể từ ngày Chúa Jesus Christ giáng trần. Vẫn những con kênh xây từ thời La Mã cổ dẫn nước tưới trên những cánh đồng. Không khí nóng ẩm và đượm mùi hăng hắc nồng nồng toả ra từ các bông hoa dại đang thối rữa dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời mùa hè xứ Sicily. Họ đi ngang phế tích Selimunte, một phế tích của đô thị Hy Lạp cổ khác. Michael đã từng thấy rải rải khắp Sicily nhưng hàng cột cẩm thạch tua tủa từ các đền đài cổ của các đô thị Hy Lạp xây dựng từ hơn hai ngàn năm trước. Đất đen màu mỡ leo bám lên tận vách đá trên núi. Suốt dọc đường không thấy một ngôi nhà, một con vật hay một bóng người.

Họ rẽ về hướng Bắc để đi về phía con đường dẫn tới Trapani – Castelvetrano. Trên quãng đường này, Michael và Clemeza lại càng cảnh giác hơn. Bởi vì, rất có thể ở một chỗ nào đó trên quãng đường này, Pisciotta sẽ chặn họ lại để đưa Guiliano lên xe. Michael cảm thấy rất hồi hộp. Ba chiếc xe du lịch chạy chầm chậm. Clemeza tay lăm lăm khẩu súng và trong tư thế sẵn sàng lao ra khỏi xe. Mặt trời đã lên cao, toả ánh sáng rực rỡ, chiếc xe chạy chậm hơn nữa. Họ đã đi gần tới thị trấn Castelvetrano.

Clemeza ra lệnh cho tài xế đi chậm hơn nữa. Lão và Michael chăm chú nhìn xem có dấu hiệu nào của Pisciotta không. Họ đã đi tới sát ngoại vi thị trấn Castelvetrano và bắt đầu đi xuống dốc. Xe ngừng lại để từ đó họ quan sát thị trấn nằm phía dưới. Từ trên cao điểm nhìn xuống, con đường đi từ Palermo tới lổm ngầm đầy những xe nhà binh. Dưới thị trấn lúc nhúc đám lính cảnh vệ mặc đồng phục đen viền trắng. Những tiếng còi hú của xe cảnh sát, nhưng dường như không phải để giải tán đám đông đang tụ tập trên phố chính của thị trấn. Trên trời có hai máy bay nhỏ đang lượn lờ.

Người tài xế chửi thề, đạp thắng và cho xe ép vào lề đường. Gã quay sang hỏi Clemeza:

– Ông muốn đi tới nữa không?

Michael cảm thấy buồn nôn. Hắn hỏi Clemeza:

– Trong thị trấn, chú có bao nhiêu người của mình?

– Không đủ, – Clemeza đáp, giọng hơi có vẻ gắt. – Mặt lão thoáng nét sợ hãi, hốt hoảng. – Mike, mình phải rút khỏi đây liền. Phải quay về tàu gấp thôi.

– Chờ chút đã.

Michael nhìn thấy chiếc xe lừa đang ì ạch lên dốc đi về phía họ. Người đánh xe là một ông già. Chiếc mũ rơm chụp xuống sát gần mí mắt. Vẫn chiếc mũ rơm màu loè loẹt sặc sỡ với tranh tích kiểu độc đáo Sicilian. Chiếc xe lừa dừng lại bên xe của Michael. Khuôn mặt lão đánh xe nhăn nheo và không lộ một chút cảm xúc gì. Khác với khuôn mặt, cánh tay phơi trần đến tận nách để lộ bắp thịt cuồn cuộn. Lão dừng lại trước mũi xe của Michael:

– Phải xe của ông Clemeza không đấy?

Trong giọng nói của Clemeza thấy có vẻ mừng khấp khởi:

– Zu Peppino, có cái quỉ gì dưới kia vậy. Tại sao mấy người của tôi lại không đến báo cho tôi vậy?

Khuôn mặt nhăn nheo vô cảm nói, lạnh tanh:

– Mấy ông về Mỹ đi được rồi đấy. Tụi nó làm thịt Turi Guiliano rồi.

Michael cảm thấy choáng váng và thấy như trời sập. Hắn nghĩ tới ông bà già của Guiliano, tới Justina hiện đang chờ đợi Guiliano ở bên Mỹ, tới Pisciotta, tới Stefan Andolini và tới Hector Adonis. Guiliano là ánh sáng soi đường cho họ. Họ sẽ ra sao nếu giờ đây ánh sáng ấy tắt đi?

– Lão có chắc chắn đúng là không? – Clemeza gằn giọng hỏi.

Lão già kia nhún vai.

– Thì vẫn là một trong những mẹo cũ của Guiliano, phơi một cái xác nào đó chình ình ra, rồi phao tin là Guiliano bị ám sát để dụ mấy anh cớm, mấy anh xăng đá đến là quất. Nhưng, đã hai giờ đồng hồ rồi, mà vẫn chưa thấy xảy ra gì ráo. Cái xác vẫn nằm phơi trên sân chỗ nó bị giết ấy. Có cả mấy ông nhà báo từ Palermo tới, máy ảnh bấm lia lịa, chụp loạn cả lên, chụp luôn cả con lừa của tôi nữa. Vậy đó, ông muốn tin sao thì tin.

Michael thấy muốn phát ốm, nhưng ráng nói:

– Mình cứ đi vô trong thị trấn coi. Tôi muốn biết chắc thực hư ra sao?

Lão Clemeza nổi cáu:

– Sống hay chết thì bây giờ mình cũng chẳng giúp gì được nó nữa rồi. Mike, qua có bổn phận phải đưa em về bên ấy an toàn.

– Không, – Michael dịu dàng đáp. – Mình phải vào trong kia. Rất có thể Pisciotta đang chờ mình. Hoặc có thể Andolini không chừng. Để cho mình biết phải làm sao chớ. Rất có thể cái xác ấy không phải của Guiliano. Tôi không tin như vậy. Hắn không thể chết, nhất là khi hắn sắp sửa đi như thế này, nhất là khi bản chúc thư đã nằm an toàn bên Mỹ.

Lão Clemeza thở dài. Lão nhìn vẻ đau khổ trên khuôn mặt Michael. Có lẽ không phải là Guiliano. Có lẽ Pisciotta đang chờ để cho một điểm hẹn khác. Có lẽ đây chỉ là một phần trong âm mưu nhằm đánh lạc hướng vì bọn cớm bám sát quá.

Lúc này mặt trời đã lên cao. Clemeza ra lệnh cho bộ hạ của lão đậu xe lại, rồi lội bộ theo lão. Cả bọn đi tới đường phố có người xúm đen xúm đỏ, tò mò, dáo dác. Họ rẽ đám đông đi vào một đường phố đậu đầy xe nhà binh và cớm làm hàng rào chặn. Phía bên kia đường là những căn nhà, phía dưới có sân. Clemeza và Michael cũng đứng xớ rớ bên đám đông, nhìn. Một sĩ quan cảnh sát đang tiếp các nhà báo và các quan chức được cho đi qua hàng rào cảnh sát sau khi đã xem xét cẩn thận. Michael nói với Clemeza:

– Làm thế nào để đến chỗ thằng cha sĩ quan kia, được không?

Clemeza nắm cánh tay Michael và ra khỏi đám đông.

Họ đi vào một căn nhà nhỏ phía bên kia dường. Căn nhà này cũng có một sân nhỏ và chỉ cách chỗ đám đông khoảng hai chục căn. Clemeza để Michael ở đó cùng với bốn người của lão. Còn lão và hai người nữa quay ra đi đâu đó. Cả tiếng đồng hồ sau, lão quay trở lại, mặt buồn thiu.

– Hỏng rồi, Mike. Bà già của Guihano được đem từ Montelepre đến để nhận diện cái xác. Đại tá tư lệnh lực lượng đặc biệt tiễu phỉ cũng đang ở đấy. Báo chí quốc tế kể cả báo bên Mỹ nhà mình – cũng đang ùn ùn kẻo đến đây. Cả thị trấn sắp thành cái nhà thương điên đến nơi. Mẹ kiếp, mình phải vọt gấp khỏi đây mau.

– Mai, – Michael nói. – Mai mình mới đi. Bây giờ phải tìm cách vượt qua hàng rào cảnh vệ kia đã. Bộ chú mà cũng không xoay xở được cách nào để qua sao?

– Chẳng có cách nào hết.

– Thì bây giờ mình cứ đi ra, đến nơi rồi xem xem, biết đâu lại chẳng có cách. Cứ ngồi đây thì làm sao có cách được.

Phản đối, nhưng Clemeza cũng đành phải đi theo Michael ra đường. Thị trấn chỗ nào cũng lúc nhúc cớm chìm, cớm nổi, cảnh vệ, “xăng-đá”. Có đến trên ngàn người. Súng ống lăm lăm. Và cả một đạo quân nhà báo, phóng viên chụp hình. Đường phố san sát xe nhà binh, xe cớm, xe báo chí. Và đúng là không thể nào lại đằng chỗ sân có cái xác kia. Họ thấy một nhóm sĩ quan cao cấp đang đi vô một nhà hàng. Người ta thì thào bàn tán với nhau: “Ngài đại tá và bộ tham mưu đi ăn mừng chiến thắng đấy”. Michael liếc nhìn thoáng thấy ngài đại tá. Ông ta nhỏ con, nhưng coi bộ rắn rỏi, chớ không có loắt choắt. Nét mặt nom buồn. Có lẽ do trời nóng nên quan ngài cũng lột mũ ra. Và lấy khăn che cái đầu hói trụi của ngài. Đám phóng viên chụp hình bấm lia lịa. Và đám phóng viên khác hỏi tới tấp. Ngài đại tá xua tay, không trả lời và đi vào nhà hàng.

Cả thị xã đông ghét người. Đến nỗi Michael và Clemeza muốn tới, lui cũng khó. Clemeza quyết định quay về căn nhà lúc nãy và ngồi đó chờ tin. Mãi đến xế trưa mới có tin về nói là bà Maria Lombardo đã nhận diện đúng là con của mình.

Họ ăn trưa tại một nhà hàng. Tiếng ra-đi-ô om sòm loan tin về cái chết của Guiliano. Theo tường thuật của đài phát thanh thì Lực lượng đặc biệt tiễu phỉ và cảnh sát bao vây căn nhà mà họ tin rằng Guiliano đang lẩn trốn trong đó. Khi hắn chạy ra, cảnh sát và Lực lượng đặc biệt tiễu phỉ của đại tá ra lệnh đầu hàng. Hắn liền đáp lại lệnh đầu hàng bằng cách nổ súng lung tung. Đại uý Perenze, sĩ quan tham mưu trưởng của đại tá Luca trả lời các phóng viên của đài phát thanh. Ông ta cho biết, Guiliano đâm đầu chạy. Nhưng ông ta – đại uý Perenze – đã dồn hắn vào trong sân. Guiliano lồng lộn như một con sư tử trong chuồng. Và ông đại uý đành phải băn hạ hắn. Mọi người trong nhà hàng ăn đều ngừng để lắng nghe ra-đi-ô. Bồi cũng ngưng chạy bàn để nghe.

Clemeza quay lại nói với Michael:

– Đ.m., chuyện bá láp, cóc tin được. Thôi, tối nay bọn mình dông.

Nhưng, ngay lúc đó, đường phố có nhà hàng trong đó Clemeza và Michael đăng ăn đều nghẹt cớm và xăng- đá. Một chiếc xe – thứ xe của các cớm gộc – dừng lại trước cửa nhà hàng. Từ trên xe, cớm chúa Velardi bước ra. Ngài thanh tra đi thẳng đến bàn Michael và Clemeza đang ngồi. Ngài đặt tay lên vai Michael nói:

– Anh bị bắt. – Quay sang Clemeza, đôi mắt xanh, lạnh như băng của ngài chĩa thẳng vào lão: – Và cũng tiện quá, ông cũng bị bắt cùng với hắn. Cảnh cáo trước: tôi có một trăm người bao vây nhà hàng này rồi. Chớ có dại dột, làm hoảng, kẻo lại theo thằng Guiliano xuống địa ngục sớm.

Chiếc xe bít bùng trờ tới. Michael và Clemeza bị lính kín nắm kỹ và đẩy lên xe. Vài phóng viên nhiếp ảnh đang ăn trong nhà hàng cũng nhảy vội ra bấm lia liền bị lính kín và cớm chìm lập tức chặn lại. Ngài thanh tra đứng mủm mỉm cười nhìn quang cảnh ấy. Trong bụng thoả mãn vì suốt một năm qua phải ngậm đắng nuốt cay giả lả với bọn người như tụi này.

Sáng hôm sau, ông già của Turi Guiliano đứng trên ban-công nhà mình nói xuống với những người đang đứng dưới phố. Theo đúng tục lệ truyền thống Sicìly, ông ta lên tiếng đòi nợ máu những kẻ đã phản bội con ông. Đặc biệt, ông ta tuyên bố mối huyết thù với kẻ đã hạ sát con ông. Kẻ đó – theo lời ông – không phải là thằng cha đại uý Perenza hay một thằng cớm, thằng xăng-đá nào. Mà chính là… Aspanu Pisciotta.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.