Tâm Lý Học

Chương 19: C19: 19. Rối Loạn Định Dạng Giới Tính/muộn Phiền Giới Tính



Gender Dysphoria – Rối Loạn Định Dạng Giới Tính/Muộn Phiền Giới Tính

Nguồn cơn để tôi viết nên bài này là từ một cuộc tranh luận giữa tôi – một người ủng hộ tình yêu đồng tính thật sự, chứ không phải tình yêu theo phong trào, ủng hộ hôn nhân đồng tính và hai page khác, một mang tiếng thầy lang mà lại gọi đồng tính là bệnh, page còn lại là phản đối hôn nhân đồng tính. Tôi sẽ không nói tên page ra đâu, vì cuộc tranh luận này là từ cuối tháng 10 các bạn muốn xem cũng khó. Dẫu sao tôi tranh luận cũng hơn 60 cái com, chẳng ai có kiên nhẫn mà đọc, với lại tính tôi nhỏ mọn, chẳng muốn kéo view cho page mà tôi không thích, vậy chẳng khác gì PR miễn phí.

Trong cuộc tranh luận đó, tôi bàn về Gender Dyphoria –GD , đã từng được gọi là Gender Identity Disorder – GID, được VN mình biết dưới tên Rối loạn định dạng giới tính. DSM-5 ra đời, đã đổi tên bệnh lại, thông qua đó, cũng thay đổi trọng tâm chẩn đoán bệnh. Bệnh này nay được gọi là Muộn phiền giới tính. Trước tiên tôi sẽ nói sơ về bệnh này, sau đó sẽ nói về phần mà tôi tranh luận và hy vọng rằng các bạn sẽ hiểu về hơn nội dung.

Cảm nhận của mỗi con người về việc mình là nam hay là nữ chính là định dạng giới tính. Định dạng giới tính gần như phản ánh cơ quan sinh lý của một đứa trẻ: Trẻ sơ sinh có bộ phận sinh dục nam học được nó là con trai, còn những trẻ có bộ phận sinh dục nữ học được nó là con gái. Định dạng giới tính khác hẳn với vai trò giới tính – vốn là những tính cách, hành vi và kỹ năng được xác định là phù hợp với nam giới hoặc nữ giới tùy theo văn hóa mỗi nước. Giống như ở Việt Nam mình, đàn ông là phải giỏi giang, gánh vác được cả gia đình, đàn bà là phải giỏi chăm chồng chăm con. Còn ở Mỹ thì đàn ông phải ga lăng, mở cửa xe, kéo ghế cho bạn gái ngồi mới là quý ông lịch sự, phụ nữ thì có thể không lấy chồng, hoặc lấy chồng mà không sinh con là chuyện bình thường.

Có một số người khẳng định rằng cơ quan sinh dục của họ và giới tính không phù hợp với nhau. Ở đàn ông, họ cảm thấy rằng mình là phụ nữ bị mắc kẹt trong cơ thể của một người con trai. DSM-5 xếp loại sự phiền muộn, khó chịu với cơ quan sinh dục là Muộn phiền giới tính. Những người này không hẳn tin tưởng rằng họ thuộc về giới tính còn lại mà họ cảm giác rằng, ngoại trừ là ngoại trừ bộ phận sinh dục thì họ có xu hướng thiên về giới tính bên kia hơn.

Những báo cáo về những người chuyển giới cho thấy họ nhận thức rõ những cảm giác khó chịu, phiền muộn này từ khi còn rất nhỏ. Nhiều báo cáo nói rằng họ mặc đồ và hành xử theo vai trò giới tính của giới tính còn lại. Nghĩa là đối với một bé trai mắc chứng này, sẽ có xu hướng mặc đồ và có hành vi như những bé gái. Mức độ nặng nề của sự khó chịu thay đổi tùy theo mỗi người. Nó sẽ ít dao động và dẩn dần chuyển nặng hơn khi đứa trẻ ấy bước vào tuổi vị thành niên với những sự thay đổi sinh lý cơ thể như con gái thì bắt đầu có ngực, và hông bự ra, còn con trai thì bắt đầu thay giọng, mọc râu và có cơ bắp. Những đặc điểm này khiến đứa trẻ khó tham gia vào các hoạt động và hành xử theo giới tính trái ngược. Có rất nhiều trẻ trong độ tuổi này bắt đầu bận tâm với mong muốn phẫu thuật thay đổi cơ quan sinh dục.

Mối liên hệ giữa Muộn phiền giới tính và xu hướng tình dục đến nay vẫn còn nằm trong vòng tranh luận. Một số nhà khoa học nói rằng những người chuyển giới chính là những người đồng tính tự nhận mình thuộc về giới tính còn lại như một cách để tránh sự kỳ thị của xã hội và những giá trị đạo đức không ủng hộ quan hệ đồng tính. Ý kiến này không hợp lý vì hai điều, thứ nhất, đồng tính nữ và đồng tính nam không hề bất mãn với cơ quan sinh dục của họ. Điều này chứng tỏ những người chuyển giới không chỉ đơn giản là muốn trốn khỏi kỳ thị xã hội về đồng tính. Thứ hai, nghiên cứu cho thấy người chuyển giới và người đồng tính có xu hướng gợi dục khác nhau khi tiếp xúc với cùng một kích thích. Cái này tôi đoán là những nhà nghiên cứu dùng biểu đồ điện não để so sánh.

Muộn phiền giới tính là một chứng bệnh tâm lý hiếm so với các bệnh tâm lý khác. Đàn ông chuyển giới sang đàn bà nhiều hơn là đàn bà chuyển giới sang đàn ông dựa trên tài liệu từ các văn phòng bác sĩ. Một số nghiên cứu ước tính tỷ lệ mắc chứng này là 1 trên 12,000 người với đàn ông và 1 trên 30,000 người với đàn bà.

Khởi nguồn về giới tính ở đàn ông và đàn bà bình thường vẫn còn chưa biết rõ, thế nên chẳng lạ gì khi chúng ta không biết được nguyên nhân gây ra muộn phiền giới tính. Vì nhiều nguyên nhân mà nhiều người tin rằng định dạng giới tính bị ảnh hưởng mạnh bởi các chất hóc môn sinh dục, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên động vật, nhưng đặc biệt nhất là những dữ liệu đến từ những người “song tính” (Pseudohermaphroditism). Những người này sinh ra theo di truyền học là đàn ông (XY) nhưng họ không thể sản xuất ra được hóc môn chịu trách nhiệm cho việc định hình cơ quan sinh dục (cây gậy và hai bé bi). Thế nên đứa trẻ sinh ra với hình dạng bộ phận sinh dục không phân biệt được là nam hay nữ.

Nhiều đứa trẻ như thế này được nuôi dưỡng như con gái trong gia đình. Khi đến tuổi thành niên, hàm lượng hóc môn testosterone đột nhiên tăng cao dẫn đến nhiều sự thay đổi to lớn với bộ phận sinh dục, khiến nó dần dần trở nên giống bộ phận sinh dục nam hơn. Giọng nói của trẻ sẽ trở nên trầm hơn, cơ bắp nhiều hơn và đứa trẻ sẽ nhanh chóng nhận định nó là con trai. Tốc độ chấp nhận và sự thoải mái trong việc thay đổi, xác nhận giới tính nam ở những đứa trẻ này tạo nên giả thuyết rằng bộ não đã được lập chương trình về thay đổi, lựa chọn giới tính này từ khi còn là phôi thai.

Đối với bạn, Rối loạn định dạng giới tính và Muộn phiền giới tính có gì khác nhau khi triệu chứng của hai chứng này gần như giống nhau? Đối với bạn có lẽ nó không có gì khác mấy ngoại trừ cái tên thay đổi nhưng đối với những chuyên viên chẩn trị tâm lý và những đứa học tâm lý như tôi, đó là sự thay đổi rất lớn bao gồm luôn cả trọng tâm chẩn đoán bệnh. Nếu như ở DSM-4 nó là một bệnh (các tác giả dùng chữ Rối loạn – Disorder) thì ở DSM-5 họ không coi nó là bệnh. Trọng tâm chứng này nằm ở những nỗi phiền muộn khó chịu với giới tính làm cho những người mắc chứng này gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội và làm việc (Bỏ chữ rối loạn, thay vào đó là buồn bực – Dysphoria). Phương pháp chữa bệnh tập trung vào việc giải tỏa những nỗi muộn phiền này. Trong phần cập nhật mới nhất cho DSM-5, các tác giả đã nói rõ rằng việc cảm thấy không thoải mái bực bội với giới tính của mình không phải là bệnh mà là những hệ quả từ việc không thoải mái này như khó chịu, trầm cảm mới là điều quan tâm chính của bệnh này. Điều này có thể thấy rõ từ phương thức chữa trị của chứng này .

Dễ dàng nhận thấy có hai cách để chữa chứng này: một là thay đổi định dạng giới của một người để cho phù hợp với cơ quan sinh dục mà họ đang có. Hai là thay đổi bộ phận sinh dục để cho phù hợp với giới tính của một người. Có rất nhiều dạng chữa trị phân tâm học cố gắng thay đổi nhận định giới tính của một người (giống như thuyết phục người nam đang mắc chứng này rằng họ là nam, chứ không phải là nữ). Nhưng kết quả đến giờ đa số là tiêu cực.

Một phương pháp khác nhận được nhiều phản hồi tích cực chính là phẫu thuật chuyển giới. Người làm phẫu thuật chuyển giới phải ít nhất 18 tuổi và trước khi thực hiện phẫu thuật phải trải qua một thời sống vài tháng với giới tính mà họ mong muốn chuyển thành để chắc rằng đó là cuộc sống mà họ muốn. Đa số những người thực hiện phẫu thuật chuyển giới xong, nhiều năm sau cho biết họ sống rất tốt, biểu hiện tích cực. Các bài kiểm tra tâm lý cũng cho thấy với những người hoàn toàn phẫu thuật xong thì mức độ trầm cảm và lo lắng giảm dần so với những người chưa làm phẫu thuật. Phẫu thuật chuyển giới chính là cách giải tỏa nỗi muộn phiền về giới tính và khiến cho những người đó có thể hòa nhập tốt hơn.

Có nhiều bạn ủng hộ quan hệ, hôn nhân đồng tính giơ cao biểu ngữ cổ vũ “giới tính thứ ba”. Cái này là hoàn toàn không đúng. Không phải các bạn không đúng mà là biểu ngữ không đúng. Giới tính (Gender) chỉ có hai, chính là nam và nữ. Còn về quan hệ đồng giới, dị giới thuộc về khuynh hướng tình dục (Sexual orientation). Xu hướng tính dục có bốn loại, đồng tính, dị tính, song tính và vô tính. Ba loại trước các bạn hẳn đã biết. Vô tính (asexual) ở đây mang nghĩa người này không có xúc cảm tình dục hoặc có rất ít các hoạt động tình dục với bất kỳ ai. Một nghiên cứu vào năm 2004 xác định tỷ lệ người vô tính ở Anh là khoảng 1% dân số.

Khuynh hướng tình dục và giới tính là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt nhưng có rất nhiều bạn vẫn lầm lẫn hai khái niệm này. Đó cũng chính là một phần tranh luận của tôi với các thành viên của hai page mà tôi nói ở bài trên. Một thành viên trong đó lấy trích dẫn từ một cuốn sách phát hành năm 2014 của APA,

In one perspective study of 66 boys with DSM-III diagnosis Gender Identity Disorder of Childhood, 75% subjects grew up identifying as gay men not as transgender. (Trong một nghiên cứu với 66 trẻ em trai được chẩn đoán mắc chứng rối loạn định dạng giới ở trẻ em, có khoảng 75% trong số này lớn lên tự nhận mình là đồng tính, chứ không phải là người chuyển giới).

Sau đó bạn ấy bảo rằng, từ cái study này có thể kết luận được, “Đồng tính luyến ái không phải là rối loạn định dạng giới. Nhưng ngược lại, Rối loạn định dạng giới nếu không được phát hiện và chữa trị thì bệnh nhân sẽ chuyển biến thành Đồng tính luyến ái hoặc sẽ đi tiến hành chuyển đổi giới tính.”

Kết luận này thiếu cơ sở và thiếu cả chính xác. Chỉ dựa vào một nghiên cứu mà đưa ra một kết luận chung với tất cả những người mắc chứng Muộn phiền giới tính là hơi cẩu thả và thiếu độ tin cậy. Hơn nữa, nghiên cứu này còn dùng DSM-III làm cơ sở chẩn đoán, thời điểm sách dùng trích dẫn là năm 1987, nghĩa là nghiên cứu được thực hiện trong năm đó hoặc còn lâu hơn nữa. Điều này nói lên cái gì, nói lên kết quả nghiên cứu này có thể không còn áp dụng được với những tiêu chuẩn mới hiện nay. Bạn nào học tâm lý học sẽ biết, một khi DSM thay đổi thì tất cả các sách tâm lý đều thay đổi. Điều thứ hai là trong nghiên cứu không đề cập đến việc những người mắc bệnh rối loạn định dạng giới có đi chưa trị hay không, nên không thể bảo Rối loạn định dạng giới không được phát hiện và chữa trị sẽ dẫn đến đồng tính.

Muộn phiền giới tính/ Rối loạn định dạng giới tính là về những nỗi phiền muộn khi bị mắc kẹt trong cơ thể không phù hợp với giới tính của mình, chứ nó không liên quan gì đến xu hướng tình dục cả. Có nhiều trường hợp nhiều người đi chuyển giới xong về vẫn có những mối quan hệ đồng giới. Tôi đã xem vài video nói về những người nam chuyển giới sang nữ và sau khi chuyển giới xong họ có bạn đời là nữ. Đó chính là khuynh hướng tình dục của họ. Vì vậy không thể nói rằng Rối loạn định dạng giới dẫn đến Đồng tính luyến ái được. Cái này hoàn toàn sai lầm. Các bạn khi tìm nghiên cứu để đọc hoặc để viết, thì phải cẩn thận tránh việc kết luận cẩu thả như vậy. Một kết luận chung về một tập thể khó có thể dựa trên một nghiên cứu.

Bản thân tôi cho rằng Muộn phiền giới tính là bệnh phần nhiều do xã hội mang lại bởi vì sự kỳ thị, chỉ trỏ và định kiến hơn là căn bệnh mang lại cho chủ nhân của nó. Vậy tại sao DSM-5 không loại trừ nó ra khỏi danh sách các bệnh tâm lý? Những người khó chịu, buồn bực với giới tính của mình cần sự “chẩn đoán” để họ có thể nhận được sự chăm sóc và chữa trị. Phẫu thuật chuyển đổi giới tốn rất nhiều tiền, lên đến hàng trăm ngàn đô, nếu họ không có sự “chẩn đoán” từ bác sĩ là họ cần phẫu thuật để cảm thấy khỏe hơn, sống tốt hơn thì bảo hiểm sẽ không chi trả tiền để họ có thể có được sự chăm sóc cần thiết. Nếu loại bỏ bệnh này ra khỏi DSM-5 thì dẫn đến những khó khăn như vậy thế nên các tác giả của DSM-5 vẫn giữ lại bệnh này nhưng bắt đầu sự thay đổi về những định kiến từ việc chọn từ thích hợp như bỏ từ rối loạn và thay vào bằng muộn phiền như tôi đã nói trên. Như vậy thì tên sẽ giống hơn với triệu chứng và cũng loại bỏ ý nghĩ là bệnh nhân bị “bệnh”

Sau khi tranh luận xong phần đó, bạn ấy có hỏi tôi rằng, “Bao nhiêu người nghĩ mình đồng tính nhưng thực tế là họ mắc GID nhưng thiếu kiến thức nên ngộ nhận?Như vậy vấn đề tuyên truyền đồng tính đang khiến những người ngộ nhận này không nghĩ mình mắc bệnh, không muốn chữa trị ?”

Tôi đã trả lời như thế này, “Về câu hỏi của bạn, bao nhiêu người mắc GD không đc điều trị dẫn đến ngộ nhận. Như tôi nói, bạn nếu tìm được tài liệu nào nói về vấn đề này thì đưa lên đây. Nếu không có tài liệu thì những gì chúng ta bàn chỉ quay quanh xã hội và nhân đạo, sức thuyết phục sẽ hơi bị khó vì không có gì làm bằng chứng cả. Nhưng tôi cũng muốn nói một chút.

Tỷ lệ người mắc GD theo sách tôi là hiếm so với các bệnh tâm thần khác. Khoảng 1 trong 12,000 nam và 1 trong 30,000 nữ. Nếu chúng ta loại trừ những nước châu Âu, Mỹ và các nước có khoa học tiên tiến và chuyên ngành tâm lý học phát triển thì số người mắc GD nhưng thiếu kiến thức dẫn đến ngộ nhận là con số rất ít. Có thể vì thế nên nó không được ghi dữ liệu lại hoặc không có nghiên cứu nào nói về nó. Nếu bạn tìm ra tài liệu nào nói người mắc GID không được chữa trị dẫn đến ngộ nhận đồng tính thì cứ đưa lên đây. Và lúc đó chúng ta bàn tiếp về vấn đề này.

Tại sao tôi nói là loại trừ các nước châu Âu, Mỹ và các nước có nền tâm lý học phát triển? Do từ ở trường tiểu học xuyên suốt đại học đều có chuyên viên tâm lý để các trẻ em, thanh niên đều có thể tìm đến khi gặp khó khăn. Đến độ tuổi trước khi phát dục thì các em sẽ được chia ra thành hai nhóm trai và gái học giáo dục giới tính và khuynh hướng tình dục. Tôi đã từng ký giấy đồng ý cho cháu tôi khi ấy mới học lớp 5 để cháu tham gia buổi học về giới tính và khuynh hướng tình dục. Cấp 2, cấp 3 cũng như vậy. Lên đến đại học, nói không xa, trường tôi có nguyên một cái phòng khám tâm lý do các bác sĩ tâm lý, chứ không chỉ là chuyên viên tâm lý để khám và điều trị về bất kỳ nguyên nhân tâm lý nào. Ngay cả khi trong trường có bạn không may qua đời, trường cũng viết email cho tất cả học sinh, khuyên ai nếu cảm thấy buồn, phiền muộn thì hãy đến phòng tâm lý. Hệ thống y khoa liên thông tất cả các bác sĩ thuộc chuyên ngành khác nhau. Mỗi gia đình đều có bác sĩ gia đình nhất định, nếu gặp vấn đề khó khăn về tâm lý thì bác sĩ gia đình sẽ chuyển qua cho bác sĩ tâm lý giải quyết. Người bệnh sẽ không gặp cảnh bơ vơ không biết đi đâu hoặc không biết tìm ai. Hơn nữa với các nguồn dữ liệu và Internet dồi dào thì không sợ phần thiếu kiến thức ấy. Vậy thì tỷ lệ người mắc GID mà thiếu kiến thức là bao nhiêu ở những nước phát triển như vậy? Tôi nói là gần như con số 0.

Tiền đề để ngăn chặn những trường hợp như vậy thì trước hết xã hội phải chấp nhận người đồng tính và đối xử với họ như người bình thường, quan tâm đến phát triển tâm lý của họ. Họ không quan tâm đến giới tính và khuynh hướng tình dục mà quan tâm đến khả năng đóng góp cho xã hội của từng người. Họ coi mỗi người là “nguồn” để giúp cho xã hội đi lên và vì thế họ quan trọng tâm lý của mỗi người là vì thế, vì họ muốn ngăn cản lại những phiền muộn làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và học tập của mỗi người, qua đó phần nào kéo xã hội đi xuống.

Trong những năm gần đây ở Mỹ những phong trào ủng hộ đồng tính đang giảm. Là vì người đồng tính bắt đầu nhận được những quyền lợi như những công dân bình thường. Kết hôn, nhận con nuôi, quyền lợi li dị… Họ còn có cả tổ chức bảo vệ quyền lợi cho mình sẵn sàng đấu tranh cho họ trên pháp luật của nước do những người có kiến thức, địa vị cao ủng hộ và phát triển.

Còn ở VN mình, tại sao phải tuyên truyền? Là do chúng ta cứ cấm cản. Ngay cả trong chương trình học về giới tính và sinh sản thì các cô giáo, thầy giáo còn thấy ngại và bỏ qua. Cách đây 8 năm khi tôi học lớp 11, cô tôi còn không đề cập đến nửa chữ. Việt Nam còn chưa có một tổ chức rõ ràng bảo vệ quyền lợi người đồng tính như một công dân tự do của nước (tôi không biết hiện giờ thì như thế nào). Các phong trào tuyên truyền do giới trẻ tự phát với mục đích đòi quyền lợi cho người đồng tính được đối xử như công dân bình thường. Vấn đề ở đây là do nhà nước cấm cản nên họ không được giáo dục về giới tính và khuynh hướng tình dục, và các tài liệu về vấn đề này được dịch ra rất ít và không da dạng. Không phải ai cũng như tôi, có cơ hội được ra nước ngoài mở mang kiến thức, hoặc như bạn đọc hiểu tiếng anh và có thể dùng nó để tìm các tài liệu bổ ích chưa được dịch khác. Vì thế tuyên truyền đi kèm với con dao hai lưỡi.

Vậy thì sao để giảm tải cái hại mang về? Thành lập một tổ chức phi chính phủ do những người có kiến thức khoa học và tâm lý phổ biến về giới tính và khuynh hướng tình dục. Nhà nước phải công nhận một số quyền lợi cho dân đồng tính, như dân đồng tính có thể kiện một công ty nếu họ không nhận người đó vì lí do là đồng tính dù người đó đủ điều kiện. Nếu không chấp nhận kết hôn thì ít ra cũng nên cho các cặp đôi đã sống lâu một số quyền lợi như phân chia tài sản hoặc hỗ trợ xã hội như Úc đã làm (xin lỗi nếu tôi nhớ nhầm) Nới rộng và quy định trường học phải dạy về giới tính….

Nhưng với một cái xã hội bảo thủ như VN thì những phương pháp tôi đề ra giống như người si nói mộng. Và vì thế bảo sao đồng tính ở VN ngày càng loạn đi. Bởi vì ngay cả bạn còn giới hạn quyền lợi công dân của họ, nhìn họ bằng con mắt kỳ dị hoặc thương hại vì họ “khác bình thường”. Tâm lý con người dễ đồng cảm với những ai ở vị thế “yếu” hơn mình hoặc “tội nghiệp” hơn mình và vì thế mình dễ dàng tha thứ khi người đó làm gì sai. Có một số người đồng tính lợi dụng tâm lý này để mưu lợi và làm ra vẻ đáng thương, đổ lỗi cho xã hội. Chúng ta phải ngừng cái suy nghĩ “tội nghiệp” ấy đi và nghĩ họ như bình thường, đối xử với họ bình thường, thì lúc đó tình hình của người đồng tính VN mới khá hơn được, và phần nào giảm thiểu các tai nạn, và tệ nạn xã hội.

Phần tranh luận của tôi kết thúc ở đó vì page không cho bọn tôi tranh luận nữa và bạn kia cũng không quay lại trả lời.

Có một điều đáng buồn là khi tôi đọc những bài tranh luận bảo vệ đồng tính thì nhiều bạn lại dựa vào cảm tính như họ cũng là con người, cũng có quyền được yêu, được kết hôn. . . mà thiếu những kiến thức khoa học để phản biện lại những ý kiến mà bên phản đối đưa ra. Khiến cho các bạn bị đuối lý rồi đâm ra tức giận chửi thề… Làm cho bên kia hả hê và quy chụp rằng bọn bảo vệ hôn nhân đồng tính là nít ranh, chỉ biết theo phong trào chứ đầu óc chứ trong đầu chẳng có bao nhiêu kiến thức. Tôi nghe rất buồn, đó cũng là nguyên nhân khiến tôi nhảy vào tranh luận. Các bạn ạ, người Mỹ có câu, hãy bảo vệ bản thân bằng tri thức (armed yourself with knowledge). Các bạn thấy thương và thông cảm cho những người đồng tính thôi thì chưa đủ, các bạn còn phải hiểu rằng mình đang bảo vệ cái gì và vì sao mình lại bảo vệ nó. Đừng để cho người khác nghĩ rằng các bạn ủng hộ chỉ là vì phong trào. Hy vọng rằng bài viết này cung cấp đủ thông tin cơ bản để các bạn hiểu thêm về LGBT và có thêm kiến thức khi muốn bảo vệ cộng đồng đó.

Cre: Hiroshimi.wordpress.com


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.