Xã hội đang dạy chúng ta “Đừng bị hiếp dâm” thay vì “Đừng hiếp dâm”
Bức tranh trên mô tả Lucretia – một người phụ nữ thuộc dòng dõi quý tộc đã bị hiếp dâm bởi con trai của Hoàng đế La Mã Etruscan
Hiếp dâm, xâm phạm thân thể của một người một cách gợi dục, dù nhẹ đến cỡ nào, qua đường âm đạo, hậu môn, hay đường miệng mà không có sự đồng thuận (consent) của người đó (theo FBI), từ lâu đã là một vấn nạn nhức nhói. Từ định nghĩa, chúng ta cũng dễ dàng thấy được rằng không có bất kỳ ai muốn bị hiếp dâm cả. Cho nên, việc tìm cách tự vệ, phòng ngừa là không hề đáng trách.
Dạo gần đây, trên Facebook có một bài viết đưa ra những cách giúp mọi người trốn thoát hay phòng ngừa bị hiếp dâm đang được chia sẻ rộng rãi. Bài viết có nhiều dị bản, nhưng chủ yếu có mấy điểm sau đây:
“Incredible Humanity
(Hãy chú ý, hãy đọc, vì nó có thể cứu được nhiều n gười phụ nữ hay con gái ngoài kia).
TRONG CON MẮT CỦA NHỮNG KẺ HIẾP DÂM.
Một nhóm những kẻ hiếp dâm và những kẻ hiếp dâm trong nhà tù được phỏng vấn về những người có thể trở thành nạn nhân của chúng, và sau đây là một số thông tin:
1. Điều đầu tiên là kiểu tóc, tóc buộc đuôi ngựa, buộc chun, hay tóc tết, hay bất cứ kiểu nào mà chúng có thể bắt và nắm. Và cũng có thể chúng sẽ đuổi theo người có mái tóc dài. Tóc ngắn thường không phải mục tiêu (nhưng đừng chừa ra).
2. Điều thứ hai là những loại qần áo dễ bị lột bỏ nhanh chóng, và chúng có thể mang kéo để cắt xé cho nhanh.
3. Chúng còn theo dõi những chị em sử dụng điện thoại, đang lục túi hay ví đồ khi đang đi trên đường vì lúc đó chị em thường mất cảnh giác.
4. Nơi dễ bị bắt cóc nhất: khu để xe hay trước/sau các cửa hàng..
5. Nơi có khả năng thấp hơn: khu văn phòng, khu để xe văn phòng,…
6. Nơi thứ ba là các phòng vệ sinh công cộng, phòng thay đồ, đại loại vậy.
7. Thêm và đó là chúng cần phải bắt cóc được và đem đến nơi mà chúng biết sẽ không bị bắt.
8. Nếu bạn chống cự, chúng sẽ dễ nản lòng vì chỉ cần một đến hai phút chúng có thể nhận ra rằng bạn không đáng để phí phạm thời gian.
9. Những vật dụng như ô, hay những thứ mà có thể sử dụng để chống cự trong tầm tay ng con gái hay phụ nữ cũng dễ làm chúng thay đổi mục tiêu.
10. Móc chìa khoá không phải thứ nên dùng, vì nó thiên hướng “đánh cận chiến”, trong khi ta phải vô hiệu hoá chúng từ khoảng cách an toàn.
NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ:
1. Nếu có ai đang đi theo bạn ở trên phố hay ở nhà để xe, cầu thang máy hay bộ, thì nhìn vào mặt họ, và hãy hỏi họ một câu hỏi gì đó, như là mấy giờ hay tạo một cuộc đối thoại, nó có thể làm chúng chán và bạn không còn là mục tiêu nữa.
2. Nếu có ai đi tới trước mặt bạn, và bắt cổ tay hay cầm tay thì hãy la lớn lên. Hầu hết những kẻ hiếp dâm đều từ bỏ mục tiêu nếu các chị em la lớn hay có ý định đánh trả. Một lần nữa, chúng sẽ tìm mục tiêu dễ dàng hơn.
3. Nếu bạn đem hơi cay, thì hãy doạ chúng, và giơ ra nếu chúng có ý định tới gần.
4. Nếu ai đó túm bạn, và bạn không đọ lại được sức mạnh, thì hãy thông minh hơn chúng. Nếu bị túm, hãy cấu thật MẠNH vào vùng dưới cánh tay giữa nách và khuỷu tay, hoặc vùi đùi trong gần bẹn.
5. Sau khi cấu hai chỗ kia, luôn luôn chú ý đến vùng háng, hãy cố thúc mạnh hay đạp… wink emoticon vì nếu làm thế, chúng chỉ muốn bỏ đi thôi, là bởi chúng không muốn những người không nghe lời.
6. Nếu có ai hướng tay trước mặt với vẻ không thiện chí, hãy nắm 2 ngón trỏ, giữa của hắn thật nhanh và bẻ về phía hắn với hướng đi xuống càng NHANH, càng MẠNH, càng TỐT.
7. Và, luôn để ý xung quanh mình. Rủ những người bạn đi cùng. Để ý tới những điều lạ thường, và làm theo bản năng, dù nó có hơi lạ với bạn, và nếu lâm vào tình huống thật sự, thì sẽ rất rắc rối đấy!
VÀ, HÃY ĐỂ Ý THẬT KĨ NHỮNG ĐIỀU NÀY:
1. Sử dụng đầu gối, hoặc khuỷu tay thật NHANH, vì đó là những điểm tạo lực khá là mạnh.
2. Nếu có kẻ ăn cướp muốn lấy ví của bạn, đừng đưa cho hắn, mà hãy ném ra phía hắn rồi CHẠY thật NHANH theo hướng ngược lại (tất nhiên nếu hướng đó cũng không có kẻ nào ẩn nấp).
3. Bị nhốt trong cốp xe. Dùng chân hoặc tay đẩy đèn hậu của chiếc xe và thò tay ra vẫy LIÊN TỤC. Tên bắt cóc sẽ không thấy nhưng người đi đường sẽ thấy (điều này đã cứu được nhiều người).
4. Phụ nữ hay có thói qen ở trong xe và làm những việc riêng họ hay làm. Và đây là cơ hội để chúng lẻn vào xe và bắt bạn đưa hắn đến nơi bạn muốn. Vì thế, ngay khi vào xe, lái đi NGAY LẬP TỨC !
5. Một vài lời khuyên trước khi vào trong xe để lái đi:
a. Chú ý cẩn thận: nhìn xung quanh khu để xe, để ý xem có ai có thể lẩn trốn xung quanh không, rồi ngó vào xe, để ý vào ghế phụ, ghế sau, hay sàn để chân… (hãy làm điều này trước khi vào một chiếc tắc-xi).
b. Nếu bạn đỗ cạnh một chiếc xe to, lớn, thì lúc vào xe, vào từ cửa người ngồi, KHÔNG vào bên tay lái. Hầu hết những kẻ sát nhân đều chờ cơ hội để kéo những người xấu số vào xe chúng để bắt cóc.
c. Nhìn vào chiếc xe đỗ ở phía bên tay lái bạn, và bên người ngồi, nếu có một người đàn ông ngồi trong xe phía gần xe bạn, thì hãy qay trở lại nơi đông người, nhờ một người đi cùng. (thừa còn hơn bỏ sót, và hoang tưởng còn hơn là bị giết).
6. Luôn dùng thang máy thay vì thang bộ (thang máy có nút khẩn cấp, cầu thang heo hút tối tăm thì không).
7. Nếu kẻ xấu có súng, thì luôn luôn chọn phương án CHẠY ! Xác suất trúng đạn (khi đang di chuyển) là 4/100 phát. Kể cả có trúng, thì không trúng bộ phận trọng yếu.
8. Là phụ nữ, thì luôn có lòng thương cảm. DỪNG NGAY LẠI !! Nó có thể khiến bạn bị giết đó. Ted Bundy – sát nhân hàng loạt, là một người ưa nhìn, sáng sủa, có học, luôn nhắm tới những người có lòng thương cảm. Hắn thường giả vờ bị đau chân đau tay, đi khập khiễng để người đó giúp hắn vào trong xe – nơi hắn thực thi các vụ giết người của mình.
HÃY GỬI LỜI NHẮN TỚI BẤT KÌ NGƯỜI CON GÁI, PHỤ NỮ NÀO BẠN BIẾT, VÌ ĐÓ SẼ LÀM GIẢM NGUY CƠ HỌ BỊ BẮT CÓC HAY BỊ GIẾT.
HÃY CHIA SẺ LẠI BÀI VIẾT NẾU BẠN THỰC SỰ CÓ TÂM. “NÓI LÀ LÀM. ĐỪNG NÓI MỘT ĐẰNG, LÀM MỘT NẺO”.
ĐIỀU NÀY THỰC SỰ CỨU ĐƯỢC NGƯỜI.
ĐỂ XEM CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI THỰC SỰ QUAN TÂM.”
Tuy nhiên, phòng thân một cách thiếu hiểu biết có khi còn đem lại nhiều hậu quả hơn nữa. Bài viết nêu trên bao gồm rất nhiều thông tin sai lệch về nạn hiếp dâm mà có thể khiến người khác gặp nguy hiểm. Sau đây là một số thông tin chúng ta thực sự cần biết:
1. Nếu các kẻ hiếp dâm lựa chọn nạn nhân của mình dựa vào cách ăn mặc, kiểu tóc của họ, những người thi hành luật pháp sẽ rất ngạc nhiên, vì họ chưa bao giờ phát hiện xu hướng này. Nạn nhân bị cưỡng hiếp có thể có tóc ngắn, tóc dài, hay kể cả không có tóc; béo hoặc gầy, mặc váy ngắn hay mặc quần tây dài. Không có trang phục hay kiểu tóc nào có thể giúp chúng ta thoát cả.
Ngoài ra, tuy đa số nạn nhân bị hiếp dâm là nữ (9/10 nạn nhân), con số 1/10 cho các nạn nhân nam cũng vô cùng quan trọng. Bài viết hoàn toàn quên đi điều đó, tạo ấn tượng rằng tất cả các kẻ hiếp dâm đều là nam, và nạn nhân đều là nữ.
2. Theo điều 2 thì các kẻ hiếp dâm sẽ trang bị kéo để cắt xé quần áo bạn cho dễ thay vì kéo xuống hay gỡ nút cho nhanh. Tuy nhiên, bài viết lại quên đi rằng chúng cũng có thể trang bị một cuộn băng keo để kìm hãm nạn nhân.
3. Nơi hay xảy ra cưỡng hiếp nhất là nơi vắng vẻ chứ không có địa điểm cố định nào cả; thời gian hay diễn ra cưỡng hiếp nhất là 6h tối đến 6h sáng.
4. Hiếp dâm không phải lúc nào cũng là vì muốn thỏa mãn nhu cầu tình dục nhanh gọn lẹ. Mục tiêu của chúng là tra tấn, trừng phạt những người mà kẻ hiếp dâm cho là yếu hơn. Khi hiếp dâm, bọn chúng nhắm đến việc gây nhiều tổn thương cho cơ thể và tinh thần nạn nhân hơn là chỉ thỏa mãn nhu cầu tình dục của chúng.
5. Theo nghiên cứu của Nicholas Growth, ba lý do chính khiến cho kẻ hiếp dâm cưỡng hiếp là: cơn giận dữ, quyền lực và sự bạo dâm.
– Trường hợp giận dữ, kẻ hiếp dâm tấn công người khác để lấy lại công bằng mà hắn cho là đã bị cướp mất bởi cuộc đời hoặc bởi chính nạn nhân. Khi đó họ chủ yếu muốn hạ nhục, trả thù nạn nhân. Ở trường hợp này, nếu bạn phản kháng lại, hắn có thể sẽ ngừng vì quyết định hiếp dâm do giận dữ thường rất tùy hứng; tuy nhiên hắn cũng có thể cảm thấy bạn đang chống đối hắn, khiến hắn càng tức giận hơn và càng hành hạ bạn hơn.
– Trong trường hợp hiếp dâm vì muốn quyền lực, kẻ hiếp dâm sẽ rất ít khi dừng lại nếu bạn chống trả. Vì trong trường hợp này, kẻ hiếp dâm muốn có được cảm giác của một kẻ thống trị. Những người muốn chống trả những tên này nên chắc chắn rằng họ sẽ thoát, nếu không thì tính mạng của họ sẽ rơi vào lâm nguy.
– Còn nếu rơi vào trường hợp cuối, bạo dâm (sadism), tên hiếp dâm này chỉ đơn giản là muốn hiếp dâm. Hắn cảm thấy thèm khát tình dục khi mà đối phương không đồng ý và chống trả. Trong trường hợp này, càng chống trả, hắn sẽ càng khoái chí.
Câu hỏi về việc nên hay không nên chống trả khi bị hiếp dâm đã lỗi thời. Không có câu trả lời nào đúng cả. Một số có thể trốn thoát bằng cách dùng guốc đập vào đầu kẻ hiếp dâm, nhưng nếu làm điều tương tự với kẻ khác, tình huống có thể trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Lời khuyên về việc chống trả trong bài viết cho chúng ta ấn tượng ảo rằng có một lối thoát dễ dàng khi bị hiếp dâm nếu chúng ta biết tự vệ. Tuy nhiên, thực tế thì lại khác xa. Không phải kẻ hiếp dâm nào cũng có thể bị chống trả.
6. Liệu mọi sự tự vệ đều vô dụng? Không hẳn. Tuy nhiên, không có cách phòng thân nào là triệt để đối với nạn hiếp dâm. Điều tệ hơn là, khi cho rằng mình đã biết cách chóng trả, chạy trốn, chúng ta dễ dàng trở nên tự mãn hơn, và mất đi sự cảnh giác trong lúc cần thiết.
Sự tự mãn có thể cướp đi mạng người.
Luôn luôn cẩn trọng, hạn chế đến những khu vắng vẻ, tìm cách tránh xa những kẻ mà linh cảm của bạn mách bảo là nguy hiểm là những cách tốt nhất có thể giúp bạn hiện tại, nhưng kể cả như vậy vẫn không đảm bảo. Ngoài ra, trên thực tế, 82% nạn nhân bị cưỡng hiếp đều quen người cưỡng hiếp mình ít nhiều. Bài viết ở trên đầu dễ gây hiểu lầm là những kẻ hiếp dâm chỉ là những tên “yêu râu xanh” không quen biết, núp bóng nơi hẻm tối để rình mò “con mồi”.
7. Bài viết còn đưa ra rất nhiều lời chỉ dẫn về làm thế nào để chạy trốn, làm thế nào để chống trả. Các gợi ý đó có thể có ích hoặc không, nhưng như đã nói ở trên, không có cách phòng thân nào là triệt để. Không một vụ hiếp dâm nào có diễn biến hoàn toàn giống một vụ hiếp dâm khác. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta đang dành quá nhiều thời gian để dạy nạn nhân làm sao để thoát, mà quên đi rằng, điều cần dạy là hiếp dâm là điều sai.
Khi chúng ta đặt quá nhiều trách nhiệm phải “phòng chống”, và “tự vệ” lên những người có nguy cơ bị hiếp dâm (nhiều hơn cả những người có khả năng cưỡng hiếp), việc đỗ lỗi cho nạn nhân (victim-blaming) sẽ dễ dàng xảy ra hơn rất nhiều.
“Xã hội đang dạy chúng ta “Đừng để bị hiếp dâm!”, thay vì “Đừng hiếp dâm!”, một câu nói khá phổ biến trên các mạng xã hội của một người vô danh; và những bài viết tương tự thế là một ví dụ điển hình cho thực trạng đáng buồn này.
Cre: tamlyhoctoipham.com