Thanh Bình Nhạc

Chương 34: Đầu bếp



“Hũ nghe xuất hiện sớm nhất trong một cuốn ghi chép binh gia vào 700 năm trước, là một thủ đoạn điều tra tình huống quân địch vào thời bấy giờ.”

Tri Tân là một người thầy giáo tốt, y vừa nói vừa nhấc ấm trà rót một ít nước, nhúng ngón tay trỏ của mình vào rồi phác họa một hình vẽ lên trên bàn.

“Hình dạng của nó ghi chép ở thời đó là một cái hũ đồng miệng nhỏ bụng to. Người ta bịt một tấm da thuộc lên miệng hũ, lúc xảy ra chiến tranh lính trinh sát sẽ chôn nó ở ngoài tường thành, lớp da thuộc ngang bằng với mặt đất, nằm sấp xuống áp tai lên lớp da là có thể nghe thấy tiếng vó ngựa hơi có quy mô trong phạm vi mười dặm.”

Có thể nghe được động tĩnh cách xa như vậy quả thực vô cùng lợi hại, nhưng nó dường như chẳng hề phù hợp với tình huống mà Lý Ý Lan đang phải đối mặt.

Mọi người thường hay thảo luận vụ án ở nhà ăn, nơi đó chỉ có mỗi cái bàn bát tiên là giấu người được, âm lượng nói chuyện cũng chỉ ở mức bình thường, hơn nữa nếu thực sự có người thì trong khoảng cách vài bước Lý Ý Lan nhất định sẽ phát hiện ra, hắn quan sát hình vẽ trông giống cái vò kia, đắn do hỏi: “Nhất định phải nằm xuống ghé tai vào miệng hũ sao?”

Tri Tân hé miệng một thoáng rồi lại khép lại, sau đó nhìn Lý Ý Lan nói: “Ta có thể hỏi Lý huynh lý do là vì sao được không? Nếu ta không hiểu rõ dụng ý của ngươi thì đáp án khó mà đi thẳng vào vấn đề lắm.”

Lý Ý Lan cũng không kiêng kị gì y, bèn thẳng thắn nói ra nghi ngờ có kẻ nghe lén trong nha môn.

Tri Tân sửng sốt, tuy biết hắn bận rộn nhưng không ngờ tình cảnh của hắn lại khó khăn đến vậy, đúng là loạn trong giặc ngoài, trong lòng Tri Tân bất chợt dâng lên niềm thương cảm, nhìn từ lập trường của đại phu thì hiện giờ, Lý Ý Lan còn thích hợp làm một hòa thượng thanh tâm quả dục hơn là y.

Nhưng nỗi chán chường thì ngước mắt là có thể thấy được, Lý Ý Lan tuy rằng ốm đau bệnh tật, song ánh mắt lại chưa từng tăm tối.

Tri Tân cũng không biết nên bội phục hắn là kẻ dũng không sợ hãi hay là trót đâm lao thì theo lao, đành bất đắc dĩ mím môi cười, ngẫm nghĩ theo tiền đề mà Lý Ý Lan vừa đưa ra.

Một hồi lâu sau y vẫn không ngước mắt lên, dường như còn đang đăm chiêu suy nghĩ, song trong ý thức đã tích ra được một phần nội dung, y vẫn duy trì tư thế cụp mắt, bảo với hắn rằng: “Cũng không phải, đây là hũ nghe sơ khai nhất, sau đó nó được cải tiến thành hình thức mới, ta chỉ biết là còn có ba loại nữa, lần lượt là vại nghe, bao tên[1] và ống tước thế[2]. Trước tiên nói về vại nghe đi.”

“Vại nghe giống với hũ nghe ban đầu, cũng có hình cái bình đồng tương tự, song phần đầu nó lớn hơn, phần khoang bên trong đủ cho một người ngồi. Trong binh thư《Hổ Tiếu Ngâm》có chép, người mù bởi vì mắt không thể nhìn thấy, cũng không biết nơi nào có thể trốn, mà thính lực lại vượt xa người thường, cho nên xưa nay bọn họ luôn được xem là lựa chọn hàng đầu để sử dụng vại nghe.”

Untitled

(Vại nghe thì giống hũ nghe nên mình ko chú thích nữa nhé, mn cứ biết là nó có miệng to và nghe được xa hơn hũ nghe.)

“Loại vại nghe này có thể nghe được xa hơn, nghe đâu con sông băng cách ngoài mười dặm chỉ nứt ra một vết, cũng không thoát khỏi đôi tai của những trinh sát mù này.”

Qua ngôn ngữ ôn hòa của Tri Tân, nội dung xa lạ mà tối nghĩa ấy không hề có vẻkhô khan, Lý Ý Lan nghe y nói từ từ chậm rãi, thảng thốt ngỡ như người đối diện là một ngọn núi hay một đại dương, tuy cũng trạc tuổi nhau mà sao người ta hiểu biết nhiều đến vậy nhỉ, cảm xúc ấy chẳng phải đố kị, chỉ thôi thúc hắn sẵn lòng rửa tai lắng nghe.

Đại sư còn khó gặp hơn cả “Người hiểu ta”, y là “Người có đáp án về điều ta không biết”, nghĩ vậy, Lý Ý Lan liền sinh ra cảm giác rằng mình suốt ngày chiếm lợi từ đại sư.

Người bị “chiếm lợi” lại chẳng hề phát giác, vẫn đang nghiêm túc giảng giải cho hắn: “Mà bao tên là một loại túi đựng tên đặc chế. Sử sách có ghi chép, vào Khánh triều lúc tam quân tác chiến đã từng sử dụng loại túi đựng tên này, dùng da trâu may bằng phương pháp đặc biệt, bình thường cắm tên vào đeo ở sau lưng, khi cần đến thì gỡ tên xuống thổi đầy khí vào, ghé xuống đất là có thể nghe được tiếng nhân mã ở cách nửa dặm.”

Lý Ý Lan tỏ vẻ nghi hoặc, Tri Tân thấy vậy thì ngừng nói, nghe hắn hỏi rằng: “Đại sư, ý của phương pháp may đặc biệt, ta có thể hiểu là chế tác loại túi đựng tên này không dễ dàng, cần những người tay nghề giỏi hiếm hoi mới làm được đúng không?”

Tri Tân nhẹ nhàng đáp “Ừm”, nhắc nhở hắn: “Bao tên là quân tư.”

Lý Ý Lan ngờ ngợ hiểu ra ngay, nơi sản xuất quân bị đều là quan giám sát còn dân làm, nếu dụng cụ nghe trộm mà đối phương sử dụng chính là bao tên, vậy thì vừa khéo cũng khớp với đặc tính của bạch cốt án đó là có chủ mưu xuất thân từ triều đình, Lý Ý Lan suy nghĩ cực nhanh, đi thăm dò bộ Binh có lẽ sẽ có được vài phát hiện.

Ngoài ra Tri Tân còn nhắc đến một loại nữa, Lý Ý Lan vội vàng thu hồi lực chú ý: “Ta hiểu ý của đại sư rồi, thế còn….. ống khước thế thì sao?”

Chữ Tri Tân nói khá khó đọc, lại còn nói lướt thôi nên Lý Ý Lan chẳng rõ tên của nó, chỉ có thể nhại lại khẩu âm na ná.

Tri Tân lại không nhận ra, y tiếp tục nói một cách tự nhiên: “Ống tước thế xuất hiện sớm nhất hình như là một loại công cụ nhỏ mà những kẻ như thích khách dùng để thám thính cơ mật. Thường là một cái ống rỗng bằng sắt hoặc đồng, khoang bên trong ống còn có cơ quan cấu tạo nữa, tuy nhiên ta không biết rõ lắm.”

“Ống tước thế được đặt tên này là bởi có hình dạng tương tự tước thế đỡ xà nhà, trên phẳng dưới cong, trước nhỏ sau thô, trước khi khảm vào tường gạch thì đào một cái hốc nhỏ, lúc cần dùng thì gỡ lớp che đậy xuống là có thể nghe được động tĩnh ở bên ngoài bức tường.”

Nói xong y dừng lại suy nghĩ một chút, rồi lại bổ sung thêm: “Trong dân gian ống tước thế có kiểu hình thức đơn giản hơn, chính là một cái ống tròn làm bằng gỗ, trúc, đồng, sắt, gọi là ống nghe. Có điều ta cảm thấy với ngũ giác của Lý huynh, nếu ở sát vách có kẻ dùng ống nghe thì ắt hẳn sẽ chẳng thoát nổi con mắt của ngươi. Tóm lại, đây chính là những điều mà bản thân ta biết.”

Đôi khi quá nhiều lựa chọn cũng là việc khó, Lý Ý Lan nghe kể về ống tước thế xong thì cảm thấy nó và bao tên đều có khả năng, con đường phía trước hắn vẫn phủ một kín một màn sương mù.

“Giả sử thứ kẻ nghe lén dùng chính là bao tên hoặc ống tước thế.” Lý Ý Lan nghiêm mặt nói, “Vậy thì ta nên làm sao để tìm ra, hoặc làm sao để tránh né những thứ này đây, đại sư có biết không?”

“Làm sao tìm ra thì ta không biết, nhưng tránh né thì vẫn có biện pháp.” Tri Tân nở nụ cười, đôi mắt lóe lên ánh sáng dịu hiền mà cơ trí, “Nếu kẻ đó dùng bao tên thì người đừng nói gì là được. Còn nếu kẻ đó dùng ống tước thế thì ngươi chuyển sang nơi khác để nói chuyện. Nếu muốn thêm phòng bị thì vừa chuyển sang nơi khác, vừa không nói lời nào.”

Y nói một tràng nghe như vè đọc nhịu, ấy thế nhưng Lý Ý Lan vẫn hiểu được, bởi vì hồi chiều kế hoạch hắn bí mật mưu đồ với Giang Thu Bình cũng gần giống ý tứ của Tri Tân.

Nếu không tìm được con đường nghe trộm thì chặt đứt đầu nguồn luôn. Tuy nhiên ngẫm tới nơi bọn họ thường ở nhiều nhất, Lý Ý Lan cũng không hoàn toàn không có manh mối.

Cuộc nói chuyện này khiến tâm tình của hắn rất tốt, nét vui mừng xóa tan vẻ đau ốm trên gương mặt, Lý Ý Lan chắp tay cười nói: “Nhờ nghe một câu nói của ngươi mà bớt được ba tháng điều tra, cảm ơn đại sư sẵn lòng chỉ cho ta.”

Tri Tân đặt túi sách xuống, dẫu chẳng biết hắn lĩnh ngộ được cái gì, nhưng bớt được việc là tốt cho sức khỏe của Lý Ý Lan, y cũng thấy rất vui vẻ, bèn xua tay bảo: “Việc nhỏ mà thôi, không cần cảm ơn tới cảm ơn lui đâu.”

Người khác là ta lấy ta cầu, y thì là vô dục vô cầu, Lý Ý Lan bỗng sinh ra cảm giác mắc nợ y, hiện tại chưa ai tìm hắn, cũng chưa tới thì giờ, hắn có lòng muốn trò chuyện cùng Tri Tân, bèn mở lời tán gẫu vu vơ.

Hai người nói từ mai vàng trong sương tuyết đến việc học ở Từ Bi tự, rồi lại từ vì sao gần đây Tri Tân chép kinh Phật cho tới đại ca của Lý Ý Lan, cuối cùng đề tài quanh đi quẩn lại lại trở về với vụ án.

Gió Bắc cuốn theo bụi tuyết mịt mờ, thoáng nhìn qua những tưởng như tuyết lại rơi.

Lý Ý Lan nhớ tới suy đoán của Giang Thu Bình, rất muốn nói chuyện với Tri Tân về Lữ Xuyên, hắn nhìn ra bầu trời ngoài sân, cất lời: “Đại sư, nếu như có người từng lừa dối ngươi, ngươi còn tin tưởng người đó chăng?”

Bàn tay nhẹ nhàng lần tràng hạt bồ đề của Tri Tân hơi khựng lại, song áo cà sa thùng thình, chính y cũng chẳng nhận ra động tác nhỏ theo bản năng ấy. Y vô thức liếc nhìn chiếc bàn, từ tốn đáp rằng: “Hẳn là không.”

Lý Ý Lan bất ngờ khi nghe được một đáp án chẳng hề “từ bi” mà lại hợp với tâm cảnh của mình, liền quay đầu nhìn y: “Đại sư không tin con người có lòng hối cải hướng thiện ư?”

“Không.” Tri Tân cười cười, quay đầu ngắm phong tuyết trong sân, “Chỉ là không tin bản thân mình có thể giữ cho tâm không khúc mắc.”

Người phàm sợ quả, Bồ Tát sợ nhân, y chẳng phải người phàm cũng chẳng phải Bồ Tát, cho nên nhân quả đều sợ.

——

Tuy bảo là rảnh rỗi không có gì làm, nhưng dường như cũng chẳng tốn quá lâu cho đến khi màn đêm hoàn toàn buông xuống.

Lúc Ngô Kim gọi người mang ít rượu đến thì Ký Thanh cũng đã trở về, tay trái cầm gà quay, tay phải cầm vịt quay.

Chiều nay bọn họ thu hoạch khá dồi dào, hừng hực khí thế cuốn phăng non nửa tiền bạc trong sòng, Vương Kính Nguyên cười tít cả mắt, Ký Thanh thì kiêu ngạo ngồi trên ghế, hỏi mấy người không đi có thấy hối hận không. Ngặt nỗi mấy người kia đều chỉ mọc miệng chẳng mọc tai, giả điếc xé hết đùi gà của cu cậu.

Vẫn còn nhiệm vụ phải làm, mọi người nhanh chóng giải quyết xong bữa cơm, ăn xong Lý Ý Lan sắp xếp Ngô Kim phụ trách lưu thủ, những người còn lại chia làm ba tốp đi tới Xuân Ý các để “ăn chơi”.

Trong thành Nam Nhiêu Lâm không chỉ có một nam xướng quán, Lý Ý Lan cũng chưa tới bao ngờ, chỉ nghe đám nha dịch nói, Xuân Ý các được xếp vào một trong ba hạng đầu.

Ấy thế nhưng đi gần đến nơi, Lý Ý Lan lại phát hiện cửa hàng thứ ba này đìu hiu mộc mạc, tuy bên trong đèn đuốc sáng trưng song cũng chẳng có quá nhiều tiếng nói cười nô nức, hai vị tướng công đứng ngoài cửa kéo khách mặc trường bào lụa trắng thanh thuần yên tĩnh, bầu không khí khác một trời một vực với các thanh lâu sở quán trên con đường huyên náo ồn ã ngoài kia.

Càng là người phú quý thì càng ham mê cái lạ, Lý Ý Lan và Trương Triều đều xuất thân quan gia, cũng không phải chưa từng thấy tiểu tướng công bao giờ, bọn họ thong thả được nghênh đón vào trong, sau đó hào phóng chi tiền đặt lấy một nhã gian.

Vì đến có chuẩn bị, Lý Ý Lan thay đổi xiêm y, trường bào tay rộng có hoa văn chìm hình dây leo, hông đeo chiếc đai lưng màu trắng khảm châu lấp lánh, ăn vận thế này với hắn mà nói là vô cùng bất tiện, kể từ hồi tòng quân, hắn hầu như chẳng mặc áo quần vướng víu như vậy bao giờ.

Nhưng Ký Thanh thuyết phục rõ là dẻo miệng, thằng nhóc sai vặt này còn xòe hai tay nói không cho soi mói câu nào. Lý Ý Lan rời nhà vội vàng nên chẳng kịp chọn quần áo, đành phải giả bộ cầm quạt xếp, đung đưa tay áo cất bước lên đường.

Điều an ủi duy nhất là lúc ra khỏi cửa, Tri Tân nhìn thấy, người nọ nở nụ cười, khen hắn khí sắc thật tốt.

Trương Triều cũng giống hắn, hiếm khi mới ăn mặc chải chuốt là lượt, thay một bộ đồ xa hoa đắt tiền là nhìn người cũng khác hẳn ngay, thậm chí nom còn quý phái hơn Lý Ý Lan mấy phần.

Giang Thu Bình được hắn hầu hạ mấy bữa nay, ngắm nhìn Trương Triều thay đồ mới, y bỗng dâng lên nỗi sợ hãi vô cớ, cảm giác như là để Lý Ý Lan bưng nước rửa chân cho mình vậy.

Đáng tiếc Trương Triều không có tự giác của quý nhân, vẫn dùng điệu bộ thường ngày hỏi mượn quạt xếp của Giang Thu Bình. Trong đám bọn họ, chỉ có mỗi Giang Thu Bình là văn sĩ đích thực sở hữu quạt xếp thôi.

Cũng may hai tên văn sĩ giả phe phẩy quạt giữa mùa đông lạnh này không vất vả phí công, hầu bàn thấy bọn họ ăn mặc xa hoa, khí độ bất phàm, nhìn phát biết ngay là khách sộp, vừa niềm nở dẫn hai người lên lầu, vừa sai người đi gọi ông chủ.

Lúc lên cầu thang Lý Ý Lan đụng phải một người từ trên lầu đi xuống, đó là một người phụ nữ say đến đỏ chín cả mặt, rệu rã dựa vào người nam nhân bên cạnh, lúc sượt qua không hiểu bà ta lên cơn gì mà còn giơ tay toan vuốt cằm Lý Ý Lan, mở miệng vừa ợ rượu vừa gọi “Tâm can ơi”.

Tuy ngạc nhiên nhưng Lý Ý Lan vẫn ứng phó kịp thời, hắn nhích người sang bên, né khỏi bộ móng dài ngoằng của người đàn bà nọ, làm bà ta vơ phải khoảng không.

Bất ngờ chứng kiến lão đại bị người ta đùa bỡn, Trương Triều đứng đơ tại chỗ như trời trồng.

Tam phẩm đề hình quan uy phong lẫm liệt của bọn họ, trong buổi tối câu tâm đấu giác này, bị một người đàn bà say xỉn xem là tiểu quan……

Nếu bảo Lý Ý Lan tuấn mỹ tuyệt luân nhường nào thì Trương Triều chẳng hề cảm nhận thấy thế, bệnh khí của người này quá nặng, nặng đến mức đánh mất đi khí khái thu hút người khác, có lẽ chốn này xem yếu ớt mới là đẹp, cho nên mới khiến phụ nhân kia nhìn lầm.

Hầu bàn bị con ma men này dọa sợ điếng hồn, hắn ta lo lắng xua tay với tướng công đang đỡ người đàn bà kia, bảo người nọ mau lôi ôn thần này đi, ám chỉ xong hắn ta bèn đon đả đi tới bày tỏ sự áy náy với Lý Ý Lan.

Lý Ý Lan tỏ ý không sao, rồi bước vào nhã gian trong tiếng ca ngợi “Đại gia thật là đại nhân đại lượng”, ngồi chưa được bao lâu thì ông chủ liền đi tới.

Chủ nhân Xuân Ý không giống các ma ma bình thường ở kỹ nữ quán mà một nam nhân trung niên, đôi môi tự mang nét cười nhẹ nhàng, trang phục tương đối bình thường, trông như chưởng bạc trong tửu lâu, tuy nhiên đôi mắt hẹp dài vẫn luôn bắn tinh quang bốn phía.

Dựa theo trình tự thông thường, Lý Ý Lan tùy tiện chọn hai nghệ quan giá trị không thấp, bảo một người đánh đàn, một người khác thì ngồi đối diện trò chuyện.

Lý Ý Lan nói vài câu đánh trống lảng rồi từ từ dời đề tài đến chuyện chiếc quạt.

Thừa dịp không ai chú ý, Trương Triều lặng lẽ ra khỏi cửa, lách người tiến vào hậu viện.

Mà ngoài cửa dưới lầu, Giang Thu Bình vâng theo lời dặn, chậm rãi tiến vào đại sảnh, Vương Cẩm Quan mặc nam trang đeo theo đao, theo sát từng bước phía sau y.

Sau một nén nhang, Vương Kính Nguyên ăn bận như lão gia quê mùa cũng dắt theo tên sai vặt của mình đi vào.

Trong bốn canh giờ sau đó, sáu người lục tung hết mọi ngóc ngách trong ba tầng trên dưới, cả trong lẫn ngoài Xuân Ý các, ấy thế nhưng kết quả lại thật đáng thất vọng, người của Xuân Ý các trăm miệng một lời, cũng chẳng có thương buôn quạt khả nghi vãng lai tới, số lượng và chi tiêu quạt từ ngõ Tây mười một đưa tới cũng hoàn toàn trùng khớp.

Sáu người lục tục trở lại nha môn, toàn bộ hậu viện chỉ có hai nơi là vẫn sáng đèn, một là phòng của Tri Tân, còn một là nhà bếp vẫn đang đợi để chuẩn bị bữa khuya.

Đầu bếp đang rúc trong kệ bếp ngủ gật, nghe thấy tiếng bước chân gã liền dụi mắt ngẩng đầu lên, thấy người đứng trước mặt không phải tên nhóc tùy tùng thích ăn thích cười mọi ngày nữa, mà là vị chủ nhân cẩn trọng nghiêm túc của cậu ta.

Nữ nhân lạnh như băng kia đứng ở bên cạnh hắn, hai tay khoanh lại, tay phải nắm đao.

Rước tới tận hai đại nhân vật, đầu bếp tỉnh ngay lắp tự, đồng thời cũng cảm nhận được bầu không khí khang khác bình thường, gã vội kìm ngay cái ngáp chực bật ra lại, vực dậy tinh thần thưa: “Đại, đại nhân, ngài trở lại rồi ạ. Ngài có đói bụng không? Nếu muốn ăn gì thì ta sẽ lập tức đi nấu, chỉ một lát là xong ngay thôi.”

“Cứ từ từ đã.” Lý Ý Lan cười bảo, “Ta có một vấn đề muốn hỏi ngươi.”

Đầu bếp hoảng hốt nói: “Dạ, xin đại nhân cứ hỏi.”

Lý Ý Lan ôn hòa nói: “Đầu bếp của nha môn chúng ta, hiện giờ vẫn còn sống chứ?”

Hắn vừa dứt lời, Vương Cẩm Quan đứng bên cạnh hắn bỗng nhiên rút loan đao dài ra, không chút lưu tình bổ xuống người đầu bếp.

******

★Chú thích: Tên các dụng cụ này mình chuyển sang tiếng Việt hẳn cho dễ nhớ, không chắc chính xác 100% nhưng ý cũng từa tựa vậy đó.

[1]Bao tên: tên nguyên văn là thỉ phục, cũng là công cụ nghe lén giống như hũ nghe, phát triển mạnh từ đời Tống. Thỉ phục là công cụ hình ống tên, làm bằng da trâu. Khi cần nghe lén, người ta sẽ bắn tên ra, thổi đủ khí, ban đêm gối ở dưới đầu, có thể nghe lén tiếng động trong phạm vi vài dặm. Thỉ phục được phát minh nhờ áp dụng nguyên lý tiếp nhận âm thanh trong lỗ hổng.

[1]Ống tước thế: Mình không tìm được thông tin về ống tước thế, tuy nhiên “tước thế” thì là bộ phận giá đỡ giữa xà nhà và cột trụ trong kiến trúc cổ Trung Hoa. Qua từng thời kỳ, nó còn có một số tên gọi khác như xước mạc, giác thế, sáp giác, thác mộc.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.