Bộ
dụng cụ chuyên dụng của cảnh sát bao gồm bảy vật dụng chính. Trên một dây lưng
to bản bằng da có móc bảy chiếc túi nhỏ, lần lượt để đựng gậy, đèn pin, còng số
tám, súng, hộp xịt cay, bộ đàm và một con dao. Giờ nghĩ lại, lúc đó chị Giai Tuệ
suy nghĩ thật chu toàn, tưởng rằng những vật dụng này không phải dùng đến, thế
mà trong quá trình ở động Lão Mẫu, chúng đã giúp chúng tôi không ít việc.
Sau
khi mọi việc đã giải quyết xong, Trưởng phòng Lưu đưa chúng tôi men theo lối
mòn để trèo lên đỉnh núi. Đỉnh núi Lư Sơn thẳng tắp và nhọn hoắt, các bậc đá đều
hơi thuôn thuôn, hơn nữa còn rất hẹp, cộng thêm lượng du khách đến đây cũng rất
đông, nên chúng tôi phải di chuyển hết sức chậm. Tôi thấy rất nhiều du khách
thành tâm, cứ ba bước lại cúi dập đầu xuống bậc đá, năm bước lại quỳ lạy, mặc
cho trán và đầu gối đã lấm lem và ướt nhẹp, trong ánh mắt họ vẫn toát lên vẻ
sùng bái và cung kính. Tại mỗi một địa điểm lại có một cảnh sát bảo vệ, họ thấy
chúng tôi đi cùng Trưởng phòng Lưu liền đứng nghiêm giơ tay chào, chắc là họ
nghĩ rằng chúng tôi cũng là lãnh đạo như ông.
Khi
tới một điểm gọi là Chuyển Vận dài, do đã được thu xếp từ trước, nên họ đã dành
một lối riêng cho chúng tôi và Trưởng phòng Lưu để đi thông ra phía sau núi.
Khung cảnh đằng sau núi lại hoàn toàn trái ngược với nơi chúng tôi vừa đi qua,
mọi vật vô cùng hoang vắng và yên bình, chỉ đi thêm khoảng hơn một trăm mét nữa
tiếng người phía đằng sau nhỏ dần rồi mất hẳn, chỉ còn tiếng chân chúng tôi bước
trên lớp tuyết dày lạo xạo.
Lão
Ngũ im lặng không nói một câu, chỉ cúi đầu tiến thật nhanh về phía trước như rất
quen thuộc nơi đây. Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi đã tới được phía sau động
Lão Mẫu, ở đây bày la liệt những bức tượng đá, bức cao bức thấp, bức đứng bức
ngồi, dưới ánh trăng bàng bạc, lớp tuyết phủ dày cộp, những cơn gió vi vút thổi
qua, khiến lớp tuyết tỏa ra những làn khói mỏng, mang lại cho ta một cảm giác ảm
đạm đến não nề.
Tôi
bỗng thấy lạnh sống lưng, liền lao tới bám sát Lão Ngũ, sau khi đi xuyên qua một
phiến đá, chúng tôi tới trước một vách đá dựng đứng. Trên bề mặt phủ kín rong
rêu và những cây họ dương xỉ, lá rụng hết, chỉ còn trơ lại những cành khẳng
khiu, cứ mỗi đợt gió thổi qua, chúng lại phất phơ trông như những con rắn nước
dưới ánh trăng.
Tôi
ngẩng đầu nhìn lên, cảm thấy trong lòng có chút bất an, liền cất tiếng hỏi Lão
Ngũ:
–
Lão Ngũ, vách đá này cao quá, chúng ta treo lên thế nào đây? – Lão Ngũ chưa kịp
lên tiếng trả lời, thì từ phía sau tảng đá lớn bên cạnh bỗng dưng xuất hiện một
bóng đen, bước lạo xạo trên lớp tuyết dày, rồi lao thật nhanh tới chỗ chúng
tôi. Tôi giật thót tim, hét ầm lên rồi bám chặt lấy tay Lão Ngũ.
Chị
Giai Tuệ phản xạ rất nhanh, rút súng chĩa vào người kia quát lớn:
–
Ai?
Bóng
đen kia tiếp tục tiến thêm vài bước rồi nói:
–
Là ta.
Tôi
nhìn lại, thì ra chính là người đàn ông chúng tôi gặp trên tàu, giờ đã được gọi
là Lục Lão Tứ. Ông ta vác một chiếc balô màu đen trên vai, nhoẻn miệng cười vẫy
tay về phía chúng tôi, rồi nói với Lão Ngũ:
–
Hắc Lão Ngũ, tôi đang đứng đợi mọi người đây. Vẫn chưa đến giờ, chúng ta chắc
là nhóm đầu tiên.
Lão
Ngũ nhìn ông ta, gật gật đầu rồi nói:
–
Mẹ kiếp, cũng coi như mi có lòng. – Lục Lão Tứ từ từ bước tới trước vách đá,
nhón chân vén thảm rêu phủ trên bề mặt lên, lúc ấy tôi mới phát hiện ra, ẩn đằng
sau lớp rêu và cây cỏ này là một khe hở xuyên thẳng qua vách đá, miệng khe rộng
chừng một mét, bên trong tối thui nên tôi không biết nó sâu bao nhiêu.
Lão
Ngũ ngó đầu vào bên trong xem xét, thở dài và nói:
–
Mẹ kiếp, là Du Long đạo, lâu lắm không leo, giờ sức đã kém, tay chân thì yếu,
không biết còn leo lên được không? – Nói rồi lão bước vào trong lòng khe, rồi
quay người lại, hai tay tì mạnh lên hai bên vách, người nhảy lên, hai chân cũng
đạp sang hai bên, hai chân hai tay lão phối hợp nhịp nhàng, chỉ một lúc sau đã
leo cao chừng năm sáu mét, Lục Lão Tứ cũng thoăn thoắt theo sau.
Tôi
thấy hơi lo lắng, liền quay lại hỏi chị Giai Tuệ phải làm sao? Chị Giai Tuệ gật
đầu trấn an tôi, rồi lôi từ trong balô ra một sợi dây leo núi, kế vòng qua thắt
lưng của tôi rồi buộc vào bụng chị, sau đó như Lão Ngũ, hai chị em tôi cùng leo
lên.
Trong
lòng vách núi, gió lùa qua rin rít, những hạt tuyết lọt qua khe núi rơi xuống đầu
xuống cổ chúng tôi lạnh buốt, ngẩng lên nhìn thì thấy đường khe núi phía trên đầu
chúng tôi là một đường zíc zắc chạy ngang bầu trời, ở giữa là những vì sao lấp
lánh, ước chừng cao gần một trăm mét. Càng leo lên cao, tôi càng thấy cảm giác
sợ hãi cũng tăng lên không ngừng, vì lo sẽ bị trượt chân rơi xuống, nên cũng
không dám cúi mặt nhìn xuống dưới, đành cắn răng chịu đựng cái rét tê buốt đang
chạy khắp cơ thể, cố gắng leo lên trên.
Để
lên được tới nơi thật không dễ dàng chút nào, người đã mệt đến đứt hơi, cảm
giác không thể nhấc nổi tay chân lên, tôi ngồi phịch xuống đất thở hổn hển. Trước
mắt tôi giờ là một khoảng không rộng chừng hơn hai trăm mét vuông, nhìn ra xung
quanh thì ngoài một vài tảng đá thưa thớt ra thì hầu như đều là mặt phẳng, dưới
ánh trăng sáng, khắp nơi đều phủ một màu trắng xóa của tuyết. Ở ngay giữa khoảng
không là một cây thông lớn, cao chừng năm sáu mét, thân cây khá to phải hai người
ôm mới hết, mỗi khi có cơn gió thổi qua, một lớp tuyết lại rơi xuống khiến cành
lá bên dưới cũng rung động theo.
Lão
Ngũ thấy chúng tôi đã leo lên tới nơi, liền rảo bước tới trước gốc thông, đưa
tay vỗ mạnh lên thân cây, khiến một lớp tuyết lạo xạo rụng xuống. Lão nói với
chúng tôi, đây chính là cây thông Đạo Vương, nghe nói là do chính tay Thất gia
trồng, đã có hơn một nghìn năm tuổi rồi. Luận Đạo năm 1970, sư phụ của lão đã
thử bản lĩnh của lão tại chính dưới gốc cây này, và đã đồng ý cho lão trở thành
“Lão Ngũ”. Tính ra, cây thông này cũng là sư tổ chứng kiến bao sự thay đổi của
Đạo môn. Nói rồi, lão vòng tay ôm chặt lấy thân cây, mặt áp sát vào lớp vỏ xù
xì, lim dim đôi mắt.
Tôi
đứng lặng thầm nhìn lên thân cây thông, lớp vỏ cây xù xì nứt nẻ, qua vết nứt
sâu lộ lớp gỗ thịt màu vàng sậm bên trong, xem ra tuổi của nó cũng đã rất cao rồi.
Mấy
người chúng tôi đứng dưới gốc thông, vừa chuyện trò vừa đợi đến giờ. Mười một
giờ hơn, mới bắt đầu có vài người kéo nhau lên đỉnh. Họ thấy chúng tôi mặc đồ cảnh
sát, nên có vẻ không được tự nhiên cho lắm. Lục Lão Tứ vội tiến tới trước giải
thích cho họ. Sau khi nghe nói đây là vua trộm vùng Đông Bắc, những người này tỏ
ra rất phấn khích, lập tức kính cẩn chào Lão Ngũ, giống như người hâm mộ nhìn
thấy thần tượng của mình vậy. Lão Ngũ xua xua tay không dám nhận sự ngưỡng mộ của
mọi người.
Không
lâu sau, một đám đông khác cùng nhau lũ lượt kéo đến, có khoảng bảy tám chục
người già trẻ lẫn lộn, nhưng tất cả đều là đàn ông, không thấy bóng dáng của một
người phụ nữ nào. Họ không ai nói với ai câu nào và cũng không dám cử động mà
chỉ đứng nghiêm một chỗ, chỉ nghe thấy tiếng tuyết rơi xuống áo lộp bộp.
Tôi
ngó ra xung quanh, cho rằng những người này chính là những cao thủ phái Đạo môn
vùng Đông Bắc. Thế nhưng trông phong cách của họ, người thì khoác áo lông vũ,
người thì mặc áo da, tôi vẫn có cảm giác kì lạ, nếu như họ đều thay bộ đồ cổ
trang, trên tay cầm thêm thanh kiếm thì sẽ rất giống hình ảnh thường thấy trong
các bộ phim kiếm hiệp.
Lão
Ngũ xoa cằm, đưa mắt nhìn khắp một lượt, rồi bỗng nhiên lão thở dài, nói nhỏ với
chúng tôi:
–
Đạo môn đúng là vứt đi, chỉ được lèo tèo vài tên. Trước đây, mỗi lần Luận Đạo
phải có hàng hai ba trăm người đến tham gia, mọi người cùng nhau tranh đấu, thi
tài, vậy mới có ý nghĩa.
Tôi
và chị Giai Tuệ chỉ khẽ gật đầu, Lục Lão Tứ nói chen vào:
–
Lão Ngũ, thế này coi như là tiến bộ lắm rồi, Luận Đạo lần trước chỉ đến được
hơn ba mươi người.
Đợi
khoảng nửa tiếng sau là đúng mười hai giờ đêm, không thấy thêm một bóng người nữa,
tuyết cũng đã ngừng rơi, gió rít mỗi lúc một mạnh. Lục Lão Tứ chỉnh đốn lại
trang phục, bước đến trước đám đông, giơ hai tay lên ra hiệu cho mọi người im lặng,
hắng giọng vài cái rồi nói lớn:
–
Đạo môn Trung Hoa, nguyên viễn lưu trường, Lão Mẫu từ bi, phù hộ độ trì, thập
niên Luận Đạo, tinh chọn Bả Thế…
Lục
Lão Tứ cứ thao thao bất tuyệt trong hơn nửa tiếng đồng hồ, giọng nói trầm vang
nhưng nội dung lại hết sức kỳ quặc, tôi thấy rất buồn cười nhưng vì mọi người
ai ai cũng đều nghiêm trang, nên tôi cũng không dám ho he.
Cuối
cùng, Lục Lão Tứ nhấn mạnh:
–
Luận Đạo Bả Thế lần này chính thức được bắt đầu, xin mời Đạo vương Đông Bắc Hắc
Lão Ngũ. – Nói rồi ông ta quay người lại chắp hai tay kính cẩn mời Lão Ngũ. –
Lão Ngũ gia, mời ngài lên nói lời khai mạc.
Lão
Ngũ “ừ” một tiếng, rồi thản nhiên tiến lên vài bước, lắc lư cái đầu.
–
Mẹ kiếp, còn chần chừ gì nữa mà không tiến hành đi thôi, Luận Đạo coi như chính
thức bắt đầu!
Tôi
không nhịn được cười, cố bịt miệng để không phát ra tiếng. Xem ra Lão Ngũ vẫn
là người làm gì cũng chỉ thích nhanh gọn.
Lão
Ngũ bước lên lớp tuyết, tiến tới dưới gốc cây thông, thoắt một cái đã trèo lên
cây, đưa tay ngắt một nắm lá thông vẫn bám đầy tuyết trắng. Nắm chặt nắm lá
trong tay, lão từ từ bước tới mép vách đá, nheo mắt ngẩng lên nhìn ánh trăng,
cánh tay phải vung mạnh, những chiếc lá thông nhọn hoắt như chiếc kim bay thẳng
lên trời, tạo thành những đường sọc đen in hình xuống nền đất, rồi nhanh chóng
bị cơn gió cuốn đi. Cùng lúc, đám người đứng bên dưới kia mới bắt đầu động đậy,
ai ai cũng vươn dài cổ, mắt mở to, nhìn chằm chằm vào đám lá thông, luôn miệng
lẩm bẩm gì đó.
Lão
Ngũ quay người lại, bước về vị trí, từ từ duỗi bàn tay phải, miệng hô lớn:
–
Đếm đi.
Đám
đông như nhận được mệnh lệnh, liền tự động xếp thành hàng dài, từng người từng
người một tiến tới viết điều gì đó vào lòng bàn tay Lão Ngũ. Đợi cho tất cả bọn
họ đều viết xong, Lão Ngũ mới gật gật đầu, nói:
–
Vớ vớ vẩn vẩn. Mi, mi, mi… còn cả mi nữa… – Lão chỉ liền một lúc hơn bốn chục
người. – Những người được chỉ bước tới đây, số còn lại biến hết cho ta.
Những
người được Lão Ngũ chỉ tay ai nấy đều tỏ rõ sự phấn khích, mặt mũi tươi tỉnh hẳn,
còn những người khác thì ủ dột buồn bã, chắp tay kính lễ chào Lão Ngũ, rồi cùng
quay đầu ra về.
Thấy
tôi và chị Giai Tuệ đều thắc mắc chưa hiểu vì sao, Lão Ngũ quay lại nói nhỏ,
chiêu vừa xong chủ yếu là kiểm tra thị lực, là phần thi bắt buộc đầu tiên, gọi
là Xạ nguyệt thức kim. Do Luận Đạo được tiến hành vào ban đêm, nên cần phải có
ánh trăng, trong một khoảng thời gian ngắn, bắt buộc phải đếm được số lá thông.
Vừa xong lão không hái nhiều, nên chỉ ném lên không trung đúng hai mươi mốt cọng,
một vài tên bá láp tự xưng là cao thủ đó lại nói là một trăm hai mươi cọng.
Tôi
thắc mắc không biết vì sao lão có thể đếm được có bao nhiêu lá thông. Lão cười
ha hả, xoa xoa cằm rồi nói lão chưa đếm qua, nhưng trong khoảng hai ba trăm thì
chắc chắn đúng. Tôi trố mắt nhìn lão, thật quá lợi hại, nếu là tôi chắc bốn
mươi cọng cũng khó.
Đúng
lúc đó, Lục Lão Tứ bước tới nói nhỏ vào tai Lão Ngũ:
–
Lão Ngũ gia, đã bắt đầu đoán chữ được chưa?
Lão
Ngũ ngẫm nghĩ một lúc, quay sang nói với tôi:
–
Lan Lan, giúp ta một việc, viết cho ta hai chữ.
Tôi
ngớ người, không biết vì sao lão lại bảo tôi viết chữ, hơn nữa ở đây lại chẳng
có cái bút nào. Lão Ngũ kéo tay tôi tới bên gốc cây thông. Lão bảo tôi lấy ra một
chiếc kim móc, thích viết chữ gì thì viết lên thân cây, rồi vẫy tay gọi một người
đàn ông trung niên tới, nói:
–
Mi trước.
Người
đàn ông đó liền bước sang một bên, nghiêng đầu, áp sát tai lên thân cây để nghe
ngóng. Lão Ngũ đẩy nhẹ lên vai tôi:
–
Đừng có đứng đực ra đấy nữa, mau viết đi. – Rồi lão quay lưng đi, ngẩng mặt lên
ngắm trăng.
Tôi
lập tức phản xạ, thấy đây giống như môn thi nghe, suy nghĩ một lúc liền đưa mũi
kim khắc nhẹ chữ “Vương” lên gốc cây. Vừa viết xong, đã thấy Lão Ngũ quát lên:
–
Không được, không được! Mẹ kiếp, viết chữ nào khó hơn đi.
Tôi
ngẩng mặt lên nhìn Lão Ngũ, rõ ràng là lão đang không nhìn tôi, hơn nữa lại đứng
ở đằng xa kia, vậy mà lại đoán ra tôi viết chữ gì. Khi chọc mũi kim lên thân
cây xù xì, tôi phải lựa theo nhiều chiều khác nhau, càng khó để nghe cho chính
xác, xem ra thính lực của Lão Ngũ thật khiến người ta phải hốt hoảng.
Tôi
suy nghĩ một lúc, khắc thêm chữ “Hắc” vào đằng trước. Người đàn ông từ từ đứng
dậy đi tới cạnh Lão Ngũ, nói khẽ:
–
Lão Ngũ, đây là chữ “Hắc Vương”.
Lão
Ngũ khịt mũi.
–
Mẹ kiếp, coi như mi qua. Người khác.
Người
tiếp theo bước đến, nhưng giờ tôi biết viết gì đây? Đành phải vắt óc cố nặn ra
vài chữ, thấy người này tuổi cũng khá cao, nên tôi viết những chữ đại loại như:
“Nhương, Tàng, Tị…”. Còn với những người trẻ hơn tôi viết những chữ kiểu như:
“Cương, Lượng, Tôn…”. Vì tôi cho rằng, những người tuổi cao hơn thì kinh nghiệm
và bản lĩnh cũng lớn hơn những người trẻ tuổi hơn.
Cuối
cùng phần thi đoán chữ cũng xong, lại có thêm hơn hai mươi người bị loại. Lão
Ngũ tỏ ra rất không hài lòng, nói với Lục Lão Tứ:
–
Mẹ kiếp, chẳng biết chúng tập luyện kiểu gì, mà mới qua hai cửa ải đã rụng hơn
một nửa.
Lục
Lão Tứ liền cười hềnh hệch, nói:
–
Lão Ngũ, lão cũng đừng phiền lòng làm gì, Đạo môn hiện nay đều như thế cả,
không giống như thời của lão ngày xưa.
Lão
Ngũ chửi thề một câu rồi cau có mặt mày nói:
–
Được rồi, bắt đầu phần Giải nút.
Lục
Lão Tứ khẽ gật đầu, thả chiếc túi đeo trên vai xuống, rồi lấy ra một đoạn dây
thừng, cuốn sợi dây thừng chặt quanh một tảng đá rồi thắt nút lại.
Lão
Ngũ bước tới cầm lấy nút thắt, quát một tiếng:
–
Mẹ kiếp, buộc thế này thì đánh rắm cũng tháo được ra, buộc thêm vài nút nữa.
Lục
Lão Tứ lập tức thắt thêm ba nút nữa, bấy giờ Lão Ngũ mới tỏ ra hài lòng phần
nào, lão vỗ vai người thanh niên đứng gần mình rồi nói:
–
Nhóc con, mi ra tay trước đi.
Người
thanh niên đó liền bước lên trước, rồi giơ hai ngón tay giữa ra, nhanh chóng cởi
từng nút thắt một. Chỉ mất khoảng vài chục giây, người này đã tháo được bốn nút
thắt, sợi dây từ từ tuột xuống đất, những người xung quanh đều trầm trồ thán phục.
Mặc dù tôi cảm thấy hết sức bất ngờ, nhưng khi nghĩ lại so với lần Lão Ngũ biểu
diễn thuật Xuyên khôi gần đây, thì đây vẫn chưa thấm vào đâu.
Lục
Lão Tứ nói nhỏ với tôi, đây là thuật Phọc thạch giải khấu, dùng để thử thách khả
năng của đầu ngón tay, ngày trước ông đã được tận mắt chứng kiến Lão Ngũ biểu
diễn, chỉ trong thời gian cháy nửa que hương mà Lão Ngũ mở được một trăm linh
năm nút, như vậy mới gọi là đỉnh cao.
Có
thể đây là thử thách quá khó khăn, nên cuối cùng chỉ chọn ra được sáu người,
hơn nữa hầu như đều là những người tuổi đã khá cao. Lão Ngũ lại tiếp tục bảo Lục
Lão Tứ buộc sợi dây thành chín nút, lúc này tất cả những người còn lại đều không
có ai mở được.
Lão
Ngũ tức tối quát ầm lên:
–
Toàn một lũ ngu như bò, trông thì cũng sáng sủa đấy, thế mà trong đầu chẳng có
gì. Đạo môn sau này chỉ biết trông vào mấy người, vậy mà nhìn lại xem… mẹ kiếp,
mẹ kiếp…- Nghe Lão Ngũ, mọi người chỉ biết cúi đầu, im thin thít đến thở cũng
không dám.
Quát
tháo một lúc, Lão Ngũ mới có phần hạ hỏa, quay sang Lục Lão Tứ hầm hầm nói:
–
Vi Viên.
Lục
Lão Tứ liền rút từ trong túi ra một tấm vải màu đen, bên trong cất những túi bột
màu trắng. Sau đó lão rắc lớp bột trắng lên tuyết, cố tình tạo thành một hình
tròn, màu tuyết trắng hòa vào màu bột, nên hầu như không thể phân biệt đâu là bột
đâu là tuyết. Nhưng sau khi dùng bật lửa đốt, thì lập tức cháy thành một vòng lửa
màu xanh nhạt, ngọn lửa bùng lên cao khoảng một gang tay, mỗi khi có cơn gió thổi
qua, ngọn lửa lại lan ra xung quanh khiến lớp tuyết dần tan chảy, tiếng xì xèo
phát ra, ánh lửa phản chiếu xuống vũng nước càng làm cho ngọn lửa thêm bừng
sáng.
Tôi
ngẩn người nhìn theo ngọn lửa, thấy thật thần kỳ, liền quay sang hỏi Lão Ngũ.
Lão
nói với tôi, đây là bột Lưu tung, được làm bằng bột ngọc trai trộn với phốt
pho, là thứ mà người phái Đạo môn dùng để tìm đường vào ban đêm, không sợ nước
và gió. Thử thách tiếp theo là Vi viên thủ Đạo. Người xưa thường nói, Vật trộm
được không tự mất, mới gọi là lợi hại, cứ xem xong cái này, khắc sẽ hiểu.