Thương Hải

Chương 51-1: Trùng phùng (1)



Cốc Chẩn cả kinh, gã cảm giác bát kình đang rục rịch tự vận chuyển. Cỗ hàn khí âm độc đó nguyên là khí kình của Cừu Thạch đã gieo vào thân thể lũ thủy quỷ, dù biến hóa có quái lạ, nhưng bản chất vẫn là “Thủy kình”, khi xâm nhập vào nội thể Cốc Chẩn, gặp phải Chu Lưu bát kình, cũng chỉ làm chính Thuỷ kình của bát kình cường lên, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Chu Lưu bát kình vận chuyển như một cái lò bát quái lớn, tự chúng “tổn cường bổ nhược”, xoay chuyển xong một vòng, đã thu thập trọn số thủy độc, sáp nhập vào bát kình.

Cốc Chẩn hóa giải xong thủy độc, nguớc mắt trông ra, thấy từ bốn bề, đám thủy quỷ đang hung hăng xông vào. Vốn Cừu Thạch thấy gã xông pha trận địa, tàn sát sĩ tốt của hắn, hắn nổi giận, bèn gom đám thủy quỷ, định giáng cho Cốc Chẩn một cái chết cực kỳ bi thảm. Đang trong hiểm cảnh, Cốc Chẩn dũng khí không những không giảm sút, mà còn tăng gấp bội, gã quát to một tiếng, giục ngựa xông tới, vung đao chém vào ngực một tên thủy quỷ, đầu ngọn đao đâm vào, chẳng thấy chảy máu huyết, một thứ nước trong trong phun ra, tên quỷ chưa gục xuống, thân mình hắn còn đẩy lùi lưỡi đao ngược vào hổ khẩu nơi tay cầm đao của Cốc Chẩn.

Tay Cốc Chẩn dính thứ nước đó, khí độc âm hàn vừa định xâm nhập vào, bát kình trong Cốc Chẩn đã tự vận chuyển lên, hóa giải độc khí, rồi phát ra một luồng điện kình, phóng thật nhanh từ lòng bàn tay truyền theo thanh đao, kích vào thân trên của tên thủy quỷ. Hai mắt tên quỷ trợn trừng, hắn nảy bắn người lên đôi ba lần, rồi ngã ngửa, tắt thở.

Chẳng chờ Cốc Chẩn có phản ứng, tất cả bọn thủy quỷ kia tới tấp phóng thủy kiếm vào gã, nhưng đều nhờ Chu Lưu bát kình tự động hộ thể cho gã, hai kình Sơn và Trạch hợp lại, cùng nhau biến hóa, giải trừ tất cả các xung kích của thủy kiếm. Mỗi lần thủy kình lọt vào, đều bị bát kình thu thập gọn. Cốc Chẩn dĩ nhiên vô sự, nhưng con ngưạ của gã không đứng vững nổi, đã ngã nhào, hí thảm thiết. Cốc Chẩn vưà té chạm đất, gã lăn mình một vòng, hươi đao chém loạn xạ, theo mỗi nhát chém, Điện kình từ nội thể phụt mạnh kèm theo, thuỷ quỷ nào bị chém trúng, lập tức thân thể cứng đờ, ngã gục xuống đất.

Thấy Cốc Chẩn không những không sợ độc thuỷ, mà còn tàn sát thuỷ quỷ, trong đầu Cừu Thạch cực kỳ kinh hãi, hắn buột miệng hét lên một tiếng thét quái dị, nhảy tới cản đường, hai tay vung ra hai đạo thuỷ kiếm trúng vào vùng ngực Cốc Chẩn, nghe kêu bùng bùng hai tiếng, thấy không giống như đập vào thân người, mà nghe như đã kích trúng vào vách đá cứng.

Ruột gan hắn vụt thót lại, Cừu Thạch tự hỏi: “Cái thằng tiểu tử này chẳng lẽ lại là cao thủ Sơn bộ?”. Mắt thấy Cốc Chẩn bị thủy kiếm kích trúng đang té lùi về đàng sau, hắn lập tức rú lên một tràng cười dài, bung mình xông tới, xuất trảo nhanh như gió, chụp vào cổ họng Cốc Chẩn. Cốc Chẩn bị nghẹt thở, vùng tay ra đẩy, gỡ. Vào lúc sinh tử quan đầu ấy, từ thể nội, bát kình chấn động mạnh, lập tức từ bàn tay Cốc Chẩn một cỗ kình khí kích thẳng vào mình Cừu Thạch, làm hắn giật nẩy, toàn thân nhức buốt, lông tóc trong người dựng đứng cả lên.

“Chu Lưu điện kình?”, ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu hắn, hai tay Cừu Thạch tức thì nhũn ra, Cốc Chẩn đã thở hít trở lại được, gã không chủ ý, bất giác vung tay tống ra một quyền, kình khí đánh bung vào áo lông của Cừu Thạch, lập tức các cọng lông vũ trên áo bén lửa cháy bùng lên. Đó là, trong quyền kình, Cốc Chẩn đã vô tình phóng kèm theo “Chu Lưu hỏa kình”.

Cừu Thạch thất kinh, nhanh chóng thúc đẩy thuỷ kình từ nội thể ra đàn áp sức lửa. Phải biết rằng, từ lúc sáng lập môn phái đến giờ, ở Tây thành, cực kỳ hiếm kẻ nào đã có thể một lúc luyện thành công hai loại kình khí, vậy mà, chỉ vừa qua lại có vài chiêu, Cốc Chẩn đã sử dụng đến ba loại khí kình khác nhau, biến hoá thật kỳ lạ, khó tưởng, mà vừa rồi, đích thị môn “Chu Lưu điện kình”, vốn là khắc tinh của Thủy bộ. Cừu Thạch càng nghĩ càng thấy sợ, mặt hắn dần dần tái, rồi chuyển sang trắng bệch, không một chút huyết sắc.

Đánh ra thành công một quyền, Cốc Chẩn tăng mạnh thêm đảm khí, cười rộ:

– Yêu nhân, hãy xơi thêm một quyền nữa của gia gia đây!

Gã triển khai Miêu Vương bộ, lượn vòng vèo sang một bên Cừu Thạch, rồi tung ra một quyền. Cừu Thạch nhảy chồm về đàng trước, nhanh như một con trốt, cất mình bay vù một mạch về phía trũng núi, thân ảnh đen nhẻm của hắn, thoáng một cái, đã mất dạng.

Lũ thủy quỷ hoàn toàn trông vào sự điều khiển từ tay Cừu Thạch, khi Cừu Thạch bỏ chạy rồi, chúng lập tức ngã xiêu ngã vẹo, rồi từng đứa, từng đứa nhào lăn ra chết. Bọn đạo tặc còn lại, nhìn tình hình, mất hết đấu chí, chúng ôm đầu bỏ chạy như chuột. Tướng sĩ Thích quân rượt theo, truy sát vô số. Qua một cuộc giao tranh, nguyên khí của lũ đaọ tặc bốn tỉnh bị tổn thương trầm trọng, từ đó về sau, chúng không vực trở lên nổi, mấy năm kế đó, đã bị Thích Kế Quang đánh dẹp từng mảng, từng mảng, rồi tiêu diệt toàn bộ.

Cốc Chẩn vừa thắng được một trận nhỏ, gã đang định tăng cước bộ truy sát lập công, chợt nghe có tiếng người vui mừng kêu gọi:

– Cốc lão đệ.

Gã ngoái trông. Thích Kế Quang, trường kiếm trong tay, đang rảo bước tiến đến. Cốc Chẩn dừng chân, chuẩn bị nghênh tiếp, khi gã định thần nhìn kỹ, thấy Thích kế giáp trụ loang lổ máu đaò, gò má hóp lại, đôi mắt đỏ ngầu những tia máu, toàn bộ sắc mặt hiện một vẻ mỏi mệt khôn tả. Trong lòng cảm khái, Cốc Chẩn khích lệ:

– Thích tướng quân, ông đã gian khổ quá rồi nhỉ!

Thích Kế Quang khoát tay, hỏi:

– Nhị đệ đâu rồi?

Cốc Chẩn đáp:

– Chuyện dài lắm, một vài câu không đủ… – Gã chưa nói gì được nhiều, đã nghe tiếng súng thần công vang lừng, cả hai quay ra nhìn, thấy chiếc Ma Long hạm ở giữa dòng, đang diệu võ dương oai, liên tục trút đạn pháo lên bờ, đả thương không ít quân sĩ.

Thích Kế Quang nổi giận trên mặt, truyền các khẩu đại pháo ven bờ phát pháo phản kích. Đạn pháo bắn trúng Ma Long hạm, kêu chát chúa, nhưng chẳng ăn thua gì, hệt như nước đổ lá môn, rơi tòm cả xuống sông. Thích Kế Quang trông thấy thế, mặt mày không khỏi rầu rĩ.

– Thích huynh, – Cốc Chẩn nói, – cái chiến hạm đó bọc sắt từ trên xuống dưới, hai bên tả hữu trang bị hàng trăm khẩu thần công, từng hoành hành tiêu diệt nhiều tiểu quốc, oai trấn thất hải, mình chỉ có thể đối phó bằng mưu chước, không trực diện đối đầu bằng vũ lực được.

Giao chiến mấy ngày ròng rã vừa qua, cái nhức đầu lớn nhất của Thích Kế Quang là trận Thuỷ Hồn, kế đó là chiếc Ma Long hạm này, khi nghe gã nói, ông vặn lại:

– Lão đệ, ta nghe đệ nói, có lẽ đệ đã có diệu kế khắc chế được cái chiến hạm đó?

Cốc Chẩn cười cười, đáp:

– Chính ra cũng chẳng phải diệu kế gì đâu, chẳng qua làm dương đông kích tây thôi! Thích huynh cho đem đại đội thuyền ra tấn công trực tiếp, đệ sẽ thừa cơ cưỡi một chiếc tiểu thuyền, xuất kỳ bất ý đột nhập chiến hạm từ bên dưới, khi lên được đến nơi rồi, đệ sẽ tự có biện pháp.

Thích Kế Quang lườm gã một cái, gằn giọng bảo:

– Quân trung vô hí ngôn! (Giữa chốn quân binh, chẳng thể nói giỡn chơi!)

Cốc Chẩn vẫn cười:

– Đệ tuyệt chẳng nói giỡn đâu!

Thích Kế Quang dõi mắt chăm chú nhì gã một lúc lâu, rồi hai tay vỗ vào nhau, ông nói:

– Cốc lão đệ, ta thật hết sức khâm phục đệ, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, đệ cũng đều có thể mở miệng ra cười cợt được!

Cốc Chẩn vui vẻ đáp:

– Trời sanh tánh như vậy rồi, khó chữa lắm!

Thích Kế Quang lại thấy gã cười, hàng lông mày ông xoắn tít lại:

– Trong cuộc đọ súng đó, chiến hạm của ta tất sẽ bị trúng đạn mà chìm, vậy đệ tính sao?

Cốc Chẩn cười, cãi lại:

– Ôi, cái ông tướng quân kiết cú này! Chiến hạm nào chìm, ta sẽ bồi thường cho ông chiếc khác!

Thích Kế Quang lắc đầu, bảo:

– Rủi ngươi không về nữa, thì sao?

Cốc Chẩn nhoẻn cười, bảo:

– Nhất định sẽ trở về!

Thích Kế Quang nghiêm sắc mặt:

– Quân trung vô hí ngôn!

Cốc Chẩn vui vẻ bảo:

– Nếu vậy thì mình kích chưởng lập thệ!

Hai người xáp lại gần, đưa bàn tay ra vỗ vào nhau.

Thích Kế Quang vụt dang tay ra, nắm chặt lấy tay Cốc Chẩn, trầm giọng nói:

– Lần này đệ đi, cũng không khác gì đệ nắm trong tay số mạng của trăm vạn quân sĩ! Cốc lão đệ, đệ định đi bao lâu thì sẽ trở về?

Cốc Chẩn cười cười:

– Quan Vân Trường chén rượu còn chưa nguội đã chém đứt đầu Hoa Hùng. Thích huynh hãy cho hâm sẵn hai vò rượu ngon đi, chờ ta trở về, mình sẽ cùng nhau làm một chầu thật thống khoái.

Thích Kế Quang rộ nhiệt huyết trong tim, cất cao giọng đáp:

– Sẽ làm hệt ý muốn của đệ!

Cả hai cùng nam tử hào hùng, đều không muốn rườm lời, mắt nhìn nhau thật sâu lắng.

Cốc Chẩn phất tay áo, buông một tràng cười to, bước những bước thật dài, rảo chân nhắm hướng bờ sông thẳng tiến.

Thích Kế Quang lẳng lặng nhìn theo gã, một lúc sau, ông nghiến răng, quay đi, cất tiếng ra lệnh.

Tiếng súng thần công chợt cùng nhau rộ lên, sáu chiến hạm theo ba hướng khác nhau đông, tây và nam châu về phía Ma hạm, hai bên đại chiến đấu pháo trên mặt sông. Tiếng nổ đầu nòng dồn dập, ánh lửa loe loé phụt ra từ các khẩu thần công, trăm cỗ súng trên Ma Long Hạm xoay vòng bắn về ba phía, liên tục nhả đạn, oai lực kinh người, hơn nữa, đạn pháo bên Thích quân không xuyên qua được vỏ sắt của nó, Ma Long hạm thật hết sức dễ dàng bắn chìm tầu địch.

Qua một lúc, ba tàu chiến của Thích quân đã lần lượt bị bắn chìm, thuỷ quân trên tàu lũ lượt bỏ chạy.

Cốc Chẩn một mình một chiếc thuyền nhỏ, tay giữ bánh lái, tay điều khiển buồm, đưa thuyền náu mình trong khói súng, len lỏi xuyên qua đội thuyền Thích quân, nhắm hướng Ma Long hạm. Gã chợt nghe nổ đùng một tiếng như sấm động, một chiếc tàu chiến trúng đạn, đang chòng chành, bị thêm một phát nữa, giữa thân tầu hiện ra một lỗ thủng to lớn, nước sông lạnh ngắt như băng giá ù ùn tuôn vào, chiếc tàu chìm nhanh xuống.

Cốc Chẩn còn chưa hết cơn bàng hoàng, lại nghe rộ lên một tràng đại pháo, đạn bay rào rào như sao băng ngang chỗ gã, loạt đạn tạo ra một luồng khí nóng hừng hực mãnh liệt quạt ngang phía trên đầu gã, rồi nơi đàng sau, rộ lên một tràng tiếng người kêu thét đinh tai, không cần quày đầu, gã cũng biết là chến hạm thứ sáu vừa mới bị đánh chìm.

Sương sớm đà tan hết, mặt sông mở ra rộng mênh mông, vầng kim ô đỏ chói đang chiếu sáng đất trời, các tàu chiến của Thích quân đều đã bị đánh chìm.

Chiếc tiểu thuyền của Cốc Chẩn hiện rõ mồn một, Ma Long hạm cũng đã phát giác ra nó, bèn tập trung các cỗ súng nhắm bắn vào. Lúc đó, tiểu thuyền tới Ma hạm cự ly còn khoảng trăm bộ, Cốc Chẩn, mắt chăm chú theo dõi họng các khẩu thần công, tai lắng nghe đủ tám hướng, ghì chặt bánh lái, điều khiển chiếc thuyền lách phải, luồn trái, né tránh đạn pháo, từng cụm nước bắn tung lên tứ phía xung quanh, không ngớt tạt vào thân thuyền, làm chiếc thuyền bị sóng nhồi lắc, hệt như cuồng phong bão táp đang sầm sập đổ xuống một đám bèo trôi giạt trên sông.

Quân sĩ bên họ Thích đứng trên hai bờ sông, mắt dán vào chiếc tiểu thuyền, hơi thở nặng nhọc khẩn trương, tim đập thình thình, chỉ thấy Cốc Chẩn thoáng một lúc bên phải, rồi lại tạt sang trái, nhưng vẫn không ngừng di chuyển vào gần chiếc Ma Long hạm, cứ nhắm hướng đông mà tiến. Gã đưa thuyền vào góc chết của các khẩu pháo, xông xáo nhanh như tên bắn. Chiến hạm dẫu lợi thế về nhiều súng ống, xong vì quá lớn, linh hoạt kém xa chiếc tiểu thuyền, dù đã xoay chuyển vị trí các khẩu pháo, chiếc tiểu thuyền vùn vụt nhanh như cắt đã cập sát vào bên hông Ma Long hạm, các pháo thủ không sao chĩa nòng súng xuống dưới mà bắn được nó.

Cốc Chẩn lấy ra một sợi dây thừng, buộc dính chiếc tiểu thuyền vào chỗ con rồng tạc nơi đầu chiến hạm, rồi như một con vượn, gã leo theo dây thừng lên đến chỗ dưới con rồng. Ruột gan các tướng sĩ phe Thích quân như chùng xuống, rồi họ vui mừng, đồng loạt hoan hô, tiếng hò reo như tiếng sấm vang dội khắp mặt sông.

Lúc bấy giờ, chiếc Ma Long hạm vụt chuyển mình vọt tới, khi đến trước một thuyền vận lương, nó đột nhiên xoay mạnh bánh lái, tượng Ma Long nơi đầu chiến hạm vụt tạt ngang sang một bên, từ bên trong thấy thò ra một cái cột gỗ to, nghe tiếng răng rắc liên tục, cột gỗ đã bị gãy đứt đoạn thành năm sáu khúc, mấy đoạn bị gãy đó bắn tung thật mạnh xuống bên dưới.

Lúc ấy, Cốc Chẩn vưà bám được vào chỗ dưới tượng Ma Long, tay đang chịu đựng sức nặng toàn thân, những mẩu gỗ vụn bắn tung toé rào rào quanh mình như cuồng phong, khi va chạm vào thân mình, như cứa da cắt thịt, khiến gã cực kỳ đau nhức. Trước mắt thấy sắp bị một khúc to của thân cột gỗ đâm vào, mặc dù gã có Sơn, Trạch nhị kình hộ thể, Cốc Chẩn không bíu chặt vào được nữa, thân mình rung lên một cái, đã rơi xuống bên dưới.

Các sĩ tốt trên bờ thấy thế, buột miệng la hoảng. Không ngờ giữa lúc thân mình Cốc Chẩn đang rơi trong không trung, một cỗ kình khí vụt bắn ra từ nơi huyệt Đan điền, mái tóc dài của gã bỗng duỗi thẳng ra, cứng lại, như một sinh vật, bao nhiêu sợi tóc mảnh đã ghì vào mấy móng vuốt cuả tượng Ma Long, giữ cho thân mình Cốc Chẩn treo lửng lơ ở đấy. Bọn thuỷ thủ trên Ma Long hạm tưởng đã rũ bỏ được Cốc Chẩn rồi, bọn chúng hết nghi ngại, đã bẻ bánh lái đưa chiếc Ma Long nhắm đầu nguiồn dòng sông trực chỉ.

Lúc chiếc tàu đổi hướng, các món tóc của Cốc Chẩn lơi ra, làm thân mình gã rớt xuống, đang lúc mắt không nhìn thấy trời, chẳng dòm thấy đất, còn quá hơn tuyệt cảnh, Thiên kình trong gã chợt dũng mãnh bộc phát, vạt áo Cốc Chẩn như bọc gió, đẩy hắn lên trên, để rồi, hệt một con diều giấy, gã bay theo làn gió sông, phiêu phiêu, lững lờ về phía mạn bên trái của Ma Long hạm. Khi đôi chân gã cảm được có chỗ bám bên dưới, đã nhanh nhẹn tụt thân mình xuống, đứng vững trên chiến hạm.

Bọn người trên chiến hạm cứ tưởng đã vứt Cốc Chẩn chìm xuống sông từ lâu, hốt nhiên thấy gã hiện ra, đều ngạc nhiên sững sờ, lúc định thần xong, đã thấy Cốc Chẩn như một làn khói nhẹ, xông ngang người chúng. Cả bọn hoảng hốt, Cốc Chẩn thi triển Miêu Vương bộ, lách phải, né trái, đao kiếm đâm chém vào gã đều trượt đích, sau khi gã luồn lách qua vài đám người, mắt Cốc Chẩn đã nhìn thấy ở cách đó vài ba trượng, đúng là Ngải Y Ti, vẻ mặt đang hết sức kinh ngạc.

Cốc Chẩn trong lòng mừng rỡ, gã uốn cong mình, vượt qua hai nhát loan đao, giả dạng xông qua mé trái, nhưng vọt nhanh về bên phải, rồi vụt nhảy vút lên cao, nhắm vào nơi phiá trên đầu Ngải Y Ti đáp xuống. Đang thi triển Miêu Vương bộ được nửa chừng, Cốc Chẩn hốt nhiên có cảm giác không ổn, chợt nhận ra rằng chiêu thức đó dùng đối phó nam nhân thì không sao, đôi tay gã hiện có thể chộp vào Ngải Y Ti, nhưng ả là nữ tử, bị mình nam tử đeo dính trên vai, cô ta thể nào cũng không khỏi cảm giác bị một phen vũ nhục to lớn! Ý niệm vưà đến, nhanh như chớp, Cốc Chẩn vội nhanh chóng xoay mình biến chiêu, nhưng cái chiêu thức đó dùng lâungày, đã quá quen, gã chẳng thay đổi nó cho kịp được, đang giữa lưng chừng không, gã trượt chân, rớt xuống ngay đàng sau lưng Ngải Y Ti, hai tay gã vung ra, rịt chặt vào chỗ bên dưới thân hình cô ả.

Ngải Y Ti rú lên, trong tiếng thét lộ vẻ đau đớn, người ả lả ra, ở hai bên, hai cô thị tì Quyên, Tố thấy tình thế nguy ngập, lập tức bạt ra hai thanh nhuyễn kiếm, nhanh như chớp, đâm thốc vào sau lưng Cốc Chẩn. Mũi kiếm vừa rung động, Cốc Chẩn hốt nhiên nhẹ nhàng né tránh, hai tay đưa Ngải Y Ti lên đón chiêu kiếm. Hai Hồ nữ giật mình đến mặt mày tái mét, nhưng nhờ bọn chúng luyện kiếm đến trình độ cao siêu, đều đã rụt tay, kịp thời thu hồi chiêu kiếm, rồi hai ả tách ra hai bên tả hữu, khom mình đưa kiếm nhắm vào Cốc Chẩn. Cốc Chẩn ôm dính thân mình Ngải Y Ti, vung vạt áo của ả ra đón chiêu kiếm. Kiếm đâm bên phải, gã xoay ả về bên phải, kiếm đến từ mé trái, gã đẩy ả ra đón đỡ bên trái. Cả hai Hồ nữ sợ phạm vào mình chủ nhân, nhuyễn kiếm trong tay cứ vung vẩy, mà chẳng biết phải đâm, chém vào chỗ nào!

Lúc bấy giờ, Ngải Y Ti chịu hết nổi, chưa kể hai thanh nhuyễn kiếm cứ xoắn vào, kiếm phong lạnh lẽo làm lông tóc trong người ả dựng đứng cả lên, mà thân thể lại còn bị Cốc Chẩn đưa lên kéo xuống, ẹo qua ẹo lại, gã cứ bám rít rịt lấy mình, da thịt đụng chạm, hơi người từ gã thiếu niên nam tử đó nó cứ phả nồng nặc vào mũi, khiển ả ta giận đến tóe khói, đến thân mình bủn rủn, đến gân cốt nhuyễn ra, hầu như muốn đeo sát vào thân mình Cốc Chẩn.

Cốc Chẩn cũng cảm giác thân thể mềm mại của Ngải Y Ti trong tay, thịt da mỡ màng, trắng như mỡ đông, chỗ nhô cao, chỗ co vào, trong đầu gã bất giác nảy câu hỏi: “Mấy năm rồi không gặp, đâu ngờ tiểu nha đầu giờ đã trở thành một đại cô nương rồi kia?”. Nghĩ đến đấy, thấy có chỗ không ổn, gã bèn nắm ngang vào cổ cô ta, nâng cô ả lên cao. Hai ả Quyên, Tố gặp cơ hội tốt, song kiếm vung ra, đều nhắm vào thân dưới Cốc Chẩn. Mũi kiếm vừa chạm vào, Trạch kình của Cốc Chẩn phát động, cả hai tay kiếm của hai Hồ nữ đề trượt sang một bên, không rụt về kịp, đã đâm sượt sang bên mình Cốc Chẩn, cẳt đứt áo của gã, để lộ hai đường hằn màu hồng hồng trên làn da.

Hai Hồ nữ thất kinh, vừa mới rụt kiếm về, đã thấy Cốc Chẩn đưa Ngải Y Ti ra đàng sau gã, hét lên:

– Hai ngươi mà còn đâm vào ta nữa, ta sẽ bóp cổ ả cho chết đi!

Quyên, Tố nhị nữ bốn mắt nhìn nhau, không một chút chủ ý, lúc bấy giờ, người trên thuyền đã rùng rùng kéo đến, vây đen vây đỏ xung quanh, đao kiếm chĩa cả vào Cốc Chẩn, mặt mày giận dữ.

Ngải Y Ti định thần xong, cố dằn lòng, lạnh lùng hỏi:

– Tên tiểu cẩu họ Cốc này, ngươi muốn gì?

Cốc Chẩn cười cười:

– Ta muốn ngươi lập tức chịu thua, đầu hàng.

Ngải Y Ti cười nhạt:

– Ngươi nói cái gì vậy? Ta đầu hàng ngươi rồi, liệu có còn sống nữa hay không? Chết ngay bây giờ, hay dăm bữa nữa cũng sẽ chết, chẳng có gì khác biệt cả! Kéo ngươi chết theo bây giờ, có khi hay hơn!

Nói tới đó, ả cao gịong, bảo:

– Nếu ta chết, tất cả chúng bay hãy ra tay báo thù cho ta, các ngươi hãy băm tên này nát ra như tương cho ta!

Cốc Chẩn chau mày, đáp:

– Nếu ngươi chịu đầu hàng, ta bảo đảm ngươi sẽ không chết!

Ngải Y Ti hứ lạnh lẽo, nói:

– Ngươi thị ta như đứa trẻ lên ba không bằng! Cái trận này thua bọn quân binh Nghĩa Ô thê thảm, ta lại sa vào tay ngươi, làm sao sống sót cho được?

Cốc Chẩn vốn biết ả là người hay tráo trở, do đó ít khi nào ả dễ dàng nhẹ dạ tin tưởng người khác, gã bèn xoay chuyển ý nghĩ, bảo:

– Nếu như vậy, ngươi chỉ cần hạ lệnh cho thuyền này rời Trung thổ, để cho các thuyền lương đi được xuống miền đông. chỉ cần làm thế, ta sẽ phóng thích ngươi

Ngải Y Ti suy nghĩ một chặp, rồi gật đầu, nói:

– Ngoài cái đó, ta đâu có cách gì khác! Được, ta chịu lời ngươi, sau này, sư phụ có hỏi đến, ta cứ thưa đã bị ngươi bức bách, trong tình thế bất đắc dĩ, rồi để cho sư phụ tìm ngươi tính sổ!

Cốc Chẩn vừa giận vừa mắc cười, khinh bỉ:

– Đồ tiểu nha đầu chết giẫm, chẳng bao giờ chịu thua ai một chút nào hết!

Ngải Y Ti cười nhạt,đáp:

– Cái đó lẽ tất nhiên! Lần này thua ngươi, thể nào sau này ta cũng báo thù, tên họ Cốc kia, hãy nhớ lấy!

Cốc Chẩn nhủ thầm: “Ngươi hãy còn trong tay ta, làm gì được ta kia chứ?”. Gã chỉ cười ruồi, không thèm lý tới ả.

Ngải Y Ti cho truyền lệnh, chiếc Ma Long hạm bèn quay đầu, vượt qua thuỷ trại Thích quân, xuôi dòng tiến xuống miền đông.

Quân sĩ họ Thích thấy nó đi ngang, súng ống đầy đủ, đều chuẩn bị ứng chiến, nhưng chợt thấy nó bỏ đi, tất cả đều không khỏi một phen kinh ngạc. Chiếc Ma Long hạm tuy to lớn, nhưng vận tốc di chuyển nhanh khủng khiếp, các chiến thuyền của Thích quân đều đã bị bắn chìm hết cả rồi, họ có muốn đuổi theo, cũng vô phương!

Trời về chiều, Ma Long hạm đã đi được trăm dặm, Ngải Y Ti cáu kỉnh hỏi:

– Sắp tối rồi, tầu cũng đã đi khá xa rồi, Cốc tiểu cẩu, ngươi sao còn chưa thả người ta ra?

Cốc Chẩn cười cười, cởi giải thắt lưng, dùng nó trói chặt hai tay của Ngải Y Ti.

Ngải Y Ti giận, thét hỏi:

– Ngươi làm gì vậy?

Cốc Chẩn vẫn cười:

– Nha đầu nhà ngươi khôn lanh quỷ quyệt, trở mặt như chớp. Bây giờ ta thả ngươi ra, lấy gì bảo đảm ngươi sẽ chẳng quày lại tập kích đoàn thuyền lương? Ha ha, khó nói thiệt, nhưng bỉ nhân hãy tạm cứ bám dính vào tôn giá đôi ba ngày, tới chừng nào Ma Long hạm đi ra khỏi cửa biển, sẽ nhanh chóng thả người thôi.

Ngải Y Ti hằn học hừ lạnh một tiếng, rồi không nói năng gì nữa.

Quay sang hai ả Tố, Quyên, Cốc Chẩn vui vẻ hỏi:

– Khuê phòng của quý chủ nhân ở đâu, xin cho bỉ nhân được ghé thăm chơi.

Hai ả chẳng làm khác được, đành đi trước dẫn đường, loanh quanh một lúc, đến một căn phòng, vừa mở cửa ra, mùi u hương đã thốc vào mũi. Hai ả thắp nến, đốt hương, thấy phòng trang hoàng giường tủ, bàn ghế, tinh là những đồ xa hoa tráng lệ, khảm châu cẩn ngọc, toả ánh sáng lấp lánh lộng lẫy.

Cốc Chẩn chắt lưỡi trầm trồ, tay nhón xem mấy món trang sức, vụt quay đầu lại hỏi:

– Tố cô nương, Quyên cô nương, hai người còn đứng ngẩn ngơ ở đấy làm gì thế? Sao còn chưa đi cho rồi?

Tố nữ khẽ chau mày, đáp:

– Hai ta đi rồi, chẳng phải chỉ còn mỗi mình chủ nhân với ngươi trong phòng thôi hay sao?

Cốc Chẩn bảo:

– Thà là vậy, còn hơn cứ bị hai cô rình rập bên cạnh, cứ tìm cách ám toán ta hoài!

Ả Quyên giận đến mặt mày đỏ ửng, bực tức trả lời:

– Ai mà thèm ám toán ngươi! Rõ ràng, bữa nay chỉ có ngươi đã ám toán chủ nhân ta thì có! Hừm… Hai ta đi rồi, ai làm sao biết ngươi sẽ có giở trò vô lễ với chủ nhân hay không?.

– Cứ yên tâm đi! – Cốc Chẩn hì hì bảo – Ta trước giờ chỉ vô lễ với bọn tiểu miêu, tiểu cẩu thôi. Ta chẳng dám vô lễ với chủ nhân các cô đâu, rủi làm cho cô ả sau này cứ ngố dài dài, cứ nổi sùng dài dài, trên đời này, còn có nam nhân nào chịu ghé mắt đến ả, mới là lạ!

Ngải Y Ti giận đến phát run, không cầm nổi, đôi mắt ứa lệ, rít lên:

– Cốc tiểu cẩu, ngươi, ngươi hãy hết lòng cầu thần bái Phật, đừng bao giờ để bị lọt vào tay ta, nếu không, ta… ta…

Cốc Chẩn ngoảnh nhìn chăm chú vào ả, bắt chước giọng nói của ả:

– Ngươi.. ngươi sẽ làm gì?

Hai người má kề má, nghe rõ hơi thở của nhau, bị ánh mắt của Cốc Chẩn rọi trên mặt, Ngải Y Ti chợt thấy hết sức bối rối, hừ lạnh một tiếng, quay ngoắt đầu đi.

Cốc Chẩn cười cười:

– Nhìn gần, nhỏ này xem chừng cũng ngon lành lắm!

Quay trở lại, thấy hai Hồ nữ hãy còn luẩn quẩn ở đấy, Cốc Chẩn hỏi: –

– Vẫn chưa đi à?

Hai nàng nhìn nhau, vẻ do dự. Ngải Y Ti chợt gằn giọng, bảo:

– Hai ngươi cứ đi đi, ta đoan chắc hắn cũng sẽ chẳng dám làm gì ta đâu!

Hai nàng tuân lệnh, rón rén lùi bước.

Cốc Chẩn chăm chú nhìn cánh cửa phòng đóng lại, rồi hỏi:

– Sao chỉ thấy có Quyên và Tố, không thấy Lan U và Thanh Nga?

Ngải Y Ti sắc mặt sa sầm, hờn oán trong khóe mắt, mím môi, không trả lời.

Cốc Chẩn cười hì hì, dòm Ngải Y Ti một chặp, vụt đưa tay bế cô ta lên, đặt nằm trên giường, đưa tay cởi giây lưng của cô ta.

Ngải Y Ti tim đập thình thịch, mắt hoa lên, gò má nóng hừng hực, đỏ như nhuộm son, run run hỏi:

– Ngươi… ngươi tính làm gì vậy?

Cốc Chẩn vẫn cười cười, không đáp, đưa tay thu xếp đôi chân cô ả lại cho đứng thẳng lên, rồi hắn trói lại bằng giải thắt lưng của cô, cột dính chùm chúng vào lan can giường. Ngải Y Ti thấy đau nơi chân, tưởng tượng chuyện sắp xảy ra, vừa mắc cỡ, vừa giận, hầm hầm phun một bãi nước bọt vào mặt Cốc Chẩn.

Cốc Chẩn đưa tay áo lên lau, cau mày nạt:

– Tiểu nha đầu, ngươi mà còn nhổ nữa, ta cho ăn hai cái bạt tai!

Nói xong, gã ngả người, nằm xuống giường cạnh bên cô. Ngải Y Ti bực quá, hét lên:

– Sao ngươi dám ngủ trên gường này?

Cốc Chẩn đáp:

– Nếu ngươi muốn ngủ trên sàn nhà, cũng tốt thôi!

Ngải Y Ti nổi giận: –

– Đây là gường của ta mà!

Cốc Chẩn cwif cười:

– Ngươi thử kêu nó ba tiếng ‘Cục cưng’, coi coi nó có chịu nghe lời ngươi hay không?

Nói xong, gã nhắm mắt, tìm giấc ngủ.

Ngải Y Ti giận điên người, cất tiếng chửi toáng: lưu manh, vô lại, tiểu cẩu, súc sanh… Chửi một hồi, chợt nghe tiếng ngáy nho nhỏ, ả chăm chú nhìn, thấy Cốc Chẩn đã ngủ say mất rồi.

Cốc Chẩn trải qua bao nhiêu nguy nan với Lục Hư, rồi đã phải di chuyển ròng rã cả ngày, bây giờ, gã mỏi mệt, hết sức chịu đựng, ban đầu, gã chỉ dự định nghỉ sơ sơ một vài phút, đâu ngờ, đầu tựa vào gối êm, gã đã chìm sâu vào giấc mộng. Trong mơ, gã cũng không rõ kéo dài bao lâu, có giấc mộng gặp lại Thi Diệu Diệu, có khi lại thấy phụ thân, có lúc gặp Thương Thanh Ảnh, cho đến lúc gã tỉnh giấc, mở mắt ra, đã thấy đôi mắt trong veo của Ngải Y Ti đang chăm chú vào gã, dáng ngơ ngẩn xuất thần. Khi cô nhận ra Cốc Chẩn đang nhìn cô, cô khẽ giật mình, kêu nhỏ một tiếng, né đầu tránh tia mắt của gã. Thấy cả tay lẫn chân của cô vẫn hãy còn bị trói như cũ, gã lấy làm lạ, tự hỏi: “Kỳ hén… Sao nó không thưà dịp mình ngủ say mà tìm cách bỏ trốn?”

Nguyên lai, Ngải Y Ti không phải không có ý định bỏ trốn, chỉ vì Cốc Chẩn ngủ thật quá dễ dàng, không giống với kiểu cách hành sự thường ngày của gã, làm cho Ngải Y Ti không khỏi đâm ra nghi thần nghi quỷ. Cốc Chẩn ngủ say như chết, cô ta cũng nằm im phăng phắc, không dám vọng động, nhưng mắt vẫn hấp háy canh chừng, tìm cơ hội bỏ trốn!

Cốc Chẩn ngủ được một giấc ngon, tâm trí sáng suốt, bèn cởi giây trói, dẫn Ngải Y Ti ra khỏi phòng, đưa cô đi lòng vòng, vừa đi vừa hỏi chuyện, đôi khi gã còn dừng lại chào hỏi thuỷ thủ gặp gỡ trên đường, nghiễm nhiên coi chiếc tàu này như sự sản của gã!

Ngải Y Ti đôi mắt lạnh lùng, cô cáu giận đến nghiến răng, bặm môi, bọn thuỷ thủ nhìn hình dạng cô giận dữ như vậy, thảy đều cúi thấp đầu lảng ra xa, chẳng dám trò chuyện gì với Cốc Chẩn. Đi xong một vòng thanh tra chiếnhạm, Cốc Chẩn đòi cơm nước. Hai ả Quyên, Tố bưng cơm canh lên, Cốc Chẩn bắt Ngải Y Ti ăn trước, rồi hắn mới đụng đũa. Ngải Y Ti cười mỉa gã:

– Cốc tiểu cẩu, không dè ngươi non gan làm vậy, rặt sợ chết!

Cốc Chẩn vui vẻ đáp:

– Ta thì non gan như vậy, còn ngươi đích thật gan góc như cọp!

Ngải Y Ti sựng sờ một chút, rồi nghĩ ra, ả nổi đoá:

– Làm tức chết người đi được, cái thằng tiểu cẩu này dám nói vung lên, dám bảo ta là cọp cái à!

Chiếc Ma Long cứ đi dọc theo sông, về hướng đông, mỗi lúc mặt sông một mở rộng ra, càng ngày tầu càng xa bờ, hai ngày sau, đã đến cửa biển.

Tính theo hành trình, Cốc Chẩn cho rằng thuyền tải lương dù đi chậm như vậy, giờ cũng đã vào đến địa giới Giang Nam rồi, Ngải Y Ti mà có muốn quày tầu trở lại truy sát cũng không kịp nữa, bèn nói:

– Ngải Y Ti, mấy ngày qua, ta quấy nhiễu ngươi đã nhiều, hôm nay, ta xin cáo từ, lúc ra đi, chỉ có hai câu này khuyên ngươi: “Chuyện mưu tính ở Trung thổ, dẫu có vẻ hay, nhưng đây chẳng phải là nơi ngươi có thể bám trụ lâu dài được! Tốt nhất là ngươi hãy trở về phương tây, làm một bà nương giàu tiền của… hay hơn nhiều!”

Ngải Y Ti lạnh nhạt đáp:

– Chuyện tương lai của ta, chẳng đến phần ngươi quản! Mấy bữa rồi, ngươi quậy ta đến khổ, như ta đã có nói, ngươi hãy cố cầu Thần bái Phật, sao cho đừng bao giờ lọt vào tay ta!

Cốc Chẩn nâng bàn tay ả lên, xem xét một chặp, rồi hì hì bảo:

– Bàn tay này nhỏ mà mềm mại quá, đến trói gà còn không chặt, sao tính đến chuyện có thể bắt giữ được ta?

Ngải Y Ti bị gã nắm bàn tay, ả tức ứa gan, lộn ruột, đôi má đỏ hồng, ả dòm Cốc Chẩn, thần tình cực kỳ giận dữ, ngượng ngùng.

Cốc Chẩn bắt chiếc Ma Long dừng giữa dòng sông, đòi Ngải Y Ti cấp cho gã một chiếc thuyền nhỏ, khi cả hai lên thuyền chèo vào đến bờ rồi, gã phóng thích cô ta, nói:

– Đến đây là dứt, từ giờ hãy tự lo lấy!

Ngải Y Ti lườm gã, trên môi thoáng một nét cười gằn. Thấy thần tình ả như vậy, Cốc Chẩn ngấm ngầm cảm giác không ổn, nhưng duyên cớ ra sao, gã cũng không rõ, bèn cất tiếng cười ha hả, thả Ngải Y Ti ra, rảo bước ra đi.

Vừa đi được chừng trăm bộ, gã chợt nghe tiếng Ngải Y Ti đàng sau gọi to:

– Cốc Chẩn, ngươi hãy trông đây này!

Cốc Chẩn quày đầu liếc sơ, thấy hai ả Tố Quyên đứng đàng sau lưng Ngải Y Ti. Trong tay Ngải Y Ti đang cầm một dải lụa màu bạc, dưới ánh nắng, dải lụa chói loe loé, phất phơ trong gió. Ngải Y Ti vắt dải lụa bạch ngang vai, cười ha hả, hỏi:

– Cốc tiểu cẩu, ngươi hãy nhìn cho kỹ, đoán xem chủ nhân của dải lụa này là ai?

Cốc Chẩn chợt biến sắc, gã nhìn dải lụa một lúc, chậm rãi hỏi:

– Ngươi có đem người ấy theo đến đây hay không?

Ngải Y Ti khoé mắt long lanh, nhìn gã một lúc, rồi cười to:

– Ta nghe nói, tấm lụa bằng chất kim sa gì gì đó này, thần thông vô cùng, có thể thu bắt được nhiều loại võ khí, không biết đúng hay sai, Quyên Nhi, ngươi hãy lấy kiếm ra thử nó xem sao?

Ả Quyên rút thanh nhuyễn kiếm ra, ngắm dải lụa một phút, rồi vung kiếm ra, chém một phát vào đấy. Thanh nhuyễn kiếm dường như bị dải lụa đẩy và chặn lại, lưỡi kiếm dừng ngang không trung, rung chuyển kêu o o.

Cốc Chẩn thấy thế, gã hết tất cả mọi hoài nghi, dải kim sa mềm mại đó chính là vật báu tổ truyền của Thi Diệu Diệu, Thi Diệu Diệu lúc nào cũng buộc nó ngang người, chẳng khi nào ly thân, bây giờ, nó lạc vào trong tay Ngải Y Ti, nghĩa là Thi Diệu Diệu đã gặp một biến cố cực kỳ trọng đại. Nghĩ đến đấy, Cốc Chẩn rối loạn trong đầu, gã chuyển mình, định tiến lại gần.

– Khuyên ngươi đứng yên tại chỗ! – Ngải Y Ti vung dải lụa lên, miệng cười rộ – Ngươi đi một bước lại đây, ta chỉ cần phất tấm lụa này lên, là cái vị Diệu Diệu cô nương đó lập tức đầu một nơi, mình một nẻo! Mỹ nhân mà không đầu, xem ra sẽ bớt đi một chút phong tình a!

Cốc Chẩn đành dừng bước, lớn tiếng bảo:

– Ngải Y Ti, chuyện ta và ngươi đua tranh, Diệu Diệu không có dính dáng gì vào hết. Ngươi thả cô ấy ra đi, ta sẽ để cho ngươi mặc tình xử trí!

Ngải Y Ti loá mắt sáng lên, cười mà rằng:

– Ngươi không sợ sẽ bị ta giết hay sao?

Cốc Chẩn cười, nhăn nhó:

– Cốc mỗ chịu thua, muốn băm, muốn mổ, cứ việc!

Ngải Y Ti sắc mặt thoáng trắng bệch, bặm môi một chút, thấp giọng, hỏi nho nhỏ:

– Ngươi hết lòng lo cho cô ta, dám chết vì cô ta ư?

Cốc Chẩn cố gượng nhẹ một nụ cười, gã ngước nhìn trời, đáp:

– Ta lo cho cô ấy, đối với ngươi có ăn nhặp gì?

Nói xong, gã thở dài, cực kỳ phiền muộn, Ánh mắt Ngải Y Ti loé ra một tia hàn quang, cao giọng gọi:

– Đem dây xích lại đây!

Từ bên hông chiếc Ma Long, hai gã tráng hán nhảy xuống, trong tay là một sợi xích sắt to, đi đến trước mặt Cốc Chẩn, định khoá tay gã lại.

Cốc Chẩn khoát tay, nói:

– Chậm đã! Phải thả Diệu Diệu ra trước.

Ngải Y Ti hừ lạnh, nói:

– Thả hay không, đâu đã đến lượt ngươi quản!

Cốc Chẩn suy nghĩ một lúc, rồi bảo:

– Cho ta thấy mặt Diệu Diệu, nếu cô ấy vô sự, ta và ngươi chẳng còn gì để bàn nữa!

Ngải Y Ti cười:

– Chẳng lạ gì, bọn người Trung thổ các ngươi thường hay nói “Bất kiến Hoàng Hà bất tử tâm!”, ngươi khi chưa chính mắt thấy cái vị Diệu Diệu cô nương ấy, là hãy còn chưa cam lòng chịu thua! Được rồi! Ta sẽ cho ngươi dòm cô ta cho đã mắt, không có lại bảo ta chỉ chuyên môn lừa gạt!

Nói xong, cô giơ tay phất một cái, hai ả Hồ nữ đã điệu một thiếu nữ xuất hiện tại ven chiếc thuyền, hai tay thiếu nữ bị trói, miệng nhét đầy hạt dẻ, không nói ra tiếng, nhưng nhìn mi, mục, cái phong vận đó, đã hiện ra không dưới trăm ngàn lần trong những giấc mơ của Cốc Chẩn.

Cốc Hẩn quặn thắt trong lòng, gã buột miệng, thảng thốt kêu:

– Diệu Diệu!

Ánh mắt Thi Diệu Diệu đang ngỡ ngàng, khi nghe tiếng gọi, nó chợt sáng lên, cô lính quýnh nhào tới trước, nhưng Thi Diệu Diệu đã bị hai Hồ nữ lập tức ghì, kéo trở lại. Sắc mặt Cốc Chẩn xám ngắt như chì, trong đầu gã suy tính hàng trăm kế sách, nhưng thảy đều chẳng dùng được, cuối cùng, gã cạn ý, không có cách nào lật ngược tình thế. Rồi gã buông tiếng thở dài, đưa hai tay ra, hai tráng hán bèn lấy dây xích sắt trói cả tay lẫn châni, lôi gã đến trước mặt Ngải Y Ti.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.