Thủy Triều Đen

Chương 26



Trong những ngày sau đó, Karen đã xem đi xem lại đoạn phim ngắn ngủi chỉ có hai giây ấy hàng trăm lần. Những gì cô cảm nhận chỉ là sự hoảng sợ. Rối trí. Và không hiểu nổi những gì mình đang xem.

Đó là khuôn mặt người đàn ông cô đã chung sống suốt mười tám năm. Đó là người đàn ông cô đã thương khóc, đã nhớ thương. Người mà chiếc gối của anh hằng đêm cô vẫn ôm trong giấc ngủ. Đó là người mà cô vẫn thì thầm nhắc tên. Đó là Charlie, chồng cô, bị ghi lại khi ca-mê-ra ngẫu nhiên lướt qua trong một cảnh tượng không hề mong đợi.

Cảnh tượng đó diễn ra ngay bên ngoài nhà ga trung tâm Grand Central. Ngay sau vụ đánh bom.

Làm sao đó lại có thể là anh được chứ, Charlie… ?

Karen không còn biết phải làm gì. Cô có thể nói chuyện này cho ai được chứ? Cô ra ngoài chạy thể thao với Paula tới Tod’s Point, và nghe cô bạn không ngừng kể về một buổi dạ tiệc nào đó Paula và Rick đã được dự, tại một ngôi nhà khiến mọi người phải sửng sốt ở Stanwich. Đó cũng chính là lúc cô muốn lập tức ngắt lời Paula, nhìn thẳng vào cô bạn mà nói: Tớ đã nhìn thấy Charlie, Paula à.

Còn lũ trẻ nữa chứ, chúng suy sụp mất nếu nhìn thấy Charlie ở đó. Lũ trẻ sẽ chết mất. Còn những người bạn của cô thì sao? Làm sao cô có thể giải thích được với họ đây? Làm sao có thể nói được trước khi cô biết rõ đuợc mọi chuyện?

Nói với Saul? Với người mà Charlie mắc nợ quá nhiều điều ư? Không.

Vì vậy, Karen giữ điều bí mật đó cho riêng mình. Cô xem lại hình ảnh ghi lại ấy, xem đi xem lại, cho tới khi nó khiến cô phát điên lên. Sự rối trí quá độ đã biến thành cơn thịnh nộ. Cơn thịnh nộ gặm nhấm sâu vào nỗi đau.

Tại sao? Tại sao hả Charlie? Làm sao đó lại có thể là anh chứ? Sao anh có thể làm điều đó với ba mẹ con em, Charlie?

Karen lần lượt điểm lại những gì cô được biết. Đầu tiên là tên Charlie tìm thấy trên tờ chuyển tiền của doanh nghiệp kinh doanh ô tô Mercedes. Rồi người ta tìm thấy phần còn lại của chiếc cặp da đã bị vỡ tung, mẩu giấy cháy xém trong sổ ghi chép của Charlie. Charlie cũng đã gọi cho cô! Vào lúc 8 giờ 43. Tất cả chẳng có ý nghĩa gì với Karen.

Anh đã ở đó, trên chuyến tàu đó!

Ban đầu, cô cố gắng tìm cách thuyết phục bản thân rằng đó không thể là Charlie. Anh sẽ không bao giờ làm như vậy với cô, với lũ trẻ. Không thể là Charlie… mà vì sao chứ? Tại sao? Cô nhìn chăm chăm vào khuôn mặt trong đoạn phim. Có nhiều người giống nhau lắm, đôi mắt, và cả niềm hy vọng nữa – có thể đánh lừa được mọi người. Hình ảnh cũng hơi mờ. Nhưng mỗi khi cô xem lại hình ảnh đó, cô đã tua đi tua lại đến cả nghìn lần rồi – thì đúng là như vậy. Không thể sai được. Mồ hôi túa ra khắp người. Lời buộc tội như cứa vào gan ruột. Hai chân cô rã rời, mềm ra như bún.

Tại sao?

Nhiều ngày đã trôi qua. Cô cố gắng để tỏ ra mình vẫn bình thường, nhưng sự việc đó đã khiến cô thật mệt mỏi và rối trí. Tất cả những gì Karen có thể làm là thu mình lại trên giường ngủ, Cô nói với lũ trẻ rằng cô bị bệnh. Vì buổi tưởng niệm một năm ngày mất của Charlie. Tất cả những cảm giác đó như sầm sập đổ ụp xuống Karen. Thậm chí một buổi tối, lũ trẻ còn phải mang bữa ăn tối lên cho cô. Súp gà lũ trẻ mua ở nhà hàng cùng một ly trà xanh. Karen nói cảm ơn và nhìn vào những đôi mắt đầy quan tâm của chúng. – “Mẹ cố lên. Sẽ ổn thôi mà.” – Ngay sau khi lũ trẻ ra khỏi phòng, cô đã bật khóc.

Rồi sau đó, khi lũ trẻ đã ngủ hay đến trường, Karen thường đi quanh nhà, nhìn ngắm kỹ lại khuôn mặt chồng trong các tấm ảnh được đặt khắp mọi nơi trong nhà. Những tấm hình đó là tất cả đối với Karen. Là tất cả những gì cô có. Đó là những tấm hình chụp Charlie trong chiếc áo sơ mi bãi biển, đeo kính mát Ray-Bans mà hai vợ chồng đã phóng to để làm kỷ niệm. Là tấm hình Charlie và cô trong trang phục trang trọng tại đám cưới em họ cô. Là những vật dụng cô chưa bao giờ dọn đi khỏi bàn trang điểm trong phòng anh: tất cả những danh thiếp, hóa đơn, và cả những chiếc đồng hồ đeo tay của anh nữa.

Anh không thể làm thế với em được, Charlie. Không thể làm thế với mẹ con em được… Đó không thể là anh…

Chắc phải là một sự trùng hợp nào đó. Một sự trùng hợp quái đản. Em tin anh, Charlie… Em đã tin anh bằng cả cuộc sống của mình, và bây giờ sẽ vẫn tin. Thật khó có thể nghĩ rằng anh lại khiến cô đau đớn bằng cách này.

Karen tiếp tục lục lại những thông tin cô có được về Charlie. Mảnh giấy cháy xém được xé ra từ sổ ghi chép ai đó đã tìm thấy ở nhà ga trung tâm Grand Central với dòng chữ Tìm được từ bàn làm việc của Charlie Friedman.

Cô cảm nhận được rằng anh đã ở đó. Sự tin tưởng phải chiến thắng. Niềm tin của mười tám năm chung sống. Dầu cô có nhìn thấy gì trên màn hình, thì từ sâu thẳm trong tim, cô hiểu chồng mình là người thế nào.

Lần đầu tiên, Karen xem lại mẩu giấy. Xem lại theo đúng nghĩa của nó. Không phải để lưu giữ làm kỷ vật. Megan Walsh. Cái tên ngẫu nhiên ngoằn ngoèo trên tờ giấy rất khó đọc. Những con số điện thoại nguệch ngoạc có thể đọc được là: 964-1650. Và còn một số nữa, được viết đậm và gạch chân: B1254. Karen nhắm mắt.

Đừng bao giờ nghĩ vậy, Karen tự rũ bỏ khi ý nghĩ nghi ngờ luồn vào trong cô. Đó không phải là Charlie. Không thể là Charlie.

Nhưng bỗng đột nhiên mắt Karen như căng ra khi bắt gặp những con số nhằng nhịt. Nỗi nghi ngờ lại giằng xé trong cô. Khuôn mặt Charlie trên màn hình như một phần quá khứ của anh, là cầu nối với Charlie – và chỉ có một cầu nối đó.

Dầu có điên rồ thì cũng phải gọi số điện thoại này, Karen à.

Nếu không muốn mình phải hóa điên.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.