Thủy Triều Đen

Chương 9



Tôi không bao giờ còn gặp chồng mình nữa. Tôi chưa bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra.

Ngọn lửa đã bùng lên và cháy dữ dội tại nhà ga trung tâm Grand Central hầu như cả ngày hôm đó. Đã có một phản ứng hóa học rất mạnh xảy ra. Bốn tiếng nổ cả thảy. Hai tiếng nổ phát ra từ toa xe đầu tiên của chuyến tàu chạy lúc 7 giờ 51 từ Greenwich, ngay khi chúng vừa đến điểm đỗ. Hai tiếng nổ còn lại là từ các thùng rác đặt dọc theo sân ga. Đã có hàng trăm kí thuốc nổ hexagen được nhồi trong đó, đủ để phá sập cả một tòa nhà cỡ lớn vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ như người ta nói. Như ở Irắc. Không thể tưởng tượng nổi. Charlie căm thù cuộc chiến ở Irắc. Người ta đã tìm thấy những cái tên, những tấm hình của nhà ga, dấu vết của hóa chất nơi những quả bom được tạo ra. Đám lửa đã cháy trong nhà ga gần hai ngày, nhiệt độ trong đó đã lên gần tới hai nghìn ba trăm độ.

Chúng tôi đã chờ đợi. Chúng tôi chờ đợi cả ngày hôm đó mong nghe được thông tin nào đó. Bất cứ thông tin nào. Giọng nói của Charlie. Hay tin nhắn của một bệnh viện rằng anh đang ở đó. Gần như chúng tôi đã gọi điện thoại cho cả thế giới này để tìm kiếm: Sở Cảnh sát New York, đường dây nóng mới được thành lập sau vụ đánh bom. Đại biểu nghị viện của chúng tôi ở địa phương có quen biết với Charlie.

Chúng tôi đã chẳng còn nhận được một thông tin gì nữa.

Một trăm mười một người đã chết, trong đó có ba thủ phạm đánh bom mà người ta cho rằng đã ngồi ở hai toa xe đầu tiên. Ở chính toa xe Charlie vẫn thường ngồi. Rất nhiều nạn nhân trong số đó không xác định được danh tính. Không còn một chút thi hài nào sót lại có thể nhận dạng được. Những con người đó như thể đã đi làm vào một buổi sáng và rồi biến mất hoàn toàn trên thế gian này. Đó là Charlie. Người chồng mười tám năm của tôi. Anh đã chào tạm biệt tôi qua tiếng máy sấy tóc rồi đi lấy xe bảo dưỡng.

Và rồi không còn trở về nữa.

Thứ duy nhất người ta tìm được là chiếc quai cặp da lũ trẻ tặng anh năm ngoái – miếng da đính bên trên vẫn còn dính lại, hằn lên ở chỗ cháy, đó là chữ lồng chạm nổi, CMF, ba chữ cái này lần đầu tiên đã kết thúc sự chờ đợi của chúng tôi và khiến chúng tôi bật khóc.

Đó chính là ba chữ viết tắt của Charles Michael Friedman.

Trong những ngày đầu tiên tôi cứ ngỡ anh sắp lết ra khỏi được đống hỗn độn đó. Charlie có thể thoát khỏi mọi tình huống.

Anh có thể ngã lộn nhào từ mái nhà trong khi sửa ăng-ten, nhưng lại nhẹ nhàng tiếp đất bằng hai chân. Người ta có thể tin tưởng rất nhiều vào một người như Charlie.

Nhưng anh đã không về. Chẳng có cú điện thoại nào, không có một mảnh quần áo nào của anh còn sót lại, thậm chí chẳng còn một chút tro tàn.

Và tôi sẽ không bao giờ biết được. Tôi sẽ không bao giờ biết được rằng anh đã không còn trên cõi đời này nữa ngay từ khi bom phát nổ hay trong đám cháy. Không biết rằng anh còn tỉnh táo vào lúc đó hay có cảm thấy đau đớn hay không. Liệu anh có kịp nghĩ, ý nghĩ cuối cùng, về chúng tôi không. Không biết liệu anh có gọi tên chúng tôi vào lúc đó hay không.

Một phần trong tôi muốn có một cơ hội cuối cùng là được ôm lấy vai anh mà hét lên: “Làm sao anh có thể cho phép mình ra đi ở nơi đó chứ, Charlie? Tại sao?”

Giờ thì tôi cho rằng mình phải chấp nhận sự thật là anh đã ra đi. Rằng anh sẽ không bao giờ trở lại. Dẫu rằng chấp nhận sự thật khốn kiếp đó thật khó khăn… Rằng anh sẽ chẳng bao giờ đưa Samantha tới trường ngày đầu tiên nó vào đại học; hay được xem Alex ghi bàn thắng; hay có thể thấy được lũ trẻ lớn lên thành những con người ra sao. Tất cả những điều đã khiến anh thực sự tự hào.

Và chúng tôi sẽ cùng về già. Sẽ tới cái vịnh ở vùng biển Caribê đó. Giờ thì anh đã chẳng còn nữa. Anh ra đi chỉ trong một tích tắc.

Mười tám năm chung sống trong cuộc đời.

Mười tám năm…

Tôi đã thậm chí chẳng còn kịp hôn từ biệt anh.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.