Khi thiên sứ đã báo tin vui cho những đứa trẻ sống trong một ngôi làng nghèo nàn và nhỏ bé như làng tôi có nghĩa là câu chuyện của tôi không còn lý do gì để nấn ná ở lại với bạn đọc nữa.
Tôi cũng nói luôn là khả năng chú Đàn và chị Vinh quay về làng là rất cao, tôi cũng đang thấp thỏm mong chờ ngày gặp lại hai người mà tôi đặc biệt yêu mến đó. Thằng Tường có lẽ mong chờ điều đó còn hơn cả tôi, nhưng nếu tính thêm thầy Nhãn và bà nội tôi nữa thì thằng Tường tụt xuống hàng thứ ba.
Còn thằng Sơn và con Bé Na thì tôi chịu, không thể biết được hậu vận của tụi nó. Có thể ông Ba Huấn và ông Tư Cang trở thành sui gia với nhau. Cũng có thể ông Ba Huấn không chịu vì chê nhà ông Tư Cang nghèo rớt mồng tơi dù chuyến buôn quế vừa rồi ông Tư Cang cũng thu lãi được kha khá. Nhưng biết đâu chính ông Tư Cang mới là người kịch liệt phản đối vì chê thằng Sơn là đồ mất dạy.
Con Mận thì chắc chắn là tìm lại được ba nó. Và kết cuộc đẹp nhất là ba nó, mẹ nó và nó kéo nhau quay trở về làng khi phát hiện ba nó thực ra không hề bị bệnh phong như thiên hạ đồn đoán. Ông bị một thứ bệnh da liễu vớ vẩn nào đó, tệ lắm là bệnh vảy nến – một thứ bệnh khó chữa nhưng không khiến người ta xa lánh.
Con Mận về thì có thể cuộc sống của tôi sẽ khác, chắc chắn là xáo trộn, nhưng vui hơn hay buồn hơn thì tôi không biết được. “Tình yêu” mà! Nhưng tôi sẵn sàng tin là vui hơn. Bạn cũng biết rồi đó, lúc nào cũng nhìn tương lai bằng ánh mắt u ám thì làm sao sống nổi!
Nếu có chút gì đó làm tôi lo lắng vẩn vơ thì đó là thái độ của con Xin. Con Xin lúc tôi gửi thư tình cho nó thì nó chơi ngu đem nộp cho thầy giáo, nhưng khi nó lớn thêm vài tháng tuổi thì nó biết ghen với con Mận, không thèm lấy vỏ quế tôi tặng, nghĩa là nó trưởng thành hơn.
Ngoài những chuyện đó ra thì tôi cũng hy vọng ba tôi kiếm được việc làm ngon lành ở thành phố, hy vọng thằng Dưa con ông Năm Ve sau khi ăn thêm vài con cóc nữa sẽ lớn phổng lên như những đứa cùng lứa khác để khỏi bị bọn tôi cốc đầu đá đít, dù tôi cũng hơi khoai khoái cái trò cốc đầu đá đít nó.
Ủa, tôi nói ra những điều này như vậy là sớm quá, vì thực ra câu chuyện tôi kể vẫn còn dang dở. Khi nãy tôi đang nói tới chỗ thằng Dưa la lên rằng con Nhi đã tỉnh lại. Khi nó la lên như vậy thì coi như nó đặt dấu chấm hết cho buổi chiều hôm đó. Và cũng gần như đặt dấu chấm hết cho cuốn truyện này luôn.
Bởi vì sau đó bọn trẻ bu quanh con Nhi lục tục tản dần. Chúng kéo nhau đi về phía rặng dương liễu mọc sát đường lộ, vừa bá vai nhau vừa bàn tán không ngớt. Chiếc nón quả dưa của thằng Dưa nhấp nhô trong mớ đầu cổ giống như một quả dưa thật đang trôi lững lờ trong nắng chiều.
Ở phía ngược lại, ông Tám Tàng khoác vai con Nhi chậm rãi đi về phía đồi Cỏ Úa. Bây giờ thì trông hai cha con lại rất giống một đức vua đang long trọng dìu một công chúa về lâu đài.
Con Nhi cứ đi hai, ba bước lại ngoảnh cổ nhìn lại phía sau. Tôi thấy rõ những cái ngoái đầu lưu luyến của nó nhưng dù thế thì tôi cũng phải quàng cổ thằng Tường, nói:
– Về thôi, mày!
Thằng Tường không có lý do gì để không nghe lời tôi. Nhưng cũng giống như con Nhi, cứ đi vài bước nó lại ngoái đầu nhìn về phía đồi Cỏ Úa, nơi cô công chúa của nó có vẻ như đang đi xuyên qua buổi chiều để chốc nữa đây mất hút bên kia ngọn đồi.
Bây giờ tôi nghĩ “phò mã” Tường đã không còn nợ nần gì “công chúa” Nhi nữa. Nếu sự xuất hiện bất ngờ của “công chúa” bên cửa sổ giúp “phò mã” quên hẳn tấm lưng đau, sau đó chạy như ngựa hoặc nói một cách dè dặt là gần bằng ngựa, thì sự ra tay nghĩa hiệp của “phò mã” cũng vô tình giúp “công chúa” thoát khỏi chứng bệnh tâm thần đeo đẳng suốt ba năm nay.
Trong khi tôi đang nghĩ vẩn vơ đến sức mạnh kỳ diệu của tình yêu, nếu có thể gọi tên thứ tình cảm lạ lùng vừa chớm nở giữa thằng Tường và con Nhi là tình yêu (có bao giờ công chúa tuyển phò mã không vì tình yêu không nhỉ?), thì tiếng con Nhi bất thần vọng tới:
– Anh Tường! Gượm đã!
Tôi và Tường sững lại, như bị tiếng kêu thảng thốt của con Nhi neo chặt xuống cỏ.
Khi chúng tôi quay lại, con Nhi đã chạy tới gần đến mức tôi nhìn rõ những sợi tóc dính bết trên gò má đỏ lơ đỏ lưỡng của nó.
Cứ tưởng con Nhi sẽ va vào thằng Tường lúc này đang thộn mặt ngẩn ngơ thì nó đã chấm mũi hài xanh trên bãi cỏ, đúng kiểu một cô công chúa nhí nhảnh.
Tôi nhìn xuống, thấy con Nhi kịp dừng lại trước mặt Tường cách đúng một bước chân. Đôi chân của nó ghim vào cỏ như hai ngọn lao, rung bần bật vì hãm quá gắt. Cỏ dưới chân nó xanh biêng biếc nhưng ánh mắt tôi vẫn bắt gặp những cánh hoa vàng li ti đang kín đáo nở trong nách lá và điều đó cho tôi cảm giác rằng mùa hè khắc nghiệt sắp sửa trôi qua.
Cứ đứng như thế, con Nhi giương đôi mắt đen láy ra nhìn Tường. Nó không nói gì nhưng ánh nhìn của nó thật ấm áp. Lúc chưa ra khỏi cơn mê dài, con Nhi từng lẻn đến bên cửa sổ nhà tôi nhìn vào bên trong và bắt gặp thằng Tường đang nằm bất động trên giường bệnh, lúc đó chắc nó cũng giành cho thằng Tường ánh mắt như vậy.
Suốt một lúc lâu, con Nhi đứng nhìn thằng Tường, thằng Tường đứng nhìn con Nhi. Hai đứa im lặng ngó nhau, mặc nắng rớt trên đầu trên vai trên tay, như thể nếu không ngó nhau thì chúng chẳng còn việc gì để làm trên cõi đời này nữa.
“Đức vua” Tám Tàng đứng cách đó một quãng, chống kiếm nhìn về phía “công chúa” và “phò mã”, chẳng biết đang nghĩ gì.
Tôi đứng bên cạnh, ánh mắt đi qua đi lại giữa thằng Tường và con Nhi, lúc đầu thấy hay hay, sau thấy tụi nó đứng yên lâu quá, tôi suốt ruột tính co chân đá vào chân thằng Tường.
Nhưng tôi chưa kịp nhúc nhích, Tường đột nhiên mỉm cười.
Ngay lúc đó con Nhi cũng nhoẻn miệng cười theo, và nói:
– Em cảm ơn anh nhiều lắm!
Con Nhi lúc nói câu đó thì nó không còn giống công chúa nữa, mặc dù nó vẫn đang khoác đồ công chúa trên người.
Thằng Tường mấp máy môi khi nghe con Nhi nói vậy, nhưng rốt cuộc nó chẳng nói gì. Tôi đoán nó định nói “Anh cũng cảm ơn em nhiều lắm” nhưng đến phút chót có lẽ nó cảm thấy nó vậy giống như bắt chước con Nhi nên nó quyết định làm thinh.
Nó làm thinh nhưng nó thò tay nắm tay con Nhi.
Thằng vô tư gớm! Nó dám nắm tay con Nhi trước mặt ba con Nhi. Tôi lo lắng nghĩ bụng và ngước mắt về phía ông Tám Tàng. Nhưng “đức vua” hung dữ lúc nãy bây giờ nom hiền khô.
Thấy thằng Tường cầm tay con gái mình, ông khẽ giật mình một cái, và huơ kiếm lên. Nhưng ông không nói “Tụi kia tránh xa con gái ta ra! Nếu không, ta cho một kiếm bay đầu bây giờ!” như lúc ông lao xuống từ trên đồi.
Ông chỉ giơ mũi kiếm lên gại gại chỗ bắp chân, chắc có con côn trùng nào đó vừa chích ông…
Tp.HCM 24.10.2010