Cả bọn xúm lại gần ao, trong lúc đó Lý Thư Bạch đã bước vào cung Kiến Bật.
Hoàng Tử Hà lóp ngóp bò dậy từ vũng bùn, nhìn theo bóng lưng xăm xăm bước đi
không hề ngoái lại của Lý Thư Bạch, âm thầm nghiến răng, không nhịn được đá mạnh một cú vào vũng bùn, làm bùn bắn tung tóe, vài giọt lạnh buốt
văng cả lên má cô, nhưng dù sao khắp người cô cũng đang bê bết rồi nên
chẳng lấy thế làm điều.
Đám cung nữ giơ tay kéo cô lên, toan dẫn
cô đi tắm rửa. Thấy quần áo cô mặc là nam trang, cung nữ lớn tuổi hơn cả cười nói, “Công công đợi một chút, lát nữa chúng ta sẽ giúp tắm rửa
thay đồ cho.”
“Thôi thôi, khỏi cần.” Cô không dám cởi đồ trước
mặt người khác, bị phát hiện là nữ rất dễ khiến người ta liên hệ tới
Hoàng Tử Hà.
Gạt tay đám cung nữ ra, cô đi thẳng đến bên giếng, xách một thùng nước giội thẳng xuống người mình.
Tuy đã sang xuân nhưng tiết trời vẫn rét căm căm, giội một thùng nước từ
đầu xuống chân mà run bắn cả lên, bùn đất còn chưa gột sạch thì đã cứng
cả người, song cô vẫn nghiến răng múc thêm thùng nữa xối vào đầu.
Các cung nữ xung quanh đều sững sờ, cứ đứng ngây ra.
Xối xong 2 thùng nước, Hoàng Tử Hà mới thấy đầu óc sáng sủa hơn. Cô vứt
chiếc thùng rỗng đi, ướt lướt thướt đứng bên bờ giếng, run lẩy bẩy ra
sức hít thở.
Vì quá lạnh nên tai cô ong cả lên, cảnh vật cũng mờ hẳn đi, chỉ thấy trước mắt chập chờn gương mặt băng giá của Lý Thư Bạch.
Y nói, ta không có hứng can dự vào việc của ngươi, cũng chẳng rỗi hơi báo với nha môn hành tung của ngươi đâu, sau này ngươi cứ tự lo thu xếp.
Không có hứng…
Cái chết của cha mẹ cô, huyết án của cả nhà cô, mối oan chờ rửa của cô, đều chẳng liên quan gì tới y, đương nhiên y không có hứng thú can dự vào.
Trước mặt y, cô chẳng qua chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi.
Nhưng… cô nhặt thùng nước đặt xuống cạnh giếng, âm thầm siết chặt nắm tay.
Móng cắm ngập vào lòng bàn tay song cô chẳng thấy đau, cứ một mực siết
chặt thêm.
Nhưng… Hoàng Tử Hà, y là hy vọng lớn nhất của ngươi.
Cô thầm quả quyết với bản thân, đoạn nghiến răng thật chặt.
Quỳ vương Lý Thư Bạch, kẻ chê cô lôi thôi lếch thếch ngay từ cái nhìn đầu
tiên, kẻ không chút thương xót đạp văng cô vào vũng bùn, kẻ phũ phàng
nhấn mạnh rằng không có hứng với việc của cô, lại là hy vọng lớn nhất
của cô lúc này.
So với những thế lực mà ban đầu cô định nương nhờ như mấy người bạn cũ của cha, một người họ hàng xa tít mù khơi đang giữ một chức quan nhỏ thậm chí cả phương cách bí quá hóa liều là dâng đơn
cáo ngự trạng, thì Quỳ vương Lý Thư Bạch vẫn đáng tin cậy hơn cả.
Bởi vậy dù bị khinh miệt, xem thường đến đâu chăng nữa, trong khoảnh khắc
dòng nước lạnh xối xuống đầu, cô cũng đã đưa ra quyết định cho mình.
Dù có nắng, tiết trời đầu xuân vẫn còn se lạnh. Hoàng Tử Hà run cầm cập
rời khỏi giếng nước, chầm chậm bước xuống thềm. Lúc này, cô nghe rõ
tiếng tim mình đập, cũng nghe thấy nó thì thầm khe khẽ: Hoàng Tử Hà,
ngươi có từng nghĩ, với một nam nhân thâm trầm đáng sợ như vậy thì phản
ứng khôn ngoan nhất hiện giờ chính là quay đầu bỏ chạy, không ngoái cổ
lại, đừng bao giờ tới gần y nửa bước không?
Nhưng, bất chấp đầu
tóc và y phục đang nhỏ nước tong tỏng, cô vẫn bước từng bước xuống thềm, gượng cười với đám cung nữ đang đứng ngây ra đó trong lúc nghiến răng
chịu đựng những cơn rùng mình, “Phiền các cô mang đến cho ta một bộ đồ
hoạn quan, ta còn phải theo hầu hạ Quỳ vương.”
Quấn chặt ngực lại, khoác chiếc áo mỏng bằng sa trắng, thắt sợi dây lưng mảnh thành nút đôi đơn giản nhất.
Hoàng Tử Hà đứng trước tấm gương đồng cao đến thắt lưng, ngắm nhìn người
trong gương. Ăn vận theo lối hoạn quan, lại thêm mái tóc ướt sũng buông
xõa từ vai xuống ngực, rõ ràng là một thiến niên gầy gò thanh tú, mặt
mũi sáng sủa, trên gương mặt có phần tiều tụy là đôi mắt thăm thẳm như
đầm nước, đã không còn dáng vẻ thiếu nữ từ lâu rồi. Cô hít một hơi thật
sâu, nhét bừa mớ tóc còn ướt vào chiếc mũ sa, đoạn quay người mở cửa,
rảo bước rời khỏi phòng.
Theo hướng các cung nữ chỉ, cô bước vào
lối đi chính của cung Kiến Bật. Hôm nay cung mới hoàn thành, cảnh tượng
đương nhiên rộn rã khác thường, mặt hồ mênh mông lăn tăn sóng gợn,
thuyền gỗ qua lại như thoi đưa. Trên hòn đảo giữa hồ, ca nữ múa theo
tiếng nhạc, rặng liễu bên hồ treo một hàng đèn lồng màu hồng phấn, gió
xuân hây hẩy, khí trời ấm áp, cảnh sắc huy hoàng.
Ngay trước mặt là chính điện, một bức bình phong khổng lồ sừng sững chắn cửa vào, bên trên viết bốn chữ lớn: Kiến Bật Di Chương.
Hoàng Tử Hà đứng trước bình phong, ngẩng đầu nhìn hàng chữ lớn kia, cảm thấy
nét chữ phóng khoáng, toát lên vẻ uy nghi đường bệ. Chợt nghe sau lưng
có tiếng nói, “Đây là ngự bút của bệ hạ, một hoạn quan nhỏ xíu như ngươi mà cũng nhìn ra được chỗ đẹp ư?”
Ngoái đầu lại, cô trông thấy
một nam tử áo tím, tuổi ngoài hai mươi, da dẻ nõn nà, toát lên vẻ thuần
khiết không hợp với tuổi. Chính giữa trán y điểm một nốt ruồi son, càng
tôn thêm làn da trắng trẻo và mái tóc đen huyền, từ đầu đến chân toát
lên vẻ siêu phàm thoát tục.
Xuất hiện ở đây, tuổi tác chừng ấy,
trên trán lại có nốt ruồi son, Hoàng Tử Hà đoán ngay ra thân phận của
người này. Cô vội khom người hành lễ với thiếu niên đang mỉm cười, “Tham kiến Ngạc vương gia.”
Ngạc vương Lý Nhuận là người ôn hòa nhất
trong số các vương gia, tính tình dịu dàng dễ gần. Y cười cười gật đầu
với cô, ánh mắt dừng lại trên mặt cô một thoáng rồi hỏi, “Ngươi là người trong cung này ư? Đi theo vị công công nào? Sao lại phái ngươi tới
đây?”
Các hoạn quan trong cung đều biết, người hầu ở hành cung
gần như không thể cất mặt lên được, bởi quanh năm suốt tháng chẳng bao
giờ được thấy tôn nhan hoàng đế hoàng hậu, giống hệt các cung nữ, đều
chỉ chờ ngày chết già, nên thông thường những kẻ già yếu bệnh tật mới bị phái đến đây.
Hoàng Tử Hà tự nhiên đáp, “Nô tài theo Quỳ vương
gia tới, lúc vừa xuống xe lại sẩy chân ngã xuống nước, nên được các cung nữ dẫn đi thay đồ.”
Lý Nhuận cười nói, “Ra thế. Vậy ta dẫn ngươi vào.”
Hoàng Tử Hà theo Lý Nhuận vòng qua bức bình phong, cung nữ đi trước dẫn
đường, hết hành lang thì trông thấy giữa điện có một đám người đang ngồi nghe một thiếu nữ gảy tỳ bà. Tiếng tỳ bà như châu như ngọc cuồn cuộn
tuôn chảy, phối hợp với cảnh sắc tươi đẹp lúc này quả là tuyệt diệu khôn tả.
“Khúc nhạc hay như vậy, cắt ngang thực là đáng tiếc.” Lý
Nhuận nói rồi dừng chân ngoài điện lắng tai nghe. Hoàng Tử Hà lặng lẽ
đứng sau lưng y, đợi khúc nhạc kết thúc mới cùng theo vào.
Trong
điện có Quỳ vương Lý Thư Bạch, Chiêu vương Lý Nhuế đứng hàng thứ chín,
và Khang vương Lý Vấn nhỏ tuổi nhất. Đối diện họ là một thiếu nữ xinh
đẹp vận áo vàng, bên mai cài một đóa hải đường nở nộ, cây tỳ bà đặt
trong lòng.
Chiêu vương Lý Nhuế là người nhàn nhã giàu sang ưa
hóng chuyện nhất hạng, tuy đã mười tám mười chín tuổi song vẫn ham chơi
bời như một thiếu niên, cũng chẳng hề có phong độ vương gia, thoạt trông thấy bọn họ tới liền hào hứng vẫy tay lia lịa, “Thất ca Thất ca, mau
lên mau lên, đệ mới tìm được một nghệ nhân ở giáo phường có ngón đàn tỳ
bà thiên hạ vô song đó!”
“Vừa đứng ngoài nghe được nửa khúc, quả
nhiên chỉ trên trời mới có thôi.” Lý Nhuận khen ngợi rồi ngồi xuống bên
trái Lý Thư Bạch, hỏi, “Tứ ca, bệ hạ đâu rồi?”
“Sớm nay bệ hạ đau đầu, ngự y đang chẩn bệnh, hẳn là lát nữa sẽ tới.” Lý Thư Bạch đáp rồi
hơi ngẩn lên, ánh mắt lướt qua Hoàng Tử Hà, nhưng không nói thêm gì nữa.
Hoàng Tử Hà thầm nghiến răng, rảo bước đi tới sau lưng y, cúi đầu thõng tay
đứng hầu, đúng dáng vẻ một hoạn quan trung thành mẫn cán.
Khang
vương Lý Vấn đang mãi ngắm thiếu nữ áo vàng, chợt nghe Chiêu vương Lý
Nhuế cười rằng “Bệ hạ phát ốm chẳng phải vì lo lắng cho Tứ ca đấy ư?”,
lập tức quay sang tò mò, “Lo lắng chuyện gì thế?”
Lý Thư Bạch đã nghe phong thanh từ lâu, nhưng chỉ bình thản hỏi, “Ừ, chẳng hay bệ hạ lo lắng điều gì?”
“Xùy, xem Tứ ca kìa, giả vờ không biết chứ!” Lý Nhuế nhìn khắp lượt mọi người rồi trỏ Lý Thư Bạch cười phá lên, “Còn điều gì nữa? Đương nhiên là hôn
sự của Tứ vương gia bản triều rồi. Thực hiếm thấy vương gia nào đã qua
hai mươi tuổi mà vẫn độc thân như huynh, nếu còn tiếp tục thanh tâm quả
dục thì khủng khiếp quá!”
Lý Nhuận nghiêm trang phụ họa, “Đúng
thế, vốn dĩ bốn năm trước đã bắt đầu chọn phi tần cho Tứ ca, có điều bấy giờ Ngô thái phi qua đời, Tứ ca quyết để tang mẫu phi một năm nên mọi
người cũng thuận theo. Khổ sao vừa mãn tang lại xảy ra việc nghịch tặc
Bàng Huân làm loạn, Tứ ca phải xuống Nam dẹp loạn, cứ thế lần lữa mãi.
Hiện giờ trời yên bể lặng, Tứ ca cũng không ít tuổi nữa, nếu còn không
lập phi, e rằng hoàng thúc và các thái phi sẽ không để yên đâu.”
“Đúng thế, bệ hạ và hoàng hậu điện hạ phải hao tâm tổn sức mãi mới chọn được
đó, cuộc hôn nhân này, Tứ ca không trốn nổi đâu.” Khang vương Lý Vấn
cũng hùa theo, bưng một ly rượu tới kính y.
Thiếu nữ ôm tỳ bà mỉm cười cúi đầu, song mắt vẫn len lén liếc Lý Thư Bạch. Lý Nhuế bắt gặp,
bèn hỏi, “Cẩm Nô, nàng cứ nhìn Quỳ vương làm gì thế?”
Chư vương
trong điện cùng cười ồ lên, riêng Lý Thư Bạch chỉ hơi nhướng mày. Dưới
thời Đường, nề nếp giáo phường rất cởi mở, bọn họ chẳng ngại đùa giỡn
với đám thị vệ tùy tùng, những chuyện phong lưu còn được lưu truyền ca
tụng là khác. Thiếu nữ kia không hề e thẹn, ôm cây tỳ bà che nửa mặt
hoa, cười đáp, “Cẩm Nô to gan, có điều thường nghe người trong kinh
thành đồn đại Quỳ vương phong tư tuấn tú, chẳng khác người trời. Hôm nay được gặp qua là danh bất hư truyền, hèn chi hằng ngày thiếp ở giáo
phường, thấy các tỷ muội đều một lòng một dạ ái mộ.”
“Đáng tiếc
đáng tiếc, tỷ muội nhà nàng hẳn phải đau lòng rồi.” Lý Nhuế quàng tay
khoác vai Cẩm Nô, cười nói, “Nàng về chuyển lời cho bọn họ, Tứ ca của ta lòng gang dạ sắt, thể nào cũng phụ lòng người, chi bằng gửi gắm tình
cảm cho ta, may ra còn có chút hy vọng đấy.”
Trong tiếng cười
giòn giã của Cẩm Nô, rượu và thức ăn lại được dâng lên. Các cung nữ qua
lại nhộn nhịp như thoi đưa, tiếng hát của ca kỹ lảnh lót át mây trôi.
Giữa cảnh huyên náo ấy, Hoàng Tử Hà cảm thấy mình lạc lõng hoàn toàn, cô cứ
đứng đó bất động, mắt dán vào lưng Lý Thư Bạch, thoạt trông có vẻ như
đang nhìn y chằm chằm, song thực ra không nhìn vào bất cứ thứ gì, chỉ
mãi ngẫm nghĩ chuyện của mình.
Trên tiệc, mọi người xôn xao trò
chuyện, chẳng rõ ai đầu têu ra, lại hỏi Lý Thư Bạch, “Tứ ca, nghe nói bệ hạ định phái Chu Tường Chu thị lang nhậm chức thứ sử Thục quận, Tứ ca
thấy thế nào?”
Lý Thư Bạch thuận miệng đáp, “Ta không biết nhiều
về Chu thị lang, chỉ nghe đồn tiếng tăm cũng tốt. Có điều ta từng gặp
Chu Tử Tần con út ông ta mấy lần, là một thiếu niên rất thú vị.”
Lý Nhuế cười, “Đúng thế đúng thế, tính tình Chu thị lang rất ôn hòa, song
lần nào như lần nấy, hễ nổi giận đều là bị gã con út ấy chọc tức.”
Lý Nhuận hỏi, “Gã ngỗ nghịch bất hiếu ư?”
“Nào có ngỗ nghịch. Chu Tử Tần là con út, Chu thị lang khéo dạy con, ba bốn
huynh trưởng trên gã đều giỏi giang cả. Chu thị lang cũng chẳng đặt
nhiều hy vọng vào Chu Tử Tần, dù gã có lêu lổng ăn chơi cũng là thường.
Song đứa con trai này hằng ngày không đọc sách không học nghề, không
chọi gà đấu chó, chỉ thích chạy đến nghĩa địa, làm trò cười cho cả kinh
thành.”
“Nghĩa địa ư?” Khang vương Lý Vấn bật cười.
Lý
Nhuế cười đáp, “Đúng thế, chí nguyện lớn nhất trong đời gã là làm ngỗ
tác(*), về sau đã bị Chu thị lang dần cho mấy trận, buộc phải thay đổi
chí hướng, suốt ngày chặn đường nha dịch trong kinh đòi theo họ đi làm
sai nha, đám nha dịch không dám đắc tội với thị lang đại nhân, cũng
không dám làm mếch lòng Chu Tử Tần, hễ nhìn thấy gã là hồn vía lên mây,
bỏ chạy thục mạng!”
(*) Chỉ người làm công việc khám nghiệm tử thi trong nha phủ thời xưa. Tức pháp y thời nay.
Lý Vấn cười phá lên, nói với Lý Thư Bạch, “Tứ ca nói với bệ hạ một câu
giúp Chu Tử Tần đi, Chu Tường đến Thục Quận nhậm chức, bệ hạ mà đích
thân chỉ định con trai ông ta theo cha tới đó là sai dịch, coi như hoàn
thành tâm nguyện cho gã!”
“Phải đấy phải đấy!” Lý Nhuế cười
nghiêng ngả, “Bệ hạ anh minh như vậy, đến lúc đó nếu Chu Tử Tần trở
thành sai dịch được chỉ định, để xem Chu đại nhân làm gì được!”
Lý Nhuận như sực nhớ ra, liền hỏi, “Có điều chẳng rõ vụ án của Hoàng Mẫn
đại nhân thứ sử tiền nhiệm Thục quận tiến triển đến đâu rồi?”
Lý
Nhuế thông thạo tin tức nhất, vội đáp ngay, “A họ Hoàng đó e rằng đã
thay tên đổi họ trốn biệt rồi. Thiên hạ rộng lớn như vậy, nếu một người
trốn vào thâm sơn cùng cốc sống cả đời, e rằng cũng khó mà tìm ra được.”
“Thật không ngờ người đôn hậu cẩn trọng như Hoàng đại nhân cuối cùng lại gặp
phải kết cục bi thảm, thật khiến người ta cảm thán mà.”
Hoàng Tử
Hà đứng ngay bên cạnh, nghe họ bàn tán về mình và vụ huyết án của gia
đình, vẻ mặt bình thản đến lạnh lùng, song lồng ngực lại đau buốt đến
nghẹt thở, nơi ấy có một sợi dây ràng quanh trái tim cô, đang từ từ thít chặt lại.
Lý Thư Bạch chẳng buồn nhìn mặt Hoàng Tử Hà, chỉ lạnh
nhạt buông một câu, “Có khi ả đó gan lớn tày trời, chưa chừng đã làm
ngược lại lẽ thường, mò đến kinh thành rồi ấy chứ.”
“Vậy khác nào tự chui vào rọ, cầm chắc cái chết.” Lý Nhuế nói.
Lý Nhuận lại hạ giọng than thở, “Còn nhớ năm xưa Hoàng Tử Hà được dân kinh thành xưng tụng là nữ thần đồng, chẳng ngờ giờ đây lại thành ra thế
này, đúng là đáng buồn, đáng than, đáng hận.”
Trong đám người
ngồi đây có Khang vương Lý Vấn tuổi nhỏ, không biết chuyện năm xưa, liền tò mò hỏi, “Con gái Hoàng Mẫn rốt cuộc có gì lạ, tại sao mọi người đều
biết tiếng ả ta vậy?”
Lý Nhuế cười đáp, “Ả từng giúp cha mình là
Hoàng Mẫn, năm ấy đương giữ chức thị lang bộ Hình phá mấy vụ án rất thú
vị, đến giờ vẫn còn được đám người kể chuyện rong trên phố mải mê kể đi
kể lại đấy.”
Lý Vấn hiếu kỳ hỏi, “Đệ chưa nghe bao giờ, Cửu ca kể đi, xem xem Cửu ca và đám người kể chuyện kia ai kể hay hơn.”
Trong tiếng cười của mọi người, Lý Nhuế liền ngồi ngay ngắn lại, rất ra dáng
người kể chuyện, đằng hắng một tiếng rồi nói, “Được, vậy ta kể từ đầu.
Còn nhớ năm sáu năm trước, một hôm sẩm tối bộ Hình chợt nhận được tin ở
phường Hưng Đức có người phụ nữ treo cổ tự tử. Ngỗ tác đến hiện trường
xem xét, thì ra là một tân nương, nghe nói hôm trước cãi cọ với lang
quân rồi một mình chạy ra ngoài, bực bội cả ngày trời, tối về đến nhà
liền nghĩ quẩn.”
Cẩm Nô che miệng tròn mắt xuýt xoa, “Nữ tử trên đời thực cạn nghĩ, đúng là khiến người ta vừa thương vừa giận.”
“Đúng thế, ngỗ tác khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân tử vong là do treo cổ, bộ Hình cũng chuẩn bị đóng vụ án lại theo chiều hướng như thế. Bấy
giờ Hoàng Mẫn là thị lang đương nhiệm ở bộ Hình, tới nơi để điều tra kết luận. Hoàng Tử Hà mới mười một mười hai tuổi cũng theo đến căn nhà xảy
ra vụ việc, cùng huynh trưởng đứng ở ngoài đợi cha về. Người dân Trường
An ưa náo nhiệt, thấy có án mạng xảy ra liền xúm đông xúm đỏ lại xem.
Tay bán vải nói, tân nương nhà này lúc xuất giá không mặc áo may bằng
vải gã bán nên màu áo cưới không được tươi, mới dẫn đến thảm kịch này.
Người bán trang sức thì kể rằng chiều nay tân nương kia còn đặt đánh một cặp trâm bạc ở tiệm mình, hỏi chồng cô ta có muốn lấy nữa không. Thầy
tướng lại bảo từ lâu mình đã tính được nhà này năm nay sẽ có việc hiếu
việc hỉ, chỉ tiếc họ không tìm tới lão… Cứ thế nhốn nháo hết cả lên. Đến khi Hoàng Mẫn sắp hạ bút kết luận, chợt Hoàng Tử Hà gọi vọng vào, ‘Cha
ơi!’”
Nói đến đây, Lý Nhuế
khẽ đằng hắng, đoạn đưa mắt nhìn khắp mọi người trong phòng, hệt như một người kể chuyện chính hiệu, “Các vị, có ai biết Hoàng Tử Hà gọi cha
mình làm gì không?”
Lý Nhuận cười, “Vừa rồi mới là đoạn mở đầu,
đã thấy gợi ý gì đâu, làm sao chúng ta biết được Hoàng Tử Hà gọi cha cô
ta có việc gì?”
Lý Nhuế cười đáp, “Đúng là mới xong đoạn mở đầu,
nhưng bấy giờ Hoàng Tử Hà đã biết nguyên nhân và hung thủ gây ra cái
chết của tân nương rồi, gợi ý cũng rất đầy đủ rồi đó thôi.”
Mọi
người đưa mắt nhìn nhau, Lý Vấn nhanh nhảu cướp lời, “Theo đệ thấy, lão
thầy tướng kia rất khả nghi, lẽ nào để giành lấy cái danh thần tiên tại
thế cho mình nên lão không nề hại người?”
Lý Nhuế cười ha hả, quay sang hỏi Lý Nhuận, “Thất ca thấy thế nào?”
Lý Nhuận thoáng trầm ngân rồi đáp, “Chuyện này ta cũng không rõ, lẽ nào
tay bán vải có xích mích gì đó với tân nương về vải may áo cưới, nên ôm
hận trong lòng? Hay là người bán trang sức và cô ta đã lục đục tranh cãi trong lúc mua bán, nên ra tay sát hại?”
Lý Nhuế chỉ cười, không giải đáp vội, lại quay sang hỏi Lý Thư Bạch, “Tứ ca thì sao?”
“Là người chồng ra tay.” Lý Thư Bạch đáp luôn.
Lý Nhuế kinh hãi, lộ rõ vẻ Tứ-ca-xin-hãy-nhận-của-đệ-một-lạy, thán phục thốt lên, “Sao Tứ ca đoán được vậy!”
“Trước đây từng ngó qua hồ sơ ở bộ Hình, nên cũng biết đại khái chân tướng.” Lý Thư Bạch bình thản đáp.
Lý Nhuế thở phào nhẹ nhõm, “Có thế chứ! Bấy giờ Hoàng Mẫn đang định đặt
bút ghi hồ sơ thì nghe thấy Hoàng Tử Hà gọi. Ông ta ngẩng lên hỏi, ‘Con
gái con đứa đến hiện trường làm gì? Mau về nhà đi!’ Nào ngờ Hoàng Tử Hà
trỏ vào người bán trang sức, ‘Cha cũng nghe người này nói phải không?
Bởi thế vị phu nhân kia không phải tự sát đâu, mà là bị kẻ khác ngụy
trang thành tự sát đấy thôi, thực ra cô ấy bị người ta hại chết!”
Lý Vấn nghi hoặc hỏi, “Theo Cửu ca kể thì hồi đó cô ta mới mười một mười
hai tuổi, còn nhỏ hơn cả đệ bây giờ nữa, một đứa bé như thế, ai mà thèm
tin chứ!”
“Đúng vậy, bấy giờ Hoàng Mẫn cũng cho rằng lời của một
đứa bé như thế không thể tin được, bèn mắng ‘Đi chơi đi!’, rồi không để ý đến cô ta nữa. Nào ngờ cô ta chạy vào đè tay lên tập hồ sơ, thuyết
phục, ‘Cha ơi, có lần chuyện vãn với đồng liêu ở nhà ta, cha từng nói
người khi sắp chết, lòng lạnh như tro tàn. Vậy cha có thấy kẻ nào lòng
đã như tro tàn mà trước khi tự vẫn còn đến tiệm trang sức đặt đánh trâm
bạc hay không? Huống hồ chi mới chọn kiểu, chưa lấy về nữa chứ.”
Trong điện nhất thời im phăng phắc, chỉ nghe một tiếng tinh tang khi Cẩm Nô
vô ý lướt tay qua mặt dây đàn, song không ai để ý đến.
Lý Thư
Bạch giơ tay gõ nhẹ lên mặt bàn, ra hiệu cho Hoàng Tử Hà phía sau. Cô
lập tức hiểu ý, bèn quỳ xuống bưng bình rượu trên bàn, rót đầy vào chén
y.
Y hơi liếc mắt, quan sát nét mặt trông nghiêng của cô. Hàng mi dài, dày mà cong vút, rủ bóng xuống đôi mắt u buồn thăm thẳm như mặt
hồ, nắng rọi qua song cửa, chuốt sáng nhàn nhạt trên hàng mi cô.
Lý Nhuế tiếp tục, “Hoàng Mẫn nhận ra con gái nói có lý, lập tức gọi ngỗ
tác lại nghiệm thi lần nữa, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, phát hiện vết dây thừng có hơi kỳ lạ, gồm hai lằn siết chồng lên nhau, như thể sau khi
siết lần một, còn siết lại lần hai vào đúng vị trí ấy. Bởi thế họ đoán
rằng nạn nhân sau khi bị siết cổ chết, lại treo lên xà nhà giả vờ là tự
vẫn, mà người có thể làm ra chuyện này đương nhiên chính là chồng cô ta, người đầu tiên phát hiện thi thể, còn đi báo quan là vợ mình tự vẫn.”
Lý Vấn tròn xoe mắt hỏi, “Chồng cô ta có cung khai không?”
Lý Nhuế gật đầu, “Chồng cô ta thấy ngỗ tác nghiệm thi, phát hiện ra manh
mối, sợ đến mặt cắt không còn giọt máu, vội quỳ sụp xuống van xin rồi
tông tốc khai nhận hết tội trạng. Thì ra hắn ta nghi ngờ vợ mình trước
khi lấy chồng từng tư thông với kẻ nào đó trên phố, thấy cô ta cãi nhau
với mình lại chạy ra phố, cho rằng cô ta đi tìm gian phu, lửa giận bốc
lên mất hết lý trí, nhân lúc vợ trở về đang quay người khép cửa, bèn vớ
sợi dây bên cạnh siết cổ cô ta đến chết. Tới khi định thần lại, hắn vội
vã treo cô ta lên xà nhà, ngụy trang thành tự sát, hòng bưng bít sự
việc.”
Lý Nhuận tán thưởng, “Suýt nữa hắn ta lấp liếm được rồi,
nào ngờ lại bị một cô bé mười hai tuổi vạch trần, có lẽ trong chốn u
minh, ông trời cũng không muốn bỏ qua cho hắn.”
“Đúng thế đúng
thế, Hoàng Tử Hà mới mười hai tuổi, chỉ nói một câu đã phá được một vụ
án mạng. Từ bấy giờ người kinh thành ai ai cũng ca tụng cô ta là thiên
tài. Thỉnh thoảng bộ Hình có vụ án nào khó khăn, Hoàng Tử Hà cũng giúp
Hoàng Mẫn lần ra manh mối, thế nên Hoàng Mẫn từng khoe với người ta
rằng, con gái nhà ta còn hơn mười đứa con trai nhà khác. Nào ngờ cuối
cùng cũng chính đứa con gái này hạ độc giết cả gia đình, gây ra một vụ
án kinh thế hãi tục.”
Lý Thư Bạch thấy đôi mi đong đầy nắng của
Hoàng Tử Hà hơi run rẩy. Nhưng chỉ một thoáng cô đã cụp mắt xuống, lặng
lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng tựa một nhành hoa rung rinh trước gió. Lý Thư
Bạch thầm nghĩ, ai mà ngờ được, một thiếu nữ thanh tú mảnh mai như thế
lại bình thản đứng giữa đám người đang rôm rả bình luận về mình, nghe
quá khứ xấu xa cùng tội lỗi của mình được người ta kể lại mà mặt cũng
không đổi sắc.
Lý Nhuế kể xong câu chuyện, mọi người đều cảm thán mất một lúc, đột nhiên Lý Nhuận lại nghĩ ra một việc, “Nếu Hoàng Tử Hà
đang ở kinh thành, chẳng biết có phá giải được vụ kỳ án trong kinh hiện
giờ hay không?”
Lý Nhuế hỏi, “Có phải Thất ca nói vụ án Bốn phương khiến người người thấp thỏm bấy nay?”
Lý Nhuận gật đầu. Lý Vấn vội gặng, “Án Bốn phương cái gì cơ? Sao đệ chẳng biết?”
“Là vụ án mới xảy ra gần đây thôi, rất lạ lùng, tàn nhẫn và đẫm máu. Mọi
người nghĩ đệ còn nhỏ tuổi, nên tránh đả động đến trước mặt đệ.” Lý Nhuế cười nói, “Không biết thì thôi. Đệ nên để đầu óc rảnh rang mà đi học
hỏi mấy vị học sĩ trong Hàn Lâm Viện thì hơn.”
“Ứ chịu đâu, Cửu
ca nói còn hay hơn đám học sĩ hàn lâm kia nhiều, vụ án Bốn phương gì đó, đệ nhất định phải nghe ngóng mới được.” Nói đoạn Lý Vấn đứng dậy, chạy
đến ngồi ngay xuống cạnh Lý Nhuế, chăm chăm nhìn gã, ánh mắt hệt như
chim non mong mẹ.
Lý Nhuận cười, “Cửu đệ kể đi, tuy cũng đã nghe
đồn nhưng ta chỉ biết loáng thoáng thôi, hằng ngày đệ thích nhất là lân
la lầu trà quán rượu hóng chuyện mà, giờ ngoài phố nói thế nào rồi?”
Lý Nhuế nhìn sang Lý Thư Bạch, “Tứ ca quen thân với Đại Lý Tự và Hình bộ, chẳng hay Tứ ca đã có manh mối nào mới chưa?”
Lý Thư Bạch chậm rãi lắc đầu, “Không có, hai nơi đều đang dốc sức điều tra, nhưng chưa thấy tiến triển.”
“Vậy đệ kể lại một lượt dựa trên những gì nghe ngóng được nhé.” Lý Nhuế ra
hiệu cho Cẩm Nô rót rượu cho mình, rồi tỏ vẻ thần bí hỏi Lý Vấn, “Đệ có
biết gần đầy ở phía Đông thành Trường An lòng người hoang mang rối loạn, tuy không đến nỗi mười nhà thì chín nhà bỏ không, nhưng phần lớn đều đã chạy sang những nơi khác trong kinh thành, hoặc đến trú nhờ nhà người
quen bạn bè ở ngoại ô, không dám ở phía Đông thành nữa hay không?”
“Vậy ư? Thảo nào gần đây dường như cả chợ Đông cũng buôn bán kém hẳn đi, lần trước đệ đi dạo phố thấy rất nhiều hiệu buôn đóng cửa.” Lý Vấn càng
thêm tò mò, “Chuyện này là sao vậy? Phía Đông thành xảy ra việc gì thế?”
“Việc gì ấy à, thì phải kể từ ba tháng trước. Sáng sớm ngày 17 tháng Giêng,
lính canh trong cung Thái Cực phía Bắc thành như thường lệ đi tuần sớm,
phát hiện một phu canh ngoài sáu mươi tuổi bị giết ở chân tường, trên
tường còn có một chữ ‘Tịnh’ viết bằng máu.” Lý Nhuế kể rất sinh động,
giọng sang sảng dễ nghe, vẻ mặt cũng hào hứng. Nếu không nghe nội dung,
có khi còn tưởng gã đang kể chuyện giai nhân tài tử, chứ ai ngờ là án
mạng.
“Một tháng sau, ngày 21 tháng Hai, ở phường An Nghĩa phía
Nam thành lại có một người thợ rèn hơn ba mươi bị giết bên ngoài hiệu
thuốc, trên tường viết một chữ ‘Lạc’. Ngày 19 tháng Ba, phường Thường An phía Tây thành xảy ra án mạng tại một nhà từ thiện, một đứa bé bốn tuổi bị giết, để lại một chữ ‘Ngã’. Bộ Hình kiểm tra nét chữ và thủ pháp
giết người, cho rằng ba vụ án này đều cùng một hung thủ, nên tạm đặt tên là án Bốn phương. Theo Đại Bát Niết Bàn kinh chú giải, thì bốn phía của cây bồ đề đại diện cho bốn đức là ‘Thường, Lạc, Ngã, Tịnh(*)’, phương
Đông đại diện cho Thường, Nam đại diện cho Lạc, Tây đại diện cho Ngã,
Bắc đại diện cho Tịnh. Đương lúc người trong kinh hoang mang lo sợ, trên phố lại có lời đồn rằng, những người này đều bị ác quỷ giết chết, vì
ngày mùng 1 tháng Giêng năm nay pháp sư Trang Chân niệm sai câu kinh
trong pháp hội, khiến cho ác quỷ ở lại phàm trần làm loạn, ắt phải giết
hết bốn người ở bốn phương kinh thành rồi mới đi.”
(*) Bốn đức
của Chân tâm. Thường là không thay đổi, không sinh diệt. Lạc là không
yêu ghét, một niềm vui siêu thế. Ngã là tự do tự tại. Tịnh là trong
sạch, không bị ô nhiễm, dù là sống giữa đời thế tục. Theo Đại thừa,
Thường, Lạc, Ngã, Tịnh cũng là bốn thuộc tính của Niết Bàn.
“Trang Chân pháp sư thì đệ biết! Hình như là cao tăng chùa Tiến Phúc đúng
không? Lúc Toại Ninh công chúa ra đời, Trần chiêu dung sinh khó nên
trong cung mời ông ta đến làm pháp sự.” Lý Vấn hiếu kỳ hỏi, “Có điều
nghe nói mấy hôm trước ông ta đã qua đời, lẽ nào cũng liên quan đến
chuyện này?”
Lý Nhuế gật đầu, “Trang Chân pháp sư nghe được lời
đồn đại trong kinh rằng án mạng đều bắt nguồn từ ông ta, lại nhớ hôm đó
khi giảng Đại Bát Niết Bàn kinh chú giải, quả thực đã đọc sai, lẽ ra
phải đọc là ‘lạc’, ông ta lại sơ ý đọc thành ‘nhạc’, đúng là lầm lỗi
lớn. Bởi thế ông ta đâm ra buồn bã tức giận, chẳng được mấy hôm thì tọa
thiền mà qua đời. Sau khi ông ta viên tịch, lời đồn trong kinh càng rộ
lên, nói chùa Tiến Phúc nằm chính giữa kinh thành, cái chết của Trang
Chân pháp sư chính là ứng với cây bồ đề, mặt hướng về bốn phương tám
hướng, hiện giờ Bắc, Nam, Tây đều đã xảy ra án mạng, chỉ còn lại một
mạng người ở Đông thành đại diện cho ‘Thường’ mà thôi. Người Đông thành
tin lời đồn, nhất thời lòng dân rối loạn, rất nhiều hộ bỏ nhà bỏ cửa
chạy đến nương nhờ họ hàng hòng tránh nạn, Đông thành đã gần như bỏ
trống rồi.”
Lý Nhuận thở dài hỏi Lý Thư Bạch, “Tứ ca, chuyện ầm ĩ như thế, giờ đã chết mất ba người, lẽ nào Đại Lý Tự và Hình bộ không có hành động gì hay sao?”
Lý Thư Bạch đáp, “Hung thủ ra tay vừa
chuẩn xác vừa tàn nhẫn, lại rất giỏi ẩn náu, dân số thành Trường An lên
đến cả trăm vạn người, muốn tìm ra một kẻ thực chẳng khác mò kim đáy bể. Tuy Đại Lý Tự và Hình bộ đã huy động toàn bộ lực lượng, song đến giờ
vẫn chẳng thu hoạch được gì. Giờ đã tháng Tư, cứ theo lệ mỗi tháng giết
một người thì hung thủ cũng sắp ra tay đến nơi, bởi thế Hình bộ và Đại
Lý Tự cũng rải người khắp kinh thành, trừ việc đó ra, tạm thời chưa tìm
được biện pháp gì cả.”
Lý Nhuận than thở, “Thường Lạc Ngã Tịnh,
rõ ràng là câu kệ nhà Phật, vậy mà lại bị đem ra làm lời nhắn để lại
hiện trường án mạng, vụ án này quả là kỳ dị tàn ác, thật khó suy đoán… E rằng dù Hoàng Tử Hà có ở kinh thành, cũng khó mà phá được.”
Lý
Nhuế ngẫm nghĩ, “Vậy mà Chu Tử Tần năm lần bảy lượt bảo đệ rằng, Hoàng
Tử Hà tài giỏi tuyệt luân, dưới gầm trời này không có vụ án nào làm khó
được cô ta.”
“Đáng tiếc, tiểu thư nhà Hoàng thị lang giờ đã thành hung thủ giết người, phải trốn chui trốn nhủi, người người đều có thể
bắt giết,” Lý Thư Bạch nói. Hoàng Tử Hà đứng sau lưng y vẫn lặng thinh,
không hề nhúc nhích.
Mọi người lại cảm thán, Lý Nhuận nhận xét,
“Vụ huyết án của nhà họ Hoàng, đệ thấy ắt có nội tình, ít ra… cũng không đơn giản như thế.”
“Vụ này bằng cớ rành rành, nhân chứng vật
chứng đều có đủ, việc Hoàng Tử Hà phạm tội đã chắc như đinh đóng cột,
không có khả năng lật lại bản án đâu.” Lý Nhuế lắc đầu, hỏi lại, “Thất
ca nói thế, lẽ nào đã biết nội tình vụ án ư?”
“Nào có, song Vương Uẩn là bạn thân của ta, ta không thể tin chuyện này được.”
Lý Vấn tò mò hỏi, “Vương Uẩn nào thế?”
Lý Nhuận đáp, “Đương nhiên là Vương Uẩn biểu đệ của hoàng hậu, cháu đích tôn nhà họ Vương ở Lang Gia.”
“Chính thị. Vương Uẩn là vị hôn phu của Hoàng Tử Hà.” Lý Nhuế ra vẻ thần bí,
“Nghe đồn Hoàng Tử Hà không chịu theo Vương Uẩn vì đã có ý trung nhân
khác, bởi vậy mới hạ độc giết chết cả nhà, hòng bỏ trốn cùng tình nhân.”
Sau lưng Lý Thư Bạch, Hoàng Tử Hà thõng tay đứng hầu, không nói một lời. Chẳng hiểu sao, Lý Thư Bạch bật cười khẽ.
Lý Nhuế lập tức đưa mắt nhìn y, “Tứ ca thấy sao?”
Lý Thư Bạch cười đáp, “Không có gì, chỉ là ta nghĩ, Thất đệ và Vương Uẩn rất thân nhau, hẳn cũng từng gặp Hoàng Tử Hà?”
“Cũng có thể xem như gặp một lần.” Lý Nhuận gật đầu, “Ba năm trước, vì có
công giúp Hoàng đại nhân phá hàng loạt kỳ án nên cô ta được hoàng hậu
triệu tới khen thưởng. Hôm ấy Vương Uẩn tới tìm đệ, kể rằng Hoàng Tử Hà
là vị hôn thê của y. Đệ hiểu ý, bèn theo y vào cung, mượn cớ thỉnh an
hoàng hậu, thực ra là muốn nhìn lén dung mạo cô nương đó.”
Lý Vấn vội truy hỏi, “Vậy là Thất ca thấy rồi? Hoàng Tử Hà trông thế nào?”
“Nói thấy thì cũng hơi miễn cưỡng. Chúng ta vào cung hơi muộn, cô ta lui ra
mất rồi, bấy giờ đang đi sau các cung nữ ở hành lang phía xa, mình vận
áo lụa màu ngân hồng, tóc đen nhánh, da trắng muốt, bước chân nhẹ nhàng, dáng người yểu điệu, chẳng khác đóa hoa mới nở. Đi đến chỗ ngoặt cuối
hành lang cô ta phải quay người để rẽ, chúng ta mới được thấy một bên
mặt.”
Lý Nhuế hỏi, “Là một mỹ nhân ư?”
Lý Nhuận gật đầu, “Quả thực là một mỹ nhân, giống hệt hình vẽ trên hải bộ văn thư.”
“Thật tiếc cho Vương Uẩn.” Lý Vấn cười.
Trong cung rốt cuộc cũng đưa tin sang, báo rằng chứng đau đầu của hoàng đế
lần này rất nặng, tạm thời không thể đến. Cả đám Lý Thư Bạch liền đứng
dậy, đi vào hoàng cung xem xét tình hình khánh thành. Đương nhiên hành
cung không thể xa hoa rộng rãi như cung Đại Minh, cũng không mênh mông
bát ngát như cung Cửu Thành, song vừa đi vừa nghỉ vẫn cần đến cả canh
giờ.
Hoàng Tử Hà luôn bám theo sau Lý Thư Bạch. Thân hình cô yểu
điệu, vận bộ đồ hoạn quan lại càng toát lên vẻ thanh nhã, dáng người
dong dỏng cao, dù chỉ lặng lẽ cúi đầu đi sau cũng khiến người ta thấy
rất đẹp đẽ.
Dọc đường, Lý Nhuế cứ liếc cô, cười nói, “Tứ ca sao lại đổi hầu cận? Hình như đệ chưa gặp tên này bao giờ.”
Lý Thư Bạch thản nhiên đáp, “Mấy tên Cảnh Hữu Cảnh Dục, chẳng biết tên nào lây cho tên nào, đều bị phong hàn cả rồi.”
Lý Nhuận cũng quan sát Hoàng Tử Hà mấy lần, nét mặt thoáng băn khoăn, như
thể thấy cô hao hao một người nào đó y từng gặp, chỉ là trong chốc lát
không sao ngờ được tên tiểu hoạn quan này lại giống thiếu nữ y nhác thấy năm xưa mà thôi.
Lý Nhuế tiếp tục vặn vẹo, “Này, tiểu công công kia, ngươi tên gì thế, bao nhiêu tuổi rồi?”
Lý Thư Bạch cười cười, quay sang hỏi Hoàng Tử Hà, “Hình như Chiêu vương
rất ưng ý ngươi, dù sao thấy bộ dạng lóng nga lóng ngóng của ngươi ta
cũng ngứa mắt lắm. Hay là ngươi theo Chiêu vương đi, thế nào?”
Hoàng Tử Hà thoáng
sững sờ, thấy mọi con mắt đều đổ dồn vào mình, cô liền thong thả quỳ
xuống, khẽ thưa, “Nô tài thường nghe nói, chim không đậu hai cành, người không thờ hai chủ. Cây trà đã nảy mầm khó mà dời chỗ, giống quýt chuyển đến Hoài Nam chỉ đậu quả chua. Nô tài ngu ngốc, rời Quỳ vương phủ rồi e nhất thời khó mà thích ứng, lại đụng phải quý nhân, gây ra lầm lỗi.”
Lý Nhuế cười nói, “Tứ ca khéo dạy thực, hắn tuôn cả tràng thế này, nếu đệ còn khăng khăng đòi người, e làm lỡ lý tưởng của hắn.”
Lý Thư Bạch nửa cười nửa không, chỉ nói, “Lẻo mép!”
May sao đúng lúc này Khang vương Lý Vấn lại than mệt nên cả đám mới chịu buông tha Hoàng Tử Hà, theo đường cũ trở về.
Đi giữa lớp lớp vườn hoa và tường vách, Lý Thư Bạch từ từ chậm bước, đến
bên một bụi trúc phượng vĩ, thấy bên cạnh không còn ai khác, chỉ có mình Hoàng Tử Hà vẫn theo sau, y mới lạnh lùng quay lại nhìn cô, “Hoàng Tử
Hà, ngươi theo ta làm gì?”
Hoàng Tử Hà cúi mặt đáp, “Chim khôn
chọn cành mà đậu, tôi muốn ở lại bên cạnh vương gia, dùng chút sức mọn
của mình, giúp vương gia vài việc vặt.”
“Việc gì?” Y lạnh nhạt hỏi.
“Xa thì như con cá đỏ kia, gần thì như vụ án Bốn phương gần đây.”
Ánh mắt y dừng lại trên gương mặt cúi gằm của cô, lạnh lùng mà khinh miệt,
tựa như đang nhìn một hạt bụi trong không khí, “Những việc đó, có việc
ngươi không đáng mặt tham dự, có việc lại chẳng can hệ tới ta, cần gì
ngươi lắm chuyện?”
Hoàng Tử Hà đứng dưới bóng trúc phượng vĩ,
những chiếc lá mảnh dài bao phủ lấy thân hình, khiến gương mặt trắng tái như phủ màu lục nhạt, càng thêm phần gầy gò xanh xao. Cô ngẩng lên nhìn y, nói nhỏ nhưng cương quyết, “Song Đại Lý Tự và Hình bộ đã bó tay, bệ
hạ lại sinh bệnh, tôi nghĩ, e rằng chỉ mình Quỳ vương mới có thể chia sẻ nỗi lo với bệ hạ mà thôi.”
“Thực ra ngươi muốn tìm một chỗ dựa
để giúp ngươi rửa oan chứ gì?” Y vạch trần không chút nể nang, “Vừa rồi
Chiêu vương định thu nhận, chẳng phải ngươi cũng có cơ hội đấy thôi?”
“Theo Chiêu vương thì chẳng có cơ hội nào cả.” Mặt Hoàng Tử Hà tái nhợt, đáy
mắt nhàn nhạt ánh xanh, song không hề do dự. “Tôi không cần một chốn
nương thân, cũng không cần sống yên ổn, tôi muốn được đứng dưới ánh mặt
trời lần nữa, rửa sạch những khuất nhục mà cả nhà tôi phải chịu.”
Lý Thư Bạch sầm mặt, lạnh lùng quan sát cô. Cô vẫn ngẩng lên nhìn y, ngoại trừ khẩn nài, gương mặt cô còn toát lên vẻ quật cường âm thầm, kín đáo
tựa sương đêm, nhưng cũng vẫn rành rành ra đó.
Lý Thư Bạch lạnh
lùng hừ một tiếng, quay người trở về chính điện. Hoàng Tử Hà vội theo
sau, y không ngoái đầu, song cũng không rảo bước nhanh hơn.
Ra
tới cổng thì thấy các vương gia kia đều đang đợi để từ biệt Quỳ vương.
Nghe đám hoạn quan nói, mấy ngày nữa hoàng đế sẽ triệu tập quần thần
cùng đề thơ nối câu vịnh cảnh nước non trong hành cung, mọi người bất
giác đều nhìn nhau cười khổ não.
Đợi mọi người đi cả, chỉ còn Lý
Nhuận và Lý Thư Bạch rớt lại sau cùng, Lý Nhuận không khỏi than thở, “Bệ hạ cũng thoải mái quá, hiện giờ phiên trấn cát cứ, hoạn quan cậy thế,
vậy mà vẫn có thể tiệc tùng vui chơi suốt buổi…”
Lý Thư Bạch hờ hững đáp, “Bệ hạ là thiên tử thái bình, đây cũng là phúc phận của người và bá tánh trong thiên hạ.”
Lý Nhuận cười, “Tứ ca nói phải lắm.” Ánh mắt y dừng lại ở Hoàng Tử Hà, gương mặt hòa nhã dịu dàng đầy vẻ nghi hoặc.
Lý Thư Bạch hỏi, “Sao thế?”
“Hình như đệ từng gặp vị công công này ở đâu rồi thì phải.” Ý y muốn nói Hoàng Tử Hà.
Lý Thư Bạch liền bảo, “Hôm nay ta cũng mới gặp lần đầu, chi bằng để hắn sang hầu hạ đệ?”
“Tứ ca lại đùa rồi, vừa nãy Cửu đệ đã bị cự tuyệt, lẽ nào đệ còn tự trát
trấu lên mặt ư?” Lý Nhuận cười, nụ cười khiến nốt ruồi son trên trán
càng thêm phần đẹp đẽ.
Hoàng Tử Hà cúi đầu đứng đó, không phải cô không trông thấy ngày xuân yên ổn ngay trong tầm tay với, có điều cô đã chọn lấy con đường gian nan nhất, không thể quay đầu được nữa, huống hồ tham sống sợ chết không phải lối sống của cô.
Đợi các vương đi cả, Lý Thư Bạch mới lên xe. Hoàng Tử Hà đứng bên ngoài, còn đang tần ngần thì nghe thấy giọng y, “Lên đi.”
Cô vội vã theo lên, đứng dựa vào cánh cửa.
Xe ngựa chầm chậm lăn bánh. Ra khỏi phạm vi hành cung, trước sau đều là
đồng hoang, Lý Thư Bạch dõi nhìn cảnh vật bên ngoài, bỗng lạnh lùng nói, “Ta cho ngươi mười ngày.”
Hoàng Tử Hà tựa vào cánh cửa nhìn y, không thốt một lời, đợi y nói tiếp.
Ánh mắt y từ từ rời khỏi cảnh vật bên ngoài, dừng lại ở cô, cặp mắt lạnh
như băng, song lại thăm thẳm sáng rỡ, khiến nhịp thở của cô nghẽn lại.
“Vụ án trưa nay chúng ta thảo luận trong cung Kiến Bật đó, ta cho ngươi thời gian mười ngày, ngươi có dám chắc không?”
“Có lẽ.” Hoàng Tử Hà đáp ngắn gọn.
Y dựa vào vách xe, vẻ nhàn nhã, “Đây là cơ hội để ngươi tiến tới việc rửa oan cho mình, lấy lại sự trong sạch, đương nhiên cũng sẽ vạch trần được chân tướng, báo thù cho cha mẹ ngươi.”
Hoàng Tử Hà thoáng nghĩ ngợi rồi hỏi, “Ý vương gia là, nếu tôi phá được vụ án này, gia có thể giúp tôi trả thù nhà luôn ư?”
“Dĩ nhiên không rồi.” Đường núi gập ghềnh, thấy thân hình cô lắc lư theo
nhịp xóc nảy của xe, Lý Thư Bạch hơi hất cằm, ra hiệu cho cô ngồi xuống
chiếc ghế thấp trước mặt mình, rồi nói, “Ta có một việc, muốn tìm người
giúp, nhưng hiện giờ ngươi không bằng không cứ thình lình xuất hiện
trước mặt ta, bảo làm sao ta tin vào năng lực của ngươi được?”
“Tôi hiểu rồi.” Hoàng Tử Hà gật đầu, “Phá được vụ án này trong vòng mười
ngày, tôi mới có tư cách giành được lòng tín nhiệm của vương gia.”
Lý Thư Bạch gật đầu, “Ít ra ngươi phải chứng minh cho ta thấy là ngươi
đáng được giúp đỡ, chứ ta không rỗi việc đến nỗi tự dưng lại đi giúp một kẻ bất tài vô dụng, chỉ biết khua môi múa mép đâu.”
Hoàng Tử Hà
ngồi xuống ghế, cúi đầu nghĩ ngợi rồi hỏi, “Hình bộ và Đại Lý Tự đầy rẫy nhân tài, chắc hẳn đã phái vô vàn người đi xử lý vụ việc, vương gia
định để tôi điều tra với thân phận gì đây?”
“Ta sẽ trực tiếp dẫn ngươi đến Hình bộ xem xét hồ sơ.” Lý Thư Bạch nói ngay.
“Được.” Hoàng Tử Hà giơ tay vuốt tóc mai, đoạn rút cây trâm gỗ đang cài trên
tóc. Trâm vừa rút ra, mái tóc như tơ xanh của cô tức thì xõa xuống, đổ
dài từ vai tới người. Những sợi tóc còn âm ẩm chẳng khác nào đám rong
rêu đen tuyền, xoắn xuýt lấy nhau, che khuất quá nửa gò má tái nhợt.
Cô thoáng ngây người rồi lúng túng gạt mái tóc ra sau lưng, “Xin lỗi,
trước đây tôi quen dùng trâm đánh dấu, quên bẵng hiện giờ đang là tiểu
hoạn quan, chỉ có một cây trâm cài tóc…”
Lý Thư Bạch hơi cau mày, không nói gì. Hoàng Tử Hà cúi đầu giơ tay lên, cuộn lấy mái tóc dài rồi vấn lại thành một búi ngay trước mặt y.
Thiếu nữ này lặn lội trăm sông nghìn núi không mảy may chần chừ e ngại, vậy mà lúc này bất giác lại lộ ra vẻ e lệ thẹn thùng.
Lý Thư Bạch ngó cô, thấy gương mặt cúi gằm ưng ửng hồng. Dường như lúc này y mới phát hiện, thậm chí còn cảm nhận sâu sắc hơn so với lúc tóm chặt
cổ cô, rằng Hoàng Tử Hà vẫn chỉ là một thiếu nữ mười bảy non thơ, khác
hẳn vẻ già dặn bình tĩnh mà cô thường tỏ ra.
Cảm giác được y đang quan sát mình, cô kín đáo ngẩng lên liếc trộm. Chỉ một cái liếc cũng đủ để y trông thấy đôi mắt trong trẻo sáng rỡ ẩn dưới hàng mi, sâu thẳm
như hòa tan cả nước thu, đặt trên nền gương mặt mịn màng tựa cánh đào.
Các đường nét tuy không phải tuyệt sắc, song vầng trán thanh tao toát lên
vẻ thuần khiết như trời xanh lồng lộng tháng Năm. Thần thái xa cách, nửa lạ lẫm nửa từng trải, tất cả thấp thoáng trong đôi mắt đang nhìn y, ngỡ ngàng mà cảnh giác.
Là một mỹ nhân.
Y nhớ lại nhận xét của Lý Nhuận, về ấn tượng với Hoàng Tử Hà mười bốn tuổi.
Thiếu nữ mười bốn một bước nổi danh thiên hạ, giờ đã thành nữ tử mười bảy yểu điệu thướt tha. Mang trên vai mối oan tày trời về mẹ cha, gánh hết
những lời xỉ vả của mọi người trong thiên hạ, song không hề suy sụp,
ngược lại còn đương đầu khó khăn mà tiến bước, nỗ lực tìm kiếm sự thật,
cố dùng sức mình rửa sạch oan khuất, vạch trần chân tướng.
E rằng nếu chỉ nhìn dáng vẻ này của cô, chẳng ai tin được cô chính là Hoàng Tử Hà, bất kể là Hoàng Tử Hà tiếng lành đồn xa, hay tiếng dữ đồn xa.
Hoàng Tử Hà chăm chú nhìn y, đoạn đưa tay sờ mặt mình, vừa căng thẳng vừa lúng túng.
“Giống hình vẽ trên cáo thị lắm.” Lý Thư Bạch ngoảnh sang ngắm nhìn cành lá um tùm giăng mắc vào nhau trên tấm rèm gấm. “Về sau đừng để ai trông thấy
dáng vẻ này của ngươi nữa.”
“Vâng.” Cô đáp gọn, quấn chặt mái tóc lại, đoạn hỏi, “Vương gia còn nhớ thời gian xảy ra vụ án mà họ kể không?”
Lý Thư Bạch đáp ngay, không chút ngập ngừng, “17 tháng Giêng, 21 tháng Hai, 19 tháng Ba.”
“Hôm nay là 16 tháng Tư. Cũng tức là, nếu thời gian gần giống nhau thì sắp
đến lúc hung thủ ra tay rồi.” Cô dùng ngón tay chậm rãi viết mấy con số
lên vách xe, ngẫm nghĩ, “Trong vòng mười ngày, hung thủ ắt có động
tĩnh.”
“Chỉ dựa vào mấy con số này, ngươi có thể lần ra hung thủ giữa cả trăm vạn người ở kinh thành không?”
“Không thể.” Cô ngừng tay viết, nghĩ ngợi, “Khi chưa nắm được đặc điểm và động cơ của hung thủ thì không thể tóm hắn giữa cả biển người được.”
Lý Thư Bạch thờ ơ quan sát cô, “Thế nên, ngươi không nắm chắc hả?”
Ngón tay lại vô thức vạch lên vách xe, Hoàng Tử Hà lẩm bẩm, “17 tháng Giêng, người chết là một phu canh già, hung thủ để lại chữ Tịnh. 21 tháng Hai, thợ rèn trung niên, chữ Lạc. 19 tháng Ba, đứa trẻ bốn tuổi, chữ Ngã…”
Lý Thư Bạch nối lời, “Án Bốn phương. Vụ đầu tiên ở hướng chính Bắc kinh
thành. Vụ thứ hai, chính Nam. Vụ thứ ba, ở Tây thành chếch về phía Nam.”
Hoàng Tử Hà nghĩ ngợi, “Theo lý nếu thực sự hướng về bốn phía, hắn nên tìm
đúng phương vị chính Bắc, chính Nam, chính Tây mới phải, vậy mà vụ thứ
ba lại ở Tây thành chếch về phía Nam, không khỏi lạ lùng.”
“Có lẽ ở hướng chính Tây không có mục tiêu của hắn, hoặc làm thế này tiện tránh tai mắt người đời hơn.”
“Trước mắt thì tất cả đều có khả năng, nhưng vẫn không biết được nguyên nhân
xác thực.” Hoàng Tử Hà nói, lại bấm ngón tay hồi tưởng, “Nạn nhân thứ
nhất là một ông lão, thứ hai là một người trung niên, thứ ba là một đứa
bé.”
Lý Thư Bạch ngả người ra nệm tựa, chỉnh lấy tư thế thoải mái nhất rồi đủng đỉnh nói, “Chuyện này ta từng hỏi thôi thừa(*) ở bộ Hình. Hai kẻ đứng tuổi và già lão yếu ớt kia thì cũng thôi, có lẽ hung thủ
chỉ muốn tìm một kẻ không có sức kháng cự để ra tay, nhưng đứa trẻ ở vụ
án thứ ba lại khiến ta thấy rất lạ lùng. Bởi lẽ đó là một đứa bé bốn
tuổi đã đói rét đến mức chỉ còn thoi thóp, bị cha mẹ vứt bỏ, sau khi
được người qua đường phát hiện đưa đến nhà từ thiện thì không cứu nổi
nữa. Dù hung thủ không ra tay, e rằng đứa bé cũng không qua nổi đêm ấy,
vậy mà hung thủ lại phải đột nhập vào nhà từ thiện giết chết nó, chẳng
phải vẽ rắn thêm chân sao?”
(*) Tên một chức quan, quản lý việc
thẩm vấn hình ngục và truy tìm vật chứng. Thực ra đến thời Tống Thần
Tông (năm 1079 Công nguyên) mới đặt ra.
“Ồ, điểm này quả là kỳ
lạ. Một đứa bé đang hấp hối, tại sao hung thủ phải mạo hiểm liều mình,
bất chấp bị người ta phát hiện, lẻn vào nhà từ thiện để hạ sát?” Hoàng
Tử Hà cau mày, ngón tay lại bắt đầu vô thức viết bốn chữ “Thường Lạc Ngã Tịnh” lên vách xe.
Lý Thư Bạch nhìn dáng vẻ tiện tay viết lên
vách của cô, hơi cau mày rồi đưa mắt nhìn ra núi non thấp thoáng ngoài
rèm cửa, giọng lạnh tanh, “Vụ án chỉ có chừng ấy manh mối thôi, nếu
ngươi muốn phá trong vòng mười ngày thì mấu chốt nằm ở đâu?”
“Đã
không tìm được manh mối và vật chứng ở mấy lần trước, thì biện pháp tốt
nhất là suy đoán thời gian, địa điểm và mục tiêu của lần ra tay tiếp
theo.” Hoàng Tử Hà không ngẩng lên, vẫn nhìn chằm chằm vào ngón tay
mình, thong thả bấm tay tính toán.
“Ta cũng nghĩ thế. Bởi vậy nếu ngươi nắm chắc, ta có thể cho ngươi mấy ngày theo các sai dịch trong
kinh cũng đi điều tra vụ án. Có điều ngươi phải để ý đầu tóc đấy, đừng
để người ta phát hiện là nữ nữa.”
“Không cần đâu.” Hoàng Tử Hà
giơ tay sờ nhẹ cây trâm trên đầu mình, đoạn quay sang nhìn y, khuôn mặt
vẫn nghiêm trang song đôi môi đã cong lên, toát ra vẻ tự tin và ung
dung. “Tôi đã biết quy luật gây án của hung thủ rồi. Chỉ cần hắn dám lộ
diện lần nữa, tôi sẽ tìm ra nơi hắn xuất hiện.”
Lý Thư Bạch thoáng ngẩn người trước dáng vẻ tự tin của cô, “Ngươi nắm chắc rồi ư?”
“Đúng thế, chỉ cần vương gia cho tôi một cuốn hoàng lịch.” Gió nhẹ từ ngoài
thổi tới, yên ả len qua rèm, ánh nắng cũng thư thả rọi vào, bao bọc
Hoàng Tử Hà, lồng bóng cô sáng rõ ràng, đôi mắt trong trẻo như sương sớm của cô dán chặt vào Lý Thư Bạch.
Y bỗng ngẩn ngơ, một lát sau mới thốt, “Được, vậy ta rửa mắt chờ xem.”