Truy Tìm Bức Tranh Thánh

Chương 2: APPLESHAW, ENGLAND Tháng Sáu, 1966



“Và cho con trai yêu quý duy nhất của tôi, Đại uý Adam Scott, Huân chương Chiến công, tôi để lại số tiền là năm trăm bảng”.

Mặc dù đã đoán trước là số tiền sẽ rất thảm hại, nhưng bất giác Adam vẫn nhổm người lên một tí khi viên luật sư ngước mắt lên qua cặp kính hình bán nguyệt.

Viên luật sư già ngồi sau chiếc bàn rộng thênh thang ngẩng đầu nhìn người thanh niên đẹp trai trước mặt. Adam hồi hộp đặt tay lên mái tóc đen dày, chợt cảm thấy ý thức được cái nhìn chằm chằm của viên luật sư. Một lúc sau ngài Holbrooke lại đưa mắt nhìn xuống tờ giấy.

“Và cho con gái yêu dấu của tôi, Margaret Scott, tôi để lại số tiền bốn trăm bảng”.

Adam không thể kìm được khỏi mỉm cười. Thậm chí ngay cả trong những công việc cuối cùng cha anh vẫn là người theo chủ nghĩa Sôvanh

Ngài Holbrooke tiếp tục nói, không hề ái ngại cho cô Scott bất hạnh.

“Và cho Câu lạc bộ Cricket Hampshire, tôi để lại hai lăm bảng, với tư cách là một hội viên suốt đời” – Món đóng góp cuối cùng, Adam thầm nghĩ – “Cho bõ già Contemplibles tôi để lại mười lăm bảng. Và cho nhà thờ Appleshaw Parish, tôi xin để lại mười bảng – Một quan hệ chết chóc, Adam giễu cợt – Cho Wilf Proudfoot, người làm vườn trung thành – mười bảng và cho bà Manx Cox, người quét dọn hàng ngày – năm bảng.

Và cuối cùng, cho Susan người vợ yêu quí của tôi, ngôi nhà và tất cả tài sản còn lại của tôi”.

Câu cuối cùng làm Adam bật cười thành tiếng bởi vì anh ngờ là tất cả tài sản của chẳng còn gì, thậm chí nếu người ta có bán công trái của ông cùng với cái Câu lạc bộ đánh gôn thời tiền chiến ấy, tổng số cũng không quá một nghìn bảng.

Nhưng mẹ là con gái của Trung đoàn, và sẽ không bao giờ kêu ca phàn nàn. Nếu Chúa có định ban tặng thánh hiệu để cân xứng với một số Đức giám mục La mã, thì thánh Susan của Appleshaw ắt sẽ sánh vai cùng Mary và Elizabeth. Suốt đời Bố – Adam thường gọi cha theo cách âu yếm ấy – đã đề ra những chuẩn mực đạo đức rất cao cho cả gia đình. Có lẽ chính vì thế mà Adam vẫn ngưỡng mộ cha hơn tất cả mọi người khác trên đời. Đôi khi chính ý nghĩ đó đã khiến ông cảm thấy lạc lõng trong những năm sáu mươi chao đảo này.

Adam bắt đầu cựa quậy liên tục trong ghế, hy vọng mọi việc kết thúc nhanh. Anh cảm thấy càng sớm được rời khỏi căn phòng chật chội, lạnh buốt này bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Ông Holbrook một lần nữa ngẩng lên và hắng giọng tựa như sắp sửa thông báo ai sẽ được nhận một bức tranh của Goya, hoặc chuỗi kim cương của dòng họ Hapsburg không bằng. Ông đẩy đôi mắt kính hình bán nguyệt lên cao trên sóng mũi và nhìn xuống đoạn cuối cùng trong bản di chúc của khách hàng của mình. Ba người còn sống của gia đình Scott ngồi im lặng. Adam nghĩ, không hiểu cha còn có gì thêm nữa nhỉ.

Dẫu cho đó là cái gì đi chăng nữa thì rõ ràng viên luật sư cũng đã cân nhắc nhiều lần trước khi nói, bởi vì ông đọc đoạn di chúc đó giống như một diễn viên giỏi nhập vai, ông chỉ phải liếc nhìn vào văn bản có mỗi một lần trong khi đọc.

– Và tôi cũng để lại cho con trai tôi – Ông Holbrookes ngừng lại một chút rồi đọc tiếp – chiếc phong bì kèm theo đây. Tôi chỉ có thể hy vọng chiếc phong bì này sẽ có thể đem đến cho con trai tôi những điều hạnh phúc hơn những gì nó đã đem lại cho tôi.

Adam gặp ánh mắt của em gái nhưng cô chỉ hơi lắc đầu chứng tỏ cũng bối rối chẳng kém gì anh. Anh liếc nhìn sang mẹ, rõ ràng bà vừa bị choáng váng. Liệu chiếc phong bì đó đáng sợ hay đáng lo buồn? Adam không thể nào đoán được. Không nói thêm một lời nào, ông Holbrookes đóng tập hồ sơ mỏng tanh đề tên đại tá Gerald Scott, huân chương Anh dũng, Sĩ quan Ngự lâm Vương quốc Anh, huân chương Quân công, Huân chương Chiến công. Ông đẩy lùi chiếc ghế và chậm rãi đứng lên đi về phía người vợ goá. Họ bắt tay nhau, bà nói: “Cám ơn ông”, một cách nhã nhặn nhưng yếu ớt. Adam cảm thấy dường như người duy nhất trong căn phòng này nhận được phần nào tí chút lợi ích trong cái nghi thức thực hiện di chúc này là ông Holbrookes, nghĩa là nhân danh hãng Holbrookes, Holbrooke Gascoigne.

Anh đứng dậy và vội vã bước đến bên cạnh mẹ, bà hỏi:

– Ông Holbrookes, ông vui lòng uống trả với chúng tôi chứ?

Viên luật sư nói:

– Thưa phu nhân quý mến, tôi e là…

Nhưng Adam không buồn nghe tiếp. Rõ ràng phí dịch vụ đủ lớn để có thề miễn cho ông Holbrooke khỏi mất thì giờ đi uống trà với họ.

Khi mọi người đã ra khỏi văn phòng luật sư và yên tâm là mẹ và em gái đã ngồi yên ổn trên băng sau của chiếc xe con Moris Minor, Adam mới ngồi vào sau tay lái. Anh phải đỗ xe bên ngoài văn phòng của luật sư Holbrooke, ngay giữa phố. Các phố ở Appleshaw vẫn chưa có khu đỗ xe. Thậm chí trước khi anh mở chìa khóa điện để nổ máy, mẹ đã nêu lên một vấn đề thực tế:

– Chúng ta cần phải rũ bỏ cái xe này đi mới được. bây giờ mẹ không dám chạy xe nữa với cái giá sáu silling một galông xăng.

Margaret an ủi, nhưng trong giọng cô có cái gì đó thừa nhận mẹ nói đúng:

– Hôm nay mẹ không phải lo đến chuyện đó đâu – cô nói thêm muốn thay đổi đề tài câu chuyện – Adam, em thắc mắc không biết trong cái phong bì ấy có gì nhỉ?

Adam nói, muốn làm cho tâm trạng của cả ba người nhẹ bớt:

– Chắc là một bản chỉ dẫn tỉ mỉ phải điều tra xem năm trăm bảng của anh giấy ở đâu chứ gì.

Mẹ nói, nỗi sợ hãi lúc này lại trở lại trên gương mặt bà:

– Các con không được vô lễ trước cái chết như vậy. Mẹ đã van xin cha các con đốt cái phong bì ấy đi – bà nói thêm, giọng hầu như chỉ là thẩm thì.

Adam mím môi khi nhận ra đó ắt phải là chiếc phong bì mà cha mẹ anh đã nhắc đến cách đây nhiều năm khi anh chứng kiến một cuộc cãi nhau giữa họ, điều anh chưa bao giờ thấy. Adam vẫn còn nhớ rõ cái hôm cha anh đã cao giọng và giận dữ đó là chỉ vài ngày sau khi ông từ Đức trở về.

Bố đã khăng khăng nói:

– Anh phải mở nó ra, em có hiểu không?

Mẹ anh đã đáp:

– Không bao giờ. Sau tất cả những gì em đã hy sinh vì anh, ít nhất anh cũng đền đáp lại bằng cách hứa với em điều đó chứ.

Kể từ cuộc cãi nhau ấy, suốt hai mươi năm qua, anh không hề nghe thấy bố mẹ nhắc đến vấn đề đó lần nào nữa. Lần duy nhất Adam nói chuyện đó với em gái cũng chẳng làm sáng tỏ thêm tý nào về vấn đề đã làm hai người cãi nhau ấy.

Adam đạp phanh khi họ đến một ngã ba.

Anh rẽ sang phải và tiếp tục lái xe ra vùng nông thôn dọc con đường nhỏ ngoằn ngoèo khoảng một dặm mới dừng chiếc Moris Minor lại. Adam nhảy xuống, mở chiếc cổng chắn ngang đường rồi đánh xe vào con đường nhỏ xuyên qua một bãi cỏ dẫn vào một ngôi nhà tồi tàn lợp tranh.

Mẹ anh nói:

– Chắc là con nên quay lại London ngay.

Đó là những lời đầu tiên của mẹ khi bà bước vào phòng.

– Mẹ, con không vội đâu. Chẳng có việc gì cần đến nỗi không thể gác đến mai được cả.

– Tuỳ con muốn thế nào cũng được, con yêu quý của mẹ ạ. Nhưng con không phải lo cho mẹ đâu.

Bà đăm đăm nhìn chàng thanh niên cao dong dỏng gợi nhớ cho bà biết bao về Gerald. Lẽ ra anh cũng đẹp trai không kém gì chồng bà nếu mũi anh không hơi gẫy. Cũng mái tóc thẫm màu và đôi mắt sâu màu nâu, cũng khuôn mặt cởi mở, trung thực, thậm chí cũng vẻ lịch sự dễ gần đối với bất cứ người nào tiếp xúc với anh. Nhưng hơn tất cả là cũng vẻ thanh cao mà chính nó đã đưa gia đình họ đến tình trạng đáng buồn hiện nay.

– Với lại dù có thế nào thì lúc nào mẹ cũng đã có Margaret chăm nom rồi mà.

Adam nhìn sang em gái và băn khoăn không biết bây giờ làm thế nào cô có thể đương đầu với Thánh Susan của Appleshaw.

Margaret mới đính hôn với một anh chàng làm nghề mua bán cổ phiếu chứng khoán, và mặc dầu hôn lễ đã bị hoãn lại nhưng dù sao cô cũng vẫn muốn nhanh chóng bắt đầu cuộc sống mới của mình. Tạ ơn Chúa vì vị hôn phu của cô đã đặt cọc mua một ngôi nhà nhỏ chỉ cách đây có mươi bốn dặm.

Sau khi uống trà và nghe một hồi độc thoại của mẹ về đức độ cùng với những bất hạnh của cha họ, Margaret rút lui để hai người ngồi lại. Cả hai đều yêu quý cha anh theo hai cách khác hẳn nhau, mặc dầu Adam cảm thấy rằng anh chưa hề để cho cha biết mình ngưỡng mộ ông đến thế nào.

Mẹ anh bứt rứt nói:

– Con yêu quý, bây giờ con không ở trong quân đội nữa, mẹ hy vọng con có thể tìm được một việc làm gì đáng giá.

Tựa như mẹ muốn nhớ lại điều đó đối với cha anh đã khó khăn như thế nào.

Anh đáp:

– Mẹ, con chắc là mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi – Anh nói thêm, hy vọng có thể làm mẹ yên tâm – Bộ Ngoại giao đã yêu cầu con đến để gặp lại.

Mẹ nói:

– Với lại con cũng còn có năm trăm bảng nữa. Điều đó sẽ làm con dễ hơn được phần nào.

Adam mỉm cười với mẹ, tự hỏi không biết lần cuối cùng mẹ ở lại London là từ hồi nào. Một căn phòng thuê chung với Lawrence với giá bốn bảng một tuần và thỉnh thoảng cũng còn phải ăn nữa. Mẹ nhướng mắt nhìn lên đồng hồ trên mặt lò sưởi và nói:

– Con ạ, mẹ nghĩ là con nên đi thôi. Mẹ không thích phải lo sợ vì con đi trên cái xe ấy khi trời tối đâu.

Adam cúi xuống hôn lên má mẹ:

– Mai con sẽ gọi điện cho mẹ.

Trên đường ra cửa anh thò đầu vào cửa bếp gọi em gái:

– Anh đi đây, và sẽ gửi cho em một cái séc năm mươi bảng.

Margaret như chợt tỉnh từ một tâm trạng chìm đắm:

– Sao lại thế?

– Cứ tạm nói đó là một cú đấm của anh để ủng hộ nữ quyền đi.

Anh lịch sự đóng cửa lại để tránh không nhìn mớ quần áo lót trước mắt.

Adam khởi động chiếc BSA và lao xuống phố A 303, qua Andover rồi phóng về phía London. Bởi vì hầu như dòng xe cộ toàn từ thành phố đi ra và về phía tây, do đó anh dễ dàng phóng ngược lại, tới căn phòng của mình ở đường Ifiled.

Adam quyết định chờ cho đến khi nào chỉ có một mình trong phòng mới mở cái phong bì. Thời gian gần đây cuộc sống của anh không có nhiều sự kiện sống động lắm, nên anh cảm thấy mình như bị kiệt sức bởi buổi lễ nho nhỏ hôm nay. Rốt cuộc thì anh cũng đã chờ gần hết cả cuộc đời để khám phá ra trong cái phong bì đó có thể là cái gì.

Adam đã được nghe cha nhắc đến bi kịch gia đình đó hàng ngàn lần. Cha anh vẫn hay nhắc đi nhắc lại rằng: “Đó chỉ là một vấn đề danh dự, chuyện cũ mèm ấy mà”, rồi ông hất hàm, nhún vai. Cha Adam không nhận ra rằng ông đã gần như tốn cả đời để nghe những lời đàm tiếu nhỏ mọn của những người dưới quyền và chịu đựng những cái nguýt dài của những sĩ quan thường không hay có mặt ở nhiệm sở nhiều lắm. Rất nhiều người với rất nhiều kiểu suy nghĩ. Adam hiểu cha mình quá rõ và vô cùng tin tưởng vào ông cho nênn không bao giờ, dù chỉ một giây nghi ngờ rằng cha mình có tham dự vào một chuyện dối trá ghê tởm như người ta xì xào. Một tay cầm tay lái, tay kia nắm chặt chiếc phong bì nằm sâu trong túi quần, hệt như một cậu học trò trước ngày sinh nhật sờ nắn hình dạng món quà tặng, hy vọng đoán được đó sẽ là cái gì. Anh cảm thấy chắc chắn rằng dẫu trong đó có là cái gì đi chăng nữa thì giờ đây khi cha anh đã chết, nó cũng chẳng thể đem lại lợi lộc cho bất cứ ai, nhưng điều đó không hề làm giảm sự tò mò của anh.

Anh cố gắng thử chắp nối những sự kiện ít ỏi đã được nghe suốt chừng ấy năm. Năm 1946, năm anh mười lăm tuổi, cha anh đã từ chức khỏi chức vụ của ông trong quân đội. Tờ Time đã miêu tả cha anh như một sĩ quan chiến thuật tài ba với nhiều chiến công dũng cảm. Việc ông từ chức khiến phóng viên tờ Time ngạc nhiên, làm cho mọi người trong gia đình kinh ngạc và cả trung đoàn choáng váng. Tất cả những ai biết ông đều cho rằng chỉ một vài tháng nữa là trên ve áo ông sẽ được thêu thêm hai thanh kiếm chéo và một cây gậy nữa.

Bởi vì sự ra đi đột ngột và không hề được giải thích của đại tá khỏi trung đoàn, thực tế càng làm tăm thêm những chuyện thêu dệt. Mỗi lần có ai hỏi thì tất cả những gì được đại tá đưa ra chỉ là ông đã chán chiến tranh và cảm thấy đã đến lúc kiếm một ít tiền để Susan và ông có thể yên hưởng tuổi già trước khi quá muộn. Thậm chí hồi đấy cũng đã có rất ít người tin vào câu chuyện của ông, và có tin thì cũng chẳng giúp được gì bởi vì công việc duy nhất mà ông làm được là một chân thư ký của một câu lạc bộ gôn địa phương.

Chỉ nhờ có lòng tốt của ông nội anh là Ngài Tư lệnh Peltham Westlake mà anh mới có thể tiếp tục theo học ở trường Cao đẳng Wellington, và nhờ đó mới có cơ hội để tiếp tục truyền thống gia đình là đeo đuổi binh nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp, người ta dành cho Adam một chỗ tại Học viện Quân sự Hoàng gia ở Sandhurst. Trong những ngày học ở Học viện Adam đã say mê nghiên cứu lịch sử quân sự, các chiến thuật, các quy trình của một trận đánh và vào những ngày nghỉ cuối tuần anh tập trung vào môn bóng bầu dục và bóng quần, luôn đạt được thắng lợi ở những khoá học trao đổi giữa các nước mà anh tham gia. Trong suốt hai năm trời các học viên ở Cranwell và Darthmouth lúc nào cũng nhìn thấy lưng anh bê bết bùn do chuẩn bị tranh chức Vô địch liên quân. Anh cũng giành được chức vô địch quyền Anh hạng trung, mặc dầu bị một học viên người Nigieria đấm gẫy mũi trong trận đấu của vòng chung kết. Anh chàng Nigieria đã phạm sai lầm khi tưởng rằng trận đấu đã kết thúc.

Tháng Tám năm 1956, Adam tốt nghiệp trường Sandhurst, anh đứng thứ chín trong số những người được nhận phần thưởng của Học viện, nhưng khả năng lãnh đạo của anh cũng như tấm gương sáng chói của anh ngoài lớp học khiến cho không một ai ngạc nhiên khi anh được nhận Thanh kiếm Danh dự của nhà trường trao tặng. Adam không hề nghi ngờ gì về việc kể từ nay anh sẽ nối tiếp cha để chỉ huy trung đoàn.

Trung đoàn Hoàng gia Wessex chấp nhận con trai của đại tá ngay sau khi anh nhận nhiệm vu. Adam nhanh chóng chiếm được sự tôn trọng của binh lính cũng như chiếm được cảm tình của những sĩ quan vốn thông thường không thèm quan tâm đến danh tiếng của ai cả. Anh là một sĩ quan chiến thuật không ai sánh được và khi lâm trận rõ ràng là anh đã thừa hưởng một cách xứng đáng sự dũng cảm của người cha. Vậy mà sáu năm sau, khi Bộ Chiến tranh xuất bản cuốn Tạp chí London nêu tên những hạ sĩ quan được thăng lên lon đại uý lại không có tên Trung uý Adam Scott. Các bạn đồng ngũ của anh ở trung đoàn không giấu được ngạc nhiên, trong khi các sĩ quan lâu năm chỉ giữ im lặng. Đối với Adam thì như vậy đã quá rõ ràng là anh không được phép chuộc lại lỗi lầm mà người ta đã cho là cha anh đã phạm phải, dẫu cho đó có là lỗi gì đi chăng nữa.

Dĩ nhiên là cuối cùng Adam cũng được thăng cấp đại uý, nhưng đó là chỉ sau khi anh đã chiến đấu dũng cảm trong rừng rậm Malaysia với những đợt sóng không dứt của quân phiến loạn người Hoa. Anh đã bị bắt giữ làm tù binh và đã phãi chịu đựng sự đơn độc và tra tấn – những điều mà không hề có một trường lớp nào từng huấn luyện cho anh. Mãi tám tháng sau khi bị bắt anh mới trốn thoát được và được biết rằng người ta đã truy tặng cho anh danh hiệu Anh dũng Bội tinh. Vậy mà ở tuổi hai mươi chín, sau khi đã qua được kỳ thi nhân viên đại uý Scott vẫn không được bổ nhiệm một chân nào ở ban tham mưu trung đoàn. Cuối cùng Adam đành chấp nhận một thực tế là sẽ không bao giờ có hy vọng trở thành trung đoàn trưởng. Mấy tuần sau đó Adam xin từ chức mà không cần phải nêu ra lý do cần kiếm tiền nhiều hơn giống như cha.

Trong những tháng cuối cùng còn phục vụ ở trung đoàn, Adam được mẹ cho biết là cha anh chỉ còn sống được vài tuần nữa. Anh quyết định không nói cho cha biết về việc anh từ chức. Anh biết cha anh sẽ chỉ tự trách mình và ít nhất anh cũng tạ ơn Chúa là cha anh đã chết mà không hề biết rằng nỗi hổ nhục đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của con trai ông.

Về đến ngoại ô London, Adam lại nhớ đến vấn đề cấp bách là cần phải tìm được một chỗ làm, những ngày gần đây hầu như lúc nào anh cũng nhớ đến điều đó. Đã bảy tuần nay anh không có việc làm và Adam đã đến gặp chủ ngân hàng của minh nhiều hơn là với những nơi hứa hẹn cho anh việc làm. Sự thật là anh đã có một mối liên hệ khác với Bộ Ngoại giao, nhưng bị sức ép về khả năng rất cao của các ứng cử viên khác, để rồi nhận thức rất rõ là mình hoàn toàn thiếu một tấm bằng đại học. Mặc dầu vậy anh cảm thấy lần phỏng vấn đầu tiên có vẻ khá trôi chảy và nhanh chóng nhận ra rằng đã có khá nhiều cựu sĩ quan được nhận vào làm việc. Khi phát hiện ra rằng sếp của bộ phận tuyển chọn cũng là một sĩ quan có Huân chương Chiến công, thì Adam cho rằng có lẽ người ta không định chọn mình vào một công việc bàn giấy.

Lúc phóng mô tô vào đường Hoàng đế, một lần nữa Adam lại chạm ngón tay vào chiếc phong bì nằm trong túi trong và hy vọng là Lawrence vẫn chưa đi làm về. Adam không hề phàn nàn về bạn, bởi vì Lawrence đã vô cùng rộng lượng khi rủ anh thuê chung một căn phòng để chịu như vậy trong căn hộ rộng rãi với giá chỉ có bốn bảng một tuần.

Lawrence đã nói:

– Bao giờ người ta cho cậu là đại sứ thì cậu sẽ trả tớ nhiều hơn.

Adam đã nhe răng ra cười với người mà anh đã rất ngưỡng mộ ở Welling ton và đối đáp lại:

– Cậu đã bắt đầu có giọng của Rachmann rồi đấy.

Ngược lại với Adam, mọi thứ đối với Lawrence thì sao mà dễ dàng – những kỳ thi, việc làm, thể thao, đàn bà, đặc biệt là đàn bà. Khi anh thắng lợi rực rỡ tại vị trí của mình ở Ballion và đến nhận vị trí thứ nhất ở PPE, không một ai ngạc nhiên. Nhưng khi Lawrence chọn nghề ngân hàng thì các bạn đồng nghiệp của anh đã không giấu được vẻ không tin. Dường như đây là lần đầu tiên anh đặt chân lên một vấn đề có thể gọi là trần tục.

Adam đỗ chiếc mô tô ngay bên lề đường và nhận ra rằng, cũng giống như chiếc Morris Minor già nua của mẹ, chiếc mô tô này có lẽ nên đem bán đi nếu như chỗ làm ở Bộ Ngoại giao là hiện thực. Lúc đi vào căn hộ, một cô gái đi qua hơi liếc nhìn nhưng anh không nhận thấy. Anh nhảy ba bậc một lên cầu thang, lên đến tầng năm, anh vừa tra chìa khoá vào ổ thì một giọng nói từ trong nhà vọng ra:

– Chìa khoá ở trong ổ ấy.

Adam thầm nói:

– Mẹ kiếp.

Câu đầu tiên Lawrence hỏi khi anh bước vào nhà là:

– Mọi việc thế nào?

Adam đáp:

– Coi như là rất tốt.

Adam không biết nói gì thêm nữa, chỉ mỉm cười với anh bạn ở chung phòng. Lawrence đã thay bộ quần áo của nhân viên Trung tâm thương mại và Tài chính London bằng một chiếc áo sặc sỡ và chiếc quần len mỏng màu xám. Anh hơi thấp hơn và đậm người hơn, Adam với mái tóc cứng rất đẹp, vầng trái đồ sộ và đôi mắt trầm tư màu xám lúc nào cũng như đang đặt một câu hỏi. Lawrence nói thêm:

– Tớ rất ngưỡng mộ cha cậu. Lúc nào ông cũng nghĩ là mọi người ai cũng tốt như mình.

Adam vẫn còn nhớ là mình đã hồi hộp như thế nào khi giời thiệu Lawrence với cha mình trong một ngày lễ trao giải thưởng ở trường. Ngay lập tức hai người đã trở thành bạn của nhau. Nhưng đó là vì Lawrence không phải là người hay tin vào những lời đồn đại.

Lawrence hỏi nhẹ nhàng:

– Chúng ta vẫn có thể sống được chứ?

– Nếu mà cái ngân hàng đáng ngờ của cậu có cách nào có thể biến năm trăm bảng thành năm nghìn bảng trong vòng vài ngày được

– Anh bạn thân mến ơi, lúc này thì không thể nào làm điều đó, nhất là bây giờ khi mà Harold Wilson thông báo là không có gì thay đổi đối với đồng lương cũng như giá cả.

Adam mỉm cười nhìn bạn. Mặc dầu bây giờ anh đã cao hơn hẳn Lawrence, nhưng anh vẫn nhớ rõ hồi đó Lawrence giống như một người khổng lồ bên cạnh anh vậy.

Lawrence nói:

– Scott, lại muộn rồi.

Adam vẫn mong đến một ngày nào đó anh có thể làm mọi việc một cách thư thái, bề trên như vậy. Hay đó chỉ bởi vì Lawrence sinh ra đã thuộc về hạng người thượng lưu? Quần áo anh dường như lúc nào cũng được là rất phẳng, giày lúc nào cũng bóng loán và tóc không bao giờ rối. Đến bây giờ Adam vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao Lawrence có thể làm như vậy một cách hết sức nhẹ nhàng không hề phải cố gắng.

Adam nghe thấy tiếng mở cửa buồng tắm, anh liếc nhìn về phía Lawrence vẻ thăm dò. Lawrence thì thầm:

– Carolyn đấy mà. Tớ nghĩ là cô ấy sẽ ở lại đây đêm nay.

Khi Carolyn bước vào phòng, Adam bẽn lẽn mỉm cười với cô gái dong dỏng cao và rất đẹp ấy. Mái tóc dài vàng óng của cô đung đưa ngang lưng trong khi cô bước về phía hai người, nhưng chính thân hình hoàn hảo của cô mới là điều khiến đàn ông không thể rời mắt được. Làm sao Lawrence có thể chế ngự được thân hình ấy nhỉ?

Lawrence quàng tay qua vai Carolyn, hỏi:

– Em sẽ ở lại ăn cơm với bọn anh chứ? – Giọng anh chợt hơi quá nhiệt tình – Anh vừa phát hiện ra một tiệm ăn Italia mới khai trương trên đường Fullham.

Adam nói:

– Có thể tớ sẽ đến chỗ các cậu sau, nhưng còn một hai thứ giấy tờ mới nhận được chiều hôm nay, tớ muốn xem qua một tý.

– Anh bạn ơi, hãy quên các chi tiết trong những của thừa kế của cậu đi. Tại sao lại không đi cùng chúng tớ và tiêu cho hết số của cải trời cho ấy đi trong một tiệm spaghetti hoang dã chứ?

Carolyn hỏi:

– Ôi, anh được thừa kế rất nhiều những đồng tiền đáng yêu ư?

Giọng cô rất cao với những trọng âm rất mạnh khiến cho một ai đó có thể ngạc nhiên khi biết cô vừa trở thành một cô gái nổi bật của năm nay

Adam nói:

– Không đâu, nhưng có thể coi là một sự tương phản với tình trạng lạm phát của tôi hiện nay.

Lawrence phá lên cười:

– Được, vậy cậu hãy đến sau, khi nào tìm ra đủ số tiền để trả cho một đĩa Pasta – anh nhăn mặt với Adam – đó là mật hiệu có nghĩa là “hãy làm thế nào để cậu không có mặt ở nhà khi chúng tớ quay về, hay ít nhất cũng ở nguyên trong phòng cậu và làm ra vẻ đã ngủ”.

Carolyn nói:

– Vâng. Đi thôi.

Giọng cô tỏ vẻ hiểu rõ hai người vừa nói gì và ánh mắt vẫn gắn chặt vào Adam trong khi Lawrence kéo cô ra cửa.

Adam ngồi yên cho đến khi chắc chắn là không còn nghe thấy cái giọng kim choi chói của cô vang lên ở cầu thang nữa. Sau khi đã yên tâm, anh quay lại phòng minh, koá trái cửa lại. Adam ngồi xuống một cái ghế bành rất dễ chịu và lấy chiếc phong bì của cha ra khỏi túi áo. Đó là một chiếc phong bì nặng và đắt tiền, loại văn phòng phẩm Bố vẫn thường dùng, mua ở cửa hàng Smythson phố Bond với giá đắt gấp đôi so với mua ở cửa hàng Smith địa phương. Dòng chữ gọn ghẽ và rắn rỏi của cha anh viết: Đại uý Adam Scott, Bội tinh Chiến công.

Adam thận trọng mở chiếc phong bì, tay hơi run run và rút tờ giấy bên trong ra: đó là một bức thư rõ tàng do chính tay cha anh viết và một chiếc phong bì nhỏ hơn đã rất cũ bởi vì nó đã bị ố vàng bởi thời gian. Trên chiếc phong bì cũ là một nét chữ lạ: Đại tá Gerald Scott. Nét mực đã phai không còn nhận ra màu gì. Adam đặt chiếc phong bì cũ lên chiếc bàn nhỏ bên cạnh, mở bức thư của cha và bắt đầu đọc. Bức thư không đề ngày tháng:

Adam yêu quý của bố.

Nhiều năm qua có lẽ con đã nghe thấy rất nhiều lời giải thích về việc bố đột ngột rời khỏi trung đoàn. Hầu hết những lời giải thích đó là khôi hài, một số ít là phỉ bàng, nhưng bố luôn cho là tốt hơn hết bố nên giữ kín những ý kiến của mình. Tuy vậy bố vẫn cảm thấy nợ con một lời giải thích đầy đủ, chính vì thế nên mới có bức thư này.

Như con đã biết, địa điểm cuối cùng bố đóng quân trước khi rời khỏi trung đoàn là Nuremberg, từ tháng Mười một năm 1945 cho đến tháng Mươi năm 1946. Sau bốn năm công tác liên tục ngoài mặt trận bố đã được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị quân Anh tại Nuremberg, chịu trách nhiệm canh giữ một số tướng lĩnh cao cấp của quân đội Đức đang bị giam giữ chờ toà án quốc tế xét xử vì tội ác chiến tranh. Mặc dầu người Mỹ chịu trách nhiệm chính, nhưng sau hơn một năm bố cũng biết khá rõ những tù nhân ở đó. Thậm chí bố bắt đầu tỏ ra khoan dung hơn đối với một số người trong bọn họ, và bố vẫn thường băn khoăn không hiểu người Đức sẽ đối xử với chúng ta như thế nào nếu như tình thế đảo ngược lại. Vào lúc đó những cách nhìn như vậy là không thể chấp nhận được. “Thân thiện” là từ cửa miệng dành cho những người không bao giờ được phép có những ý nghĩ thứ hai.

Trong số những tướng lĩnh cao cấp của Đức mà bố tiếp xúc thường xuyên có Riechsmarshal Hermann Goering, đó là một người làm cho bố ghê tởm ngay từ phút đầu tiên đến gần hắn. Bố thấy đó là một kẻ kiêu căng, hống hách và hoàn toàn không hề xấu hổ về những hành động man rợ hắn đã làm dưới danh nghĩa chiến tranh. Và chưa bao giờ bố tìm thấy bất cứ một lý do nào để thay đổi ý kiến của mình về hắn. Thực tế đôi khi bố còn tự hỏi làm sao mình lại có thể tự kiềm chế nổi mỗi khi hắn hiện diện trước mặt.

Đêm trước ngày Goering bì hành quyết hắn đề nghị được gặp riêng bố. Hôm đó là thứ hai, đến lúc này bố vẫn có thể nhớ lại chính xác từng chi tiết của buổi gặp gỡ đó như nó mới xảy ra ngày hôm qua. Bố nhận được lời đề nghị đó lúc đang nhận bàn giao ca gác từ người Nga, thiếu tá Vladimir Kosky. Thực tế là Kosky đã đích thân đưa cho bố lá thư yêu cầu. Ngay khi vừa kiểm tra việc canh gác và làm các công việc giấy tờ thường lệ xong, bố bèn cùng viên hạ sĩ trực ban đến gặp Reichsmashal tại buồng giam của hắn. Goering đang đứng vẻ chăm chú bên cạnh chiếc giường thấp và chào khi bố bước vào. Bốn bức tường gạch xây trơ trụi quét sơn xám bao giờ cũng làm bố rùng mình.

Bố hỏi:

– Ông yêu cầu được gặp tôi phải không? – Chưa bao giờ bố có thể dằn lòng để gọi hắn bằng tên hay cấp bậc

Hắn đáp:

– Phải. Đại tá, ông thật tử tế khi đến đây. Đơn giản là tôi chỉ muốn có một đề nghị cuối cùng của một người sắp chết. Liệu ngài hạ sĩ có thể để chúng ta lại với nhau không?

Nghĩ rằng đó là một việc rất cá nhân cho nên bố bảo viên hạ sĩ ra ngoài hành lang chờ. bố thừa nhận là đã không hề có một ý niệm về một việc gì có thể cá nhân đến thế khi người ta chỉ còn có vài giờ để sống, nhưng khi cửa đã đóng lại hắn cúi chào một lần nữa và đưa cho bố chiếc phong bì mà hiện nay con đang giữ. Sau khi bố nhận bức thư hắn chỉ nói vỏn vẻn thế này: “Mong ông hãy rộng lượng và chỉ mở bức thư này ra vào sáng mai sau khi tôi đã chết” – Rồi hắn nói thêm – “Tôi chỉ có thể hy vọng là nó sẽ đền bù lại phần nào những lời trách cứ sau này người ta có thể trút lên vai ông”. Lúc đó bố không hề có chút khái niệm là hắn ám chỉ điều gì và chỉ nghĩ là có thể hắn ở trong trạng thái thần kinh không thăng bằng. Trong những ngày cuối cùng trước khi chết, rất nhiều tù nhân thổ lộ với bố nhiều điều mà cuối cùng một số điều họ thổ lộ hoàn toàn chỉ là những ý nghĩ của người điên.

Adam dừng lại để nghĩ xem mình sẽ cư xử như thế nào trong hoàn cảnh đó, rồi quyết định đọc tiếp để biết cha anh đã biết được những gì.

Mặc dù vậy những lời cuối cùng mà Goering nói khi bố rời khỏi phòng giam không có vẻ gì là của một người điên. Hắn nói: “Ông hãy tin đi. Đó là một kiệt tác. Chớ có coi thường nó”. Nói rồi hắn châm một điếu thuốc, cứ như đang thư giãn trong câu lạc bộ của mình sau một bữa ăn tối ngon lành. Mọi người có những giả thuyết khác nhau về việc ai đã tuồn thuốc lá cho hắn, và đồng thời cũng băn khoăn không hiểu còn những cái gì được chuyển ra ngoài nữa.

Bố bỏ cái phong bì vào túi và ra khỏi phòng giam để đi đến chỗ viên hạ sĩ. Sau đó bố và anh ta đi kiểm tra các buồng giam khác để chắc chắn là tất cả các buồng đều đã được khoá chặt cẩn thận. Kiểm tra xong bố quay lại văn phòng của mình. Khi đã yên tâm là không còn việc cần kíp nào nữa, bố bèn ngồi xuống để viết báo cáo. Bố để chiếc phong bì trong túi áo với ý định là sẽ mở ra ngay sau khi Goering bị hành quyết vào sáng mai. Bố đang kiểm tra lại nhật lệnh ngày hôm đó thì viên hạ sĩ nhảy bổ vào phòng không kịp gõ cửa. Anh ta nói: “Thưa ngài, Goering, Goering!”. Nhìn thấy vẻ hốt hoảng trên mặt anh ta bố không cần hỏi thêm gì nữa. Cả hai chạy đến phòng giam Reichsmashal.

Goering nằm úp trên giường. Bố lật hắn lại thì thấy hắn đã chết. Những chuyện xảy ra sau đó khiến bố quên hẳn chiếc phong bì của Goering. Sau khi khám nghiệm pháp y, người ta phát hiện ra hắn chết vì thuốc độc. Toà án kết luận là trong thi thể hắn có một lượng độc tố xyanua, chất độc đó chắc chắn là đã được tẩm trong điếu thuốc lá hắn hút.

Bởi vì bố là người cuối cùng gặp riêng hắn ngay trước khi hắn chết, cho nên có vài lời xì xào về việc tên bố có dính dáng đến cái chết của hắn. Dĩ nhiên là chẳng hề có chút sự thật nào trong lời kết tội đó. Bố chưa hề nghi ngờ lấy một giây nào về việc toà án đã tuyên một bản án rất chính xác cho trường hợp của hắn, và hắn xứng đáng bị treo cổ để đền tội cho những gì đã làm trong chiến tranh.

Bố vô cùng đau đớn vì sau đó người ta kết tội sau lưng là bố có thể đã giúp đỡ cho Goering chết một cách dễ dàng, bằng cách tuồn thuốc lá tẩm thuốc độc cho hắn. Vì vậy bố cảm thấy hành động duy nhất có thể làm là ngay lập tức từ chức, để tránh sẽ làm mất danh dự thêm cho trung đoàn. Cuối năm đó khi đã trở về Anh và quyết định quẳng bộ quân phục đi bố lại nhớ đến cái phong bì. Khi bố giải thích cặn kẽ cho mẹ con hiểu về chuyện không may đó mẹ con đã van nài bố huỷ chiếc phong bì, mà mẹ con cho là đã đem lại đủ ô nhục cho gia đình. Và dù cho người ta có chỉ được rõ ai là kẻ thật sự chịu trách nhiệm về việc giúp cho Goering tự tử thì theo mẹ con việc đó cũng không đem lại bất cứ điều gì cho bất cứ ai. Bố đồng ý tuân theo ước nguyện của mẹ con, và mặc dầu chưa bao giờ mở cái phong bì ấy ra nhưng bố cũng không thể nào buộc mình huỷ nó đi được khi nhớ lại câu nói cuối cùng mà Goering đã lẩm bẩm về việc nó là một kiệt tác. Vì thế cuối cùng bố đã quyết định giấu nó trong đống giấy tờ riêng.

Dù sao đi chăng nữa, bởi ý nghĩ rằng tội lỗi của người cha có thể sẽ tiếp tục đổ lên đầu thế hệ con cháu mình, bố cảm thấy không thể để nỗi dằn vặt ấy ảnh hưởng đến con. Nếu như chiếc phong bì này có đem lại cho con chút gì đó bố chỉ có một yêu cầu duy nhất là hãy để mẹ con là người đầu tiên được hưởng quyền lợi mà không bao giờ biết là tài sản ấy đến từ đâu.

Suốt bao năm nay, bố đã theo dõi những tiến bộ của con với một niềm tự hào to lớn và cảm giác chắc chắn rằng bố có thể để con tự chọn lấy quyết định đúng đắn cho mình.

Nếu như con còn chút ngần ngừ về việc mở cái phong bì này ra thì hãy huỷ ngay nó đi mà không cần cân nhắc thêm. Nhưng nếu con mở nó ra mà thấy rằng mục đích của bức thư là kéo con vào những việc làm ô nhục thì hãy vứt nó đi, đừng nghĩ lại làm gì.

Có lẽ Chúa ở bên con.

Bố yêu dấu của con.

Gerald Scott

Adam đọc lại bức thư một lần nữa, nhận ra bố đã tin cậy anh biết chừng nào. Tim anh thổn thức khi nghĩ đến bố đã uổng phí cả một cuộc đời vì những lời xì xào bóng gió của những kẻ thuộc cấp – chính những kẻ đó cũng đã đưa sự nghiệp của anh sớm chấm dứt như thế này.

Cuối cùng, sau khi đọc bức thư đến lần thứ ba anh gấp nhỏ lại và nhét lại vào phong bì.

Rồi anh cầm chiếc phong bì trên bàn lên. Dòng chữ Đại tá Gerald Scott được viết bằng chữ đậm ngang qua phong bì, màu mực đã phai.

Adam rút chiếc lược trong túi áo trong ra và luồn vào mép chiếc phong bì, chậm rãi rọc ra. Anh lưỡng lự một lát trước khi lấy ra hai trang giấy, cả hai đều đã ngả màu vàng vì thời gian. Một tờ có vẻ là một bức thư, còn tờ kia hình như là một loại chứng từ gì đó. Chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã in trên đầu tờ giấy viết thư, phía trên là tên Reissmarshal Hermann Goering. Tay Adam hơi run khi anh đọc dòng dầu tiên.

Nó bắt đầu bằng: Sehr geehrter Herr Oberst Scott.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.