“Khi chúng ta nhìn thấy bức ảnh thánh trong tay Baba Yanka, cha không biết ai há hốc miệng kinh ngạc trước, cha hay là Helen, nhưng cả hai chúng ta đều kìm nén phản ứng của mình ngay lập tức. Ranov đang đứng tựa vào một thân cây cách chúng ta chưa đến mười bước chân, cha thở phào khi thấy gã đang nhìn ra ngoài thung lũng, vẻ buồn chán và khinh khỉnh, mải mê với điếu thuốc, và dường như chẳng chú ý gì đến bức ảnh. Một lát sau, Baba Yanka đã ngoảnh đi hướng khác, rồi cùng với bà già kia nhảy những bước nhảy sinh động và oai nghiêm ra khỏi đống lửa, hướng về phía vị cha xứ. Hai cậu bé lấy lụa phủ các bức ảnh thánh ngay khi được hai người phụ nữ trao lại. Cha để mắt theo dõi Ranov. Lúc này vị cha xứ đang làm dấu ban phước lành cho hai người phụ nữ, sau đó Sư huynh Ivan dẫn họ đi và trao cho mỗi người một ly nước. Khi đi ngang qua, Baba Yanka liếc nhìn chúng ta đầy vẻ hãnh diện, mặt đỏ bừng, mỉm cười, gần như là nháy mắt, Helen và cha cúi chào bà, lòng đầy kính sợ. Cha chăm chú nhìn bàn chân bà lúc bà đi qua; đôi bàn chân trần chai sần nứt nẻ hoàn toàn không hề hấn gì, bàn chân người phụ nữ kia cũng vậy. Chỉ có gương mặt họ vẫn còn tỏa hơi nóng của ngọn lửa, như bị sạm nắng.
“ ‘Con rồng,’ Helen thì thầm với cha khi chúng ta đang chăm chú nhìn hai người phụ nữ.
“ ‘Đúng vậy,’ cha cũng thì thào. ‘Chúng ta phải tìm ra nơi người ta cất giữ bức ảnh này cũng như niên đại của nó. Đi nào. Vị cha xứ đã hứa đưa chúng ta đi xem một vòng nhà thờ.’
“ ‘Ranov thì sao?’ Helen không nhìn xung quanh.
“ ‘Chúng ta chỉ còn cách cầu mong hắn đừng quyết định đi theo thôi,’ cha nói. ‘Anh không nghĩ là gã đã nhìn thấy bức ảnh thánh.’
“Vị cha xứ đang quay trở lại nhà thờ, mọi người bắt đầu tản đi. Chúng ta chậm rãi bước theo và thấy ông đang đặt bức ảnh Thánh Petko trở lại trên bục. Không nhìn thấy hai bức ảnh kia đâu. Cha cúi đầu cảm ơn, và vừa đưa tay chỉ ra phía ngoài vừa nói với ông bằng tiếng Anh là buổi lễ rất đẹp. Ông có vẻ hài lòng. Sau đó, cha làm dấu chỉ quanh nhà thờ và nhướng mày. ‘Chúng tôi có thể thăm qua một vòng không?’
“ ‘Một vòng à?’ Ông thoáng cau mày, rồi lại mỉm cười. Xin chờ một chút – ông chỉ cần cởi bỏ áo choàng. Ông trở lại trong bộ áo chùng đen thường nhật và cẩn thận dẫn chúng ta đến từng hốc tường, chỉ trỏ giải thích các ‘ikoni’(1) _ và ‘Hristos’(2) _ và một vài điều gì đó mà chúng ta chỉ hiểu loáng thoáng. Có vẻ như ông rất am hiểu nơi này và lịch sử của nó, giá mà chúng ta có thể hiểu được ông. Sau cùng, cha hỏi ông hai bức ảnh thánh kia ở đâu, và ông trỏ vào lối đi bên hông nhà thờ mà cha đã để ý trước đó. Có vẻ như hai bức ảnh đã được mang trở lại khu hầm mộ, nơi cất giữ chúng. Vị cha xứ sốt sắng đi lấy cây đèn lồng rồi dẫn chúng ta xuống.
“Các bậc cầu thang đá rất dốc, hơi lạnh từ bên dưới bốc lên khiến nhà thờ lại có vẻ ấm áp. Cha nắm chặt tay Helen khi chúng ta thận trọng bước từng bước sau cây đèn lồng của vị cha xứ, ánh đèn soi rạng những khối đá cổ xưa chung quanh chúng ta. Tuy nhiên, căn phòng nhỏ bên dưới không tối thui tối mò; hai giá nến đang cháy sáng cạnh một bệ thờ, và một lúc sau chúng ta mới nhận ra, dù chỉ lờ mờ, đó không phải một bệ thờ mà là một hòm đựng di hài thánh nhân bằng đồng chạm khắc tinh xảo, che phủ một phần bởi một tấm lụa Damas đỏ được thêu thùa công phu. Bên trên hòm là hai bức ảnh thánh đóng khung bạc, Đức Mẹ Đồng Trinh và – cha bước đến một bước – con rồng và vị hiệp sĩ. ‘Sveti Petko,’ vị cha xứ vui vẻ nói, tay sờ vào hòm đựng di hài thánh nhân.
“Cha trỏ vào ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh, và ông nói điều gì đó liên quan đến Bachkovski manastir, dù chúng ta không thể hiểu gì nhiều hơn. Rồi cha lại trỏ vào bức ảnh thánh kia, và vị cha xứ tươi cười. ‘Sveti Georgi,’ ông nói, trỏ vào vị hiệp sĩ. Rồi ông chỉ con rồng: ‘Drakula.’
“ ‘Chữ đó có thể chỉ có nghĩa là con rồng,’ Helen nhắc.
“Cha gật đầu. ‘Làm thế nào để hỏi ông ấy bức ảnh có từ bao giờ nhỉ?’
“ ‘Star? Staro?’(3) _ Helen phỏng đoán.
“Vị cha xứ lắc đầu để bày tỏ sự đồng ý. ‘Mnogo star,’(4) _ ông nói, vẻ mặt nghiêm nghị. Chúng ta nhìn ông chăm chăm. Cha đưa tay lên rồi đếm ngón tay. Ba? Bốn? Năm? Vị cha xứ mỉm cười. Năm. Năm ngón tay – khoảng năm trăm năm.
“ ‘Ông ấy nghĩ bức ảnh có từ thế kỷ mười lăm,’ Helen kết luận. ‘Chúa ơi, bây giờ làm sao hỏi nó xuất xứ từ đâu nhỉ?’ Cha trỏ vào bức ảnh, làm cử chỉ khoát tay một vòng quanh khu hầm mộ, chỉ lên nhà thờ phía trên chúng ta. Khi hiểu ra, ông làm một cử chỉ mà ai cũng hiểu là dấu hiệu không biết: vừa nhún vai vừa nhướng mày lên. Ông không biết. Có vẻ như ông cố nói cho chúng ta hiểu là bức ảnh đã có ở nhà thờ Thánh Petko hàng trăm năm – ngoài điều đó ra, ông không biết gì hơn.
“Sau cùng, vị cha xứ quay người, mỉm cười, và chúng ta chuẩn bị theo ông cùng ngọn đèn lồng trở lại cầu thang. Lẽ ra chúng ta đã rời khỏi khu hầm mộ đó mãi mãi, trong nỗi vô vọng hoàn toàn, nếu Helen không bất chợt bị mắc kẹt gót giày giữa hai viên đá sàn. Cô há hốc miệng kinh ngạc, vẻ bực bội – cha biết Helen không mang theo đôi giày nào khác – và cha nhanh chóng cúi xuống giúp cô. Vị cha xứ gần như đã khuất dạng, nhưng ánh nến bên cạnh hòm di hài cũng đủ sáng cho cha nhìn thấy hình ảnh được khắc trên mặt đứng của bậc cấp dưới cùng, ngay sát bên chân Helen. Đó là một con rồng nhỏ, nét khắc thô nhưng không lẫn vào đâu được, và rõ ràng cùng một mẫu với con rồng trong cuốn sách của cha. Cha quỳ xuống, lấy tay lần theo từng đường nét hình khắc ấy. Nó quen thuộc đến độ cha tưởng như chính mình cũng có thể khắc hình rồng kia vào đó. Helen cũng cúi xuống bên cạnh cha, quên bẵng chuyện giày dép. ‘Lạy Chúa,’ cô thốt lên. ‘Chỗ này là chỗ nào vậy?’
“ ‘Sveti Georgi,’ cha trả lời, giọng điềm tĩnh. ‘Chỗ này chắc phải là tu viện Sveti Georgi.’
“Trong ánh sáng lờ mờ, Helen trố mắt nhìn cha, tóc cô lòa xòa trước mắt. ‘Nhưng nhà thờ này mới có từ thế kỷ mười tám mà,’ cô phản bác. Nhưng rồi mặt cô sáng lên. ‘Anh nghĩ là…’
“ ‘Rất nhiều nhà thờ có nền móng cũ xưa hơn chính bản thân chúng, đúng không? Và chúng ta biết nhà thờ này được xây dựng lại sau khi quân Thổ đã thiêu rụi ngôi nhà thờ nguyên thủy. Nó không thể là một nhà thờ của tu viện hay sao, một tu viện mà mọi người đã quên lãng từ lâu?’ cha thì thầm trong cơn khích động. ‘Nó có thể được xây dựng lại hàng chục năm sau hoặc nhiều thế kỷ sau, và được đặt tên lại theo vị thánh tử đạo mà người ta còn nhớ.’
“Helen kinh hãi quay lại, nhìn chằm chằm vào hòm di hài bằng đồng sau lưng chúng ta. ‘Anh có nghĩ là…’
“ ‘Anh không biết,’ cha đáp lại, chậm rãi. ‘Có vẻ như người ta khó lòng mà nhầm lẫn bộ di hài này với bộ di hài khác, nhưng em nghĩ xem cái hòm kia được mở ra gần đây nhất là lúc nào?’
“ ‘Trông nó có vẻ không đủ lớn,’ Helen nhận xét. Dường như cô không thể nói gì thêm.
“ ‘Không đủ lớn,’ cha tán đồng, ‘nhưng chúng ta cũng phải thử. Ít nhất là anh phải thử. Anh muốn em đứng ngoài chuyện này, Helen.’
“Helen ném cho cha một cái nhìn kỳ quặc, tựa như sửng sốt khi cha thậm chí còn đuổi cô đi nơi khác nữa. ‘Đột nhập vào nhà thờ và xâm phạm hầm mộ một vị thánh là chuyện nghiêm trọng đấy.’
“ ‘Anh biết,’ cha đáp lại. ‘Nhưng nếu đây không phải là mộ một vị thánh thì sao?’
“Có hai cái tên mà chúng ta không thể thốt ra dưới chốn lạnh lẽo và tăm tối này, trong ánh nến lập lòe, chỉ có mùi sáp cháy và mùi đất. Một trong hai cái tên đó là Rossi.
“ ‘Ngay bây giờ sao? Ranov sẽ đi tìm chúng ta đấy,’ Helen nói.
“Khi chúng ta ra khỏi nhà thờ, bóng cây xung quanh nhà thờ đã ngả dài, Ranov đang chờ đợi, mặt lộ vẻ sốt ruột. Sư huynh Ivan đứng bên cạnh, dù cha để ý thấy cả hai hầu như không nói gì với nhau. ‘Anh chợp mắt được một chút chứ?’ Helen hỏi, giọng lịch sự.
“ ‘Đến giờ về lại Bachkovo rồi đấy.’ Ranov đáp lại cộc lốc; cha tự hỏi phải chăng gã thất vọng vì có vẻ như chúng ta chẳng tìm kiếm điều gì ở đây cả. ‘Chúng ta sẽ khởi hành về Sofia vào buổi sáng. Tôi có việc phải làm ở đấy. Tôi hy vọng các bạn hài lòng về công việc nghiên cứu của mình.’
“ ‘Cũng tạm hài lòng,’ cha đáp. ‘Tôi muốn đến thăm Baba Yanka một lần nữa, để cám ơn sự giúp đỡ của bà.’
“ ‘Tốt thôi,’ Ranov trông có vẻ bực bội nhưng cũng đi trước dẫn đường trở lại làng, Sư huynh Ivan im lặng bước theo sau chúng ta. Con đường làng lặng im không một tiếng động trong nắng chiều hanh vàng, mùi nấu nướng bốc lên khắp mọi nơi. Một ông lão bước ra, đến bên giếng bơm giữa làng, lấy đầy một xô nước. Xa tít cuối con đường nhỏ là nhà Baba Yanka, một bầy dê và cừu đang được lùa vào chuồng; cha có thể nghe tiếng kêu rền rĩ và nhìn thấy chúng xúm lại lộn xộn giữa các ngôi nhà trước khi một cậu bé vỗ roi đen đét xua chúng rẽ quanh góc đường.
“Baba Yanka tỏ vẻ vui mừng khi nhìn thấy chúng ta. Thông qua Ranov, chúng ta nói lời chúc mừng buổi hát diễn tuyệt vời và màn nhảy múa trong lửa của bà. Sư huynh Ivan im lặng làm dấu ban phước lành cho bà. ‘Làm thế nào mà bà không bị bỏng vậy?’ Helen hỏi.
“ ‘Ồ, đó là quyền năng của Chúa,’ bà trả lời, giọng dịu dàng. ‘Sau đó, tôi cũng không nhớ chuyện đã xảy ra thế nào. Đôi khi, sau đó tôi cảm thấy nóng ở chân, nhưng không bao giờ bị bỏng. Đối với tôi, đây là ngày tuyệt vời nhất trong năm, dù không nhớ gì nhiều về ngày đó. Nhiều tháng sau, tôi cảm thấy thanh thản như một mặt hồ.’
“Bà lấy trong tủ ra một cái chai không có nhãn hiệu rồi rót cho chúng ta mỗi người một ly thứ nước màu nâu trong. Trong chai lềnh bềnh những sợi cỏ dài, Ranov giải thích đó là những loại dược thảo, ngâm để lấy mùi vị. Sư huynh Ivan từ chối, nhưng Ranov thì cầm lấy ly nước. Sau một vài hớp gã bắt đầu hỏi Sư huynh Ivan một câu gì đó, giọng vừa bỗ bã vừa khiêu khích. Chẳng mấy chốc, cả hai sa vào một cuộc tranh cãi mà chúng ta không hiểu nổi, dù thỉnh thoảng cha nghe lõm bõm tiếng politicheski(5) _.
“Ngồi nghe được một lát, cha cắt ngang cuộc tranh luận để nhờ Ranov xin phép Baba Yanka cho cha sử dụng phòng vệ sinh của bà. Gã bật cười một cách khó ưa. Chắc hẳn gã lại sắp giở cái trò khôi hài cũ rích của mình, cha nghĩ. ‘Tôi e là nhà vệ sinh ở đây chẳng dễ chịu lắm đâu,’ gã nói. Baba Yanka cũng bật cười và trỏ về phía cửa sau. Helen nói sẽ đi theo cha để chờ đến lượt mình. Nhà xí trong sân sau nhà Baba Yanka trông còn tồi tệ hơn túp lều tranh kia nữa, nhưng đủ rộng để che khuất cuộc bỏ trốn thầm lặng của chúng ta, giữa đám cây cối và tổ ong, qua cánh cổng sau. Không có ai trong tầm mắt, nhưng chúng ta vẫn rảo bước khi ra đến con lộ, yên lặng len lỏi giữa các bụi cây, và leo lên đồi. Ơn Chúa, không có ai quanh ngôi nhà thờ đang nằm im lìm dưới bóng cây râm mát. Cái hố lửa tỏa một màu đỏ yếu ớt dưới các tán cây.
“Chúng ta không dám sử dụng cửa trước, ở đó chúng ta có thể bị nhìn thấy từ đường làng; thay vì thế, chúng ta vội vã quành ra phía sau. Ở đấy có một cửa sổ thấp, phủ rèm tím phía trong. ‘Chỗ đó dẫn vào điện thờ,’ Helen nói. Khung cửa gỗ chỉ cài lại, không khóa, và chỉ với một mẩu gỗ nhỏ chúng ta đã mở được cánh cửa và chui vào giữa hai tấm màn, sau đó cẩn thận đóng lại mọi thứ. Ở bên trong, cha nhận ra Helen đã nói đúng; chúng ta ở ngay sau bức trướng ngăn bệ thờ. ‘Phụ nữ không được phép vào đây,’ Helen thì thầm trong khi lia mắt nhìn quanh với vẻ hiếu kỳ của một học giả.
“Căn phòng phía sau bức trướng hầu như bị choán hết bởi một bệ thờ cao phủ những tấm vải sặc sỡ và những cây nến. Hai cuốn sách cổ dựng trên một giá bằng đồng ở kế bên, móc dọc theo các vách tường treo những bộ lễ phục lộng lẫy mà chúng ta đã được thấy vị cha xứ mặc trước đó. Mọi vật bất động và tĩnh lặng đến khủng khiếp. Cha tìm thấy cánh cổng thánh, nơi vị cha xứ đi qua để xuất hiện trước đám giáo dân, và chúng ta tiếp tục tiến tới để vào trong gian nhà thờ tối om với ít nhiều cảm giác tội lỗi. Có một chút ánh sáng le lói từ những cánh cửa sổ hẹp, nhưng tất cả nến đều đã tắt, có lẽ vì sợ hỏa hoạn, và phải mất một lúc cha mới tìm được hộp diêm quẹt trên một ngăn kệ. Cha thắp cho mỗi người một cây nến lấy từ trên giá nến. Sau đó, chúng ta thận trọng bước xuống cầu thang. ‘Em chẳng ưa chỗ này,’ cha nghe Helen thì thào phía sau, nhưng cha biết không phải cô có ý muốn muốn bỏ cuộc, dù trong bất kỳ trường hợp nào. ‘Anh nghĩ bao lâu nữa Ranov sẽ phát hiện ra sự vắng mặt của chúng ta?’
“Khu hầm mộ này đúng là nơi tăm tối nhất mà cha từng lui tới, tất cả các ngọn nến ở đây đều đã tắt sạch, cha thầm cảm ơn hai đốm sáng mà chúng ta mang theo. Cha dùng cây nến của mình để thắp lại những ngọn nến tắt. Ánh sáng bùng lên, tấm vải thêu màu vàng trên hòm di hài lấp lánh dưới ánh nến. Tay cha bắt đầu run lên một cách tệ hại, dù vậy cha vẫn xoay xở lấy con dao găm nhỏ của Turgut ra khỏi túi áo khoác, cha đã cất ở đó từ khi rời khỏi Sofia. Cha để con dao xuống nền, gần chiếc hòm di hài, rồi cùng Helen nhẹ nhàng nhấc hai bức ảnh ra khỏi vị trí và đặt chúng dựa vào một vách tường – cha nhận thấy mình tránh không đưa mắt nhìn cả con rồng lẫn Thánh George. Chúng ta kéo tấm vải nặng nề ra để Helen gấp lại. Trong suốt khoảng thời gian ấy, lúc nào cha cũng căng tai lắng nghe từng tiếng động, ở đây và cả trong nhà thờ bên trên, đến độ chính sự tĩnh lặng như bắt đầu gõ tưng tưng và kêu ong ong trong tai cha. Có một lúc Helen bíu lấy tay áo cha, và chúng ta cùng lắng nghe, nhưng vẫn không có gì động đậy.
“Khi chỉ còn chiếc hòm di hài nằm trơ trụi, chúng ta nhìn xuống, run rẩy. Nắp hòm khắc một bức phù điêu đẹp đẽ – một vị thánh tóc dài, một tay đưa lên như để ban phước, có lẽ đó là chân dung vị thánh tử đạo mà chúng ta có thể tìm thấy nắm xương tàn của ông ở bên trong. Cha chợt nhận ra mình đang hy vọng chúng ta sẽ chỉ tìm thấy một vài mảnh xương thánh, và sau đó khép lại toàn bộ chuyện này. Nhưng tiếp sau niềm hy vọng đó là một sự trống rỗng – không có thầy Rossi, không trả được thù, vẫn mất mát. Nắp hòm có vẻ như được đóng đinh hoặc cài chốt, nên cha không thể cạy nó lên nổi. Trong lúc loay hoay, chúng ta đã làm nghiêng nó một chút, và thật rùng rợn, một cái gì đó dịch chuyển bên trong, va vào vách hòm. Quả thực, cái hòm quá nhỏ đối với bất cứ thứ gì ngoại trừ xác một đứa bé, hoặc các bộ phận lẻ của cơ thể, nhưng nó rất nặng. Một ý nghĩ khủng khiếp bỗng lóe lên trong đầu cha, rằng có thể cái thủ cấp của Vlad rốt cuộc đã được đặt ở đây, dù giả thuyết đó lại làm nảy sinh nhiều vấn đề chưa giải thích được. Cha bắt đầu đổ mồ hôi và tự hỏi liệu có nên quay lại tìm một dụng cụ nào đó trong nhà thờ bên trên, dù không quá hy vọng là sẽ tìm được thứ gì.
“ ‘Chúng ta thử đẩy nó xuống đất xem sao,’ cha nói qua hàm răng nghiến chặt, và không biết bằng cách nào đó chúng ta đã cùng nhau đẩy được cái hòm xuống nền đá yên ổn. Ở vị trí đó, cha mới nhìn thấy rõ hơn bản lề và móc khóa trên nắp hòm, cha nghĩ vậy, thậm chí còn có thể dốc toàn lực để giật tung nó lên.
“Lúc cha chuẩn bị thử làm vậy thì Helen buột miệng thốt ra một tiếng la nho nhỏ. ‘Anh Paul, nhìn này!’ Cha vội quay lại và thấy khối đá cẩm thạch bụi bặm nơi đặt hòm di hài không phải là một khối đặc; nắp của nó đã lệch một chút vì nỗ lực di chuyển cái hòm của chúng ta. Cha không tin là lúc đó mình còn thở nổi nữa, nhưng không nói một lời, chúng ta lại cùng hợp lực di chuyển phiến đá cẩm thạch đó. Nó không dày, nhưng nặng trình trịch, cả hai chúng ta thở hổn hển lúc dựa được nó vào vách tường sau. Phía dưới là một phiến đá dài, bằng chiều dài của một người, cùng loại với đá nền và tường. Bức chân dung trên đó cực kỳ thô sơ, chạm khắc trực tiếp vào mặt đá cứng – không phải là gương mặt một vị thánh mà là của một người thực, một người đàn ông với gương mặt khắc khổ, đôi mắt hình quả hạnh nhìn trừng trừng, mũi dài, ria mép rậm rịt – một khuôn mặt tàn ác, cái mũ hình tam giác trên đầu chỉ càng làm cho gương mặt đó trông tự mãn hơn, ngay cả khi nó chỉ là những đường nét thô.
“Helen lùi lại, môi trắng bệch dưới ánh nến, cha cố kiềm chế để không túm lấy tay cô bỏ chạy lên cầu thang. ‘Helen,’ cha khẽ cất lời, nhưng chẳng biết nói gì nữa. Cha nhặt lưỡi dao găm lên, còn Helen luồn tay vào đâu đó trong bộ quần áo của mình – cha chưa bao giờ nhìn thấy là ở đâu – rút ra khẩu súng nhỏ, đặt nó cách xa một cánh tay, gần sát tường. Rồi chúng ta thò tay dưới mép và nâng tấm bia mộ lên. Được nửa chừng thì phiến đá trượt xuống. Lúc ấy cả hai chúng ta đều run lẩy bẩy nên phiến đá dễ dàng tuột khỏi tay chúng ta. Chúng ta nhìn xuống hình hài bên trong, mắt nhắm nghiền, nước da vàng bủng, môi đỏ một cách dị thường, hơi thở nông và khẽ. Đó là giáo sư Rossi.”
Chú thích:
1. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là “Ảnh thánh”.
2. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là “Chúa Cứu thế”.
3. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là “Thế kỷ? Nhiều thế kỷ?”.
4. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là “Năm thế kỷ”.
5. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là “chính trị”.