Trên đường đưa Bộ Kinh Vân về Thiên Hạ Hội, Lăng Ngạo Thiên từng nói: “Thiên hạ anh hùng xuất ngã bối, nhất nhập giang hồ tuế nguyệt thôi[1]. Kinh Giác, con có biết trở thành đệ tử của ta, sau này sẽ phải bước lên con đường giết chóc? Nếu con hối hận … vẫn còn kịp.”
Bộ Kinh Vân nghe vậy chỉ bình thản đáp: “Không hối hận.”
Lăng Ngạo Thiên trầm ngâm hồi lâu mới nói: “Hoắc Bộ Thiên trước nay luôn lấy nhân nghĩa làm tiêu chuẩn hành vi, thấy con như vậy chắc sẽ không vui lòng. Nếu ý con đã quyết, thì dù sau này có gặp khó khăn trắc trở gì, con cũng phải kiên trì bước tiếp. Nhưng, Kinh Giác à, sư phụ mong con đổi một cái tên khác để xuất hiện trước thế nhân. Nếu có một ngày con báo được thù, cảm thấy mệt mỏi, thì hãy dùng tên Hoắc Kinh Giác để chu du đất trời, từ nay về sau ân oán giang hồ không còn liên quan đến con nữa. Tin rằng cha con cũng thấy mừng.”
Bộ Kinh Vân ngồi im hồi lâu mới mở miệng: “Bộ Kinh Vân, từ nay về sau con lấy tên là Bộ Kinh Vân.”
Ánh mắt Lăng Ngạo Thiên thoáng tối đi trong chốc lát. Lòng thầm nghĩ: “Chung quy … vẫn là như vậy, nhị đệ tử của Hùng Bá … vốn nên là Bộ Kinh Vân.”
Vì vậy, hắn dịu giọng nói: “Vậy sau này ta gọi con là Vân Nhi nhé.”
___________________________________
Lăng Ngạo Thiên dẫn Bộ Kinh Vân về Thiên Hạ Hội, lập tức tuyên bố Bộ Kinh Vân trở thành đệ tử nhập thất thứ hai của Hùng Bá. Tức thì, các đệ tử đều bàn tán xôn xao, người h4m hộ, người ghen ghét cũng nhiều. Từ lúc Tần Sương sáu tuổi trở thành đại đệ tử của Hùng Bá đến giờ đã bảy năm trôi qua, không biết bao nhiêu đệ tử Thiên Hạ Hội cố gắng rèn luyện, mong có một ngày được bang chủ xem trọng, thu làm đệ tử nhập thất, tiền đồ như gấm. Chỉ tiếc, Lăng Ngạo Thiên thỉnh thoảng khích lệ các đệ tử, vẻ mặt ôn hòa tự tay chỉ dẫn cho một số đệ tử có tố chất tốt, nhưng lại chưa bao giờ định thu ai làm đệ tử. Các đệ tử tuy là hết sức kính trọng bang chủ, cảm kích bang chủ chỉ dạy, chung quy vẫn nuối tiếc trong lòng, cho nên lại càng hâm mộ Tần Sương. Hâm mộ cũng chỉ là hâm mộ.
Tần Sương có cha là trưởng lão trong bang, hàng năm kiếm về cho Thiên Hạ Hội cả vạn lượng, là trợ thủ đắc lực của bang chủ. Còn Tần Sương từ nhỏ đi theo bang chủ, bản lĩnh xuất chúng, chiến công hiển hách, lại thêm tính tình ôn hòa lễ phép, nhiệt tình giúp đỡ các đệ tử, cho nên mọi người đều rất kính trọng vị đại sư huynh này, có hâm mộ cũng cảm thấy là điều đúng lý hợp tình.
Nhưng Bộ Kinh Vân này từ đâu ra vậy? Cứ thế mà trở thành nhị đệ tử của bang chủ. Năm đó, Tần Sương cũng phải làm đệ tử nội môn một năm mới được lên làm đại đệ tử thân truyền. Thế mà Bộ Kinh Vân này lại một bước lên trời!
Mọi người tuy không phục, nhưng bang chủ đã mở lời, mọi người đành cắn răng nhẫn nhịn, chấp nhận chuyện này. Không ai nghi ngờ quyết định của bang chủ, chỉ nghĩ xem Bộ Kinh Vân đã dùng cách gì để nịnh nọt bang chủ, thế nên có khối người muốn dạy cho Bộ Kinh Vân một trận.
Đương nhiên là Lăng Ngạo Thiên có thể nhìn ra suy tính của họ qua ánh mắt, nhưng hắn không để ý. Có cạnh tranh mới có động lực, hắn không ngại để Bộ Kinh Vân trở thành kẻ địch giả tưởng của mọi người.
Bộ Kinh Vân cũng chẳng bận tâm. Nó mang trong mình mối thù sâu như biển, ánh mắt của mấy người đó không ảnh hưởng đến nó chút nào cả.
Sau khi tuyên bố xong, Lăng Ngạo Thiên dẫn Bộ Kinh Vân l3n đỉnh Thiên Sơn, bảo quản gia thu xếp chỗ ở cho nó, rồi giới thiệu Bộ Kinh Vân với Tần Sương và U Nhược.
Tần Sương năm nay mười ba tuổi, ngày càng trưởng thành chín chắn, tướng mạo bình thường nhưng khí độ bất phàm. Hắn vẫn ôn hòa như trước, là đại sư huynh tiêu chuẩn. Đáng tiếc, Bộ Kinh Vân hoàn toàn không để ý tới hắn.
U Nhược lại rất tò mò về Bộ Kinh Vân. Dù sao cũng qua nhiều năm rồi Hùng Bá mới lại thu đồ đệ. Nhưng hình như “núi băng” là khắc tinh trời sinh của “bánh bao mè đen”, U Nhược có nói gì làm gì Bộ Kinh Vân cũng xem như không biết. Thế nên U Nhược cũng đành chịu.
Lăng Ngạo Thiên lại rất ngạc nhiên vì trên Thiên Sơn có thêm hai người nữa, hai người quen.
Một trong số đó là thị nữ kiêm bạn chơi đích thân U Nhược chọn – Lỗ Từ. Người còn lại là phụ tá do quản gia tiến cử, Văn Sửu Sửu.
Lăng Ngạo Thiên cảm thấy vận mệnh thật kỳ diệu. Những người nên đến bên hắn chung quy sẽ tới bên hắn.
Lỗ Từ là một thiếu nữ điềm tĩnh, mặt mũi thanh tú. Lăng Ngạo Thiên không hiểu “bánh bao mè đen” U Nhược vừa lòng một bạn chơi thành thực ngây thơ như vậy ở điểm nào. Từ khi Tần Sương bắt đầu xử lý chuyện của Thiên Hạ Hội, Lăng Ngạo Thiên lo U Nhược chơi một mình buồn, nên đã đồng ý cho cô bé tự chọn bạn chơi. Mấy năm liền U Nhược gần như mỗi tháng lại đổi một người, không ai chịu nổi sự giày vò của “bánh bao mè đen” xấu bụng này. Ấy vậy mà Lỗ Từ lại kiên trì được hơn ba tháng, mà trông có vẻ sống cũng rất khá. Vậy nên Lăng Ngạo Thiên bình tĩnh lại. Nhân vật mấu chốt trong truyện có khác, công lực đúng là thâm hậu.
Lăng Ngạo Thiên không có suy tính gì khác với Lỗ Từ. Hắn sẽ không dùng Lỗ Từ để chia rẽ Phong Vân. Lăng Ngạo Thiên ngứa mắt nhất chính là cái mưu hèn kế bẩn đó của Hùng Bá. Cho nên cứ để Lỗ Từ ngoan ngoan làm bạn với U Nhược thôi, học thêm chút võ công cũng được, thỉnh thoảng đánh với U Nhược vài chiêu.
Theo quan sát của Lăng Ngạo Thiên thì, Lỗ Từ với thân phận thị nữ của U Nhược chẳng khác gì không khí trong mắt Bộ Kinh Vân. Đến U Nhược còn là không khí cơ mà, Lỗ Từ sao có thể là cái gì khác. Nàng ta không đi vào lòng Bộ Kinh Vân trong thời điểm đặc biệt như nguyên tác viết, cho nên Lăng Ngạo Thiên chỉ cần để ý, khiến nàng ta sau này cũng không có ý định đó là được rồi.
Còn Văn Sửu Sửu, Lăng Ngạo Thiên gọi riêng hắn vào nói chuyện, phát hiện người này không hề tầm thường như thằng hề pha trò trong tưởng tượng, mà lại rất thông minh.
Thật ra Lăng Ngạo Thiên cũng hiểu được chuyện này. Văn Sửu Sửu vốn được sắp xếp vào vai trò “quân sư”, chẳng qua vì để bảo vệ tính mạng nên mới buộc lòng phải giả vờ như một thằng hề nịnh nọt khắp nơi. Lăng Ngạo Thiên ngày nay không đa nghi tàn nhẫn như Hùng Bá, cho Văn Sửu Sửu rất nhiều cơ hội phát huy khả năng, nên Văn Sửu Sửu tất nhiên chẳng cần giả điên giả khùng. Ngược lại, sau một hồi hỏi đáp, Lăng Ngạo Thiên cảm thấy Văn Sửu Sửu hiểu biết rộng, cho nên để hắn đi theo hỗ trợ Tần Sương.
Bàn bạc xong phương hướng phát triển trong vài năm tới của Thiên Hạ Hội, mọi người tản ra ai làm việc nấy. Lăng Ngạo Thiên quyết định tận hưởng khoảng thời gian yên bình trước khi Phong Vân tề tựu kéo dài mấy năm này, nhân tiện giáo dục đồ đệ cho tốt, không để xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn.
___________________________________
[1] Thiên hạ anh hùng xuất ngã bối, nhất nhập giang hồ tuế nguyệt thôi: Đây là câu thơ được trích trong bài thơ “Nhân sinh giang hồ” xuất hiện trong tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ” của nhà văn Kim Dung, Nguyên văn đầy đủ như sau:
Thiên hạ anh hùng xuất ngã bối, nhất nhập giang hồ tuế nguyệt thôi.
Hồng đồ phách nghiệp đàm tiếu gian, bất thắng nhân sinh nhất tràng túy.
Đề kiếm khoa kỵ huy quỷ vũ, bạch cốt như sơn điểu kinh phi.
Trần thế như triều nhân như thủy, chỉ thán giang hồ kỷ nhân hồi.
Câu thơ được sử dụng trong truyện gồm hai vế, vế đầu diễn tả hào khí ngất trời của tác giả, vế sau là lời cảm thán khi đã bước chân vào giang hồ, trải qua nhiều chuyện buồn vui khiến tác giả cảm nhận được nhân sinh khổ đoản.