Tác phẩm Vạn dặm tìm chồng này là cuốn sách tôi viết vất vả nhất trong bốn năm cầm bút.
Tổng số hơn năm mươi vạn chữ(1), tôi đã viết trong tám tháng trời. Trong đó, số chữ sửa đi sửa lại, xoá đi viết lại cũng chẳng biết là bao nhiêu nữa.
(1) Tổng số chữ trong bản thảo gốc.
Ý định viết câu chuyện này xuất phát từ một ngày sau khi tôi nghe ca khúc của Lâm Tuấn Kiệt, có tên Sự đồng cảm của linh hồn.
Nghe ca khúc này, trong đầu tôi bỗng xuất hiện hình hài của câu chuyện về một cuộc gặp gỡ, những sự việc trải qua, sự va chạm nảy lửa giữa hai con người ở thời gian và không gian khác nhau. Nhưng lúc đó chỉ là manh nha ý tưởng, vẫn chưa hình thành. Sau này, bỗng một hôm cảm hứng đột nhiên đến, tôi muốn viết một câu chuyện về chuyên gia tâm lý học xuyên không đến thời cổ đại phá án.
Tôi là một fan của trinh thám hóc búa, phần lớn sách báo hay phim dài tập tôi yêu thích đều thuộc thể loại những câu hỏi hóc búa và suy đoán tâm lý. Tâm lý tội phạm và Đừng nói dối tôi là hai bộ phim mà tôi thích xem nhất, tôi muốn viết câu chuyện như vậy.
Trước khi viết một câu chuyện, thông thường tôi sẽ chuẩn bị rất kỹ, làm đại cương, tạo hình nhân vật, tìm hiểu tư liệu liên quan, nhưng vì câu chuyện này đề cập đến phương diện chuyên môn nên tôi rất luống cuống. Khi làm công tác chuẩn bị, tôi đã nói với người biên tập rằng: “Viết văn chỉ hận là mình không có tri thức.”
Đầu tiên là vấn đề xuyên không. Một người hiện đại đến thời cổ đại thì sẽ ra sao? Thời cổ đại như thế nào, sau khi cô ấy xuyên không qua đó sẽ có nhiều thứ không thích ứng, sẽ có rất nhiều lúng túng và bất lực. Thế là tôi lục tìm một vài điểm khác nhau giữa cổ đại và hiện đại để xây dựng tình tiết. Ngôn ngữ là điều đầu tiên nhưng để tạo cảm giác dễ hiểu cho người đọc, tôi không thể viết quá văn ngôn. Đương nhiên rồi, với trình độ của tác giả như tôi đây, cũng không thể viết nổi toàn văn văn ngôn. Sau đó tiền là vấn đề thứ hai, quần áo là vấn đề thứ ba, các chi tiết trong cuộc sống là vấn đề thứ tư, công việc là vấn đề thứ năm… Tôi liệt kê ra một danh sách, sau đó tra từng thứ một, bắt đầu ghi chép lại, thiết kế vài tình tiết.
Trong đó, có một chuyện gây cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất, chính là biển số nhà. Tôi nghĩ một người thời hiện đại đi đến thời cổ đại, làm thế nào để nhận biết đường xá nhỉ? Không có bản đồ, không có biển chỉ dẫn, sau đó cứ coi như ở trong thành phố rồi, nếu muốn tìm người, đường nào, số nhà bao nhiêu, người nào… làm sao mà tìm được đây? Ở trong tác phẩm điện ảnh, tiểu thuyết trước đây, chỉ nhắc đến hộ nào, ở đường nào, hình như chưa từng thấy qua số nhà, vậy làm sao người ta có thể nhận ra đường, tìm người được nhỉ?
Tôi lên mạng tìm tư liệu, vì muốn xây dựng tình tiết nữ chính bị lạc đường, căn cứ vào kinh nghiệm của bản thân tôi ở một thành phố khác, khi ra bên ngoài sẽ nhìn biển tên đường, nhìn công trình kiến trúc nổi bật, nhớ biển số nhà, khi quay lại sẽ không bị nhầm đường nữa, tôi nghĩ đây là một kiến thức bình thường đến mức không thể bình thường hơn của một người hiện đại, nhưng tra đến số nhà thời cổ đại thì tôi đã bị mắc kẹt.
Trên mạng có rất ít tư liệu liên quan đến số nhà thời cổ đại, có một tư liệu ghi biển số nhà là một mảnh giấy hình tròn. Biển số nhà thời cổ đại chính là để quản lý hộ khẩu, ví dụ như thời Tống theo Bảo giáp chế thì “làm biển số nhà ghi tên họ hộ đó”. Nhưng rốt cuộc ở cửa có treo biển số nhà không? Tờ biển số nhà bằng giấy trên mạng kia sẽ không dán ở bên ngoài chứ? Gió thổi mưa thấm vậy chẳng phải sớm đã mủn ra rồi sao?
Tôi xin sự trợ giúp của biên tập viên, biên tập viên cũng không bíêt, cô ấy nói cô ấy có một đồng nghiệp học lịch sử, ông xã còn là tiến sĩ khoa lịch sử, tôi mau chóng ôm chân cầu xin hỏi han, cô ấy đã đi hỏi giúp tôi, kết quả các cao thủ cũng không rõ thời cổ đại có treo những cái này ở của hay không. Tôi lại đưa câu hỏi lên Weibo, lại có người chuyên khoa lịch sử trả lời, nhưng cũng có đáp án mà tôi cần.
Nhìn xem, kỳ thực có những lúc tác giả rất “thần kinh”, có biển số nhà hay không cũng không ảnh hưởng gì cả, thực ra tôi chỉ cứng đầu, ngoan cố vậy thôi, tôi rất hiếu kỳ, không có được đáp án thì lại càng muốn có.
Sau này viết văn cũng không dùng quá nhiều đến chi tiết này, chẳng qua chỉ là khi tráng sĩ sắp rời đi, lúc Tiểu Bồi muốn đi mua quà thì bị lạc đường. Có biển số nhà hay không không hề quan trọng, nhưng kiểu tác giả thần kinh như tôi đây lại cứ tiêu tốn rất nhiều thời gian đi tìm đáp án.
Ngoài ra, để viết nội dung tâm lý học, tôi đã mua hơn ba chục cuốn sách. Khoảng thời gian đó, ông xã tôi luôn nói: “Hả, em lại mua sách rồi? Em biết đọc không?”; “Em có chắc là em viết xong cuốn này, có thể kiếm lại được số tiền mua sách không?” Lời trêu đùa của anh ấy chẳng có gì thú vị cả.
Tôi vừa đến giá sách xem một chút, ba cuốn tuyển tập tác phẩm tiêu biểu của Sigmund Freud và Tâm lý học xã hội, Tâm lý học nhân cách, Mỗi ngày hiểu một chút hành vi tâm lý học, Vi biểu cảm, Vi phản ứng, Thuật đọc tâm, Khả năng tự khống chế, Thực nghiệm tâm lý học vĩ đại nhất thế kỷ XX, 40 nghiên cứu tâm lý học, còn cả Thuật phân tích tâm lý FBI: 20 năm trong FBI của tôi, lại thêm mấy cuốn sách khoác danh hiệu FBI thể loại dạy bạn cách đọc ngôn ngữ cơ thể, phá giải mật mã ngôn ngữ, và rất nhiều những loại khác, nhét đầy một hàng trong giá sách, thôi không lệt kê nữa.
Có một khoảng thời gian tôi cứ luôn lật xem những cuốn sách này, tìm những kiến thức có thể dùng, nhưng đối với một người hoàn toàn không có kiến thức tâm lý học mà nói, kiểu không có chuyện thì không lạy Tam Bảo nay thực sự vô cùng khó khăn. Kiến thức chuyên ngành quá khó, rất nhiều thứ không có tác dụng trực tiếp để xây dựng tình tiết tiểu thuyết, tôi cũng chẳng nhét được vào đầu, nhưng vẫn cố đọc, thỉnh thoảng đọc được thứ có thể sẽ dùng thì nhanh chóng ghi lại.
Sự thực là sau khi viết cuốn truyện này xong, tôi vẫn chưa kịp đọc hết mấy cuốn sách tôi mua, có vài cuốn thậm chí còn chưa kịp động đến.
Nhưng vài cuốn cũng rất có tác dụng, khiến tôi biết thực ra người vẽ chân dung tội phạm không hề giống như trong bộ phim Tâm lý tội phạm là phải cầm súng chạy tuyến đầu, thực ra công việc chính của họ là phân tích ở phía sau. Thông thường phần lớn công việc là nghiên cứu, nói chuyện với tội phạm, làm phân tích tâm lý, thống kê phân tích tư liệu,… Còn nữa, có vài nội dung về nhận biết biểu cảm nói dối trong bộ phim Đừng nói dối tôi kia cũng sai. Thậm chí một vài khái niệm và thực nghiệm tâm lý học, tôi nuốt sống nuốt sượng, học đâu dùng đấy, sử dụng những tri thức mà mình đọc được.
Sau này có một độc giả đọc xong đã phê bình tôi, vì tôi viết không đúng về chứng vọng tưởng, cô ấy chỉ ra lỗi sai, và nói vì lỗi này mà cô ấy đã bỏ, không thèm đọc nữa. Tôi rất cảm ơn cô ấy vì không lặng lẽ vứt bỏ, mà đã nói cho tôi biết vấn đề ở đâu. Tôi đã sửa lại, còn hy vọng nếu như có chỗ nào không đúng nữa, sẽ có người tiếp tục chỉ ra cho tôi, như vậy thật tốt biết bao.
Khi viết văn, điểm khó nhất chính là xây dựng tình tiết vụ án sao cho móc nối được với tâm lý học, dù sao thì nhân vật nữ chính có sở trường này, nếu như không có chút xíu quan hệ đến phân tích tâm lý thì dường như là lạc đề rồi, tiếp đó là vì truyện tình cảm nên còn phải phát triển chút cảm xúc trong tình yêu nữa. Tôi cũng cố gắng để cân bằng tầm quan trọng của hai nhân vật chính.
Dàn ý thì sớm đã viết xong nhưng trong quá trình viết, dựa vào tiến trình phát triển còn phải không ngừng điều chỉnh. Khi viết đến nửa phía sau, vốn định đẩy mạnh sự phát triển ngang bằng giữa hai tuyến sự kiện, nhưng lại phát hiện ra logic và tiết tấu chuyện không được ổn lắm, thật không cách nào viết tiếp nữa. Tôi bắt đầu dừng post một thời gian dài, tôi muốn chỉnh lại tư duy một chút, tìm lại cảm hứng rồi viết tiếp.
Khoảng thời gian đó lại vưà khéo lại phải sửa Dung Nham, hai tác phẩm đều rơi vào thế bế tắc.
Sau khi lần lượt sửa lại phần mới đăng trên mạng, tôi miễn cưỡng viết thêm mấy chương nữa, phát hiện vẫn không ổn lắm, thế là quyết định viết lại toàn bộ tình tiết ở nửa sau.
Có độc giả trên Weibo hỏi tôi có cảm thấy hiệu quả của việc dừng post thực sự tốt không? Theo như cô ấy thấy những độc giá cũ vẫn luôn theo dõi từng chương post lên, họ cảm thấy sau khi được chỉnh sửa, câu chuyện vẫn không khá hơn. Tôi hiểu rõ cô ấy không tán đồng việc tôi viết lại toàn bộ tác phẩm và dừng post bài.
Tôi không biết cô ấy thống kê tư liệu từ đâu, cũng không có cách nào biết được có bao nhiêu người thích, bao nhiêu người không thích, nhưng với tư cách là tác giả, nếu có thể không cần dừng post, không cần viết lại, thì ai lại muốn làm như thế chứ?
Việc dừng post sửa bản thảo này, trong mục của các tác giả cũng có bài thảo luận, ai cũng biết là một khi dừng post, sẽ mất độc giả, thu nhập sẽ giảm, tác giả sẽ chịu tổn thất. Hơn nữa, thời gian đó hoàn toàn có thể dùng để viết tác phẩm mới, tác phẩm mới mang lại thu nhập, cho nên đây là một tổn thất khác của việc viết lại, vì vậy vấn đề của độc giả đó, tôi thấy rất đáng để thảo luận, nếu tác giả có thể không dừng thì việc gì phải dừng chứ?
Tôi thấy đáp án rất đơn giản, chính là thực sự không viết tiếp được nữa. Hơn nữa cố tình viết tiếp sẽ chỉ miễn cưỡng, cứng nhắc, làm tăng thêm những tổn thất mới, không cách nào sửa chữa, bù đắp được cho tác phẩm, cho nên mới phải viết lại.
Còn về chuyện sau khi viết lại có tốt hơn hay không? Điều này giống như đọc sách vậy, có người thích thì nhất định cũng sẽ có người không thích. Tôi vẫn luôn nói độc giả có nhiều lựa chọn, không thích tác phẩm này thì còn có rất nhiều tác phẩm khác để đọc. Còn tác giả thì không có nhiều sự lưa chọn, viết một tác phẩm thì chỉ có đối diện với tác phẩm ấy mà thôi. Tác giả không thể khiến tất cả mọi người đều hài lòng, nhưng có thể khiến bản thân mình hài lòng.
Trước khi viết phần hậu ký này, tôi có hỏi mọi người trên Weibo có vấn đề gì muốn hỏi hay muốn giãi bày với tôi không, tôi sẽ chọn lọc trả lời trong hậu ký. Thế là có độc giả hỏi, quyết định xoá đi viết lại của tôi có quá trình chuyển biến tâm lý thế nào?
Thực ra nói quá trình chuyển biến tâm lý thì có vẻ nghiêm trọng quá, đối với tôi mà nói, chỉ cảm thấy viết không tốt, cho nên viết lại, không có gì quá phức tạp.
Độc giả hỏi tôi có hài lòng với phần suy đoán tâm lý các vụ án trong tác phẩm này không?
Tôi cảm thấy giai đoạn hiện giờ là hài lòng, tôi đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, tinh lực để ngẫm nghĩ, nhưng sau này tôi chắc tôi sẽ viết được tốt hơn.
Có độc giả hỏi đối với việc xây dựng nhân vật Nguyệt Lão kèm mã số có phải là tham khảo mạng lưới môi giới hôn nhân hiện tại không?
Việc xây dựng hình tượng nhân vật Nguyệt Lão là phần tôi thích nhất trong tác phẩm này, khi đó tôi không hề nghĩ đến mạng lưới môi giới hôn nhân gì cả, chỉ mong muốn có thật nhiều Nguyệt Lão, cho nên liền nghĩ tới mã số. Vì sao là số 2238 ư? Nói thật đó chỉ là con số tôi thuận tay viết ra, bởi khả năng ghi nhớ của tôi rất tệ, sợ viết đến phần sau lại quên mất mã số của anh ta, thế là viết ra một con số không dễ quên. 2238, rất dễ nhớ. Vì sao phải có nhiều Nguyệt Lão ư? Bởi vì trong truyền thuyết chỉ có một người, cho nên tôi muốn viết có rất nhiều người. Cùng với lý do đó, vì sao Nguyệt Lão lại là những anh chàng trẻ tuổi, đẹp trai (trên thực tế, trong ý tưởng còn có cả nam và nữ, có nhiều người)? Bởi vì trong truyền thuyết, Nguyệt Lão là cụ già, cho nên tôi muốn viết anh ta là người trẻ trung, đẹp trai.
Nhìn xem, tác giả phản nghịch biết bao!
Đúng rồi, nói đến Nguyệt Lão này, khi tôi đang đăng bài, có một chuyện đã để lại cho tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc. Chính là khi viết phần kết thúc, có nguyên một chương để Nguyêt Lão số 2238 chạy về tổng bộ tranh thủ cơ hội cho Tô Tiểu Bồi, sau đó nổi lên tranh chấp với Nguyệt Lão khác, sau đó anh ta không ngừng đưa đơn yêu cầu nhưng lại không ngừng bị từ chối.
Khi viết chương đó, bản thân tôi rất xúc động, còn quệt nước mắt. Kết quả sau khi đăng lên, tôi nhận được mấy đoạn bình luận biểu đạt sự bất mãn của độc giả. Có người nói đợi lâu như vậy chỉ nhận được một trang viết thừa, có người nói xoá toàn bộ đoạn này đi cũng được.
Nhìn xem, đây là sự bất đồng quan điểm giữa độc giả và tác giả. Bản thân tôi thấy chương này vô cùng quan trọng, không thể thiếu được. Đối với việc miêu tả nhân vật, đối với sự chuyển biến của câu chuyện, chương này có tác dụng hết sức quan trọng. Tôi nghĩ có rất nhiều tác giả cũng từng nếm trải tình huống giống như tôi, chính là có lúc bản thân cảm thấy viết không tốt, nhưng độc giả lại nói rất tốt; có lúc bản thân mình viết vô cùng trôi chảy, nghĩ mọi người nhất định sẽ thích, nhưng cuối cùng lại nhận được ý kiến ngược lại.
Từng có người bạn tác giả vì nhận được những bình luận tiêu cực mà chạy đến ôm tôi kể khổ, hỏi tôi viết làm sao để được độc giả yêu thích. Tôi nói với cô ấy sao có thể khiến tất cả mọi người đều thích được chứ? Muốn lấy lòng tất cả độc giả ư? Đừng mơ mộng nữa, chỉ cần viết tốt điều bản thân mình muốn viết là được.
Mỗi một tác phẩm, mỗi một nhân vật của tôi đều từg bị phê bình, có tác giả nào không như vậy chứ? Thích thì nói là hài hước, thú vị, không thích thì nói là văn tạp nham; thích thì nói là tự nhiên, ngọt ngào, không thích thì nói là không biết viết tình cảm; thích thì nói là tinh tế, lưu loát, không thích thì nói lôi thôi, vô vị, khẩu vị khác nhau, cảm quan khác nhau, nhưng cũng chính vì vậy, mới không ngừng xuất hiện các câu chuyện và tác giả đủ mọi kiểu, đủ mọi phong cách, cùng những bút pháp khác nhau. Bởi vì có những người thích và ủng hộ khác nhau nên trăm hoa mới đua nở, màu sắc mới đa dạng, đây là chuyện vô cùng bình thường.
Có độc giả hỏi tôi vì sao đi theo con đường sáng tác này, là vì lúc đó tôi hết sách đọc, hết hứng thú đọc, không tìm được sách mình yêu thích, nghĩ thấy bản thân mình có thể viết, liền viết thôi.
Có độc giả hỏi tôi có lời khuyên gì đối với chuyện viết văn. Tôi cảm thấy “hứng thú” là người thầy tốt nhất, cần phải duy trì được hứng thú viết văn của bạn, tiếp tục kiên trì, đừng bận tâm đến những lời phê bình, cũng đừng quá tin vào những lời khen hay, cảm hứng của bản thân là quan trọng nhất. Sau đó, chỉ cần kiên trì và nỗ lực thì sẽ ngày càng tốt hơn.
Trên đây là một vài cảm tưởng liên quan đến việc tôi viết tác phẩm này, cũng trả lời một vài vấn đề độc giả đưa ra.
Cảm thấy mình lại nói nhiều rồi.
HẾT