Việc Máu

Chương 4



Hồi McCaleb còn làm ở FBI, các nhân viên cùng làm việc với ông gọi vùng Los Angeles này là “điệu tango khó nhảy”. Khó ở chỗ họ cứ luôn phải đi những bước thật tế nhị với cảnh sát địa phương. Đó vừa là chuyện cái tôi lại vừa là chuyện rừng nào cọp nấy. Chó này không đái ở sân nhà chó khác. Nếu không được phép thì không.

Chẳng có tay cớm chuyên phá án giết người nào mà không có một cái tôi thật mạnh. Đó là một yêu cầu công việc ngặt nghèo. Để làm được việc, anh phải biết tự trong thâm tâm rằng mình phù hợp với nhiệm vụ, rằng anh giỏi hơn, khôn hơn, khỏe hơn, cừ hơn, tuyệt kỹ hơn và kiên nhẫn hơn đối thủ của anh. Anh phải biết rõ mười mươi rằng anh sẽ thắng. Và nếu có chút hoài nghi gì về chuyện đó thì anh phải rút lui, đi mà phá mấy vụ trộm hoặc tuần tra theo phiên hay làm việc gì đó khác. Vấn đề là ở chỗ, cái tôi của kẻ phá án giết người thường không được kiểm soát, cho đến độ một số thám tử đem cái quan điểm vốn có của mình về đối thủ mà áp luôn những người muốn giúp họ – các điều tra viên cộng sự, nhất là đặc vụ FBI. Không một cảnh sát chuyên án giết người nào đương khi gặp một vụ giậm chân tại chỗ mà lại muốn người ta bảo họ rằng chắc chắn hẳn một người khác – nhất là một đặc vụ liên bang từ Quantico tới – sẽ giúp được họ hoặc làm tốt hơn họ. Kinh nghiệm bản thân cho McCaleb biết rằng khi một cảnh sát chịu thua và cất một vụ án vào kho lạnh, anh ta âm thầm chẳng muốn có ai khác lại lôi ra và phá được vụ đó, qua đấy họ chứng minh rằng anh ta sai. Với tư cách nhân viên FBI, McCaleb hầu như chưa bao giờ được một cảnh sát hàng đầu nào đề nghị tham gia một vụ hay gọi điện xin lời khuyên nhủ. Có chăng thì đó luôn luôn là ý của cấp trên. Cấp trên không quan tâm tới những cái tôi hay tới chuyện tình cảm của ai đó bị tổn thương. Cấp trên quan tâm là quan tâm tới việc phá án và làm sao cho báo cáo thống kê tốt hơn lên. Thế cho nên người ta gọi Cục, rồi thì McCaleb sẽ nhập cuộc và phải tham gia điệu nhảy với tay thám tử chính. Đôi khi đó là một điệu nhảy hài hòa suôn sẻ giữa hai bên đối tác hợp ý nhau. Nhưng thường đó là điệu tango khó nhảy. Người ta giẫm lên ngón chân nhau, những cái tôi bị bầm dập. Đã hơn một lần McCaleb ngờ rằng một tay thám tử mà ông cộng tác đang giấu không tiết lộ thông tin hoặc ngấm ngầm đắc ý khi McCaleb không giúp nhận diện được nghi phạm hay phá được một vụ án. Đó là một phần của lối hành xử nhỏ nhen theo kiểu cát cứ mỗi người một cõi trong giới hành pháp. Đôi khi sự quan tâm đến nạn nhân hay gia đình nạn nhân thậm chí còn không được họ coi là món chính. Nó chỉ là món tráng miệng. Và đôi khi cũng chẳng hề có cả món tráng miệng nào.

McCaleb biết khá rõ rằng lần này ông đối mặt với một bản tango khó nhảy với Cảnh sát Los Angeles. Ừ hình như họ đã kẹt cứng trong việc điều tra vụ Gloria Torres và có thể cần ông giúp đỡ, nhưng điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cái chính là chuyện cát cứ. Đã vậy thậm chí ông không còn làm ở FBI nữa. Ông sẽ vào đấy với người trơn, ngay cả huy hiệu cũng không. Tất cả những gì ông có khi bước vào Cảnh sát Phân khu West Valley vào lúc bảy rưỡi sáng thứ Ba chỉ là cái túi xách bằng da và một gói bánh rán. Ông sẽ phải nhảy một bản tango khó nhảy mà không có nhạc.

McCaleb chọn tới vào giờ đó là vì ông biết hầu hết thám tử bắt đầu làm việc sớm để có thể xong việc sớm. Đó là lúc ông có nhiều cơ hội nhất để gặp được hai người đảm nhiệm vụ Gloria Torres ở cơ quan họ. Graciela đã cho ông họ tên hai người này. Arrango và Walters. McCaleb không biết hai người này, nhưng ông từng gặp viên sĩ quan chỉ huy họ là Trung úy Dan Buskirk từ vài năm trước nhân vụ Sát thủ Mật mã. Nhưng đó là một mối quan hệ hời hợt. McCaleb không biết Buskirk nghĩ gì về ông. Tuy nhiên, ông quyết định rằng tốt nhất sẽ theo đúng quy tắc, đầu tiên là gặp Buskirk đã, sau đó thì may ra sẽ gặp Arrango và Walters.

Phân khu West Valley nằm trên Phố Owensmouth ở Reseda. Sở cảnh sát mà đặt ở chỗ này thì xem ra hơi lạ. Hầu hết các sở cảnh sát Los Angeles đều đặt ở những khu nóng nhất, nơi cần cảnh sát để mắt tới nhiều nhất. Chúng đều có tường bê tông quây kín cổng vào để ngăn những vụ lái xe vào trong sân mà xả đạn. Nhưng West Valley thì khác. Không có thanh chắn. Sở này thì lại là khung cảnh điền viên, trung lưu, kiểu khu dân cư. Một bên có một thư viện còn bên kia là công viên, lề đường phía trước rất nhiều chỗ đậu xe. Phía bên kia đường là một dãy nhà trệt có mái thoai thoải đúng điệu Thung lũng San Pemando.

Sau khi taxi thả McCaleb xuống ở đằng trước, ông bước vào qua hành lang chính, thản nhiên chào một trong các sĩ quan mặc đồng phục ở sau quầy rồi đi về phía hành lang trái. Ông không hề tỏ chút do dự. Ông biết hành lang này dẫn tới văn phòng thám tử bởi hầu hết các phân khu cảnh sát đều được bố trí theo cách đó.

Người mặc đồng phục không ngăn McCaleb lại, điều đó khích lệ ông. Có lẽ là vì gói bánh rán ông cầm theo, nhưng ông lại cho điều đó có nghĩa là ông vẫn giữ được ít nhất một phần cái vẻ đó – dáng đi tự tin của một người đeo súng và huy hiệu. Mà cả hai thứ đó ông đều không có.

Sau khi vào văn phòng thám tử, ông đến chỗ một quầy khác. Bằng cách tì người vào quầy và cúi về phía trước, ông có thể nhìn về bên trái, dòm qua ô cửa kính gian phòng làm việc nhỏ mà ông biết là của viên trung úy đội trưởng. Phòng trống không.

“Tôi giúp gì được ông?”

Ông thẳng người dậy nhìn viên cảnh sát trẻ vừa từ một cái bàn gần đó tiến lại quầy tiếp tân. Có lẽ là một học viên được giao nhiệm vụ đứng quầy. Thường thì người ta dùng những người lớn tuổi trong khu dân cư quanh đây tình nguyện dành thời gian làm việc này, hoặc những cảnh sát được giao việc nhẹ vì đang chấn thương hoặc chịu án phạt.

“Tôi mong gặp Trung úy Buskirk. Ông ấy có đây không?”

“Ông ấy đang họp ở văn phòng Valley. Tôi có thể giúp gì ông không?”

Thế nghĩa là Buskirk đang ở chỗ Van Nuys tại văn phòng chỉ huy toàn vùng Valley. Kế hoạch của McCaleb muốn gặp ông ta trước thế là vứt xuống sông xuống bể. Giờ ông có thể đợi Buskirk hoặc ra về, sau quay lại. Nhưng đi đâu? Thư viện ư? Thậm chí gần đây không có cả một quán cà phê nào có thể đi bộ tới. Ông quyết định thử vận may với Arrango và Walters. Ông muốn mọi việc tiếp tục tiến triển.

“Thế còn Arrango hay Walters bên ban chuyên án giết người?”

Tay cảnh sát liếc nhìn một cái bảng nhựa gắn trên tường, bên trái từ trên xuống có ghi những cái tên, ứng với những hàng ô để đánh dấu với ghi chú CÓ MẶT, VẮNG, cũng như NGHỈ PHÉP và Ở TÒA.

Nhưng ứng với mấy cái tên Arrango và Walters không có một ô nào đánh dấu cả.

“Để tôi xem,” người tiếp tân nói. “Tên ông là gì?”

“Tên tôi là McCaleb, nhưng tên tôi chẳng có nghĩa gì đối với họ đâu. Bảo họ là tôi đến về vụ Gloria Torres.”

Nhân viên tiếp tân quay lại bàn mình, bấm ba con số trên điện thoại. Anh ta nói thầm thì. Khi đó McCaleb biết rằng đối với tay nhân viên tiếp tân này, ông không có cái vẻ đó. Trong khoảng nửa phút cuộc gọi chấm dứt và tay tiếp tân chẳng buồn đứng dậy khỏi bàn.

“Quay lại, cuối hành lang, cửa đầu tiên bên phải.”

McCaleb gật, cầm lấy gói bánh rán để trên bàn rồi làm theo chỉ dẫn. Khi đến gần, ông kẹp cái túi da ở một bên nách để có thể mở cửa. Song giữa lúc ông đang vươn tay ra thì cửa mở. Một người đàn ông mặc sơ mi trắng, thắt cà vạt đứng đó. Súng lục của anh ta giắt trong giáp đeo vai buộc chéo dưới tay phải. Đây là một dấu hiệu xấu. Dân thám tử hiếm khi dùng vũ khí, thám tử chuyên án giết người thì lại càng hiếm. Bất cứ khi nào McCaleb thấy một thám tử chuyên án giết người mang giáp đeo vai thay vì một cái thắt lưng tiện lợi hơn thì ông biết mình đang đối mặt với một cái tôi cực đại. Ông hầu như thở dài thành tiếng.

“Ông McCaleb?”

“Tôi đây.”

“Tôi là Eddie Arrango, tôi có thể làm gì cho anh? Tay ngoài kia nói anh tới đây là về vụ Gloria Torres?”

Họ bắt tay nhau sau khi McCaleb vụng về chuyển gói bánh rán sang tay trái.

“Đúng vậy.”

Gã là người to lớn dềnh dàng, to bề ngang hơn chiều đứng. Người gốc Mỹ La tinh, đầu tròn xoay, tóc đen nhánh lốm đốm bạc. Trạc bốn tư, bốn lăm tuổi, người rắn chắc, không có bụng thòi ra khỏi thắt lung. Rất hợp với cái giáp đeo vai. Gã đứng chắn toàn bộ cửa và chẳng làm cử chỉ nào tỏ ý mời khách vào phòng.

“Có nơi nào chúng ta có thể nói về chuyện này không?”

“Nói về chuyện gì?”

“Tôi muốn xem xét vụ ám sát cô ấy.”

Chà, nói thế này mới khéo chửa. McCaleb nghĩ.

“Ồ, cục cứt, ra là vậy đó,” Arrango nói.

Gã lắc đầu bực tức, liếc nhìn sau lưng rồi lại nhìn McCaleb.

“Được rồi,” gã nói, “làm cho xong đi. Anh có mười phút, lâu hơn thế thì tôi tống cổ anh khỏi đây.”

Gã xoay người lại, và McCateb theo gã vào một căn phòng đầy chật những bàn giấy và thám tử. Vài người đang làm việc dở ngẩng lên nhìn McCaleb, kẻ không mời mà đến, song hầu hết chẳng buồn để ý. Arrango búng ngón tay để một thám tử ngồi nơi bàn dọc bức tường phía xa phải chú ý. Anh ta đang gọi điện thoại nhưng ngẩng lên thì thấy Arrango ra hiệu với anh ta. Người này gật đầu và giơ một ngón tay lên. Arrango dẫn đường vào một phòng dùng để thẩm vấn, có một cái bàn nhỏ đẩy sát vào một bức tường và ba cái ghế. Nó còn nhỏ hơn một xà lim tù. Gã đóng cửa lại.

“Ngồi đi. Một phút nữa cộng sự tôi sẽ đến.”

McCaleb ngồi vào ghế đối diện với bàn. Thế nghĩa là Arrango hẳn sẽ ngồi vào ghế bên phải McCaleb hoặc buộc phải lên sau lưng ông để đến ngồi ở ghế bên trái ông. McCaleb muốn gã ngồi bên phải. Đó chỉ là chuyện nhỏ, nhưng là một thủ tục mà ông luôn tuân thủ hồi còn làm nhân viên FBI. Hãy cho người mà ta cùng trò chuyện ngồi ở bên phải. Thế nghĩa là họ nhìn ta từ bên trái và sử dụng phía bên não kém khả năng phân định và phán đoán hơn.

Một nhà tâm lý học ở Quantico từng cho cái mẹo này trong khi đứng lớp về kỹ thuật thôi miên và thẩm vấn. McCaleb không chắc liệu lần này có hiệu quả không, nhưng ông muốn giành được bất cứ lợi thế nào có thể giành. Và ông nghĩ với tay Arrango này thì ông cần có một lợi thế.

“Anh ăn cái bánh rán nhé?” ông hỏi trong khi Arrango ngồi vào ghế bên phải.

“Không, tôi không muốn ăn cái bánh nào của anh hết. Tôi chỉ muốn anh cứ đi đường anh và cút khỏi đường của tôi. Là do bà chị gái phải không? Anh đang làm việc cho mụ chị gái chết tiệt. Đưa tôi xem giấy của anh. Tôi không thể tin rằng mụ ta phí tiền vào…”

“Nếu ý anh muốn nói giấy phép hành nghề thì tôi không có.”

Arrango gõ gõ mấy ngón tay lên mặt bàn sứt sẹo trong khi ngẫm nghĩ.

“Trời ạ, anh biết là ở đây ngột ngạt quá. Lẽ ra không nên để phòng kín mít thế này.”

Arrango là một kịch sĩ tồi. Gã thốt ra câu đó như thể đọc lên từ một cái biểu đồ in trên tường. Gã đứng dậy, chỉnh sửa bộ điều nhiệt trên tường cạnh cửa ra vào rồi lại ngồi xuống. McCaleb biết rằng gã vừa mới mở máy thu âm cũng như máy quay phim giấu sau lưới dẫn khí phía trên cửa ra vào.

“Trước hết, anh nói anh đang tiến hành điều tra vụ ám sát Gloria Torres, điều đó đúng không?”

“Thật ra thì tôi chưa bắt đầu. Tôi phải nói chuyện với anh trước, rồi thì khỏi đi từ đó.”

“Nhưng anh đang làm việc cho chị của nạn nhân?”

“Graciela Rivers có yêu cầu tôi xem xét vụ này, có thế thật.”

“Và anh không có giấy phép của bang California để hành nghề điều tra viên tư, đúng không?”

“Đúng.”

Cửa mở và người mà Arrango ra hiệu ban nãy bước vào phòng. Không quay lại nhìn cộng sự, Arrango giơ một tay lên, các ngón xòe ra, ý bảo tay kia đừng ngắt ngang. Kẻ mà McCaleb đồ chừng là Walters đứng khoanh tay, tựa vào bức tường cạnh cửa.

“Này anh, anh có hiểu rằng hành nghề điều tra viên tư ở bang này mà không có giấy phép là có tội không? Tôi có thể bắt anh vì tội vi phạm pháp luật ngay bây giờ.”

“Lấy tiền thiên hạ để hành nghề điều tra viên tư mà không có giấy phép hợp lệ là phạm pháp, ấy là chưa nói vô đạo đức. Phải, điều đó tôi biết.”

“Khoan đã. Anh bảo tôi là anh làm việc này không lấy tiền?”

“Đúng vậy. Như một người bạn của gia đình.”

McCaleb nhanh chóng mệt mỏi với cái kiểu trò chuyện nhảm nhí này, ông chỉ muốn nói nhanh vào sự vụ chính, vì nó ông mới có mặt ở đây.

“Thôi nào, liệu chúng ta có thể bỏ qua cái trò nói năng bá láp và tắt quách máy ghi âm với camera đi mà chỉ nói chuyện trong vài phút được không? Ngoài ra, cộng sự của anh đang đè vào máy ghi âm đó. Anh sẽ chẳng ghi được gì hết đâu.”

Walters nhảy dựng ra khỏi cái máy điều nhiệt ngay khi Arrango quay lại thì thấy McCaleb nói đúng. “Sao cậu không bảo tớ?” Walters nói với cộng sự.

“Im đi.”

“Này, ăn bánh rán đi, các anh,” McCaleb nói. “Tôi đến để giúp mà.”

Arrango quay lại McCaleb, vẫn hơi bối rối.

“Làm thế quái nào anh biết là có ghi âm?”

“Bởi vì ở bất cứ văn phòng thám tử nào trong thành phố các anh cũng có cùng một cách bố trí như nhau hết. Mà tôi thì đã tới hầu hết các văn phòng đó rồi. Trước kia tôi vẫn làm ở Cục. Thành thử tôi mới biết.”

“FBI á?” Walters hỏi.

“Nhân viên FBI về hưu. Graciela Rivers là chỗ quen biết với tôi. Cô ấy nhờ tôi xem xét vụ này, và tôi nói tôi sẽ xem. Tôi muốn giúp.”

“Tên anh là gì?” Walters hỏi.

Hiển nhiên là Walters hiểu ra mọi việc chậm hơn vì ban nãy anh ta bận nghe điện thoại. McCaleb đứng dậy chìa tay ra. Walters bắt tay McCaleb trong khi ông tự giới thiệu. Walters trẻ hơn Arrango. Da trắng bệch bạc, dáng thanh mảnh. Quần áo anh ta rộng thùng thình, cho thấy tủ quần áo anh ta không hề được bổ sung cho phù hợp từ khi anh ta bị giảm cân nghiêm trọng. Theo chỗ McCaleb thấy thì anh ta không hề mang bao súng. Có lẽ anh ta luôn để súng trong ngăn tủ, chừng nào ra phố mới mang theo. Là loại cớm như McCaleb. Walters biết rằng khẩu súng không làm nên con người. Cộng sự anh ta thì không.

“Tôi biết anh,” anh ta nói, trỏ một ngón tay vào McCaleb. “Anh là người đó. Tay chuyên án hàng loạt.”

“Cậu nói cái gì vậy hả?” Arrango hỏi.

“Thì mấy tay chuyên lập chân dung tội phạm ấy mà. Đội chuyên án giết người hàng loạt. Anh là người mà họ hay cử tới đây, bởi hầu hết các vụ xương nhất toàn là ở đây hết. Anh ấy làm vụ Tên Thắt cổ Đại lộ Hoàng hôn, gì nữa nhỉ, vụ Sát thủ Mật mã, thằng cha đào xác ngoài nghĩa địa, rồi còn một lô vụ ở đây nữa.”

Rồi anh ta chú ý trở lại vào McCaleb.

“Đúng không?”

McCaleb gật. Walters búng mấy ngón tay.

“Chả phải mới đây tôi vừa đọc được về ông sao? Đâu như tờ Thời láo thì phải?”

McCaleb lại gật.

“Mục ‘Chuyện gì đã xảy ra với…’ Cách đây hai Chủ nhật.”

“Đúng rồi. Anh được thay tim, đúng không?”

McCaleb gật. Ông biết rằng nhờ có biết nhau mà hai bên sẽ thoải mái hơn. Cuối cùng thì họ sẽ vào việc được.

Walters vẫn đứng sau lưng Arrango nhưng McCaleb thấy cái nhìn của anh ta hạ xuống cái gói đặt trên bàn.

“Anh có muốn ăn cái bánh rán không, Thám tử? Tôi không muốn thấy chỗ bánh này bị bỏ phí. Tôi chưa ăn sáng nhưng tôi sẽ không ăn nếu các anh không ăn.”

“Tôi ăn đây nhé,” Walters nói.

Trong khi tiến lại gần mở gói bánh ra, anh ta cứ lo ngay ngáy nhìn cộng sự. Khuôn mặt Arrango trơ như đá, Walters lấy ra một cái bánh phết xi rô. McCaleb lấy một cái bánh đường hương quế, rồi thì Arrango cũng dịu đi và miễn cưỡng lấy một cái phủ đường tán. Họ lặng lẽ ăn một hồi, rồi thì McCaleb thò tay vào trong cái áo khoác thể thao đang mặc, rút ra một xấp giấy ăn ông thó được ở cửa hàng Winchell. Ông ném xấp giấy lên bàn và mỗi người lấy một tờ.

“Vậy là lương hưu của bên cục ít quá nên anh phải điều tra tư để kiếm tiền, hử?” Walters hỏi, mồm đầy bánh rán.

“Tôi không phải đang điều tra tư. Người chị kia là chỗ quen biết. Như tôi đã nói, tôi làm không lấy tiền.”

“Chỗ quen biết á?” Arrango nói. “Anh nói thế là lần thứ hai rồi đấy. Anh biết cô ta rõ đến đâu nào?”

“Tôi sống trên một chiếc thuyền dưới bến tàu. Một hôm tôi gặp cô ấy nơi vũng du thuyền. Cô ấy thích tàu thuyền. Chúng tôi gặp nhau. Cô ấy phát hiện hồi xưa tôi làm gì cho FBI nên liền bảo tôi thử xem xét vụ này xem. Có vấn đề gì à?”

Ông không biết chắc tại sao ông đang che giấu sự thực đến mức gần như nói dối. Ngoài chuyện chưa gì ông đã thấy không ưa Arrango, ông không cảm thấy muốn tiết lộ mối liên hệ thực giữa ông với Gloria Torres và Graciela Rivers.

“Thôi được,” Arrango nói. “Tôi không biết cô ta bảo anh những gì về chuyện này, nhưng đây là một vụ cướp cửa hàng bách hóa thường tình, anh bạn FBI ạ. Đây không phải như mấy vụ Charlie Manson hay Ted Bundy hay Jeffrey Fucking Dahmer. Đây không phải là khoa học tên lửa. Vụ này chỉ là một thằng vô công rồi nghề nào đeo mặt nạ xách súng và một tỉ lệ thích hợp kẹo đồng nã vào đầu đặng kiếm dăm đô. Đây chả phải kiểu như mấy vụ anh thường thấy, tôi muốn nói là nói thế.”

“Cái đó tôi biết,” McCaleb nói. “Nhưng tôi đã nói với cô ấy là tôi sẽ xem xem. Vụ ấy sao rồi, dẳng dai đã hai tháng nay phải không? Tôi nghĩ các anh chắc sẽ không phiền nếu có một đôi mắt khác với cái nhìn mới mẻ ghé vào xem xét một vụ mà các anh không thể dành nhiều thời gian thêm nữa.”

Walters cắn câu.

“Đội của chúng tôi từ đó tới giờ đã rút bốn vụ, còn Eddie hai tuần qua đang dự phiên tòa ở chỗ Van Nuys,” anh nói. “Còn về vụ Rivers thì…”

“Vẫn đang tiến hành,” Arrango nói, cắt ngang lời cộng sự.

McCaleb nhìn từ Walters sang Arrango.

“Phải… Hẳn rồi.”

“Và chúng tôi có quy tắc là không mời mấy tay nghiệp dư vào những vụ đang tiến hành.”

“Nghiệp dư?”

“Anh không có huy hiệu, không có giấy phép hành nghề tư, với tôi thế là nghiệp dư.”

McCaleb lờ đi lời sỉ nhục đó. Ông đoán rằng Arrango chỉ là đang tìm cách hạ thấp ông. Ông dấn tới.

“Đó là một trong những quy tắc các anh thường đưa ra khi nào có lợi,” ông nói. “Nhưng tất cả chúng ta ở đây đều biết tôi có thể giúp các anh. Điều các anh cần biết là tôi có mặt ở đây không phải để làm các anh bẽ mặt. Hoàn toàn không. Nếu tôi tìm được bất cứ cái gì, các anh sẽ là người đầu tiên được biết. Nghi phạm, manh mối, tất tật. Sẽ về chỗ các anh hết cả. Tôi chỉ muốn cộng tác một chút với các anh, thế thôi.”

“Cộng tác chính xác là với hình thức nào chớ?” Arrango hỏi. “Giống như tay cộng sự lắm lời của tôi thường nói, chúng tôi ở đây rất bận.”

“Cho tôi bản sao hồ sơ vụ án đi. Bất cứ băng video nào các anh có nữa. Tôi rất giỏi về hiện trường vụ án. Đó là chuyên môn của tôi mà. Tôi có thể giúp các anh ở mặt đó. Chỉ cần sao cho tôi những gì các anh có, rồi thì tôi sẽ không ngáng đường các anh nữa.”

“Thật ra là anh muốn nói rằng theo anh tụi tôi làm ăn đếch ra gì. Rằng câu trả lời nằm chềnh ềnh đó trong sổ, chỉ cần anh giở sổ là nó tòi ngay ra cho anh thấy bởi vì anh là thám tử liên bang mà thám tử liên bang thì khôn hơn tụi tôi nhiều.”

McCaleb phá lên cười, lắc đầu. Ông đã bắt đầu nghĩ hay mình nên chấp nhận thất bại và bỏ về thôi, song lại nhìn thấy bao súng của gã đàn ông anh hùng mã thượng. Ông cố thử thêm lần nữa.

“Không, tôi không định nói thế. Tôi không biết liệu các anh có bỏ sót gì không. Tôi từng làm việc với Cảnh sát Los Angeles nhiều lần. Nếu được cá thì tôi sẽ cá các anh chẳng bỏ sót gì hết. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã bảo với Graciela Rivers tôi sẽ kiểm tra mọi chuyện. Cho tôi hỏi các anh điều này, cô ấy có gọi cho các anh nhiều không?”

“Bà chị á? Quá nhiều là khác. Hết tuần này đến tuần khác, lần nào tôi cũng nói với cô ta cùng một câu. Chả nghi phạm nào, chả manh mối nào.”

“Các anh đang chờ một cái gì đó xảy ra, phải không? Thử đưa nhân tố nào đó mới vào xem nào.”

“Có thể.”

“Thì thế, ít ra đây có thể là cách để các anh thoát nợ với cô ta. Nếu tôi được xem các anh đã tìm ra những gì rồi quay về gặp cô ta nói là các anh đã làm hết sức, thì có thể cô ta sẽ thôi không mè nheo các anh nữa. Tôi nói thì cô ta sẽ tin vì cô ta biết tôi.”

Cả hai người chẳng nói gì.

“Các anh có mất gì đâu nào?” McCaleb dồn thêm.

“Dù hợp tác kiểu gì đi nữa thì tụi tôi cũng phải xin phép trung úy trước,” Arrango nói. “Tụi tôi đâu thể nào cứ thế đưa bản sao hồ sơ điều tra cho thiên hạ khi chưa được ông ấy phán, dù đúng nội quy hay trái nội quy. Thực ra thì anh đang làm rối tung lên đấy anh bạn ạ. Lẽ ra anh nên tới gặp trung úy trước rồi mới gặp tụi tôi. Anh biết luật chơi cơ mà. Anh không theo đúng trình tự rồi.”

“Tôi hiểu chứ. Mới tới đây là tôi xin gặp ông ấy ngay, nhưng họ nói ông ấy sang bên văn phòng Valley rồi.”

“Ừ, rồi, ông ấy về ngay thôi,” Arrango vừa nói vừa xem đồng hồ. “Này tôi bảo, anh nói là anh rất giỏi về hiện trường vụ án đúng không?”

“Ừ. Nếu các anh có băng thì tôi muốn xem qua.” Arrango nhìn Walters nháy mắt, rồi nhìn lại McCaleb.

“Tụi tôi không phải chỉ có băng quay hiện trường vụ án. Tụi tôi có chính vụ án.”

Gã đá cái ghế về phía sau rồi đứng dậy.

“Đi nào,” gã nói. “Đem mớ bánh đó theo.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.