Việt Ma Tân Lục

Quyển 3 - Chương 4: Con suối dưới xóm



Từ xóm của bà Mơ, đi men theo lối mòn nhỏ hẹp dẫn vào rừng và sâu xuống một đoạn, có một con suối nhỏ chảy róc rách dẫn tới một đầm nước trong veo, nhưng người trong xóm chẳng ai đặt chân đến bao giờ. Thậm chí, các bác trong xóm còn dựng rào gai để chặn không cho người ngoài vào. Cẩm Tú thắc mắc với bà Mơ lẫn ba mẹ, họ chỉ bảo quanh con suối có nhiều đá trơn, đường đi lối lại không thuận lợi, dễ gây ra tai nạn ngoài ý muốn. Lần nào ba mẹ gọi điện về cũng không quên dặn dò con gái và các em chỉ đi chơi trong xóm và nơi có nhiều người qua lại.

Nay khi Khuê và Trinh nhắc đến con suối, trí tò mò của Cẩm Tú bật dậy, tự hỏi liệu con suối có thực sự nguy hiểm hay do người lớn thích phóng đại để dọa trẻ con.

– Hay tụi mình qua ngó thử coi sao?

Trinh phấn khởi đề xuất. Trong ba cô gái, Trinh lúc nào cũng đầu têu trò để cả bọn a dua theo.

– Bồ biết đường xuống ấy hả? – Cẩm Tú tròn mắt, tay vuốt hai lọn tóc thắt bím đặt ra phía trước.

– Đường đi dễ lắm, không quá xa đâu!

– Nhỡ ngoại tôi biết, ngoại chặt chân tôi thật đó! Lúc ấy, tôi không có đi chơi được với mấy bồ đâu hen!

Khuê co rụt người vì ngần ngại. Thấy thế, Cẩm Tú cũng không có đủ can đảm để đồng ý với Trinh. Từ xưa, Cẩm Tú luôn nghe lời ba mẹ và bà Mơ, nên việc lén lút làm trái lời dặn của người lớn không giống bản tính của cô. Mặt khác, Trinh sở hữu biệt tài nỉ nôi người khác đến khi đồng ý mới chịu thôi; cô bạn mè nheo hệt một đứa trẻ, đưa ra hết lý do này đến lý do khác. Nào là sau này cả ba lấy chồng, sẽ không có cơ hội ngồi chơi với nhau như bây giờ, nào là cả ba sẽ đi học xa trên thành phố, bận bịu chẳng có dịp về thăm nhau.

Quả thực, Trinh có lý. Cẩm Tú không phải người gốc trong xóm. Mấy bữa nữa lớn hơn, ba mẹ sẽ muốn cô đi học lên cao, và các em cô lúc ấy có thể tự ở nhà biệt thự mà không cần người trông coi. Tuổi trẻ không trải nghiệm đôi lần mạo hiểm, nghe cũng thật phí phạm biết bao! Giống như mẹ Cẩm Tú đi cả một chặng đường xa để cưới ba cô, biết đâu việc cô một lần đánh liều đi ngắm con suối dưới xóm cũng sẽ rất đáng.

– Thôi, tôi đồng ý với Trinh! – Cẩm Tú thay đổi thái độ, liền khoác tay cô bạn vẻ đồng thuận.

– Đây mới là Cẩm Tú tôi biết chứ!

– Ơ này! Mấy bồ hùa nhau ăn hiếp tôi hả? Mấy bồ định cho tôi ra rìa phỏng?

Trinh nũng nịu nắm tay Khuê kỳ kèo, môi cong tớn lên. Cuối cùng, Khuê chịu thua, đành gật đầu cái rụp trong lo sợ. Khuê cứ dặn đi dặn lại Trinh là không được để ngoại hay chuyện.

Ba cô gái xỏ dép, tíu tít rời nhà Khuê và đi men theo con đường mòn trong xóm. Đến chỗ rào gai rỉ sắt người ta chăng từ lâu, ba cô gái loay hoay tìm cách bước qua, và Trinh lém lỉnh nhất cả bọn đã tìm được đường vào. Men theo rào gai, có một chỗ bị trũng xuống, đủ thấp để ba cô gái vòng chân qua và bước vào không hề hấn.

Đoạn đến con suối hơi dốc, ba cô gái lần lượt bám vào cây mọc hai bên, chậm rãi trượt xuống. Rồi, cả ba cùng ngỡ ngàng khi con suối đã hiện ra trước mắt họ vô cùng đẹp đẽ và thơ mộng. Trinh hét lên sung sướng, chạy lại vục chân xuống đầm nước mát lạnh, cảm giác khoan khoái đến khó tả. Thấy bạn giục, Cẩm Tú và Khuê cũng tới ngồi cạnh Trinh, ngâm chân dưới nước.

– Tôi nghĩ người lớn chỉ nói quá!

Trinh bĩu môi, dùng chân hất nước lên cao, bắn tung tóe.

– Tôi cũng thấy thế! Đầm nước đẹp và mát thế này, có vấn đề chi đâu nhỉ?

Cẩm Tú ngó nghiêng thêm một lượt, cảm nhận sự tĩnh lặng chỉ có tiếng suối chảy rì rầm khe khẽ. Một không gian dễ chịu, thoáng đãng thế này mà lại bị chăng rào gai ngăn cách, nghe không thuyết phục chút nào. Cẩm Tú và các bạn không còn là con nít cần được dắt tay đi mọi nơi nữa; họ có thể tự quyết định điều gì là an toàn và nguy hiểm. Rất nhanh chóng, cảm giác tội lỗi khi làm trái lời ba mẹ của Cẩm Tú trôi đi, chỉ còn lại niềm vui thích thú khi khám phá ra một vùng đất mới.

Ba cô gái ngồi vui đùa được một lúc liền quyết định nhảy xuống tắm. Khuê sợ lạnh nên ngồi co ro trên tảng đá, lấy cớ trông quần áo cho hai bạn. Trinh và Cẩm Tú tung tăng giữa dòng nước, nhưng cũng chỉ được một lúc vì nước lạnh quá, bơi mãi không thấy nóng người hơn.

– Nè, sau tụi mình cứ qua đây chơi đi!

Cẩm Tú mặc lại quần áo, đứng bên bờ vắt hai bím tóc dài sũng nước, hứng khởi đề nghị.

– Tôi cũng thích nơi này rồi! Đây mà làm chỗ “căn cứ riêng” của mình thì tuyệt cú mèo!

– Tưởng mấy bồ chỉ ngó chơi thôi, giờ muốn tới thường xuyên là sao?

Trinh vòng cánh tay còn ướt đẫm nước qua người Khuê; Khuê nhăn mặt hất tay cô bạn ra vì sợ ướt chiếc áo thun xanh mới mua. Cả Trinh và Cẩm Tú đều bò ra cười trước hành động nhát cáy của Khuê.

– Bồ không theo, tụi tôi nghỉ chơi với bồ! – Trinh vừa cười vừa dọa.

– Rồi ngoại thấy người tôi ướt, ngoại chửi thì tôi nói sao?

– Nói bồ bị té xuống ao.

– Bồ khùng hả? Xóm mình làm chi có cái ao nào!

– Bảo qua nhà tôi nghịch vòi nước ngoài sân là được. Bà Mơ hay tưới cây nên có vòi nước xịn lắm!

Khuê bí xị nhưng rồi cũng thuận theo ý của Trinh và Cẩm Tú. Cẩm Tú vừa cười vừa quay người, phóng mắt về phía tảng đá cao, gồ ghề xa xa. Chợt, một cảm giác lạnh lẽo chạy dọc sống lưng! Chắc chắn không liên quan gì đến dòng nước đang ngâm mình.

“Hi… hi… hi… hi…”

Cẩm Tú vô thức lùi người về sau, lên chỗ nông ngang cổ chân, mặt mũi thất thần. Hình như cô vừa nghe thấy tiếng cười đâu đó? Quanh đây ngoài cô, Khuê và Trinh, còn có ai đâu!

– Nè, mấy bồ có nghe thấy tiếng chi không?

– Tiếng chi? – Cả Khuê và Trinh đều ngơ ngác.

– Ủa kỳ vậy? Rõ ràng tôi nghe thấy tiếng khúc khích mà?

– Bồ khéo giỡn! – Khuê huých vai Cẩm Tú.

Gương mặt tái bợt, Cẩm Tú đảo mắt nhìn lên cao, giật nảy mình vì trông thấy một bóng người đứng xõa tóc che mặt, máu từ cổ chảy xuống đỏ thẫm, chảy xuống cả hai cẳng chân tím tái nổi mạch máu rần rần. Cẩm Tú dụi mắt, nhưng hình ảnh vừa rồi đã biến mất ngay khi cô ngẩng đầu. Trên mỏm đá cao tít đằng kia chỉ có vài cành cây nhỏ đung đưa – hoàn toàn không có bóng người nào cả, hay ít nhất là do cô nghĩ thế.

– Chắc mình nhầm… – Cẩm Tú lẩm bẩm rồi định thần lại bằng cách tự táp chút nước vào mặt, nhanh chóng quay trở lại cuộc vui với hai bạn.

Chơi chán chê, ba cô gái men lại đường cũ trèo lên, vừa đi vừa kháo nhau nhìn xem có người không rồi chạy ù về nhà bà Mơ, dùng vòi nước rửa chân và giả vờ nghịch ngợm để hàng xóm không nghi ngờ.

Kể từ hôm ấy, ngày nào ba cô bạn cũng rủ nhau đi “nghịch nước”. Khuê và Trinh sang nhà đợi bà Mơ đi trông Vân Vân, rồi cùng Cẩm Tú lẩn ra suối chơi. Có hôm bà Mơ đi vắng, dẫn theo Vân Vân, ba cô gái trốn xuống con suối những hai lần. Vừa có không gian riêng tư tha hồ nói chuyện, vừa có cảnh đẹp để ngắm, Cẩm Tú thích con suối mê mệt, đến độ đêm ngủ vẫn háo hức đợi ngày hôm sau lại được ra suối. Sau này về biệt thự, chẳng còn suối nhỏ trong vắt cho cô tha hồ thả mình nữa, nên phải tranh thủ tận hưởng những lúc có thể.

*

Hôm ấy bà Mơ cúng rằm, Cẩm Tú phải về sớm phụ giúp bà nấu cơm cho các em nên không đi chơi lâu với Khuê và Trinh được. Cẩm Tú cúi người, đi vào từ cổng sau, nhìn qua cửa sổ. Bà Mơ và Vân Vân đang cặm cụi trong bếp, Cẩm Tú liền yên tâm đi ra chỗ vòi nước rửa chân. Một bàn tay ướt đẫm nước bỗng tóm lấy vai Cẩm Tú khiến cô nhảy dựng lên, tí nữa thì quăng cả vòi nước xuống đất.

– Anh Đào, con quỷ này! Mày làm chị hết hồn!

– Chị hai đi đâu mà người ướt như vừa tắm thế? – Anh Đào cười khoái trá.

– Tắm đâu mà tắm! Chị rửa chân, bị mày dọa nên nước bắn lên thôi.

– Chị hai lại xạo! Rõ ràng, em thấy người chị hai ướt từ trước.

– Ờ thì…

Cẩm Tú cắn môi lo lắng, ngó mắt lần nữa vào trong bếp; bà Mơ vẫn chưa rời khỏi vị trí bếp nấu. Cẩm Tú kéo Anh Đào qua một bên, chuyển giọng thầm thì như sợ ai nghe thấy.

– Thôi, coi như mày không thấy chi đi! Chị vừa qua nhà chị Khuê chơi với chị Trinh, nghịch nước lạnh bên đó. Sợ bà Mơ chửi, chị mới phải vặn vòi nước ở sân, hiểu chưa?

– Vậy tối chị qua ngủ với em và Vân Vân đi. Con nhỏ đêm hay quấy, nhiều khi em chẳng dám ngủ.

– Được, tối chị qua. Nhớ kín miệng cho chị nghen!

Thắp hương xong xuôi, ba chị em cùng bà Mơ ngồi xuống bàn ăn, thưởng thức mấy món mới bà Mơ làm, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Anh Đào dạy Vân Vân học cách cầm đũa, nhưng con bé ương bướng, dạy mãi không vào, cứ quay qua cầm thìa xúc cơm ăn mới chịu.

Tối, Cẩm Tú rời phòng riêng để qua phòng của Anh Đào với Vân Vân, mang theo cả chăn gối. Ba chị em cùng chui rúc trên một chiếc giường bé, nằm cười đùa hồi lâu. Cẩm Tú kể truyện cổ tích cho Vân Vân nghe rồi con bé chìm dần vào giấc ngủ lúc nào không hay. Anh Đào bĩu môi vì thường ngày cô nàng cũng kể chuyện mà Vân Vân chẳng buồn nghe, cứ đạp rồi kéo chăn liên tục. Được hôm Vân Vân chịu ngủ sớm, thì đến lượt hai chị lớn ngủ chập chờn. Mãi quá nửa đêm, Cẩm Tú và Anh Đào mới bắt đầu lim dim.

*

“Cẩm… Tú… ơi…”

Giọng nói trong trẻo nhưng kéo dãn từng tiếng dài, vang lên từ dưới nhà. Cẩm Tú trở mình, khẽ dụi mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ tối om. Bên cạnh, Anh Đào và Vân Vân đã say giấc từ lâu.

“Cẩm… Tú… ơi…”

Có ai đó đang gọi tên mình, Cẩm Tú bật người dậy. Đêm hôm khuya khoắt, sao khách lại đến thăm nhà, lại còn gọi tên cô nữa?

Cẩm Tú khẽ cuộn chăn cạnh người Anh Đào, rón chân men theo tường, mò mẫm xuống cầu thang. Bà Mơ ngủ ở tầng dưới nhưng người lớn tuổi, tai nghễnh ngãng nên vẻ như không hay biết có người ở ngoài cửa. Bước chân của Cẩm Tú cọt kẹt trên từng bậc cầu thang lát gỗ, tay vẫn bám vào thành. Khi quen với bóng tối rồi, Cẩm Tú đi mạnh dạn hơn về phía cửa chính.

“Cẩm… Tú… ơi… qua… đây… chơi… với… tôi…!”

Ở dưới, giọng nói mỗi lúc một rõ hơn, Cẩm Tú bất giác lạnh hết xương sống. Hay là Trinh nhỉ? Cẩm Tú nghĩ, chỉ có cô bạn tên Trinh của mình mới hay bày trò trêu chọc người khác. Nửa đêm nửa hôm, Trinh mò cả đoạn đường để đến dọa Cẩm Tú, coi bộ chắc lại vừa nghe truyện kinh dị trên radio xong rảnh rỗi đi nghĩ trò đây. Có khi trên đường, Khuê cũng bị Trinh dọa cho chết khiếp rồi!

Phải nạt cho Trinh một trận mới được, Cẩm Tú hậm hực. Cô lấy chìa khóa trong tủ đựng giày và mở cửa, chuẩn bị tung ra một màn dạy bảo Trinh thật ra trò.

Nhưng, bên ngoài cổng trống trơn, không một bóng người…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.