Alfred Hitchcock, nhà dạo diễn lừng danh, đang ngồi ở bàn viết. Ông đang chăm chú đọc xong các ghi chép liên quan đến vụ “Cái sọ biết nói” do Bob thảo. Khi đọc xong, ông nhìn Ba Thám Tử Trẻ đang ngồi đối diện với ông trong bộ y phục đẹp nhất của mình.
– Các cậu giỏi quá! – ông nói – Hannibal à, cậu đã xoay xở rất tài để tìm ra được số tiền ăn cắp, trong khi chính cảnh sát không làm được.
Khuôn mặt tròn trịa của Hannibal không nở nổi một nụ cười.
– Thưa bác, chẳng có gì đáng khen – Hannibal thẳng thừng tuyên bố – Đáng lẽ cháu phải giải ra vụ này sớm hơn. Lúc đầu cháu lại tưởng hai con tem chồng lên nhau có nghĩa rằng giấy bạc được giấu dưới lớp giấy dán tường. Đáng lẽ cháu phải suy nghĩ nhiều hơn và tìm một ý nghĩa khác cho những đặc điểm lạ lùng trên phòng bì. Về sau, thì cháu không gặp may…
– May mắn chỉ mỉm cười với những ai mở mắt cảnh giác – ông Hitchcock ngắt lời – Tôi đã từng nói với các cậu rồi. Các cậu không thể luôn luôn tìm ra câu trả lời đúng cho một câu hỏi ngay lần đầu. Các thám tử đều biết điều này. Nhưng tôi xin nhắc lại, tôi cho rằng các cậu đã xoay sở rất giỏi trong vụ này.
– Cám ơn bác – Hannibal mừng rỡ nói – Đúng là cuối cùng tụi cháu cũng đã tìm ra tiền.
– Và kịp thời nữa – nhà đạo diễn nhận xét – Hai ngày sau, là xe ủi đập phá ngôi nhà và nếu vậy thì tiền sẽ mất vĩnh viễn. Nhưng này, các cậu có được nhận tiền thưởng không?
Hannibal thở dài, Peter thở dài, Bob cũng thở dài.
– Dạ không, thưa bác – Bob trả lời – Thật ra không có ai hứa hẹn tiền thưởng gì cả. Đó chỉ là chuyện bịa đặt của Simpson Lưu Manh, cũng như tất cả những gì ông ấy nói với tụi cháu. Tuy nhiên, tụi cháu có nhận được một lá thư rất tử tế từ ông giám đốc ngân hàng bị cướp. Còn cảnh sát trưởng Reynolds thì tuyên bố là rất mong tụi cháu đủ tuổi để làm thám tử chính thức cho chú áy.
– Tiền không phải là điều duy nhất để thưởng cho một công việc thực hiện tốt – ông Hitchcock nói – Bây giờ tôi muốn hỏi các cậu vài điều. Ghi chép này có nói rõ Spike Neely đã giấu tiền trong một chỗ giấu độc đáo như thế nào, rồi hắn đã xoay sở như thế nào để chuyển, từ bệnh viện nhà tù, bức thông điệp mật cho anh bạn Gulliver… một bức thông điệp mật đến nỗi không ai giải ra được và phải chờ đến các cậu.
Ông Hitchcock dừng một hồi rồi nói tiếp:
– Điều mà các cậu ghi chép không nói là Gulliver ra sao. Các cậu có thể nói cho tôi biết không?
Ba Thám Tử Trẻ mỉm cười. Ba bạn biết là sẽ có câu hỏi này và Hannibal đã chuẩn bị sẵn sàng để trả lời.
– Khi nhận được thư của Spike Neely – thám tử trưởng bắt đầu nói – Gulliver đã nghi rằng bạn mình muốn chuyển một bức thông điệp. Thật vậy, khi cả hai cùng ngồi tù, Spike Neely có hứa là sẽ tiết lộ bí mật cho bạn nếu có bị gì. Nhưng bất chấp mọi cố gắng, Gulliver không giải được bức thông điệp. Khi đó, ông giấu bức thư vào rương.
Rồi đến ngày nọ, khi ông chuẩn bị về khách sạn, nhân viên tiếp tân cho ông biết rằng có người đến tìm gặp ông. Theo lời mô tả, Gulliver nhận ra Mũi Méo và ông hoảng sợ. Ông biết rằng tên cướp dám bắt cóc ông để tra tấn bắt ông khai ra chỗ giấu tiền. Mà ông lại không biết tiền giấu ở đâu. Nếu biết thì ông cũng đã báo ngay cho cảnh sát rồi. Mà trong trường hợp này, ông không thể báo cảnh sát, vì rất có thể cảnh sát sẽ không tin ông!
Ông Hitchcock quan tâm lắng nghe. Hannibal nói tiếp:
– Gulliver không mất thời gian, ông không thèm lên phòng và biến mất luôn, ông để lại mọi tài sản của mình. Khi thấy khách không trở lại nữa, giám đốc khách sạn để riêng cái rương ra một bên, rồi cuối cùng mang đi bán đấu giá. Khi đó thì cháu mua rương.
– Vậy Gulliver chưa chết à? – Ông Hitchcock hỏi – Nhưng bà Bôhêmiêng Zelda đã khẳng định với cậu rằng ông ấy đã biến mất khỏi thế giới loài người mà.
– Và đúng vậy, thưa bác – Hannibal mỉm cười nói – Gulliver muốn bảo đảm rằng Mũi Méo và đồng bọn sẽ không tìm ra ông nữa. Nên ông mặc đồ phụ nữ và đội tóc giả. Rồi ông trở thành phụ nữ, ít nhất là về bề ngoài, và bằng cách đó ông biến mất khỏi thế giới đàn ông.
– Ha ha ha! Tất nhiên! – Ông Hitchcock thốt lên – Đáng lẽ tôi phải đoán ra đi ngụ ý của câu này! Bây giờ tôi lại nghĩ ra điều này. Các cậu sẽ nói tôi xem tôi nghĩ có đúng không. Có phải bà Bôhêmiêng Zelda lại chính là Gulliver Vĩ Đại không?
Peter và Bob mỉm cười, Hannibal gật đầu.
– Dạ đúng, thưa bác. Người Bôhêmiêng là bạn cũ của nhà ảo thuật. Thật ra mẹ ông là người Bôhêmiêng, nên ông được dân Bôhêmiêng tiếp đón tốt và cho phép ông sống với họ. Và nhờ người Bôhêmiêng có tinh thần đoàn kết đồng hương, nên Gulliver không sợ bị phản bội và bí mật của ông được bảo vệ tốt!
Đến lượt ông Hitchcock mỉm cười.
– Tốt – ông nói. Vậy là làm rõ được một vụ bí ẩn. Rõ ràng Gulliver, là người mập mạp, đã phải ăn kiêng và ốm đi để biến đổi vóc dáng mình. Khi đó ai đoán nổi rằng nhà ảo thuật mập mạp trong bộ váy của một bà Bôhêmiêng ốm yếu? À mà kế hoạch của ông thế nào?
– Ông sắp từ bỏ nhân vật Zelda để trở thành chính mình trở lại – Hannibal thông báo – Ngay khi Mũi Méo và đồng bọn thật sự bị nhốt vào tù. Nhân tiện, ông cũng sẽ bỏ nghề cũ luôn. Không làm ảo thuật nữa! Dân Bôhêmiêng đã thấy ông quản lý công việc của họ rất tốt và yêu cầu ông ở lại.
– Tôi hiểu!
Alfed Hitchcock bắt đầu lật các ghi chép của Bob trở lại.
– À! – Ông nói khi tìm ra chỗ đang muốn tìm – Ở đây, các cậu viết rằng, khi Hannibal mua cái rương ở cuộc bán đấu giá, thì có một bà lăng xăng van xin Hannibal bán lại rương cho bà, nhưng Hannibal từ chối. Đây lại là…
– Dạ đúng. Đó chính là Gulliver mặc đồ bà già, đội tóc giả cho phù hợp. Ông biết rằng cái rương sẽ được mang ra bán đấu giá và có ý định mua lại. Nên ông theo dõi các cuộc bán đấu giá, nhưng lại đến trễ ở cuộc bán đấu giá cái rương của mình. Đáng lẽ ông đã năn nỉ mua lâu hơn, nhưng có anh phóng viên mang máy ảnh đến và Gulliver sợ gây chú ý. Về sau ông đọc báo biết được tên tụi cháu và chỗ tìm gặp tụi cháu.
– Báo chí cũng cung cấp thông tin cho Mũi Méo và đồng bọn – Peter nhận xét thêm.
– Đúng – Hannibal đồng tình – Lúc đầu, Mũi Méo và đồng bọn toan lấy cắp rương. Về sau, bọn chúng chiếm đoạt được cái rương hằng cách di theo ông Maximilien và gây tai nạn ôtô. Nhưng bọn chúng không hưởng được cái rương bao nhiêu.
– Dân Bôhêmiêng hả?
– Dạ phải. Bác biết không, đúng như bà Zelda cho tụi cháu biết sau này. Dân Bôhêmiêng theo dõi bảo vệ tụi cháu. Khi bà Zelda – tức Gulliver – biết rằng tụi cháu là thám tử và đã tự mình giải được nhiều vụ bí ẩn, bà nghĩ rằng có thể tụi cháu se tìm ra số tiền bị mất và sẽ dẫn cảnh sát đến chỗ Spike Neely đã giấu tiền. Khi đó, Gulliver sẽ có thể xuất hiện trở lại và không còn gì phải sợ nữa.
– Tôi hiểu.
– Vì vậy mà Gulliver-Zelda đã sắp xếp để gặp cháu và nói chuyện với cháu một cách bí hiểm đến nỗi cháu tò mò cực độ. Rồi người Bôhêmiêng đã phát hiện ra tên Mũi Méo và đồng bọn và theo dõi bọn chúng. Nên khi bọn chúng lấy cắp rương của nhà ảo thuật Maximilien, có một chiếc xe đầy người Bôhêmiêng đang ở phía sau lưng bọn chúng. Người Bôhêmiêng chạy theo đến tận sào huyệt của bọn cướp, tấn công và mang rương đi, không để thời gian cho bọn cướp kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.
– Và chính họ đã gửi trả cái rương về cho các cậu à?
– Dạ đúng, theo lệnh Gulliver-Zelda, vì ông ấy vẫn hy vọng tụi cháu sẽ giải ra vụ bí ẩn. Thật ra Gulliver biết rằng tụi cháu chỉ thoát được băng Mũi Méo khi tìm ra tiền. Rồi người Bôhêmiêng tăng cường theo dõi, để đến cứu giúp tụi cháu nếu cần.
– Cũng may cho các cậu! – Ông Hitthcock nói.
– Vâng. Hôm tối thứ bảy, khi Simpson Lưu Manh đã bịa chuyện kể để dụ tụi cháu chỉ cho ông chỗ giấu tiền trong nhà bà Miller, thì dân Bôhêmiêng đang theo dõi mọi hành động và sự đi lại của băng Mũi Méo. Họ không biết gì về Simpson. Và khi Mũi Méo và đồng bọn lên đường, thì người Bôhêmiêng cũng đi theo. Cuối cùng khi thấy bọn cướp bắt tụi cháu, Lonzo đã gọi dân mình đến tiếp viện. Toàn bộ bộ lạc Bôhêmiêng đã đến cứu tụi cháu và vô hiệu hóa bọn cướp. Sau đó… thì bác đã biết tụi chịu tìm ra tiền như thế nào rồi.
Ông Hitchcock gật đầu, nhìn Ba Thám Tử Trẻ.
– Bây giờ, thêm một câu hỏi cuối cùng – ông nói – Socrate, cái sọ biết nói, có thật không? Nếu vậy thì bằng mưu mẹo nào? Bí mật của nó là gì? Tất nhiên là tôi không chấp nhận lời giải thích siêu tự nhiên nào cả.
– Đương nhiên, thưa bác – Hannibal tuyên bố – Ý cháu muốn nói: lời giải thích không có gì bí ẩn cả, ảo thuật chỉ là những trò đơn giản thôi, ít nhiều độc đáo. Socrate chỉ là một trong các trò ấy. Gulliver có tài nói bụng rất giỏi. Lúc đầu ông chỉ làm cho Socrate nói chuyện bằng giọng của chính ông. Về sau, công chúng biết được mưu mẹo – điều này không khó – nên ông nghĩ ra việc làm cho Socrate nói chuyện từ xa, ông mua cái máy ghi âm nhỏ xíu…
– Rồi cho vào bên trong cái sọ hả? – Ông Hitchcock chau mày hỏi tiếp – Đáng lẽ cậu phải nghĩ ra ngay từ đầu chứ. Tôi tưởng cậu đã chịu xem xét cái sọ ấy thật kỹ!
– Cháu đã làm đúng như vậy, thưa bác – Hannibal bình tĩnh trả lời – Cháu đã xem xét Socrate rất kỹ. Nhưng Gulliver khéo chính ở điểm này, ông không đặt máy ghi âm bên trong cái sọ mà cho vào các đế bằng ngà… nơi không ai nghĩ đến!
– Trời! – Nhà dạo diễn thốt lên – Đúng là khéo thật! Cậu kể tiếp đi.
– Máy được chỉnh để chạy theo hai chiều. Nói cách khác, khi đã lấy Socrate ra khỏi rương và đặt trên đế, thì tất cả những gì tụi cháu nói đều được truyền đến tai người nghe. Độ dài sóng có một tầm nhất định.
– Chuyện xảy ra chính xác như thế nào?
– Gulliver giả làm phụ nữ – nhưng không làm bà Bôhêmiêng – lảng vảng kín đáo quanh Thiên Đường Đồ Cổ ngay khi biết rương đã ở trong đó. Ông đeo máy nghe ở tai, dưới bộ tóc giả, và đeo cái micrô nhỏ giống như nữ trang cài áo trên ngực. Lần đầu tiên Socrate lên tiếng, thì thật Gulliver không định nói chuyện với tụi cháu. Nhưng ông bị mắc bệnh nhảy mũi… và tụi cháu đã nghe Socrate nhảy mũi!
– Rồi sau đó?
– Tối hôm đó, trong phòng cháu, khi cháu mang Socrate lên phòng, Gulliver vẫn còn rình rập quanh đó.
– Và ông rình cho đến khi đèn phòng cậu tắt hết, đúng không?
– Khi đó, cháu vừa mới thiếp ngủ, Gulliver đã liều nói chuyện với cháu thông qua cái sọ… Cháu cứ tưởng Socrate khuyên cháu đến một địa chỉ nào đó… để gặp Zelda.
– Hiểu.
– Sáng hôm sau, Gulliver vẫn đang nghe lén khi thím Mathilda lên dọn phòng cháu, thấy Socrate và nói lớn tiếng những gì thím nghĩ về nó. Khi đó Gulliver buột miệng kêu: “Bậy bạ!”.
– Vậy là vụ bí ẩn thứ nhì đã được giải thích – ông Hitchcoch hài lòng nói – Mỗi lần đều là chính Gulliver Vĩ Đại nói chuyện. Cách giải thích hoàn toàn khoa học, không có gì là mê tín cả.
– Dạ phải, thưa bác – thám tử trưởng đồng tình – Một điều nữa… Do phần lớn thời gian đều có Socrate bên cạnh khi tụi cháu thảo luận, nên Gulliver nghe được và nhờ vậy theo dõi sự tiến triển trong cuộc điều tra và mọi kế hoạch của tụi cháu.
– Vậy ông ta biết hết?
– Dạ phải, gần như hết. Mà cũng nhờ đó mà ông ấy đã theo dõi bảo vệ được tụi cháu và đến cứu kịp thời.
– Đây là một vụ hết sức thú vị – nhà đạo diễn tuyên bố – Không hiểu vụ bí ẩn kế tiếp sẽ như thế nào?
– Tụi cháu chưa biết, thưa bác, nhưng tụi cháu luôn cảnh giác. Tụi cháu sẽ báo cho bác ngay khi có gì mới.
Ba Thám Tử Trẻ chào ông Hitchcock ra về. Còn lại một mình, nhà đạo diễn lừng danh im lặng mỉm cười. Một cái sọ biết nói! Không hiểu lần sau Ba Thám Tử Trẻ có rơi vào một vụ bí ẩn kỳ lạ nào bằng vậy không?