Tôi khó khăn lắm mới kìm được không nổi cáu.
– Trong lúc cho thằng bé đi nhờ ông có nói chuyện với nó không? Ông có hỏi nó từ đâu tới không?
Với một vẻ chậm chạp đến bực mình, rốt cuộc ông bưu tá cũng chia thư xong. Ông rít một hơi thuốc, tựa hai cánh tay lên mặt quầy, rồi nhìn tôi cười thân mật.
– Xin lỗi anh, tôi chỉ có thể mỗi lúc làm một việc thôi. Bây giờ soạn xong đống thư rồi, tôi có thể tiếp chuyện với anh. Anh đang nói với tôi về Johnny Jackson phải không?
– Đúng vậy. Khi ông cho Johnny đi nhờ ông có hỏi nó từ đâu đến không?
– Tất nhiên là có chứ. Nhưng thằng bé chỉ nói là nó tới từ một nơi rất xa. Theo gương mặt nhợt nhạt và mệt mỏi của nó, tôi hiểu rằng nó không muốn nói chuyện. Tôi vốn tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác. Và thế là tôi thôi không hỏi gì nữa.
– Khi ông dẫn thằng bé tới nhà có chuyện gì xảy ra không?
– Tôi không đưa nó vào nhà. Tôi cho nó xuống cạnh đường rồi chỉ nhà cho nó. Tôi nghĩ tôi có thể nói với anh điều này nữa. Chuyện này tôi chưa hề kể với ai. Vả lại cũng lâu lắm rồi. Thực lòng tôi rất muốn giúp anh tìm lại Johnny. (Ông rít một hơi thuốc và có vẻ lưỡng lự).
– Ông còn muốn nói gì với tôi nữa? – Tôi hỏi. – Xin ông hãy nghe tôi. Johnny là người thừa kế của ông già Jackson. Giúp tôi tìm Johnny tức là ông giúp ông già Jackson đấy.
– Anh nói đúng. Cuối cùng, thằng bé xuống xe và cám ơn tôi rất tử tế. Rồi nó lấy trong túi ra một chiếc phong bì. Đã mười năm trôi qua rồi, nhưng tôi còn nhớ vẻ mặt lo lắng của nó khi nó nhìn tôi. Nó bảo rằng nó không có tiền mua tem. Nó nhờ tôi bỏ giúp nó vào thùng thư ở bưu điện. Nó bảo việc này rất quan trọng. Tôi đã làm giúp nó. Tôi nhìn thấy nó lần cuối cùng khi nó lên dốc đi vào nhà.
– Như vậy, ý ông muốn nói trong suốt sáu năm trời, tháng nào ông cũng đưa thư tới cho Jackson, nhưng không bao giờ gặp thằng bé, phải không?
– Đúng vậy. Xe tôi kêu ầm ĩ lắm nên Fred nghe thấy tôi tới. Lần nào ông cũng lết ra chỗ đường ngoặt lấy thư, lầm bầm mấy câu rồi quay về.
– Thế ông có bao giờ hỏi thăm sức khỏe thằng bé không?
– Tôi rất muốn làm điều đó, nhưng ông già chẳng bao giờ nói gì. Ông ta cầm lấy thư rồi quay đi ngay. Tôi thường phát thư vào lúc thằng nhỏ đến trường nên không bao giờ gặp nó. Fred thậm chí chẳng nói gì ngay cả lần tôi mang tới cho ông Huân chương của con trai. Tôi hiểu đó là Huân chương vì thấy có hộp và bao gói cẩn thận. Ông giật nó từ tay tôi, ký nhận rồi bỏ đi.
– Thế bức thư mà Johnny đưa cho ông… tôi biết đã mười năm trôi qua, nhưng ông còn nhớ nó gửi cho ai không?
– Ồ, có chứ. Tôi vốn tò mò mà. Hơn nữa, thằng bé như từ trên trời rơi xuống và lại tìm gặp lão già Fred thì ai không tò mò muốn biết.
– Tôi hiểu. (Tôi cố nén hét lên vì vui sướng). Thế bức thư gửi cho ai?
– Bức thư ấy à? Nó được gửi cho bà Stella Costa, phố Macey ở Secomb, số bảy hay chín gì đó.
Tôi tự hỏi không biết mình đã chạm đúng mỏ vàng hay chưa
– Bà Stella Costa, số bảy hay chín phố Macey ở Secomb.
Ông bưu tá gật đầu.
– Đúng vậy.
– Cám ơn ông Josh, – tôi nói. – Ông đã giúp tôi rất nhiều.
– Tôi quý thằng bé lắm! Nếu Fred có để lại tiền bạc thì tôi sẽ rất mừng nếu thằng bé nhận được nó.
Tôi bắt tay Josh và đi nhanh ra chỗ đỗ xe. Tôi phải nhanh chóng tìm được bà Stella Costa.
***
Paradise City nổi tiếng là thành phố đắt đỏ và xa hoa nhất thế giới. Để giữ được tiếng tăm đó và chiều chuộng những gã tỷ phố sống ở đây, thành phố phải sử dụng cả một đội quân lao động, quét dọn đường phố, phục vụ khách sạn và hộ sĩ. Đội quân khổng lồ đó đóng ở Secomb, cách thành phố hai cây số.
Secomb rất giống West Miami. Đây là một thành phố nhỏ với những ngôi nhà lụp xụp, những khách sạn rẻ tiền, những quán bar và hộp đêm mờ ám.
Phố Macey xuất phát từ đường Seaview, một trung tâm thương mại của thành phố.
Nhà số bảy là một cửa hiệu may nhỏ. Từ ngưỡng cửa, ông chủ người Hoa đã tươi cười mời chào. Tôi đi tiếp. Nhà số chín xem ra có vẻ hứa hẹn hơn. Tôi thấy một cái cửa nhỏ kẹp giữa một hiệu ăn Tàu và một hiệu thuốc. Bên trên cửa có treo tấm bảng “cho thuê phòng”. Tôi bước vào. Ở bên trái có một cánh cửa ghi “văn phòng”. Tôi gõ cửa, mở ra và bước vào một căn phòng nhỏ. Một người da đen ngồi sau chiếc bàn nhỏ đang say sưa đọc báo. Ông ta trạc ngoài bảy mươi, tóc đã bạc trắng.
Ông ta đặt tờ báo thể thao đang đọc dở xuống bàn, nhìn tôi cười nghi vấn và tinh quái.
– Ông nghĩ gì về cuộc đua ngựa ba giờ chiều mai? – Ông ta hỏi.
– Tôi không biết. Tôi không chơi cá ngựa.
– Tôi cũng đã ngờ như vậy. (Ông già gật đầu). Thế anh có tìm thuê phòng không?
– Không. Tôi tìm bà Stella Costa.
Ông ta nhướn hàng lông mày rậm.
– Một người trẻ tuổi ăn mặc lịch sự, không chơi cá ngựa như anh mà lại dây dưa với loại người như Costa sao?
Tôi mỉm cười thân thiện.
– Nếu bà ta muốn thì tự bà ta sẽ cho ông biết.
Ông ta có vẻ suy nghĩ về những điều tôi vừa nói, hết nhấc kính lại đeo vào.
– Bà ta đâu có thèm trả lời tôi.
– Tệ quá nhỉ. Thế phòng bà ấy ở đâu?
– Phòng của Stella ấy à?
– Tôi không có nhiều thời gian đâu. Có thể tìm bà ta ở đâu?
– Chắc chắn là bây giờ không có ở đây. Bà ta đã chuyển đi từ nhiều năm rồi.
Tôi lấy một chiếc ghế và ngồi dạng chân ra hai bên.
– Mà tôi chưa biết tên ông.
– Cứ gọi tôi là Washington. Bố mẹ tôi vốn có óc hài hước mà.
– Vậy thì thưa ngài Washington, ngài có thể cho tôi biết bà ấy hiện sống ở đâu không?
Ông già lấy từ túi ra một chiếc khăn mùi soa rồi lau kính.
– Tôi xin nhắc lại câu hỏi đầu tiên của tôi: Tại sao một người trẻ tuổi, ăn mặc lịch sự, không chơi cá ngựa như anh lại muốn gặp loại người như Costa?
Tôi đã quá quen thuộc những tình huống như thế này. Tôi lấy ví rút ra tờ hai mươi đô và nhìn ông già. Ông ta đeo ngay kính lên, nhìn tờ giấy bạc, rồi nhìn tôi.
– Tôi biết ngay anh bạn trẻ là người thông minh mà.
– Vậy tôi có thể tìm bà Costa ở đâu? – Tôi nhắc lại.
– Một câu hỏi tuyệt vời: Tìm ở đâu? Tôi muốn trước hết phải có cái mà anh đang cầm trong tay đã. Thật lòng tôi không biết bà ta ở đâu. Nhưng tôi có thể kể cho anh một số chuyện về cuộc đời bà ấy. Anh có muốn nghe không?
Tôi đặt tờ giấy bạc xuống trước mặt ông già. Ông xem xét một lúc, rồi cầm nhét luôn vào túi áo.
– Bây giờ ta sẽ nói chuyện công việc, – ông ta mỉm cười nói. – Anh hỏi tôi là bà Costa hiện ở đâu đúng không?
– Đúng, thưa ngài Washington. Ông có thể nói gì về bà ấy?
– Tôi đề nghị anh đừng gọi tôi là ngài Washington nữa. Cứ gọi tôi là Wash như mọi người ở đây vẫn gọi.
– Cũng được thôi. Vậy là bà ta đã sống ở đây và bây giờ đã chuyển nơi khác?
– Đúng thế.
– Bà ta đã sống ở đây bao lâu?
– Khoảng hai mươi năm trước, bà ta tới đây cùng một đứa con trai còn bé tí. Lúc đó bà ta mới mười bảy mười tám tuổi gì đấy. Bà ta thuê của tôi hai căn phòng đẹp nhất và xưng tên là Stella Costa, nhưng tôi có cảm tưởng đó không phải là tên thật.
– Điều gì khiến ông nghĩ như vậy?
– Chủ một ngôi nhà cho thuê buộc phải thận trọng, – ông ta nhìn tôi cười tinh quái. – Khi bà ta ra ngoài, thằng bé khóc tôi có ghé vào xem có chuyện gì với thằng bé. Tôi có chìa khóa vạn năng mà. Thực ra chẳng có chuyện gì nghiêm trọng cả, nhưng tôi thấy một phong bì trong sọt đựng giấy tờ đề gửi cho bà Stella Jackson. Vì vậy tôi nghĩ rằng bà ta đã xưng một cái tên khác.
– Bà ta tự kiếm sống chứ?
– Tất nhiên rồi! Bà ta đẹp lắm. Rất đẹp. Bà ấy biểu diễn thoát y vũ trong nhiều hộp đêm.
– Thế vào những giờ bà ta làm việc, thằng bé thì sao?
– Bà ta toàn làm việc về đêm, nên thằng bé không có vấn đề gì.
– Chuyện này kéo dài khoảng bao lâu?
– Khoảng năm năm. Tiền nhà trả rất nghiêm chỉnh. Hầu như bà ta ngủ suốt ngày. Chẳng chăm lo gì cho thằng bé, vậy mà nó vẫn sống.
– Thằng bé có đi học không?
– Có chứ. Điều này có thể làm cho anh ngạc nhiên. Nhưng ở Secomb này có một trường tốt lắm. Johnny đi học ở đó. Nó là một đứa bé rất ngoan. Có thể hơi ẻo lả một chút, nhưng tôi rất quý nó. Khốn khổ là chuyện xảy ra với mẹ nó!
– Chuyện gì vậy?
– Vì Costa không kiếm được nhiều tiền, bà ta phải đưa cả đàn ông về nhà. Johnny là mối phiền phức của họ. Bà ta phải cho nó lang thang ngoài phố, đợi cho bạn trai của bà ta đi về mới được về. Thằng bé nói với tôi rằng nếu có dịp nó sẽ bỏ đi. Tôi bỏ ngoài tai, xem như chuyện bực bội của trẻ con. Thế rồi năm nó chín tuổi, nó bỏ đi thật. Một ngày sau hôm nó bỏ đi bà Costa hỏi tôi có thấy nó không. Tôi có cho bà ta một bài thuyết giáo ngắn về phận sự của người mẹ, nhưng bà ta không thèm nghe. Bà ta bảo tôi rằng thoát được nó là may, bà ta đã khổ vì nó lắm rồi. (Ông già vuốt mũi và lắc đầu). Bà ấy không có tình mẫu tử.
– Thế bà ấy đi khỏi đây khi nào?
– Khoảng hai năm sau Johnny. Hợp đồng cuối cùng của bà ấy là với Câu lạc bộ Skin.
– Bà ấy có để lại địa chỉ không?
– Trong cái nghề của tôi, người ta không bao giờ lưu tâm đến thư từ vì vậy tôi không hỏi. Cứ trả tiền thuê phòng xong, ai muốn đi đâu thì đi.
– Ông có bao giờ nói chuyện với Johnny về bố của nó không?
– Chỉ có một lần. Tôi chỉ chuyện vãn với nó lúc nó ăn. Nó có nói với tôi rằng bố nó là người lính giỏi và dũng cảm nhất trong quân đội. Hồi đó nó mới bảy tuổi mà. Anh biết chuyện bọn trẻ con rồi đấy. Tôi chẳng bận tâm làm gì, nhưng cảm thấy thương nó. Tôi nghĩ chắc nó là con trai một người lính đã tằng tịu với Stella.
Tôi có cảm giác đã moi hết thông tin từ ông già này. Tôi không biết được thông tin gì nhiều, nhưng vẫn phải tìm Costa.
– Thế Câu lạc bộ Skin ở đâu? – Tôi hỏi và đứng dậy.
– Ở phía đông Secomb Road. Trông coi Câu lạc bộ này là một người Mêhicô, tên Edmundo Raiz. Nếu anh có ý định đến đó thì hãy giữ ví cho thật chặt.
– Cám ơn ông.
Câu lạc bộ Skin đặt dưới một tầng hầm, đây là nơi chuyên dành cho những kẻ bê tha, say khướt và khách du lịch.
Giờ này là vắng khách đối với tất cả các hộp đêm. Đồng hồ của tôi chỉ mười tám giờ năm. Tôi dừng chân xem bức ảnh phóng to của các cô gái thoát y vũ. Đó là nhóm ba cô gái da đen. Rồi tôi đi xuống một gian phòng lớn có nhiều bàn ghế, một quầy bar ở một đầu và một sàn diễn có dàn nhạc ở một đầu khác.
Một ngọn đèn đơn độc treo trên quầy bar và một người đàn ông đang đứng đó xem một tờ giấy. Chắc ông ta đang kiểm tra tổng thu nhập của ngày hôm trước. Người đàn ông này tóc đen với nước da sạm nắng và hàng ria mép mảnh. Trông anh ta nhỏ con, nhưng béo tròn với đôi vai lực lưỡng. Anh ta ngẩng lên nhìn tôi khi tôi đi qua phòng tiến tới chỗ anh ta.
– Quầy bar đóng rồi, – anh ta nói cụt ngủn.
– Tôi không cần uống, – tôi nói. – Tôi là Diek Wallace, làm việc chỗ các ông Benbolt và Howard. Tôi cần một số thông tin.
Vẻ mặt anh ta sáng hẳn lên.
– Thế hả? Thông tin gì?
– Chúng tôi muốn tìm bà Stella Costa. Hình như trước kia bà ta có làm việc ở đây.
– Howard và Benbolt à? – Anh ta nheo mắt hỏi.
– Thì tôi đã nói rồi.
– Anh tìm bà ta làm gì?
– Bà ấy được nhận một khoản thừa kế nhỏ, – tôi nói dối, – và chúng tôi muốn thanh lý tài sản kế thừa.
– Tài sản thừa kế lớn cỡ chừng nào?
– Cũng nhỏ thôi. Đối với ông đó chỉ là món tiêu vặt, ông Raiz ạ. Nhưng chúng tôi muốn thanh lý tài sản đó. Ông có thể cho tôi biết tìm bà ấy ở đâu không?
Đúng lúc đó, một cô gái trẻ từ một buồng cạnh dàn nhạc ở đầu kia của phòng bước ra. Cô đi ngang qua phòng với những bước dài duyên dáng. Tôi phản ứng như một thanh nam châm đặt trước một mẩu sắt. Khoảng hai mốt hai hai, cao hơn tầm vóc trung bình, cô gái có mái tóc đen mượt và dài. Cô mặc một chiếc quần bò bó sát và một chiếc áo phông vừa khít làm nổi rõ bộ ngực căng phồng. Raiz bực tức nhìn cô gái.
– Xéo ngay, Bêbê, – anh ta nói. – Tôi đang bận.
Cô ta tới gần quầy bar và mỉm cười với tôi. Đôi môi cô gái tô đỏ chót vẻ mùi mẫn và hàm răng trắng đều đặn.
– Grosso buộc phải làm dữ, – cô nói. – Hãy tha thứ cho anh ấy.Anh là ai?
– Dirk Wallace.
Nhìn cô gái tôi tự nhủ rằng qua một đêm trên giường với cô ta chắc phải đi cấp cứu chứ không chơi, nhưng cũng bõ lắm.
– Chào Dirk. (Cô ưỡn ngực về phía tôi, nhăn mặt với Raiz rồi vòng qua quầy bar chỉ chai Cutty Sark). Hãy phục vụ tôi và Dirk đi và đừng có cau có như thú dữ thế, Eđy.
– Bêbê Mansel đây là hiện thân của sex. Cô ta ngủ với tất cả ở đây, chỉ trừ có voi thôi, – Raiz giải thích, rồi lấy chai uytski rót ra ba ly. – Đừng có để ý đến cô ta. Trí tuệ của cô ấy chỉ giới hạn trong cặp đùi thôi.
– Đừng có nghe mồm anh ta. (Bêbê cười ré lên). Vì chưa bao giờ sờ được tới đó nên anh ta tức tối đấy mà.
Cô ta nâng cốc và uống cạn một hơi.
– Bây giờ thì xéo đi, – Raiz hạ giọng nói nhưng đầy vẻ hăm dọa. Chúng tôi đang nói chuyện công việc.
– Tôi nghe hết rồi. Anh chàng đẹp trai này muốn biết Stella ở đâu chứ gì. Nói cho anh ấy biết đi, Eđy.
Tất cả diễn ra nhanh tới mức tôi không kịp can thiệp. Với tốc độ của con rắn Côbra, Raiz tát cô gái rất mạnh và xô cô ngã dúi vào hàng chai lọ trên giá. Rồi hắn ta tóm lấy thắt lưng cô gái quẳng qua quầy làm văng cả ly rượu của tôi. Cô gái lồm cồm bò dậy, chạy thục mạng tới cái cửa ở cạnh dàn nhạc, rồi biến mất. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Raiz nhìn tôi cười.
– Đừng để ý làm gì. Trong cái nghề của tôi phải biết cách xử sự với lũ con gái. Stella Costa hả? Rất thú vị đấy. Bà ấy đã làm việc khá lâu ở chỗ tôi. Đó là một vũ nữ thoát y tuyệt vời. Con bé Bêbê lúc nãy cũng không đến nỗi tồi, nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đấy. Để một cô gái gây được ấn tượng mạnh, cần phải có chút xíu gì nữa cơ.
– Tôi cũng ngờ vậy. Thế có thể tìm bà Stella Costa ở đâu?
– Gượm đã nào. (Raiz nhìn tôi cười khẽ). Howard và Benbolt à? Chắc hai ông này phải lăn trên vàng ấy nhỉ. Tiền thưởng bao nhiêu đây?
– Không có tiền thưởng nào hết, tôi nói trước với ông như vậy. Chúng tôi chỉ muốn thanh lý tài sản thừa kế thôi mà.
– Thế ai để lại cho bà ta số tiền đó?
– Người ta không cho tôi biết. Mà điều đó có ý nghĩa gì. Tôi có thể tìm bà ta ở đâu?
– Tôi không biết. Bà ta đã đi khỏi đây một năm nay rồi. Mà cũng phải thôi, ai cũng chỉ có một thời. (Anh ta uống một hơi và lắc đầu). Dễ chừng bà ta ngoài bốn chục rồi còn gì. Khách hàng của tôi giờ chỉ thích những cô gái trẻ thôi.
– Cô ta cứ thế bỏ đi thôi à?
– Thực ra tôi đã thuyết phục bà ấy. (Anh ta lại cười khẽ).
– Bà ấy có nói đi đâu không?
Anh ta tỏ vẻ khó chịu.
– Tôi cũng không hỏi.
Lại một manh mối nữa tan vỡ, tôi nghĩ.
– Dù sao cũng cám ơn, ông Raiz ạ. Thôi thì bây giờ đành phải đăng thông báo trên báo vậy.
Cái nhìn của Raiz trâng tráo.
– Ai hơi đâu để ý đến một con điếm?
– Bà ta thực sự là vậy sao?
– Anh có cần một bức ảnh không?
– Chúng tôi sẽ cho đăng cùng với thông báo. Sẽ là quảng cáo cho cơ sở của ông đấy. “Stella Costa vũ nữ thoát y và gái điếm đã từng làm việc ở Câu lạc bộ Skin làm ơn liên lạc với…”. (Tôi nhìn Raiz cười). Ông thừa biết tiếp sau như thế nào rồi.
– Đừng có nói đến tên Câu lạc bộ của tôi vào đó, – Raiz nói đầy vẻ bực bội.
– Tại sao lại không. Rất nhiều khách du lịch muốn biết tìm những vũ nữ kiêm gái điếm ở đâu còn gì. Chuyện này tốt cho việc kinh doanh của ông lắm đấy, ông Raiz ạ.
Anh ta ngả người ra phía trước nhìn như nuốt sống tôi.
– Nếu anh nhắc đến cơ sở của tôi, tôi sẽ đưa anh ra tòa.
– Đồng ý thôi. Khi đó tôi sẽ đi hỏi cảnh sát, chắc họ sẽ cho tôi nhiều thông tin hơn ông kia.
– Xéo khỏi đây ngay.
– Bình tĩnh nào, ông Raiz. Chắc ông biết bà ta hiện đang ở đâu. Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ không đăng báo và đi hỏi cảnh sát nữa.
Gã lưỡng lự rồi nhún vai.
– Bà ấy chết rồi. Bà ấy say và bị một thằng tập lái xe cán chết.
– Thôi đi ông Raiz, ông có thể bịa hay hơn thế nữa kia. Tôi thừa sức kiểm tra điều ông nói. Hãy động não đi. Nào, Stella ở đâu?
– Hay lắm thằng khốn. Mày muốn thế hả? Tao sẽ cho mày một bài học nhớ đời.
Chắc là hắn có một hệ thống báo động trong quầy. Tôi nghe thấy tiếng chuông ở xa. Rồi chiếc cửa ở cạnh dàn nhạc mở toang và hai thằng nhọ mà tôi gặp hồi nào xuất hiện. Đứa nào cũng lăm lăm con dao trong tay. Từ lần đầu gặp chúng, tôi bao giờ cũng mang theo súng trong người. Khi chúng tới gần, tôi rút phắt súng ra. Đây là một trong số nhiều điều mà cha tôi bắt tôi học và tôi đã thành thạo.
Nhìn thấy khẩu 38 ly trên tay tôi, chúng đứng sững lại như húc phải bức tường bê tông.
– Chào mấy thằng hôi, – tôi nói. – Tao sẽ bắn nát sọ chúng mày. Cứ thử tiến đến gần đây.
Tôi liếc thấy Raiz chìa tay với lấy chai Cutty Sark. Đúng lúc hắn định nện vào tôi, tôi giáng nòng súng đúng vào giữa bộ mặt nhăn nhó của hắn. Hắn đổ sập xuống bên trong quầy. Tôi cười với hai gã da đen vẫn đứng như trời trồng.
– Xéo ngay! – tôi hét. – Nhanh!
Chúng biến mất ngay lập tức và đóng sập cửa lại.
Thận trọng tôi đi giật lùi ra khỏi phòng, leo lên mấy bậc thang, rồi chuồn ra đường phố đầy người.
Bêbê đã đợi tôi ở ngoài, vẫn với chiếc quần bò và chiếc áo phông bó chặt cứng. Cô ta mỉm cười và khoác lấy tay tôi.
– Đưa em về nhà nhé, cưng. Ta sẽ tha hồ mà chuyện vãn.