Nếu Cloverdale không phải là thị trấn yên tĩnh và buồn bã nhất của miền Bắc California thì nó cũng được xếp vào nhóm 10 thị trấn hàng đầu về mặt này. Nó nằm trong hạt Sonoma và là thị trấn lớn cuối cùng trước khi bạn đến hạt Mendocino và là thị trấn khác trong hạt, Cloverdale chẳng có gì xuất sắc hay tiêu biểu. Hạt Sonoma từng nổi tiếng là vùng trồng nho làm rượu. Nhiều thị trấn và thôn trong hạt còn phảng phất nét châu Âu của những miền quê nấu rượu, những cửa hàng và quán ăn tuyệt vời của chúng. Nhưng ở Cloverldale thì chẳng trồng nho gì cả. Nghề chính ở đây là sản xuất sản phẩm từ sữa và điểm đặc biệt duy nhất ở đây chỉ là đường xa lộ 101, đường giao thông huyết mạch từ Nam lên Bắc, cũng chính là con lộ chính của thị trấn. Dọc hai bên lộ có những quán ăn tài xế xe tải, mấy motel đìu hiu. Tóm lại, Cloverdale là nơi khó mà xảy ra án mạng, nhất là thứ án mạng mà Gus đã khám phá ở đây.
Chạy tới ngoại vi thị trấn Nick chợt nhớ ra gần đây hắn có nghe ai nhắc tới Cloverdale. Đó là đêm hắn đối đầu mạng đổi mạng với Roxy. Mấy thằng trong Ban Nhân sự xác minh được Roxy chính là Roxanne Hardy. Và Nick nhớ lại giọng của Sullivan “Roxanne Hardy. Địa chỉ gốc … đâu đó tại Cleverdale. Không tiền án tiền sự” Chuyến đi bất ngờ này lên đây hắn phải có dính dáng gì đó tới cô ta.
Nick thấy Gus ở ngay phía ngoài chi cục cảnh sát địa phương. Ông ta đang đứng tựa đầu cái xe Cadillac cà khổ của mình, ăn một thứ bánh quá quỉ gì đó mua dọc phố của cái thị trấn này.
– Mày tới đây tao cám ơn lắm – Gus Moran vò tờ giấy gói bánh và liệng bừa đi. Chẳng phải ông ta không ủng hộ chủ trương giữ gìn môi trường nước Mỹ, mà vì ông nhận ra làm việc đó ở Cloverdale này là đã quá trễ.
– Vụ gì đây, Gus? Tức là có chuyện gì đây ngoài Roxy?
– Mày thiệt thông minh – Gus thọc một ngón tay vào ngực Nick – Đêm nằm một mình buồn quá rồi mới đoán ra phải không?
– Đoán ra mọi thứ ngoại trừ chuyện ông sắp nói.
– Đây nè. Chắc đêm qua mày mò mẫm con Catherine đó trong khi tao chui vô sở mò mẫm máy vi tính và moi được cả đống chuyện. Những chuyện này tao định không cho mày hay, nhưng mẹ kiếp, thôi tao coi đây như quà chia tay một thằng bạn trong nghề đi.
– Chia tay? Tôi đi đâu đây?
– Đã quyết định rồi, ngay sau khi con nhỏ đó cho mày một mũi dao cạy đá vào họng. Mày sẽ về thiên đàng, hay địa ngục, tao đâu biết được, nhưng có thể đoán.
– Sáng nay ông khoái nói giỡn quá đó nghen.
– Phải, đó là điều mấy bà thích ở tao, máu khôi hài – Ông ta đi lên bậc thềm vào chi cục cảnh sát – Vô đi Nick, đừng để đồng nghiệp mình chờ.
Té ra là họ gặp một nữ cảnh sát viên đóng lon trung sĩ mang tên Janet Cushman, trưởng ban thiếu nhi phạm pháp gồm hai lính một chief, ở cái thị trấn này. Vụ Roxanne Hardy xảy ra trước khi cô nhậm chức này, nhưng Cushman biết rõ vụ ấy.
– Vụ thiếu nhi phạm pháp lớn nhất ở đây – Cô ta nói – Tại thị trấn nhỏ xíu này, trước đó, trò thiếu nhi phạm pháp chỉ là phá xe hơi, ăn cắp xu lẻ, phá máy bán kẹo hay máy bán nước ngọt, tức là toàn những thứ tội phạm của cỡ thập niên 50 không.
Nick và Gus gật gù như hiểu rõ. Hồi còn nhỏ họ cũng tham gia vào những trò rắn mắt trẻ con đó.
– Cũng vì xảy ra vụ này mà tụi tôi mới tách ra một ban thiếu nhi phạm pháp. Ngay sau vụ Roxanne Hardy thảm sát mấy đứa em, ở đây ai cũng sợ sẽ bùng nổ làn sóng thiếu nhi phạm pháp, nên ban này mới được thành lập. Ở đây chưa hề có án mạng, phần lớn chỉ gặp những vụ xô xát hay quá tay.
– Tụi tôi coi hồ sơ vụ đó được không? – Nick hỏi.
Cushman đã lục sẵn ra từ trước, cô đẩy nó lên bàn:
– Cứ coi đi, nhưng muốn sao chụp phải hỏi ý kiến chief.
– Không cần đâu – Nick nói.
Món đầu tiên hắn thấy trong tập hồ sơ là bức ảnh trắng đen chụp hiện trường, cảnh hai bé trai nằm trên một vũng đen thui giống như bãi bùn trong một khu vườn. Bãi đó là vũng máu của hai đứa bé và tay thợ chụp hình đã khéo léo chọn góc chụp cho thấy rõ những vết rạch trên cổ hai bé.
Nick đã quen nhìn xác người, trong thực tế cũng như qua các bức ảnh chụp như thế này, nhưng bức ảnh đây có điều gì khiến hắn muốn ói. Đó chính là sự dã man giữa trẻ con với nhau trong một vùng đồng quê. Hai bé nạn nhân mới có 7 và 9 tuổi. Cũng có một bức ảnh Roxy, nhưng không phải do cảnh sát chụp, có lẽ lấy từ album của gia đình. Đó là một bé gái tóc thắt bím, mỉm cười và nhìn thẳng vào ống kính.
– Hồi đó cô bé mấy tuổi? – Hắn hỏi Cushman.
– 14. Vụ thiếu nhi phạm pháp lớn nhất. Cô bé còn bốn năm nữa mới tới tuổi thành niên.
– Nhưng – Nick hoang mang – Sullivan nói cô ta là không tiền án tiền sự mà.
– Cô bé không bị bắt, không bị xử. Họ chỉ gởi đi một trại đặc biệt chăm sóc trẻ con. Giống như trại Atascadero vậy.
Trại Atascadero là nơi giam giữ các phạm nhân tâm thần của bang.
– Tao lục trong hồ sơ lý lịch không có chi tiết này – Gus giải thích – Chắc phải giỏi liên tưởng một chút tao lục hồ sơ của Sở Y tế và An ninh Xã hội, coi có tên Roxanne Hardy được ghi vào như một bệnh nhân tội phạm không.
– Rồi sao ông tìm ra?
– Làm sao à? Bởi vì con nhỏ này thuộc loại tâm thần, nên tao mới hiểu ra. Chắc chắn cô ta đã bi ghi hồ sơ ở đâu đó về những vụ tâm thần. Vả lại, mẹ kiếp, tối qua tao đâu có chuyện gì làm nên ngồi lục lung tung – Gus nhún vai.
– Có động cơ gì không? – Nick hỏi và ngay lập tức thấy câu hỏi thiệt ngốc nghếch. Đây là tội ác cỡ người lớn mới phạm, nhưng một đứa trẻ làm vụ này, thì chẳng có vấn đề động cơ.
– Động cơ à? – Gus cười – Phải, con bé giết để lấy tiền bảo hiểm nhân mạng.
Janet Cushman thì thấy trong vụ này đâu có nói giỡn kiểu đó được, nên cô nhíu mày với Gus và xen vào:
– Cô bé khai không hiểu mình làm gì. Mới trước đó còn chơi bịt mắt với mấy đứa em, chút xíu sau là đã lấy được lưỡi dao cạo của ông bố và cắt cổ mấy đứa đó rồi. Làm như có ma quỷ xúi giục – Cushman nhún vai – Rồi con dao tình cờ lại nằm gần đó.
Nick và Gus nhìn cô cảnh sát viên. Câu chuyện này y chang câu chuyện họ tìm ra trước đó về bà già Hazel Dobkins, người cũng lại là chỗ bạn bè với Catherine Tramell. Gus lầm bầm gì đó trong họng, đại khái nghe tựa như “Đồ điên mắc dịch”.
– Các anh cần sao chụp không? Cushman hỏi – Để tôi qua hỏi ý kiến chief trước khi ông ta đi ăn trưa.
– Thôi – Nick đáp – Có lẽ không cần đâu.
– Cám ơn trung sĩ đã giúp đỡ – Gus nói – Chắc tụi tôi phải lui thôi.
Họ ra khỏi chi cục cảnh sát và trở ra xe. Nick nói:
– Nè, nói thiệt, tôi không hiểu đang xảy ra cái chuyên quái quỷ gì.
– Có gì đâu. Một con nhỏ miền quê như con Roxanne này, phát ớn mọi chuyện vì thấy ai cũng quan tâm tới hai đứa em của nó, nên nó quyết định trị tụi nó một trận, có điều trị quá bạo tay. Giống như Hazel Dobkins trị cả nhà bà ta vậy. Có điều Roxy không dùng một món quà cưới mà dùng dao cạo của ông già mình.
– Nhưng tại sao?
– Cần biết điều đó lắm sao? – Gus tựa đầu vào xe – Hazel, Roxy rồi Tramell – Ông lắc đầu và cười – Đúng là một bộ ba ly kỳ. Tưởng tượng coi ba người đi cắm trại thì họ nói với nhau chuyện gì khi ngồi quanh lửa trại nhỉ – Tiếp tục lắc đầu, ông ta chui vào xe – Nè, mày có thấy người bạn nào của con đó chưa từng giết người không? – Ông ta sập cửa lại – Sưu tầm thứ dữ đủ kiểu. Mày cũng phải công nhận, thứ đó hơi xa những chuyện lẩm cẩm đàn bà con gái – Ông vặn công tắc, máy xe gầm lên – Thôi, hẹn gặp lại, Nick.
– Tôi không còn cho rằng nàng đã làm điều đó nữa đâu – Nick nói trong tiếng gầm của máy xe.
Gus khì một tiếng và nhìn thằng bạn một cách thương hại:
– Mày đang nói tới vị nào vậy? Tụi mình đã biết mụ Hazel đã làm chuyện đó, rồi Roxy cũng làm chuyện đó. Còn con kia, mẹ kiếp, nó có bùa phép làm mày lú lẫn rồi. Thôi, gặp lại sau, con ạ.
Gus sang số và chiếc xe vọt đi.
Nick cũng lên xe chạy theo, trên xa lộ 101, qua Sonoma tới Marin. Khi hai chiếc tới San Rafael, Gus Moran rẽ vào đường lên cầu Golden Gate để về San Francisco, ông cho xe đậu vào hàng xe đang nối đuôi chờ qua cầu. Không nghĩ ngợi gì, Nick cũng cho xe chạy theo thì chợt thấy tấm bảng xanh ghi: Richmond, Albany, Berkeley: Chạy thẳng.
Đột nhiên hắn cho xe chui vào tuyến đi Berkeley, nơi có những phân khoa nổi tiếng nhất của Viện Đại học California, cũng là nơi hồi đó Catherine Tramell đã theo học. Có thể, chỉ là có thể thôi, hắn sẽ moi được cái gì đó về quãng đời đại học của nàng. Rồi biết đâu còn chi tiết gì đó về nhân vật Lisa Oberman, cô sinh viên đã làm Catherine hồi đó phải chết khiếp.
Đường từ San Rafael đi Berkeley cũng có mấy phong cảnh đẹp, có cầu Richmond – San Rafael bắc qua vịnh San Pablo mà từ đó người ta có thể nhìn bao quát một vùng ven biển tuyệt đẹp bên dưới. Từ trên cầu nhìn trở lại San Rafael, người ta có thể thấy những khu nhà sang trong giá bạc triệu đô và tách hẳn một bên là bóng dáng bề thế trông phát ớn của nhà tù San Quentin với con lộ liên bang 580 làm đường biên giới chia cắt. Từ lâu, Nick đã thôi không còn đếm số tội phạm mà hắn đã tống được vào nhà tù đó, nhưng hắn vẫn nhớ rõ khu trại giam nữ, nơi mà Hazel Dobkins đã lưu trú nhiều năm.
Vượt qua khỏi bờ kè Chevron nằm bên phía khu Contra Costa thì chẳng còn phong cảnh gì đáng kể nữa. Hắn phóng xe nhanh qua Richmond và Albany rồi rẽ vào con đường chính dẫn tới khu đại học, đại lộ University.
Nhiều khu trong thành phố Berkeley làm như không hề thay đổi theo thời gian, vẫn còn nguyên dấu ấn của thập niên 60. Vẫn còn những tay hippy lang thang trên đường phố với quần áo phóng túng, những mảng tường rộng với đủ thứ bích chương khẩu hiệu đòi dịch vụ y tế miễn phí, quyền lợi cho dân vô gia cư, tố khổ chính sách ngoại giao Mỹ ở Trung đông, châu Phi hoặc Trung Mỹ. Berkeley có vẻ để quyết chí trở thành đồn lũy lẻ loi của chủ trương cấp tiến trên cái đất Mỹ này, mặc dù trong quan điểm chính trị cũng còn nhiều nét cổ lỗ. Hầu hết các tay hippy ở đây có vẻ đã ngoài 50. Nick thầm nghĩ mấy cha nội này chỉ còn nước tụ họp lại, hút sách vớ vẩn và tưởng nhớ lại thời huy hoàng xa xưa, những cuộc biểu tình, nổi loạn, những đại hội, trào lưu nghệ thuật, các thứ.
Hắn đậu xe ở Bancroft và cuốc bộ vô khuôn viên đại học. Mọi thứ ở đây hơi khác đi một chút. Mặc dù trường Berkeley vẫn còn một lớp sinh viên cấp tiến, nhưng phần lớn hiện nay quan tâm tới chuyện học hành hơn. Giành được chỗ trong một trường đại học lớn, họ chỉ cắm cúi với bài vở, tìm những điểm số cao để vươn tới những việc làm lương hậu theo ý minh. Kiểu ăn mặc phóng túng ở đây ít thấy hơn, mà chủ yếu là xu hướng ăn mặc tươm tất, sạch sẽ.
Cũng có những nhóm lập dị hay nhuốm vẻ giang hồ ở khu Sproul nhưng bọn đó coi bộ hơi già, khó có thể còn là sinh viên. Những sinh viên thứ thiệt thì tò mò nhìn những tay râu ria như chúa Jesus hoặc những gã đang rống họng hát những bài của Frank Sinatra ngày xưa rồi vội vàng đến giảng đường.
Khu đại học thật yên tĩnh và dễ chịu, những lối đi dài tắp phủ đầy bóng cây. Nick thích thú thả bộ và ngắm nghía các em sinh viên. Hắn hỏi thăm đường đi rồi được chỉ dẫn tử tế kèm theo một nụ cười miễn phí. Nếu có thì giờ và ngẫu hứng, chắc hắn đã mời cô bé ấy đi uống nước rồi, nhưng bây giờ kẹt có việc phải làm cho xong.
Khu giảng đường Dwinelle, như hắn được chỉ dẫn, là khu hành chánh của trường, nơi lưu chứa mọi hồ sơ sổ sách của sinh viên. Ở văn phòng tầng hầm, hắn chìa thẻ cảnh sát ra và một cô bé – Nick độ chừng là một sinh viên làm việc cho trường để kiếm tì tiền còm ăn học. – Ngồi ngay xuống một giàn vi tính và mở máy.
– Tôi cần thông tin về một cựu sinh viên của trường – Nick giải thích – một cô tên là Lisa Oberman.
– Biết năm học nào không? Hồ sơ được xếp theo năm.
– Đâu cỡ năm 82 hay 83 gì đó là tốt nghiệp.
– Đoán vậy thôi hả? – Cô bé hỏi.
Nick nhìn thấy một cuốn giáo khoa sinh học dày cui mở sẵn cạnh máy. Có thể cô bé đang bực mình thằng cha cớm tới phá ngang giờ ôn bài, nhưng những ngón tay cô bé cũng múa như chớp trên bàn phím như thường.
– Có nhiều Oberman lắm – Cô bé thông báo – Andrea, Andrew …
– Mắt cô dõi theo danh sách trên màn hình – Donald, Mark … rất tiếc, không có Lisa Oberman. Ông nhớ năm chính xác không đó?
– Catherine Tramell nói cô ta tốt nghiệp năm 83, còn Lisa Oberman cũng theo học cùng thời gian đó.
– Tên cô kia là gì?
– Catherine Tramell.
Cô bé gõ tên Tramell vào máy, rồi lát sau gật gù:
– Có Tramell đây, nhưng không có Lisa Oberman.
Nick ú ớ. Hắn tin chắc Catherine không hề nói láo. Dáng điệu sợ hãi và ớn lạnh của nàng khi nhắc tới Lisa Oberman thì quá rõ, quá mạnh, không thể là đóng kịch được. Mà việc gì nàng phải nói láo về chuyện này chứ? Với Catherine Tramell, chuyện đó thật vô lý.
– Chắc chắn phải có Lisa Oberman – Hắn cố gắng thuyết phục cô bé – Có thể sai lầm ở đâu đó chăng?
Cô bé thản nhiên nhìn hắn:
– Nếu có thì chỉ có sai lầm của ông.
– Cám ơn – Hắn đành nói – Cám ơn nhiều.
– Không có gì – Cô bé đáp và lập tức quay về với cuốn sách giáo khoa.
*
Nick Curran lái xe thẳng tới nhà của Catherine Tramell ở Divisadero và thấy cô từ trong đi ra với Hazel Dobkins. Nick đậu xe lại và ra đứng ở cổng Catherine chẳng có vẻ gì ngạc nhiên:
– Bà Hazel – Nàng nói – Đây là Nick, tôi có kể chuyện cho bà nghe đó, nhớ không?
– À – Hazel mỉm cười xa vắng – Tay bắn bừa, phải không? Anh có khỏe không?
Nick có cảm tưởng bà này nghĩ rằng hắn với bà có gì đó tương đồng, có mối ràng buộc gì đó, mối dây tương thanh tương khí của những kẻ đã giết người. Hắn nghĩ bà này dám bắt tay mình như một người cùng băng đảng với nhau lắm.
– Tôi khỏe – Hắn đáp – Cám ơn bà – Hắn quay qua Catherine – Anh nói chuyện với em chút xíu được không?
Catherine chỉ Hazel lại chỗ chiếc Lotus đậu ngay trước cửa nhà:
– Bà Hazel, bà vào xe trước đi, chút xíu tôi tới liền.
– Thôi, chào nghe, anh bắn bừa – Bà nói vui vẻ.
Chờ bà ta đi khỏi tầm nghe, hắn quay qua Catherine lắc đầu:
– Coi bộ em khoái chơi với dân giết người hay sao đó. Em có biết rằng Roxy từng …
– Biết chứ – Nàng cắt ngang.
– Và em chẳng quan tâm? Hay vì thế mà em thấy cô ta hấp dẫn hơn, dễ mê hơn?
– Kìa. Em chuyên viết về những người dị thường mà.
– Viết là một chuyện. Còn rủ người ta lên giường là chuyện khác.
– Những khi em nghiên cứu nhân vật, thì đâm ra dính dáng đậm với họ. Anh hiểu mà.
– Hiểu cái con khỉ.
– Chuyện đó đã xảy ra với anh.
– Nhưng không giống nhau.
– Giống chứ. Anh cũng mê em. Em mê những tay giết người. Giết người đâu phải như hút thuốc. Thuốc thì có thể bỏ được.
– Em nói vậy nghĩa là gì?
Nàng chồm tới hôn lên má hắn, một nụ hôn ấm nồng, vui vẻ của một người vợ khi người chồng đi làm về.
– Bây giờ em phải đi. Em lỡ hứa phải đưa Hazel về nhà đúng 6 giờ. Bà ta không muốn bỏ lỡ chương trình hình sự trên TV.
– Bộ muốn thấy lại những bạn tù hồi xưa hả?
– Bây giờ không bàn được – Nàng bỏ đi về chiếc xe.
– Không có Lisa Oberman ở Berkeley hồi em học ở đó – Hắn nói, giọng chọc giận.
Nàng đứng sựng lại:
– Anh làm trò gì đó? Xác minh mọi chuyện em nói à? Để chi vậy?
– Nghiên cứu.
Nàng ngồi vào sau tay lái và mở công tắc. Cửa kính xe từ từ hạ xuống.
– Không có Oberman hả?
– Không.
– Sao anh không kiếm thử Lisa Hoberman?
Nói xong nàng gài số và phóng đi thẳng.
*
Khi hắn gọi điện lại phòng hồ sơ của trường Berkeley thì chính cô bé lúc nãy trả lời điện thoại. Cô bé nhận ra giọng của hắn ngay, hắn cũng vậy. Nhưng cả hai làm bộ như chưa từng nói chuyện với nhau bao giờ, mặc dù hắn nghe rõ giọng đắc thắng của cô bé khi hắn nhận có thể hắn đã nhớ lộn. Ồ, Oberman với Hoberman thì dễ lộn lắm, phát âm gần như một mà. Tuy nhiên, cô vẫn thấy đắc thắng như thường.
– Phải rồi – Lát sau cô đáp – Có Lisa Hoberman, từ tháng 9 năm 1979 đến tháng 5 năm 1983.
– Hay quá – Nick gọi điện từ một phòng điện thoại công cộng, nên hắn phải che lỗ tai đang hướng ra đường lộ lại – Có gì thì đọc cho nghe đi.
– Muốn biết hạng tốt nghiệp hông?
– Tất cả, ngoại trừ hạng.
– Cũng không nhiều, địa chỉ, điểm số, các tín chỉ đã đậu …
Hắn cảm thấy không cần biết những chi tiết lẩm cẩm và dễ thay đổi đó. Nhưng có một chi tiết rất hữu ích, đó là một nhóm 9 con số gắn liền với cuộc đời của mọi công dân thành niên của Hoa Kỳ.
– Cô có số bảo hiểm xã hội của Lisa Oberman không?
– Có chứ – Cô ta chậm rãi đọc lại con số đó. Nick ghi lại vào cuốn sổ tay, thứ sổ mà anh cớm nào cũng nhét ở túi sau đít.
– Cám ơn – Hắn nói – Cám ơn cô nhiều lắm.
Nick gác máy và đứng ở lề đường hồi lâu, ngẫm nghĩ nên làm tiếp việc gì. Hắn muốn biết rõ hơn về cô Lisa Hoberman này và biết chỗ để moi các thông tin ấy. Có điều bây giờ hắn không còn được quyền vào phòng máy vi tính của Sở Cảnh sát San Francisco nữa. Hắn biết mật mã cho máy của hắn đã bị hủy, nếu nó chưa hủy thì hắn cũng không thể lục hồ sơ được vì muốn lục phải báo tên họ với máy. Vụ đó hắn không được phép nữa. Sẽ bị lộ thôi. Nên hắn cần một đồng lõa, một đồng lõa kín miệng.
Dĩ nhiên là Nick nghĩ tới Gus Moran, nhưng hắn đành đứng và phun ra hết cuốn tự điển chửi thề của mình ra khi nghe chuông điện thoại nhà ông bạn già reo hoài mà không ai trả lời. Hắn rời phòng điện thoại công cộng, lái xe rảo qua mấy quán rượu quen nhưng không thấy Gus đâu.
Vậy nghĩa là phải nhờ người khá. Andrews đã giúp hắn một lần, có thể anh ta sẽ giúp lần nữa. Hắn không khoái giải pháp này lắm, nhưng đành phải thử chứ biết sao.
Andrews đang ở quán 10 – 4 uống rượu với bạn. Nick nhận ra đó cũng là dân cớm, nhưng không biết tên. Họ không phải Ban Án mạng, nên cũng đỡ là họ không tò mò hỏi Andrews về chuyện Nick tới đây làm gì. Hy vọng là như thế, mặc dù hầu như tay cớm nào cũng biết chuyện của Nick trong Sở.
Hắn dẫn Andrews ra xa xa.
– Andrews, làm ơn giúp tôi cái này …
*
Không hề có một bóng ma nào trong phòng trực của Ban Án mạng. Như thể là tốt cho cả hai. Andrews mò quanh như một thằng ăn trộm, thậm chí không dám thở mạnh và chỉ bật một ngọn đèn nhỏ.
– Tôi chắc anh điên rồi – Anh lầm bầm – Lạng quạng là bị đá khỏi ngành như chơi. Đừng nói chuyện vào đây lục hồ sơ cho anh, bản thân anh còn bị cấm vào tới trụ sở này nữa kìa. Mẹ kiếp.
– Tôi sẽ không quên vụ này đâu Andrews. Không bao giờ.
– Vậy thì anh cũng làm ơn xin cho tôi một chân trong cái trạm rữa xe và anh sẽ làm thuê ở đó nhé. Nếu bị bắt gặp thì hai đứa mình chỉ có nước đi làm cu li rửa xe thôi.
– Ê, đừng chê. Nghề đó cũng có lý lắm à. Làm việc ngoài trời, gặp biết bao dân chịu chơi.
– Thôi – Andrews năn nỉ – Làm ơn nín giùm – Anh ta ngồi vào máy và bắt đầu gõ.
– Rồi – Nick dòm màn hình – Dò tàng thư về bằng lái coi có tên Lisa Hoberman không? – Hắn đọc lại số bảo hiểm xã hội của cô ấy.
Andrews gõ lệnh và máy hoạt động, làm như nó đang ngẫm nghĩ rồi hiện lên dòng chữ: Đổi tên năm 1987 thành Elizabeth Garner 147 Queenston Drive, Salinas, California.
Nick suýt kêu lên khi thấy cái tên này. Cố nén sự kinh hoàng và choáng váng, hắn bảo:
– Móc bằng lái lên được không Andrews?
Andrews lại gõ phím ra lệnh, màn hình hiện ngay ra bản chụp bằng lái của Lisa Hoberman – Elizabeth Garner đó. Bức ảnh trên bằng lái chính là cô bác sĩ tâm lý đã có liên hệ quá nhiều đến cuộc đời của Nick. Vì Elizabeth Garner vẫn thường được gọi thân mật là Beth Garner.
– Ê – Andrews cũng kêu lên – Bác sĩ Garner đây mà.
– Phải. Móc lại ảnh chụp năm 1980 coi.
Tấm ảnh chụp cả chục năm trước thì có khác chút đỉnh. Trông Beth trẻ hơn, kém nảy nở hơn, hồi đó mới là sinh viên đại học. Nhưng có một chi tiết khác hẳn hiện nay. Beth hôm nay có tóc nâu sẫm, như màu hạt dẻ. Beth sinh viên 10 năm trước thì tóc vàng hoe. Màu tóc mà Nick thấy ngay, dù bức ảnh hiện trên màn hình vi tính có hơi nhà, nó đúng y chang màu tóc của Catherine Tramell!