Tầng SB.
Tầng hầm Thượng viện.
Càng đi sâu xuống, Robert Langdon càng thấy tâm lý trĩu nặng nỗi sợ không gian hẹp. Khi họ tiến vào phần nền móng nguyên thuỷ của toà nhà, không khí trớ nên đặc quánh, tựa hồ không có hệ thống thông gió. Các bức tường ở đây được xây lẫn lộn bằng đá và gạch màu vàng.
Giám đốc Sato vẫn bấm phím chiếc Blackberry suốt dọc đường đi Langdon cảm thấy đằng sau điệu bộ thận trọng kia, bà ta đang nghi ngờ điều gì đó, nhưng chính anh cũng thấy ngờ vực về bà ta.
Sato vẫn không nói cho Langdon biết bằng cách nào bà ta hay tin anh có mặt ở đây tối nay. Vấn đề an ninh quốc gia ư? Có thời anh đã phải rất nhọc nhằn mới hiểu được mối quan hệ giữa chủ nghĩa thần bí cổ đại và vấn đề an ninh quốc gia. Lại một lần nữa, anh thấy khó khăn trong việc tìm hiểu những điều liên quan đến tình huống này.
Peter Solomon tin tưởng gửi gắm mình một lá bùa… một thằng điên dối trá đã lừa mình mang nó tới Điện Capitol và muốn mình dùng nó để mở một cánh cổng bí mật… có lẽ nằm ở trong một căn phòng gọi là SBB13.
Mọi việc không được rõ ràng lắm.
Vừa theo hai người kia hối hả bước đi, Langdon vừa cố gắng gạt bỏ khỏi tâm trí mình hình ảnh hãi hùng về bàn tay có hình xăm bị biến cải thành Mật Thủ của Peter. Hình ảnh kinh khủng ấy đi kèm với tiếng ông nói: Những bí ẩn cổ xưa, Robert ạ, sinh ra nhiều huyền tích… nhưng điều đó không có nghĩa rằng bản thân chúng là hư cấu.
Mặc dù đã dành cả đời nghiên cứu về những biểu tượng và lịch sử kỳ bí. Langdon vẫn tỉnh táo phản đối mọi ý tưởng về Bí ẩn cổ xưa cũng như lời hứa hẹn phong thần phong thánh của các bí mật ấy.
Phải thừa nhận rằng, tài liệu lịch sử có chứa một bằng chứng không thể chối cãi, theo đó tri thức bí ẩn khởi nguồn từ Mật phái ở Ai Cập cổ đại rồi được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Phần lớn các ghi chép cho thấy nó rút vào bóng tối đến tận thời Phục Hưng mới tái xuất ở châu Âu, và được gửi gắm cho một nhóm khoa học gia tinh tuý Nhóm này làm việc giữa bốn bức tường của Hiệp hội Hoàng gia London – cơ sở khoa học hàng đầu châu Âu – và được mệnh danh rất khó hiểu là Đại học Vô hình.
Cái “đại học” ẩn dạng này nhanh chóng trở thành bộ tham mưu của những trí tuệ sáng láng nhất thế giới, như Isaac Newton, Francis Bacon, Robert Boyle, và cả Benjamin Franklin. Danh sách tín đồ hiện đại cũng không kém phần ấn tượng, nào là Einstein, Hawking, nào là Bohr, Celsius – những bộ óc vĩ đại đã đem lại nhiều bước nhảy vọt phi thường trong hiểu biết của nhân loại. Một số người cho rằng thành tựu tiên tiến ấy là kết quả của việc họ được tiếp xúc với tri thức cổ xưa cất giấu ngay trong Đại học Vô hình. Langdon không bao giờ tin giả thuyết này, mặc dù chắc chắn là có rất nhiều “công việc bí ẩn” diễn ra trong mấy bức tường này.
Năm 1936, cả thế giới kinh ngạc khi phát hiện ra nhiều tài liệu riêng tư cho thấy Isaac Newton rất say mê nghiên cứu thuật giả kim cổ đại và tri thức thần bí, trong số đó có một bức thư viết tay gửi cho Robert Boyle khuyến nghị ông này giữ “im lặng” về những kiến thức bí mật mà họ đã tiếp thu được. “Đừng truyền bá nó”, Newton viết, kẻo sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thế giới”.
Cho đến giờ người ta vẫn tranh cãi về ý nghĩa của câu cảnh báo lạ lùng này.
– Giáo sư, – Sato đột ngột lên tiếng, rời mắt khỏi cái Blackberry của bà ta – mặc dù ông khăng khăng nói rằng ông không lý giải nổi tại sao mình lại ở đây tối nay, nhưng có lẽ ông phải thấy nảy ra manh mối nào đó về ý nghĩa chiếc nhẫn của Peter Solomon chứ!
– Tôi sẽ cố gắng xem sao, – Langdon đáp, tập trung trở lại.
Sato lôi cái túi đựng mẫu vật ra và đưa cho Langdon.
Cho tôi biết về những biểu tượng trên chiếc nhẫn.
Bấy giờ họ đang bước dọc một hành lang vắng vẻ. Langdon kiểm tra chiếc nhẫn quen thuộc. Mặt nhẫn có hình một con phượng hoàng hai đầu quắp một dải băng mang dòng chữ ORDO AB CHAO, trên ngực nó vẽ con số 33.
– Phượng hoàng hai đầu mang số 33 là biểu trưng cho cấp bậc cao nhất trong Hội Tam điểm – Nói cho đúng, cấp độ rất uy tín này chỉ tồn tại riêng trong Phân hội Scottish 1. Tuy nhiên, các nghi thức và tầng bậc của Hội Tam điểm là một hệ thống tôn ti trật tự rất phức tạp mà Langdon không định đi vào chi hết tối nay – Về cơ bản, cấp bậc 33 là vị trí danh dự tinh tuý dành cho một nhóm nhỏ những hội viên Tam điểm xuất chúng. Tất cả các cấp độ khác có thể đạt được bằng cách hoàn thành xong cấp độ trước đó, nhưng việc leo lên đến cấp 33 thì lại bị khống chế. Phải mời mới được vào.
– Và ông biết rõ Peter Solomon là một thành viên của giới tinh tuý?
– Dĩ nhiên. Quan hệ thành viên gần như là một bí mật.
– Và ông ấy là nhân vật cao cấp nhất?
– Hiện tại thì đúng. Peter đứng đầu Hội đồng Tối cao Cấp độ 33, một cơ quan điều hành của Phân hội Scottish ở Mỹ.
Langdon luôn thích đến thăm tổng hành dinh của họ – Thánh điện, một kiệt tác cổ điển với phần trang trí mang tính biểu trưng có thể so sánh với Nhà nguyện Rosslyn ở Scotland.
Giáo sư, ông có chú ý thấy dòng chữ khắc quanh riềm nhẫn không? Đề là “Tất cả được tiết lộ ở cấp 33”.
Langdon gật đầu.
– Đây là một chủ đề rất phổ biến trong những truyền thuyết về Hội Tam điểm.
– Theo chỗ tôi hiểu, thế nghĩa là nếu một hội viên lên tới cấp 33 cao nhất thì anh ta sẽ được tiết lộ một điều gì đó thật đặc biệt?
– Phải, truyền thuyết thì như vậy, nhưng có lẽ không đúng với thực tế. Thiên hạ cứ đồn đoán rằng chỉ một số ít có chọn lọc trong tầng lớp cao nhất của Hội Tam điểm mới được chia sẻ một bí mật lớn lao nào đó. Song tôi ngờ rằng sự thật có lẽ không kịch tính đến thế.
Peter Solomon thường nửa đùa nửa thật về sự tồn tại của một bí mật quý giá trong Hội Tam điểm, nhưng Langdon luôn cho rằng đó chỉ là một ý đồ ranh mãnh nhằm lôi kéo anh gia nhập hội này.
Tiếc thay, những sự kiện tối nay không phải là đùa, và việc Peter nài anh giữ cái gói niêm phong trong túi này không hề gợn chút nào ranh mãnh.
Langdon khổ sở nhìn cái túi nhựa có chiếc nhẫn của Peter.
– Bà Giám đốc, – anh hỏi – tôi giữ thứ này có được không?
– Để làm gì?
– Nó rất có giá trị với Peter, và tối nay tôi muốn trả lại cho ông ấy.
Nét mặt Sato đầy nghi ngại.
– Hi vọng ông tìm được cơ hội đó.
– Cảm ơn – Langdon bỏ chiếc nhẫn vào túi.
Họ tiếp tục tiến sâu hơn vào mê cung, Sato lại lên tiếng:
– Tôi hỏi câu nữa. Nhân viên của tôi nói rằng khi kiểm tra các khái niệm “cấp 33” và “cánh cổng” liên quan đến Hội Tam điểm, họ tìm thấy hàng trăm tài liệu tham khảo đề cập đến kim tự tháp. Tại sao thế?
– Điều đó không có gì lạ cả – Langdon đáp – Những người xây dựng Kim tự tháp Ai Cập là tiền nhân của thợ đá hiện đại, và kim tự tháp cùng với các chủ đề về Ai Cập, rất phổ biến trong hệ thống biểu tượng Hội Tam điểm.
– Biểu tượng gì chứ?
– Kim tự tháp thể hiện sự khai sáng. Nó là một biểu tượng kiến trúc qua đó con người cổ đại muốn chứng minh rằng họ có khả năng thoát khỏi cõi thế tục, vươn tới thiên đường, tới mặt trời vàng và cuối cùng là tới nguồn sáng tối thượng.
Sato đợi thêm một lát.
– Không còn gì khác sao?
Không còn gì khác sao? Langdon chẳng vừa mới nói đến một trong những biểu tượng tao nhã nhất lịch sử đấy thôi. Một cấu trúc mà qua nó con người nâng mình lên thế giới của thần thánh.
– Theo nhân viên của tôi – Sato tiếp tục – dường như tối nay có một mối liên hệ chặt chẽ hơn nhiều. Họ nói rằng có một truyền thuyết rất phổ biến về một kim tự tháp cụ thể ở đây, tại Washington này, một kim tự tháp liên hệ đặc biệt với Hội Tam điểm và các bí ẩn cổ xưa.
Giờ thì Langdon hiểu Sato đang nhắc đến điều gì, và anh cố gắng xua tan ý tưởng này trước khi họ lãng phí thêm thời gian.
– Tôi không lạ gì truyền thuyết đó, thưa bà Giám đốc, nhưng nó thuần tuý là sản phẩm tưởng tượng. Kim tự tháp Hội Tam điểm là một trong những huyền tích lâu đời nhất của Washington D.C., có lẽ bắt nguồn từ kim tự tháp trên Quốc ấn của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
– Tại sao ông không đề cập đến chuyện này sớm hơn?
Langdon nhún vai.
– Bởi vì nó không có cơ sở thực tế. Như tôi đã nói, nó là một huyền tích. Một trong rất nhiều huyền tích liên quan đến Hội Tam điểm.
– Và huyền tích cụ thể này có liên hệ trực tiếp đến các Bí ẩn cổ xưa?
– Chắc chắn rồi, giống như rất nhiều huyền tích khác. Các Bí ẩn cổ xưa là nền tảng cho vô số truyền thuyết tồn tại trong lịch sử, chẳng hạn những câu chuyện về tri thức hùng mạnh nằm trong vòng bảo vệ của các Hiệp sĩ đền thánh, Hội Thập tự Hoa hồng, tổ chức Illuminati 2, nhóm Alumbrados… và còn nhiều nhiều nữa. Tất cả đều dựa trên những bí ẩn cổ xưa. Kim tự tháp Hội Tam điểm chỉ là một ví dụ.
– Tôi hiểu rồi. – Sato đáp – Nhưng thực tế thì truyền thuyết này nói gì?
Langdon ngẫm nghĩ câu hỏi đó một lát rồi mới trả lời.
– Chà, tôi không chuyên lắm về các luận thuyết hư cấu, nhưng tôi được đào tạo về thần thoại học, và hầu hết các câu chuyện đều tiến triển như thế này: Các bí mật cổ xưa – hay gọi là tri thức thất truyền của mọi thời đại – từ lâu đã được coi là kho báu quý giá nhất của nhân loại và như tất cả các kho báu, chúng được bảo vệ rất cẩn mật. Các bậc hiền nhân được khai sáng, những người hiểu được sức mạnh thật sự của vốn tri thức này, rất sợ tiềm lực kinh khủng của nó. Họ biết rằng nếu kiến thức bí mật này rơi vào tay những kẻ chưa được khai tâm thì kết quả có thể rất tai hại; như chúng ta đã nói trước đó, những công cụ hùng mạnh có thể được sử dụng cho cả việc thiện lẫn việc ác. Vì thế, để bảo vệ các Bí ẩn cổ xưa và cũng là bảo vệ nhân loại, những người đầu tiên nắm bắt được tri thức đã thành lập ra các hiệp hội bí mật. Bên trong những hội này, họ chỉ chia sẻ tri thức của họ với những thành viên được khai sáng, truyền bá tri thức đó trong vòng các trí giả mà thôi. Nhiều người tin rằng chúng ta có thể xem lại và tìm thấy những tàn dư lịch sử của những người từng nắm được các bí ẩn… trong các câu chuyện về pháp sư, phù thuỷ và đạo nhân.
– Thế còn Kim tự tháp Hội Tam điểm? – Sato hỏi – Thứ đó thì liên quan gì chứ?
– Chà, – Langdon đáp, chân rảo bước nhanh hơn để theo cho kịp – đây là chỗ mà lịch sử và truyền thuyết bắt đầu giao thoa. Theo một số tài liệu, vào thế kỷ XVI ở châu Âu, hầu như tất cả các hội kín này đều biến mất, bị tiêu diệt bởi một làn sóng khủng bố tôn giáo. Người ta nói rằng, hội viên Tam điểm là những người cuối cùng còn tồn tại và gìn giữ các bí mật cổ xưa. Cũng dễ hiểu là họ sợ rằng nếu một ngày nào đó tổ chức của họ bị xoá sổ như những tổ chức tiền thân, thì các bí mật cổ xưa sẽ bị thất truyền mãi mãi.
– Thế còn kim tự tháp? – Sato lại nhấn mạnh.
Langdon bắt đầu giải thích.
– Truyền thuyết Kim tự tháp Hội Tam điểm rất đơn giản. Nó nói rằng, để hoàn thành trách nhiệm bảo vệ vốn tri thức vĩ đại cho các thế hệ tương lai, Hội Tam điểm quyết định giấu nó vào một pháo đài – Langdon cố gắng nhớ lại các chi tiết về câu chuyện – Một lần nữa, tôi nhấn mạnh đây chỉ là truyền thuyết, nhưng rất hay được viện dẫn, Hội Tam điểm đem tri thức bí mật của họ từ Cựu Thế giới tới Tân Thế giới, tức là tới đây, nước Mỹ này, một mảnh đất mà họ hy vọng sẽ thoát khỏi chế độ tôn giáo tàn bạo, và ở đây, họ xây dựng một pháo đài bất khả xâm phạm – một kim tư tháp bí mật – được thiết kế đế bảo vệ các bí mật cố xưa cho tới khi nào tất cả nhân loại sẵn sàng tiếp nhận sức mạnh ghê gớm mà tri thức này có thể đem lại. Theo truyền thuyết Hội Tam điểm đặt trên đỉnh kim tự tháp vĩ đại của họ một khối vàng đặc sáng rực rỡ làm biểu tượng cho kho báu quý giá bên trong – cái kho tri thức co xưa có thể giúp con người phát huy hết tiềm năng của mình. Hoá thành thần thánh.
– Câu chuyện hay đấy, – Sato nói.
– Vâng. Hội Tam điểm bị chinh phục bởi tất cả các loại huyền tích kỳ cục.
– Rõ ràng ông không tin rằng có một kim tự tháp như thế tồn tại.
– Dĩ nhiên là không rồi, – Langdon đáp – Không hề có bằng chứng gì cho thấy các bậc tiền bối hội viên Tam điểm của chúng ta đã xây dựng một loại kim tự tháp nào đó ở nước Mỹ, càng không thể ở Washington D.C. này. Rất khó giấu được một kim tự tháp, đặc biệt là một cái đủ lớn để chứa được toàn bộ tri thức đã bị thất truyền của mọi thời đại.
Theo lời Langdon, truyền thuyết chẳng bao giờ giải thích chính xác xem cái gì nằm bên trong Kim Tự tháp Hội Tam điểm – dù đó là những văn bản cổ, những văn tự huyền bí, những phát kiến khoa học, hay cái gì đó bí hiểm hơn thế nữa – nhưng huyền tích thật sự nói rằng thông tin quý giá bên trong được mã hoá rất khéo léo… và chỉ ai có tâm hồn khai sáng nhất mới đủ sức thấu hiểu.
– Nhưng dù sao – Langdon tiếp – câu chuyện này rơi vào một thể loại mà giới biểu tượng học chúng tôi gọi là một “lai tạp nguyên mẫu”, một hình thức pha trộn của những huyền tích kinh điển, vay mượn thêm nhiều yếu tố từ kho tàng thần thoại đến mức nó chỉ có thể là một sản phẩm hư cấu… không thể là sự thật lịch sử được.
Khi dạy sinh viên về các lai tạp nguyên mẫu, Langdon sử dụng ví dụ là các truyện thần tiên, được kể lại qua nhiều thế hệ và phóng đại dần theo thời gian, vay mượn rất nhiều của nhau để trở thành những câu chuyện đạo lý với những yếu tố ước lệ tương tự – những thiếu nữ đồng trinh, các hoàng tử đẹp trai, những toà lâu đài bất khả xâm phạm, và những phù thuỷ hùng mạnh. Nhờ các câu chuyện thần tiên, trận chiến “thiện và ác” bám rễ trong chúng ta từ thời còn thơ ấu thông qua các câu chuyện: Merlin chống lại Morgan le Fay, Thánh George chống lại Rồng, David chống lại quái vật Goliath, Nàng Bạch Tuyết chống lại Mụ phù thuỷ, và thậm chí là Luke Skywalker chiến đấu với Darth Vader.
Họ ngoặt qua một góc tường và theo Anderson xuống một quãng cầu thang ngắn nữa, Sato gãi gãi đầu.
– Giải thích cho tôi điều này nhé. Nếu tôi không nhầm thì các kim tự tháp từng được coi là những cánh cổng bí ẩn mà qua đó, các pharaoh băng hà có thể bay lên thế giới thần linh, có phải không nhỉ?
– Đúng đấy.
Sato dừng lại đột ngột và nắm lấy tay Langdon, ngước nhìn anh với vẻ mặt nửa ngạc nhiên nửa hoài nghi.
– Kẻ bắt cóc Peter Solomon bảo ông tìm một cánh cổng bí mật, và ông không hề nghĩ rằng gã đang nói về Kim tự tháp Hội Tam điểm trong huyền tích này ư?
– Nói gì thì nói, Kim Tự tháp Hội Tam điểm chỉ là một câu chuyện thần tiên. Nó hoàn toàn do tưởng tượng mà ra.
Sato bước lại sát anh hơn, tới mức Langdon ngửi thấy cả hơi thở sặc sụa mùi thuốc lá của bà ta.
– Tôi hiểu vị trí của ông trong chuyện này, thưa Giáo sư, nhưng vì cuộc điều tra, tôi không thể loại bỏ yếu tố so sánh. Một cánh cổng dẫn tới vốn tri thức bí mật ư? Theo kẻ bắt cóc Peter Solomon, nghe chừng chỉ ông mới mở được.
– Chà, tôi khó lòng tin…
– Ông tin điều gì không quan trọng. Dù sao đi nữa, ông cũng phải thừa nhận rằng bản thân gã đó có thể đang tin chắc vào khả năng tồn tại của Kim Tự tháp Hội Tam điểm.
– Gã là một kẻ mất trí! Gã cũng có thể tin rằng SBB 13 là lối vào một kim tự tháp khổng lồ ngầm dưới lòng đất, nơi chứa đựng tri thức đã bị thất truyền của cổ nhân!
Sato đứng lặng đi, đôi mắt rực sáng.
– Rắc rối mà tôi đang phải xử lý tối nay không phải là một chuyện thần tiên, thưa Giáo sư. Nó rất thật, tôi dám quả quyết với ông như thế.
Một sự im lặng lạnh lẽo bao trùm lấy họ.
– Thưa bà? – Cuối cùng Anderson lên tiếng, ra hiệu về phía cánh cửa bảo vệ cách đó 3 mét – Chúng ta gần đến nơi rồi, nếu chúng ta đi tiếp.
Cuối cùng Sato cũng thôi không nhìn xoáy vào Langdon nữa mà ra hiệu cho Anderson tiếp tục.
Họ theo viên Chỉ huy lực lượng an ninh đi qua ô cửa để vào một lối đi hẹp. Langdon ngó quanh, hết bên trái rồi bên phải.
Thật không thể tưởng tương được.
Anh chưa bao giờ trông thấy hành lang nào dài đến thế này.
— —— —— —— ——-
1 Phân hội Scottish là một trong vài phân hội của Hội Tam điểm. Một phân hội gồm vài cấp bậc kế tiếp nhau do những tổ chức hoặc cơ quan khác nhau của Hội Tam điểm tấn phong, hoạt động dưới sự kiểm soát của cơ quan trung ương. Cơ quan trung ương của Phân hội Scottish là Hội đồng Tối cao. Phân hội Scottish là một trong những cơ quan trực thuộc Hội Tam điểm, nơi một huynh trưởng có thể gia nhập để tiếp tục lĩnh hội những nguyên tắc của Hội. Phân hội Scottish được hình thành dựa trên những lời giáo huấn đạo đức và triết lý do hội hành nghề (craft lodge hoặc Blue Lodge) đưa ra – ND.
2 Tổ chức Illuminati là một hội kín được sáng lập vào thế kỷ XVI bởi những người khai sáng giỏi nhất Italia, gồm các nhà vật lý, thiên văn học, toán học, nhằm chia sẻ mối quan tâm của họ về những tín điều không chính xác của nhà thờ. Tên gọi Illuminati có nghĩa là “Những người khai sáng” – ND.