Gone Girl - Cô Gái Mất Tích

Chương 11: Nick Dunne



Một ngày trôi qua

Ánh đèn sáng lóa, và tôi nở một nụ cười, nhưng không kịp nữa. Tôi cảm thấy một luồng khí nóng quấn quanh cổ mình, và từng giọt mồ hôi đầm đìa trên sống mũi. Ngu ngốc, Nick, ngu ngốc. Rồi sau đó, ngay khi tôi trấn tĩnh lại thì cuộc họp báo đã kết thúc, và quá muộn để tạo thêm bất kỳ ấn tượng nào.

Tôi bước ra khỏi phòng cùng gia đình Elliott, đầu cúi thấp bởi ánh đèn nháy còn nhiều hơn. Khi tôi gần đến lối ra thì Gilpin chạy nhanh ngang qua căn phòng, hướng về phía tôi và ngăn lại: “Cho tôi một phút được không, Nick?”

Anh ta cập nhật thông tin cho tôi khi chúng tôi đi về phía bộ phận phụ trách hậu cần: “Chúng tôi đã kiểm tra ngôi nhà hàng xóm bị đột nhập mà anh nói, có vẻ như người ta đã cắm trại ở đó. Vì thế chúng tôi đã đi một vòng và nhận thấy một ngôi nhà khác bên cạnh khu nhà của anh cũng có vài người định cư bất hợp pháp.”

“Đấy chính là điều khiến tôi lo lắng.” Tôi nói. “Những gã này hạ trại ở khắp mọi nơi. Cả cái thành phố này tràn ngập những kẻ thất nghiệp khó chịu đó.”

Carthage, cho tới một năm trước đây, vẫn là một khu vực chịu sự chi phối của Trung tâm thương mại Riverway. Bản thân trung tâm này đã hệt như một thành phố thu nhỏ và tạo công ăn việc làm cho bốn nghìn người dân địa phương, chiếm tới một phần năm dân số của Carthage. Trung tâm thương mại Riverway được xây dựng vào năm 1985 như một điểm đến nhằm thu hút những khách hàng mua sắm trong khắp vùng Trung Tây nước Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày khai trương: tôi, Go và bố mẹ đã đến xem một loạt những hoạt động chào mừng diễn ra tại một bãi đỗ xe được trải nhựa rộng mênh mông. Chúng tôi đứng ở tận cùng phía sau của đám đông, bởi bố tôi dù ở đâu cũng muốn chúng tôi có thể rời đi một cách nhanh chóng. Ngay cả đi xem đấu bóng chày, chúng tôi thường đỗ xe gần lối ra và rời trận đấu ở lượt chơi thứ tám. Tôi và Go luôn phản ứng theo kiểu có thể đoán trước được như khóc lóc nhặng xị, hờn dỗi và tức giận: Chúng ta chẳng bao giờ được xem đoạn kết cả. Nhưng lần đó, vị trí thuận lợi từ phía xa của chúng tôi lại rất đáng ao ước, bởi chúng tôi có thể bao quát toàn cảnh của sự kiện: đám đông mất kiên nhẫn, đồng loạt đảo trọng tâm từ chân này sang chân kia, ngài thị trưởng ở trên chiếc bục đỏ-trắng-xanh ấy, cả loạt mỹ từ được thốt ra như niềm tự hào, tăng trưởng, thịnh vượng, thành công đã cuốn lấy chúng tôi – những người lính trên chiến trường bảo vệ chủ nghĩa trọng tiêu dùng với trang bị là những cuốn ngân phiếu bọc nhựa vinyl và những chiếc túi xách được may chần. Rồi những cánh cửa ấy mở ra. Và đám đông ào tới những gian hàng có máy lạnh, có âm nhạc, có những nhân viên bán hàng tươi cười – cũng chính là những người hàng xóm của chúng tôi. Thực sự hôm đó bố tôi đã cho chúng tôi vào bên trong, rồi xếp hàng và mua cho chúng tôi thứ gì đó kiểu như những cốc giấy đổ đầy nước cam mát lạnh.

Trung tâm thương mại Riverway là một thành công trong suốt một phần tư thế kỷ. Rồi sau đó cú sốc suy thoái kinh tế đã đánh bật từng cửa hiệu một ở Riverway cho tới khi toàn bộ trung tâm này bị phá sản. Giờ đây nó chỉ còn là một nơi hoang tàn rộng hai triệu dặm vuông. Chẳng có công ty nào đến để đòi lại nó, không một thương nhân nào hứa hẹn sẽ khôi phục nó, không một ai biết phải làm gì với nó hoặc chuyện gì sẽ xảy đến với tất cả những người từng làm việc tại đây, trong đó có mẹ tôi, người đã mất việc tại cửa hàng Shoe-Be-Doo-Be. Hai thập kỷ quỳ gối để tìm kiếm, phân loại những chiếc hộp và tập hợp những mặt hàng dệt kim thấm mồ hôi chân, đã tan biến mà không có một nghi lễ nào để tưởng nhớ.

Sự sụp đổ của trung tâm thương mại về cơ bản đã làm Carthage xuống dốc. Người dân mất việc, mất nhà. Không ai nhận thấy trong tương lai gần sẽ có bất kỳ điều gì tốt đẹp xảy đến cả. Chúng tôi chẳng bao giờ được xem đoạn kết cả. Ngoại trừ lần này, có vẻ như Go và tôi sẽ được chứng kiến điều đó. Tất cả chúng tôi.

Sự phá sản này hoàn toàn phù hợp với tâm lý của tôi. Trong nhiều năm, tôi đã rất buồn chán. Không phải sự buồn chán của một đứa trẻ hiếu động hay than vãn (mặc dù tôi không buồn nhiều hơn mức đó) mà là sự phiền muộn ám ảnh nặng nề. Dường như đối với tôi không có gì mới mẻ để khám phá thêm nữa. Chúng ta nhìn chằm chằm vào các kỳ quan của thế giới với ánh mắt tẻ nhạt và chẳng ấn tượng gì. Mona Lisa, kim tự tháp, tòa nhà Empire State. Động vật rừng nhiệt đới bị xâm phạm, những núi băng cổ đang sụp đổ, những ngọn núi lửa đang phun trào. Không có bất cứ điều tuyệt vời nào được tận mắt nhìn mà tôi không liên hệ ngay tức thì tới một bộ phim hay một chương trình truyền hình nào đó. Loạt chương trình quảng cáo chết tiệt ấy. Bạn thừa biết nhịp điệu khủng khiếp của những thứ nhàm chán rồi đấy: Xemmm hết rồi. Tôi quả thực đã xem tuốt rồi, và điều tệ nhất, điều mà khiến não tôi muốn vỡ tung ra, là: Trải nghiệm gián tiếp luôn tuyệt vời hơn hẳn. Hình ảnh sinh động hơn, khung cảnh sắc nét hơn, góc quay và nhạc nền làm tăng sự hưng phấn của tôi theo cách mà thực tế không còn có thể gây xúc cảm được nữa. Tôi không biết liệu rằng tại thời điểm này chúng ta có còn là những con người thực sự nữa hay không, bởi phần lớn trong chúng ta đều giống như vậy, những thế hệ lớn lên cùng với tivi, phim ảnh và giờ là Internet. Nếu chúng ta bị phản bội, chúng ta biết cần nói những gì, khi một người yêu thương mất đi, chúng ta biết nên nói những gì. Nếu chúng ta muốn xử sự như những gã đàn ông lăng nhăng, những kẻ hợm hĩnh tỏ ra mình thông minh hay như một tên ngốc, chúng ta cũng biết phải nói những gì. Tất cả chúng ta đang hành động theo cùng một kịch bản cũ rích.

Một thời đại khó khăn để có thể làm người, một con người thực sự và đúng nghĩa, thay vì là một tập hợp các đặc tính cá nhân được góp nhặt từ một chiếc máy tự động sản xuất ra vô tận các tính cách.

Và nếu tất cả chúng ta đều đang diễn kịch thì không thể nào tồn tại những thứ như bạn tâm giao, bởi chúng ta đâu có sự chân thật trong tâm hồn.

Điều này dẫn đến một quan điểm mà xem ra cũng chẳng thành vấn đề, bởi khi tôi không phải là một người chân thật thì những người khác cũng sẽ vậy cả thôi.

Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để được có lại cảm giác chân thật đó.

Gilpin mở cánh cửa vào chính căn phòng mà đêm hôm trước họ thẩm vấn tôi ở đó. Ngay giữa bàn là hộp quà lấp lánh ánh bạc của Amy.

Tôi đứng đó nhìn chằm chằm vào chiếc hộp ở trên bàn, một điềm chẳng lành trước cảnh tượng mới này. Cảm giác kinh hãi choáng ngợp trong tôi. Tại sao tôi không thấy nó trước chứ? Đáng lẽ tôi đã phải trông thấy nó.

“Xin cứ tự nhiên.” Gilpin nói. “Chúng tôi muốn anh xem qua thứ này.”

Tôi rón rén mở chiếc hộp như thể sẽ có một cái đầu người ở trong đó. Tôi thấy duy nhất một chiếc phong bì màu xanh kem đựng câu đố đầu tiên.

Gilpin ngớ ngẩn cười. “Thử hình dung sự bối rối của chúng tôi mà xem: Một vụ mất tích, và đây chúng tôi tìm thấy một chiếc phong bì cho biết câu đố đầu tiên.”

“Đó là trò chơi săn tìm kho báu mà vợ tôi…”

“Đúng vậy. Cho lễ kỷ niệm ngày cưới của anh. Bố vợ anh có nhắc đến nó.”

Tôi mở chiếc phong bì, rút ra một mảnh giấy gập đôi, khá dày và có màu xanh da trời – thứ văn phòng phẩm đặc trưng của Amy. Cổ họng tôi đắng ngắt. Những trò săn tìm kho báu chung quy lại luôn đặt ra một câu hỏi duy nhất: Amy là ai? (Vợ tôi đang nghĩ gì vậy? Điều gì là quan trọng đối với cô ấy trong một năm vừa qua? Khoảnh khắc nào khiến cô ấy hạnh phúc nhất? Amy, Amy, Amy, nào hãy nghĩ về Amy.) Hai hàm răng tôi nghiến chặt vào nhau khi đọc câu đố đầu tiên. Trước tình trạng hôn nhân như trong năm vừa rồi của chúng tôi, chuyện này sẽ khiến tôi phát điên lên mất. Tôi không cần thêm bất cứ thứ gì khác nữa để khiến tôi trông như phát điên.

Hình dung em là học trò của anh

Một thầy giáo đẹp trai và từng trải

Tâm trí em chẳng còn thấy e ngại (có màng chi cả thể xác của em!)

Nếu em là học trò của anh, đâu cần những bông hoa phải hiện diện

Có lẽ chỉ cần một cuộc hẹn, chút bông đùa trong giờ làm việc của anh

Vậy hãy nhanh, bắt đầu nhé, xin anh

Em sẽ dạy anh vài điều lần này đấy.

Đó là một kế hoạch cho một cuộc sống khác. Nếu mọi chuyện xảy ra như viễn tưởng của vợ tôi, ngày hôm qua hẳn là cô ấy sẽ quanh quẩn ở bên khi tôi đọc bài thơ này, dõi nhìn tôi đầy mong đợi với niềm hy vọng tỏa ra từ cô ấy như thể một cơn sốt: Làm ơn hãy hiểu. Làm ơn hãy hiểu em.

Rồi cuối cùng cô ấy sẽ hỏi: Thế nào anh? Và tôi trả lời:

“Ồ, thực ra tôi hiểu mà! Hẳn là cô ấy đã ám chỉ văn phòng của tôi. Tại trường cao đẳng. Tôi làm trợ giảng ở đó. Vâng. Ý tôi là, chắc chỉ có thể là chỗ đó thôi, phải vậy không?” Tôi liếc mắt nhìn và đọc lại. “Câu đố của cô ấy năm nay không làm khó được tôi rồi.”

“Anh muốn tôi đưa anh đến đó không?” Gilpin hỏi.

“Không, tôi có xe của Go rồi.”

“Vậy tôi sẽ theo sau anh.”

“Anh nghĩ cần thiết phải như vậy sao?”

“Ồ, điều này cho thấy động thái của cô ấy trong một hoặc hai ngày trước khi cô ấy mất tích. Vì vậy nó không hề không cần thiết.” Anh ta nhìn vào tờ giấy đó. “Điều này rất ngọt ngào, anh thấy chứ? Giống như trong phim vậy: săn tìm kho báu. Vợ tôi và tôi, chúng tôi chỉ tặng nhau những tấm thiệp và có thể cùng nhau dùng bữa nhẹ. Có vẻ như hai người đang làm đúng đấy. Duy trì sự lãng mạn.”

Nói đoạn Gilpin nhìn xuống đôi giày của anh ta và trở nên ngượng ngùng, rồi xóc chùm chìa khóa quay bước đi.

Trường cao đẳng trang bị cho tôi khá đàng hoàng, một văn phòng nhỏ nhưng đủ rộng để kê một chiếc bàn, hai chiếc ghế và vài giá sách. Gilpin và tôi đi qua đám sinh viên của khóa học mùa hè, một sự kết hợp giữa những đứa trẻ không thể nào trẻ hơn (buồn tẻ nhưng bận rộn, các ngón tay không đang nhắn tin thì cũng đang dò tìm bài hát) và một đám người lớn tuổi với thái độ nghiêm túc mà tôi buộc phải nghĩ rằng đó là những nhân viên trung tâm thương mại bị sa thải, đang cố gắng để được đào tạo lại cho một công việc mới.

“Anh dạy chuyên ngành gì?” Gilpin hỏi.

“Báo chí, dành cho tạp chí.” Một cô bé đang vừa đi vừa nhắn tin, quên mất cả cảm giác của người đi sau và suýt đâm sầm vào tôi. Cô bé bước tránh sang một bên mà không hề ngước nhìn lên. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình già nua và gàn dở: Tránh khỏi đường của tôi ngay!

“Tôi tưởng anh không làm báo nữa cơ mà.”

“Tôi không thể đừng được…” Tôi cười.

Tôi mở cửa văn phòng, bước vào không gian ngột ngạt đầy bụi bặm. Tôi đã nghỉ hè và hàng tuần rồi tôi không đến đây. Một chiếc phong bì khác ghi câu đố thứ hai đang nằm trên bàn làm việc của tôi.

“Chìa khóa văn phòng của anh luôn được gắn với chùm chìa khóa à?” Gilpin hỏi.

“Đúng vậy.”

“Tức là Amy có thể đã mượn chìa khóa để vào đây?”

Tôi xé một bên mép chiếc phong bì.

“Chúng tôi còn có một chìa dự phòng ở nhà.” Amy làm bản sao dự phòng cho mọi thứ – tôi rất hay để chìa khóa, thẻ tín dụng, điện thoại không đúng chỗ và tôi không muốn kể cho Gilpin về điều này, để rồi phải nhận lấy lời trêu chọc về đứa-trẻ-trong-gia-đình. “Tại sao?”

“Ồ, chỉ để chắc rằng cô ấy sẽ không phải nhờ vả ai đó, tôi không rõ nữa, như người gác cổng hoặc ai đấy chẳng hạn.” “Theo như tôi để ý thì không có loại người kiểu như Freddy Krueger ở đây đâu.”

“Chưa bao giờ xem phim đó.” Gilpin đáp.

Bên trong phong bì là hai mảnh giấy gập đôi. Một mảnh có hình một trái tim, mảnh kia được đề là câu đố.

Hai thông điệp. Khác nhau. Ruột gan tôi thắt lại. Có Chúa mới biết Amy định nói gì. Tôi mở mảnh giấy có hình trái tim ra. Tôi uớc gì mình đã không để Gilpin đến đây, và tôi đọc những dòng đầu tiên.

Gửi chồng thương yêu của em,

Em phát hiện ra đây là nơi hoàn hảo – những căn phòng học thiêng liêng này! – để nói với anh rằng em nghĩ anh là một người đàn ông tài giỏi. Em không nói hết với anh, nhưng em rất ngạc nhiên bởi trí tuệ của anh: những con số thống kê kỳ quặc, những giai thoại, những sự thật lạ thường, khả năng khó nhằn khi trích dẫn từ bất cứ bộ phim nào, sự hài hước nhạy bén, hay cách diễn tả mọi chuyện thật tuyệt vời của anh. Sau nhiều năm bên nhau, em nghĩ một cặp đôi có thể đã quên mất họ nhìn nhận về nhau tuyệt vời đến thế nào. Em còn nhớ lần đầu chúng ta gặp nhau em đã choáng ngợp vì anh, em muốn nhân giây phút này nói với anh rằng em vẫn cảm thấy thế và đó là một trong những điều em thích nhất ở anh: Anh thật tài giỏi.

Miệng tôi ứa nước miếng. Gilpin đang đọc từ sau vai tôi, và thậm chí đã thở dài. “Một quý cô ngọt ngào.” Anh ta thốt lên. Rồi hắng giọng. “Ừm, những thứ này là của anh phải không?”

Gilpin dùng đầu có tẩy của chiếc bút chì để khều một đôi quần lót phụ nữ (đúng nghĩa thì chúng là đôi quần xi líp – loại dây, bằng ren đỏ – nhưng tôi biết phụ nữ sẽ không thoải mái với từ đó – hãy cứ thử Google cụm từ không thích quần xi líp mà xem). Cả hai chiếc quần được treo lủng lẳng trên cái núm của thiết bị điều hòa.

“Ôi, trời. Thật xấu hổ.”

Gilpin đang chờ một lời giải thích.

“Ừm, có lần Amy và tôi, ừm, anh đã đọc lời nhắn của cô ấy rồi đấy. Chúng tôi đã, anh biết đấy, đôi khi anh phải thêm chút gia vị cho mọi thứ.”

Gilpin cười nhăn nhở. “Ồ, tôi hiểu rồi, vị giáo sư dâm đãng và cô sinh viên hư hỏng. Tôi hiểu. Hai người thực sự làm tốt đấy.” Tôi với tay nhặt lại đồ lót nhưng Gilpin đã lấy ra một chiếc túi để đựng chứng cớ và nhét chúng vào. “Chỉ là lo xa thôi.” Anh ta cắt nghĩa một cách không rõ ràng.

“Ồ, xin đừng.” Tôi nói. “Amy sẽ chết mất…” Tôi dừng lại trước khi nói hết câu.

“Đừng lo, Nick, chỉ là thủ tục thôi, anh bạn. Anh sẽ không tin nổi những gì mà chúng ta sẽ phải trải qua đâu. Chỉ để phòng xa thôi, chỉ để phòng xa thôi. Thật ngớ ngẩn. Câu đố nói gì thế?”

Tôi để anh ta đọc qua vai tôi lần nữa, cái mùi khó chịu của anh ta còn chưa phai khiến tôi sao nhãng.

“Vậy nó có nghĩa gì?” Anh ta hỏi.

“Tôi cũng không biết nữa.” Tôi nói dối.

Cuối cùng thì tôi cũng thoát khỏi anh ta. Tôi lái xe một cách vô định vào đường cao tốc để có thể gọi một cuộc điện thoại bằng chiếc thẻ dùng một lần của mình. Không bắt máy. Tôi cũng không để lại tin nhắn. Tôi tăng tốc một đoạn dài, như thể tôi có thể đi đến bất cứ nơi đâu, và rồi mất bốn mươi lăm phút sau để lái xe quay trở lại thành phố gặp gia đình Elliott tại khách sạn Days Inn. Tôi bước vào hành lang chật kín thành viên của Hiệp hội kế toán tiền lương vùng Trung Tây – những chiếc vali kéo ở khắp mọi nơi, trong khi chủ nhân của chúng vừa chuyện trò vừa mải mê với các loại thức uống được phục vụ kèm trong những chiếc cốc nhựa nhỏ, tiếng cười gượng ép ùng ục trong cổ họng và túi bọn họ đầy danh thiếp. Tôi vào thang máy cùng với bốn người đàn ông, tất cả đều hói đầu, mặc quần kaki và áo chơi gôn, những chiếc dây đeo thẻ lắc lư trên cái bụng tròn trịa của bọn họ.

Marybeth mở cửa khi vẫn đang nói chuyện điện thoại, bà ấy chỉ tay về phía tivi và thì thầm với tôi: “Chúng ta có một khay thịt nguội với phô mai, nếu con muốn ăn, con yêu.” Rồi bà ấy vào phòng tắm và đóng cửa lại, tiếp tục rì rầm qua điện thoại.

Vài phút sau bà ấy xuất hiện, vừa đúng lúc bản tin thời sự địa phương lúc năm giờ được phát đi từ St. Louis, đưa tin Amy mất tích. “Tấm ảnh thật hoàn hảo.” Marybeth lẩm bẩm bên màn hình, nơi ánh mắt chăm chú của Amy đang nhìn lại chúng tôi. “Người ta sẽ nhìn ảnh và biết được Amy trông ra sao.”

Tôi thì nghĩ bức ảnh chân dung đó – một bức chân dung nghệ thuật do người tình của Amy chụp – xinh đẹp nhưng bất an. Những bức ảnh của Amy đều gây cảm giác cô ấy đang nhìn bạn với ánh mắt chuyển động từ trái sang phải, giống một bức chân dung trong ngôi nhà cổ bị ma ám.

“Chúng ta cũng nên cung cấp cho họ vài tấm ảnh chụp trực diện nữa.” Tôi nói. “Một vài tấm ảnh thường nhật.”

Vợ chồng Elliotts đồng loạt gật đầu nhưng chẳng ai nói lời nào mà chỉ xem chăm chú. Khi mục tin tức kết thúc, Rand phá vỡ sự im lặng: “Anh cảm thấy thật kinh khủng.”

“Em hiểu.” Marybeth nói.

“Con thì thế nào, Nick?” Rand vừa hỏi vừa gập người xuống, hai tay đặt lên đầu gối như thể ông ấy chuẩn bị đứng dậy khỏi chiếc trường kỷ nhưng không hẳn vậy.

“Thực lòng mà nói, con bấn loạn mất rồi. Con cảm thấy mình thật vô dụng.”

“Con biết đấy, ta phải hỏi, còn đám nhân viên của con thì sao, Nick?” Rand cuối cùng cũng đứng dậy. Ông ấy đi về phía quầy bar mini, tự rót cho mình một ly rượu gừng, rồi quay sang tôi và Marybeth. “Mọi người? Có ai muốn uống gì không? Bất cứ thứ gì?” Tôi lắc đầu, còn Marybeth muốn một ly club soda.

“Em có muốn thêm chút rượu gin vào không, em yêu?” Rand hỏi bằng chất giọng thấp trầm của mình, nhưng lên giọng ở từ cuối cùng.

“Hẳn rồi. Vâng. Em muốn.” Marybeth nhắm mắt lại, cúi người và vùi mặt mình vào giữa hai đầu gối, rồi bà ấy hít sâu và trở lại tư thế ngồi như ban đầu, như thể một động tác yoga vậy.

“Con đã cung cấp cho họ danh sách các nhân viên rồi.” Tôi nói. “Nhưng công việc kinh doanh đó khá nhạt nhẽo, Rand. Con không nghĩ đó là điểm đáng phải bận tâm.”

Rand đặt một bàn tay che ngang qua miệng rồi vuốt lên mặt, phần cơ trên hai má của ông ấy bị đẩy lên quanh mắt. “Tất nhiên, chúng ta cũng định làm như thế với công việc kinh doanh của mình, Nick ạ.”

Rand và Marybeth luôn ám chỉ đến loạt sách Amy tuyệt vời như một công việc kinh doanh, điều mà bề ngoài luôn gây cho tôi một ấn tượng ngu ngốc: Chúng chỉ là những cuốn sách cho trẻ em, với hình ảnh một cô bé hoàn hảo được vẽ trên bìa mỗi cuốn sách, một phiên bản hoạt họa của Amy, vợ tôi. Nhưng dĩ nhiên, những cuốn sách đó (đã từng) là một công việc kinh doanh, một vụ kinh doanh lớn. Đó là những tài liệu dành cho học sinh tiểu học trong suốt hơn một thập kỷ, chủ yếu là do những câu trắc nghiệm nằm ở cuối mỗi chương sách.

Thí dụ như ở lớp Ba, Amy Tuyệt vời đã bắt gặp bạn của cô bé, Brian, đang cho con rùa của lớp học ăn quá nhiều. Cô bé đã cố giải thích với cậu bạn, nhưng khi Brian khăng khăng cho con rùa ăn thêm, Amy đành phải mách với giáo viên: “Cô Tibbles, con không muốn là một kẻ mách lẻo, nhưng con không chắc mình phải làm gì nữa. Con đã cố nói chuyện với Brian, nhưng bây giờ… con nghĩ là có thể con cần sự giúp đỡ từ người lớn…” Kết quả là:

A. Brian nói với Amy rằng cô bé là một người bạn không đáng tin cậy và không nói chuyện với cô bé nữa.

B. Người bạn gái nhút nhát Suzy nói rằng Amy đáng lẽ không nên mách với cô giáo, đáng lẽ cô bé nên bí mật vớt thức ăn mà không để cho Brian biết.

C. Đối thủ truyền kiếp của Amy, Joanna, nói rằng Amy đang ghen tỵ và chỉ muốn tự mình cho rùa ăn.

D. Amy không nhượng bộ – cô bé thấy mình đã làm một việc đúng.

Ai đúng?!

Ồ, dễ thôi, bởi Amy luôn luôn đúng, trong mọi chuyện. (Đừng nghĩ rằng tôi chưa từng đem chuyện này ra để tranh luận với Amy trong đời thực, bởi vì tôi đã làm thế nhiều hơn một lần rồi.)

Những câu trắc nghiệm – được viết bởi hai nhà tâm lý học, những người cũng là cha mẹ giống như các bạn! – có nhiệm vụ phải khơi gợi những tính cách đặc trưng của một đứa trẻ: Đứa con nhỏ bé của bạn có phải là một đứa trẻ hay hờn dỗi, không chịu sửa sai, như Brian? Một người khởi xướng nhu nhược, như Suzy? Một người hay gây chuyện, như Joanna? Hay hoàn hảo, như Amy? Những cuốn sách này đã cực kỳ được ưa chuộng trong tầng lớp trí thức trẻ giàu có đang lên: Chúng là một thứ cẩm nang, một khối rubic đa diện, trong việc nuôi dạy con cái. Nhờ đó gia đình Elliott đã trở nên giàu có. Có thời điểm người ta ước tính rằng mỗi thư viện trong các trường học ở Mỹ đều có một cuốn Amy tuyệt vời.

“Bố có nghĩ chuyện này có thể liên quan tới công việc kinh doanh Amy tuyệt vời không?” Tôi hỏi.

“Có vài người mà bọn ta nghĩ cũng nên kiểm tra xem sao.” Rand nói.

Tôi hắng giọng bật ra một tiếng cười. “Bố có nghĩ Judith Viorst đã bắt cóc Amy vì Alexander không, để anh ta không còn phải chịu Những Ngày Khủng Khiếp, Khó Chịu, Vô Tích Sự và Rất Tồi Tệ nữa?”

Rand và Marybeth đồng loạt quay sang nhìn tôi với vẻ mặt thất vọng xen lẫn ngạc nhiên. Thật trắng trợn và khiếm nhã khi nói ra điều đó – não tôi đã nảy ra những suy nghĩ thật sự không phù hợp vào những thời điểm không hề thích hợp một chút nào. Một thứ xì hơi của sự mất trí mà tôi đã không thể kiềm chế. Giống như mỗi khi gặp cô bạn cảnh sát của mình là tự nhiên tôi lại nhẩm hát trong đầu bài “Bony Moronie”. Cô ấy gầy như một sợi mỳ ống, tâm trí tôi sẽ đánh nhịp khi Thanh tra Rhonda Boney nói với tôi về việc nạo vét con sông để tìm cô vợ mất tích của tôi. Cơ chế tự vệ, tôi tự nói với mình, chỉ là một cơ chế tự vệ kỳ quặc thôi mà. Tôi muốn nó dừng lại ngay.

Tôi xếp chân lại một cách ý tứ, nói chuyện một cách ý tứ, như thể những lời nói của tôi là một đống đồ sứ cao cấp cồng kềnh. “Con xin lỗi, con không hiểu tại sao mình lại nói thế.”

“Tất cả chúng ta đều mệt mỏi mà.” Rand xoa dịu.

“Chúng ta sẽ đề nghị cảnh sát theo dõi Viorst.” Marybeth tuyên bố. “Và cả con khốn Beverly Cleary đó nữa.” Có vẻ giống lời nói đùa hơn là một sự tha thứ.

“Con nghĩ mình nên nói với bố mẹ.” Tôi nói. “Cảnh sát, thực ra cũng là chuyện bình thường trong trường hợp như thế này…”

“Sẽ điều tra người chồng đầu tiên, bố hiểu.” Rand cắt lời. “Bố đã nói với họ là họ đang lãng phí thời gian thôi. Những câu hỏi mà họ đặt ra cho bố mẹ…”

“Chúng khá xúc phạm.” Marybeth tiếp lời.

“Vậy là họ đã nói chuyện với bố mẹ rồi ư? Về con?” Tôi đi về phía quầy bar mini, thong thả rót cho mình một ly rượu gin. Tôi uống liền ba ngụm và lập tức thấy tồi tệ hơn. Dạ dày tôi đang dần đẩy ngược rượu lên thực quản. “Bọn họ đã hỏi những gì vậy ạ?”

“Đã bao giờ con làm Amy bị đau chưa, Amy có bao giờ nhắc đến việc con đe dọa con bé chưa?” Marybeth bực mình nói. “Rồi con có phải là một kẻ lăng nhăng không, đã bao giờ Amy đề cập đến việc con phản bội con bé hay chưa? Bởi vì nghe có vẻ rất giống Amy, đúng không? Ta nói với họ là chúng ta không nuôi dạy một cái thảm chùi chân.”

Rand đặt một bàn tay lên vai tôi. “Nick, điều trước tiên mà chúng ta đáng lẽ nên nói đó là: Chúng ta biết con sẽ không bao giờ làm tổn thương Amy. Ta thậm chí đã nói với cảnh sát, kể cho họ nghe câu chuyện về việc con cứu một con chuột trong ngôi nhà bên bờ biển đó, cứu nó thoát khỏi bẫy.” Ông ấy nhìn sang Marybeth như thể bà ấy không biết câu chuyện đó vậy, và Marybeth buộc phải tập trung sự chú ý. “Mất cả một giờ đồng hồ để cố dồn con chuột vào một góc, và sau đó đúng nghĩa là chở con chuột hoang nhỏ xíu đó ra khỏi thị trấn. Điều này nghe có giống một người chồng sẽ làm đau vợ mình không?”

Tôi bỗng cảm thấy tội lỗi ghê gớm và tự thấy ghê tởm chính mình. Tôi đã thoáng nghĩ trong đầu rằng tôi có thể khóc.

“Chúng ta yêu con, Nick.” Marybeth nhắc lại. “Con là con trai của chúng ta. Chúng ta thấy khó nghĩ khi bên cạnh việc Amy mất tích, con còn phải đối mặt với những chuyện này – những nghi hoặc.”

Tôi không thích cụm từ những nghi hoặc. Tôi thích dùng cụm từ thủ tục điều tra hay quy trình điều tra hơn.

“Họ đã muốn biết về việc con có đặt bàn ở nhà hàng vào đêm đó không.” Marybeth nói với ánh mắt quá mức tự nhiên.

“Đặt bàn?”

“Họ nói con đã nói với họ rằng con đặt bàn ở nhà hàng Houston’s, nhưng họ đã xác minh và không có ai đặt bàn trước cả. Xem ra bọn họ có vẻ quan tâm tới chi tiết đó.”

Tôi không đặt chỗ trước, cũng chẳng chuẩn bị quà tặng. Bởi nếu tôi định giết Amy vào ngày hôm đó, tôi đâu cần phải đặt bàn cho đêm hôm ấy hay chuẩn bị một món quà mà tôi sẽ chẳng bao giờ phải tặng cô ấy cả. Những dấu hiệu quá rõ ràng để nhận biết một kẻ giết người cực kỳ thực dụng.

Tôi thực dụng vô cùng – lẽ dĩ nhiên bạn bè của tôi có thể nói với cảnh sát về điều đó.

“À, vâng. Con chưa từng đặt bàn trước. Bọn họ hẳn đã hiểu lầm con. Con sẽ nói lại với họ.”

Tôi ngồi thụp xuống chiếc trường kỷ đối diện với Marybeth. Tôi không muốn Rand lại chạm vào mình.

“Ồ, được rồi. Tốt.” Marybeth nói. “Con bé có, ừm, năm nay con có nhận được câu đố nào cho trò săn tìm kho báu không?” Đôi mắt bà ấy lại rưng rưng. “Trước đây…”

“Vâng, hôm nay họ đã đưa cho con câu đố đầu tiên. Gilpin và con đã tìm thấy câu đố thứ hai trong văn phòng của con ở trường cao đẳng. Con vẫn đang cố giải nghĩa nó.”

“Chúng ta có thể xem được không?” Mẹ vợ tôi ngỏ ý.

“Con không mang theo nó ở đây mẹ ạ.” Tôi nói dối.

“Con sẽ… con sẽ cố giải nó chứ, Nick?” Marybeth hỏi.

“Tất nhiên rồi, Marybeth. Con sẽ cố.”

“Mẹ chỉ ghét ý nghĩ rằng những thứ mà con bé đã từng gắn bó, giờ chúng nằm ở đó, tất cả đều trơ trọi…”

Điện thoại của tôi đổ chuông, chiếc điện thoại có thẻ dùng một lần. Tôi liếc nhìn màn hình hiển thị, rồi tắt máy. Tôi cần phải gạt bỏ chuyện này, nhưng tôi vẫn không thể.

“Con nên nhận mọi cuộc gọi, Nick.” Marybeth nói.

“Con biết cuộc gọi này – chỉ là một quỹ của cựu sinh viên ở trường con đang tìm nguồn hỗ trợ thôi.”

Rand ngồi xuống chiếc trường kỷ bên cạnh tôi. Chiếc đệm cổ bị sử dụng quá mức đã lún xuống thêm vì sức nặng của chúng tôi, nên cả hai bị đẩy ngồi lại gần nhau, cánh tay chạm vào nhau, nhưng điều đó với Rand có vẻ vẫn ổn. Ông ấy thuộc tuýp người sẽ tuyên bố Tôi là người hay ôm khi ông ấy thấy ai đó mà không cần hỏi xem cảm giác của người kia thế nào.

Marybeth quay trở lại chủ đề kinh doanh: “Bố mẹ thực sự nghĩ rằng có khả năng một kẻ bị ám ảnh bởi Amy đã bắt cóc con bé.” Bà ấy quay sang tôi nói như thể đang biện hộ cho một vụ án. “Chúng ta đã luôn gặp những kẻ như thế từ bao năm nay rồi còn gì.”

Amy đã từng thích thú tập hợp chuyện về những người đàn ông bị ám ảnh bởi cô ấy. Cô ấy mô tả những kẻ bám đuôi mình vào những thời điểm khác nhau trong cuộc hôn nhân của chúng tôi bằng giọng nói nhỏ nhẹ trong lúc thưởng thức những ly rượu vang – những gã đàn ông đó vẫn đang ở ngoài kia, luôn nghĩ về cô ấy và thèm khát cô ấy. Tôi nghi ngờ những câu chuyện đó đã bị thổi phồng: Những gã đàn ông này luôn được cho là nguy hiểm tới một mức độ rất chính xác – đủ để khiến tôi lo lắng nhưng chưa đủ để chúng tôi phải nhờ cậy cảnh sát. Nói tóm lại, đó là thế giới tuồng kịch mà tôi có thể đã sắm vai một người hùng với bộ ngực nở nang để bảo vệ Amy vì lòng tôn nghiêm của cô ấy. Amy quá tự lập, quá hiện đại để có thể chấp nhận một sự thật: Cô ấy muốn diễn vở kịch giữ gìn tiết hạnh.

“Mới gần đây hả mẹ?”

“Không phải mới gần đây đâu.” Marybeth vừa nói vừa cắn môi. “Nhưng có một con bé mất trí ở trường trung học.”

“Mất trí như thế nào ạ?”

“Con bé bị ám ảnh bởi Amy. Ồ, đúng hơn là với Amy tuyệt vời. Tên con bé đó là Hilary Handy – con bé biến mình thành Suzy, bạn thân của Amy trong sách. Ban đầu thì nó khá dễ thương, mẹ nghĩ vậy. Và rồi có vẻ như thế vẫn chưa đủ – con bé đó muốn làm Amy tuyệt vời chứ không phải chỉ là Suzy, một người bạn tri kỷ nữa. Vì thế con bé bắt đầu bắt chước Amy của chúng ta. Con bé mặc giống Amy, nhuộm tóc vàng rồi lảng vảng bên ngoài ngôi nhà của chúng ta ở New York. Một lần mẹ đi xuống phố thì con bé chạy đến bên, cái đứa con gái kỳ lạ đó, khoác tay mẹ và nói: “Từ giờ con sẽ là con gái mẹ. Con sẽ giết Amy và sẽ là Amy mới của mẹ. Vì điều đó với mẹ chắc không thành vấn đề gì, phải không mẹ? Chỉ cần mẹ vẫn có một Amy là được.” Cứ như thể đứa con gái của bố mẹ chỉ là một nhân vật hư cấu mà con bé đó có thể viết lại vậy.”

“Cuối cùng bọn ta đã phải yêu cầu cách ly vì nó đã đẩy Amy ngã xuống từ cầu thang ở trường học.” Rand kể. “Đúng là một con bé mất trí. Kiểu người tâm thần như thế không bao giờ hết cả.”

“Rồi sau đó là Desi.” Marybeth nói.

“Đúng, cả Desi nữa.” Rand nói thêm.

Tôi cũng biết Desi. Amy theo học một trường nội trú ở Massachusetts có tên là Học viện Wickshire – tôi đã xem các bức ảnh chụp Amy mặc những chiếc váy thể thao khác nhau với dải băng buộc đầu, nền ảnh luôn là khung cảnh mùa thu, như thể ngôi trường đó không phải được đặt trong một thị trấn mà đặt trong bối cảnh chỉ một tháng vậy. Tháng Mười. Desi Collings theo học trường nội trú dành cho nam sinh, hoạt động song song với Wickshire. Trong những câu chuyện của Amy, anh ta là một kẻ nhạt nhẽo, đúng kiểu hình tượng lãng mạn, và thời gian tìm hiểu của cả hai về cơ bản chỉ xoay quanh các hoạt động của trường nội trú: những trận bóng bầu dục giữa tiết trời giá lạnh và những điệu nhảy nóng bỏng, những đóa hoa tử đinh hương cài trên ngực áo và những lần dạo chơi trên chiếc Jaguar cổ điển. Tất cả đều mang hơi hướng của những năm giữa thế kỷ hai mươi.

Amy đã hẹn hò với Desi, khá nghiêm túc, trong vòng một năm. Nhưng cô ấy bắt đầu phát hiện ra anh ta thật đáng sợ: Desi nói chuyện cứ như thể họ đã đính hôn, anh ta xác định sẵn số lượng và giới tính những đứa con của họ. Họ dự định sẽ có bốn đứa con, tất cả đều là con trai. Việc đó có vẻ rất đáng ngờ như chính gia đình của Desi vậy. Và khi anh ta đưa mẹ đến gặp cô ấy, Amy cảm thấy buồn nôn trước sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa cô ấy và bà Collings. Người phụ nữ lớn tuổi đó đã hôn vào má cô ấy một cách lạnh lùng và điềm tĩnh thì thầm: “Chúc may mắn.” Amy đã không thể phân định được đó là một sự cảnh báo hay một lời đe dọa.

Sau khi Amy chia tay Desi, anh ta vẫn lảng vảng ở khu ký túc xá trường Wickshire như một bóng ma trong chiếc áo khoác giả vest tối màu, tựa mình bên những cây sồi mùa đông trụi lá ảm đạm. Một đêm tháng Hai, khi Amy trở về phòng từ lớp khiêu vũ thì phát hiện ra anh ta đang ở trên giường cô, khỏa thân, nằm trên đám chăn gối, chếnh choáng vì uống thuốc quá liều. Không lâu sau đó, Desi rời khỏi trường.

Nhưng anh ta vẫn gọi điện cho cô ấy, thậm chí đến tận bây giờ, và mỗi năm lại vài lần gửi những phong thư dày đến mức Amy không thèm đọc chúng và vứt ngay sau khi cho tôi xem. Chúng được đóng dấu bưu điện của St. Louis, nơi chỉ cách chỗ ở của chúng tôi bốn mươi phút chạy xe. “Chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên kinh khủng và đáng thương.” Cô ấy đã nói với tôi như vậy. Mối liên quan tới St. Louis của Desi xuất phát từ gia đình bên ngoại của anh ta. Amy chỉ biết có chừng ấy nhưng cũng chẳng muốn biết thêm. Tôi đã nhặt lại một bức thư từ trong thùng rác, còn dính đầy nước sốt mỳ Ý, để đọc và nó hoàn toàn vô vị: những câu chuyện về tennis, về du lịch và những thứ khác tương tự thế. Một loại người khúm núm. Tôi cố hình dung gã công tử bột yếu ớt này, một kẻ với chiếc nơ đeo trên cổ, mang cặp kính gọng sừng, lẻn vào nhà tôi và tóm lấy Amy bằng những ngón tay mềm mại đã được chăm sóc móng của mình, rồi sau đấy ném cô ấy vào chiếc xe mui trần hai chỗ cổ điển và đưa cô ấy đi… mua sắm ở Vermont. Desi. Ai có thể tin được đó là Desi chứ?

“Quả thực là Desi sống không xa đây lắm.” Tôi nói. “Ở St. Louis thôi.”

“Đấy, thấy không?” Rand nói. “Tại sao cảnh sát vẫn chưa tính đến chuyện này nhỉ?”

“Ai đó sẽ phải làm thế.” Tôi nói. “Con sẽ đi. Sau cuộc tìm kiếm ở đây ngày mai.”

“Cảnh sát chắc chắn sẽ nghĩ sự việc xảy ra… ở gần nhà.” Marybeth nói. Bà ấy nhìn tôi một lúc lâu, rồi rùng mình, như thể đang xua đi một suy nghĩ nào đó.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.