– Rồi đó ! Mình đã làm hết sức rồi đó ! Thử một lần nữa coi ! Phen này mà không nổ được là thôi ạ, mình cũng xin hàng luôn ! Cả cái xuồng này đem mà bán lạc soong cho rồi !
Vừa ấn ngón tay vào nút nổ máy, một tràng tiếng phình phịch đã nổi lên đều đều, y như là bộ máy chưa hề bị liệt bao giờ.
– Ha ! Ha ! Kỳ không !
Bao nhiêu mệt nhọc tiêu hết trong nháy mắt, Ái Lan ngước nhìn lên bờ, hy vọng. Bóng tối đã từng quãng một, đè trùm xuống các lùm cây ; đêm sập xuống. Ái Lan tự nhủ, miệng chép chép tiếc rẻ :
– Trễ rồi ! Không thể đi thám thính ngôi biệt thự ngay hôm nay được ! Chỉ còn đủ thì giờ lái xuồng vào bờ, nếu không bộ máy lại giở chứng “ho” lên và ì ra thì nguy lắm.
Ba phút sau, mũi xuồng đã đụng bờ đất. Neo xuồng chắc chắn và trao chìa khóa cho bác Cai Sĩ xong, mới đi được một quãng ngắn hướng về trại hè, đã nghe tiếng Diễm Anh cùng các bạn gọi tên em rối rít.
Vừa giáp mặt nhau, Diễm Anh đã láu táu :
– Trời ơi ! Mệt ơi là mệt ! Ái Lan vậy mà khôn ghê ! Ở lì trại lại hóa hay đó ! Chẳng được cái măng nào mà lại bị gai cứa quá trời đi !…
Đang liến láu, nhỏ Anh đột nhiên ngưng bặt, giương mắt ngó em không chớp :
– Úi cha ! Đi đâu về mà mặt mũi đỏ tía và tèm lem đầy nhọ khói đen thui vậy ?
Ái Lan bật cười vui :
– Mình vừa mới đi tắm nắng một chầu về đó. Gớm ! Cái xuồng máy của bác Cai Sĩ tốt thật ! Nhưng tụi các bồ có thể yên trí được rồi. Ái Lan phải loay hoay với nó suốt tám tiếng đồng hồ để chữa bệnh đó !
Diễm Anh đớ người :
– Sao ? Ái Lan loay hoay với cái xuồng liệt máy suốt tám tiếng đồng hồ trên mặt hồ La Ngà ?
– Đúng thế ! Thôi ình đáng kiếp ! Ai bảo không đi đào măng cùng tụi Diễm Anh ?
Ái Lan ngoài mặt cố gắng coi thường chuyện không may vừa xảy ra vì cái xuồng máy, nhưng ngấm ngầm, em vô cùng tiếc rẽ cả một ngày trời uổng phí vô ích. Liệu có hy vọng gì mò tới để thám thính tòa biệt thự của ông Phàm được chăng ? Giây phút hiện tại thì mọi sự đều có vẻ trở ngại cho việc làm của em hết cả…
Vừa bước vào cửa lều vải, Diễm Anh đã la lên :
– Ủa, làm cái gì vậy, Ái Lan ? Định bỏ về Đà Lạt hay sao vậy ?
Rồi em giương mắt nhìn bạn đang thu dọn, gấp mấy cái áo quần vào chiếc sắc vải ! Ái Lan giọng nói buồn buồn :
– Tiếc lắm, Diễm Anh ! Nhưng bắt buộc mình phải về ngay chiều nay !
– Cái gì ? Ái Lan mới ở với tụi mình được có ba ngày à ! Hay có cái gì làm Ái Lan không bằng lòng ?
Ái Lan vội vã tiếp lời bạn :
– Đừng nói vậy, Diễm Anh ! Ở trại mình thích lắm muốn ở tới ngày cuối cùng. Như hiện còn bận làm việc này quan trọng lắm và có một điểm rất gấp cần phải thực hiện ngay. Mong Diễm Anh và các bạn hiểu ình, nghe !
Diễm Anh :
– Chậm vài ngày không được sao ?
– Đâu được ! Bữa nay mà mình còn trễ rồi đó !
– Vậy thì cố nán lại cho hết ngày mai vậy, Ái Lan ! Ngày mai, đội nữ cầu thủ bóng chuyền ở trại Bồng Lai lên đấu với tụi mình. Ái Lan không dự thì thua đứt đuôi rồi còn gì !
– Biết rồi, tiếc ghê lắm ! Nhưng cũng đành vậy chứ biết làm sao ! Mình cũng buồn quá đi, Diễm Anh à !
Cô bạn vẫn nhì nhằng :
– Kỳ ghê ! Hôm qua đây mình có thấy Ái Lan đả động gì đến chuyện hôm nay về Đà Lạt đâu ? Hay là cái việc xuồng liệt máy để Ái Lan bị kẹt giữa hồ suốt ngày trời làm Ái Lan tức mình ?
Em cười phá lên và vội vã nói đùa để Diễm Anh khỏi hiểu lầm nhưng nhất định không để lộ một chút gì lý do thầm kín của việc ra đi vội vã. Và em thấy rõ là cứ mải vui nấn ná ở đây với các bạn thì khó lòng mà lẻn đến khu biệt thự nhà ông Phàm được. Để lộ ra, các bạn xúm lại hỏi, sẽ phải giải thích lôi thôi, công việc ắt sẽ bể vỡ tùm lum ra. Mà ý Ái Lan, em cương quyết giữ chúc thư của cụ Doanh hoàn toàn bí mật.
Diễm Anh dỗ ngọt không được quay ra trêu chọc Ái Lan, nào là sợ chơi bóng chuyền thua đội Bồng Lai, sợ bơi thi “vác đèn đỏ” v.v… Ái Lan vẫn trơ như đá vững như đồng.
Sau bữa cơm trưa, Ái Lan tới lều bà Trưởng trại xin phép, đoạn quay về lều, khoát túi vải lên vai, giơ tay từ giã Diễm Anh cùng các bạn. Ai nấy mặt buồn hiu giơ tay ngoắc và đưa tia mắt nhìn theo bước chân Ái Lan đang thoăn thoắt bước ra phía cổng trại chỗ để xe vespa.
Em thầm thì tự nhủ :
– Rồi ! Bây giờ mình chỉ việc tìm đường mò tới biệt thự ông Phàm.