Nhớ lại lúc ăn cơm tối hôm qua, Ái Lan đã có ý hỏi thăm Diễm Anh về con đường dẫn tới biệt thự, nhưng bạn em cũng chỉ biết lơ mơ không có gì rõ rệt đích xác cả. Ái Lan chỉ còn cách là trông nhờ vào chính mình. Chiếc vespa bóng loáng nhẹ bon trên con đường nhựa dẫn xuống Liên Khương. Ba phút sau, Ái Lan đã rẽ vào một con lộ đất đỏ ở phía tay trái hy vọng đúng là con đường chạy vòng quanh bờ La Ngà. Xe mới tiến sâu vào chừng một trăm thước, Ái Lan vui mừng hết sức vì tin rằng đã đi đúng đường. Diễm Anh đã chẳng cho biết con lộ dẫn vào khu nhiều biệt thự đó xe hơi có thể chạy được đó sao. Và đường rất xấu ! Quả có thế ! Mặt đường lồi lõm, sỏi đá lổn ngổn, ổ gà rải rác khắp cùng.
Ái Lan cho xe chạy chầm chậm, trong lòng lo ngay ngáy chỉ ngại gặp một chiếc xe hơi nào chạy ngược chiều, vì mặt lộ rộng không đầy bốn thước. Việc lái xe lại còn khó khăn hơn nữa : hai lỗ trũng to tướng cách nhau không đầy một thước. Bùn đất còn ướt nhẹp, khiến Ái Lan có thể đoán là một chiếc xe vận tải nặng mới chạy qua đây. Và em ngạc nhiên tự hỏi :
– Quái ! Loại xe hạng nặng này chạy vào đây làm gì vậy không biết ? Và chạy đi đâu chứ ? Bùn đất còn mới tinh à !
Chưa kịp trả lời, trước mắt Ái Lan đã hiện ra mấy tòa biệt thự thấp thoáng sau những lùm cây xanh cao rậm lá. Tất cả đều đóng cửa im ỉm. Chiếc vespa vẫn êm êm lăn bánh đưa em tới một cánh rừng thưa, lau sậy non nớt xen lẫn cỏ voi chỉ cao tới quá đầu gối mọc lan mãi ra tận mép hồ. Phía cuối khoảnh rừng thưa này là ngôi biệt thự của ông Phàm, cao sừng sững đằng sau một vòng rào dâm bụt hoa đỏ chót.
Ái Lan lẩm bẩm.
– Lạy trời cho anh gác có ở đây ! Mò được tới nơi rồi mà không vô được để thăm thú, “đi câu xách giỏ về không” là một điều tai hại lắm đây.
Ái Lan đậu vespa bên lề đường và sững sốt ngạc nhiên khi nhận ra là vết bánh xe vận tải chỉ đến quãng này là hết. Có vẻ như chiếc cam nhông nào đó đã băng qua khu bãi rừng cỏ thấp, đi vào biệt thự của ông Phàm. Ái Lan bỏ xe, rảo bước theo vết xe hơi in rõ trên mặt đất, đi tới một cây cột sơn trắng chắn ngang cửa vườn. Ngôi biệt thự đồ sộ của nhà ông Phàm sửng sững ngay trước mắt. Bỗng Ái Lan suýt kêu lên một tiếng to. Quang cảnh hiện ra như trong một cơn ác mộng. Một quang cảnh vô cùng hỗn độn, cửa cái, cửa sổ chạy suốt dọc hàng ba mở toang hoác. Giữa thảm cỏ, một cái ghế bành nệm da nằm chổng bốn vó lên trời, rải rác chung quanh đủ thứ đồ lặt vặt : hộc bàn, ghế đẩu, bàn đêm, chăn dạ, chăn len, gối nệm nằm la liệt. Cỏ xanh bị dẫm nát, mang đầy những vết cầy xới kéo dài, lộn tung đất ẩm.
Vừa nhẹ bước tiến vào, Ái Lan vừa lẩm bẩm :
– Quái thật ! Sao lại lạ thế này ?
Cúi sát xuống nhìn kỹ mặt đất, Ái Lan nhận ra ngay những vết giầy. Và những vết cầy xới kéo dài trên mặt cỏ đúng là do những đồ đạc bằng gỗ bị kéo lết để lại.
– Vậy đúng rồi ! Đúng là cái xe vận tải hạng nặng đã vào đây để dọn đồ rồi ! Vết tích trên mặt đất hãy còn mới lắm, cách đây mới chừng non một tiếng đồng hồ à !
Ái Lan nhẹ bước tiến lại gần tòa biệt thự. Vắng hoe không một bóng người. Cả gác dan người Thượng tên là Y-Ba cũng không thấy mặt. Em đánh bạo lên mấy bậc thềm, đưa tay ấn nút chuông điện. Không một tiếng trả lời. Sẵn cửa mở, Ái Lan bước vào đi qua gian tiền sảnh. Gặp một cánh cửa khép hờ, em đưa tay đẩy ra. Cánh cửa bật mở. Chân mới đặt trên ngưỡng cửa Ái Lan ngây người sửng sốt :
– Kỳ quái thật ! Sao lại thế này ?
Gian phòng khách rộng mênh mông trống rỗng. Bàn ghế, sa lông, bình phong, đôn sứ, màn gió… Ngay cả tấm trải sàn nhà cũng biệt tăm. Lượn hết phòng khách, Ái Lan quay ra đi một vòng trong ngôi biệt thự rộng lớn. em nhận thấy rõ rệt phòng nào phòng nấy trống trơn trừ một gian phòng, đồ đạc vẫn y nguyên, nhưng tấm thảm cũng đã bị cuộn tròn lại, buộc dây chặt chẽ, sẵn sàng để khiêng đi.
Ái Lan bâng khuâng tự hỏi : “Sao có vẻ như một vụ dọn đồ lén lút quá ?”. Hay nói cho đúng hơn : “Một vụ cướp táo bạo mà các nhật báo ít lâu nay vẫn thường đăng tải, luôn luôn xảy ra tại những biệt thự nghỉ lẻ ở những nơi hẻo lánh gần đồi núi hay bãi biển”.
– Thế anh gác dan Y-Ba đâu mới được chứ ?
Và em liên tưởng ngay đến số đồ trần thiết rực rỡ đắt tiền ở biệt thự này chắc cũng phải gần như là ở dinh cơ của chủ nhân đường Phan Đình Phùng Đà Lạt. Và tụi cướp quả đã vớ được một món bở.
Đột nhiên Ái Lan cảm thấy tim em nhói mạnh một cái :
– Nguy tai ! Nếu vậy thì chắc bọn bất lương này cũng đã nẫng luôn cái đồng hồ của cụ Doanh rồi ! Hừ ! Thế là hết ! Bao công lao vất vả của mình biến thành nước lã đổ ra sông hết !
Một lần nữa, Ái Lan lại thấy tuyệt vọng đúng giây phút đinh ninh là đã đi tới đích. Nhưng chỉ một thoáng sau, tuổi trẻ hăng hái lại khiến em hy vọng :
– Ừ biết đâu ! Bọn gian phi bị lóa mắt vì những món đồ quý giá lồ lộ trước mắt mà để bỏ xót lại chiếc đồng hồ cũ kỹ không đáng gì, đem đi chỉ tổ mất công ?
Dứt ý nghĩ, Ái Lan hăm hở chạy đi lục soát mọi xó xỉnh góc kẹt, mở mấy chiếc tủ còn sót lại, gầm cầu thang… Vô ích, chiếc đồng hồ vẫn biệt tăm.
Sau rốt em tiến vào căn phòng mà tụi cướp chưa động đến.
– Kỳ thật ! Sao tụi này lại chưa đụng tới món gì trong cái phòng này ? Đồ đạc trong này đâu có phải kém giá trị ? Ờ, mà sao tấm thảm này tụi chúng còn cột để đây làm gì mà chưa đem đi chứ ! Hay là tụi họ khiêng đồ, nghe tiếng bước chân mình đi tới, vội bỏ đi ẩn nấp ? Một điều lạ nữa là sao không thấy bóng dáng chiếc xe vận tải của chúng đâu hết kìa ?