Học Cách Yêu Thương Một Người

Chương 31



Từ lúc Hân thừa nhận thích hắn, tôi càng lúc càng trở nên ngớ ngẩn, suy nghĩ và hành động có chút quái đản, thậm chí chính tôi cũng không hiểu mình đang làm gì và nghĩ gì nữa.

Tôi trở thành một đứa rỗi hơi, chú ý đến từng hành động, cử chỉ của hai người họ, bận rộn với việc suy đoán này nọ và buồn phiền vì những chuyện không đâu. Khi hắn gọi Hân, khi hắn xem phim cùng Hân, khi hắn trêu đùa Hân hay cái cách hắn dịu dàng như một con mèo khi ở bên cạnh Hân, tất cả đều khiến tôi khó chịu đến phát điên, tâm tình trở nên xấu tệ hại, thậm chí anh Tùng còn phải gọi tôi ra một chỗ và hỏi: “Đau bụng lắm à, có cần anh mua thuốc cho không?”

Tôi đã suýt bật khóc trước sự tâm lí không phải lúc của anh ấy!

Cứ thế tôi sống với tâm trạng buồn chán suốt mấy ngày cho đến khi cô Xuân trả bài kiểm tra Văn cuối kì. Nhìn con tám rõ to, rõ đẹp xuất hiện trong ô điểm, phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được mình không hét toáng lên giữa lớp.

Mặc kệ những ánh mắt nghi ngờ xung quanh, cùng những câu hỏi thăm sặc mùi đâm thọt của lũ bạn, tôi chỉ chăm chăm ôm bài thi trong tay, nghĩ đến số tiền tiêu vặt sắp được nhận là lại không nhịn được, bật cười ngây ngô.

Mang theo niềm vui rạo rực vì sắp có tiền ăn quà, trống vừa hết giờ, tôi đã vội vàng bàn giao Hân cho đứa bạn trong đội văn nghệ của nó rồi hùng hục đạp xe về nhà, cứ nghĩ đến khuôn mặt kinh ngạc của anh Tùng và hắn, là tôi lại thấy rạo rực hết cả người.

– Em về rồi đây!

Tôi đẩy cổng, dắt xe vào nhà rồi vui vẻ gào tướng lên, hình như anh Tùng đã về rồi. Cánh cổng vừa mở ra, tôi đã thấy hắn lù lù xuất hiện ở trong sân, đang ngồi nhổ lông chó. Thấy tôi đi vào, hắn không những không dừng hành động “dã man tàn bạo” đối với con Rô lại mà còn khẽ nhếch môi, buông lời đâm thọt tôi:

– Con gái con đứa, gào như trâu rống, đến chó cũng không chịu được, đang sùi bọt mép đây này. – Nói rồi hắn chỉ vào con Rô đang nằm thoi thóp trên sân.

Tôi tức tối nghiến răng, dựng xe xuống rồi lao đến chỉ trích hắn:

– Sao anh lại nhổ lông con Rô nhà em, nó mà bị hói đầu anh có đền được không?

– Anh đang làm đẹp cho nó mà, mấy cái lông nâu nâu này nhổ đi cho đỡ lạc màu. – Hắn thản nhiên đáp, cúi xuống xoa xoa đầu con Rô đang rơm rớm nước mắt vì bị nhổ lông một cách vô tội vạ rồi lại ngẩng đầu lên, lơ đãng hỏi tôi. – Hôm nay em bắt được tiền à, còn có tâm trạng đấu khẩu với anh nữa.

– Hôm nào em chả cãi nhau với anh. – Tôi bĩu môi, vui vẻ đáp.

– Ai bảo thế, mấy hôm nay… em còn chẳng thèm nói chuyện với anh. – Hắn khẽ nhếch môi, nhàn nhạt đáp.

Tôi nhìn vẻ mặt giận dỗi của hắn, cười tủm tỉm rồi lôi từ trong cặp ra bài kiểm tra Văn cuối kì, chìa trước mặt hắn, hắng giọng nói:

– Anh xem đi.

– Gì đây?

Hắn hỏi rồi cầm lấy bài kiểm tra của tôi, giây phút nhìn thấy điểm tám trong ô điểm, hắn khẽ bật cười, khuôn mặt như sáng bừng lên, má lúm đồng tiền thấp thoáng bên má. Nhưng chỉ vài giây sau, hắn lấy lại vẻ lạnh nhạt ban đầu, cất giọng kẻ cả:

– Hừm, cũng may em không làm xấu mặt anh.

– Thế nào, anh định thưởng cho em cái gì đây? – Tôi mím môi cười.

– Gì? Em mới phải là người hậu tạ chứ, em quên ai đã không ngại mưa gió, bão bùng dạy Văn cho em rồi à?

– Trò giỏi thì thầy phải thưởng chứ, nếu em không cố gắng thì làm sao được thế này, đến lúc ấy bị điểm kém, xấu mặt anh còn gì.

– Ừm… cũng có lí. – Hắn ngẫm nghĩ một lát rồi gật gật đầu, thoải mái vươn tay ra vỗ vỗ đầu tôi, tủm tỉm hỏi. – Được rồi, em muốn thưởng cái gì, nói đi.

– Cúc áo… – Tôi buột miệng, nói xong chỉ muốn vả vào mồm mình một cái, giấc mơ hôm trước đã khiến tôi bị ám ảnh mất rồi.

– Cái gì? Cúc áo á? – Hắn khẽ nhíu mày, khuôn mặt lộ ra vẻ khó hiểu.

– À… à không, em nói là bát sen, em muốn ăn bát sen. – Tôi vội xua xua tay, cười lấp liếm.

– Bát sen á? Em định chơi khó anh à? Cái này ở đâu bán bây giờ?

Nhìn bộ dạng vò đầu bứt tai của hắn, tôi khẽ cười thầm, hiếm có cơ hội làm khó được hắn, tôi không bỏ qua, kéo áo hắn dùng dằng:

– Có cái bát sen mà cũng khó, em không biết, anh đã đồng ý rồi thì phải làm đi, đàn ông con trai hơn nhau ở chỗ nói được làm được đấy.

– Không thoả hiệp được à? – Hắn nhăn nhó hỏi.

– Em muốn ăn bát sen.

– Nhưng quanh đây làm gì có chỗ nào bán?

– Trước trường mình có một cái ao sen, trong cái ao sen đấy có cái bát sen to lắm… – Tôi nói lấp lửng rồi mỉm cười rõ tươi.

– Em… – Hắn nghiến răng nghiến lợi, trừng mắt nhìn tôi, nắm chặt hai tay lại rồi tức tối đút vào túi quần, cố ngăn bản thân không vươn hai tay lên bóp chết tôi. Nhìn vẻ mặt nhăn nhó như bị táo bón của hắn, tôi khẽ mím môi cười thầm, thấy hả lòng hả dạ vô cùng.

Vì sự cố chấp của tôi mà sẩm tối hôm đó, hắn phải lọ mọ lai tôi ra trường để rồi trong lúc tôi ngồi thu lu một chỗ nhìn thì hắn xắn quần, lội xuống ao để trộm bát sen. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu như con chó mực của bác bảo vệ không phát hiện ra và nhảy xổ đến khiến hắn phải bỏ của chạy lấy người, ném luôn đôi dép thím Tư vừa mới mua cho ở lại ao sen rồi kéo tay tôi chạy như điên.

Ôm cái bát sen vừa trộm được trong tay, nhìn khuôn mặt xanh mét như tàu lá chuối của hắn, tôi cười đến không nhặt được mồm, cảm thấy bao chán nản, buồn bã tích tụ trong mấy ngày hôm nay đều bay biến không chút dấu vết. Rất nhiều năm sau đó, tôi vẫn không quên được hương vị của những hạt sen vừa ngọt vừa chát của ngày hôm ấy!

Tâm trạng vui vẻ đó của tôi chẳng kéo dài được đến ngày hôm sau khi mà trời nóng thì ngày càng nóng và tiết năm vừa đói vừa mệt lại là tiết Lý.

Đầu giờ, thầy Thăng bước vào lớp, nhìn lũ học sinh lười nhác nằm vạ vật trên bàn, thầy khẽ lắc đầu, mặt nhăn như quả mướp đắng.

– Cái lớp này…

Thầy bực bội lẩm bẩm, với tay bật quạt ở bàn giáo viên nhưng do giật quá mạnh, dây đứt, quạt im lìm. Chúng tôi ngồi ở bên dưới, lặng lẽ hít vào rồi lại thở ra, linh tính mách bảo điều không hay sắp xảy đến.

Đúng như dự đoán, một giây sau, thầy Thăng mở cặp, nghiến răng nghiến lợi lôi một tập đề dài và dày đặc chữ ra, đập cái “phạch” xuống bàn. Quả nhiên, nắng nóng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tình của con người!

30 phút của tiết học đã trôi qua trong đau khổ, cuối cùng thầy Thăng cũng nổi lòng từ bi, gõ gõ thước xuống bàn, hắng giọng nói:

– Được rồi, dừng tại đây thôi. Bây giờ chúng ta vào việc khác.

Vừa nghe nhắc đến việc dừng học, đứa nào đứa nấy sướng như điên, vội vội vàng vàng gập sách vở lại, nhấp nhổm trên ghế chờ đợi lệnh cho nghỉ, đại não dường như chỉ tiếp nhận câu thứ nhất của thầy Thăng còn câu thứ hai thì hoàn toàn ném ra khỏi tai.

Thầy Thăng nhìn lũ học trò lười học ham chơi của mình, khẽ lắc đầu cất cao giọng:

– Cả lớp trật tự, tôi có chuyện quan trọng muốn thông báo đây.

– Chuyện gì hả thầy? – Phía dưới lớp lại nhao nhao lên, mỗi đứa một miệng, thành công biến lớp học thành cái chợ.

– Trật tự mới nói được chứ… mấy cô cậu này ngồi xuống, tí rồi về, đi đâu mà vội. Cậu Thành, cậu có thích tôi cho cậu xuống góc lớp nói chuyện không? Còn cậu Tú, cái Iphone Tàu của cậu có gì hay ho mà cậu khoe ra suốt thế?… – Sau khi đã chấn chỉnh cả lớp một lượt, thầy Thăng chắp hai tay ra đằng sau, đứng trước lớp hắng giọng nói. – Là thế này, trường mình năm nay có cuộc thi “tiếng hát tuổi hồng”, mỗi lớp phải có một tiết mục dự thi. Vậy thì… lớp ta tính thế nào đây?

Không gian trở nên im ắng, đứa nào đứa nấy ngồi thu lu một chỗ, mắc liếc ra bên ngoài, từ lâu văn nghệ đã trở thành chuyên mục bị ghẻ lạnh ở lớp tôi.

– Hừm, không ai có ý kiến gì à? – Thầy Thăng kiên nhẫn hỏi, nhìn chúng tôi một lượt rồi khẽ thở dài, than thở. – Tôi biết lớp chúng ta là lớp tự nhiên, không giỏi về các vấn đề văn hoá văn nghệ nhưng ít nhất cũng phải có tiết mục tham gia chứ! Linh, em có đề xuất gì không, hôm tổng kết học kì I, là em lên hát đúng không?

Thầy Thăng đột ngột hỏi khiến nhỏ Linh lớp trưởng giật mình, vội vã đứng dậy:

– Dạ… thưa thầy, theo em nghĩ nếu chỉ hát không như hồi kì I thì đơn điệu quá, thay vào đó ta nên cử thêm hai bạn nhảy phụ hoạ theo lời bài hát, như thế tiết mục sẽ sinh động hơn.

– Ừm, không tồi. Lớp mình có bạn nào biết nhảy múa không? – Thầy Thăng vui vẻ hỏi rồi quét mắt nhìn quanh lớp khiến đứa nào đứa nấy run như cầy sấy.

– Theo em thấy thì không, thưa thầy. – Nhỏ Linh chán nản lắc đầu, quay xuống nhìn cả lớp một lượt rồi nói tiếp. – Vì thế thầy cứ… tuỳ tiện chọn hai bạn trong danh sách lớp là được ạ!

– Như thế có ổn không?

– Không sao đâu thầy, cái này dễ lắm, chẳng cần năng khiếu vẫn tập được. – Nhỏ Linh tủm tỉm nói.

Thầy Thăng gật gù rồi lôi tờ danh sách lớp từ trong cặp ra, nhìn một lượt từ trên xuống dưới. Không khí trong lớp thoắt cái trở nên lạnh lẽo, những tiếng hít vào mãnh liệt đồng loạt vang lên, đứa nào đứa nấy người cứng đờ, mặt cắt không còn giọt máu, con ngươi đảo theo từng cử động của thầy Thăng. Thậm chí tôi còn thấy thằng Hiệp đang chắp tay lầm rầm cầu khấn.

Trong bầu không khí khủng bố đó, trước ánh mắt sửng sốt và sung sướng của tất cả mọi người, tôi từ từ đứng dậy rồi… dõng dạc hô lên:

– Em thưa thầy cho em ra ngoài.

– Sắp hết giờ rồi còn ra ngoài làm gì? – Nụ cười vừa nở trên môi thầy Thăng tắt ngúm.

– Nhưng em… em…

Tôi hơi cúi người, nhăn nhó kêu lên, khuôn mặt lộ ra vẻ khổ sở. Dù không hài lòng nhưng nhìn vẻ mặt tái mét của tôi, thầy Thăng đành xua xua tay, hất đầu ra cửa:

– Thôi được rồi, ra đi.

Chỉ chờ có thế, tôi vội vàng phóng vọt ra ngoài, trong lòng âm thầm gào lên sung sướng. Thành công thoát khỏi lớp học khủng bố, tôi thảnh thơi dạo chơi trên sân trường, vừa nhìn đồng hồ vừa huýt sáo vui vẻ, tiết học còn có 10 phút nữa, cứ ở ngoài này chơi tí đã, đợi gần hết giờ rồi vào, thế là thoát nạn. Tôi nghĩ rồi ngửa cổ lên trời cười khằng khặc, càng nghĩ càng thấy phục mình.

Khi tôi thơ thẩn đi đến nhà xe thì chợt bắt gặp thằng Cương đang ngồi xổm trên bồn cây, chơi điện tử. Thấy tôi, nó vẫy vẫy tay cười toe toét.

– Sao mày lại ở đây? – Tôi đi đến, trợn mắt lên nhìn nó, hỏi.

– Cái này tao hỏi mới đúng, tưởng mày bị tào tháo đuổi mà? – Nó nhếch môi cười.

– Biết rồi còn hỏi. Nói đi, mày làm cách làm mà thầy cho ra ngoài thế?

– À, tao nhắn tin nhờ mẹ gọi điện đến rồi xin thầy cho ra ngoài nghe. – Nó lắc lắc cái điện thoại trên tay, mỉm cười gian xảo.

– Mày đúng là đồ hư đốn. – Tôi nói.

– Học tập mày thôi. – Nó đáp. Tôi và nó gườm gườm nhìn nhau rồi cùng bật cười như hai đứa lưu manh. Ta nói, những đứa xấu xa thường kết bạn với nhau!

Hết giờ, tôi và thằng Cương vui vẻ dắt nhau vào lớp, bên trong vẫn còn non nửa lớp chưa về, thấy chúng tôi bước vào, bọn nó hò nhau vỗ tay ầm ĩ, xong xuôi mới lục tục xách cặp đi về, ngang qua chỗ chúng tôi, đứa nào cũng cười tủm tỉm, vỗ vai thân tình, liên tục nói chúc mừng.

Tôi và thằng Cương không hẹn cùng quay ra nhìn nhau, mặt đần thối vì chẳng hiểu gì cả. Chẳng mấy chốc, cả lớp đã kéo nhau về hết, chỉ còn lại nhỏ Linh và mấy đứa trong xóm nhà lá.

– Là sao thế? Đứa nào được chọn thế? – Tôi ngơ ngác hỏi bọn nó.

– Hai đứa mày chứ ai. – Nhỏ Linh thản nhiên đáp.

– Tại sao? – Tôi và thằng Cương cùng gào lên.

– Ai bảo chúng mày “khôn” quá cơ. Đứng đâu không đứng, lại đứng ngay chỗ nhà xe. Thầy giáo nhìn qua cửa sổ, thấy hai đứa mày đang ngồi chơi oẳn tù tì, thế là toi đời chúng mày luôn. – Nó tủm tỉm nói tiếp.

Nghe nhỏ Linh giải thích xong, tôi và thằng Cương lại quay ra nhìn nhau, mặt chảy dài như chó bull, chỉ thiếu nước ôm nhau khóc nức nở. Ở bên cạnh, bốn đứa kia không những không an ủi mà còn ôm bụng cười ngặt nghẽo, thản nhiên coi nỗi đau khổ của hai chúng tôi là một việc đáng ăn mừng.

– Thôi, mấy đứa này về đi để cái Dương với thằng Cương lại, tao giao việc.

Nhỏ Linh hất mặt nói với bốn đứa kia rồi vươn tay túm áo, lôi tôi và thằng Cương ngồi vào bàn. Tôi nước mắt nước mũi ròng ròng, đau khổ níu tay Băng khi nó chuẩn bị bước qua tôi:

– Băng.

– Thôi cố lên, hôm ấy tao sẽ tặng hoa cho mày. – Băng tủm tỉm vỗ vai tôi.

– Phong…

Tôi lại tìm đến Phong nhưng cậu ta thậm chí còn không thèm nói một lời an ủi mà chỉ véo má tôi một cái rồi theo chân Băng đi ra ngoài.

Cuộc đời thật lắm chông gai, hết cái đen này lại đến cái đen khác!

————–


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.