Huyền Thoại Chưa Kể

Quyển 1 - Chương 16: Quyển 1 - Chương 16



Sính lễ của Tỉnh Vĩ được chấp nhận nhẹ nhàng khiến bao kẻ tức đỏ mắt nhìn giai nhân trong lòng được gả đi với vài cái bình cẩm thạch và một viên đá vô dụng. Nhiều tên còn nghiến răng nghiến lợi, muốn nuốt sống luôn Dược Thần khi thấy tình cảnh hoàng nữ Trọng Xuân không khác gì đang van xin được lấy con hươu ấy với bất kỳ giá nào. Người hiểu chuyện hơn chỉ đành ngậm ngùi chấp nhận chuyện sự đời khó lường, thứ bao người mưu cầu khao khát lại lọt vào tay kẻ vô cầu ngơ ngác.

Tuy nhiên, ai ghét ai hờn, Tỉnh Vĩ đều ném ngoài tai bởi việc chuẩn bị hôn lễ vẫn chưa hoàn tất… Hỷ phục đã gửi đi nhờ sửa chữa nhưng vẫn còn chuyện trang hoàng nhà cửa, bày tiệc, đón khách,… đang hối thúc. Ngày hôn lễ, trước nhà thường treo đèn lồng đỏ, phải có chữ song hỷ, có hoa có pháo, rồi nến long phụng thắp bàn thờ tổ tiên,… Khổ nỗi, lũ tiểu tiên lẫn hươu ngốc xưa nay toàn nấu thuốc, cắt thuốc, đâu bao giờ cắt giấy, xếp đèn, nên sư đồ Y Viện làm gì cũng chỉ biết lật sách ra tìm tòi, nếu sách viết khó hiểu thì cậy nhờ người ngoài. Loay hoay cả ngày, việc thành thì ít việc loạn thì nhiều, chưa đốt pháo hỷ mà từ ngoài ngõ vào đến phòng khách đều đỏ rực màu giấy. Tiên hữu đi ngang liếc nhìn đều cười trào nước mắt, chẳng hiểu cả Y Viện đang chuẩn bị hôn lễ hay đang… chơi đồ hàng giống lũ trẻ phàm trần. Trái lại, một vài người tốt bụng động viên rằng đôi khi hôn lễ cần chân thành hơn phô trương lòe loẹt. Họ còn an ủi hươu ngốc bằng cách nhắc chuyện ngay cả Thiên Đế năm xưa còn phải nạp hậu giữa rừng, không có nổi hương đèn bàn thờ gia tiên.

Vật lộn hai canh giờ, hươu ngốc và đám đồ đệ cũng có mấy chữ song hỷ tạm gọi là thành hình, đèn lồng vẫn miễn cưỡng chấp nhận được. Hồ Vương và Mạnh Hạ thương hươu sao tất bật nên đến góp cho phong pháo treo trước cửa Y Viện, thêm vài trăm bình rượu quý thiết khách, sẵn tiện gửi luôn cặp đèn cầy để thắp lên bàn thờ. Rồi đến phần những thứ như rèm cửa, khăn trải bàn đều cần có màu đỏ cho hợp lễ nghi, nhưng nay tình cảnh đột ngột, tìm rèm cửa lẫn khăn bàn đỏ thực quá đỗi khó khăn. Mấy vật ấy cũng cần đo đạt đường hoàng, đâu thể nhắm mắt mua bừa, chọn bừa. Bất chợt hươu ngốc nhớ đến chốn rừng sâu có loại cây đặc biệt, chỉ cần giã nhỏ thân cây hòa với nước, vải vóc nào ngâm vào nước đấy đều hóa đỏ, dù chỉ giữ được đôi ba hôm. Thế là bọn tiểu tiên vâng lời sư phụ, mang rèm, khăn có sẵn trong nhà ra giặt trong lúc hươu ngốc lên rừng hái cỏ cây. Tuy nhiên khi đã hái đủ số cây cỏ cũng chưa hẳn đã nhuộm được chăn, rèm. Bởi vỏ loại cây này trời sinh cứng cỏi, cứng hơn cả đá, cả Y Viện cố giã thân cây, giã toát mồ hôi, sưng cả tay mà vẫn chẳng tí suy suyễn. Cũng chính vì thế, cặp Đoạt Mệnh Song Đao danh bất hư truyền từ thời thái sư Hồ tộc oai vệ sống mái trận tiền cắt đầu tướng giặc, đến thời theo hoàng tử Mạnh Hạ đẩy lui ngàn vạn kẻ thù, nay lại lần đầu tiên trong đời được dùng… nghiền nguyên liệu nhuộm vải. Thực chẳng hổ danh bảo đao, chỉ một loáng, mớ cây cỏ cứng đầu đã nát thành ngàn mảnh, sẵn sàng hòa vào nước nhuộm khăn, rèm. Ngâm chừng nửa ngày, quả thật hết thảy rèm, khăn đều hóa đỏ au rực rỡ, y hệt những thứ trang hoàng cho ngày đại hỷ.

Sau đó có thị vệ của Thiên Đế đến trao Tỉnh Vĩ cả núi hoa diên vĩ màu xanh tím mơ màng điểm xuyết chút sắc vàng kiêu kỳ. Thị vệ ấy nói nhỏ.

– Hẳn ngài hiểu hoa này để làm gì chứ. Thiên Đế đặc biệt gửi cho ngài đấy.

– Đa tạ hai người! Dương thị vệ gửi lời cảm ơn của ta tới bác Vạn Vũ luôn nhé.

Việc chuẩn bị vậy là gần trọn vẹn, Đường Lệ cũng vừa về đến nhà sau khi giao thiếp mời. Nơi thần giới, việc chuyển thư từ hay thiếp mời vốn không cần tự thân hoặc nhờ người mang đến tận nơi giống phàm gian, tiên nhân gửi thư chỉ đi tìm cơn gió đang thổi về hướng có người mình muốn trao thư rồi vận phép thuật vào gió, thế là gió sẽ tự đưa thư đến với đúng đối tượng nhận thư, thậm chí cả những món đồ vật lớn tới không tưởng cũng có thể chuyển đi nhanh chóng bằng cách này. Tuy nhiên gió mưa thần giới đâu giống gió mưa phàm trần, chẳng có Thần Gió nào tạo ra gió cho tiên nhân, gió chốn này cũng như tiên khí tự do vận chuyển, không biết đâu mà đoán trước được, bởi vậy khi muốn gửi thiếp mời, Đường Lệ phải biết xác nhận hướng gió đi đâu về đâu, chưa kể mớ thiếp trong này nhiều đến chẳng đếm xuể và cần gửi đi nhiều hướng nhỏ như Đông Nam, Đông Bắc, Đông Đông Nam,… Chỉ riêng vận phép tìm đúng cơn gió đã tốn không biết bao nhiêu tiên pháp, thế mà còn phải dùng phép gửi cả núi thư đi trong vòng một ngày thì tiên nữ làm sao chịu nổi. Cuối cùng cô nàng mệt đến thở chẳng ra hơi, nằm vật hẳn xuống đất, lòng tự hỏi cớ sao sư huynh cưới gấp đến thế, làm mình mời khách đến rã rời.

Chuyện trang trí và mời khách xem như ổn thỏa, chỉ còn khoản đãi tiệc. Thế gian đều biết khách đến mừng cưới vốn đâu thể chỉ uống rượu khan, đã gọi là hỷ tiệc dĩ nhiên ít nhiều vẫn phải có dăm món ăn lót dạ. Khổ thay, thời gian đã gần kề, cả Y Việc hợp sức nấu nướng cũng khó lòng hoàn thành đúng ngày thành hôn. Suy tới nghĩ lui, hai sư huynh muội nhà Dược Thần đành… xuống trần tìm thức ăn. Dù không cao sang bằng thần giới, nhưng bánh phu thê, bánh cốm, xôi vị,… chốn đấy thường chẳng mấy khi thiếu thốn. Quyết định như thế, hai kẻ hạ phàm mang lên cả nhà bánh trái đãi khách.

Thấy cả mớ bánh ê hề, Trọng Xuân liền nói lại với tướng công chuyện lúc nhỏ dưới trần gặp “vị thần gánh cả bầu trời”, còn bảo người thấy đó mất đó, ngỡ gần ngay trước mắt nhưng chạy đến đã mất hút chẳng khác ảo giác trêu ngươi. Nghe xong, Tỉnh Vĩ chợt che miệng cười thầm, bởi thê tử vừa nhắc tới năm tháng, địa điểm dưới trần, hắn đã biết ngay cửu vĩ hồ nhận đúng người. Tiếc rằng ngày ấy hắn ta đâu biết Trọng Xuân là ai, chỉ biết chơi chán rồi thì về Y Viện, hờ hững bỏ lại sau lưng bóng giai nhân mòn mỏi tương tư. Còn xôi vị càng không phải hắn thích mà là Đường Lệ thích, hắn mua vì chiều sư muội, bất cứ thứ gì tia nắng nhỏ thích, hắn đều mua bằng hết.

Nghe người thương giải thích xong, hồ ly liền làm mặt giận dỗi.

– Chàng chiều chuộng Đường Lệ, sư muội thích là mua, còn em thì sao, chàng có chiều em không.

Hươu sao vốn khờ khạo, chẳng biết trả lời cho hợp lòng nương tử, toàn gãi đầu cười trừ, khiến Trọng Xuân bốc hỏa cấu véo hắn tím hết hai tay.

……………………………….

Ngày đại hôn rồi cũng tới, đôi áo hỷ đã hoàn thành việc sửa chữa, nhà cửa đã trang hoàng hết, rượu, tiệc cho khách cũng xong, chỉ cần chờ đến thời điểm làm lễ trước tổ tiên.

Đúng sáng hôm sau, chốn Y Viện rực rỡ pháo hồng, cổng hoa diên vĩ rạng ngời khoe sắc mừng Dược Thần rước công chúa Hồ tộc về thành hôn. Bằng hữu nhà Dược Thần đến khá đông đủ, rốt cuộc Đường Lệ đã chẳng phí công vô ích. Ai ai cũng mừng cho Tỉnh Vĩ phúc lớn, lấy được nương tử xinh đẹp, lại gặp nhà vợ hiền hậu, nhân từ. Những người đường xa quá thì gửi quà mừng, có quà thảo dược quý, có quà là lụa là gấm vóc, cả kẻ nào đó gửi đến cả mấy chục dược bình đẹp mê hồn.

Bên cạnh những bằng hữu thật tâm đến chúc mừng, cũng có vài tiên nhân Thiên Cung ganh tị, cứ nhỏ to bảo đại hôn đón công chúa tộc cửu vĩ hồ mà chẳng ra sao, đèn lồng đỏ cái xiên cái vẹo, chữ song hỷ cũng chẳng cắt ngay hàng thẳng lối. Có người cười nhạo đôi hỷ phục trông quái dị, hoa văn rối rắm, còn xa gần mỉa mai Tỉnh Vĩ là thứ không cao sang nên làm gì cũng chả thuận mắt. Họ nói thế bởi thường hôn lễ trong hoàng thất, hỷ phục sẽ mang họa tiết thể hiện nguồn gốc giống loài, nếu hoàng thất cao quý như nhà Thiên Đế, y phục đại hôn sẽ thêu rồng đính phụng, thần tộc chư hầu giống cửu vĩ hồ thường mặc áo hoa văn cáo chín đuôi. Với hôn lễ nhà quan lại hoặc thường dân thì hình thêu áo là uyên ương. Đằng này đôi áo hỷ hôm nay toàn họa tiết chẳng chút liên quan, khiến chúng tiên hữu trông thấy cứ bàn tán xì xào rằng công chúa Hồ tộc xuất giá về nhà chồng vừa chẳng có hỷ phục hoàng thất mà đôi uyên ương đơn giản cũng không hề được thêu lên cho đúng lễ nghi.

Qua ánh nhìn tiên hữu, tấm áo tân nương trên thân Trọng Xuân là dạng áo váy quấn vạt trái, trắng toàn bộ, có thân rất dài kèm đai ngọc khá lớn, cả tấm thân áo phô lên những họa tiết tròn như đóa hoa sáng lấp lánh, tay áo dài bó, những bảo ngọc xếp đan xen lai áo tạo nên vô vàn hình thù quái dị. Tân nương về nhà chồng thường đội nón ba tầm có phủ mạng che mặt, đằng này Trọng Xuân lại búi tóc cao, cài thêm mấy bông diên vĩ. Y phục tân lang lại càng lạ, sắc màu xanh đen sẫm, cũng áo váy quấn thân vạt trái, thân dài gần chạm đất, cũng đeo đai ngọc, nhưng họa tiết lại chỉ mỗi hình tròn rất lớn bao quanh biểu tượng gần giống hình sao năm cánh kết bằng ngọc quý, chiếm trọn cả phần trước áo. Tóc hắn xõa ra, cắm thêm mấy sợi lông vũ. Đặc biệt hơn, đôi phu thê đều khoác áo choàng bên ngoài, dường như áo kết bằng lông vũ bên ngoài rồi độn vải bên trong. Cổ tay cổ chân đeo vòng màu vàng bao kín và chẳng hề mang giày. Khách mời hỏi tới, Dược Thần cười đáp rằng theo truyền thống quê nhà hắn, mặc bộ hỷ phục này thường không đi kèm với giày, phải để chân trần để tiếp xúc ngũ hành, cầu xin ngũ hành ban phước cho ngày hôn lễ tròn vẹn, viên mãn.

Hiển nhiên đôi áo choàng lông vũ thành điểm chính cho mọi người thi nhau nhạo báng. Họ nói xa gần Tỉnh Vĩ bắt bừa con vịt con gà nào đấy để may áo, làm tấm áo đã quái đản lại thêm trăm phần kỳ dị. Kẻ độc mồm hơn lại bảo áo choàng trên thân Tỉnh Vĩ lại đen hơn cả màu tóc, ắt hẳn do… lông quạ kết mà thành. Kẻ ngậm ngùi lôi từ ngữ cổ xưa hay nói công chúa vu quy là “hạ giá” để chê bai trong hôn lễ này Trọng Xuân còn tệ hơn cả hạ giá. Người lắc đầu nhìn bàn thức ăn mà phán xét những thức ăn đãi quan khách từ cõi phàm không chút tôn nghiêm, đứng đắn, chẳng xứng đặt cạnh mấy vò mỹ tửu Hồ tộc. Tựu trung, ai cũng đang hàm ý thương thay phận hồng nhan gả nhầm chốn bần hèn, như bảo vật vùi lẫn tro than. Có lão hắc long cũng thuộc hàng tướng quân thần giới đứng ngoài cửa nhìn Tỉnh Vĩ tay trong tay âu yếm cùng công chúa xinh đẹp, liền mỉa mai hắn là thứ gỗ mục, cỏ dại hèn hạ mà giỏi trèo cao đèo bồng, rốt cuộc cũng với được đến vị trí hiền tế nhà danh giá.

Lúc hươu ngốc đến chào nhà vợ, tộc hậu Liên Đài thoáng chốc giật mình khi nhìn thấy hiền tế có đeo khuyên trên tai, nếu vậy hẳn tai hắn phải có lỗ từ rất lâu. Bà chợt hiểu ra rằng quá khứ con hươu này có lẽ chẳng hiền lành gì.

Bằng Thủy tiên nhân cười thầm vài giây rồi nói cùng Liên Đài.

– Hắn có cả hình xăm nữa đấy, bắp tay phải xăm hình núi non, bắp tay trái xăm biểu tượng thổ ngũ hành.

Chuyện tướng công xăm mình Trọng Xuân đã thấy từ hôm cùng chăn gối nhưng không nói ra. Nàng tự biện hộ Tỉnh Vĩ mồ côi từ nhỏ, sống một mình chẳng phụ mẫu quản lý, nhỡ có bị bạn bè lôi kéo làm mấy trò ngang tàng cũng đâu lạ lẫm gì. Hình xăm nay đã mờ mịt đi như một thời dĩ vãng nổi loạn, miễn nay hắn đường hoàng chính chắn là đủ, quá khứ cần chi đặt nặng.

Tộc hậu cũng không thèm chấp nhặt nhiều, chỉ nghĩ thoáng qua con hươu này khi còn trẻ chắc cũng thuộc dạng ngang ngược. khó bảo. Mà nói sao đây, con trai bà đâu ngoan ngoãn gì, con gái cũng hung dữ đanh đá, ngay cả tướng công vẫn có thời lật trời lật đất rồi mới chịu tu tâm dưỡng tánh tiếp quản Hồ tộc, thêm đứa con rể này đúng là thiên mệnh cố tình ghép luôn cho đủ bộ.

Riêng Thiên Đế hôm ấy có ghé qua uống vài ly rượu, ăn vài cái bánh cốm cho đỡ nhớ Thiên Hậu đã qua đời, sẵn nói vài câu chúc mừng tộc chủ hồ ly tìm được hiền tế phù hợp, xứng duyên. Vua thần giới còn hào phóng đề thơ mừng cặp tân hôn.

“Phượng hoàng sánh với giống rồng.

Giai nhân khuê các cùng dòng danh gia.

Sắt cầm duyên nợ đâu xa.

Vừa đôi xứng lứa từ nay muôn đời.”

Đọc xong bốn câu thơ đề trên giấy đỏ, hươu ngốc chỉ cúi đầu cảm tạ chứ không nói thêm lời nào, sắc mặt cũng không tỏ ý tứ gì rõ ràng. Phần các tiên hữu xem trong thơ Thiên Đế bảo Trọng Xuân và Tỉnh Vĩ xứng đôi, chợt có phần ngờ ngợ, nhưng sau đấy họ nghĩ vua thần giới không nói về xuất thân địa vị nên liền gạt bỏ nghi hoặc ngay.

Sau khi tặng quà xong, Thiên Đế ghé tai nói thật nhỏ cùng tân lang: “Dáng dấp ngươi giống ông ấy lắm, cuối cùng ngươi cũng đã nạp thê, ông ấy sắp có thêm cháu rồi, ta chúc mừng ngươi và cũng chúc mừng ông ấy.”

Phần Dương thị vệ đi theo Thiên Đế thì lại cúi đầu, kính cẩn hai tay đưa cho hươu ngốc cặp ngọc bội màu đỏ hình đôi chim phụng – hoàng như quà mừng cưới. Dược Thần nhẹ nhàng nhận lấy quà và nói lời đa tạ thị vệ trước bao ánh mắt tròn xoe vì kinh ngạc.

Thiên Đế đứng một bên lén cười thầm. Cả đời ông chưa bao giờ thấy liên hôn hai gia tộc danh giá nào bình dị đến nhường này, chẳng chút uy phong rầm rộ, chẳng chút cao sang lộng lẫy, trái lại còn khối kẻ buông lời mỉa mai khinh rẻ nào là chẳng xứng lứa vừa đôi, nào là đũa mốc chòi mâm son. Riêng ông thấy trên đời chỉ có bốn từ “môn đăng hộ đối” mới phù hợp nhất cho đôi phu thê này. Hôn sự hôm nay nếu đúng lễ đáng ra phải có báu vật chất nhiều như nêm, phải trăm thuyền rước dâu rộn ràng, sính lễ đầy nhà cùng bao vị tai to mặt lớn khắp nơi tề tựu chúc mừng. Thế nhưng hiện giờ ngoài Tỉnh Vĩ ra chắc có mỗi Thiên Đế và Bằng Thủy là hiểu Trọng Xuân đã được gả về danh gia vọng tộc nào.

Tỉnh Vĩ đưa Trọng Xuân đến trước bàn thờ tổ tiên thắp hương thắp đèn, định duyên phu thê trọn đời. Ngỡ đâu mọi việc chỉ có lên đèn, thắp hương, khấu đầu trước hương án là xong, ai ngờ lão thần Bằng Thủy đòi chính thân Hồ Vương phải… quỳ lạy trước hương án thân mẫu Dược Thần năm cái.

Tộc chủ một thần tộc lớn mà phải quỳ lạy bài vị thân mẫu một hạ đẳng thần nhỏ nhoi, điều này xưa nay chưa từng có tiền lệ, toàn thể chúng tiên hữu thảng thốt nghĩ lẽ nào thượng đẳng thần nhớ lầm. Tuy nhiên lão vẫn một mực khẳng định.

– Ta không lầm đâu, không tin cứ hỏi Thiên Đế.

Vua thần giới chẳng thèm ngẫm nghĩ, cứ thuận theo lời Bằng Thủy mà bảo nếu vua cáo không quỳ xuống hành lễ trước hương án nhà Tỉnh Vĩ thì xem như chưa hoàn thành lễ nghi, cũng coi như Trọng Xuân chưa được nhận về làm dâu.

– Những thủ tục này bỏ bớt đi được không? Làm thế này cháu thấy hơi quá đáng. – Hươu ngốc vội ngăn cản.

– Bỏ là bỏ thế nào, ngươi bỏ thủ tục này chính là không tôn trọng nhà vợ, rốt cuộc ngươi có muốn cưới Trọng Xuân không mà đòi bỏ này bỏ nọ. – Thượng đẳng thần trừng mắt nói cùng cháu rể.

Một khi Bằng Thủy làm dữ, ai mà dám phản đối, hươu ngốc cắn răng đứng nép sang bên chẳng dám hé môi nửa lời, Hồ Vương cũng đành theo lời anh vợ, quỳ lạy đủ năm lạy trước linh vị thân mẫu con rể.

– Tốt! Giờ tới lượt Trọng Xuân!

Lão hồ ly vừa nói vừa hướng mắt nhìn về phía Thiên Đế. Vua thần giới hiểu ý, gọi ngay thị vệ đi cùng mình mang một tấm chiếu ra trải trước bàn hương án.

– Trọng Xuân quỳ xuống đây! Khấu đầu năm cái hành lễ. – Bằng Thủy chỉ tay vào tấm chiếu, ra lệnh cho cháu gái.

– Bác ơi! Trọng Xuân mang thai nên cháu nghĩ… – Tỉnh Vĩ lại chen vào.

– Ngươi im được chưa, vì nó mang thai nên ta mới bảo nó khấu đầu, chứ đúng luật là phải lạy đấy.

Biết bác trai khó khăn có tiếng, xưa nay chưa ai dám cãi lời lão dù chỉ một chữ, Trọng Xuân càng chẳng thể ngoại lệ, đành ngoan ngoãn quỳ xuống chiếu khấu đầu.

Hươu ngốc xót nương tử, định bụng nàng khấu đầu xong thì đến đỡ đứng lên ngay, nhưng Bằng Thủy với cái bản tính trọng lễ nghĩa tới chết không chừa, vẫn chả chịu ngưng bớt những nghi lễ dài dòng, rắc rối. Lão cương quyết bảo thủ tục chưa xong vì còn những hai bước nữa, và các phần sau nhất thiết phải nhờ Thiên Đế ra mặt hộ.

Vua thần giới không chần chừ bước hẳn lên hỏi Tỉnh Vĩ.

– Ngươi có hai bộ hỷ phục thì ta chắc chắn thứ còn lại ngươi cũng phải có, đưa ra đây đi. Ta sẽ thay mặt cha ngươi hoàn thành nghi thức này.

Hươu sao không muốn dây dưa để thê tử phải quỳ lâu, liền tức thì đưa cho Thiên Đế một đôi mão, một cái là mão vàng trông khá giống mũ miện, cái còn lại thì mang hình dạng y hệt miếng ngọc đỏ lớn, màu sắc cũng rất tương đồng màu hồng ngọc.

– Đây là gì vậy? – Trọng Xuân ngước mắt lên hỏi.

– Đừng hỏi nhiều! Cúi đầu xuống! Ta đang giúp cho ngươi được mang danh phận chính thất đấy. – Bằng Thủy gằn giọng với cháu gái.

Hồ nữ dù chẳng hiểu gì nhưng vẫn phải vâng lời cúi xuống để vua thần giới đội mão vàng lên cho mình. Đứng bên ngoài nhìn, Tỉnh Vĩ bắt đầu lạnh sống lưng, lòng chợt lo sợ không nhẽ lão thần Bằng Thủy đã đoán ra hắn là ai, đoán ra là do ông ấy tinh tường, hay do Thiên Đế nói…

Trọng Xuân đội mão vàng xong, đến lượt Tỉnh Vĩ cũng quỳ xuống để được đội mão hồng ngọc lên đầu. Hết công đoạn đội mũ, vua thần giới bảo hươu ngốc đứng lên cho cửu vĩ hồ khấu đầu thêm năm lần nữa.

Trông vào thủ tục rườm rà, chúng tiên hữu bắt đầu ức chế, ước đoán liệu đây có phải nghi thức của Thiên Lộc tộc, nhẽ nào thần tộc ấy trọng nam khinh nữ, giữ khư khư hủ tục lạc hậu, ngay cả công chúa cũng phải quỳ lạy, rồi cha vợ đường đường quân vương một tộc phải hành lễ trước bài vị gia tiên nhà con rể. Vài kẻ còn tức giận thay Trọng Xuân khi nghe nhắc tới danh phận chính thất, vì thường chỉ thuộc hàng hoàng thân quốc thích mới được nạp thiếp, trong khi họ thấy rành rành con hươu ấy thân thế thấp hèn, lấy được công chúa đã là viễn vông lắm rồi, đâu ra chuyện tam thê tứ thiếp…

Đúng lúc làm lễ xong, mọi người định cho Trọng Xuân vào phòng tân hôn nghỉ ngơi dưỡng thai, chợt Thiên Đế ngăn bước lại, bảo hôn lễ còn thiếu một bước quan trọng, nơi Dược Thần sinh ra, phong tục ấy nhất định không thể thiếu tại bất kỳ ngày đại hôn nào, dù hôn lễ sơ sài tận cùng vẫn không được bỏ bước này.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.